Nguy cơ sụp đổ của Bắc hàn nhìn từ phía Trung Cộng

Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đại tướng Joseph Dunford và tướng TC Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) trong buổi ký thỏa thuận trao đổi thông tin, ngày 15/08/2017, tại Bắc Kinh. (Ảnh : Reuters)

Về việc khủng hoảng Bắc Hàn báo Le Monde phân tích về “nguy cơ sụp đổ Bắc Hàn nhìn từ Trung Cộng”, trong tình hình khủng hoảng nguyên tử ngày một trầm trọng, bóng ma chiến tranh lơ lửng.

Bài “Trung Cộng đặt câu hỏi về tương lai Bắc Hàn”, của nhà báo Brice Pedroletti – thông tín viên của Le Monde tại Trung Cộng – mở đầu với nhận xét: “Chính quyền của ông Tập Cận Bình rất thiếu sáng kiến trong hồ sơ Bắc Hàn”. Bắc Kinh chỉ quan sát một cách thụ động, trong lúc oanh tạc cơ Hoa Kỳ bay sát biên giới Liên Triều, cùng lúc với việc tổng thống Hoa Kỳ đe dọa “sớm xóa số” chế độ Bình Nhưỡng, còn ngoại trưởng Bắc Hàn thì gọi tổng thống Trump là “kẻ rối trí”.

Trên thực tế, trong tình hình này, nhiều nhà quan sát đồng ý với nhau ở một điểm, đó là Bắc Kinh không thể không dự kiến “các kế hoạch khẩn cấp”, trong trường hợp rối loạn xảy ra.

Điều này phần nào được thể hiện qua tiếng nói của một số học giả Trung Cộng. Trong một bài viết được công bố ngày 11/09/2017, trên trang đại học Úc East Asia Forum, ông Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) – trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế Đại Học Bắc Kinh – nhận định rằng “trong một thời gian dài Trung Cộng kháng cự lại kêu gọi của Mỹ và Nam Hàn, chuẩn bị một số kịch bản khẩn cấp về Bắc Hàn”, nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải sớm thay đổi lập trường.

Cụ thể là Trung Cộng sẽ phải thảo luận về việc kiểm soát hệ thống vũ khí nguyên tử Bắc Hàn, để tránh mọi nguy cơ lọt ra ngoài. Tiếp đó, Bắc Kinh cũng phải dự kiến đưa quân sang bên kia biên giới, lập “các trại tiếp đón” tại chỗ, để ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ Bắc Hàn tràn sang.

Trong trường hợp “khủng hoảng”, có nghĩa là “chế độ sụp đổ”, học giả Trung Cộng nhấn mạnh là cần phải có sự chuẩn bị để “lập lại trật tự”, với quân đội Nam Hàn hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Tiếp theo đó, cần dự kiến “lập một chính phủ mới dưới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế”, hoặc một “cuộc trưng cầu dân ý về tái thống nhất, được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn”.

Chỉ huy quân đội Mỹ-Trung gặp gỡ tại biên giới

Theo chuyên gia Mathieu Duchatel (Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu), đối với Bắc Kinh, “công khai thừa nhận đang chuẩn bị kế hoạch đối phó khẩn cấp cùng với Mỹ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khép cửa với đàm phán đa phương”.  Tuy nhiên, phóng viên Le Monde đặt câu hỏi:  Phải chăng trên thực tế chính Trung Cộng và Mỹ đã bắt đầu rậm rạp chuẩn bị cho các thảo luận như vậy ?

Giữa tháng 8/2017 vừa qua, tư lệnh quân đội Mỹ, tướng Joseph Dunford, đã được chính quyền Trung Cộng mời đến căn cứ quân sự Hải Thành (Haicheng), thành phố Thẩm Dương (Shenyang), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), trụ sở của lực lượng kiểm soát vùng biên giới với Bắc Hàn. Ít có thông tin nào lọt ra về nội dung thực sự của các thảo luận, tuy nhiên, tướng Dunford tuyên bố với báo giới Mỹ là đã nói chuyện về đồng nhiệm Trung Cộng “về các giải pháp quân sự trong trường hợp áp lực ngoại giao và kinh tế thất bại”.

Một thỏa thuận đầu tiên đã được ký kết nhằm “tăng cường trao đổi thông tin về các hoạt động trên thực địa giữa hai quân đội Mỹ và Trung Cộng”. Nhà nghiên cứu Michael Kovrig – phụ trách mảng Đông Bắc Á của viện tư vấn International Crisis Group (ICG), có trụ sở tại Bỉ – khẳng định chuyến công du nói trên “rất có ý nghĩa”, bởi đây là “bước đi đầu tiên”, cho phép tránh được các sai lầm trong tính toán trong trường hợp khủng hoảng bùng phát.

Bắc Kinh được cảnh báo không nên lầm bạn với thù

Đòi hỏi sẵn sàng đối phó với rối loạn Bắc Hàn ở Trung Cộng không phải là mới. Ngay từ năm 2009, viện tư vấn ICG đã ghi nhận sự tồn tại của hai nhóm cố vấn, vào thời điểm Bình Nhưỡng rời đàm phán 6 bên và tiếp tục thử nguyên tử lần thứ hai. Nhóm theo quan điểm “truyền thống” chủ trương tình bạn bất di bất dịch với Bình Nhưỡng, trong khi đó nhóm được gọi là “chiến lược gia” cổ vũ cho hợp tác với Hoa Kỳ, vì lợi ích Trung Cộng.

Năm 2013, sau khi Bình Nhưỡng thử bom lần ba, một phó tổng biên tập tạp chí của Trường Đảng Bắc Kinh thậm chí còn kêu gọi “bỏ rơi Bắc Hàn”, và “chủ động tìm sáng kiến hậu thuẫn cho việc tái thống nhất Bắc Hàn, dưới sự kiểm soát của Nam Hàn”.

Tuy tác giả bài viết bị kỷ luật, nhưng lời kêu gọi đã được Bắc Kinh tiếp thu một phần, điều này được thể hiện qua chính sách xích lại với Nam Hàn, cũng từ năm này.

Le Monde nhắc lại ý kiến của sử gia về chiến tranh Triều Tiên, ông Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua) người Tàu, chỉ trích Bắc Kinh trừng phạt các công ty Nam Hàn, vì Seoul khai triển hệ thống lá chắn hoả tiễn THAAD. Theo ông, hiệp ước đồng minh Trung – Triều hiện chỉ còn là “một tờ giấy lộn”,  Bắc Kinh không nên lẫn bạn với thù: “Bắc Hàn đã trở thành một kẻ thù tiềm tàng, Nam Hàn là một quốc gia bạn hữu”.

Vũ khí laser chống hoả tiễn Bắc Hàn

Về “chiến lược của Hoa Kỳ” trong cuộc khủng hoảng Bắc Hàn, báo Le Figaro có bài nhận định của nhà báo Renaud Girard. Tác giả dự báo hai biện pháp mạnh mà Washington đang tìm cách khai triển. Song song với đe dọa cấm cửa về tài chính đối với các công ty Trung Cộng làm ăn với Bắc Hàn, Hoa Kỳ sẽ tái khởi động “chương trình chiến tranh giữa các vì sao”, của tổng thống Reagan trước đây. Theo đó, các vệ tinh địa tĩnh sử dụng tia laser có thể sẽ được phát triển để đánh lạc hướng các hỏa tiễn của Bình Nhưỡng, ngay trong giai đoạn phóng lên đầu tiên.

Tuy nhiên, một kế hoạch như vậy cũng có nguy cơ thúc đẩy “một cuộc chạy đua vũ trang vô ích giữa Mỹ, Trung Cộng và Nga…”.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt