Sóng Ngầm (Chương II)

Chương 2: Truyện ngắn “Sóng Ngầm” là “Tác phẩm được lấy cảm hứng từ hiện thực xã hội và một số nhân vật có thật. Viết tặng những ai đã và đang dũng cảm đứng lên chống lại chế độ độc tài bất công – Vì một xã hội Việt Nam tự do, bác ái trong tương lai”.

THỨC TỈNH

Hình minh hoạ

Tiếng chuông từ chiếc đồng hồ báo thức vang lên lảnh lót. Thắng với tay tắt chuông rồi ngồi dậy khỏi giường. Bốn giờ rưỡi sáng. Vẫn còn chưa hết ngái ngủ, cậu dụi mắt, quờ chân tìm đôi dép nhựa dưới nền nhà rồi lẹt xẹt đi ra mở cửa. Không khí ban mai mát mẻ khiến tỉnh ngủ hẳn, cậu hít một hơi thật sâu, khoan khoái vươn vai bước ra sân tập mấy động tác thể dục. Thời điểm này trong ngày, có lẽ mọi thứ được người ta cảm nhận một cách rõ ràng và tinh khiết nhất. Tiếng rù rù thủ thỉ của lũ chim câu trên chuồng nghe quen thuộc. Mấy bộ bàn ghế từ đêm qua xếp chồng lên nhau chỗ góc sân như một bức tranh lập thể. Ngoài vườn, những giọt sương trong trẻo trên cành rơi lõm bõm, khiến cho nền đất trở nên ẩm ướt, tỏa ra hơi mát dìu dịu. Một tình cảm bồi hồi chợt dâng lên trong lòng Thắng, chỉ lát nữa đây thôi, cậu đã phải tạm xa khung cảnh thân thương này để đến với một môi trường mới.

Phía chân trời bừng sáng, hừng đông đang hé rạng.

 Từ trong gian bếp, ánh đèn điện hắt ra một quầng sáng vàng quạch lên cái màu trắng mờ đục của màn sương chưa tan hẳn. Thắng nhìn vào, thấy bóng dáng cao gầy của mẹ đang lúi húi nấu buổi sáng. Bao nhiêu năm nay, mẹ vẫn luôn là người dậy sớm nhất để nấu cơm cho cả nhà. Bà sớm hôm tảo tần, lo lắng cho con cái từng bữa cơm, giấc ngủ, để anh em Thắng ăn học nên người. Nghĩ đến đây, Thắng muốn chạy vù ngay vào bếp, nồng nhiệt hôn lên má và nói với mẹ ngàn lời cảm ơn, nhưng bản tính cứng cỏi của một người con trai đã khiến anh kìm được cảm xúc đó lại.

Ông Chiến cũng đã thức dậy, trên tay cầm cái khăn mặt và bàn chải đánh răng, nhanh nhẹn đi ra chỗ vòi nước. Kỳ thực, hôm nay ông cũng bồi hồi, thao thức nào có khác gì con. Lúc đi ngang qua chỗ Thắng đang đứng tập thể dục, ông sốt sắng hỏi:

– Đồ đạc thế nào rồi con?

– Dạ! Con đã chuẩn bị xong từ tối qua!

Ông có cảm giác không phải là con, mà chính mình hôm nay đi học vậy. Cái sự lo lắng và chu đáo của một người cha khiến ông thấy cần phải nhắc nhở con những điều cần thiết. Tuổi trẻ mà, cái gì chúng cũng quên ngay được thôi.

Đồ đạc Thắng mang theo gồm một ba lô sách và cái va li đựng đầy những quần áo, tư trang mà mẹ anh đã tất bật sắm sửa mấy bữa nay.

Ăn sáng xong, ông Chiến đi ra chỗ chiếc xe máy dựng ngoài sân, nghiêng tai rồi lấy ngón tay búng lóc bóc vào hai bánh xe như vị bác sĩ già thăm khám cho bệnh nhân. Khi biết chắc lốp xe đã căng hơi, ông xoa tay hài lòng rồi dục Thắng mang đồ ra để cột. Chút nữa đây, hai bố con ông sẽ đèo nhau ra thị trấn để đón xe đi Vinh.

Cô bé Nga chẳng hiểu dậy từ khi nào, lúc này đi lại xăng xái như chú gà con sổng chuồng. Cô nhanh nhảu xách cái va li từ trong nhà ra cho anh, miệng liến thoắng:

– Anh không được quên mua sách cho em đâu nhé!

– Yên tâm đi, anh nhớ mà!

– Sách với vở gì. Mày thật là lắm chuyện. Để cho anh chuyên tâm mà học hành chứ! – Ông Chiến đưa mắt lườm Nga, gắt lên.

Rồi ông bố sốt ruột, hết nhìn đồng hồ lại chắp tay đi đi lại lại như hồi còn trẻ hẹn hò với người yêu. Thấy chồng như vậy, bà Hải nhẹ nhàng trấn an:

– Việc gì mà ông sốt ruột thế? Xe ô tô bây giờ nhiều lắm, không lo bị nhỡ chuyến đâu!

Mặc dù vậy, ông Chiến vẫn không ngớt sải bước đi lại, miệng thì cứ lẩm nhẩm điều gì đó như đang đọc kinh.

Nhìn cậu con trai chuẩn bị đồ đạc, bà Hải không cầm lòng được khi nghĩ đến giây phút chia li. Bà lặng lẽ đi xuống nhà bếp, vì sợ rằng chút nữa đây mình sẽ khóc trước mặt con – đứa con thân yêu mà mười mấy năm nay chưa hề xa cách. Vào đến bếp, bà ôm lấy đầu như một người mất hồn. Định mang chỗ bát đĩa đi rửa, rồi lại thôi, trong khi tai vẫn cố nghe ngóng tiếng mấy bố con đang nói chuyện ngoài sân. Như gà mắc tóc, bà hết đứng lại ngồi mà chẳng thể nào hiểu rõ căn nguyên.

Ngoài sân, bố con ông Chiến đã sửa soạn xong. Thắng khoác cái túi đựng sách lên vai rồi chào lớn, cốt để cho mẹ ở trong nhà nghe thấy:

– Con đi học mẹ nhé!

Như tỉnh khỏi cơn mê, bà Hải bật dậy tựa chiếc lò xo, hớt hải nói với theo:

– Nhớ gọi điện về nhà nghe con!…

Rồi cứ thế, bà đứng như trời trồng mà lắng nghe tiếng xe máy xa dần. Mấy giây sau, bà ngồi phịch xuống ghế, để mặc cho những giọt nước mắt lúc này cứ tự nhiên lăn dài trên má. Chỉ còn lại một mình, bà thỏa sức khóc mà không sợ ảnh hưởng hay rầy rà tới ai. Nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của một người mẹ. Công lao nuôi dạy bấy lâu nay, rốt cục bây giờ đứa con trai của bà đã ăn học nên người.

Chiếc xe máy của bố con Thắng chậm rãi chạy ra khỏi làng rồi ì ạch leo lên triền đê. Từ đây nhìn xuống, xóm làng bắt đầu hiện rõ trong màn sương, thấp thoáng những mái nhà ẩn hiện sau lùm cây xanh thẫm. Đoạn đường quen thuộc này, Thắng và đám bạn đã đi học suốt ba năm cấp ba trường huyện. Nó gắn bó thân thương, đến nỗi dù có nhắm mắt lại cậu cũng hình dung được từng hình ảnh như in. Đường đê lúc này vắng vẻ, hầu như chưa có bóng người qua lại. Ông Chiến vừa chạy xe chầm chậm, vừa tỉ tê dặn dò con về cuộc sống xa nhà sắp tới. Nào là nhớ vài tuần gọi điện về nhà một lần cho bố mẹ biết tình hình, nào là phải học tập, sinh hoạt điều độ ra sao. Ngồi phía sau, chốc chốc Thắng lại ngoan ngoãn “dạ!” một tiếng, kỳ thực thì cũng không chú tâm mấy vào lời của bố. Cậu lơ đãng ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường, rồi thả hồn về những kỷ niệm đã qua. Ngay chỗ khúc quanh kia, có lần Thắng và Hùng đèo nhau đi học, đến đây thì xe bị đứt xích, hai đứa phải dắt bộ một đoạn dài, mệt lử mới đến được quán sửa xe. Dưới gốc cây cổ thụ này, mùa đông năm ngoái, lần đó cả đám bạn đi học về, nghịch ngợm rủ nhau xuống ruộng bẻ trộm ngô, rồi mang lên bờ đê ngồi nướng. Mấy đứa quây quần sưởi ấm bên ngọn lửa, vừa thưởng thức cái vị béo ngậy của hạt ngô vừa đùa nghịch với nhau thật là vui.

– Nhớ chưa con?…

– Dạ!…Con nhớ rồi – Thắng sực tỉnh, trả lời theo phản xạ. Nghe bố hỏi, anh mới biết là từ nãy đến giờ ông vẫn đang nói với mình.

Ông Chiến e hèm một tiếng ra chiều yên tâm. Với sự điều khiển của ông, chiếc xe chạy thật êm, cho dù con đường gồ ghề những ổ gà. Tiếng máy nổ bình bịch giòn tan, khuấy động cả một quãng đê lộng gió.

Xe đã tới chỗ khúc quanh ra thị trấn.

Đến nơi, hai bố con chọn một chỗ đất trống bên đường nhựa để đứng chờ xe. Từ đây, ô tô còn phải chạy chừng sáu mươi cây số nữa mới vào đến thành phố Vinh.

Khoảng mươi phút sau, một chiếc xe khách quờ vào chỗ bố con Thắng đang đứng. Người lơ xe ngó cái đầu cạo trọc lốc ra rồi nhảy xuống:

– Đi đâu? Mấy người?…

– Đi Vinh. Một người! – Ông Chiến trả lời, chỉ tay về phía Thắng.

– Lên xe. Chạy thôi! – Người lơ xe một tay nhanh nhẹn xách cái va li, tay kia đẩy Thắng lên xe.

Chiếc xe rồ ga rồi lăn bánh, để lại phía sau những đám khói bụi vương vất bên vệ đường.

Ông Chiến bâng khuâng nhìn theo chiếc ô tô, cho đến khi cái đuôi xe màu xam xám khuất sau những dãy nhà lô nhô mới thôi. Con đi rồi, phải mất một lúc ông mới định thần lại được. Ông cuống quýt hết vỗ tay vào túi áo, rồi lại túi quần để tìm chiếc chìa khóa xe máy. Lạ quá! Chìa khóa điện không biết ở đâu? Vài phút sau thì mới phát hiện ra là nó vẫn còn đang cắm ở ổ khóa. Ông nổ máy, rồi quay xe trở về ngay, vì biết rằng giờ này bà vợ ở nhà đang nóng lòng chờ tin tức.

o0o

Đại học Vinh là trung tâm đào tạo lớn của khu vực bắc trung bộ và cả nước. Vì chuyên ngành về sư phạm, cho nên trường có tên gọi là “Đại học Sư phạm Vinh”. Thời gian gần đây, trường mở rộng thêm ngành nghề đào tạo, mới đổi thành “Đại học Vinh” cho đúng với chức năng hoạt động. Nhìn bề ngoài, người ta dễ liên tưởng giảng đường chính của trường với dinh độc lập ở Sài Gòn vì nét tương đồng trong kiến trúc.

Ngoài hôm đi thi, thì đây là lần thứ hai Thắng vào Vinh. Thành phố tấp nập những người và nhà cửa, dĩ nhiên là khác với khung cảnh làng quê yên bình của cậu rất nhiều. Sau khi đến trường làm thủ tục nhập học, Thắng cũng đăng ký và nhận luôn phòng ký túc xá để ổn định chỗ ở. Mấy hôm đầu, tuy có bỡ ngỡ, nhưng việc hòa nhập với môi trường mới chẳng khó khăn gì đối với một người trẻ tuổi như cậu. Thắng được gặp nhiều bạn bè đến từ khắp nơi trong tỉnh, cũng như Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Ký túc xá ở ngay phía sau giảng đường, vì thế mà việc học tập và sinh hoạt cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với trọ học ở xa.

Thắng vẫn nhớ như in cái hôm đầu tiên đến ở nội trú và cuộc gặp gỡ giữa mình với Long. Dường như lần này số phận đã mang đến cho Thắng một người bạn tri kỷ thực sự. Cái cậu Long trông đến là ngộ, con trai gì mà người thì mảnh dẻ, lại hiền lành ít nói như con gái ấy. Lúc đó cậu ta rụt rè bước vào phòng, trên mình mặc chiếc áo ca rô kẻ xanh đỏ, ánh mắt thì bẽn lẽn nhìn tới nhìn lui. Trong khi đám bạn trong phòng tíu tít trò chuyện và đùa nghịch như quỷ sứ, Long vẫn xách nguyên cái túi đồ trên tay mà đứng tần ngần giữa phòng. Hắn cứ loay hoay như gà mắc tóc, nom đến là buồn cười.

Thấy Long lúng túng, Thắng bèn đến bên, chủ động làm quen:

– Xin chào! Bạn học lớp nào vậy?

– Mình lớp Lý – Long trả lời bằng một giọng thanh thanh, rồi cúi xuống đặt túi hành lý xuống nền nhà, mở ra lục lọi những gì trong đó chẳng biết.

– Còn mình lớp Toán.

Long hơi ngước lên, tiếc rẻ:

– Mình cũng thích lớp Toán lắm. Nhưng vì lúc thi, điểm Lý của mình cao hơn nên họ lấy mình vào lớp Lý. Cũng đành thế vậy!…

Thắng tỏ vẻ cảm thông, rồi hỏi tiếp:

– Bạn ở huyện nào?

– Hưng Nguyên – Giọng Long đã có vẻ tự tin hơn.

Huyện Hưng Nguyên giáp ranh với thành phố Vinh, cũng có thể đi đi về về được, nhưng Long chọn ở ký túc xá là vì muốn giành nhiều thời gian hơn cho việc học.

Trong phòng lúc này vẫn còn vài cái giường trống, Thắng chỉ vào một cái sát với giường mình:

– Cậu nhận giường này nhé!

Long lặng lẽ gật đầu. Thắng liền nhanh nhẹn xách cái túi để lên giường của Long, rồi giúp cậu ta thu xếp đồ đạc. Mấy thành viên trong phòng lúc này vừa nói chuyện, vừa theo dõi họ với ánh mắt tò mò lắm.

Từ đó Long và Thắng chơi thân với nhau, hai đứa lúc nào cũng như hình với bóng. Tính Long sâu sắc, nhạy cảm, còn Thắng thì lầm lỳ, cứng cỏi. Những đặc tính trái ngược đó lại khiến đôi bạn bổ sung hoàn hảo cho nhau trong cuộc sống.

Đại học là bậc học rất khác so với phổ thông. Người học lúc này đã có đủ khả năng để nghiên cứu và tư duy độc lập, giảng viên chỉ đóng vai trò gợi mở, hướng dẫn những vấn đề cần thiết. Nó mở ra một môi trường khá tự do cho sinh viên, để họ tự tìm hiểu và nắm bắt vốn tri thức bao la. Thắng nhận thấy rằng, đa phần sinh viên bấy giờ chỉ biết nghe giảng và ghi chép một cách thụ động. Người ta gọi đó là học vẹt, vì nó như con vẹt chỉ biết học thuộc lòng và nhắc lại, mà không biết tư duy sáng tạo để tìm ra những giá trị mới. Điều này xuất phát từ phương pháp giáo dục lạc hậu trước đây, một thời người ta coi sinh viên chỉ là những cái túi để nhồi nhét kiến thức, không hơn không kém. Đó là điều rất sai lầm và đáng tiếc đối với cả người dạy lẫn người học. Đến lượt mình, Thắng nhất quyết không lặp lại sai lầm đó, và cậu đã tìm được hướng đi đúng cho mình.

Với bản tính ham học hỏi, Thắng tận dụng khoảng thời gian này để phát triển khả năng tư duy và khám phá sở thích bản thân. Buổi tối cậu thường lên thư viện trường để đọc sách, nghiên cứu những vấn đề quan tâm. Đám bạn trong phòng nể phục thái độ học tập nghiêm túc của Thắng lắm, cho nên mới bầu cậu làm trưởng phòng. Cái chức danh này không bắt buộc, nhưng những ai từng ở ký túc xá thì sẽ hiểu, vì mỗi khi cần đối thoại với ban quản lý ký túc hay người ngoài chẳng hạn, việc cử người đại diện là rất cần thiết.

Việc học hành nghiêm túc đôi khi cũng bị phê phán, vì đâu phải cứ thánh là lúc nào cũng thiêng. Có lần đám chơi bài trong phòng thiếu một chân, thế là họ liền gọi Thắng. Lúc này Thắng đang ngồi học, cho nên từ chối cuộc vui. Bực mình vì rủ mãi không được, cậu Phúc người Thanh Chương gắt gỏng:

– Cái con mọt sách này, định học để làm giáo sư chắc?…

Tiếng cười châm chọc như một làn sóng lập tức rộ lên, khiêu khích. Đáp lại, Thắng chỉ lẳng lặng học bài mà không phản ứng gì. Thường ngày, có mấy đứa chê Thắng không biết chơi bời, rằng nhà quê cục mịch. Cậu vẫn mặc kệ, họ nói vậy cũng được thôi, nhân vô thập toàn mà. Đã là “mọt sách” thì làm sao mà “sành điệu” được kia chứ? Cái mục đích học tập để nâng cao vốn kiến thức đã được Thắng kiên định, vậy nên đám kia không thể nào lay chuyển được cậu.

o0o

Đã vào học được hơn ba tháng, cuộc sống sinh hoạt của Thắng bây giờ cũng dần đi vào ổn định. Sáng nay thứ bảy nghỉ học, rảnh rỗi, cậu mang mấy bài học tuần trước ngồi xem lại. Không gian buổi sáng lắng đọng, những đám sương mờ mờ từ ngoài cửa sổ lơ lửng bay vào như làn khói mỏng. Hơi thu lành lạnh, mơn man lên thịt da người. Thắng đưa mắt nhìn quanh phòng, mấy đứa giường tầng trên vẫn còn ngủ chưa dậy, vì tối qua thức khuya hát hò mừng sinh nhật một thành viên trong phòng. Đôi khi Thắng cảm thấy hài lòng với thói quen học tập nghiêm túc của mình, bởi nó giúp cho việc tư duy vấn đề được tốt hơn. Giường bên, Long đang hì hụi gấp mấy bộ quần áo cho vào túi để chuẩn bị về quê. Chiều qua, cậu ta mượn được chiếc xe máy cà tàng của một người quen ở thành phố để sáng nay khởi hành. Nhà Long ở gần trường nên cuối tuần thường về được, không giống như những người ở xa. Mỗi khi thấy bạn rộn ràng chuẩn bị về quê, Thắng lại thấy nao nao trong lòng. Những lúc như vậy, cậu lại mang sách ra đọc hoặc đi làm một việc lặt vặt gì đó để khỏi cảm thấy nhớ nhà.

Chợt một cái đầu bù xù ngó vào trong phòng, rồi có tiếng gọi lảnh lót:

– AnhThắng phòng 209 có điện thoại nhé!…

Thắng nhận ra cậu bé ở chỗ dịch vụ điện thoại, liền gấp vội sách rồi nhanh chân bước theo. Từ sau lưng, cái áo rộng thùng thình của nó cứ bay phấp phới như cánh diều, nom đến là tức cười. Dịch vụ điện thoai ở ngay cổng ký tục xá, sinh viên vẫn thường cho người quen số điện thoại ở đây để tiện liên lạc. Mỗi lần điện thoại, chỉ cần nói tên người cần gặp và số phòng là được, đứa bé sẽ chạy đi gọi ngay.

Cô chủ quán đeo cặp kính trắng lấp lóa, đang hí hoáy viết vào một cuốn sổ ghi chép. Nom thấy Thắng, cô chỉ hơi ngước lên:

– Cháu đợi một chút, sẽ có gọi lại!…

Thắng vào cái bục điện thoại hình chữ nhật bằng kính trong suốt chỉ đủ chỗ cho một người ngồi chờ. Chừng năm phút sau có tiếng chuông reo. Thắng nhấc máy, đầu bên kia là tiếng của mẹ, nhưng đã bị âm thanh lẹt xẹt của máy điện thoại làm cho hơi khác đi:

– Thắng đó phải không con?…

– Mẹ à!… Con đây! – Giọng Thắng ngập ngừng như để chờ đợi.

Một thoáng im lặng, dường như mẹ cậu đang bối rối vì xúc động. Rồi bà nói tiếp, cho biết tình hình ở quê bố mẹ và các em vẫn khỏe. Bà dặn Thắng tuần này không phải về nhà, cứ yên tâm ở lại mà học tập. Sáng nay bố đã đi bưu điện gửi tiền, chắc là đầu tuần sau sẽ nhận được. Nói xong bà vội vàng cúp máy. Lần nào gọi cho Thắng cũng vậy, mẹ cũng chỉ nói vắn tắt vì sợ anh phải thanh toán nhiều tiền.

Thắng chào mẹ rồi bỏ ống nghe, bước đến chỗ bàn thanh toán:

– Cô cho cháu gửi tiền!

– Ba phút. Chín ngàn! – Cô chủ quán liếc nhìn bảng điện tử, trả lời như cái máy.

Lúc Thắng trở về phòng, Long vẫn đang sửa soạn đồ đạc. Thấy Thắng có vẻ tư lự, cậu ta hỏi:

– Ai gọi vậy?

– Mẹ gọi. Nói tuần này cứ ở lại học, không phải về – Thắng trả lời, rồi lại ngồi vào bàn, cầm lấy sách định học tiếp.

– Hôm nay cậu ở lại, hay là về nhà tớ chơi đi! Chiều chủ nhật sẽ quay lại trường! – Long hồ hởi rủ.

Đây không phải là lần đầu tiên Long rủ bạn về nhà chơi, chỉ vì chưa  khi nào Thắng đi được do bận việc học. Bữa nay ở lại thì buồn, vả lại cũng muốn đi cho biết nhà Long, bởi vậy Thắng đồng ý ngay. Thế là sau khi chuẩn bị đồ đạc, hai đứa hí hửng lên xe đèo nhau về Hưng Nguyên.

    Ngồi trên xe, đôi bạn tri kỷ của chúng ta vừa đi vừa trò chuyện, quãng đường vì thế mà như trở nên gần hơn. Ra khỏi thành phố, đi thêm độ hơn chục cây số nữa thì quê Long đã hiện ra trước mắt.Xe chạy dọc theo hai hàng nhãn sum suê, từ đây lại rẽ vào một con đường liên thôn rợp bóng mát. 

   Đến chỗ một cây cổng sắt sơn xanh khép hờ, Long dừng xe:

– Nhà mình đây!…

Rồi cậu lấy tay đẩy nhẹ cánh cổng, chậm rãi dắt xe vào. Thắng im lặng, theo chân bạn mình mà đi vào bên trong. Con ngõ dài với hàng Dâm Bụt được cắt xén ngay ngắn chạy quanh co. Tự nhiên Thắng thấy cảm giác thoải mái, ở đây rộng rãi, không gian gần gũi với thiên nhiên biết bao.

Bố Long đang làm việc ngoài vườn, thấy con về, ông liền vui mừng mà bỏ dở công việc ở đó để đi vào. Trên môi ông nở một nụ cười hồn hậu, dường như cái vẻ mệt nhọc lúc này đã tan biến đi đâu mất. Qua dáng vẻ bề ngoài, Thắng đoán ông cũng trạc tuổi bố mình ở nhà.

– Con về đó ư? Sao không nói trước? – Ông hỏi và nhìn Long trìu mến.

Vừa bước vào đến sân, Thắng liền cất tiếng chào:

– Cháu chào bác!

– Chào cháu! Mời cháu vào trong nhà!

Bố Long đáp lời với thái độ vồn vã, kèm theo một tràng cười khanh khách thể hiện sự hài lòng. Rồi ông đi ra chỗ cái giếng trước sân, múc nước để rửa chân tay.

Nhà Long ở ngay phía sau một ngọn đồi rậm rạp, kề đó là khu vườn rộng có đến cả héc ta. Trên hiên nhà lúc này, những bắp ngô giống hạt vàng óng ánh được treo thõng xuống thành một hàng dài, nom rất ưa mắt.

Bước vào trong nhà, một bộ bàn ghế khảm trai cầu kỳ đặt ngay chính giữa phòng khách. Thu hút ánh nhìn đầu tiên của khách là tấm ảnh gia đình, được lồng trong khung kính và treo ngay ngắn trên bức tường chỗ cửa ra vào.

Long mở tủ quần áo, bỏ cái túi xách của mình vào trong, rồi quay lại chỗ bàn khách. Lúc này bố mẹ và Thắng đang nói chuyện vui vẻ. Cậu ngồi xuống cạnh bạn mình, giới thiệu:

– Đây là Thắng! Người mà con thường kể!

Bố Long “À” lên một tiếng đầy bất ngờ, cặp lông mày ông nhướng lên, khiến cho mấy nếp nhăn trên trán hiện rõ như những nét vẽ lượn sóng. Thế rồi miệng thì hỏi, trong khi ánh mắt ông vẫn nhìn vào Thắng như bị thôi miên:

– Thắng đây ư? Nghe Long nói là cháu học giỏi lắm thì phải?!…

Thắng cười ngượng ngùng:

– Dạ! Mọi người quá khen thôi ạ!

– Không sao! Người giỏi bao giờ cũng khiêm tốn mà – Bố long nhận xét, rồi vui vẻ rót nước mời khách.

Cuộc trò chuyện diễn ra thân mật, mọi người đều coi Thắng như là người thân thuộc trong nhà vậy. Ông bố thân tình kể cho anh nghe chuyện gia đình, chuyện con cái. Rằng ông bà chỉ sinh được hai anh em Long, cậu em năm nay thì đang học cấp hai. Vì nhà không đông con như người ta, cho nên ông bà bảo nhau cố gắng nuôi các con ăn học nên người…

Bố Long mãi kể chuyện, rồi như sực nhớ ra, ông quay sang hỏi vợ:

– Thế bà nó định làm món gì để thết đãi ông khách quý của chúng ta đây?

Nãy giờ vẫn ngồi khép nép bên chồng, thấy ông hỏi vậy, bà phân trần:

– Ở đây không như thành phố. Rau quả thì đã có sẵn trong vườn. Giết thịt con gà nhà nữa là xong. Lát nữa tôi chạy ù ra chợ, mua thêm vài thứ lặt vặt. Vậy là đủ để tiếp khách rồi.

– Hai bác không phải chuẩn bị gì nhiều đâu. Cứ coi cháu như người nhà ấy. Có gì ăn nấy thôi mà – Thắng vội nói.

Bố Long xua tay:

– Ấy! Không được! Khách quý là phải tiếp đãi chu đáo chứ!

Rồi ông lại dục vợ:

– Nào! Bà đi chợ mau lên, để tôi còn ở nhà chuẩn bị nào!

Áng chừng cũng đã đến lúc đi chợ, bà vợ liền vào nhà trong, lấy cái nón úp vội lên đầu rồi tất tả đi ra ngõ.

Bố Long hút thêm điếu thuốc lào, rồi cầm lấy con dao rựa mà thủng thẳng đi ra vườn. Thắng cũng xin phép ông được đi theo cho vui, nhưng cốt là để tham quan cho thỏa tính tò mò. Khu vườn quả là rộng, từ góc nhìn này, mọi thứ rất khác so với lúc Thắng đứng trên nhà. Xung quanh là cây cối bao bọc, những cây Thanh Long được trồng thẳng hàng với mầm xanh đầy sức sống. Cách đó một quãng, mấy bụi tiêu đang leo, bám quanh cọc gỗ sù sì mà vươn thẳng lên phía trên. Xen kẽ là những cây ăn trái như mãng cầu, ổi, na…; rau thì được trồng thành luống ở những khoảng đất trống phía dưới, đúng như câu “lấy ngắn nuôi dài”, cái sự quy hoạch này thật là khéo léo.

Lúc này Bố Long xăm xăm đi đến chỗ góc vườn, xắn cánh tay áo lên để chuẩn bị lấy măng. Những bắp măng mập ú như bắp chân, có chiều cao cỡ vài ba gang tay. Thắng cầm lấy cây rựa định làm giúp thì ông gạt tay anh ra:

– Cứ để đó cho bác. Cái này anh không quen đâu!

Nói rồi ông cúi xuống, một tay vạch đám lá, tay kia cầm rựa chặt một nhát nhẹ nhàng sát gốc măng. Cứ chặt được cây nào, ông lại đưa cho Thắng cầm lấy, liên tục năm, sáu gốc như vậy. Những cây măng có ruột trắng muốt, nom đã thấy ngon và thích mắt.

Lấy măng xong, bố Long ra hiệu cho Thắng đi theo. Đến chỗ mấy luống rau, ông cắt thêm một ít cải ngọt nữa, rồi hai bác cháu cứ thế đi vào trong nhà.

Chiều hôm đó, hai đứa rủ nhau leo lên ngọn đồi phía sau nhà ngắm cảnh. Trong khi Long leo lên thoăn thoắt, thì Thắng lại chậm chạp nhích từng chút một, nguyên nhân là vì anh không quen leo núi. Lắm lúc Long phải nắm tay bạn để kéo lên, hệt như hai vận động viên leo núi đang chinh phục đỉnh cao vậy. Leo đến một chỗ bằng phẳng, cả hai đều đã thấm mệt vì gắng sức. Long chỉ cho Thắng một tảng đá bằng phẳng như cái ngai do thiên tạc, rồi cùng ngồi lên đó để ngắm cảnh. Từ đây, có thể nhìn thấy những giò phong lan mọc lên từ vách đá, hoa nở tím biếc. Có những giống cây rất đẹp mà Thắng chưa từng thấy bao giờ, nhưng chắc hẳn sẽ làm xiêu lòng những người đam mê sinh vật cảnh. Ở đây, cảnh tượng chẳng khác nào một bảo tàng thực vật ngoài trời, được trưng bày giữa thiên nhiên rộng lớn. Phía dưới là ruộng đồng xanh ngát, trông vuông vắn như những ô bàn cờ. Men theo triền đồi, những mái ngói lô xô, thấp thoáng trong màu xanh cây trái. Nhìn từ trên cao, con đường mòn chạy quanh co trong xóm giống như một nét vẽ ngoằn ngoèo. Phong cảnh đó hệt như là trong một bức tranh thủy mặc vậy.

– Quê cậu đẹp thật! – Thắng buộc miệng thốt lên.

– Thế quê cậu không giống thế này sao? – Long hỏi.

– Chỗ tớ không gần đồi như ở đây. Xung quanh chỉ toàn là ruộng lúa thôi.

Long nhặt một hòn sỏi ném xuống phía dưới, rồi chợt chống cằm, tư lự:

– Nước non tươi đẹp, xóm làng như bức tranh thêu. Tiếc rằng xã hội này quá nhiều nghịch lý và bất công!

Thắng há mồm vì ngạc nhiên, đây là lần đầu cậu thấy bạn mình ăn nói già dặn, lại ví von văn vẻ như vậy.

Thắng nhìn bạn, đùa:

– Cậu nói cứ như là sĩ phu thời xưa ấy!

Nhưng nét mặt Long lúc này không có vẻ gì là đùa bỡn, cậu đang thực sự rất nghiêm túc. Chơi thân với nhau, Thắng hiểu bạn lắm chứ, những vấn đề như thế này hai đứa cũng từng bàn luận nhiều. Rõ ràng là hiện thực khác xa với nhưng gì mà báo đài và ti vi thường nói. Họ phát hiện ra rằng, xã hội này chỉ toàn là dối trá, còn sự thật thì hoàn toàn ngược lại.

Kết thúc buổi dã ngoại, Long đứng lên đưa tay phủi những chỗ đất còn bám vào quần áo, rồi nói bằng một giọng chắc nịch:

– Xã hội bây giờ, cái gì cũng giả dối cả!

Ánh trăng miền sơn cước chênh chếch chiếu qua cửa sổ, khiến cho những bóng cây ngoài vườn đổ dài lên chỗ chiếc giường Thắng và Long đang nằm. Lạ nhà, cho nên trằn trọc mãi mà Thắng vẫn chưa ngủ được. Giữa không gian thanh vắng, bất chợt một âm thanh lạ lùng cất lên: Tắc…rờ…kè. Tắc…rờ…kè.

Thắng cựa mình, thảng thốt:

– Con gì kêu vậy?

– Tắc kè đấy! – Long đáp.

Lần đầu tiên Thắng nghe tiếng tắc kè kêu gần như thế, nhất lại là trong buổi đêm thanh vắng như thế này. Ngày thường nghe nói đến Tắc Kè cũng nhiều, nhưng cậu chưa bao giờ nhìn thấy nó cả. Thì ra vậy! Người ta gọi là Tắc Kè cũng bởi vì xuất phát từ tiếng kêu của nó thế này đây. Cuộc sống nhiều khi vẫn vậy, có những thứ tưởng chừng như quen thuộc, nhưng cho đến khi được chứng kiến, ta mới biết sự thể thế nào. Long còn cho biết rằng, ở đây ban ngày tắc kè còn vào cả trong nhà nữa. Thắng cảm thấy thú vị với khám phá mới lạ này, rồi dòng suy nghĩ miên man về nó khiến anh ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng chủ nhật, Thắng là người dậy sớm nhất trong nhà, trong khi mọi người vẫn còn đang yên giấc. Anh bước ra khu vườn, lững thững đi bộ để cảm nhận cái không khí trong lành nơi đây. Ánh nắng lúc này chiếu xuống cảnh vật, khiến cho ngọn đồi phía sau được phủ bởi một màu vàng nhạt nom dịu mắt. Dưới chân đồi, mấy bụi cây xấu hổ trổ hoa tím biếc, xen lẫn những giống hoa dại đủ màu sắc khác, tạo thành một thảm hoa sặc sỡ. Trên những bông hoa, sương sớm còn chưa tan, long lanh dưới ánh mặt trời. Tất cả đều phô ra một vẻ đẹp tự nhiên mà không hề khoa trương hay cầu kỳ. Theo mỗi bước đi, Thắng ngửi thấy cái mùi hăng hắc của đám cỏ bị dẫm nát dưới chân, vị ngai ngái của lá ngải cứu nơi góc vườn. Tự dưng anh cảm thấy thích thú phong cảnh nơi đây, thích cái cảm giác được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời như thế này.

Đi dạo một lúc thì đã thấm mệt, Thắng quay bước trở vào trong nhà để chuẩn bị cho chuyến đi sáng nay. Theo kế hoạch, hai đứa sẽ đến thăm nhà mấy người bạn học của Long hồi phổ thông. Chuyến đi chỉ kéo dài trong buổi sáng, vì chiều nay họ đã phải cùng nhau trở lại trường.

o0o

Sông Lam – mà dân gian vẫn quen gọi là Sông Cả, có nghĩa là con sông mẹ – bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang nước Lào, phần lớn chiều dài chảy trên đất Nghệ An,  tạo nên non nước hữu tình. Dòng Lam hiền hòa, bao bọc lấy mạn đông nam thành phố Vinh, uốn lượn dưới chân núi Dũng Quyết.  rồi hợp lưu với sông La mà đổ ra biển ở cửa Hội.

Vốn được xây dựng từ những năm 1986, cây cầu Bến Thủy như một điểm gạch nối giữa thành phố Vinh và địa giới Hà Tĩnh. Đứng tựa lan can cầu, sẽ nhìn thấy ngọn núi Dũng Quyết gần đó soi bóng xuống mặt nước, khung cảnh rất hài hòa tráng lệ. Cái thế sơn thủy tương giao này đã khiến nơi đây trở thành thắng cảnh của thành phố, ngoài ra nó còn có yếu tố quan trọng về mặt quân sự nữa. Núi Dũng Quyết là thành lũy tự nhiên, kết hợp nhịp nhàng với thủy quân bên dưới, có thể phòng thủ thành phố một cách vững chãi. Từ đây, thuyền lớn giương buồm xuôi theo sông Lam mà tiến thẳng ra biển, cũng chỉ với khoảng cách không xa. Lại nữa, xứ Nghệ ở vị trí trung tâm của nước Việt, rất thuận tiện cho việc liên lạc trong nam ngoài bắc. Chính vì cái thế chiến lược đó, xưa kia hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã chọn nơi đây để xây dựng “Phượng Hoàng Trung Đô”. Năm 1788, vua Quang Trung giao cho vị quân sư tin cẩn của mình là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp nghiên cứu và vẽ thiết kế tòa thành này. Tuy nhiên dự định đó bị dang dở vì nhà Tây Sơn sụp đổ, Nghệ An vì thế đã không thể trở thành kinh đô nước Việt, mà phải nhường chỗ cho xứ Huế mộng mơ. Đứng trên đỉnh núi Dũng Quyết, người ta có cảm giác như đang ở trên tháp canh của một pháo đài sừng sững. Từ đây, nhìn sang bờ nam sông Lam là địa phận huyện Nghi Xuân, đồng thời ánh mắt còn có thể bao quát cả một vùng rộng lớn phía nam thành phố Vinh.

Hoa đào bắt đầu khoe sắc trong những ngôi nhà ven sông Lam, tết nguyên đán đã cận kề, vậy là kỳ học đầu tiên của Thắng cũng sắp kết thúc. Thời gian này học hành bận rộn, lại thêm nhiều mối suy tư, cho nên anh cảm thấy tinh thần căng thẳng. Chiều nay nghỉ học, ở trong phòng bức bối, Thắng mới có ý định đi ra ngoài dạo chơi một lúc cho thư giãn đầu óc. Ngoài trời đang lạnh, vừa mặc áo khoác anh vừa suy nghĩ nên đi đâu. “Núi Quyết là thích hợp nhất!” – Thắng nhủ thầm. Vì đó là nơi tĩnh lặng để suy tư, lại ở gần trường. Thắng đút hai tay vào túi áo khoác, rồi chậm rãi bước dọc con đường nhỏ bên hông ký túc xá. Khi đi ngang qua khu chợ sinh viên, thấy không đông đúc như mọi ngày, có lẽ là vì ngày nghỉ nên như vậy. Băng qua ngã tư đèn xanh đèn đỏ, rồi cứ thế anh lững thững đi theo đường Phượng Hoàng. Đến nơi, phải tần ngần một lúc để tìm lối đi lên, rồi anh bắt đầu men theo những bậc đá quanh co.

Lên đến đỉnh núi, Thắng đứng tựa vào lan can con đường đi bộ mà phóng tầm mắt ra xa. Quanh đó, những đôi tình nhân cũng đang lặng lẽ dắt tay nhau đi dạo và ngắm cảnh. Khung cảnh mùa đông lạnh lẽo, đìu hiu. Không gian bàng bạc, sông Lam uốn khúc như mờ trong sương khói. Đã bao đời, ngọn núi Dũng Quyết vẫn đứng đây như chứng nhân lích sử, để mặc cho sông Lam ôm ấp vỗ về. Cũng đã có biết bao bậc thức giả từng đến nơi này, nhìn về phía núi Hồng Lĩnh(1) xa xa để mà suy tư thế sự. Lịch sử bao thăng trầm, mà mảnh đất xứ Nghệ cũng nằm trong dòng chảy đó.

Những cơn gió từ phía bờ sông thổi lên lạnh buốt, khiến cho mái tóc Thắng bị hất ngược ra phía sau, phất phơ trong gió. Bất giác anh đưa tay kéo cổ áo khoác kín lại, trong khi vẫn đứng lặng như một thi nhân đi tìm cảm hứng, mặc cho cái lạnh giá của mùa đông thử thách. Xa xa, trời nước pha lẫn một màu.

Bất chợt, cảm xúc bật lên thành lời thơ:

Dòng Lam Hoa nở thắm tươi
Núi còn in bóng hỏi người nhớ chăng?
Những đêm trời rãi đầy trăng
Áo hồng thấp thoáng bên đàng thướt tha.

Ngâm xong những vần thơ tức cảnh, Thắng cảm thấy tinh thần thư thái, như vừa trút đi được cái gánh nặng lo âu vậy. Anh châm điếu thuốc hút, quay nhìn khung cảnh phía dưới một lần nữa, rồi lững thững quay trở về ký túc xá.

Vừa ra đến chỗ đường lớn thì thấy có đám người đang đứng xúm xít mà chỉ trỏ. Dưới lòng đường, một đoàn người biểu tình cầm trên tay những tấm biểu ngữ, vừa đi vừa hô lớn:

– Đả đảo tham nhũng!

– Đả đảo bất công!

– Trả lại ruộng đất cho dân!…

Ai nấy khuôn mặt đầy vẻ khí thế, quyết tâm lắm. Phần đông họ là phụ nữ, có cả người già và trẻ con cũng đi theo. Khi tốp đi trước vừa hô xong, tốp sau lại hưởng ứng, cứ thế luân phiên nhau, nhịp nhàng như một dàn đồng ca vậy. Đây là lần đầu Thắng thấy cảnh tượng như thế này, trước đây anh chỉ xem những cuộc biểu tình của người nước ngoài trên ti vi mà thôi. Cảm thấy tò mò, anh liền dừng lại để xem.

Đám người đứng trên vỉa hè lúc này kháo nhau:

– Dân oan các huyện kéo về khiếu kiện. Không được giải quyết cho nên họ biểu tình đấy!

– Đông gớm nhỉ?

– Họ khiếu kiện gì thế?

– Đủ cả. Bị án oan, mất đất, mất nhà!…

 Chợt có mấy chiếc xe chở công an, dân phòng và cảnh sát giao thông xuất hiện. Xe vừa dừng, đám người ngồi trên đó lập tức nhảy xuống, xông vào đoàn biểu tình và giật những tấm biểu ngữ trên tay họ một cách thô bạo. Người ta giằng co, la hét, công an và dân phòng thì vừa chửi tục vừa đánh đập người biểu tình một cách loạn xạ. Quang cảnh chẳng khác nào bầy sư tử đang quần thảo và cấu xé con mồi nơi thảo nguyên. Tiếng loa từ trên một chiếc xe cảnh sát giao thông phát ra oang oang, yêu cầu đoàn người biểu tình phải ngay lập tức giải tán. Âm thanh của loa xen lẫn tiếng phụ nữ la hét, tiếng trẻ con kêu khóc, tạo thành một mớ âm thanh dai dẳng, hỗn độn.

Chứng kiến cảnh đó, Thắng có cảm giác vừa bất lực, vừa phẫn nộ. Công an là lực lượng đại diện cho dân, lẽ nào lại đi đánh đập những người đóng thuế nuôi mình một cách tàn nhẫn như thế? Họ làm việc đó theo lệnh của ai? Dĩ nhiên là của cấp trên rồi. Nhưng cấp trên nào thì cũng là đầy tớ của dân cả, họ làm thuê cho dân kia mà? Một tốp cảnh sát giao thông tiến lại gần chỗ Thắng đang đứng mà tuýt còi toe toét, chiếc gậy trên tay họ huơ lên, xua đuổi đám người đang đứng xem như đuổi tà.

Tối hôm ấy, ngồi học mà đầu óc Thắng chẳng thể ăn nhập vào đâu cả, hình ảnh đoàn biểu tình lúc chiều và những tiếng hô cứ quẩn quanh, ám ảnh. Giường bên kia lại đang mở nhạc um sùm, khiến anh không thể nào tập trung tâm trí được. Thắng bèn gấp sách không học nữa, rồi bắt đầu suy nghĩ miên man. Anh thấy thương và đồng cảm với những người biểu tình. Người ta cũng là những nông dân như bố mẹ mình ở nhà thôi. Đối mặt với bất công ngang trái, họ vẫn bày tỏ thái độ một cách ôn hòa nhẫn nại, thế nhưng lại bị công an đối xử thô bạo. Vậy thì quyền được bày tỏ quan điểm, quyền làm chủ của người dân ở đâu? Thái độ hung hãn như côn đồ, coi dân như kẻ thù, thế mà được gọi là chiến sĩ công an nhân dân ư? Nhớ hôm liên hoan chia tay mình đi học, ông bác có nói về “sự nghiệp trồng người” của đảng. Những tên công an lúc chiều chính là kết quả “trồng người” của họ đó sao? Thắng bắt đầu cảm thấy chán nản và hoài nghi tất cả. Long đã nói đúng: Xã hội Việt Nam bây giờ mọi thứ đều giả, chỉ dối trá là có thật mà thôi.

“Bao giờ thì người dân quê mình mới được như những người biểu tình đó?” – Thắng tự hỏi. Để làm được như vậy thì phải có nhận thức và sự đoàn kết lẫn nhau. Vì sự ngu dốt và sợ hãi khiến người ta mụ mị đầu óc, chính người dân quê mình đang vướng vào cái vòng luẩn quẩn đáng nguyền rủa đó. Vì thế mà họ tiếp tục bị lừa dối và bóc lột mà chưa có cách nào để thoát ra. Nhà nước tuyên truyền gì thì biết nấy, chủ trương chính sách nào cũng nghe theo. Mặc dù vẫn biết đó là dối trá, và có đôi lần họ phản đối nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người dân chưa hiểu và ý thức được quyền lảm chủ của mình, vì họ vốn là nạn nhân của chính sách lừa bịp, ngu dân. Từ trong tâm thức, anh cảm thấy khâm phục những người biểu tình lúc chiều biết bao, họ dũng cảm và tự tin lắm. Chính vì vậy, họ mới dám đứng lên đấu tranh để đòi quyền lợi và chống lại sự bất công. Rồi Thắng tự nhủ: Cần thức tỉnh người dân, nhưng trước hết là phải bắt đầu thức tỉnh bản thân mình.
__________________________________

 

Hồng Lĩnh(1): Dãy núi nổi tiếng nhất xứ Nghệ, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Cùng với sông Lam, thì núi Hồng Lĩnh đã trở thành biểu tượng của xứ Nghệ, dân gian vẫn quen gọi là “Núi Hồng sông Lam”.

Minh Văn

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt