Phỏng vấn giáo sư Carl Thayer về biển Đông

Cuộc phỏng vấn ông Carlyle Thayer, Giáo sư người Úc, chuyên gia kỳ cựu về biển Đông, do Vietnam Film Club thực hiện ngày 12 tháng 7 năm 2014 tại Washington DC. Cuộc phỏng vấn được thực hiện cho cuốn phim tài liệu của Vietnam Film Club đang tiến hành. Theo ý kiến của một số thân hữu, vì nội dung liên quan đến thời sự cần được phổ biến để chia sẻ nhận định của một người ngoại quốc về tình hình biến động tại Việt Nam, nên chúng tôi xin gởi đến Quý Vị cuộc phỏng vấn này qua hai hình thức:
1. Video trên Youtube bằng Anh ngữ: https://www.youtube.com/watch?v=XMIdCQRNBcc
2. Bản văn cuộc phỏng vấn bằng Việt ngữ như dưới đây:

Giáo Sư Carl Thayer (ngồi) và cô Tammy Pham

TAMMY PHAM (Vietnam Film Club):  Thưa ông, khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, thì Bắc Kinh đã có những toan tính gì? 

CARLYLE THAYER: Tôi nghĩ là hiện nay câu trả lời chưa được rõ ràng lắm về mặt chiến thuật lẫn chiến lược. Ngay cái thời điểm họ đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam cũng là bất ngờ. Bởi vì tháng 10 năm ngoái Phó thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc sang thăm Việt Nam, thì báo đài Trung Quốc cho là những khó khăn trong quan hệ hai nước đã được tháo gỡ.

Hai bên đã đồng ý lập ra ba ủy ban làm việc, trong đó có một ủy ban liên quan đến các vấn đề biển đảo. Đã có nhiều lời tuyên bố là không có bên nào sẽ có hành động xen vào chuyện của bên kia. Như vậy là quan hệ đang trên đường cải thiện. Thế mà như từ trên trời rơi xuống, không hề có một hành động khiêu khích nào từ phía Việt Nam mà tôi có thể thấy, bổng nhiên họ đưa cái giàn khoan vào.

Nhưng câu hỏi chiến lược lớn hơn thì khá rõ, đó là, trong óc của người Trung Quốc, con đường chín vạch không phải là một con đường tưởng tượng, mà thuộc vùng ảnh hưởng chính đáng của họ. Họ đã cho Hải Nam đưa ra những luật lệ như về đánh cá, để tạo thành một căn bản pháp lý ở địa phương. Như vậy, mọi sự dưới mắt họ là hợp pháp và họ muốn làm trùm, họ muốn các nước khác công nhận là Trung Quốc có chủ quyền và quyền chủ quyền trên những đảo và vùng biển mà Trung Quốc vẫn cho là thuộc về họ.

Trong trường hợp đó, việc đưa giàn khoan vào chỗ họ đã hạ đặt theo họ chỉ là một chuyện thực thi chủ quyền bình thường của họ. Quả thế, lúc đầu Trung Quốc khá lúng túng khi tìm cách giải thích chuyện ấy. Họ nói nó nằm trong vùng lãnh hải của Trung Quốc.  Nhưng cùng lúc họ lại bảo là nó nằm 17 hải lý cách đảo Tri tôn, như vậy là nằm ngoài lãnh hải của họ. Sau đó, họ lại sửa lại là nó nằm trong vùng kế cận, nghĩa là cộng thêm 12 hải lý nữa.  Nhưng thêm 12 hải lý thì lại có vấn đề liên hệ đến quan thuế và một vài chi tiết khác. Thành thử Trung Quốc đã không dùng được luật quốc tế để biện minh cho hành động của họ.

Việc hạ đặt cái giàn khoan đó liên hệ đến vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền của họ dưa trên dầu hỏa và khí đốt tiềm tàng ở đó. Nhưng rồi họ cũng vẫn sẽ phải giải thích về thời điểm đích xác đặt giàn khoan ở đó vì Việt Nam không hẳn là đã “nằm ở trong túi” của Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng không hẳn là đã về hùa với chính sách tái cân bằng lực lượng của Hoa kỳ ở trong vùng. Tuy hiện chưa rõ là Việt Nam có muốn xích lại gần Hoa kỳ hay không, nhưng trong  quốc nội, hành động của Trung Quốc chắc chắn đã tỏ ra phản tác dụng.

Cùng lúc tôi cũng vẫn tự hỏi, tôi không nghĩ là thời điểm đích xác cũng như vị trí hạ giàn khoan kia chỉ là một sự ngẫu nhiên, là Công ty dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc và một vài thành phần của Giải phóng quân và Hải quân Trung Quốc bỗng nhiên quyết định chuyện đó, đặc biệt với số tàu mà họ đã đem ra vì họ không nghĩ là phía Việt Nam sẽ có phản ứng mạnh như thế. Vì thế, việc định thời điểm và nhắm vào Việt Nam là chuyện hãy còn mù mờ.  Nhưng mục đích chiến lược lớn của họ thì khá rõ, đó là Trung Quốc cho đây là vùng biển lịch sử của họ và họ sẽ làm mọi sự cần thiết để khẳng định quyền của họ. 

TAMMY PHAM: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để đối phó với các hành động của Trung Quốc hiện nay và ngăn ngừa những động thái tương tự trong tương lai? 

CARLYLE THAYER: Việt Nam ở vào một thế yếu. Kẻ yếu thì không có bao nhiêu vũ khí trong tay, ngoại trừ việc dựa vào ngoại giao và luật quốc tế. Có điều khá rõ ràng là nếu Việt Nam đã trả đáp bằng một biện pháp quân sự thì chắc chắn sẽ gặp một phản ứng quân sự áp đảo. Đó là lý do tại sao Việt Nam đã giữ hải quân của mình ở các hải cảng. Việt Nam thực sự không có nhiều lựa chọn, bởi Trung Quốc đã đưa ra lúc đầu là 50 tàu, rồi lên đến 70 tàu, 80 tàu, và bây giờ là trên 100 tàu với khoảng 20 chiến hạm.  Rõ ràng là Trung Quốc muốn bày ra một sức mạnh áp đảo.

Trong trường hợp này, Việt Nam có thể làm một số chuyện. Trước hết là tối thiểu về mặt luật pháp quốc tế cho thấy là mình không gật đầu trước việc làm kia, như đưa lực lượng duyên hải và các tàu kiểm ngư ra để thông báo trong 3 thứ tiếng, rằng đây là lãnh thổ chủ quyền của Việt Nam, rằng Trung Quốc nên dời đi, như vậy Trung Quốc không bao giờ có thể nói với quốc tế là Việt Nam đã thuận ý.

Thứ hai là về con đường ngoại giao, trước hết là qua ASEAN và sau là qua các quốc gia khác. Và chuyện này đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ giữa các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN khi lần đầu tiên họ đưa ra một bản tuyên bố đứng riêng về vấn đề này, bày tỏ một sự quan ngại nghiêm trọng về những chuyện gì đã xảy ra ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở trong vùng. Và tuy họ không nhắc đến tên Trung Quốc, họ chưa bao giờ họ nhắc đến tên Trung Quốc ngay từ bản tuyên bố đầu tiên vào năm 1992, nhưng việc ra tuyên bố này cũng vẫn quan trọng vì trước đây đã có một vài sự lủng củng trong nội bộ ASEAN.

Theo tôi được biết, mặc dầu Campuchia đã bắt đầu nêu ra một hai vấn đề và Mã Lai còn phản đối khá gắt, việc họ đưa ra được một tuyên bố là quan trọng từ quan điểm của ASEAN và nhất là Việt Nam, tổ chức khu vực này đã lên tiếng và đây là cơ sở cho một nước như Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề đứng về phía ASEAN. Ở hội nghị CSIS (của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế) vào tháng 7 năm nay, người ta đã trình bầy khá rõ là vì sao Hoa Kỳ đang thúc đẩy một giải pháp dùng luật quốc tế để ngăn chặn các hoạt động tìm cách đổi thay nguyên trạng.

Cũng có ngoại giao với Nhật Bản để cho nước này tăng cường viện trợ cho các lực lượng tuần duyên của Việt Nam và Quốc hội Nhật Bản vào tháng 7 này cũng đang nghiên cứu vấn đề này. Và trong quá khứ, Việt Nam đã ngoại giao với Trung Quốc, và khi ông Lý Khắc Cường sang Việt Nam, người ta đã nói đến những đường giây nóng giữa hai nước. Nhưng khi Việt Nam gọi mấy đường giây nóng này thì không có ai trả lời.  Họ đề nghị gởi một đặc sứ sang Trung Quốc cũng không xong, kể cả khi đề nghị gởi ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản sang bên ấy, chuyện đó cũng bị từ chối.

Trong cuộc đối thoại chiến lược Shangri-La, tôi hỏi ông bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, trong một cuộc họp mở rộng cho công chúng là họ đã tiếp xúc với cộng đồng hải ngoại chưa thì ông ta bảo rằng Trung Quốc chưa có trả lời, rằng họ đang đánh một ván cờ bắt bí. Do vậy nên việc đưa các lực lượng bán quân sự như lực lượng duyên hải và kiểm ngư ra là một cách đánh dấu sự hiện diện của Việt Nam nhưng đó vẫn là một ván bài đang thua vì Trung Quốc vẫn đang mở rộng vùng kiểm soát của họ và gây tổn hại cho ít nhất 29 tàu của phía Việt Nam.

Vả lại, phía Việt Nam cũng không có bao nhiêu tàu đủ nặng ký để đương đầu với Trung Quốc. Tàu lớn nhất của phía Việt Nam là 2000 tấn thì chỉ mới bằng những tàu nhỏ nhất của Trung Quốc, và như vậy là một trò chơi bất cân bằng. Nhưng dầu sao phía Việt Nam cũng đã ghi được điểm cho mình, đó là về mặt trận ngoại giao với khu vực và với các nước ngoài vùng.

Ngoài ra, không có bao nhiêu chuyện Việt Nam có thể làm được trong lúc này. Mà nếu ở trong vùng và ở trên thế giới Việt Nam có thể đứng lên và khiêu khích thì Trung Quốc có thể lật thế cờ và nói ngay là Việt Nam là phe hiếu chiến. Do đó nên Việt Nam chỉ có thể trông mong là đến giữa tháng 8, tức là thời điểm mà Trung Quốc nói là họ sẽ hoàn tất việc thăm dò của họ và rút giàn khoan ra. Đó cũng là vào mùa bão nữa và như vậy, cả hai bên đều không còn lý do để duy trì sự hiện diện của tàu bè của mình trong vùng. Và điều đó có thể dẫn đến việc mở cửa cho một cuộc đối thoại. 

TAMMY PHAM: Thưa ông, như ông thấy, Hà Nội đã không có được mấy thiện cảm trong khối ASEAN. Trong khi đó thì Phi Luật Tân được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và nhiếu quốc gia khác, vì mục tiêu của họ rõ ràng. Ông có nghĩ rằng Việt Nam có can đảm chống lại Trung Quốc như Phi Luật Tân đang làm hay không? 

CARLYLE THAYER: Trường hợp của Phi Luật Tân là một bài học cho Việt Nam, bởi trong nhiều năm, họ đã có nhiều lần ngồi xuống với Trung Quốc, song cuối cùng họ đành phải đưa vấn đề ra tòa án quốc tế. Họ bảo họ đã cạn kiệt mọi con đường thương lượng, mặc dầu Trung Quốc vẫn nói là cửa vẫn mở.

Nhưng thẳng thắn mà nói thì Trung Quốc đòi là phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trước đã rồi nói gì mới nói. Tôi được nghe chuyện đó từ một nguồn tin từ chính tòa án quốc tế, và hiển nhiên thì Phi Luật Tân không chấp nhận được. Nhưng Phi Luật Tân và Mỹ là đồng minh mà Việt Nam thì không phải là đồng minh của Mỹ. Phi Luật Tân và Mỹ có một hiệp định quốc phòng với nhau. Để cập nhật hóa vấn đề thì ít nhất Thủ tướng Việt Nam đã nói là Việt Nam đang nghiên cứu chuyện đi con đường pháp lý nhưng vấn đề là tính làm vào lúc nào.

Ở cuộc đối thoại Shangri-La khi bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh được hỏi về vấn đề này thì ông ta bảo đó sẽ là nước cờ cuối cùng. Chuyện quan trọng là người của Phi Luật Tân cũng vừa từ Hà nội về và nói, “Việt Nam cũng đang lập hai hồ sơ, một về Hoàng Sa và một về Trường Sa. Hà nội sắp đi cùng với chúng tôi.”  Nhưng ông Thanh lại nói là Phi Luật Tân chỉ đang “lợi dụng” chúng tôi thôi.

Vấn đề là nếu Việt Nam đi con đường pháp lý thì họ sẽ nêu ra các vấn đề nào? Và cho mục đích nào? Theo một nguồn tin thì họ sẽ phân biệt hai hồ sơ Hoàng sa và Trường sa. Theo một nhà luật gia ở bên Bỉ thì Việt Nam có thể đi với Phi Luật Tân và nạp cho tòa án quốc tế một lời tuyên bố là chúng tôi cũng có lợi ích được thấy kết quả trong vụ kiện của Phi Luật Tân

Thế không có nghĩa là Việt Nam bắt buộc phải theo chân Phi Luật Tân.  Nhưng nếu có những quốc gia khác đi theo gương Phi Luật Tân, thì người ta phải để ý, nếu những lời tuyên bố tương tự được chồng chất lên thì các vị tài phán sẽ chú ý và vấn đề không còn chỉ là chuyện giữa hai nước nữa.

Đó là một. Hai là Việt Nam có thể nhập vào với Phi Luật Tân.  Nhưng đôi ba điểm của Phi Luật Tân lại có thể làm cho lập trường của Việt Nam yếu đi.  Hay là Việt Nam có thể đi kiện một cách độc lập và yêu cầu có một sự phán xét riêng biệt, trong trường hợp đó những khác biệt giữa Việt Nam và Phi Luật Tân lại có thể làm hại cho cả đôi bên và làm lợi cho Trung Quốc tùy theo vụ kiện diễn tiến ra làm sao. Ngoài ra, lại còn trường hợp của quần đảo Hoàng sa mà Việt Nam có thể đòi chủ quyền do bởi hành động xâm lăng của Trung Quốc vào năm 1974.

Ở đó không có vấn đề trông chờ là sẽ có một giải pháp pháp lý vì chắc chắn là Trung Quốc sẽ không chịu ra tòa. Nhưng có những luật gia quốc tế cho rằng Việt Nam vẫn nên kiện bởi như vậy sẽ chứng tỏ là Việt Nam sẵn sàng đi theo con đường giải quyết các tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, qua một tòa án quốc tế để đòi chủ quyền mà đằng nào mình cũng muốn đòi. Có một ông bộ trưởng Nhật bản cho rằng Nhật bản cũng nên đi con đường đó trong trường hợp quần đảo Senkaku và đẩy Trung Quốc vào chỗ họ phải chứng minh quan điểm của họ.

Còn một vấn đề thứ ba, đó là những sự thiệt hại của các ngư dân Việt Nam. Họ quan niệm vấn đề ra sao và họ muốn được đền bù như thế nào, họ có những phương thức nào để đòi. Song câu trả lời là chỉ có các quốc gia là có thể kiện tụng trong những cuộc tranh chấp trên biển như thế này, và quốc gia nào mà cho các tàu đó đăng ký là quốc gia phải khởi kiện.

Bằng cách nhấn mạnh vào con đường pháp lý này thì Việt Nam sẽ được sự đồng tình của các nước trong ASEAN, sự ủng hộ chính trị của ASEAN vì nhiều nhất cũng sẽ chỉ được có thế thôi. Nhưng với sự chuyển hướng trong chính sách của Mỹ quay sang các biện pháp pháp trị dựa trên luật quốc tế thì Việt Nam không những có thể trông chờ vào sự ủng hộ của Mỹ mà còn vào cả sự ủng hộ của Nhật, Úc, Nam Hàn, Ấn độ và tất cả những quốc gia lớn khác có vai trò trên biển này.

Tuy nhiên, dựa vào luật quốc tế cũng có mặt trái của nó, đó là như trong trường hợp Phi Luật Tân. Ngay như phán quyết của tòa án có áp dụng liền và không chấp nhận khiếu nại thì vẫn không có các biện pháp chế tài. Bởi thế nên nếu Trung Quốc nhất quyết khăng khăng phủ nhận thì chúng ta cũng không có cách nào ép Trung Quốc chấp nhận gia nhập cộng đồng thế giới trong chuyện này. 

TAMMY PHAM: Việt Nam và Trung Quốc có những mối quan hệ thay đổi khác nhau trong chiến tranh, sau chiến tranh, và đặc biệt sau sự sụp đổ của khối cộng sản Nga và Đông Âu. Hội nghị Thành Đô được cho là tái xác định lại quan niệm về quan hệ Việt Trung. Theo nhận xét của ông, thì những thay đổi quan hệ đó nói lên điều gì? Đi theo một lý tưởng? Hay quan hệ nước lớn nước nhỏ theo chủ nghĩa sô vanh? 

CARLYLE THAYER: Năm 1990 khi tìm cách sáp lại gần với Trung Quốc, Việt Nam muốn liên minh trở lại với Bắc Kinh nhưng phía Trung Quốc họ nói: “Đồng chí, không phải đồng minh.”  Do đó, chuyện chính là Trung Quốc muốn cho thấy mình là một cường quốc, và từ năm 1990, Việt Nam đã tìm cách làm một chư hầu trung kiên trong một hệ thống tuế cống mới, và trong đó ý thức hệ chắc chắn là có một vai trò.

Và tôi nhớ là vào năm 1992, nghĩa là ít lâu sau đó, có vụ Crestone và ở vịnh Yuen an (?) khi Trung Quốc tìm cách đưa một giàn khoan vào, thì ở Trung ương Đảng Việt Nam có một cuộc thảo luận sôi nổi về chuyện này và tôi nhớ có phóng viên tờ Viễn Đông Kinh Tế trích một nguồn tin cao cấp nói rằng Trung Quốc dùng xã hội chủ nghĩa “như một dây thừng để cột tay của Việt Nam.”

Làm cách nào dùng ý thức hệ để lấy lòng Trung Quốc, song lại trông chờ được thưởng như là nhảy theo mọi người trong quan hệ quốc tế? Làm sao có thể như dưới thời Thành Cát Tư Hãn? Vì vậy nên tôi nghĩ là Việt Nam bao giờ cũng nghĩ là dùng ý thức hệ để hội nhập như họ đã làm để có được một quan hệ đặc biệt với Trung Quốc.

Và từ khi nối lại bang giao họ đã có được một quan hệ chiến lược, một đối tác chiến lược toàn diện dẫn đến hai đảng có những quan hệ hợp tác lâu dài: ở mức quốc gia họ đã có những ban chỉ đạo trung ương và do đó, Việt Nam đã nghĩ là họ có thể chia ngăn các cuộc tranh chấp ở trong Biển Đông bằng cách dựa lên ý thức hệ và chiều theo ý Trung Quốc để có thể nhảy lên theo toa tàu của Trung Quốc về mặt trục lợi kinh tế.

Vì thế nên khi giàn khoan HD-981 được hạ đặt, nó đảo ngược lại tất cả những việc làm trên kia, nó làm mất tin tưởng chiến lược vào nhau. Do đó nên ngày hôm nay Việt Nam vẫn còn đang tranh luận về chuyện này và tôi đã nói đùa với mấy người bạn Việt Nam của tôi là nếu Việt Nam đi con đường xã hội chủ nghĩa thì nó nên là xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng Việt Nam (thay vì Trung hoa) để gộp những lợi ích quốc gia của Việt Nam vào trong đó.

Cô biết không, nhắc đến lợi ích dân tộc là một vấn đề tranh cãi dữ lắm khi nó được đưa vào ngôn ngữ hàng ngày ở Việt Nam vì nó không hẳn là đi đôi với những quyền lợi của công nhân và các lực lượng xã hội ở trong quốc gia đó. Vào năm 2003 và rồi vào năm 2013, Việt Nam xác định Trung Quốc và Hoa Kỳ là những quốc gia cần hợp tác tuy có thể là vừa hợp tác vừa phải tranh đấu hay thậm chí đối đầu. Tuy nhiên, trong một nỗ lực nhìn lại vào năm 2013, họ tự hỏi không hiểu họ có dùng quan niệm đó một cách hữu hiệu không.

Đối với các quốc gia xã hội chủ nghĩa, mình có thể có những bất đồng ý kiến và phải giữ vững lập trường nhưng với một đế quốc như Hoa kỳ, chúng ta có nhiều khu vực rộng lớn không thể đồng ý với nhau như về nhân quyền và dân chủ, nhưng đôi bên vẫn có những điểm tụ hội về lợi ích cần nối kết với nhau.

Vì vậy nên ngày hôm nay, việc Việt Nam không có khả năng đối phó với Trung Quốc trong khi cần củng cố quan hệ với Hoa kỳ.  Không phải vì những mục đích chiến thuật tức thời mà vì những mục đích dài hạn như mở rộng kinh tế của Việt Nam, gia nhập TPP [Hiệp ước đối tác xuyên Thái bình dương] và đi tìm tất cả những cái lợi khác như giáo dục, khoa học kỹ thuật, tất cả chỉ là những chuyện đãi bôi.

Chính quan hệ toàn diện là bằng chứng cho tất cả những chuyện đó bởi đôi bên đã làm tất cả những chuyện ấy, do đó nên ta thấy có một sự rụt rè không dám tiến tới vì ý thức hệ, vì Việt Nam vẫn nhìn vào mình như một nước xã hội chủ nghĩa, một nước muốn dùng chuyện ấy vào việc tăng cường sự hợp tác của Trung Quốc. Nhưng mặt trái của đồng tiền ấy là Trung Quốc muốn đó phải là xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng Trung hoa, trong đó Trung Quốc đóng một vai trò nổi bật. 

TAMMY PHAM: Nhiều người Việt Nam tin rằng đảng Cộng sản Việt Nam mang nợ Trung Quốc qua nhiều, khó mà thoát ra được áp lực của Trung Quốc. Xin ông nhận xét về nhận định này hiện đang lan tràn trong nước, và cả trong các đảng viên cộng sản. 

CARLYLE THAYER: Điều đó khó nói, và đó sẽ là một cuộc vật lộn đối với các đảng viên được huấn luyện ở ngoài Việt Nam, nhất là những người tôi đã có dịp gặp. Tôi đã có lần viết một bài mang tên,“Cái ác ôn của địa lý” dựa trên một cuốn sách nói về “cái ác ôn của khoảng cách” của nước Úc.  Một nước da trắng, của người Âu nhưng lại nằm ở Á đông thay vì nằm ở phía Bắc Đại tây dương. Nói về cái “ác ôn của địa lý” tôi đã có lần nói là Việt Nam với 90 triệu người thật ra chỉ bằng một tỉnh vừa của Trung Quốc, người ta đã đáp trả ngay: “Ông nói thế là tiêu cực quá! Chúng tôi có nhiều cái tích cực chia xẻ với Trung Quốc, như văn hóa, tư tưởng chính trị, tôn giáo…”

Chắc chắn rồi, Việt Nam không thể phủ nhận gia tài, di sản của mình, nhưng chuyện quan trọng là Việt Nam phải biết diễn dịch lại một cách sáng tạo, như Việt Nam có căn cước riêng của mình, có lịch sử riêng của mình, vì nói cho cùng Việt Nam đã lấy lại độc lập từ Trung Quốc. Nhưng tôi cho là cô cũng đúng, bởi tôi nghe người ta nói là những chuyên gia về Trung Quốc nghĩ như người Trung Quốc.

Mà đó không phải là một lời chỉ trích vì Trung Quốc bao giờ cũng hành động một cách trịch thượng và Việt Nam phải đoán trước được để ngoan ngoãn chiều theo. Họ nghĩ: “Nếu mình làm chuyện này, nghĩa là sát gần đến Hoa kỳ thì Trung Quốc sẽ nhào đến ngay, và như vậy là ta không đến gần Hoa kỳ và sẽ làm giảm được áp lực kia đi ngay.”

Chính sách này là chính sách đã có từ khá lâu như ta đã thấy, và cái cân bằng trong một thế giới đa cực mà Việt Nam muốn thấy từ Trung Quốc, Nga, Ấn độ, Nhật bản và Hoa kỳ thì chỉ có ba nước là thường hằng trong chính sách của Việt Nam.  Với Nga, là có vấn đề với Hoa kỳ, Trung Quốc thì bây giờ là một anh bạn đáng ngờ. Đâu có ai trông chờ cuộc tranh chấp này giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi Trung Quốc là nước bạn độc nhất có quan hệ chiến lược và toàn diện với Việt Nam. Vậy mà Trung Quốc đã làm những việc khuynh đảo hoàn toàn mối quan hệ đó.

Nhưng tôi cho là chuyện nhất quyết xảy ra, không tránh được là các thành phần trẻ sẽ lên. Có một đại hội Đảng sắp tới, với một Trung ương Đảng ngày càng có tiếng nói của mình, họ không phải là những thành phần trẻ nhất trong Đảng nhưng chẳng bao lâu nữa họ sẽ như thế. Một lớp lãnh đạo mới sẽ hiện ra và toàn cầu hóa có nghĩa là họ sẽ tái tạo một căn cước Việt Nam trong khung cảnh toàn cầu chứ không phải là ở trong một thế giới với Trung hoa là rốn vũ trụ. 

TAMMY PHAM: Có thể nào ông tiên đoán những động thái trong những ngày tới, một vài tháng hay một hai năm tới, liệu Trung Quốc có tiếp tục các hành động xâm lấn, đặc biệt khi biết rằng Hoa Kỳ đang bận rộn những nơi khác mà Trung Quốc lại thừa dịp để thực hiện các động thái mới? 

CARLYLE THAYER: Chúng ta không thể tin được điều Trung Quốc nói. Cài giàn khoan 981 là một cái giàn khoan rất đắt tiền. Nó được thiết kế để đi vào chỗ nước sâu. Nó rất, rất là đắt tiền. Rồi Trung Quốc đang bành trướng lực lượng tuần duyên của họ, ngân sách Quốc phòng của họ tăng trên 10 điểm mỗi năm.  Phải mất cả nhiều thập kỷ thì mới đảo ngược được.

Đó là chuyện khá rõ ràng. Không ai thiết kế giàn khoan để ngồi ở nhà. Người ta đem chúng ra biển để tìm dầu và khai thác. Trung Quốc tự thuyết phục mình là trữ lượng dầu khí ở Biển Đông là tới bảy lần ước lượng của phía Hoa kỳ. Và như vậy ta có thể thấy là ở trong đầu họ thì đây là một lượng tài nguyên rất đáng kể và họ nhắm khai thác năng lượng ở đó. Và họ cũng để ý đến các nguồn lợi cá của địa phương nữa.

Họ đã làm ô nhiễm nguồn nước, làm kiệt quệ các lượng cá ở đó nên họ xây tàu ngày càng lớn và cuối cùng thì thế nào cũng đi đến đụng chạm, không chỉ riêng gì với Việt Nam và Phi Luật Tân là chuyện đang xảy ra lúc này, mà còn cả với Mã lai á, Nam dương, In đô nê xia.

Và chúng ta đã trông thấy ở hội nghị CSIS, vị đại diện của Mã lai á đã tiết lộ là ở Quốc hội nước ấy gần đây, nói bằng tiếng Mã lai, ông Bộ trưởng Quốc phòng khi nói đến những xâm lấn của Trung Quốc thì không phải chỉ có ở bãi ngầm James Shoal mà còn cả ở một địa điểm khác nữa, nghĩa là hai vụ khác nhau.

Và những nhận định này đã được ghi vào trong Công báo của Mã lai á nhưng không được mấy ai để ý vì không có bao nhiêu người đọc tiếng Mã lai. Rồi đến lượt In đô nê xia cũng đã yên ắng đưa ra những video Youtube cho thấy nước này từ khá nhiều năm nay cũng đã có những đụng độ giữa hải quân họ với hải quân Trung Quốc. Cả hai nước sau này đều đã tăng cường sức mạnh quân sự của họ, họ cũng đã nâng cấp quan hệ quân sự với Hoa kỳ nhưng làm một cách lẳng lặng, không lộ hẳn như Phi Luật Tân, nhưng những xu hướng đó thì vẫn đang tiếp tục.

Như vậy tương lai sẽ không là một vùng hòa bình, ổn định và hợp tác mà sẽ là tranh chấp vì Trung Quốc không chỉ vì năng lượng, vì nghề cá, vì áp chế quyền lực của họ, vì gân guốc quân sự của họ đối lại với sự sa sút tương đối, không hẳn là sa sút hoàn toàn, của Mỹ trong khi Trung Quốc thì đang đi lên.

Do đó, ở địa vị của tôi ở Úc châu, như một đồng minh của Mỹ, thì tôi rất đau lòng thấy những vụ xích mích nội bộ ở Hoa thịnh đốn, vấn đề tài trợ, thấy Mỹ ở trong một hoàn cảnh không mấy thuận lợi.

Nhưng rồi Mỹ là một cường quốc toàn cầu và nếu có chuyện không hay xảy ra ở Trung đông thì Mỹ sẽ bị chia trí và không tập trung được vào Á đông Thái bình dương. Trong trường hợp đó Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy các lợi ích của họ, không bằng phương tiện quân sự nhưng bằng những phương tiện khác. Và tất cả các quốc gia trong vùng sẽ phải đương đầu với tình trạng đó trong vài thập niên tới. 

TAMMY PHAM: Ở Việt Nam tinh thần chống Trung Quốc là khá phổ biến như ta có thể thấy trong các cuộc biểu tình cả trong nước lẫn ở ngoài này.  Theo ông thì những cuộc biểu tình đó có tác dụng gì không?  Hay là người Việt nên hành động, phản ứng ở tầm chiến lược hơn? 

CARLYLE THAYER: Dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa yêu nước là một cái gươm hai lưỡi. Chúng rất tốt nếu dùng đúng dịp, nhưng nếu chúng thúc đẩy chúng ta đến những hành động hấp tấp quyết định trong lúc nóng nảy, những hành động vội vã có thể trở thành phản tác dụng.

Tôi nghe thấy ở trên các đài hải ngoại của người Việt đề nghị là Việt Nam nên nhào ra chộp lấy quân cờ đầu trong một ván cờ tướng.  Nhưng rồi tôi nói, quý vị biết chuyện gì không, Trung Quốc nó có tới hai lần số quân cờ của mình nên ta phải cẩn thận. Nhưng những nhà dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam đã không tạo ra sự thuyết phục.

Chu Lynh

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt