Miến Điện: Bài Học Đấu Tranh Cho Việt Nam

Lê Thành Nhân

Miến điện và Việt Nam là hai nước đang sống dưới ách độc tài cai trị của chế độ độc tài tàn bạo, mặc dù Miến Điện không theo chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng cách cai trị đất nước của giới quân phiệt Miến chẳng khác gì Cộng Sản. Miến Điện và Việt Nam hai cổ nhưng chịu chung một tròng đó là Trung Cộng một bên Trung Cộng dùng Miến để mở đường ra Ấn Độ Dương còn Việt Nam thì Trung Cộïng dùng bàn đạp để tiến ra Thái Bình Dương. Ngày nay khu vực Đông Nam Châu Á nơi tranh chấp quyết liệt của các thế lực quốc tế và là nơi tranh hùng của hai thế lực Trung Cộng và Hoa Kỳ trước thế kỷ thứ 21. Gần đây dưới áp lực của thế giới Miến Điện đã có lộ trình tiến đến dân chủ – Chúng ta thử tìm hiểu vấn đề.

1. Vài nét chính về Miến Điện: 

Miến Điện (Burma còn gọi là Myanmar) thủ đô là Ngưỡng Quảng (Rangoon), dân số gần 50 triệu người, phần đông theo đạo Phật. Phía Bắc giáp Ấn Độ và Trung Quốc, phía đông giáp Lào và Thái Lan và phía Tây là bao lơn trông ra Ấn Độ Dương. Từ năm 1824 Miến Điện bị người Anh cai trị, vì lúc đó cả Ấn Độ và Miến Điện đều là thuộc địa của Anh do đó Anh Quốc đặt Miến Điện là vùng đất phụ thuộc Vương Triều Ấn Độ (Indian Empier). Đến năm 1937 thì tách khỏi Vương Quốc Ấn Độ và trở thành một chế độ thuộc địa của Anh (self-governing colony). Nhờ sự vận động khôn khéo của tướng Aung San (thân phụ của bà Aung San Suu Kyi), ngày 04 tháng 1, 1948 Miến được Anh quốc trả độc lập một cách êm thấm, trong tinh thần tương nhượng hài hòa, không tốn một giọt máu, và tướng Aung San trở thành anh hùng dân tộc Miến.

2. Bối cảnh lịch sử của Miến Điện:

Trong thời đệ nhị thế chiến (1939 – 1945), Nhật để ý đến vị trí chiến lược của Miến Điện. Nhật tìm cách móc nối với những thành phần cách mạng chống thực dân xâm lược người Anh đặc biệt trong giới trẻ và sinh viên. Vào tháng 8 năm 1940 họ móc nối được với Aung San một sinh viên đầy nhiệt tình yêu nước tại Đại Học Rangoon. Đại tá tình báo Nhật Suzuki Keiji tìm cách đưa Aung San sang Nhật để huấn luyện quân sự và sau này về nước lãnh đạo quân đội chống lại quân đội Đồng Minh. Sau khi huấn luyện ở Nhật xong, Aung San được đưa về tổ chức và kết nạp thêm thành viên, Aung San đã kết nạp thêm được khoảng 30 người và chính những thanh niên này đầu tiên thành lập Tiểu Đoàn Giải Phóng Miến Điện trên vùng đất biên giới Thái-Miến vào khoảng 600 người. Vào tháng 1 năm1942, quân Nhật bắt đầu tấn công quân Anh tại vùng cực Nam Miến Điện, thì tiểu đoàn này có nhiệm vụ truy kích quân Anh rút lui. Tên tuổi Aung San nổi lên từ đó.

Khi Nhật chiếm trọn Miến Điện, thì họ mời U Ba Maw ra thành lập chính phủ thân Nhật, Tướng Aung San trở thành Bộ Trưởng Quốc Phòng kiêm Tư Lệnh Quân Đội Miến. Trên thực tế, U Ba Maw chỉ là chính phủ bù nhìn, vô quyền, tự thấy mình bị Nhật gạt nên lên tiếng phản đối và bị Nhật cho người ám sát. Còn Aung San tuy được Nhật giúp đỡ và huấn luyện, nhưng người thanh niên yêu nước này luôn nghĩ đến vấn đề độc lập cho dân tộc mình là chính cho nên phía ngoài lợi dụng Nhật để đánh thực dân Anh dành độc lập, nhưng khi đã thấy giả tâm của Nhật, thì trong lòng đã ngấm ngầm chống lại Nhật, và cuộc nổi dậy chống Nhật do tướng Aung San lãnh đạo bắt đầu tháng 3, 1945. Khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh vào tháng 8 năm 1945 thì tướng Aung San được sự ủng hộ của nhân dân Miến cùng các sắc tộc thiểu số. Sau đệ nhị thế chiến, Người Anh trở lại Miến dưới quyền chỉ huy của huân tước Mounbatten, ông ta cũng phải chấp nhận tướng Aung San là người đại diện của dân Miến.

Vào tháng 4 năm 1947, dân chúng Miến lần đầu tiên đi bầu Quốc hội Lập Hiến và thành một chính phủ lâm thời Miến Điện, tướng Aung San được Quốc Hội chỉ định vào chức vụ Thủ Tướng. Vài tháng sau, vào tháng 6 năm 1947, khi Thủ Tướng Aung San đang họp tân nội các thì có người giả dạng cảnh sát lén vào dùng súng liên thanh bắn chết Thủ Tường Aung San và sáu bộ trưởng, lúc đó Aung San mới 32 tuổi và bà Aung San Suu Kyi là con gái út của Thủ Tướng Aung San mới 2 tuổi. Sau đó, U Nu, chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến được thay thế Aung San làm thủ tướng.

U Nu là một thủ tướng dân sự, ông dựa vào Phật giáo để cai trị Miến Điện trong suốt nhiệm kỳ từ 1947 đến 1962. Vì lãnh đạo dựa vào Phật giáo cho nên bị các sắc dân theo đại Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo bất mãn, họ đã bị Trung Cộng và các đảng Cộng Sản quốc tế lợi dụng xúi dục, cung cấp vũ khí chống lại chính quyền trung ương Miến. Tình trạng xã hội càng ngày càng rối loạn, chính phủ U Nu bất lực trong việc ổn định tình hình, ngày 2/03/1962 quân đội Miến do tướng Ne Win cầm đầu đảo chánh chính phủ Miến. Thủ tướng U Nu bị bắt và hầu hết các nhân viên cao cấp trong chính phủ đều được thay thế bằng các sĩ quan quân đội. Tướng Ne Win thành lập chính đảng quân đội lấy Chương Trình Xã Hội Miến Điện để cai trị đất nước. Cương lĩnh của đảng này do U Chit Hlaing soạn thảo dựa trên một số giáo điều Phật Giáo nhưng có mùi Mác-Lê. Ne Win cầm đầu bởi chế độ độc tài quân Phiệt, loại hẳn các đảng phái đối lập. Cai trị dựa trên sức mạnh của quân đội và công an, nhìn chung giống y như Cộng Sản Việt Nam cai trị nhân dân Việt Nam hiện nay. Dưới sự cai trị độc tài của Ne Win và chế độ quân phiệt Miến, tình trạng tham nhũng, bất công trong xã hội càng ngày càng lan tràn, nhân dân ta thán trước sư cai trị bạo tàn của chế độ độc tài đảng trị. Quyền lợi của quốc gia dân tộc càng ngày càng lọt vào tay Ne Win và bộ hạ cùng họ hàng thân tín của đảng cầm quyền còn đại đa số người dân là bần hàn, đói khổ. Dưới sự lãnh đạo của chế độ quân phiệt, đã làm cho nền kinh tế quốc gia càng ngày càng suy đồi – đến nỗi một quốc gia có khả năng xuất cảng gạo có hạng trên thế giới mà dân phải chịu đói và nhà nước không có tiền để nhập cảng thực phẩm.

3. Công cuộc đấu tranh của bà Aung San Suu Kyi 

Bà Aung San Suu Sky

Sau 28 năm cầm quyền dưới chế độ độc tài tàn bạo của Ne Win, tháng 9 năm 1988, tức nước thì phải vỡ bờ, người dân Miến Điện nổi dậy đòi cơm áo, đòi tự do dân chủ tại thủ đô Ngưỡng Quảng cùng nhiều thành phố và thị trấn lớn, bạo quyền Ne Win đàn áp dã man và giết chết hàng chục ngàn người. Cũng trong mùa hè năm đó bà Aung San Suu Kyi từ Luân Đôn (bà Aung San Suu Kyi lấy chồng là giáo sư người Anh-Tiến sĩ Micheal Avis, có hai con trai, cư ngụ tại thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc) trở về Ngưỡng Quảng để thăm mẹ bịnh nặng. Tại thủ đô Miến bà tận mắt nhìn thấy cảnh đàn áp man rợ của tập đoàn độc tài Ne Win, dòng máu cách mạng trong người bà trỗi dậy, bà Suu Kyi đã quyết định ở lại cùng nhân dân Miến Điện đấu tranh cho tự do dân chủ. Vốn mang dòng máu cách mạng, lại thừa hưởng gia tài cách mạng của người cha để lại, bà được nhân dân Miến và nhiều đồng chí của vị anh hùng dân tộc Aung San giúp đỡ và hỗ trợ, vào mùa thu 1988 bà thành lập Liên Đoàn Gia Đấu Tranh Vì Dân Chủ – LĐĐTVDC (The National League for Democracy – NLD) đối thoại trực tiếp với chính quyền độc tài quân phiệt Ne Win, đòi bầu cử một chính quyền dân cử hợp hiến, hợp pháp và thành lập một chính phủ dân sự lãnh đạo, được đồng bào hưởng ứng nồng nhiệt, và thế giới ca ngợi, uy tín của bà Suu Kyi càng ngày càng lên cao, bà đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ và nhiệt tình ca ngợi. Trước sự bộc phát như bão lửa của LĐĐTVDC, bạo quyền quân phiệt Ne Win bắt buộc phải triệt hạ đối thủ, bà Aung San Suu Kyi bị bắt và quản thúc tại gia, các cán bộ và thành viên quan trọng của tổ chức LĐĐTVDC bị tù đày, nhưng phong trào đấu tranh vẫn ngoan cường tiếp diễn. Trong khoảng thời gian một năm, tổ chức LĐĐTVDC đối đầu với sự đàn áp của chính quyền quân phiệt Ne Win, dòng thác đấu tranh cho tự do dân chủ âm ỉ lan tràn trong lòng dân Miến, như muốn nổ tung bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó thì Ne Win đánh một lá bài lật úp vào ngày 19 tháng 7 năm 1989, Ne Win cho thành lập Hội Đồng Vãn Hồi Luật Pháp và Tái Lập Trật Tự giao lại cho đàn em thân tín rồi tuyên bố rút lui khỏi chính trường, đứng sau hậu trường điều khiển quyền lực để tiếp tục duy trì bạo quyền độc tài quân phiệt.

4. Cuộc bầu cử đầy ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Miến.

Sau khi đã đàn áp và giết chết hàng chục ngàn người trong cuộc nổi dậy của dân Miến 1988, bị thế giới lên án và cô lập. Nhật và Hoa Kỳ là hai nước cúp viện trợ và đòi trả tự do cho các thành phần bất đồng chính kiến. Bạo quyền quân phiệt Rangoon bị sức ép về kinh tế và bị cô lập trên chính trường quốc tế. Giới quân phiệt Miến ra tay đàn áp và bắt giam các lãnh tụ đối lập, đặc biệt là thành phần lãnh đạo đảng LĐĐTVDC của bà Suu Kyi. Mùa Thu 1989 giới lãnh đạo quân phiệt Miến đã ban hành quyết định: tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 27 tháng 5, 1990. Sở dĩ giới quân phiệt Ne Win dám đưa ra quyết định táo bạo này vì những lý do như sau:

Thứ nhất: Vì sức ép của quốc tế nhất là Nhật và Hoa Kỳ đã ngưng viện trợ từ năm 1988, nền kinh tế què quặt nay đã đến độ kiệt quệ, cho nên phải giải hòa với thế giới bên ngoài để nhận viện trợ của các nước tây phương.

Thứ hai: Tất cả thành phần lãnh đạo và cán bộ quan trọng của những tổ chức đối lập đều bị quản thúc tại gia hoặc bị cầm tù không đủ điều kiện ra ứng cử, còn lại những thành phần chưa có tiếng tăm, thiếu đủ mọi phương tiện thì không đủ sức thắng cuộc trong cuộc bầu cử này.

Thứ ba: Giới quân Phiệt Miến nắm hết tất cả phương tiện truyền thông, có tài chánh và phương tiện vận động cho ứng cử viên của mình. Trong khi những ứng cử viên khác thì bị chèn ép, bị hãm hại hoặc bôi xấu. Còn bà Aung San Suu Kyi và các số cán bộ cao cấp của đảng LĐĐTVDC không được ra ứng cử nhưng giới quân Phiệt vẫn ngày đêm ra rả bôi xấu, diễu cợt trên các báo chí và truyền thông độc quyền của bạo quyền quân phiệt Miến.

Mặc dù bà Suu Kyi và các thành viên lãnh đạo trong đảng của bà bị bác đơn ứng cử, nhưng đảng LĐĐTVDC của bà cũng đưa người ra ứng cử. Bọn quân phiệt Ne Win đã đánh giá sai lầm tâm lý và ước vọng của quần chúng trong lòng họ đã chán ngấy chế độ độc tài đảng trị và đã đứng hẳn về phía những lực lượng đấu tranh cho tự do dân chủ. Ngày 27 tháng 5, 1990 dân chúng Miến Điện đổ xô đi bầu trong niềm hân hoan phấn khởi, mặc dù đây là một cuộc bầu cử nhưng thật sự trong lòng người dân đã biểu hiện một cuộc trưng cầu dân ý giữa: “Ai tín nhiệm chế độ độc tài quân phiệt thì bỏ phiếu cho đảng “gia nô” của Ne Win, còn ai yêu chuộng tự do dân chủ thì bỏ cho đảng “Liên Đoàn Đấu Tranh Vì Dân Chủ” của bà Aung San Suu Kyi bất kể người ra ứng cử của đảng này là ai”.

Quốc Hội Lập Hiến bầu 485 vị dân biểu (như hệ thống dân chủ của Anh Quốc, bầu quốc hội và quốc hội bầu Thủ Tướng, không có Tổng Thống), số ứng cử viên gồm 2300 người. Kết quả bầu cử đảng LĐĐTVDC của bà Aung San Suu Kyi trúng cử 392 ghế dân biểu chiếm 82% tổng số quốc hội. Đảng quân phiệt “gia nô” của Ne Win chỉ trúng cử có 10 ghế chưa tới 2%, phần còn lại của những đảng khác. Một trong những nỗi đau của phe độc tài quân phiệt là những nơi bầu cử tại chung cư quân đội mà đảng quân phiệt gia nô vẫn thua đậm. Đây là một chiến thắng ngoạn mục, một ý chí đòi hỏi tự do dân chủ mãnh liệt, ngay trong hàng ngũ có những người tham gia quân đội vẫn đứng về phía dân chủ. Người dân Miến Điện tung hô dân chủ trong cơn reo hò chiến thắng vang dội, thế giới ngạc nhiên trước tinh thần yêu chuộng tự do, dân chủ của nhân dân Miến. Kết quả bầu cử làm thế giới kinh ngạc !

Bị thua đậm trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, phe độc tài quân phiệt không từ bỏ tham vọng nắm quyền, chúng bất chấp ý nguyện của toàn dân. Sau ngày bầu cử chúng được sự hỗ trợ của trùm độc tài Á Châu là Trung Cộng, bộ hạ của Ne Win không chịu trao quyền lại cho tân Quốc Hội Lập Hiến viện dẫn mọi lý do để trì hoãn. Rồi ngày 11 tháng 9, 1990 tướng Khin Nyunt, Tổng Thư Ký Hội Đồng Vãn Hồi Luật Pháp và Tái Lập Trật Tự của Ne Win họp báo và tuyên bố “vì nhiều đơn khiếu nại về gian lận bầu cử của nhân dân cho nên tân Quốc Hội chưa nhóm họp được và đương quyền độc tài quân phiệt Miến tiếp tục lãnh đạo đất nước”. Lập tức các tân dân biểu phản đối, cuộc đàn áp tiếp diễn, bà Aung San Suu Kyi bị gia hạn quản thúc tại gia và ngày 20 tháng 12, 1990 thì bạo quyền quân phiệt Ne Win ra lệnh giải tán đảng LĐĐTVDC của bà Suu Kyi đồng thời ban lệnh giới nghiêm, bắt bớ, giam cầm và tra tấn những ai chống đối, người dân Miến sống trong nỗi kinh hoàng và sợ hãi. Chính quyền quân phiệt Miến bất chấp cả công pháp quốc tế, họ xung vào các tòa đại sứ Đức, Nhật, Hoa Kỳ và Anh để lùng bắt những thành phần tình nghi là đảng của bà Suu Kyi và các thành phần đối lập khác. Nền dân chủ đã bị hiếp đáp bởi bạo quyền độc tài quân phiệt mà Trung Cộng đang hỗ trợ đàn sau.

Bà Suu Kyi lại bị quản thúc tại gia, bà vẫn một mực tin tưởng vào tự do dân chủ sẽ tất thắng, bà dùng mô thức đấu tranh bất bạo động của Thánh Gandhi ở Ấn Độ và mục sư Martin Luther King ở Mỹ. Bà ngoan cường lãnh đạo cuộc đấu tranh bằng những cuộc diễn thuyết khắp nơi trong nước. Và năm 1991 bà đã được trao tặng giải thưởng cao quý Nobel Hòa Bình. Đặc biệt bà không bao giờ rời quê hương kể cả việc lãnh giải thưởng Nobel bà cũng ủy nhiệm cho con trai của bà nhận lãnh, và việc chồng bà trọng bệnh gần qua đời năm 1999 bà cũng cắn răng che dấu nỗi đau trong lòng bám lấy đất mẹ khốn khổ kiên trì đấu tranh cho lẽ phải tất thắng, vì bà biết rằng nếu ra đi thì không bao giờ chế độ độc tài quân phiệt cho bà trở lại và chúng muốn nhổ một cái đinh trước mắt họ.

Bà Aung San Suu Kyi được tự do vào giữa năm 2002, chỉ võn vẹn sau một năm hoạt động tích cực bà đã làm cho giới quân phiệt Miến lo ngại. Tháng 5/2003 bà cùng những thành viên trong đảng LĐĐTVDC đi thăm dân chúng các vùng Bắc và miền Trung Miến Điện phái đoàn đã bị tấn công bởi tập đoàn quân phiệt Miến làm cho hàng chục thành viên chết và bị thương còn bà thì bị bắt giam ở một nơi không ai hay biết. Cả thế giới đồng loạt lên án chế độ quân phiệt Miến đặc biệt là Nhật và Hoa Kỳ và kể cả những quốc gia trước đây bao che cho giới quân Phiệt Miến nay đều lên án và đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.

Ngày 26/8/2003, thủ tướng Than Shwe nhà độc tài quân phiệt hàng đầu của Miến từ chức nhưng vẫn giữ chức tổng tư lệnh quân đội. Tướng Khin Nyunt lên nắm quyền điều khiển quốc gia, ngày 30 tháng 8 năm 2003 tướng Khin Nyunt đã công bố lộ trình dân chủ bằng cách triệu tập một “Quốc Dân Đại Hội” để bầu cử. Lập tức đảng LĐĐTVDC của bà Suu Kyi lên tiếng tẩy chay đại hội bởi những lý do như sau:

Quốc Dân Đại Hội nhằm mục đích soạn thảo một bản hiến pháp công nhận giới quân phiệt tiếp tục lãnh đạo và chỉ thêm vào guống máy cai một số nhân sự độc lập nhưng không chấp nhận đảng đối lập.

Dân chủ giả hiệu (vì sự tham gia của toàn dân) để đánh lừa dư luận thế giới hầu bớt sức ép của các nước dân chủ tây phương.

Chấp nhận lộ trình dân chủ của tướng Khin Nyunt thì chúng ta sẽ bán đứng dân tộc cho một chế độ quân phiệt độc tài tàn bạo, trấn áp và tàn sát nhân dân như những việc họ đã từng làm năm 1990.

Thay vì trả lời những đòi hỏi của đảng LĐĐTVDC của bà Suu Kyi thì tướng Khin Nyunt ra thời hạn để đảng LĐĐTVDC ghi danh tham dự, sau thời hạn đó họ đã loại bỏ đảng này không được tham gia đại hội.

Sự vắng bóng của đảng LĐĐTVDC đã làm cho Đại Hội Quốc Dân phải hủy bỏ, đây là một chiến thắng chính trị của đảng LĐĐTVDC và của bà Aung San Suu Kyi đối với công cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Miến. Lộ trình dân chủ này bị Hoa Kỳ và Nhật chỉ trích mạnh mẽ và không thừa nhận, các nước dân chủ tây phương thì cho rằng đây là trò “chính trị xảo trá”. Nhưng trong hội nghị các nhà lãnh đạo Á Châu tại Bali, Indonesia thì lại lơ đi vấn đề đàn áp bà Aung San Suu Kyi. Có phải đây là trò ngoại giao đầu môi với Trung Cộng không?

Còn đảng LĐĐTVDC cương quyết đòi giới quân Phiệt Rangoon phải thực hiện một chế độ dân chủ thật sự, đa đảng. Bài học đau thương năm 1990 vẫn còn nguyên vẹn, nhân dân Miến dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi sẽ cương quyết đấu tranh để giành thắng lợi cuối cùng cho ước vọng tự do dân chủ của nhân dân Miến.

 

Những gì xẩy ra ở Miến có thể xẩy ra ở Việt Nam chăng! tại sao? vì cùng đi từ một mô hình chính trị Bắc Kinh, cùng chung một tham vọng chính trị độc tài đảng trị muôn năm! Cách đây mấy tháng Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản kiêm Chủ Tịch Nước Trung Cộng tuyên bố chấp nhận cho những người (xin nhấn mạnh là những người chứ không phải là những tổ chức chính trị) ngoài đảng tham gia vào bộ máy nhà nước, còn đảng Cộng Sản Trung Quốc thì vẫn độc quyền lãnh đạo. Hiện nay Miến Điện chịu ảnh hưởng Bắc Kinh rất nặng, cho nên trong lộ trình dân chủ vừa qua của tập đoàn độc tài quân phiệt Miến Điện đã hành động như lời tuyên bố của Hồ Cẩm Đào là đa nguyên (giữ cai trị độc đảng, nới rộng cho những cá nhân tham gia, dĩ nhiên là có chọn lựa) chứ không đa đảng (loại đảng LĐĐTVDC của bà Suu Kyi). Việt Nam trong trục Hà Nội-Bắc Kinh-Ngưỡng Quảng rồi đây có giở trò đa nguyên không? Chúng ta chờ xem. Nếu co,ù thì xin thưa rằng dân chủ đa nguyên theo kiểu Hồ Cẩm Đào là dân chủ giả hiệu, trò bịp chính trị nhằm hợp thức hóa guồng máy cai trị độc tài. Nhân dân Việt Nam chỉ chấp nhận dân chủ thực sự với sự tham gia của các tổ chức chính trị trong tinh thần tôn trọng, bình đẳng và trách nhiệm, tức là dân chủ đa đảng chứ không phải dân chủ đa nguyên như đã nói ở trên.

Lê Thành Nhân

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt