Tân Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Rex Tillerson là ai?

Tân Bộ Trưởng Tillerson nói chuyện với nhân viên ngoại giao Hoa kỳ ở Washington DC ngày 2 tháng 2, 2017

Tin VOA: Sau hơn 40 năm làm việc cho công ty dầu khí Exxon, ông Rex Tillerson đã được Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn thuận vào chức vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ. Với 56 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Hoa Kỳ ngày 1 tháng 2 đã chuẩn thuận người được Tổng thống Trump đề cử ra lãnh đạo Bộ Ngoại giao, có tiếng nói quyết định trong các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ai cũng biết ông Rex Tillerson là cựu Giám Đốc (CEO) của công ty ExxonMobil, nhưng thực sự ông là ai? Mời quý vị cùng VOA tìm hiểu những thành tích của ông trong sự nghiệp với Exxon và lý do vì sao ông gặp sự chống đối khá đáng kể tại quốc hội trong tiến trình chuẩn nhận.

Vào buổi tối Mồng 1 tháng Hai vừa qua, ông Tillerson 64 tuổi, tuyên thệ để trở thành Ngoại trưởng thứ 69 của Hoa Kỳ tại Phòng Bầu dục, Tòa Bạch Ốc.

Tại lễ tuyên thệ, Tổng thống Donald Trump ca ngợi ông Tillerson là người hiểu rõ “tầm quan trọng của việc củng cố quan hệ với các đồng minh và hình thành các mối quan hệ đồng minh mới hầu có thể bảo đảm các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và sự an toàn của người dân Mỹ.”

Sứ mệnh của ông Tillerson

Ông Trump nêu rõ mục tiêu của ngành ngoại giao trong giai đoạn tới như sau:

“Đã đến lúc chúng ta phải đề ra mục tiêu rõ ràng về mặt đối ngoại, để có một cái nhìn mới về thế giới xung quanh, để tìm kiếm giải pháp mới dựa vào sự thật có từ xa xưa.”

Tại buổi lễ tuyên thệ, ông Tillerson cam kết sẽ “đại diện cho các lợi ích của tất cả người dân Mỹ, trong mọi hoàn cảnh.”

Ông Tillerson đã được tạp chí Forbes bầu chọn vào danh sách những người quyền lực nhất thế giới vào năm 2015.

Phát biểu trước khi chuẩn thuận ông Tillerson, Thượng nghị sĩ Bob Corker thuộc đảng Cộng hòa, đại diện cho tiểu bang Tennessee và đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói ông tin chắc ông Tillerson sẽ là một nhà lãnh đạo hiệu quả khi phục vụ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ:

“Ông Tillerson lãnh đạo một công ty toàn cầu với 75.000 nhân viên, có các mối quan hệ sâu sắc trên toàn thế giới, và hiểu được vai trò quan trọng của lãnh đạo Hoa Kỳ. Ông ấy đã cam kết bảo vệ các giá trị của Hoa Kỳ và phục hồi uy tín quốc gia bằng cách củng cố các quan hệ đồng minh đã có và xây dựng quan hệ với các đồng minh mới.”

Hôm thứ Năm ngày 2 tháng 2, ông Tillerson đã đến gặp nhân viên Bộ Ngoại giao, nơi mà nhiệm vụ đầu tiên của ông có lẽ là tìm cách “hạ nhiệt” bầu không khí đang trở nên căng thẳng, sau khi gần 1.000 nhà ngoại giao đồng ký tên vào một văn thư nội bộ, bày tỏ quan điểm bất đồng và phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. Sắc lệnh này ra lệnh tạm thời đình chỉ chương trình tị nạn, đồng thời cấm cửa di dân đến từ 7 nước Trung Đông và Châu Phi, nơi đa số dân theo Hồi giáo, không được nhập cảnh vào Mỹ. Phát biểu trước các nhân viên ở Bộ Ngoại giao, ông Tillerson không trực tiếp đề cập đến bức thư bày tỏ ý kiến bất đồng, nhưng ông khuyên nhủ nhân viên hãy “thích nghi với những sự thay đổi.”

​Đối đầu với Trung Cộng

Ngay sau khi được ông Donald Trump đề cử vào chức vụ ngoại trưởng, ông Rex Tillerson nói tại một cuộc điều trần ở Washington DC hôm 11 tháng 1 rằng Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Cộng lui tới các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây trên biển Đông.

Ngay từ đầu, ông đã thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, như Hoa Kỳ phải ngăn cản Trung Cộng xây dựng trái phép trên Biển Đông, cản Trung Cộng tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp và xây dựng một cách phi pháp. Lên tiếng tại Quốc hội Mỹ, ông Tillerson nói:

“Chúng ta sẽ phải gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Cộng rằng thứ nhất, họ phải ngưng chỉ việc xây đảo, và thứ hai, các ông không được cho phép tiếp cận các đảo đó”.

Là một đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Nam Á, Philippines lên tiếng ủng hộ ông Tillerson ngay khi ông còn là ứng viên ngoại trưởng Mỹ. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 14 tháng 1 nói với báo chí rằng Manila sẽ không ngăn Hoa Kỳ nếu nước này tính chặn, không cho Trung Cộng tiếp cận các đảo nhân tạo trên biển Đông. Ông Yasay tuyên bố:

“Nếu quyền lợi quốc gia của Mỹ là ngăn chặn Trung Cộng chiếm đóng các cấu trúc đang bị tranh cãi ở biển Đông, họ có quyền tự do làm điều đó bởi vì đây là các vùng biển quốc tế.”

Tuy nhiên, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của công ty ExxonMobil không nêu cụ thể ông sẽ làm gì để chặn Trung Cộng, không cho tiếp cận các đảo mà nước này đã xây cất kiên cố, trang bị vũ khí, và xây các phi đạo trên đó.

Phát biểu của ông Tillerson lập tức làm Bắc Kinh nổi giận, mở đường cho khả năng xảy ra đối đầu nghiêm trọng giữa Washington và Bắc Kinh.

Hôm 13 tháng 1, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Cộng cảnh cáo Hoa Kỳ rằng chiến tranh sẽ bùng nổ nếu Washington chặn Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh tuyên bố họ có quyền tiến hành các hoạt động gọi là “bình thường trong lãnh thổ của mình”.

Trong phiên điều trần hồi tháng trước, ông Tillerson tránh lên án những vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Cộng và Philippines.

Và khác với quan điểm của ông Trump về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Tillerson thừa nhận biến đổi khí hậu là một vấn đề.

Tillerson và Việt Nam

Ngày mồng 2 tháng 2, Phó Thủ tướng Cộng Sản Việt Nam kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chúc mừng ông Rex Tillerson nhân dịp ông được Thượng viện Hoa Kỳ chính thức thông qua đề cử trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Ngày 13 tháng 1, công ty dầu khí ExxonMobil và công ty PetroVietnam ký kết một hợp đồng khai thác dầu khí trên biển Đông trị giá 10 tỷ đô la.

Trả lời VOA Việt ngữ vào thời điểm ông Tillerson được đề cử làm Ngoại trưởng, công ty ExxonMobil cho biết:

“ExxonMobil đang tiến hành các hoạt động phát triển mỏ Cá Voi Xanh theo một hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí thực hiện với công ty PetroVietnam vào tháng 6, năm 2009. Khu vực này, theo Hà Nội, là thuộc lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam. ExxonMobil tin rằng vấn đề chủ quyền là những vấn đề mà chỉ có các chính phủ mới có thể quyết định. Những vấn đề này không ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của chúng tôi.”

Công ty ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ở ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối. Theo giáo sư Thayer, ông Tillerson có thể đã biết về việc Trung Cộng đe dọa các công ty Mỹ nếu tham gia khai thác dầu khí trên các vùng biển mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền.

Về phía Việt Nam, khi được hỏi về tuyên bố của ông Tillerson về vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 12 tháng 1 nói (như con vẹt lập đi lập lại từ trước đến nay) “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

Ông Bình nói: “Chúng tôi cho rằng các bên đều có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng cho mục tiêu chung, cũng như đảm bảo lợi ích chung”.

Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam và các quan hệ quốc tế, nhận định với VOA rằng chính quyền của ông Trump, cũng như những phát biểu về vụ tranh chấp Biển Đông của ông Tillerson, cho thấy Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách xoay trục sang châu Á, làm cho khu vực và Việt Nam có thể trở thành một điểm nóng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói với VOA rằng cả Tổng thống Trump lẫn Ngoại trưởng Tillerson đều “nắm rất chắc” những vấn đề liên quan đến Việt Nam, khu vực và Biển Đông. Ông Trường tin rằng họ sẽ “kế thừa, phát triển và đảm bảo những lợi ích của nước Mỹ, trong đó có quan hệ với Việt Nam”.

Ứng viên giờ chót

Ông Tillerson nổi lên như một ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng trong một danh sách dài, luôn mở rộng và luôn thay đổi của ông Trump. Ông Tillerson từ lâu là một trong các nhà tài trợ cho đảng Cộng Hòa.

Theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên tiểu bang, ông đã tặng 50.000 đô la cho Quỹ tranh cử tổng thống của ông Mitt Romney vào năm 2012, và 5.000 đô la cho Quỹ Right to Rise, một ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Jeb Bush, vào năm 2015.

Tuy nhiên, hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên tiểu bang không thấy bất kỳ khoản đóng góp nào của ông Tillerson cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử 2016.

Quan hệ với Nga

Ông Rex Tillerson giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty ExxonMobil từ năm 2006. Ông được cho là không có kinh nghiệm ngoại giao, nhưng có quan hệ kinh doanh với nhiều nước, đáng chú ý nhất là Nga. Ông Tillerson nói ông đã quen biết ông Putin từ rất lâu:

“Tôi quen biết ông Putin từ năm 1999. Tôi có quan hệ thân thiết với ông Putin.”

Khi đề cử ông Tillerson, ông Trump nói: “Đối với tôi, ưu điểm của ông Tillerson là ông ấy có quan hệ rộng lớn, và ông ấy quen biết rất nhiều người. Ông Tillerson có nhiều hợp đồng làm ăn khổng lồ ở Nga.

ExxonMobil và công ty dầu khí nhà nước lớn nhất của Nga, Rosneft, đã lập 10 liên doanh ở Nga kể từ năm 2011. Năm 2013, ông Tillerson đã được đích thân Tổng thống Vladimir Putin trao Huân chương Hữu nghị.

Mối quan hệ có vẻ thân tình của ông Tillerson với Tổng thống Nga đã làm nhiều nước đồng minh truyền thống của Mỹ trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tức NATO, lo ngại, trong tình trạng Nga đang ráo riết vận động để quốc tế công nhận việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine gần đây.

VOA tiếng Việt

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt