Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (4)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương IV: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG BỊ THỰC DÂN ĐÀN ÁP”

THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932) 

CHƯƠNG IV: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG BỊ THỰC DÂN ĐÀN ÁP

THIẾT LẬP HỘI ĐỒNG ĐỀ HÌNH 

 Thủ phạm ám sát Bazin không phải là Léon Sanh, tất là hành động của VNQDĐ, mà sở mật thám Bắc Việt đã mong manh biết từ hồi Nam Đồng Thư Xã được thành lập ít lâu, nhưng nếu đàn áp ngay thì thiếu bằng cớ, nên chúng chỉ cho theo dõi từng cá nhân. Đến ngày nay VNQDĐ đã có một lực lượng khá lớn lao, nên chúng không còn thể để lâu được nữa!

 Nguyên nhân bị tiết lộ, bởi một thanh niên trí thức là Nguyễn Quốc Túy, y khoác bộ áo cách mạng tham gia vào những vụ có tính cách ái quốc ái quần, để mưu đồ khoái lạc cá nhân. Sở Mật thám Bắc Việt thừa biết rõ là gã lợi dụng cách mạng để gây phá rối trị an; nên đề nghị với Thống Sứ Bắc Việt trục xuất y về nguyên quán ở Trung Việt vào hồi cuối năm 1927. Nhận được lệnh trục xuất, Nguyễn Quốc Túy đã đến năn nỉ với Rinert, Cẩm Mật thám:

 – Xin ông cho tôi ở lại Bắc Việt, tôi sẽ xin báo ông biết một tin quan trọng.

 Rinert cười khẫy, đáp lại bằng giọng mỉa mai:

 – Quan trọng à! Thôi về qua Vinh, anh sẽ khai với ông Chánh Mật thám ở đấy. Khi lính giải về tới Sở Mật thám Vinh (Nghệ An), Nguyễn Quốc Túy không ngần ngại khai tin quan trọng ấy với chánh mật thám tỉnh Nghệ An rằng:

 – … Hôm trước đây người bạn đồng học của tôi là Nguyễn Thái Học có đến rủ tôi vào hội kín, mà mục đích là dùng võ lực đánh đổ thực dân. Trong hội kín ấy có cả Nhượng Tống và Phạm Tuấn Tài. (1)

 Vào hồi 5 giờ sáng, ngày 17 thánh 2 năm 1929, tức ngày mồng 8 tháng giêng năm Kỷ Tỵ, Sở Mật thám Bắc Việt giăng lưới khám xét nhà và bắt một số Trung Ủy VNQDĐ trong số đó có Bùi Tiên Mai. Nhưng không bắt được hai yếu nhân của Đảng là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu. Nguyễn Thái Học khi ấy đương ở Khách Sạn Việt Nam, được đồng chí phi báo, ông liền thoát ra cửa sau khách sạn năm phút đồng hồ trước khi mật thám kéo đến bổ vây khám xét cơ quan ấy  (2).

Tên Toàn Quyền Đông Dương (1927) Pierre Pasquier

Sở mật thám đưa chúng tôi ra Biện Lý Cuộc. Nhưng thấy là việc quan trọng, Biện Lý Cuộc báo cáo lên Phủ Toàn Quyền. Toàn Quyền Pasquier ký nghị định thiết lập Hội Đồng Đề Hình (Commission Criminelle) để xét xử VNQDĐ. Thành Phần Hội Đồng Đề Hình (HĐĐH) gồm có: 

Chánh Hội Đồng: Brides, Thanh tra Hành chính, Chính trị Bắc Việt (3)

Ủy Viên   : Nicolas, Biện lý

Ủy Viên   : Delsalle, Đốc lý Hà Nội

Ủy Viên   : Guet, Đại úy

Thông ngôn    : Hoàng Hữu Phương

Lục Sự    : Arnoux Patrich

 Hội Đồng Đề Hình làm việc ngay trên tầng lầu ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội, nơi phòng giam cụ Phan Sào Nam hồi năm trước đây. Bắt tay vào việc, Brides ra lệnh cho các bị can hưởng chế độ chính trị phạm (régime politique). Số đảng viên VNQDĐ dần dần bị bắt giam lên tới con số 227 người (4), bởi Bùi Tiên Mai, một Trung Ủy đã tham dự Tổng Bộ đến hai kỳ, bị mật thám đem danh lợi cám dỗ, Tiên Mai đã cung khai hết công việc của Đảng và tố cáo hết tên tuổi những Ủy Viên Tổng Bộ. Ngoài Bùi Tiên Mai còn có năm, ba người bị mật thám tra tấn, khủng bố tinh thần, bị mắc mưu, tưởng chúng đã biết rõ tất cả, nên hỏi đâu nói đó. Riêng số Đảng Viên thuộc tỉnh Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Hội Đồng Đề Hình đặc ủy cho Tuần Phủ tỉnh ấy là Vi Văn Định được cứu xét. Họ Vi dùng chó bẹc-dê Đức cùng số lính dõng người Thổ tra tấn một cách vô cùng khủng khiếp, nên số Đảng viên tỉnh Hưng Yên đã bị bắt nhiều nhất, còn các tỉnh khác, các Trung Ủy đã cố sức chịu đòn không chịu cung khai, Hội Đồng Đề Hình không tìm ra manh mối, nên giữ được an toàn.     

 MƯU PHÁ NGỤC THẤT HỎA LÒ 

 Thế là bọn thực dân Pháp đã bắt giữ hầu hết các yếu nhân, từ những sáng lập Đảng Viên đến những Ủy Viên trong Tổng Bộ cũ và mới. Chỉ duy còn hai nhà lãnh tụ tối cao của VNQDĐ là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu. 

Với bằng đủ mọi cách mọi giá, chúng vẫn không sao bắt được, mặc dầu lại có tin Nguyễn Thái Học vẫn thường lui tới các vùng lân cận ngoại thành Hà Nội, để liên lạc và thông báo tin tức với các đồng chí của ông hiện đương bị giam giữ tại ngục thất Hỏa Lò.

 Do đó Arnoux, Tổng Giám Đốc Công An, một tên trùm mật thám già đời đất Bắc và nhất là Brides, Chủ Tịch Hội Đồng Đề Hình, một viên cai trị khét tiếng trong hàng “Tứ Hung”, đều như điên như dại, đứng ngồi không yên! Chúng vừa tỏ vẻ cáu kỉnh, vừa có ý lo lắng sợ hãi.

 Bỗng nhiên một hôm, vào cuối tháng 4 năm 1929, không biết từ đâu đưa lại? Y nhận được tin chắc chắn là Nguyễn Thái Học đương chuẩn bị một cuộc nổi dậy đánh phá ngục thất Hỏa Lò vào ngày kỷ niệm Jeanne d’Arc (Gian-Đa), 14 tháng 7 sắp tới, để giải cứu cho các đồng chí của Nguyễn Thái Học đương bị giam cầm trong ấy, giống như cuộc nổi dậy của dân chúng Ba Lê đánh chiếm ngục thất La Bastille hồi năm 1789.

 Tin này tuy trước có thực, và bản kế hoạch đầu tiên đã được thảo ra, nhưng sau vì nhiều lý do đặc biệt, nên lại quyết định bãi bỏ. Thế mà bọn phản động giờ đây mới đánh hơi thấy, lại mang đến tâu hót với Brides, làm cho y hoảng hốt và lo sợ, đến nỗi vừa sáng sớm tinh sương hôm sau, khi vừng đông còn chưa ló rạng, Brides đã đơn thương độc mã, lầm lì tiến bước vào khu sà-lim C (Cellules C) gồm 32 sà-lim, là khu biệt giam kiên cố và quan trọng nhất, và cũng âm u rùng rợn nhất tại ngục thất Hỏa Lò thời bấy giờ, đã được mệnh danh là “Le tombeau vivant” (Mồ chôn người sống). Nơi đây giam cầm hầu hết là nhân viên Tổng Bộ cũ và mới VNQDĐ.

 Tới hàng lang sà-lim C, Brides ra lệnh cho tên giám thị Pháp theo sau, lần lượt mở cửa từng sà-lim một, để y vào tận chỗ, nói với từng người chúng tôi một câu, nguyên văn: “Attention à vous tout! Et dites à HOC qu’il reste tranquille! S’il y a un moindre soulèvement à Hanoi, vous aurez tous la tête coupée!” (Các anh liệu hồn đấy! Và bảo với Học, nó phải yên đi! Nếu xảy ra một cuộc nổi dậy nhỏ nào ở Hà Nội, tất cả các anh sẽ bị rơi đầu ráo!)

 Câu nói của Brides vừa có ý như hăm dọa, vừa có ý như khuyên lơn vậy. Nói xong y lẳng lặng đi ra, không hỏi han thêm bớt nửa lời, và lần lượt ngót 30 người, với ai, y cũng chỉ nói một câu ấy mà thôi.

 Nguyên từ lâu, Brides đã cho rằng mặc dầu bị giam cầm nghiêm mật, nhưng một số anh em vẫn có liên lạc chặt chẽ với nhà lãnh tụ trẻ tuổi, và nhất là vẫn được tham khảo ý kiến đầy đủ về các vấn đề trọng đại của Đảng. Do đó, Brides thường nói với anh em chúng tôi rằng: “De la prison, le Tong bo dirige toujours le Parti” (Từ trong nhà giam, Tổng Bộ vẫn giữ quyền lãnh đạo Đảng).

 Dĩ nhiên cuộc nổi dậy nầy rồi sau không xảy ra, vì đã có lịnh bãi bỏ từ trước như trên đã nói, nhưng Brides thì có biết đâu, và y lại đinh ninh cho rằng, đây là kết quả của sự mặc nhiên thông cảm giữa chúng tôi với những lời du thuyết đầy khôn ngoan và khéo léo của y tại các sà-lim trước đây; rồi vô hình trung, từ đó chúng tôi cứ được quan trọng hóa tưởng tượng mãi lên. 

HỘI NGHỊ LẠC ĐẠO 

Cần phải có một số cán bộ đắc lực để bổ xung vào công tác cấp bách. Đầu tháng 4-1929, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu bí mật triệu tập Đại Biểu các tỉnh bộ toàn quốc tại Lạc Đạo, một làng gần ga Lạc Đạo thuộc tỉnh Bắc Ninh.

 Trong số cán bộ được bổ sung, có Sư Trạch, một đệ tử trong phái Thiếu Lâm, có phong độ giang hồ kiếm khách, xuất hiện giữa khi tòa nhà VNQDĐ đương bị cơn bão tố lung lay. Ngoài Sư Trạch còn có một số đảng viên được cất nhắc lên hàng cán bộ mới là Ký Con, Nguyễn Văn Chấn, Xuân Tùng, Vũ Văn Giản, Phạm Văn Tỉnh, Nguyễn Huy Thọ, v.v…

 Sau phần trên, Nguyễn Thái Học bước lên diễn đàn với một giọng nói cảm động:

 “Hiện tình Đảng chúng ta lúc này có một số chi bộ ở các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, và vài chi bộ nhà binh, số đồng chí bị bắt khá nhiều. Còn các tỉnh khác và đô thị, nhờ sự nhẫn nhục và gan dạ của các đồng chí ở trong ngục thất, nên số đồng chí của chúng ta ở ngoài còn rất đông, không những an toàn vô sự, mà lại còn phát triển thêm nhiều chi bộ. Các binh đoàn, các chi bộ nhà binh cũng mỗi ngày mỗi kết nạp thêm được nhiều đồng chí mới. Tình hình của Đảng thế là vững vàng, tinh thần gan dạ của các đồng chính thế là tỏ rõ…”

 Cuối cùng Hội Nghị quyết định xúc tiến ngay việc tuyên truyền kết nạp thêm đồng chí, và kiện toàn ngay lại những chi bộ mà số đảng viên bị bắt nhiều. Số đảng viên mới kết nạp, nay nhằm vào thành phần nông dân, thợ thuyền và sinh viên nhiều hơn.

 Vấn đề liên lạc cũng được đề ra, hội đồng quyết định lựa một số nữ Đảng viên lên thay thế số nam Đảng viên. Trong số liên lạc viên mới này có các cô: Đỗ Thị Tâm, cô Tình, cô Vân, cô Bắc, cô Chính và cô Giang.     

 VỤ ÁM SÁT TRỊNH THỊ NHU, TRỊNH THỊ UYỂN 

 Arnoux cũng như Brides, chúng đoán trước với nhau rằng, Nguyễn Thái Học còn ở ngoài vòng kềm tỏa ngày nào, thì một trận cuồng phong cách mạng, máu chảy thịt rơi, nhất định sẽ xảy ra bất cứ lúc nào! Bởi vậy công tác đứng trên hàng đầu của Brides lúc bấy giờ, là làm sao bắt giữ cho bằng được, hoặc thuyết phục cho được Nguyễn Thái Học chịu về đầu thú, thì tự nhiên an ninh trật tự toàn cõi Bắc Kỳ sẽ được bảo đảm như bàn thạch.

 Một buổi sáng, Sở Mật thám giải đến Hội Đồng Đề Hình một người tình nghi hoạt động cách mạng là Trịnh Đình Chiêm tức Cả Chiêm ở Phủ Lạng Thương. Cả Chiêm có hai cô em gái là Trịnh Thị Nhu và Trịnh Thị Uyển. Hai cô này là bạn gái chí thân với hai cô Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang, mà theo báo cáo của sở mật thám, thì hai cô Bắc, Giang là Đảng viên VNQDĐ và đương hoạt động cách mạng tích cực bên cạnh Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu.

 Được biết rõ ràng như vậy, trước hết Brides cho gọi Trúc Khê, Ngô Văn Triệu, một đảng viên VNQDĐ hiện bị giam trong ngục thất Hỏa Lò lên văn phòng, đe dọa sau vuốt ve, rồi hứa: Nếu Trúc Khê bằng lòng viết một bức thư  cho Nguyễn Thái Học, khuyên ông ra đầu thú, thì lập tức họ Ngô được trả tự do. Ngô Văn Triệu trước còn từ chối, sau bằng lòng viết. Đại ý “khuyên Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu nên ra đầu thú, không những không bị tội, mà còn cứu vãn được 200 đồng chí hiện bị giam cầm; những thường đảng viên sẽ được tha hết, còn những Trung ủy sẽ làm án chiếu lệ mà thôi, Chính Phủ Bảo Hộ hứa chắc chắn như vậy…”

 Nắm được bức thư trong tay, Brides cho gọi Cả Chiêm, và cũng từ đe dọa sẽ mất đầu đến vỗ về an ủi: nếu Cả Chiêm khuyên được 2 cô em gái mang phong thư của Ngô Văn Triệu trao được đến tận tay cô Bắc hoặc cô Giang, thì không những được thả ngay về, mà khi thành công Chính Phủ Bảo Hộ lại còn ban thưởng cho là khác.

 Suy đi tính lại hồi lâu, Cả Chiêm nhận lời, tức thì hai cô Nhu, Uyển được sở mật thám bắt giải đến. Trước hết Brides cho phép anh em được chuyện trò, rồi áp dụng chiến thuật đe dọa vỗ về. Kết quả hai cô gái sông Thương bằng lòng nhận đem hai bức thư ấy. 

 Bước chân ra khỏi cổng Hỏa Lò, hai chị em bàn nhau phải tìm đến hỏi đồng chí Xứ ủy Mai Ngọc Thiệu tức Cả Sâm; vì Nhu, Uyển đều là đảng viên VNTNCMĐCH, đồng chí của Cả Sâm. 

 Ban chấp hành Kỳ Bộ VNTNCMĐCH tức thời được triệu tập một phiên nhóm bất thường vào buổi tối ngày 28.5.1929 tại đường Thể Dục (Wiélé), Hà Nội. Hội Nghị quyết định là giao hai nữ đồng chí Nhu, Uyển cho tỉnh Đảng bộ Hải Phòng lo liệu cho đáp tầu Canton sang Hồng Kông, công tác cho Tổng Bộ tại Quảng Châu, để tránh mọi sự có thể xảy đến nguy hiểm cho VNTNCMĐCH. Một  cán bộ đảng là Đặng Ngọc Long bí danh Minh được đặc phái đem mệnh lệnh xuống Tỉnh Đảng bộ Hải Phòng.

 Sáng ngày 31 tháng 5, Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển, đáp xe lửa xuống Hải Phòng. Hai cô được một đồng chí là Trần Tố Lang do Tỉnh Đảng bộ phái ra đón tiếp. Sau khi nhận được ám hiệu, Trần Tố Lang bảo hai nữ đồng chí hãy tìm một nơi để nghỉ ngơi, đợi đến đúng hồi 19 giờ rưỡi sẽ đến đầu Ngõ Nghè, trước trường trung học Trí Tri, gần đường Cát Cụt đợi, sẽ có người đến đón đưa lại cơ quan của Tỉnh Đảng bộ.

 Đợi đúng giờ hẹn, hai chị em lững thửng đến ngõ Trí Tri. Giữa một nơi vắng vẻ, bóng tối chập chờn, hai chị em còn đương ngơ ngác, chú ý xác định vị trí, thình lình một tiếng nổ phát ra, một viên đạn trúng ngực cô Uyển ngã ngục chết liền. Cô Nhu còn đương hoảng hốt, lại một tiếng nổ nữa tiếp theo, viên đạn trúng vào đùi cô Nhu ngã quỵ. Kẻ sát nhân trốn thoát.

 Vụ ám sát này nguyên do là Đỗ Ngọc Dzu nhận được mật lệnh Kỳ Bộ về việc lo liệu cho hai nữ đồng chí xuất dương. Dzu tìm đến Nguyễn Đức Cảnh, người phụ trách về tỉnh Đảng bộ. Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ gồm có ba người Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Vinh, Lê Văn Đống, ngoài ra còn có Quốc Anh, Kim Tôn và Sĩ  Quyết mới từ Hồng Kông về, Đỗ Ngọc Dzu, Trần Tố Lang và Hồ Ngọc Lân cũng được mời tham dự.

 Trước hội nghị, Nguyễn Đức Cảnh báo cáo về mệnh lệnh của Kỳ Bộ về lý do phải đưa hai nữ đồng chí xuất dương. Quốc Anh đứng phắt dậy nói:

 – “Bắc Việt Kỳ Bộ đã chủ trương một việc quá mơ hồ, không hiểu rõ tình hình đoàn thể một chút nào hết cả! Hiện nay Tổng Bộ còn đâu nữa! Mà bảo gửi hai chị ấy sang công tác! Tổng Bộ VNTNCMDCH hiện đã bị giải tán do quyết nghị của toàn thể Đại Biểu dự Đại Hội toàn quốc ở Hồng Kông đã biểu quyết để thay thế bằng ĐÔNG DƯƠNG CỘNG SẢN ĐẢNG rồi! Vậy nay Kỳ Bộ, Tỉnh Bộ VNTNCMĐCH ở đây cũng đều bị giải tán để tổ chức lại thành ĐDCSĐ”.

 Quốc Anh nói dứt lời, Sĩ Quyết tiếp:

 – “Gửi sang Hồng Kông không được! Để ở đây trước sau gì hai chị ấy cũng sẽ bị bắt. Mà bị bắt trở lại thì rất nguy vì hai chị ấy giữ công tác liên lạc, biết hết các yếu nhân Kỳ Bộ, Tỉnh Bộ chúng ta.” 

 Đến lượt Đỗ Ngọc Dzu:

 – “Tình trạng đã xảy ra như thế này thì chỉ còn một cách là thủ tiêu luôn hai chị ấy đi cho rảnh nợ và yên chuyện, bận tâm làm gì! Băn khoăn vô ích! Để thì giờ mà lo tổ chức ĐDCSĐ chứ, sau này nước được độc lập, sẽ cho tên hai chị ấy vào biển phố là được rồi.”

 Bản quyết nghị thủ tiêu hai nữ đồng chí Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển được thông qua, công tác thủ tiêu được trao cho Hồ Ngọc Lân thi hành, bởi Lân là một tay thiện xạ. Nhưng oái oăm thay! Thị Nhu lại là vị hôn thê của Hồ Ngọc Lân, nhưng Lân không thể cưỡng lại mệnh lệnh mà Tỉnh Đảng bộ đã trao phó, Lân chỉ còn một cách là thi hành bản án một cách sai lệch, nghĩa là chỉ bắn vào một bên đùi Trịnh Thị Nhu. Hôm ấy là buổi tối ngày 31 tháng 5 năm 1929.

 Sau khi vụ án mạng này xảy ra, người bị bắt giam đầu tiên là Mai Ngọc Thiệu tức Cả Sâm và mấy đồng chí của ông ở trong Tỉnh Đảng bộ Hải Phòng.     

 HỘI ĐỒNG ĐỀ HÌNH XỬ PHIÊN CÔNG KHAI 

 Vụ án Bazin tuy phòng dự thẩm Tòa án Đại Hình có đòi Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Thác, Hoàng Văn Đào và Nguyễn Hữu Đạt ra hỏi cung nhiều lần, nhưng không một ai chịu tiết lộ một điều nào; nên vẫn không tìm ra manh mối.

 Hội Đồng Đề Hình làm việc ròng rã suốt ngày đêm cho mãi đến cuối tháng 6, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu vẫn không sao bắt được, lại vấp phải vụ ám sát Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển khiến Chủ Tịch Hội Đồng Đề Hình hết sức bối rối, lại không muốn làm ra to chuyện e chính phủ Mẫu Quốc quở trách bọn cai trị Đông Dương. Nên Hội Đồng Đề Hình trả tự do cho 149 người, còn lại 78 người, quyết định đưa ra xử trước phiên tòa công khai vào hồi 8 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 7 năm 1929.

 Trong bản cáo trạng có đoạn rằng: “… các giáo viên, công chức, các binh sĩ là những cây cột chống đỡ mái nhà Đông Dương. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã làm lay chuyển ba cây cột ấy. Nguy hiểm hơn nữa! Là những kẻ được họ rủ rê (trừ Nguyễn Quốc Túy), vào thì vào, không vào cũng không một ai đi tố cáo với nhà đương cuộc. Sự im lặng đó khác nào đồng lõa!…”

 Sau khi nghe lời khai của các bị can và luật sư biện hộ, đến hồi 20 giờ tối hôm sau (mồng 3 tháng 7) Hội Đồng Đề Hình tuyên án. Thực là một vụ án không tiền khoáng hậu trong lịch sử, 78 bị can mà chỉ xét xử chớp nhoáng có 2 ngày.

 Nhưng suốt trong phiên xử án, Hội Đồng Đề Hình không hề nhắc nhở đến vụ án, Hội Đồng Đề Hình không hề nhắc nhở đến vụ ám sát tên trùm thực dân Bazin.

 2 người trắng án (5)

 3 người kết án khuyết tịch (6)

 26 người án tù treo từ 2 đến 5 năm (7)

 47 người án tù cấm cố từ 2 năm đến 15 năm (8)

 Ngoài án tù, mỗi người còn đèo thêm cái án 5 năm biệt xứ (interdiction de séjour).

 Đến ngày 24 tháng 8 năm 1929, chính quyền thực dân ra lệnh phát vãng 25 người án tù cấm cố từ 2 đến 5 năm đưa đi giam tại các ngục thất thuộc các tỉnh thượng du Bắc Việt; 23 người án cấm cố lưu đày từ 5 năm đến 15 năm đưa đi giam ngoài Côn Đảo.(9)

 DƯ LUẬN BÁO CHÍ THỜI ĐÓ 

 Là một Đảng cách mạng bí mật, làm sao mà dân chúng biết được! Cho mãi đến đầu năm 1929, đồng bào được tin chính quyền Pháp đang lùng bắt Đảng cách mạng chống Pháp là VNQDĐ.

 Kíp đến ngày mồng 2 tháng 7 năm 1929, các báo chí Hà Nội đều đăng tin Hội Đồng Đề Hình đã họp xử các can phạm VNQDĐ.

 Hầu hết dân chúng không hiểu Hội Đồng Đề Hình là gì? Và cũng không hiểu VNQDĐ là đoàn thể nào?

 Cuộc âm mưu chống Pháp được Hội Đồng Đề Hình (Le complot antifrancais devant la commission crimirelle), Chính quyền Pháp trong một thông cáo đăng trong báo “Avenir du Tonlkin” ngày 2 tháng 7 năm 1929 đã nói rõ thành phần và nhiệm vụ của Hội Đồng Đề Hình, ông Balnt nhắc lại như sau:

 “Hội Đồng Đề Hình được thiết lập là do sắc lệnh của Tổng Thống Pháp ký ngày 26 tháng 11 năm 1896, là một tòa án đặc biệt thiết lập thay thế cho tòa án thường để xử những dân bản xứ hay đồng hóa phạm những khinh hoặc trọng tội, liên quan tới sự an ninh của nền bảo hộ hoặc tới sự mở mang của nền thuộc địa Pháp”.

 Thành Phần Hội Đồng Đề Hình: Chủ Tịch Hội Đồng Đề Hình là một viên quan cai trị hạng nhất. Các hội viên gồm viên Công Sứ địa phương, nơi tội phạm đã xảy ra. Viên Biện Lý có thẩm quyền tại nơi này và một vị Đại Úy do Đại Tướng Tư Lệnh quân đội Đông Dương chỉ định.

 Tòa sẽ có một viên Lục Sự, lựa trong các Tham tá Lục Sự tòa Thượng Thẩm.

 Khi Hội Đồng Đề Hình họp tại một địa điểm ngoài khu vực thẩm quyền của các tòa Sơ Thẩm Hà Nội và Hải Phòng, viên Biện lý sẽ được thay thế bởi một vị Thẩm Phán khác do viên Chưởng Lý giám đốc Tư Pháp Đông Dương đề cử.

 Vị Chủ Tịch và hai đội viên Đại Úy và Thẩm Phán, viên Lục sự mỗi năm đều có nghị định chỉ định của viên Toàn Quyền Đông Dương.

 Qua các thành phần và sự điều hành trên, chúng ta thấy rằng:

 Hội Đồng Đề Hình chính là một tòa án để xử về các vụ chính trị, nhằm riêng các vụ chính trị chống Pháp.

 Các báo sau vụ án này có nhắc nhở tới nhiều, cả báo Pháp lẫn báo Việt. Các báo Pháp của thực dân Pháp cố tìm cách đánh lộn VNQDĐ với VNTNCMĐCH tức là biệt hình của đảng Cộng Sản sau này.

 Báo Franco Annamite viết:

 “Tôi xin hỏi còn có cách nào cho tôi khỏi nhầm lẫn hai đảng ấy được! Nếu không kể cách là phân biệt tên đảng nọ dài hơn tên đảng kia? Nói thực ra, tất cả những người trong hai đảng đều là bà con với nhau cả. Họ cùng theo mục đích là trục xuất người Pháp ra khỏi xứ Đông Dương. (RFA số 3 ngày 1 tháng 8 năm 1929, trang 25)”.

 Báo Avenir du Tonkin còn viết:

 “Bọn thượng lưu Annam đã nghiên cứu nền văn minh của ta, thì không khi nào lại bỏ ta, mà đi theo những kẻ chỉ có mục đích là phá hoại nền văn minh ấy. Họ còn nên hiệp tác với ta nữa, bởi vậy chúng ta có cái phận sự phải nên thân cận với bọn thượng lưu Annam, để cho họ tin cậy mình và hiểu rằng quyền lợi của chúng ta với của họ phải đi song song với nhau. Bên nào cũng đem chút thành tâm ra, thì việc đề huề liên lạc với nhau không khó gì…”

 Các báo Việt Nam phần nhiều khâm phục thái độ của những nhà cách mạng trẻ tuổi trong vụ này, nhưng không dám tỏ bày một cách rõ rệt trên mặt báo.

 Công cuộc chống Pháp này mặc dầu bị thất bại, nhưng đã có tiếng vang rất rộng lớn.

 Báo “Action Française” xuất bản tại Pháp trong ngày 2-6-1929 tức là trước ngày họp HĐĐH đã viết:

 “Que se pass-t’il en Indochine, et pourquoi nous dissimule-t’on si jalousement la verité? Un député colonial que nous ne nommerons pas aujourd’hui, a reçu d’une personnalité Française résidant en Indochine et plus particulièrement en Annam, une letter extrêmement pessimixte montrant le développement d’une campagne francophobe tenace, puissante, savamment dirigée et sur le point de porter ses fruits. Nous avons lu cette letter.

 C’est la politique de bon plaisir, d’arbitrai, d’illégalité faite là-bas par Varenne qui porter ses fruits avec L’autorissation des gouvernements successifs”.(10)

 Tại nước nhà hồi đó, có một số người chỉ sợ người Pháp bỏ về nước thì họ hết bấu víu. Tượng trưng cho số người đó, chúng ta phải kể đến Bác sĩ Lê Quang Trinh, hội viên Hội Đồng Chính Phủ đã viết trong báo “Le Progrès Annamite” ngày 20-7-1929 như sau: 

 “Supposons un instant que la France fatiguée des plaintes sempiternelles d’une certaine presse que se dit nationaliste, prenne parti de nous retirer sa protection. Qu’ arrivrait-il?

 1. Le Japon avec sa formidable flotte et son armée ne ferait qu’une bouchée de nous.

 2. La Chine grâce à sa population prolifique autant qu’industrieuse, nous submergerait, non sans nous avoir vaincus préalablement sur le terraint économique. Et nous connaissons par expérience, ce qu’il nous en coutait d’être dominés par les célestes. N’avons nous pas des millier d’années durant, pâli sous leur joug cruel? Faudrat-it recommencer?

 3. Le Siam, dont les visées ne sont pas moins manifestes, nous envahirait incontiment avec son armé de 600.000 hommes et avec sa flotte aérienne. Qu’aurions-nous à lui opposer? Etre dominés par les Siamois? N’y avons-nous jamais songé???

 4. Enfin les appétis déchainés des particuliers ne tarderaient pas, secondés par la troupe des mécontants et des aventuriers, à occasionner dans notre pays même des dissentions intestines qui, débridées dégénéraient en guerre civiles, catastrophe ent plus redoubtable que toutes les invasions du monde!!!” (11)

 Kết luận đấy là ý kiến của một số người trí thức Việt Nam cách đây đã quá 30 năm, chỉ sợ người Pháp rút lui khỏi Việt Nam! Nhưng may cho những phần tử trí thức ấy, người Pháp đã ở lại cho đến khi thật sự bị người Việt Nam cùng đứng dậy tống khứ (1954).

 Còn có một vài tờ báo bằng chữ Pháp do người Việt chủ trương như tờ “La Tribune Indochinoise” của ông Bùi Quang Chiêu… Những tờ báo này luôn luôn nhắc người Pháp nên thay đổi chính sách và mở mang thật sự cho Đông Dương. 

=====================

Chú Thích:

(1) Tài liệu này tìm thấy trong tập hồ sơ của các đảng viên quan trọng của VNQDĐ bị bắt giam hồi tháng 2 năm 1929 được Hội Đồng Đề Hình cho xem trước ngày đưa ra tòa xét xử phiên công khai.

(2) Nhượng Tống đã viết trong tập Nguyễn Thái Học do Tân Việt xuất bản, nơi trang 60 rằng: “Chúng cho người canh cả đêm, dò từng bước, nhưng thực thì có thể nói rằng chúng chả biết gì cả! Có giở đến hồ sơ mình mà coi, mới biết những tờ trình của tụi thám tử tâng công phần nhiều là bịa đặt suốt từ đầu đến cuối. Không có các tay nội công thì không bao giờ phá nổi một đảng cách mạng, mà Đảng chúng tôi cho mãi tới năm 1929, quả tình không có một tay nội công nào! Bảo các đảng viên của chúng tôi hồi ấy lẫn nhiều mật thám, hoàn toàn là một chuyện của những kẻ xấu bụng đặt điều nói lên.”

(3) Brides được người dân Bắc Việt liệt vào hạng “Tứ Hung”: nhất Đác (Darles), nhì Ke (Eckert), tam Ma (Delamare), tứ Bích (Brides).

(4) 227 người được phân loại như sau:

 – Thư ký của chính phủ   36 người

 – Nhân viên chính quyền Pháp  13

 – Giáo Viên nha học chính  36

 – Giáo viên tư  4

 – Giáo sư Hán văn  2

 – Sinh viên   6

 – Quảng cáo viên  4

 – Thương mãi và kỹ nghệ  10

 – Buôn bán và tiểu công nghệ  39

 – Điền chủ, nông dân và y sĩ  37

 – Quân nhân  40

 Bảng tóm lược này chứng tỏ cho thấy thành phần trí thức và bán trí thức cao đến đâu! Và phong trào có thể trở nên nguy hiểm cho nền an ninh của Pháp, bởi vì hơn 50 phần trăm kẻ âm mưu làm nghề phục vụ cho chính quyền Pháp. Trích theo tài liệu của Louis Marty, giám đốc mật thám Đông Dương viết trong cuốn “Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine Francaise”.

(5) Đinh Huân Trung, Trần Văn Sinh

(6) Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Văn Viễn.

(7) Chu Dưỡng Bình, Phạm Hữu Chính, Đặng Đình Điển, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Hữu Đạt, Hà Đức Vượng, Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Kim Ngữ, Vũ Đức Hiền, Trần Xuân Ngưỡng, Trần Văn Chính, Ngô Thúc Địch, Lê Văn Quyền, Đặng Minh Phụng, Lê Đức Phong, Liễu Bá Dung, Phạm Hữu Nữu, Nguyễn Văn Triệu, Trịnh Thế Hưng, Lê Văn Thọ, Nguyễn Thư Hoàng, Nguyễn Văn Tâm, Phó Đức Chính, Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Huy Viên.

(8) Phạm Tuấn Tài, Hoàng Thúc Dzị, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc, Trương Dân Bảo, Nguyễn Thế Nghiệp, Hoàng Trác, Nguyễn Thái Trác, Hồ Văn Mịch, Hoàng Phạm Trân, Lê Xuân Huy, Trần Văn Môn, Đặng Xuân Tiếp, Phạm Hữu Phủng, Hoàng Hồ, Lê Văn Thu, Trần Bích, Phạm Huy Kiều, Đoàn Mạnh Chế, Đoàn Bá Xích, Đào Danh Hội, Đào Viết Chuyên, Đoàn Mạnh Tiếp, Trần Hưng Long, Đặng Ngọc Nhữ, Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Văn Kệch, Nguyễn Văn Khắc, Nguyễn Cảnh Hoàn, Nguyễn Trung Phú, Trịnh Đình Kim, Nguyễn Đăng Hóa, Phùng Văn Đệ, Lê Thành Vị, Hoàng Văn Đào, Chu Văn Phác, Vũ Tá Chữ, Nguyễn Văn Vỹ, Nguyễn Duy Cương, Phạm Liên Hoa, Lê Trung Đăng, Nguyễn Văn Tốn, Đào Khắc Hưng, Phạm Minh Đức, Phạm Văn Trứ, Đội Bật…

(9) Cùng trong phiên xử của HĐĐH này, còn xử mấy đảng viên VNTNCMĐCH là Dương Hạc Đình (khuyết tịch 20 năm cấm cố), Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Danh Đới, Đặng Đình Hướng và Mai Ngọc Thiệu từ 2 đến 5 năm cấm cố. 

Và còn một người nữa không tham gia vào một đảng phái nào, nhưng rất hào hiệp, nhiệt tâm và rất triệt để ủng hộ cách mạng, bị HĐĐH kết án 5 năm cấm cố lưu đày, là cụ Nguyễn Công Riệu tức Ba Liệu.

(10) Bên Đông Dương có gì, và tại sao người ta lại dấu diếm chúng ta sự thực một cách ngoan cố? Một nghị viên thuộc địa mà ở đây chúng tôi không nói tên bữa nay, đã nhận được của một Pháp kiều ở Đông Dương, đúng hơn là ở Trung Việt, một lá thư đầy yếm thế, nói rõ một phong trào bài Pháp bền vững, mạnh mẽ và được điều khiển một cách khéo léo và ở trên đường kết quả, chúng tôi đã đọc lá thơ đó. Báo đó lại viết tiếp:

 Đây là một chính sách theo sở thích, áp bức bất công áp dụng tại đó bởi Varenne, chính sách này đã có kết quả của nó, với sự chuẩn y của Chính Phủ liên tiếp.

(11) Thí dụ có một ngày nước Pháp lấy làm chân những sự oán vọng luôn luôn của mấy tờ báo tự nhận là theo chủ nghĩa quốc gia, mà bỏ chúng ta không bảo hộ cho nữa thì trở ra làm sao?

 a. Nước Nhật có Thủy quân và Lục quân rất mạnh có thể thắng ta như trở bàn tay.

 b. Nước Tầu nhờ có dân đông đúc và giỏi về đường kỹ nghệ, có thể làm cho ta phải chìm đắm sau khi đã thắng ta trên đường kinh tế. Nhờ có sự kinh nghiệm khi xưa, nên chúng ta đã biết rằng nếu để các ông Tầu cai trị, thì thiệt thòi đủ đường. Trong mấy ngàn năm nay chúng ta chẳng sợ hãi mất mặt dưới quyền áp chế của họ là gì? Như vậy mà còn muốn bắt đầu lại như cũ hay sao?

 c. Nước Xiêm định ý không kém rõ ràng, cũng có thể đem ngay 600.000 quân và một đội phi cơ để tàn phá nước ta. Chúng ta nghĩ tới việc đó không?

 d. Sau hết có những kẻ bất bình và những kẻ bằng lòng giúp các sự ham muốn sôi nổi của những kẻ ăn không ngồi rồi, sẽ gây nên ở trong nước những việc xâu xé lẫn nhau, không ai ngăn cấm được, rồi hóa ra nổi loạn. Thật hại thêm! Một sự tai hại, một trăm lần ghê sợ hơn những sự tàn phá trong thế giới

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp Chương Kế]

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt