Mỹ đang đứng ở đâu trong quan hệ bang giao với Cộng Sản Việt Nam?

Lê Thành Nhân
lethanhnhan@vietquoc.org

US-Vietnam relation ????

Một số danh từ ngoại giao của nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đang dùng làm cho chúng ta không biết đâu mà mò? Chúng ta đọc báo, nghe radio, kể cả các Radio quốc tế qua chương trình Việt Ngữ thường nghe những thuật ngữ: “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược toàn diện”- Còn báo chí lề phải của Việt Cộng trong nước thì viết lung tung, loạn cả lên… không biết CSVN đang liên hệ với ai, ở mức độ nào? 

Trước năm 1975, chúng ta thường nghe Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược của Việt Nam Cộng Hoà, các quốc gia có tham chiến ở Việt Nam là quân đồng minh trong khối tự do.

Sau chiến tranh lạnh, các nước đã giải thể chế độ độc tài toàn trị cộng sản, nhưng còn cai trị độc tài. Nền ngoại giao thế giới không đơn thuần như trước đây chỉ có hai khối một bên “đồng chí”, còn bên kia là “đồng minh”. Khi khối cộng sản tan hàng, một số nước bám víu chính trị theo chế độ cộng sản, nhưng kinh tế thì chạy theo kinh tế thị trường tự do. Vì thế, họ cần ve vãn các nước tư bản, nhất là Mỹ để giao thương, từ đó nền ngoại giao nẩy sinh nhiều dạng, và những danh từ ngoại giao lần lượt ra đời để chỉ rõ mức độ quan hệ trên trường bang giao quốc tế. Chúng ta thử tìm xem những thuật ngữ này có ý nghĩa như thế nào?

Liên minh (alliance): Là mối hợp tác chính thức hoặc không chính thức giữa hai hoặc nhiều nước nhằm hỗ trợ lẫn nhau ở mức độ nào đó để phối hợp chính sách liên quan đến các vấn đề về an ninh. Chữ liên minh thường dùng trong khối tự do, như Liên minh NATO, Liên Minh Đông Nam Á v.v. Ở đó các nước ký kết một hiệp ước hỗ trợ nhau khi một nước nào bị đe doạ. Trong khối tự do hai chữ “liên minh” rất có giá trị, đặc biệt an ninh quân sự. Còn về phương diện kinh tế, các nước tự do đã có nền giao thương quân bình, “thuận mua vừa bán” qua các hiệp ước thương mại nên trên lãnh vực kinh tế giữa các nước trong khối tự do tự nó đã liên minh rồi. Về lãnh vực chính trị, các nước tự do là liên minh tự nhiên của các quốc gia theo chế độ tự do dân chủ, cùng một giá trị phổ quát giống nhau, tuỳ theo mỗi nước mà cách tổ chức hơi khác nhau để thực hiện dân chủ như bầu trực tiếp hay qua đại nghị để chọn người lãnh đạo đất nước, nhưng tựu chung lấy con người làm gốc gọi là “dân chủ” (people power).

Như Liên Minh NATO (The North Atlantic Treaty Organization) có 29 quốc gia, có giá trị an ninh rất vững chắc. Khi một thành viên của khối NATO bị tấn công thì xem như 29 thành viên khác bị tấn công. Điều này được xác minh bằng chữ ký của các thành viên NATO ký ước ngày 4/4/1949 ở Điều 5 “nếu một nước trong khối NATO bị tấn công quân sự, có nghĩa là tấn công toàn thể các nước trong khối NATO, và những nước còn lại sẽ có trách nhiệm giúp đỡ nước bị tấn công với vũ khí hoặc quân đội khi cần thiết” (It was established at the signing of the North Atlantic Treaty on 4 April 1949. Article Five of the treaty states that if an armed attack occurs against one of the member states, it should be considered an attack against all members, and other members shall assist the attacked member, with armed forces if necessary)

Chức năng của liên minh là để “củng cố an ninh của đồng minh” thông qua việc hợp tác để “hợp lực” chống lại một thế lực khác. Lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy, sự phát triển liên minh là các nước đồng minh được đánh giá nhau qua khả năng trợ giúp lẫn nhau về mặt quân sự nhằm răn đe hoặc trừng phạt một liên minh đối lập.

Ngoài ra, liên minh còn ký những hiệp ước “liên minh bất tương xâm” – Như Hoa Kỳ đã ký với Canada, Phillipine, Nam Hàn, Nhật, Do Thái, Úc v.v… Đó là nói đến phía các nước tự do dân chủ, chữ “liên minh” có trước Chiến Tranh lạnh, nay chỉ thay đổi cho phù hợp. Còn các nước cộng sản còn duy trì chế độ hoặc đã bỏ chế độ thì có những danh từ ngoại giao mới.

Đối tác (partnership): Là quan hệ hợp tác ở mức độ cao hơn bình thường. Các nhà ngoại giao định nghĩa về đối tác như sau: “Đối tác bao gồm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau, ngồi lại nhằm hợp tác bằng cách thực hiện những mục tiêu chung. Xây dựng những đường giây liên lạc để giải quyết các bất đồng và tranh chấp đôi bên, đẩy mạnh quan hệ hợp tác và hành động. Đối tác thành bại dựa trên đánh giá sự tiến bộ của đối tác cũng như chia sẻ những thành tựu hợp tác”. Đối tác đặt quan hệ trên sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại, và thỏa thuận về những mục tiêu chung.

Chiến lược (strategic): Nghĩa rộng là sự quan trọng có tính toàn diện và có giá trị tương đối lâu dài, đặc biệt trong tình hình đưa đến hợp tác quân sự. “chiến lược” nói về tổng thể mục đích chung. Trong nhiều trường hợp danh từ “chiến lược” thường liên quan đến các lĩnh vực an ninh và quân sự mặc dù không hoàn toàn là một thuật ngữ chỉ dùng trong lĩnh vực an ninh – quân sự.

Đối tác chiến lược:

“Đối tác chiến lược” tiếng Anh là “strategic partnership”,  theo định nghĩa của Cambridge English Dictionary thì “sự đồng ý giữa hai công ty hay hai tổ chức để giúp đỡ nhau hoặc làm việc cùng nhau hầu giúp đỡ mọi bên đạt được những điều họ muốn dễ dàng” (an arrangement between two companies or organizations to help each other or work together, to make it easier for each of them to achieve the things they want to achieve).
Tuy nhiên trên phương diện ngoại giao nó không đơn thuần như vậy, “Đối tác chiến lược” dùng trong ngoại giao rộng và phức tạp hơn: đó là một mối quan hệ hợp tác quan trọng,  không chỉ tập trung trong lĩnh vực an ninh – quân sự và còn các lãnh vực kinh tế, văn hoá… Chiều hướng của nó nhằm vào mục tiêu cụ thể, lại vừa có hàm ý mong muốn quan hệ lâu dài trong tinh thần đôi bên đều có lợi (win-win situation). Đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược không giới hạn về không gian, thời gian; không hạn chế lãnh vực hợp tác và áp dụng; và không nhất thiết phải mang nội dung an ninh – quân sự.

Theo Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc học viện ngoại giao Việt Nam thì “đối tác chiến lược” của Việt Nam được hiểu trên ba lãnh vực An ninh, Thịnh Vượng và nâng cao vị thế của Việt Nam như sau:

 “Quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam quan niệm bao gồm hợp tác về an ninh, thịnh vượng và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
– An ninh: quan hệ đối tác chiến lược đó sẽ giúp cho Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
– Thịnh vượng: mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Nó thể hiện trên các lĩnh vực: quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA) và chuyển giao công nghệ… 
– Nâng cao vị thế của Việt Nam: quốc gia đối tác chiến lược phải là những nước lớn, hoặc cường quốc hạng trung tiêu biểu; có vị thế và ảnh hưởng quan trọng, đáng kể đối với đời sống chính trị thế giới và khu vực. 
Ngoài 3 tiêu chí an ninh, thịnh vượng, nâng cao vị thế của Việt Nam cần phải có những tiêu chí khác nữa như quan hệ lâu dài, cùng có lợi (mức độ lợi ích có thể chia đều, hoặc hơn kém do hai nước quy định), có niềm tin tưởng vào nhau…”

Danh từ “Đối Tác Chiến Lược” được ra đời vào khoảng năm 1990 khi Hoa Kỳ và Trung Cộng có quan hệ đối tác chiến lược. Rồi dùng rộng ra sau này.

Việt Nam hiện nay có quan hệ “đối tác chiến lược” với: Nhật, Nam Hàn, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan, Đức, Ý, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Mã Lai và Philippines.

Theo TS Lê Hồng Hiệp và cũng là cảm nhận của người viết thì danh từ “đối tác chiến lược” mà Việt Nam đang dùng không được rõ ràng hoặc đặt tiêu chuẩn quá cao cho nên hình như “quan hệ đối tác chiến lược” đang bị lạm dụng. Thực chất chưa chắc có gía trị như vậy. Có thể đây là danh từ để CSVN tuyên truyền chứ trên thực chất không có kết quả mong muốn.

Đối tác toàn diện:

Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các quốc gia đã có một hoặc một vài lãnh vực nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các lãnh vực hợp tác như “đối tác chiến lược”. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín mùi, nên các nước có thể chọn cách xây dựng trên cơ sở đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố niềm tin và cùng hướng tới tương lai.

Đến năm 2017, thì Việt Nam đã quan hệ đối tác toàn diện với: Nam Phi, Chilie, Brazil, Venezuela, Úc, New Zealand, Argentina, Đan Mạch và Hoa Kỳ.

Riêng đối với Hoa Kỳ thì “quan hệ đối tác toàn diện” được thiết lập khi Trương Tấn Sang sang thăm Hoa Kỳ đã ký với TT Barack Obama ngày 24 tháng 7, 2013.

Nhìn chung “quan hệ đối tác toàn diện” thấp hơn “quan hệ đối tác chiến lược” rất nhiều.

Đối tác chiến lược toàn diện:

Đây là loại quan hệ ngoại giao cao nhất, “đối tác chiến lược toàn diện” hay còn gọi là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, tức là hai bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực các bên đều có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. Nói tóm lại đây là loại quan hệ “sống chết có nhau”.  Hiện Việt Nam đang xây dựng Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện với 3 nước: Trung Cộng, Nga, Ấn Độ.

– Trong chuyến đi triều cống Trung Cộng tháng 5 năm 2008, TBT CSVN Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước Cộng Sản còn sót lại đã  ký văn bản “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” trong thế kỷ 21 trên phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (sic)
– Với Nga, chủ tịch nhà nước CSVN trương tấn Sang thăm Nga 27/7/2012 đã ký với Putin về “Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” giữa hai nước. Trước đây, năm 2008, Putin đến thăm Việt Nam đã tuyên bố như vậy.

– Với Ấn Độ, Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 2/9/2016, hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ song phương từ “Đối Tác Chiến Lược” lên “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”

Thật ra đây là những thuật ngữ dùng trong giai đoạn, khi nhìn vào tình hình chính trị hiện nay Ấn Độ và Trung Cộng đang kình chống nhau trên nhiều lãnh vực (chiến tranh biên giới Ấn-Trung, kiềm chế nhau trên Ấn Độ Dương, Mỹ là đồng minh chiến lược dùng Ấn bao vây Trung Cộng khi cần, Ấn đang đối đầu với Trung Cộng trên Biển Đông) vậy thì Việt Nam quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ hay Trung Cộng khi có sự tranh chấp nổ ra giữa Ấn-Trung?

Biết đâu rồi đây CSVN và Mỹ cũng đi đến ký văn bản “Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” thì không biết ông “ba phải” CSVN bắt tay với ai, hay anh ta chỉ làm trò khỉ “đu giây” để bảo vệ chế độ độc tài đảng trị.

Như vậy, thì chuyến viếng thăm của TT Trump đến Việt Nam trong tháng 11 này có nhiều hy vọng xích lại gần nhau như mọi người Việt Nam đang chờ không? Trong khi hai nước đang ở ngưỡng cửa ngoại giao “Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện”, cần phải vượt qua cửa ải “Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược” và sau cùng đến cao nhất là “Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” mới thực sự đáng tin tưởng giúp đỡ nhau được.  

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt