MỘT BÀI HỌC, TỔNG GIÁM MỤC WARSAW TỪ CHỨC

LM Nguyễn Hửu Lễ

Giám Mục Stanislaw Wielgus

“Giáo Hoàng Benêđictô XVI đã yêu cầu Tổng Giám Mục chỉ định của Warsaw từ chức vài phút trước khi cử hành lễ nhậm chức, sau khi Tổng Giám mục Stanislaw Wielgus xác nhận ông đã từng là một điềm chỉ viên cho mật vụ thời chế độ cộng sản Ba Lan”.
Ngoài phần tin tức và bình luận khá dài trên các báo, ngày 8-1-2007 các kênh truyền hình CNN và BBC còn chiếu nhiều hình ảnh liên quan tới sự kiện này. Hình ảnh vị Tổng Giám mục 67 tuổi mặc phẩm phục đại triều trong ngày lễ nhậm chức tại nhà thờ chánh tòa Warsaw, đang ngồi cúi gập đầu, nước mắt chảy dài và đôi môi mấp máy trong tư thế vô cùng khổ sở là hình ảnh làm tôi nhớ mãi. Trong đoạn phim khác chiếu cảnh một viên chức Tòa Thánh mặc áo dòng đen, đang giơ cao bản “giao kèo” mà TGM Stanislaw Wielgus đã ký với mật vụ Cộng sản Ba Lan nhận làm điềm chỉ viên ngay từ những năm 1960. Tờ giao kèo đó là bản “án tử hình” mà TGM Stanislaw Wielgus đã tự ký cho mình từ mấy chục năm trước và vừa mới ược moi ra từ văn khố của chế độ cộng sản Ba Lan đã sụp đổ 17 năm qua. Trước cái bóng ma trong quá khứ hiện về như thế, TGM Wielgus không còn có thể tiếp tục biện minh cho quá khứ vô tội của mình như ông đã từng làm để phản bác những người chống đối việc ông được được Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức vụ cao trọng nhất của giáo hội Ba Lan. Ông phải từ chức!

ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN

Các tài liệu của Ủy ban điều tra cho biết Stanislaw Wielgus đã được mật vụ cộng sản Ba Lan móc nối ngay từ khi còn là sinh viên ở Đại Học Lublin từ năm 1967 và có “bí danh” là Agent Grey hoặc Adam Visocki và được lệnh theo dõi những hoạt động “phản cách mạng” của các linh mục.

Theo tin của hãng REUTERS, sau khi chịu chức linh mục Wielgus đã có thời là Giáo sư triết học và là Giám đốc Đại học Công Giáo Lublin trước khi trở thành Giám mục tại Plock vào năm 1998. Dưới chế độ cộng sản ông được được hưởng đặc ân xuất ngoại và phải tiếp xúc với mật vụ trước và sau các chuyến đi.

Tờ báo có khuynh hướng bảo thủ Gazeta Polska, trích dẫn những tài liệu từ thời cộng sản Ba Lan, sau này đã được công khai hoá cho thấy Wielgus làm việc với mật vụ cộng sản trong hơn 20 năm kể từ thập niên 60 cho tới khi chế độ cộng sản sụp đổ. Ủy ban điều tra của giáo hội trong vụ này đã cho biết “nhiều tài liệu đã xác nhận Wielgus tình nguyện… cộng tác (many documents which confirm Wiegus’s willingness to…cooperate.)

Khi Đức Hồng Y Josef Glemp, Tổng Giám Mục Warsaw hưu trí, Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm TGM Stanislaw Wielgus thay thế vào chức vụ này. Ngay sau khi tin đó được công bố đã có sự phảng kháng từ nhiều giới, nhưng Giáo Hoàng vẫn giữ lập trường. Cho đến trước lễ Giáng sinh 2006 vừa rồi, Giáo Hoàng còn tuyên bố là ngài đã biết rõ về quá khứ của người mà ngài đã chọn lựa vào chức vụ Tổng Giám Mục Warsaw. Tuy nhiên làn sóng những người phản đối càng lúc càng dâng cao và sau khi đại diện Toà Thánh có cuộc họp với chính phủ Ba Lan, và trước nguy cơ có sự phân hoá trầm trọng trong nội bộ Giáo Hội Ba Lan và nhất là sau khi những tài liệu mật do Ủy ban điều tra công bố cho thấy TGM Wielgus đã từng là một điềm chỉ viên của mật vụ cộng sản Ba Lan nên Giáo Hoàng đã phải nhượng bộ và ra lệnh cho Tổng Giám Mục Wielgus phải từ chức chỉ vài phút trước nghi thức nhậm chức (investiture) trong thánh lễ Chúa Nhật 7 tháng Giêng tại nhà thờ Chánh Toà Warsaw, sau khi đã ở trong chức vụ này được 2 ngày.

Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus đã đọc bản văn từ chức trong thánh lễ có đủ chức sắc cao cấp đạo đời tham dự , kể cả Tổng Thống Ba Lan Lech Kaczynsky và Hồng Y Stanislaw Dziwicsw, TGM Giáo phận Cracow, nơi Giáo Hoàng John Paul II phụ trách khi còn là Hồng Y Carol Vojtyla. Thánh lễ hôm đó được báo chí mô tả là “hỗn độn”vì bên ngoài có đám đông la ó đòi TGM Stanislaw Wielgus phải từ chức trong khi đó bên trong nhà thờ một số người lớn tiếng van nài: “Xin cha ở lại với chúng con!”

Hãng REUTERS còn cho biết, hiện nay chính phủ Ba Lan đang có nỗ lực đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản bằng cách cho mở các hồ sơ mật của chế độ cộng sản để thanh lọc hàng ngũ và nhất là đang xem xét lại vai trò của giáo hội Công giáo trong thời kỳ đó. Linh mục Isakiewics-Zaleski thuộc nhóm đối lập với đảng cộng sản Ba Lan sắp xuất bản cuốn sách mà người ta nghĩ là sẽ hài danh tánh thành phần giáo sĩ làm tay sai cho chế độ cộng sản, mà mới đây một giới chức Toà Thánh cho biết có tới 15 % trong tổng số linh mục đã hợp tác với chế độ Cộng sản. Mục tiêu hàng đầu của chính quyền bảo thủ hiện nay của Ba Lan là loại bỏ những gương mặt nổi trong chế độ cộng sản ra khỏi các vị trí quan trọng. Tổng Giám mục Wielgus đã rơi vào trường hợp này.

ĐIỀM CHỈ VIÊN LÀ GÌ?

Những ai đã từng sống với cộng sản, nhất là những tù nhân chính trị của chế độ cộng sản, đều có kinh nghiệm, và có khi là nạn nhân, của cách thức công an mật vụ cộng sản chiêu dụ người trong hàng ngũ đối phương vì một quyền lợi nào đó để trở thành “tai mắt” của chế độ trong công tác rình mò theo dõi và báo cáo hành vi những người chung quanh. Biện pháp “người kiểm soát người” được các mật vụ cộng sản khai thác tối đa trong cố gắng ngăn chặn và diệt trừ thành phần chống đối đảng. Một tài liệu của Chính phủ Đức vừa công bố sau khi “khai quật” hồ sơ mật thời chế độ cộng sản Đông Đức cho thấy tên tuổi của 91.000 công an mật vụ và 300.000 điềm chỉ viên – hay một điềm chỉ viên trên 50 người dân Đông Đức!

Đối với những thành phần mà người cộng sản biết là lúc nào cũng có tư tưởng chống đối chế độ như giáo hội công giáo thì hệ thống tổ chức “điềm chỉ viên” càng được coi trọng và được móc nối công phu hơn. Những điềm chỉ viên nào ít bị anh em chung quanh nghi ngờ nhất sẽ là điềm chỉ viên lý tưởng. Như vậy có một điềm chỉ viên trong hàng giáo sĩ như Stanislaw Wielgus để theo dõi và báo cáo hoạt động “phản cách mạng” của giáo hội Ba Lan thật là lý tưởng đối với mật vụ cộng sản Ba lan. Dĩ nhiên các điềm chỉ viên sẽ được phần thưởng, theo nguyên tắc có làm có hưởng, làm ít hưởng ít làm nhiều hưởng nhiều. Phần thưởng có nhiều hình thức khác nhau, trong trường hợp Stanislaw Wielgus, phần thưởng cho vai trò điềm chỉ viên là được cho phép đi nước ngoài! (Allowed to travel abroad).

Ai cũng biết chế độ cộng sản kiểm soát dân rất chặt chẽ bằng chính sách hộ khẩu. Mặc dù tùy theo hoàn cảnh và thời gian mà sự kiểm soát này có thể gia giảm, nhưng nói chung sự di chuyển của người dân từ nơi này đến nơi khác, ngay cả trong nước, luôn luôn là một vấn đề. Hiểu như vậy sẽ thấy rằng “cho phép đi nước ngoài” quả là một ân huệ lớn lao của đảng và Stanislaw Wielgus đã tự ký một “bản án tử hình” từ những năm xa xưa để được hưởng ân huệ đó. Một điều đáng nói ở đây là Stanislaw Wielgus đã không nghĩ rằng có ngày chế độ quỉ quái cộng sản sẽ sụp đổ và tờ giao kèo mà ông đã ký nhận làm tay sai cho mật vụ cộng sản Ba Lan sẽ có lúc được công bố trên toàn thế giới!

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA

Biến cố Stanislaw Wielgus đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về hoàn cảnh của Giáo hội Công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Khi thấy trên màn ảnh TV “bản án tử hình” mà Wiegus đã tự ký để đổi lại ân huệ nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan cho phép xuất ngoại tôi chợt giật mình liên tưởng tới hiện tượng “ra nước ngoài” khá tấp nập của một số giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam trong nhiều năm qua. Phần đông là đi Mỹ.

Tôi không phản đối việc xuất ngoại này, vì mỗi người đều có lý do riêng để xuất ngoại và tôi luôn tôn trọng những lý do đó. Đối với các vị Hồng Y, Giám Mục tôi lại càng kính cẩn hơn vì các ngài là những chức sắc cao cấp của Giáo hội, có thể các ngài có những sứ mệnh thiêng liêng cao cả cần phải ra nước ngoài mà tôi không thể biết được. Tuy nhiên có đôi lần tôi có nghe biết một số giáo sĩ xuất ngoại chỉ với mục đích vận động tài chánh, dĩ nhiên là với mục đích cao cả như xây nhà thờ và lo các việc từ thiện bác ái.

Đồng bào Công giáo Viêt Nam hải ngoại rất rộng rãi khi được kêu gọi đóng góp giúp đỡ các nhu cầu về tôn giáo và xã hội trong nước. Có thể sự rộng rãi của đồng bào hải ngoại đó đã góp phần tạo nên “cơn cám dỗ” cho các giáo sĩ xây sửa nhà thờ và các nhà hoạt động xã hội lo mở mang cơ sở, làm cho phong trào “ra nước ngoài” càng lúc càng sôi nổi hơn chăng? Xin đừng quên rằng “cho phép đi nước ngoài” là một ân huệ của đảng Cộng sản ban cho và tôi không tin là đảng ban phát ân huệ đó vô điều kiện. Riêng những người ra nước ngoài với mục đích vận động tài chánh, khi mang về nước chắc sẽ được giải quyết theo phương thức “cả ba ta cùng có lợi”. Người hải ngoại cho tiền sẽ được phước đời sau, người xuất ngoại có công vận động sẽ có phương tiện lo việc từ thiện, những cán bộ cộng sản cho phép xuất ngoại, ngồi nhà chờ sẳn để nhận “chút ít” hầu có cái sinh sống mà phục vụ và lo cũng cố cho… đảng.

MỘT BÀI HỌC ĐÁNG GHI NHỚ

Sự kiện Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus của Ba Lan bị buộc phải từ chức sau khi chứng tích đã cộng tác với mật vụ cộng sản trong quá khứ được phơi trần, là một bài học quý báu cho những giáo sĩ đang sống dưới các chế độ cộng sản, nhất là những người đang được hưởng ân huệ của đảng ban cho.

Tôi không biết các giáo sĩ Việt Nam được đảng cộng sản ban ân huệ cho được ra nước ngoài có phải ký một thứ giấy tờ gì như TGM Wielgus không? Nếu không, xin các ngài hãy dâng lễ tạ ơn Chúa vì mật vụ cộng sản Việt Nam quá khờ khạo, thua xa cộng sản Ba Lan trong phạm vi này. Ngược lại, nếu đã phải ký “bản án tử hình” rồi, xin nhớ là khi chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ, phải nhanh chân vào văn khố của đảng tìm và hủy diệt ngay bằng chứng. Trong trường hợp không thể thủ tiêu được “bản án tử hình” thì phải rút lui vào bóng tối, đừng bao giờ xuất đầu lộ diện để nhận một chức vụ gì, kẻo phải trượt chân té ngã khi đang bước lên đài danh vọng như Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Giêng 2007 vừa qua. Thiết nghĩ chúng ta cần phải có tầm nhìn xa hơn Wielgus để hiểu rằng chế độ cộng sản Việt Nam rồi có ngày sẽ sụp đổ và chừng đó tất cả tên tuổi của những kẻ đã hợp tác và làm tay sai cho mật vụ của chế độ sẽ bị phơi bày ra ánh sáng.

Một thời gian sau sẽ chẳng còn ai nhớ tới Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus, nhưng bài học rút ra từ câu “Mưu sự tại nhân, Thành sự tại thiên” hoặc “Ý Dân là Ý Trời” qua việc ông “chuẩn bị lễ cưới, cử hành lễ tang” trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Giêng 2007 sẽ còn được dư luận khắp thế giới nhắc tới như một bài học.

Theo tôi nghĩ đây là một bài học vô cùng quý báu cho những giáo sĩ đang sống trong mấy chế độ Cộng sản còn sót lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày 10 tháng Giêng 2007

Nguyễn Hửu Lễ

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt