SÓNG NGẦM (Chương III)

Chương 3: Truyện ngắn “Sóng Ngầm” là “Tác phẩm được lấy cảm hứng từ hiện thực xã hội và một số nhân vật có thật. Viết tặng những ai đã và đang dũng cảm đứng lên chống lại chế độ độc tài bất công – Vì một xã hội Việt Nam tự do, bác ái trong tương lai”.

THẾ SỰ BẤT CÔNG VÀ NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH

Ra đến hàng rào, trông thấy bà Năm đang lúi húi ngoài sân, bà Hải liền hỏi với sang:

– Bác làm gì bên đó đấy?

Nghe tiếng gọi bà Năm ngẩng đầu lên, rồi vội vàng đi đến chỗ người hàng xóm đang đứng, vừa đi vừa vuốt mớ tóc lòa xòa ra chiều tất bật lắm. Chả là chỗ tối lửa tắt đèn, cho nên mỗi khi có việc gì, hai bà vẫn thường tỉ tê trò chuyện với nhau. Bà Năm có hai cô con gái đều lấy chồng xa, một cô làm việc ở Hà Nội, cô kia thì ở tận miền Nam. Vì vậy nhà bây giờ chỉ còn hai vợ chồng già. Bà là người sống tình cảm, tuy năm nay đã ngoài bảy mươi, nhưng phong cách nói chuyện vẫn còn vui và hóm hỉnh lắm.

Vừa bước chân đến nơi, bà đã bắt đầu kể lể:

– Ôi dào! Tranh thủ có chút nắng buổi sáng, tôi phơi ít bột nếp để tết làm bánh ngọt. Bây giờ người ta xay bằng máy cả, vừa nhanh vừa tiện, nhưng nhà mình chỉ có hai ông bà nên xay bột nước cho nó ngon chị ạ! Xưa nay vẫn như thế, bây giờ làm cái bột khô không quen!…

– Có thời gian mà xay được bột nước như bác thì còn gì bằng, vừa mịn lại vừa ngon!

– Thế chị chuẩn bị đến đâu rồi, tết này định làm những bánh gì? – bà Năm hỏi.

– Bánh Chưng và bánh tét thì đã có bố nó gói, còn em thì làm mấy thứ bánh Ngào(1), bánh Ong, bánh Biến(2) cho có không khí tết bác ạ.

– Chị làm nhiều thế, cũng tốn nếp lắm nhỉ?

– Mấy đứa con nhà em đang tuổi ăn tuổi lớn mà bác. Thằng Thắng nó thích ăn bánh Biến, nên năm nào em cũng làm.

Tiện mồm bà Hải lại nhắc đến con, chả là bà đang mong nó về. Bữa trước Thắng gọi điện, nói cuối tuần này được nghỉ tết, hôm nay là thứ bảy rồi mà vẫn chưa thấy đâu. Từ sáng tới giờ, bà vẫn ra vào mong ngóng là có ý như vậy.

Bà Năm cầm lấy tay người hàng xóm, tấm tắc:

– Chị có đứa con trai học giỏi, lại ngoan hiền là nhất rồi! Cả xã này ai cũng mong được như thế đấy!

Được khen như vậy, tuy im lặng nhưng thâm tâm bà Hải lấy làm hãnh diện lắm. Cái sự thương con của người mẹ không ồn ào, nhưng luôn sâu lắng như lòng đại dương vô tận.

Rồi hai người hàng xóm lại quay sang thủ thỉ với nhau đủ thứ chuyện mà hằng ngày cánh phụ nữ vẫn thường quan tâm. Có tiếng giày khua lộp cộp từ phía ngoài cổng, nghe mỗi lúc một rõ dần. Họ nhìn ra thì thấy Thắng đang hăm hở bước vào, túi hành lý khoác hờ trên vai. Sự bất ngờ khiến hai người đàn bà cùng ồ lên kinh ngạc, rồi cứ thế mà đứng lặng im như trời trồng.

– Cháu chào bác! Con chào mẹ! – Thắng cất tiếng hồ hởi.

Lúc này bà Năm đã lấy lại vẻ tự nhiên như trước, đon đả:

– Vừa nhắc đã thấy liền nhé. Thắng về nghỉ tết đó hả cháu?

– Dạ! – Thắng nhỏ nhẹ.

Bà Năm âu yếm kéo Thắng đứng sát vào người mình để ướm thử chiều cao – khiến mặt anh cứ đỏ dừ lên vì ngượng – rồi bà lại lùi ra xa ngắm nghía:

– Để coi nào! Chà! Bây giờ lớn và đẹp trai hơn trước nhiều lắm. Cơm thành phố đúng là nuôi tốt thật!

Đứng cạnh bà Năm, Thắng cao lốc ngốc hơn hẳn một cái đầu. Rõ ràng là không còn hình ảnh của cậu bé Thắng bẽn lẽn ngày nào nữa, thay vào đó là một chàng trai cao lớn, với khuôn mặt điển trai và nước da trắng trẻo. Cái dáng dấp đó cương nghị và tự tin lắm, giống hệt như bố Chiến thời còn trẻ vậy.

Vui mừng vì sự gặp mặt bất ngờ, bà Hải lúc này cứ bối rối mà chẳng biết nói gì cả.

Thấy người hàng xóm đang khó xử, bà Năm liền xua tay:

– Thôi, để cho hai mẹ con nhà anh nói chuyện. Tôi cũng phải về làm nốt công việc đây!…

Nói rồi bà lại tất tả quay vào nhà, hai cánh tay cứ bơi bơi như là người đang chạy bộ.

Vào đến sân nhà mình, Thắng đưa mắt nhìn khắp một lượt xung quanh. Vẫn khung cảnh quen thuộc như hồi nào, nhưng cây cối trong vườn thì có vẻ như đã tốt hơn, cành lá im lìm trong cái lạnh của tiết đông. Lũ chim câu trên chuồng liên tục vỗ cánh phần phật vào không khí, suốt ngày vẫn bận rộn với công việc bay qua bay lại của chúng.

Không nghe thấy tiếng bố như mọi khi, Thắng liền hỏi:

– Bố đâu hở mẹ?

– Bố đi làm chưa về. Nhà anh Trương trong xóm nhờ xây bờ tường. Họ muốn làm gấp cho kịp xong trước tết. Có lẽ nốt buổi nay nữa là xong! – Bà Hải trả lời con với một giọng gần như kể chuyện, pha lẫn sự âu yếm.

Con chó vàng hộc lên một tiếng rồi xồ ra, khi nhận ra Thắng, nó vẫy đuôi mừng quýnh, rồi cứ thế giơ hai chân trước mà chồm lên người anh như đang làm trò trong rạp xiếc. Sự mừng rỡ của chú chó, khiến cho hai chị em Nga và Thắm – lúc này đang hý hoáy làm hoa giấy trong nhà – nhìn ra. Khi phát hiện thấy anh về, chúng đồng thanh reo lên:

– Anh Thắng về!

Rồi cả hai cùng bỏ dở công việc chạy ra, túm lấy anh mà nhảy cẩng lên, khiến cho Thắng lại một phen bị lôi kéo vì những tình cảm vui mừng thái quá.

Tình thế khiến cho bà Hải phải can thiệp:

– Hai đứa nghịch vừa vừa thôi! Để anh mày còn vào nhà ngồi uống hớp nước nóng cho ấm người đã chứ!

Bấy giờ hai cô em mới chịu buông tha cho ông anh mình đi vào trong nhà.

Thắng ngồi xuống ghế, mở túi xách, rồi lấy mấy hộp bánh và mứt để lên bàn:

– Con mua về ít bánh kẹo tết!

Bà Hải nhìn con, trách móc:

– Con cứ mua làm gì cho tốn tiền. Ở nhà mình bây giờ cũng sẵn lắm, ra chỗ đầu xóm là họ bán đủ cả – Tuy nói vậy nhưng bà lại vui, vì thấy con mình đã bắt đầu biết quan tâm đến gia đình.

Cầm mấy cuốn sách từ tay anh tặng, Nga liền mừng rỡ giở ra xem, chừng như cô bé thích thú với những điều mới lạ trong đó lắm.

o0o

Thời tiết cũng lạ, buổi sáng còn hửng nắng như thế, vậy mà chiều nay đã lạnh cóng, lại kèm theo mưa phùn lất phất nữa. Lúc này, cả nhà ông Chiến đang quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Bữa cơm hôm nay, coi như để họp mặt gia đình nhân dịp Thắng về nghỉ tết. Hơi khói từ nồi cơm và thức ăn bốc lên nghi ngút, tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Thắng cảm thấy hạnh phúc vì cái không khí ấm cúng quen thuộc này. Những thứ vốn bình dị, nhưng khi xa cách lâu ngày, ta mới biết mình nhớ nhung và thèm muốn biết bao. Lâu nay sống ở thành phố, anh cũng như các bạn mình đều phải tự thân lo lấy mọi thứ, đâu được bàn tay chăm sóc ân cần của mẹ và các em như thế này.

Ông Chiến là người ngồi vào mâm sau cùng, nhìn thấy có mấy món ngon, ông cao hứng:

– Cái Thắm đi lấy chai rượu trong tủ lại đây cho bố!

Cô bé Thắm đi lại chỗ cái tủ ở góc bếp, mở ra lấy chai rượu ngâm mật ong sóng sánh đặt lên bàn. Ông Chiến lấy hai cái chén hạt mít, rót đầy. Rồi ông đưa một chén cho Thắng:

– Anh bây giờ đã chững chạc rồi, đàn ông cũng nên uống một chút rượu cho nó khí thế!

Vốn ít uống rượu, hôm nay hẳn là tâm trạng vui lắm ông Chiến mới như thế. Thắng đưa mắt nhìn bố, cầm ly rượu rồi ngượng ngùng đưa lên môi nhấp. Vị cay nồng của rượu khiến anh hơi cau mày, khuôn mặt tức thì đỏ bừng như ánh mặt trời chói chang. Hiện tượng đó khiến ba mẹ con đàn bà cứ nhìn nhau tủm tỉm cười. Cô bé Thắm giả vờ nhìn anh rồi lại quay nhìn ra ngoài trời, tinh nghịch hỏi chị:

– Mặt trời mọc đằng nào ấy nhỉ?…

Cả nhà cùng cười rộ lên vui vẻ vì lời bông đùa thú vị của cô con gái út. Bà Hải thì cứ liên tục tiếp thức ăn cho Thắng, dục anh ăn nhiều để giã rượu.

Đến lượt mình, ông Chiến cất chén rượu uống một hơi cạn. Sau khi “khà” lên một tiếng ngon lành, ông lim dim mắt mà ngâm rằng:

Lục nghị tân phôi tửu
Hồng nê tiểu hỏa lô
Vãn lai thiên dục tuyết
Năng ẩm nhất bôi vô

(Rượu ngon mới cất một vò
Đất nung màu đỏ hỏa lò sẵn kia
Tối ngày tuyết xuống bất kỳ
Uống chơi đã vậy chén thì có đâu)(3)

Nga đang gắp thức ăn, thấy bố ngâm thơ hay như vậy thì buông đũa xuống mà vỗ tay khen:
– Hoan hô! Bố ngâm thơ hay quá! Lại còn thơ chữ Hán nữa. Cứ như là trong sách ấy!…

Ông Chiến nhấp thêm ngụm rượu, vênh mặt lên, ánh mắt lấp lánh say sưa:
– Hay chứ sao không! Bố mày mỗi tội ít học thôi, chứ cái gì mà chẳng biết!

Khuôn mặt bà Hải lúc này cứ đỏ hồng lên vì xúc động. Niềm vui lớn nhất của một người mẹ, bao giờ cũng là nhìn thấy chồng con hạnh phúc, gia đình ấm êm như thế này.

Nghe bố ngâm thơ xong, tuy không khen ra miệng, nhưng Thắng thán phục cái vốn văn học cổ của ông lắm. Ngày xưa, nếu không phải vì hoàn cảnh, có lẽ bây giờ ông cũng đã trở thành một giáo viên giỏi hay nhà nghiên cứu văn học, lịch sử nào đó rồi chứ chẳng chơi.

Đang lúc cao hứng, lúc này ông Chiến lại quay sang phía Thắng, cất giọng căn dặn như một vị sư phụ đáng kính truyền hết tâm huyết cho đệ tử chân truyền:

– Làm thầy giáo cũng như người chèo thuyền. Âm thầm nhẫn nại, đưa hết chuyến này đến lượt khác qua sông. Người ta qua sông rồi lại tiếp tục đi đến những chân trời mới lạ. Bản thân mình thì vẫn ở lại đưa đò, sớm khuya không ngừng nghỉ. Khiêm tốn, kiên trì, đó là cái đức tính đáng quý của nghề nhà giáo vậy!…

Đây là lần đầu tiên ông nói với Thắng những lời như vậy. Rõ ràng là ông tin tưởng ở con, đã coi nó là người trưởng thành.

Mấy ngày tết, Thắng bận bịu đi chơi với các bạn cùng lớp hồi cấp ba. Đám bạn rủ nhau đến nhà chơi, rồi lại đi chúc tết thầy cô. Lâu ngày bạn bè mới gặp mặt đông đủ như vậy, cho nên vui lắm. Cái không khí những năm tháng học sinh như sống lại với họ. Đến nhà nào, tiện bữa thì ăn luôn, chẳng ai khách sáo gì cả, cứ tự nhiên như sinh viên vậy. Ở họ đã có những thay đổi, cả trong nhận thức lẫn hành động. Có mấy đôi trong lớp, trước đây thích nhau nhưng không dám bày tỏ, bây giờ tự nhiên chở nhau đi chơi, công khai tình cảm trước mặt bạn bè và mọi người. Ngạc nhiên nhất là cậu Cường, hồi đi học tính tình nhút nhát, cả ngày không nói lấy một câu, gặp con gái còn ngượng ngùng đỏ mặt. Vậy mà bây giờ ăn mặc bảnh bao, cổ thắt cà vạt, chễm chệ cưỡi xe máy chở cô người yêu học dưới một lớp đi chơi. Đối với Thắng, vì vẫn lo việc học, cho nên chuyện tình cảm anh chưa để tâm gì cho lắm.

Trưa nay Thắng vừa về đến nhà, đã thấy cô bé Thắm chạy ra mách:

– Lúc sáng anh Hùng sang chơi, nhưng anh không ở nhà.

Thắng dựng xe, rồi vừa đi vào nhà vừa nói:

– Ừ! Anh cũng định chiều nay sang bên nhà cậu ấy.

Mặc dù ngày tết các bạn đi chơi nhiều, nhưng Hùng thì vẫn ở nhà.Tính cậu ta hay tự ái, thấy bạn bè đỗ đạt, còn mình thi trượt, vì vậy mà xấu hổ không muốn đi đâu.

Đầu giờ chiều, Thắng sang nhà Hùng chơi để tạm biệt anh bạn nối khố. Lúc này Hùng vừa mới ngủ dậy, thấy bạn đến, cậu liền đi rửa mặt. Một cách tự nhiên, Thắng ngồi xuống chỗ chiếc ghế tựa để chờ đợi. Trên bàn thờ lúc này, cây hương trầm vẫn đang cháy dở, tỏa ra mùi thơm dìu dịu, cho thấy cái không khí tết còn vương vất đâu đây. Bên cạnh bàn khách, cành đào được cắm trong chiếc lục bình lớn trổ hoa sặc sỡ, phô ra cái sức sống mãnh liệt của mùa xuân.

Hùng mang từ trong buồng ra mấy thứ bánh kẹo để lên bàn, rồi đẩy về phía Thắng.

 Vẫn chưa rời mắt khỏi cành đào, Thắng trầm trồ:

– Cành đào nhà cậu đẹp thật đó! Đào nhà mình năm nay ít hoa.

– Ừ! Bố mình mang từ quê ngoại, tận trên miền núi về đấy. Lúc mới về toàn là búp, bây giờ đã bắt đầu nở hoa – Hùng giải thích.

Thế rồi hai người bạn lâu ngày gặp nhau, bây giờ ngồi hàn huyên đủ thứ chuyện. Hùng chăm chú lắng nghe và đặc biệt thích thú những điều mà Thắng kể về thành phố, vì nó mang lại một góc nhìn mới lạ so với nhận thức của cậu.

Thắng vừa dứt lời, Hùng gãi gãi tay lên trán, vẻ thán phục:

– Các cụ ta nói quả không sai. Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà! Có đi ra như cậu thì mới biết được thiên hạ rộng lớn thế nào, mới mở rộng được tầm nhìn…

Rồi dường như tủi thân, cậu lấy một miếng mứt gừng đưa lên miệng day day, giọng thoáng buồn:

– Cậu có điều kiện lên thành phố ăn học, đi nhiều biết nhiều. Còn mình thì chấp nhận ở cái xó này làm anh nông dân suốt đời thôi!

Thắng vỗ vai bạn, an ủi:

– Xã hội mỗi người một công việc mà, cái nào cũng quan trọng như nhau cả. Vả lại chúng ta là bạn thân, mình biết gì thì dạy lại cho cậu, như vậy là được rồi!

Hùng bật cười vì câu nói hóm hỉnh của bạn, rồi anh đề cập đến vấn đề mà có lẽ lúc này cả hai người đều muốn nói:

– Thế khi nào thì cậu vào trường?
– Sáng mai mình đi rồi – Thắng trả lời.

o0o

Là một sinh viên khoa Toán, nhưng Thắng lại là người đam mê tìm hiểu về lịch sử và triết học. Anh nghiên cứu tư tưởng của các triết gia như VoltaireJean-Jacques RousseauImmanuel Kant,  John Locke Montesquieu để thấy được cái tinh thần khai sáng nơi họ. Đồng thời, những nhà tư tưởng của nước Mỹ thời kỳ lập quốc như Thomas Jefferson, Alexander Hamilton, James Madison cũng khiến anh rất ngưỡng mộ, vì chính họ đã xây dựng nền tảng “chủ quyền nhân dân” cho một quốc gia tự do hàng đầu thế giới.

Tư tưởng “Chủ quyền nhân dân” ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức và quan điểm của Thắng, vì nó phù hợp với tinh thần tự do, nhân bản mà anh hằng theo đuổi. Theo đó, nhân dân là chủ thể và cội nguồn của mọi quyền lực nhà nước. Thắng cũng tìm đọc các tài liệu nói về “Chủ nghĩa Cộng Sản”, và biết được rằng, đó là một thứ học thuyết không tưởng cực đoan. Nó chủ trương đấu tranh và tiêu diệt giai cấp, sử dụng bạo lực để thay đổi và kiến tạo các thiết chế xã hội. Hiểu một cách nôm na là: “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, mà như vậy thì chẳng có luật lệ gì nữa cả. Chẳng có xã hội nào văn minh, nhân bản nào mà lại đi xây dựng trên nền tảng một học thuyết bạo lực và vô luân như vậy. Và chính nó – chủ nghĩa Cộng Sản – là cội nguồn mọi bất hạnh, khổ đau của dân tộc Việt Nam, là nguyên nhân của sự tụt hậu đất nước. Cho nên, nhiệm vụ của dân tộc ta lúc này là phải đấu tranh để xóa bỏ cái chế độ độc tài đang khoác áo chủ nghĩa không tưởng đó. Phải đòi cho được chủ quyền về tay nhân dân, để cho các giá trị tự do, nhân bản được nở hoa kết trái.

Thời gian này ở thành phố Vinh cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều những quán Net(4). Internet mở ra một chân trời mới lạ, nó thực sự là công nghệ của thời đại. Có thể nói, thông tin trên mạng là không có giới hạn. Nó chuyển tải kiến thức ở tất cả các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu trong mọi lúc, mọi nơi. Không nghi ngờ gì nữa, internet chính là người thầy vĩ đại nhất của tất cả chúng ta, vì bất cứ ai cũng có thể học hỏi được trong đó những kiến thức hữu ích. Ở đây, mỗi khi bước chân ra khỏi trường là Thắng đã có thể bắt gặp quán Net, điều này khác biệt với quê anh, nơi mà ngay cả khái niệm internet vẫn còn chưa được phổ biến. Qua mạng xã hội, Thắng được biết nhiều thông tin từ báo “Lề dân”(7), điều hoàn toàn trái ngược với những gì mà báo đài, ti vi vẫn nói hằng ngày. Và anh cho rằng, internet thực sự là một cuộc cách mạng thông tin, và nó tất yếu sẽ thúc đẩy cách mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, người ta đăng tải nhiều video về những cuộc biểu tình, cho thấy một không khí bất mãn sôi sục của người dân trước tình trạng bất công ngày càng gia tăng. Biểu tình nổ ra ở khắp nơi, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Nhiều vụ lẻ tẻ từ mấy chục đến vài trăm người, nhưng cũng có những vụ lên đến hàng ngàn, thậm chí là hàng vạn người. Nổi bật nhất là những cuộc biểu tình chống cướp đất và phản đối việc xả chất thải độc hại ra môi trường, Khi các dự án được hình thành, cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ bị người ta cướp đất để xây dựng khu đô thị hoặc khu công nghiệp. Nhà nước bắt tay với doanh nghiệp, chỉ đền bù cho người dân một cái giá rẻ mạt rồi thu hồi đất của họ. Khi người dân phản đối thì bị công an, bộ đội, an ninh – vốn là những lực lượng do dân đóng thuế để nuôi – đàn áp và đánh đập. Tiếng nói của người dân không được lắng nghe, vì thế mà nhiều địa phương đã xẩy ra bạo động. Cũng có những nơi, nhà cầm quyền và giới chủ tỏ ra mềm mỏng hơn, họ đáp ứng một phần đòi hỏi của dân, dùng kế hoãn binh rồi sau đó tìm cách đàn áp, trả thù. Người dân khắp nơi đã bị bần cùng hóa một cách nhanh chóng, để làm giàu cho những kẻ mà người ta gọi là “Tư bản đỏ”(5).

Những biến chuyển thời cuộc đó như cơn sóng lan tỏa, thôi thúc trái tim nhiệt huyết tuổi trẻ của Thắng. Bản tính vốn ghét những sự giả dối và bất công, vì vậy mà anh nhanh chóng dành sự ủng hộ cho phong trào dân chủ. Dân chủ, đó là tương lai tất yếu của đất nước, là cái đích mà dân tộc phải hướng tới. Đất nước người ta đã có dân chủ từ lâu, còn Việt Nam thì đã lỡ hẹn vài lần, nay không thể bỏ lỡ thêm được nữa.(6)

Thời sinh viên trôi nhanh, thấm thoắt năm học thứ ba cũng đã sắp kết thúc. Ở Thắng lúc này không có vẻ gì là một anh giáo tương lai với số phận an bài, để rồi lại đi dạy học trò theo những gì sáo mòn trong sách vở. Người ta thấy ở anh một con người cách mạng, với những mối quan tâm xã hội sâu sắc, khát khao cho sự đổi thay mạnh mẽ của dân tộc, quê hương. Vì vậy, anh đã vài lần tham gia biểu tình cùng với người dân, hòa vào dòng người sôi sục, hô vang những khẩu hiệu chống bất công và đòi tự do dân chủ. Qua những lần như thế, anh quen biết được nhiều người trong giới đấu tranh, hiểu được con người và hoàn cảnh của họ. Thắng còn nhớ lời một anh trong đoàn biểu tình nói với mình rằng: “Cả đất nước này đều là dân oan cả, vì tất cả chúng ta đều là nạn nhân của chế độ độc tài. Vấn đề là người ta có dám cất lên tiếng nói để lên án bất công hay không mà thôi!”.

o0o

Bên trong quán Net, lúc này mấy chiếc quạt tường đang đua nhau chạy hết công suất, sốt sắng làm nhiệm vụ điều hòa không khí. Các game thủ mắt chăm chú không rời khỏi màn hình, bàn tay lướt nhanh lóc cóc trên bàn phím như múa. Người ta đang chơi game online. Màu sắc sặc sỡ lóe lên từ những chiếc màn hình, âm thanh xì xèo xen lẫn tiếng cãi vã chí chóe không ngớt. Quán nằm trong con ngõ nhỏ, chỉ cách cổng ký túc xá vài trăm mét, dường như lúc nào cũng đông khách. Thắng bước vào trong quán, tìm một chỗ yên tĩnh ở góc phòng, mở máy và bắt đầu lướt web. Đã trở thành thói quen, những lúc rảnh anh thường đến đây để cập nhật thông tin xã hội, cũng như tìm hiểu những mối quan tâm khác. Xem qua một loạt tin tức trên mạng, thấy hôm nay không có thông tin gì đáng chú ý lắm. Trên màn hình lúc này xuất hiện một video có nhan đề “Dân oan biểu tình trước trụ sở tiếp dân trung ương”, anh liền bấm vào để xem. Hình ảnh hàng ngàn dân oan với những biểu ngữ tố cáo trên tay đang tập trung trước trụ sở tiếp dân trung ương lập tức hiện ra. Trước ngực mỗi người còn đeo thêm tấm biển lớn ghi rõ nội dung tố cáo cũng như nổi oan khuất của mình. Họ tập trung về đây từ khắp nơi trên cả nước. Một người tự giới thiệu là cựu đảng viên cộng sản, nay đã từ bỏ đảng, đi đầu đám biểu tình. Ông ta trạc ngoài sáu mươi tuổi, trên đầu đội một cái mũ len, mình khoác áo bộ đội màu xanh lá cây đã cũ, hai bên ngực đeo huân chương các loại. Khi đã tiến sát đến trước cổng trụ sở tiếp dân, đoàn người biểu tình dừng lại. Người đàn ông đội mũ len vung tay hô lớn:

– Đảng Cộng Sản không còn xứng đáng để lãnh đạo đất nước nữa! Hãy phế truất Cộng Sản đi!

Mỗi lần ông dứt lời, đám đông lại giơ nắm tay lên, đồng thanh:

– Phế truất! Phế truất!…

Những tấm chắn bằng sắt lập tức được đám cán bộ và cảnh sát kéo đến để làm hàng rào ngăn chặn dân oan. Rồi họ lại bắc loa kêu gọi: “Đề nghị bà con hãy lập tức giải tán, không được tụ tập đông người gây mất trật tự. Không nghe lời kẻ xấu xúi dục, kích động”.

Nghe thấy vậy, bà con phẫn uất, họ lý luận với đám cảnh sát – lúc này đang đứng giáp lá cà qua hàng rào sắt – rằng: “Chúng tôi có phải trẻ con đâu mà nghe ai xúi dục. Tự chúng tôi biết thế nào là đúng sai, tốt xấu. Quyền lợi thiết thân thì chúng tôi phải đòi, không ai có thể xúi dục được cả. Kẻ nào áp bức, cướp bóc của dân, thì đó mới chính là kẻ xấu!”. Trong số dân oan, có những người đã đi khiếu kiện liên tục hơn hai chục năm trời mà vẫn không được giải quyết, nay vì biểu tình phản đối mà lại tiếp tục bị đánh đập và bắt giam, thật là nổi oan khiên chồng chất.  “Kỳ lạ cho một nền tư pháp” – Thắng nghĩ thầm. Những người khiếu kiện đến cơ quan này lại bị đùn đẩy đến cơ quan khác, rốt cục không ở đâu giải quyết cho họ cả. Họ phải sống cảnh màn trời chiếu đất ở các công viên, vỉa hè để chờ chực được gặp ban tiếp dân. Đó là một hình ảnh đối lập với những cán bộ cấp cao của đảng đi xe hơi sang trọng, sống trong những căn biệt thự tiện nghi được mua bằng tiền của dân.

Trong lúc hỗn độn, một cụ già người miền nam bị đám cảnh sát hành hung, xô ngã. Xô xát lập tức xẩy ra, những người dân oan tức giận xông vào ẩu đả với đám cảnh sát. Mấy tay cán bộ lúc này cũng bị dân kéo ngã, may nhờ đồng đội giải cứu nên mới lồm cồm bò dậy được, rồi nhanh chân tẩu thoát vào bên trong.

Những sự kiện như vậy như một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ, thúc dục lương tâm phải lên tiếng và đáp trả. Thắng tự nhủ rằng, phải làm điều gì đó có ích, để mình không phải là một thằng trí thức hèn. Đất nước điêu linh, dân tình khốn khổ, ai nấy đều lạc loài niềm tin. “Tổ quốc lâm nguy, thất phu hữu trách”, huống chi mình là con người có học, nhận rõ đúng sai. Cứ thế anh vừa bước đi vừa suy nghĩ, mà không biết mình đã về đến phòng từ lúc nào.

Thấy Long đang ngồi trên giường nghe nhạc, Thắng ngồi xuống cạnh bên, khuôn mặt đầy vẻ ưu tư:

– Này cậu!…

Long bỏ một bên tai nghe ra, hỏi lại:

– Cậu nói gì cơ?

Thắng cắn môi, quả quyết:

– Chúng mình phải làm điều gì đó để thức tỉnh mọi người thôi! Cậu có thấy họ cứ ngơ ngơ ngác ngác như những con Nai rừng không? Tớ nghĩ là…

Long bỏ hẳn tai nghe, ngồi lại ngay ngắn:

– Ý cậu là định nói gì nào?

– Phải phân phát tài liệu dân chủ – những thứ mà chúng mình hay đọc ấy – cho họ, để họ thay đổi nhận thức!

– Phân phát cho ai? Như thế nào? – Long không dấu nổi vẻ tò mò.

Thắng hạ thấp giọng:

– Chúng ta sẽ in tài liệu trên giấy, khổ chữ lớn để cho họ dễ đọc…

– Kiểu như truyền đơn đó hả? 

– Giống như tờ quảng cáo thì đúng hơn – Thắng giải thích.

Nghĩ là làm, hôm sau hai người bạn của chúng ta lập tức bắt tay ngay vào việc. Thắng là người biên tập nội dung, còn Long thì tự thiết kế mẫu truyền đơn. Khi công việc in ấn đã xong, họ bàn với nhau rằng: Một người sẽ phát cho các bạn sinh viên trong trường, còn người kia thì đi ra công viên – chỗ có đông người qua lại. Làm như vậy, tài liệu sẽ đến được với nhiều đối tượng hơn.

Long ôm tập tài liệu trên tay, tiến đến chỗ mấy sinh viên đang đứng túm tụm nói chuyện trước thư viện, anh đưa cho mỗi người họ một cuốn sách mỏng:

– Này! Cầm lấy!

– Cái gì thế? Quảng cáo sản phẩm hả? – Một cậu sinh viên nháy mắt hỏi Long, tưởng anh làm tiếp thị sản phẩm cho một hãng nào đó.

– Cứ đọc đi rồi sẽ biết – Long trả lời, rồi bước nhanh đi chỗ khác.

Cứ thế trong một buổi sáng, Long đã phân phát hết cả trăm cuốn tài liệu nói về dân chủ như vậy.

Chỉ vài hôm sau, cái thông tin Thắng và Long phổ biến tài liệu chống phá đảng và nhà nước đã nhanh chóng lan đi khắp trường. Luận điệu này được tung ra từ những tay cán bộ Đoàn trường. Cũng chính những kẻ này còn gọi họ là “phản động” nữa.

Tối hôm đó, Thắng từ thư viện trở về, vừa bước chân vào đến cửa đã thấy cậu bạn cùng phòng nói ngay:

– Cậu đi đâu về vậy? Có mấy người xưng là công an đến đây tìm cậu và Long đấy!

————————————————————-

Bánh Ngào(1): Một loại bánh làm bằng bột nếp. Nhân thường làm bằng bột đậu và đường. Bánh được vo tròn thành viên, sau đó cho vào chảo mật được đun sôi, ngào cho chín. Giống như bánh trôi ngoài Bắc, nhưng ở đây được ngào bằng mật.

Bánh Biến(2): Người ta rang nếp và lạc, sau đó trộn lẫn, thêm một ít gừng hoặc dừa cho nổi mùi. Sau khi thắng mật (hoặc đường) tới độ, sẽ cho tất cả vào. Bánh được vớt ra một tấm ván (trên có lót lá chuối hoặc tờ giấy sạch), dàn ra, rồi gõ cho phẳng. Khi bánh khô thì người ta cắt thành thanh như kẹo lạc, và được gọi là bánh biến. Bánh ăn giòn và ngọt khắm.

(3): Thơ của Bạch Cư Dị

Quán Net(4): Cách gọi tắt của quán dịch vụ Internet.

Tư bản đỏ(5): Chế độ hiện thời không còn theo “Chủ nghĩa Cộng Sản” nữa, thực chất nó đã chuyển sang Tư Bản. Cho nên người ta dùng từ “Tư bản đỏ” để chỉ các quan chức trong guồng máy nhà nước. “Đỏ” ở đây là chỉ Cộng Sản, vì các chế độ Cộng Sản đều lấy màu đỏ làm màu cờ. 

(6): Năm 1945, một chính phủ đa thành phần đã được thiết lập, do Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng, sau đó bị đảng Cộng Sản nổi lên cướp chính quyền và thiết lập chế độ độc tài toàn trị. Năm 1989 – 1991, Liên Xô và các nước Đông Âu giải thể để chuyển sang chế độ dân chủ, Việt Nam cũng đã bỏ lỡ.

Báo lề dân(7): Trong chế độ Cộng Sản, tất cả báo chí đều bị nhà nước kiểm soát, người ta gọi đó là “Báo lề phải” hay “Báo lề đảng”. Nhờ có internet, các trang mạng xã hội mới có cơ hội phát triển, là nơi mà tiếng nói của người dân được thể hiện, được gọi là “Báo lề dân”.

[Bấm Vào Đọc Chương II]

[Đọc tiếp chương IV]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt