Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (8)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương VIII: “THỰC DÂN TRẢ THÙ

THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932) 

CHƯƠNG VIII: THỰC DÂN TRẢ THÙ 

 PHẢN ỨNG ĐẦU TIÊN CỦA THỰC DÂN

Cuộc biến động Yên Bái mãi đến 9 giờ sáng ngày mồng 10, Công sứ Yên Bái mới đánh được điện tín về Hà Nội, lập tức Nguyên soái Aubert hội kiến với Toàn quyền Pasquier để tìm phương đối phó. Một mặt cho chuyển ngay binh sĩ, khí giới và phi cơ chiến đấu đến tăng cường cho Yên Bái, một mặt ra lệnh báo động các đồn binh trong toàn cõi Bắc Việt.

Tại Hà Nội, các công sở đóng cửa nghỉ ngày mồng 10, quân đội mang khí giới đứng gác khắp các ngả đường, khám xét người qua lại.

Các báo Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn đều đăng hàng chữ lớn trên trang nhất: “Theo tin của chúng tôi thì có 2 cơ binh khởi loạn ở Yên Bái. Lính Khố Xanh phụ với lính Pháp đánh lại đội lính khởi loạn. Về phía Pháp có 10 viên quan và cai đội bị giết và mấy chục người bị thương…”

Qua ngày 11, các báo Pháp lại loan tin: “Trước kia tưởng là có 2 cơ binh Khố Đỏ khởi loạn, nay điều tra ra thì chính là vụ âm mưu của Cộng Sản. Có chừng 60 đảng viên Cộng Sản âm mưu với mấy chục người lính khởi loạn, còn lính khác bị hăm dọa phải theo. Đến 6 giờ sáng, thiếu tá Le Tacon đem 2 cơ binh lại đánh, thì loạn quân phải rút vào rừng khoảng Yên Bái, Phú Thọ, họ đem theo được 3 khẩu súng đại bác, 20 súng trường và vài trăm viên đạn…”

Ngày 13, báo “France Indochine” ở Hà Nội, ký giả người Pháp dưới bút hiệu Saint Faust viết rằng: “Trước kia người ta nói là bọn Cộng Sản quấy rối, tôi thì tôi không tin rằng những bọn làm loạn đó là do từ bên Moscou xúi dục, mà chính là do các phong trào cách mạng VNQDĐ xử hồi tháng 7 năm ngoái đã liên miên tới nay, mà gây nên việc rối loạn kia, chứ không phải là Cộng Sản đâu!…”

Các tờ báo Pháp khác, tờ thì đề nghị chính phủ nên mộ lính Lê Dương để thay thế lính Khố Đỏ. Tờ thì đề nghị chính phủ nên hạn chế và sửa đổi chương trình giáo dục, để tránh sự làm loạn của thanh niên An Nam sau này.

Báo “Oeuvre” của tả đảng ở bên Pháp viết: “Điều quan hệ ngày nay là chúng ta phải biết rằng cái chính sách của chúng ta thi hành ở Viễn Đông bây giờ cần phải thay đổi mới được. Bởi rằng không phải mỗi lúc là ông thượng thư thuộc địa cứ đổ cho phong trào cách mạng ở ngoài tràn vào, để che đậy những sự sai lầm của mình mà được đâu!…”

 Báo “Populaire” của Đảng Xã hội Pháp viết: “Xứ Bắc Kỳ đã xảy ra việc gì vậy? Dân ở các thuộc địa ta bên phương Đông đã nổi dậy chống chúng ta, có lẽ nào chính phủ ta giả câm giả điếc hoài hay sao?…”

Ngày 12, toàn quyền Pasquier đáp chuyến xe lửa đặc biệt từ Hà Nội lên Yên Bái để dự lễ tống táng 10 sĩ quan. Trước khi xe lửa tới ga Yên Bái 20 phút đồng hồ, có hai trái bom liệng vào phá hủy một phần nhà ga.

 Bài điếu văn của Pasquier đọc trước linh cữu 10 sĩ quan và hạ sĩ quan có đoạn:

 – “Những đứa khốn nạn muốn sanh sự rối loạn, đặng ngăn trở việc khai hóa của nước Pháp, nhưng chúng đã vấp phải cái thế lực của nước Pháp vững vàng cứng rắn không có sức gì lay chuyển được!

 Nhà nước sẽ trừng trị ngay những kẻ xướng loạn một cách đáo để, đặng phục thù cho mấy người cả Tây lẫn An Nam đã bị hại một cách dã man.

 Mai đây sẽ có Hội Đồng Đề Hình (HĐĐH) xử bọn đó xứng đáng với tội ác của chúng nó…” (1)

Sáng ngày 14, Toàn quyền Pasquier ký nghị định thành lập HĐĐH, cử Poulet Osier, Thanh tra Chính trị Hành chính Bắc Việt là chánh Hội đồng. Sự bắt bớ khủng bố các đảng viên VNQDĐ lan tràn khắp nơi rất dữ dội. Những người bị tình nghi hoặc có tư thù cá nhân với bọn tay sai Thực, Phong cũng bị bắt bớ một số khá đông, ngục thất các tỉnh Bắc Việt cơ hồ không còn chỗ chứa!

Dẹp cuộc Cần Vương khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng, Nguyễn Thân được phái đi đàn áp. Nay đến phong trào cách mạng dân tộc của VNQDĐ, chính quyền Thực, Phong cũng cử một vị đại thần là Vi Văn Định (2), Tổng đốc tỉnh Thái Bình, đem một đại đội binh mã đi tiễu trừ các đảng viên VNQDĐ.

Tú Tài Nguyễn Đức Triệu 84 tuổi, Chi bộ trưởng Chi bộ Phụ Dực bị Vi Văn Định dùng chầy giã giò tra khảo đến bỏ mạng. Các đồng chí cùng bị giam với cụ Nguyễn Đức Triệu khi hay tin, có làm câu đối khóc:

“Ngoài tám chục lận đận thân già, bầu nhiệt huyết vẫn lao đao vì Tổ Quốc;

Sau trăm năm rườm rà bụi cỏ, dấu hàn nho còn phảng phất với Giang Sơn” 

 TÀN PHÁ CỔ AM 

Sách Đêm rực lửa Yên Báy (viết 1930 tác giả người Pháp)

Tại Vĩnh Bảo, vào hồi quá trưa ngày 16 tháng 2, một đoàn phóng pháo cơ gồm 5 chiếc bay tới liệng xuống làng Cổ Am 57 trái bom loại nặng 10 ký suốt từ đầu đến cuối làng, rồi bay rất thấp xả súng liên thanh xuống, nhà cửa hầu hết bị cháy rụi, cây cối bị đổ nát hết; làm thiệt mạng 21 người gồm 10 người đàn ông, 5 người đàn bà, 6 trẻ con đều là thường dân cả.

 Thực dân Pháp đã căn cứ vào điều luật 61, tội hình An Nam định rõ:

 “Hương chức Kỳ mục trong làng có trách nhiệm về những vụ trộm cướp, sát nhân, đánh người bị thương, hoặc tất cả hành động phạm pháp của nhóm lạ mặt gây ra thiệt hại cho làng mạc. Nếu họ không thể đương đầu nổi với lực lượng lấn át kia, họ phải xin tiếp cứu.”

 “Điều luật 64 – Họ phải đến trước Tòa để trình rõ về sự kiện và trường hợp trách nhiệm về việc đó, hoặc cá nhân do ủy ban Kỳ mục bầu lên, hoặc trả lời trách nhiệm tập thể, nếu sự kiện kia thuộc về toàn thể hương thôn.”

Những người cách mạng bị bắt hầu hết, duy có Trần Quang Diệu trốn thoát. Tất cả những nhà cửa của những người bị bắt trong hai huyện Phụ Dực và Vĩnh Bảo đều bị đốt phá thành đống tro tàn. Làng Điềm Diêm và phố Hàng Bè, nơi bắt và giết Hoàng Gia Mô cũng đều bị đốt phá hết .

Tiếp đến các làng Phong Cầu, Đồng Tải, Kha Lâm (Kiến An), La Hào, Võng La, Sơn Dương (Phú Thọ)… thực dân cũng đem lính Khố Xanh đến triệt hạ. (3)

Thống Sứ Robin thông tư bằng điện tín cho khắp các Công sứ Chủ tỉnh, nguyên văn như sau:  

 “Village Coam, province de Haiduong, où s’était réfugiée bande rébelles ayant mis à mort sous préfêt de Vinhbao, a été bombardé hier par escadrille Hanoi. Vous prie donner large publicité et ajoute que tout village qui se mettra dans situation analogue subira impitoyablement le même sort.” (4)

Trần Quang Diệu (5) thay hình đổi dạng trốn thoát. Thực dân ra lệnh truy nã, đồng thời bắt khai quật phần mộ cụ thân sinh ra ông Diệu là Trần Văn Dư mới tạ thế được hơn một năm, đem để lộ thiên tại trước cổng Đồn binh Khố Xanh, Ninh Giang. Cho mãi đến tháng 5 năm 1930, sau khi đã bắt được Trần Quang Diệu từ tỉnh Thái Nguyên đưa về giam tại ngục thất Hà Nội, thực dân mới cho phép thân nhân ông Trần Quang Diệu mang thi hài cụ Trần Văn Dư về an táng tại Cổ Am (6). 

NGUYỄN THÁI HỌC BỊ BẮT Ở ẤP CỔ VỊT 

Hưởng ứng cuộc TỔNG KHỞI NGHĨA của VNQDĐ, Lăng Vân, một nhà cách mạng Việt Nam lưu vong ở Trung Quốc, huy động đồng chí từ Long Châu phất cờ cách mạng kéo quân đánh vào phía biên giới Lạng Sơn. Đạo quân này bị đánh tan, Lăng Vân bị nhà chức trách Trung Hoa bắt được ở Bằng Tường đem xử tử.

Tiếp theo Đoàn Kiểm Điểm (7) được các đồng chí lưu vong ở Trung Hoa đặc phái về nước, để quan sát tình hình và đón Nguyễn Thái Học xuất ngoại. Các đồng chí ở trong nước như Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân… cũng khuyên Nguyễn Thái Học:

 – “Anh nên xuất ngoại, để tạm lánh sự không may rất có thể xảy đến. Cái tên anh đã vang dội khắp trong nước cũng như ngoài nước. Anh xuất ngoại sẽ có lợi cho việc ngoại giao của Đảng lắm. Với quốc dân họ coi anh như linh hồn cột trụ vững chắc của Đảng, còn các đồng chí thì vững lòng tin tưởng nương tựa mà theo đuổi công cuộc cải tổ lại Đảng ở bên trong.”

 Nguyễn Thái Học cười đáp:

 – “Không thể được! Không thể được!”

 Nguyễn Thái Học cho rằng việc thất bại vừa rồi là trách nhiệm ở tại nơi mình mà bao nhiêu đồng chí bị giết, bị tù đày! Bao nhiêu gia đình bị tan nát! Bao nhiêu làng xóm bị đốt phá, đồng bào bị ly tán lầm than! Nguyễn Thái Học càng phải ở lại trong nước cùng với các đồng chí còn ở vòng ngoài, để lo cải tổ lại Đảng, làm tròn sứ mạng phục quốc và kiến quốc, mặc dầu phải chịu mọi sự gian lao nguy hiểm.

Nguyễn Thái Học cương quyết không chịu xuất ngoại, thực dân thì ra lệnh lập thêm điếm canh tại các làng, xóm, ấp, trại, các trục giao thông; thông tri cho các quan lại địa phương phải ngày đêm đôn đốc sự canh phòng và khám xét các khách bộ hành qua lại một cách thật nghiêm ngặt. Số thám tử cũng được tăng cường phái đi dọ thám khắp mọi nơi; lại biệt phái một đội lính Lê Dương đi tuần phòng lưu động khắp miền biên giới Việt-Hoa, và các địa phương có địa thế hiểm yếu. Đồng thời cho in hàng vạn tấm hình Nguyễn Thái Học, kèm theo hàng triệu tờ truyền đơn cáo thị dân chúng “Nếu ai bắt được Nguyễn Thái Học, chính quyền thực dân sẽ tặng thưởng một số bạc là 5.000 đồng.” 

 Trong thời kỳ này Nguyễn Thái Học thường lưu trú ở vùng Lương Tài (Gia Bình), thuộc tỉnh Bắc Ninh, vì suốt từ bến đò Kênh Vàng đến Mỹ Lộc. Cả vùng rộng lớn ấy, đều thuộc ảnh hưởng của VNQDĐ.

 Để xúc tiến việc cải tổ Đảng, một hội nghị cán bộ Đảng được triệu tập tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Tuyên tại làng Trụ Thôn, tổng Yên Trụ, thuộc huyện Lương Tài, suốt từ đêm 14 cho đến đêm 19 tháng 2. Sau khi hội nghị bế mạc, Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân cùng một số cán bộ vội vã ra đi. Tiếp đến Nguyễn Thái Học, Sư Trạch, Ký Tiểu, Chánh Kinh, Chánh Tuyên cũng thu xếp ra đi.

Đồng chí Phạm Văn Phổ đề nghị với Nguyễn Thái Học nên đi đường thủy, do các đồng chí địa phương phụ trách thuyền bè và hộ tống, có sự bảo đảm chắc chắn hơn. Nhưng Nguyễn Thái Học nhất định không nghe, cho rằng việc cấp bách mà đi đường thủy sẽ mất rất nhiều thì giờ!

 Vào hồi 8 giờ rưỡi sáng ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học cùng 4 đồng chí bận quâàn áo lối phu mỏ, vai mang đẫy đi qua “ẤP CỔ VỊT” là ấp của tên thực dân Clébert. Phía giáp quan lộ có đặt điếm tuần canh suốt ngày đêm. Vì là ấp của thực dân, nên được đồn trưởng đồn binh Khố Xanh Chi Ngãi phát cho tuần canh 2 khẩu súng trường và mấy chục viên đạn. 

 Thấy người lạ mặt đi qua ấp, 5 tên tuần phu đang ngồi trong điếm canh hô to đứng lại, để xét giấy tờ và khám hành lý. Làm thế nào mà đứng lại để cho bọn tuần phu khám xét được! Nên bắt buộc cứ tiến và liệng lại một trái tạc đạn, để dọa cho bọn tuần phu khỏi đuổi theo; rồi Nguyễn Thái Học cùng Sư Trạch chạy rẽ vào phía rừng. Ngờ đâu bọn tuần phu cũng có súng, vội hô hoán ầm ĩ, xô nhau đuổi theo, nổ súng bắn trúng vào chân Nguyễn Thái Học và Sư Trạch, khiến hai người cùng bị ngã quỵ.

 Anh hùng mạt lộ! Bọn tuần phu đổ xô nhau lại, kẻ dùng dáo, người dùng báng súng đánh đập túi bụi, rồi hô nhau trói lại, khám hành lý và thẻ tùy thân. Nguyễn Thái Học ung dung nói:

 – “Thôi không phải khám xét, chính ta đây là Nguyễn Thái Học, còn đây là Sư Trạch!”

 Bọn tuần phu trố mắt nhìn nhau, rồi nói:

 – Rõ thật khổ quá! Sao các ông không dừng lại và nói thật ngay đi! Nếu chúng tôi biết ông là Nguyễn Thái Học, thì chúng tôi nhất quyết mặc sức cho các ông đi tự nhiên. Bây giờ việc đã trót lỡ mất rồi! Tên Clébert đã biết! Im đi không được! Biết làm thế nào bây giờ?”

 Nguyễn Thái Học mỉm cười nói:

 – “Thôi anh em cứ việc khiêng chúng tôi mà đem nộp cho Tây để mà lãnh 5.000 bạc thưởng!”

Tin đã băét được Nguyêãn Thái Học được cấp báo với Clébert, y bắt mỗi người ngồi vào trong một cái thúng, sai tuần phu khiêng lên nộp đồn binh Chi Ngãi, Clébert tự vác súng đi kèm.

Còn Chánh Kinh, Chánh Tuyên và Ký Tiểu tức Ký Diến, nhân đi phía sau, thừa lúc lộn xộn không ai để ý, chạy thoát vào khu rừng Kiếp Bạc, nghỉ lại một ngày đêm, sớm ngày 21, ba người bơi qua sông Luống để về Gia Bình. Khi bơi ra tới giữa sông, Chánh Tuyên quay lại bảo hai đồng chí:

 – “Thôi vĩnh biệt hai anh! Đại sự đã hỏng mất rồi! Tôi chẳng thiết sống làm gì nữa! Hai anh còn đủ sức khỏe, hãy gắng mà sống để phụng sự Đảng, phụng sự Quốc gia dân tộc!”

 Chánh Kinh và Ký Diến trở về Gia Bình được ít ngày, thì Ký Diến bị Pháp bắt, rồi bỏ mình ngoài Côn Đảo, còn Chánh Kinh trốn khỏi lưới quân thù.

Từ đồn Chi Ngãi, Nguyễn Thái Học và Sư Trạch bị đưa lên Tòa Sứ tỉnh Hải Dương, rồi đưa lên Hà Nội.

Khi hay tin đã bắt được Nguyễn Thái Học, từ chính phủ đến các giới thực dân Pháp đều thở phào lên tiếng “VẬY LÀ XONG VIỆC!” 

Sau khi Nguyễn Thái Học bị bắt, tờ báo “Volonté Indochinoise” xuất bản ở Hà Nội viết: 

“Không, Nguyễn Thái Học chưa phải là lãnh tụ đảng cách mạng đâu!” Báo ấy viết tiếp:

 “Không, chúng ta chưa tóm được mấy tên đầu đảng mà! Chúng nó hãy còn tự do hành động, có lẽ ở ngay bên chúng ta, mà chính phủ chưa tóm được! Chính phủ cũng tự biết vậy! Mà dân cũng biết như vậy! Thế thì bây giờ đã vội nói rằng bắt được những người như HỌC là đầu Đảng, là xong chuyện ư! Có lẽ các quan trên tưởng rêu rao như vậy là có ảnh hưởng gì chăng?

Thật ra, bắt được tên Học cũng là việc hay, chúng bị án quốc sự mà Hội Đồng Đề Hình xử án trảm quyết là đúng.

Song, tôi xin van các ông đừng có bắt chúng tôi tin rằng Nguyễn Thái Học và mấy đứa học trò theo nó, cùng là mấy thằng thợ hồ, mấy thằng điền tốt vào đảng cách mạng, ấy đều là đầu đảng đó. Chúng nó bất quá cũng như bọn lính đồng mưu, gây ra mấy cuộc lưu huyết, chỉ là cái khí cụ, do những tay khác sai khiến, mà lính mật thám chưa tròng khóa vào những tay ấy được!  

Chúng ta cứ vững lòng, nay mai chính phủ sẽ tóm những tay thật là trọng yếu trong đảng cách mạng, rồi chính phủ sẽ nói cho ta biết. Chính phủ sẽ kể cả chức tước của bọn phạm nhân ấy ra nữa! Chừng đó sẽ quên sự đã tặng cho HỌC là lãnh tụ đảng cách mạng. Nhưng hiện bây giờ thì chưa…”

 Báo Volonté Indochinoise ám chỉ ông Quách Vỵ, Tuần phủ tỉnh Hòa Bình. Sự thật ông Quách Vỵ chỉ là một thường đảng viên của VNQDĐ cũng như trăm ngàn đảng viên khác của Đảng. Họ Quách gia nhập VNQDĐ từ đầu năm 1928, ông đã quy tụ được một số các quan lang, thân hào và nhân sĩ vào Tỉnh Đảng bộ ở tỉnh Hòa Bình. Họ Quách rất mực trung thành và còn giúp đỡ cho Đảng nhiều việc rất quan trọng. Vì ông Quách Vỵ có rất nhiều uy tín đối với đồng bào Mường, Mán, thổ dân… Rút dây sợ động rừng, thực dân biết rõ như vậy, nên không dám bắt ông, mà chỉ ra lệnh đề phòng mà thôi. Báo chí thực dân đã vê tròn bóp méo, xuyên tạc sự thực rất nhiều. Điều đó không lấy gì làm lạ!

Trong khi bị giam ở ngục thất Yên Bái, Nguyễn Thái Học có viết hai bức thư bằng Pháp ngữ gửi cho các Nghị sĩ Quốc Hội Pháp và Toàn quyền Đông Dương. Nhưng bị chánh quyền thực dân giữ lại không cho gửi qua Pháp. Bức thư ấy được Ký giả Louis Roubaud theo đúng nguyên ý tóm gọn lại như sau:

 “Messieurs les députés,

 En équité: le droit de tout citoyen est de vouloir sa patrie libre. En humanité: le devoir de tout individu est de secourir son frère malheurex.

 Que vois-je? Depuis plus de soixante ans ma patrie est asservia par vous, Français. Mes frères souffrent sous votre domination, ma race est menacé dans son existence. J’ai donc le droit et le devoir de défendre mon pays et mes frères.

 J’avais d’abord pensé atteindre ce but en collaborant avec vous. Mes échecs répétés m’ont conduit à conprendre que les Français ne désiraient passincèrement cette collaboration et qu’il me serait impossiblé de servir mes conpatriotes aussi longtemps que vous serez les maitres de mon pays.

 J’ai alors, en 1927, organisé le parti nationaliste Anamite dont l’action devait tendre: 1) à chasser les Français du territoire; 2) à former un gouvernement républicain Anamite sincèremente démocrate.

 Je me rends personellement responsable de tous les événements politiques survenus dans mon pays depuis cette date et organisés par moi. Je suis le seul et vrai coupable, ma mort donc suffire. Je demands grâce pour les autres.

 Ceci dit, je tiens à vous déclarer que si les Français veulent désormais occuper l’indochine en toute tranquilité, sans être gênés par aucun mouvement révolutionnaire, ils doivent: 1) abandonner toute méthode brutale inhumaine; 2) se comporter en amis des Anamites; non plus en maitres cruels; 3) s’ efforcer d’ atténuer les misères morales et matérielles en restituant aux Anamites les droits élémentaires de l’ individu: liberté de voyage, liberté d’instruction, liberté d’ association, liberté de la presse; 4) ne plus favoriser la concussion des fonctionnaires ni leurs mauvaises moeurs; 5) donner l’ instruction au peuples, développer le commerce et l’industrie indigènes.

 Veuillez agréer, Messieurs les députés, l’expression de mes sentiments de respect. (8)

         Votre ennemi, le revolutionaire

          THAI HOC” 

 LẠI MƯU ĐÁNH PHÁ NGỤC THẤT HỎA LÒ VÀ PHÁP TRƯỜNG YÊN BÁI 

Ngục Thất Hỏa Lò thời thực dân Pháp

Từ khi Nguyễn Thái Học và các yếu nhân của Đảng bị bắt, thì Lê Hữu Cảnh lên nắm quyền của Đảng. Cảnh đã bỏ qua hết những mối bất hòa lúc trước và không tỏ ra nghi ngờ đối với các đồng chí cũ của Nguyễn Thái Học. Hơn nữa, Lê Hữu Cảnh vẫn thường liên lạc với Nguyễn Thái Học trong ngục thất và nhận lấy những lời khuyên bảo do Nguyễn Thị Giang làm liên lạc giữa hai người. Không những thế, cô Giang còn làm cố vấn cho Đảng và được mọi người nghe theo cho đến ngày cô chết.

 Mối ưu tư đầu tiên của cô là phải thi hành gấp việc ám sát kẻ phản đảng là Phạm Thành Dương.

Để lập lại trước mắt quần chúng uy tín của Đảng bị lung lay mạnh bởi những thất bại mới đây, và nhiều vụ bắt bớ mới xảy ra, chính Nguyễn Thị Giang quyết định gây mưu hại khủng bố chẳng những đối với những kẻ âm mưu phản đảng, mà còn đối cả với những viên chức cao cấp người Âu Châu và bọn quan lại tận tụy với Bảo Hộ. Người bị hại đầu tiên phải là Toàn quyền Pasquier, bản án xử tử được viết bằng thứ mực kín, mà mật thám đã tóm được trong các giấy tờ của Lê Hữu Cảnh, lúc Cảnh bị bắt.  Bản án ấy do chính Nguyễn Thị Giang đọc cho Lê Hữu Cảnh viết.

Một bản án xử tử khác cũng được công bố, bản án của Vi Văn Định, Tổng đốc tỉnh Thái Bình, người đã góp phần đắc lực vào công cuộc đàn áp những mưu toan của cách mạng ở tất cả những nhiệm sở ông phục vụ. Người ám sát được chỉ định thi hành là Tô Phúc Dịch bị bắt ngày 26 tháng 7 năm 1930, mang trong mình một khẩu súng lục đã nạp đạn và một bức thư ghi bản án tử hình.

 Và chính việc tuyên truyền tổ chức Binh đoàn Yên Bái đã làm nên cuộc khởi nghĩa đêm mồng 9 rạng ngày mồng 10 tháng 2, cũng là Nguyễn Thị Giang. Hơn thế nữa, Nguyễn Thị Giang còn chủ mưu đánh phá ngục thất Hỏa Lò và pháp trường Yên Bái để cứu Nguyễn Thái Học và các đồng chí của cô.

 Đảng vẫn tiếp tục công tác chế bom, sau nhiều lần thử không thỏa mãn những vũ khí nổ mạnh; người ta bắt đầu chế bom bằng kim khí có dạng hình trụ, phát hỏa bằng điện. Nhiều quả bom loại mới này bị bắt được ở Hà Nội ngày 27 tháng 8 năm 1930. (9)

 TÊN TUẦN PHU BẮT NGUYỄN THÁI HỌC BỊ XỬ TỬ

Cách đúng đó 10 năm sau, ngày 23 tháng 9 năm 1940, quân đội Nhật Bản từ Trung Hoa tiến vào Lạng Sơn. Lợi dụng thời cơ thuận tiện các lãnh tụ “Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội” (VNPQĐMH) chỉ huy Phục Quốc Quân (PQQ) vào chiếm đóng thành Lạng Sơn. Được toàn thể đồng bào tỉnh Lạng Sơn nhiệt liệt hưởng ứng và ủng hộ.  Sau ngày quân đội Pháp chiếm lại thành Lạng Sơn, PQQ chống cự không nổi phải rút lui ra ngoài bưng biền hoạt động du kích chiến.

Tháng 11 năm 1940, Độc lập sư VNPQĐMH do Hoàng Lương chỉ huy hành quân, bộ tham mưu đóng tại Bản Cam (thuộc tỉnh Lạng Sơn) phái Nguyễn Đình Hải xuất quân một đại đội đi tuần tiễu.

Một trung đội lính Việt trong hàng ngũ Pháp quân do Trung úy (Lieutenant) Hà Văn Ký chỉ huy đã bị lọt vào ổ phục kích của PQQ tại Bản Lim. Hà Văn Ký bị giết tại chỗ (10), còn lính bị bắt giải về bộ tham mưu tại Bản Cam.  Ngoài số binh sĩ, còn có 8 người dân quê mà Hà Văn Ký bắt đi làm hướng đạo cũng bị bắt về bản doanh hành quân Bản Cam.

 Trong số 8 người dân quê hướng đạo cho Hà Văn Ký được thẩm vấn, có một người khai tên là Lương Văn Quán và tự cung khai chính y là một người trong số tuần phu canh gác điếm Cổ Vịt của thực dân Clébert, đã cùng đồng bọn bắt Nguyễn Thái Học cùng Sư Trạch ngày 20 tháng 2 năm 1930.

 Hoàng Lương cho là một việc tối thiêng liêng báo ứng của luật nhân quả đạo Phật, bởi chính Lương Văn Quán đã tự cung khai chứ không một ai biết chuyện quá khứ 10 năm.

 Hoàng Lương ra lệnh xử tử Lương Văn Quán lập tức bằng nhiều mũi lưỡi lê. (11) 

 THỰC DÂN TREO GIẢI THƯỞNG 5.000 ĐỒNG BẠC CHO AI BẮT ĐƯỢC KÝ CON 

 

Anh hùng dân tộc Ký Con (đường Ký Con)

Sau vụ ném bom Hà Nội đêm mồng 10 tháng 2, Ký Con bị sở Mật thám Bắc Kỳ truy nã rất gắt gao. Chính quyền Thực dân cho in hình Ký Con và rải hàng vạn cáo thị cho ai bắt hay giết được Ký Con, sẽ được thưởng một số bạc là 5.000 đồng. 

 Đứng trước tình thế nghiêm trọng ấy, Ký Con rời Hà Nội xuống ở nhà một đồng chí ở làng Dư Hàng, ngoại ô thành phố Hải Phòng. Ở Hải Phòng ít lâu, cảm thấy khó bề yên ổn. Vào trung tuần tháng 6, Ký Con (12) trở về Nam Định ở tạm một đêm tại nhà một đồng chí ở phố Năng Tĩnh. Sớm hôm sau, trong khi Ký Con sửa soạn ra đi, thì mật thám ập vào bắt được đưa về Hà Nội. Sở mật thám Nam Định tuyệt nhiên không hề hay biết gì cả! Nguyên do vụ này, theo Phán Tảo, một nhân viên trong sở mật thám Nam Định đã thuật lại với tác giả rằng: Là có mấy đảng viên “Đông Dương Cộng Sản Đảng” ở Nam Định và Thái Bình biết tin Ký Con hiện có mặt ở Nam Định, chúng liền lên thẳng Hà Nội mật báo với lão quan thầy của chúng là Louis Marty, Tổng giám đốc Nha Liêm Phóng Đông Dương. Louis Marty liền ra lệnh cho Arnoux đem mật thám Hà Nội xuống Nam Định vây bắt Ký Con, khiến cho sở mật thám Nam Định bị Arnoux khiển trách rất nặng nề.  

 Nhưng nuốt 5.000 đồng bạc thưởng đâu có trôi! Để trả đũa, sở mật thám Nam Định liền ra lệnh bắt ngay mấy đảng viên ĐDCSĐ ấy.

 Tại sở mật thám Hà Nội, ký giả Louis Roubaud đã gặp Ký Con, Louis Roubaud đã tường thuật lại cuộc gặp gỡ ấy như sau: 

 “Tôi gặp Ký Con ở phòng ông Arnoux, giám đốc mật thám Bắc Việt. Ông Arnoux là người điều khiển ngành công an Pháp, thì Ký Con mấy hôm trước đây còn là công an của Đảng. Anh là trưởng ban ám sát. Khi tòa án cách mạng của Đảng tuyên án tử hình ai, họ thường chuyển việc này sang cho Ký Con sao lại bản tuyên án để hành hình. Anh ra chỉ thị cho những nhân viên làm việc, khi đã xong xuôi, anh cho in bản thông cáo để loan báo cho dân chúng An Nam và Pháp biết, những sự việc vẫn trôi chảy đều đều. 

Hôm nay anh ở trong phòng ông giám đốc công an Pháp, tôi được thân mật nói chuyện với anh, đôi khi rất buồn cười, nếu tôi căn cứ vào tiếng cười của Ký Con.

Anh ta là một người bé nhỏ hơn tất cả mọi người, anh ta rất gầy, anh ta mới 22 tuổi, có khuôn mặt như con sóc, mắt sáng lấp lánh. Anh vừa bị bắt mới cách đây vài hôm thôi. Đầu anh được treo giải thưởng từ lâu nay. Cuộc thẩm vấn không kéo dài, vì anh đã thú nhận hết.

 – Thủ phạm sát nhân trong sở thú chính là anh!

 – Đánh cướp xe trên đường Sơn Tây chính là anh! Cái gì không do chính tay anh hành động, anh cũng sửa soạn và ra lệnh. Mỗi tội ác của anh giá trị ngang với xử tử hình mà đã có 20 tội như vậy. Hội Đồng Đề Hình kết án tử hình mà đến lượt anh phải nhận.

Câu chuyện đối thoại đến khúc quan trọng, ông Arnoux phái nói tới chủ thuyết Đảng và mục đích cuộc cách mạng. Ký Con trả lời ung dung, không cần lựa lời, chấm câu, để giải thích hay thuyết phục.

Theo lời đề nghị của tôi, ông Arnoux hướng về quá vãng tù nhân, đến thuở thiếu thời của anh.

Ký Con sinh trưởng ở Hàng Sơn trong một phố tuyệt đẹp ở Hà Nội, cha anh trông coi tiệm thợ bạc. Như thế không có nghĩa là gia đình anh giàu có. Vốn liếng vỏn vẹn có, là gồm những dụng cụ để làm nghề một người thợ vàng, bạc.

Đến lượt tôi hỏi chuyện anh:

 – Nếu anh thấy rất ít lòng tin thành công, thì sao anh cứ dằng dai mãi?

 Anh trả lời tôi:

 – Người ta phải khởi sự, rồi người khác tiếp tục. Chúng tôi không thành công, rồi kết quả sẽ đến sau này.

 – Để làm gì?

 – Để đuổi người Pháp ra khỏi xứ An Nam.

 – Có phải rằng ám sát đồng bào tôi, anh có thể đi tới đích?

 – Tôi chỉ trừng phạt bọn bội phản. Nếu tôi giết kẻ nào là bởi công ích. Ông không thể làm cuộc cách mạng mà không có sự giết người.

 – Và anh cướp bóc hành khách (chuyến xe đò Mỹ Lâm ngày 21.1.1930).

 – Cách mạng cần tiền. Trong xe có nhiều lái buôn Trung Hoa rất Giàu có, đi chợ để đầu cơ thực phẩm: gạo.  Tôi bảo họ: “Tôi có nhiệm vụ chiếm của cải kẻ Giàu có quá mức, để phân phát cho kẻ nghèo.”

 – Anh là Cộng Sản?

 – Tôi chỉ là một người Cộng Hòa như ông, tôi cầu chúc cho xứ sở tôi được như là xứ sở ông đã có: một chính phủ dân chủ, bầu cử phổ thông, tự do báo chí, thừa nhận quyền hành làm công dân để khởi sự đầu tiên là độc lập.

 Anh còn tuyên bố:

 – Nếu người Pháp yêu chúng tôi, họ sẽ thấy chúng tôi khổ sở biết chừng nào.

Và anh nói thêm:

 – Những người khổ sở nhất là những người già, bởi họ không trông thấy. Chúng tôi sống không ánh sáng, như người già cả. Chúng tôi là dân tộc sống trong tăm tối.

 Ông Arnoux là một kẻ địch nguy hiểm nhất của họ, theo dõi họ không thương xót: nhưng ông không dám khinh miệt họ bao giờ!” 

 CƠ QUAN CẢI TỔ ĐẢNG BỊ KHÁM PHÁ 

Mặc dầu gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn, Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân, Lê Tiến Sự, Nguyễn Đôn Lâm, Phạm Văn Hể, và ít ngày sau thêm Nghiêm Toản, cùng nhau đứng lên làm nhiệm vụ liên lạc với các đồng chí còn ở trong vòng bí mật để triệu tập một hội nghị bầu Trung ương Chấp hành VNQDĐ cải tổ.

Để có tài chính thực hiện công tác cải tổ Đảng, ngày 30 tháng 4 năm 1930, thừa khi Nguyễn Văn Bình, Tham tá Sở Công Chính ôm cặp bạc từ Ngân khố Trung ương Hà Nội trở về sở để phát lương cho nhân viên. Ngồi trên xe kéo đi được ít bước đường, Nguyễn Xuân Huân đi xe đạp tiến tới giật cặp bạc của Nguyễn Văn Bình, trong có số bạc 11.000 đồng (13) trao cho Nguyễn Văn Quất. Bình kêu cứu và lăng mạ thậm tệ. Sợ bị lộ chuyện, Nguyễn Xuân Huân liền rút súng lục bắn chết Nguyễn Văn Bình cho phi tang.

Sở mật thám phái thám tử đến khám xét những người tình nghi là đảng viên VNQDĐ. Trong số có Giáo sư Lê Văn Giáp, họ Lê bị bắt, nhưng thủ phạm xét ra không phải là họ Lê, vì ông này không biết đi xe đạp. Mãi đến ngày 10 tháng 7 năm 1930, sở mật thám giăng lưới bắt được Lê Hữu Cảnh ẩn náu trong một ngôi nhà ở Hải Phòng với người phụ tá là Nguyễn Xuân Huân và Lê Thị Thành. Cảnh và Huân đều có mang súng lục và đạn. Mật thám còn khám phá được ở trong căn nhà này ngoài bản án tử hình chống Pasquier, còn bắt được tất cả dụng cụ chế bom cũng như các công thức làm chất nổ.

Trước sự tra tấn dã man của Pujol (14), Nguyễn Xuân Huân và Lê Hữu Cảnh khai nhận hết. Sau khi đã ký vào tờ cung khai, thừa khi Pujol không lưu ý, Lê Hữu Cảnh (15) cầm bình mực bằng thủy tinh trên bàn giấy liệng thật mạnh vào mặt Pujol, rồi lao mình từ tầng lầu 1 xuống sân trong sở Mật thám tự tử, nhưng Lê Hữu Cảnh đã không được toại nguyện. Lê Thị Thành bị cùm hai chân và khóa chặt hai tay trong sà-lim, mật thám cưỡi xe đạp đi trên bụng chị Lê để bắt khai cung. Chị Lê lăng mạ bọn thám tử thậm tệ và nhất định không chịu cung khai cho một ai!

Đến ngày 15 tháng 8 năm ấy, Lê Tiến Sự, Nguyễn Đôn Lâm, Phạm Văn Hể đều bị bắt. Và cách ít ngày sau, Nghiêm Toản cũng bị bắt nốt. 

Tiếp đến ngày mồng 7 tháng 9 năm 1930, sở mật thám lại huy động một số đông đảo nhân viên đến vây suốt đêm, đợi trời sáng rõ mới ập vào khám nhà Hoàng Đình Gị (Cơ quan bảo vệ tổ chức VNQDĐ cải tổ) ở Thanh Giám, Hà Nội.

Hai nhân viên sở mật thám bị thương bằng súng lục. Hoàng Đình Gị, Hoàng Đình Vỹ cùng 3 đồng chí tìm cách trốn chạy, bắn không ngừng lại những người rượt bắt. Cuối cùng cả 5 người trốn chạy đều bị bắt: Hoàng Đình Gị, Hoàng Đình Vỹ, Đỗ Thị Tâm, Nguyễn Thị Vân và Trần Xuân Độ. Và sau đó ít ngày, Hoàng Đình Gị, Hoàng Đình Vỹ vì bị thương nặng nên đã từ trần.

Đỗ Thị Tâm bị đưa lên thẩm vấn đầu tiên. Pujol ra lệnh lột trần, tra tấn bằng điện, nước và gân bò cực kỳ dã man. Chị Tâm nhất định không chịu cung khai một lời, còn lăng mạ! Pujol ra lệnh tạm giam vào sà-lim số 21. Trước khi đưa vào sà-lim, một tên thám tử người Pháp to lớn, còn lấy hai tay nâng bồng chị Tâm ở giữa sân trong sở mật thám, quay nhiều vòng tròn tít như chong chóng.

Chân bị cùm, tay bị xích ở sà-lim, Đỗ Thị Tâm (16) lấy mảnh yếm lụa nhét vào trong cuống họng kết liễu đời mình ngay đêm hôm ấy (mồng 7.9.1930).

Nguyễn Thị Vân khai gia nhập VNQDĐ là để tranh đấu quyền độc lập cho Tổ quốc. Trước ngày Đảng khởi nghĩa, Thị Vân được trao phó công tác may cờ cùng quân phục cho cách mạng quân; nay thì học bắn súng chế bom để giết những kẻ nào phản đảng và những kẻ xâm lăng. Được gia nhập Đảng là do chị Đỗ Thị Tâm giới thiệu. Chi bộ có 5 người, thì 2 người bị bắn chết, còn lại 3 người bị bắt đây.

 Ra trước Hội Đồng Đề Hình, xét vì chưa đến tuổi thành niên, Nguyễn Thị Vân bị xử giam vào nhà Trừng giới 10 năm. 

 Đến Trần Xuân Độ (17) nguyên là đoàn viên của VNQDĐ thuộc Chi đoàn Hải Phòng. Sang lao động tại Ai Lao đã hơn một năm. Khi được tin Đảng sắp khởi nghĩa, anh tìm đường xuyên sơn trở về nước, được xung công tác tại cơ quan mật vụ này.

 Trần Xuân Độ được đưa ra xét xử trước Hội Đồng Đề Hình, bị kết án lưu đày ra Côn Đảo.

————————————-

Ghi chú:

(1) Theo tài liệu của tạp chí “Phụ Nữ Tân Văn” Sài Gòn.

(2) Mỗi khi bắt được một đảng viên VNQDĐ, Vi Văn Định liền ra lệnh đốt nhà, rồi bắt người về tra tấn rất dã man.

(3) Xem bài văn tế của cụ Phan Sào Nam ở Thiên Phụ.

(4) Dịch ra Việt ngữ như sau:

“Bọn giặc giết ông huyện Vĩnh Bảo rồi trốn về làng Cổ Am, thì ngày hôm qua bản chức đã phái phi cơ liệng bom xuống làng Cổ Am. Vậy bản chức thông tư cho các ngài biết. Các ngài phải thông báo việc ấy cho sâu rộng, để cho các dân xã đều hay. Nếu làng nào còn chứa chấp bọn khởi nghĩa, thì cũng sẽ bị ném bom xuống ngay như làng Cổ Am, chứ không tha thứ. (Theo tài liệu trong cuốn “Việt Nam Bi Thảm” của Louis Roubaud, trang 143-144).

(5) Trần Quang Diệu sinh năm 1888 là con cụ Tú Tài Trần Văn Dư ở làng Cổ Am, tổng Đông An, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.

Trần Quang Diệu dáng người tầm thước, da trắng mắt sáng, tính tình hòa nhã, hào hiệp, nhưng rất cương quyết. Hán văn thi đậu Khóa sinh, Pháp văn đậu Tiểu học Pháp-Việt. Sau khi thi đậu Thừa phái, nhưng không chịu đi nhậm chức, làm nghề dạy học tư trong vùng.

Trần Quang Diệu còn có một người em trai là Trần Văn Quanh, giáo học, cũng là đảng viên VNQDĐ bị HĐĐH kết án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo.

(6) Cổ Am là một xã chia làm nhiều thôn. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh quán ở thôn Trang Am.

Cách đây 4 thế kỷ, cụ Trạng đã làm bài thơ (Sấm) xin chép nguyên văn dưới đây, mà người đời sau cho là ứng vào việc khởi nghĩa của VNQDĐ năm 1930 ở Kiến An, Hưng Hóa, Lâm Thao, Phụ Dực, Vĩnh Bảo, Yên Bái, và chỉ vào việc Hoàng Gia Mô, Tri huyện Vĩnh Bảo bị cách mạng quân giết chết.  

 “Kìa kìa gió thổi lá rung cây,

 Rung Bắc rung Nam rung tới Tây.

 Tan tác Kiến kiều an đất nước,

 Xác xơ cổ thụ sạch am mây.

 Lâm giang nổi sóng mù theo cát,

 Hưng địa tràn dâng hóa nước dầy.

 Một ngựa một yên ai sùng bái,

 Nhắn con nhà Vĩnh Bảo cho hay.”  

(7) Đoàn Kiểm Điểm là con một viên thừa phái, nguyên quán tại tỉnh Lạng Sơn. Tính cương trực, thông Hán văn và Pháp văn. Lạng Sơn, nơi tiếp giáp lãnh thổ Trung Quốc, Đoàn Kiểm Điểm xuất ngoại tương đối một cách dễ dàng. Năm 1930, sau khi trở về nước được ít lâu bị thực dân bắt đày ra Côn Đảo. Cuối tháng 9 năm 1940, Đoàn Kiểm Điểm tham gia phong trào “Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội” đánh chiếm thành Lạng Sơn, bị Pháp bắt giết cùng với lãnh tụ Trần Trung Lập.

(8) Bức thư trên đươc dịch ra Việt ngữ như sau:

 “Thưa các ông Nghị,

Theo công bằng: quyền của mọi công dân là muốn giải phóng dân tộc. Theo nhân bản luận, bổn phận mọi cá nhân là cứu trợ đồng bào cực khổ. Tôi đã trông thấy gì? Đã 60 năm, Tổ Quốc tôi bị đặt vào vòng nô lệ các ông, giòng giống tôi bị đe dọa bởi cuộc sinh tồn. Tôi có quyền, vậy thế, và bổn phận bảo vệ xứ sở và đồng bào tôi.

 Trước hết, ý nghĩ của tôi là muốn đi tới mục đích hợp tác với các ông, những thế cờ ấy nhắc lại, dẫn cho tôi đến sự thừa biết rằng những người Pháp không muốn thành thật trong công cuộc hợp tác ấy, và như thế tôi không thể phục vụ đồng bào tôi dài lâu, nếu các ông vẫn làm chủ trên xứ sở này. Nên năm 1927, tôi lập một đảng phái quốc gia An Nam và hành động trải rộng về: 1) Đuổi Pháp ra khỏi lãnh thổ; 2) Thành lập một chính phủ Cộng Hòa An Nam trên căn bản thành thật dân chủ.

 Tôi sẽ chịu hết trách nhiệm về cá nhân tôi qua các biến động chính trị đột biến trên xứ sở này, từ ngày tôi thành lập Đảng. Chỉ có tôi và chính tôi là thủ phạm, sự hành hình riêng tôi là đủ, tôi xin ân xá cho những người khác.

 Điều nói này đây, tôi nói với các ông rằng, những người Pháp muốn chiếm Đông Dương yên ổn, thì từ đây trở đi, không muốn bị một phong trào cách mạng nào quấy rối các ông phải:

 – Bỏ tất cả phương pháp dã man vô nhân đạo.

 – Cư xử với người An Nam như bạn, chứ không phải là chủ ác độc.

 – Cố gắng giảm bớt sự đau khổ tinh thần cũng như vật chất, xây dựng cho người An Nam quyền sơ đẳng cá nhân.

– Không thể làm ngơ trước sự hối lộ của viên chức và tính xấu của họ.

– Cho dân tộc ấy học hỏi phát triển thương mãi và kỹ nghệ bản xứ.

 Xin các ông Nghị nhận nơi đây, sự biểu tỏ những tình cảm kính mến của tôi. 

 Địch thủ của các ông,

Nhà cách mạng THÁI HỌC”

(9) Mục này, tác giả trích dịch theo tài liệu của Louis Marty, Giám đốc Mật thám Đông Dương trong cuốn “Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine Française.”

(10) Sau khi Pháp tái chiếm Lạng Sơn, Pháp đã lấy tên Hà Văn Ký đặt cho một tên phố ở thành Hà Nội.

(11) Theo lời tường thuật của ông Nguyễn Văn Phi, chiến sĩ VNPQĐMH.

(12) Căn cứ vào hồ sơ của Ký Con tại sở Mật thám thì họ, tên anh là Đoàn Trần Nghiệp, sinh năm 1908 tại phố Hàng Sơn (Rue de la Laque), Hà Nội, là con ông Đoàn Văn Ba và bà Đinh Thị Thuận, nguyên quán tại làng Khúc Thủy, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Thân phụ anh hành nghề kim hoàn tại số 36 phố Hàng Bạc, Hà Nội.

 Tại làng Khúc Thủy, chúng tôi không thấy có họ Đoàn, mà chỉ thấy có 2 họ Đào, 2 họ Đặng, 1 họ Trần và 1 họ Nguyễn. Nên chúng tôi kết luận là Ký Con họ Đào.

 Đến năm 1967, chúng tôi mới có dịp gặp lại Giáo sư Nguyễn Văn Mùi, và có đề tặng Giáo sư cuốn “Lịch sử VNQDĐ”. Sau khi đọc hết, Giáo sư Nguyễn Văn Mùi cho biết: “Trần Nghiệp không phải là họ Đoàn, mà cũng không phải là họ Đào! Nguyên vào năm 1949, khi ấy Giáo sư Mùi làm Hội viên Thành phố Hà Nội, chính thân phụ Trần Nghiệp thân đến nhà Giáo sư Mùi 2 lần, yêu cầu Giáo sư đề nghị với Hội đồng Thành phố cho sửa lại Biển phố ở Khu Nhà Diêm là ĐẶNG TRẦN NGHIỆP cho đúng, chứ không phải là Đoàn Trần Nghiệp. Giáo sư Mùi trả lời là không có quyền sửa lại lịch sử.”

 Theo ý Tác giả, có lẽ Ký Con đã đánh lạc hướng cho Chính quyền Thực dân khỏi làm phiền lụy đến những người trong họ hàng, đến những người thân yêu anh chăng? Vậy Tác giả xin đính chính là ĐẶNG TRẦN NGHIỆP tức là Ký Con cho đúng.

 Ký Con dáng người nhỏ bé, nước da trắng mịn, khuôn mặt trái soan, cặp mắt sáng nhưng có vẻ mơ màng, đôi môi đỏ thắm như son, miệng lúc nào trông cũng như mỉm cười, nhưng điềm đạm ít nói.

 Vì nhà nghèo, Ký Con phải thôi học sớm. Năm 18 tuổi phải vào làm nghề bán hàng cho hãng Gô Đa, Hà Nội.  Đầu năm 1928, Ký Con được giới thiệu vào VNQDĐ lấy bí danh là Doãn.

 Đến khi Khách Sạn Việt Nam được thành lập, anh Doãn được cử vào trông coi việc mua bán và xuất nhập kho. Vì anh Doãn là người nhỏ tuổi hơn hết, nên các nhân viên trong khách sạn gọi đùa anh Doãn là “Ký Con”. Cái tên Ký Con xuất hiện từ đó.

 Đến tháng 2 năm 1929, Khách Sạn Việt Nam bị thực dân khám xét và ra lệnh đóng cửa, vai trò của Ký Con khi ấy không mấy quan trọng, nên Hội Đồng Đề Hình không mấy lưu ý, nên được trả tự do. Ký Con bắt đầu hoạt động sát cánh Nguyễn Thái Học. Xét thấy Ký Con là người gan dạ và lại kín đáo, Nguyễn Thái Học đã cử vào ban ám sát, Ký Con lấy bí danh là “SĨ HIỆP”. Từ đấy Ký Con mới có cơ hội được thi thố hết tài năng của mình để phụng sự Đảng.

(13) Số tiền 11.000 đồng theo lời khai của Lê Hữu Cảnh, trích 5.000 đồng phái một cán bộ phụ nữ đưa sang cho Nguyễn Thế Nghiệp ở Vân Nam, số tiền còn lại dùng để xây cất tại Hải Phòng và Hà Nội nhà thương vụ, hầu có lợi phải bổ xung quỹ của Đảng.

(14) Pujol là Commissaire de la police spéciale.

(15) Lê Hữu Cảnh sinh năm 1895 tại xã Thịnh Quang, tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, trong một gia đình Công Giáo rất ngoan đạo. Được theo học tại trường Thầy Dòng, Hà Nội. Là Phó quản lính mộ đi Pháp. Khi trở về nước, anh làm việc tại công xưởng Hỏa xa. Song thân anh làm nghề thương mãi về đồ gốm tại số nhà 51 phố Hàng Mắm, Hà Nội. Lê Hữu Cảnh rất thông minh và gan dạ vô cùng.

(16) Đỗ Thị Tâm chính tên là Phạm Thị Hào là con gái ông Ba Đỗ và là cháu cụ Cử Chí. Quán làng Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.

Phạm Thị Hào là ý trung nhân, là đồng chí với Hoàng Đình Gị, chết bởi nhiều vết thương trong lúc bảo vệ tự do chống lại bọn thám tử, mà anh đã gây nhiều thương tích bằng những phát súng lục. Theo gương Nguyễn Thị Giang, ngay đêm bị bắt, Phạm Thị Hào đã tự tử theo ý trung nhân.

(17) Độ là bí danh khi anh gia nhập Đảng hồi tháng 10.1928, tên thực của anh là Phạm Xuân Đại, nguyên làm thợ sắt tại hãng Cacric Hải Phòng. Sau sang Ai Lao làm ở hãng nhánh Cacric.

Ngày 31.1.1930, chuyến máy bay thường lệ của hàng không Pháp đáp xuống Vạn Tượng, chở theo một số máy móc của hãng. Anh cùng một số thợ khác ra trường bay tháo gỡ đưa về sở. Những người ở Việt Nam sang kể chuyện với bà con của họ là VNQDĐ sắp khởi nghĩa. Chính quyền Pháp đã bắt được nhiều súng đạn cùng tài liệu về chủ trương đó. Sớm chiều cách mạng sẽ bùng nổ, tình hình rối ren lắm.

Nghe được tin ấy anh mừng lắm, cơ hội phụng sự dân tộc một cách thiết thực đã đến. Anh chuẩn bị lương khô vượt biên giới, 15 ngày đêm anh lận đận trong rừng sâu mới về tới địa phận tỉnh Hòa Bình. Bắt liên lạc được người quen, được biết cuộc khởi nghĩa của Đảng đã thất bại. Nhờ có phương tiện và giấy tờ hợp lệ về được Hà Nội là do một lão đồng chí là ông Quách Vỵ, Tuần phủ tỉnh Hòa Bình thời ấy cấp cho.

Về Hà Nội, anh xin gia nhập ám sát đoàn, phụ trách cơ quan Hậu giám. Khi bị bắt về sở mật thám, chúng hỏi tên tuổi và căn cước, anh đều khai là không có, nhưng anh nhận là đảng viên VNQDĐ. Chúng hành hạ, đánh đập anh hết ngày này qua ngày khác, lâu rồi chúng đâm ngán. Tập hồ sơ của anh không có tên. Mãi sau, nhân khi anh đi tắm, khi trở về phòng giam, vô tình đánh rớt cục xà bông, một người chắc là đồng chí của anh, từ trong lỗ cửa sà-lim trông thấy, vô tình kêu:

– Kìa anh Độ! Anh đánh rớt cục xà bông kia kìa!

Do đó, có kẻ nghe thấy, liền lên báo cho mật thám biết để tâng công. Từ đấy trong tập hồ sơ của anh, mật thám mới ghi tên anh là “Độ”.

Anh em những người cùng bị giam chung với anh, đều mệnh danh anh là “GAN LÌ TƯỚNG QUÂN”.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đây đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt