Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (39)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 15)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản”

(phần 15)

ĐỆ TAM CHIẾN KHU: CHIẾN KHU LAO KAI 

1

 Đầu tháng 8 năm 1945, Triệu Việt Hưng được Hải Ngoại bộ VNQDĐ ở Côn Minh đặc phái về Hà Nội để hợp tác với các đồng chí đoạt chính quyền Bắc Việt. Triệu Việt Hưng về tới Lao Kai gặp trời mưa lũ, đường xe lửa bị ngập không chạy được phải đi bộ đến phố Lu, gặp Vũ Việt Hùng từ Hà Nội trở lên báo cho biết Cộng Sản đã đoạt được chính quyền từ ngày 19; các đồng chí bị khủng bố, mỗi người chạy mỗi nơi. Triệu Việt Hưng cùng Vũ Việt Hùng bàn nhau cùng trở lại thành phố Lao Kai.

 

Địa danh Lào Kai giáp với Hà Giang và Hoàn Liên Sơn

Lao Kai là một ải địa đầu. Sau khi quân đội Trung Hoa nhập Việt, giải giới quân đội Nhật Bản, họ lấy Lao Kai làm đồn trú đầu tiên do Tư Lệnh Lý Du Sinh chỉ huy. Tư Lệnh họ Lý đã lợi dụng tình thế, áp bức hà hiếp nhân dân Việt Nam. Tỉnh trưởng tỉnh Lao Kai là Đàm Quang Vinh lại rất sợ quân đội Trung Hoa nên hết sức cung phụng và xu nịnh Lý Du Sinh. Họ Lý được thế ra lệnh cấm không cho Bảo An Binh đi tuần hay đeo súng ra khỏi cổng trại, thành ra Cộng Sản tuy có nắm được tỉnh trưởng họ Đàm, có chính quyền, có quân đội, nhưng không có sự bảo đảm cho nhân dân, khiến cho đồng bào phải chịu biết bao khổ cực lầm than!

 Các cựu Đảng Viên VNQDĐ ở Lao Kai, phần bị Cộng Sản, phần bị quân đội Trung Hoa khủng bố đàn áp, phải phân tán mỗi người mỗi nơi. Mãi đến sau ngày Vũ Hồng Khanh cùng đoàn cán bộ Hải Ngoại trở về Hà Nội (ngày 12 tháng 10 năm 1945), các cán bộ phụ trách Lao Kai mới bắt đầu hoạt động thật sự. Để tăng cường lực lượng, họ kết nạp một số đảng viên mới và tìm các đồng chí cũ tập trung thành một lực lượng, hàng ngày trực tiếp với quân đội Trung Hoa, để can thiệp bênh vực quyền lợi và bảo đảm an ninh cho nhân dân, thu phục nhân tâm.

Vì chịu sự hối lộ của Tỉnh trưởng Đàm Quang Vinh, nên Giới nghiêm Tư Lệnh Lý Du Sinh ngầm tìm đủ cách ngăn chặn những hoạt động của các cán bộ VNQDĐ, mặc dầu đã có sự cảnh cáo không được can thiệp của Chính phủ Tưởng Giới Thạch. Cán bộ VNQDĐ chỉ thành lập được một trụ sở tỉnh Đảng bộ, hoạt động về mọi phương diện Đảng vụ và giúp dân mà thôi.

Cách ít ngày sau, một đội quân từ Trung Hoa tới, gọi là “Vĩnh An Đệ Nhị Sư” để lại một bộ phận ở Lao Kai.  Cán bộ VNQDĐ bèn giao thiệp với Sư trưởng họ Lưu. Ngày 25 tháng 10, thành lập được đội tuần tra trong thành phố, lấy tên là Biên Cảnh Tuần Tra Đội với thành phần:

– Quân đội Trung Hoa 20 người,

– Hiến binh của VNQDĐ 20 người,

– Cảnh sát của chính phủ Cộng Sản 2 người

Liên tiếp tổ chức thành đội tuần tra, khiến dân chúng trong thành phố Lao Kai rất lấy hài lòng. Và họ đã hoan hô VNQDĐ đã đảm bảo được tính mạng và tài sản cho dân được an cư lạc nghiệp.

Nhận thấy tình hình bất lợi, cán bộ Cộng Sản báo cáo về Hà Nội. Tổng Bộ Cộng Sản bèn phái một đội Tuyên truyền Xung phong gồm 10 người, cầm đầu là Nguyễn Văn Mỹ lên Lao Kai mở chiến dịch tuyên truyền để thành lập Chính phủ Nhân dân. Nguyễn Văn Mỹ cho mời Đại Biểu VNQDĐ đến thảo luận, nhưng nhận thấy những điều kiện của Đại Biểu VNQDĐ đưa ra đối với CS không có lợi mà đối với dân chúng Lao Kai thì VNQDĐ lại có uy tín hơn; mà nếu theo thủ đoạn “Chỉ định” thì về phía VNQDĐ lại không đồng ý.

CS định lập trụ sở công khai, nhưng lại sợ VNQDĐ phá nên đành phải rút vào bí mật, rồi ngầm mưu với Tỉnh trưởng Đàm Quang Vinh triệu tập hội đồng gồm các công chức và định bí mật thành lập Tỉnh Chính phủ gồm toàn tay sai của CS. Sau khi lập xong sẽ tuyên bố với dân chúng. Nhưng mưu toan ấy đã không thành tựu bởi cán bộ VNQDĐ đã kêu gọi dân chúng đập tan ngay.

Nhận thấy thất bại rõ ràng, đội Tuyên truyền Xung phong của Cộng Sản rút lui về chiến khu Nghĩa Lộ. Sau đó phái một số cán bộ lãnh đạo thành lập hai đội ám sát; một đội nam và một đội nữ từ Yên Bái, Phú Thọ lên Lao Kai hành động và gây khủng bố.

Để đối phó lại, các cán bộ VNQDĐ phân công nhau vào xã Cam Đường, Nhạc Sơn tuyên truyền dân chúng và lập chiến khu trên một ngọn núi thuộc xã Nhạc Sơn, vận động dân chúng xã ấy mượn được 25 khẩu súng, mở khóa huấn luyện chính trị và quân sự cho 20 thanh niên đảng viên do Thiếu úy Nguyễn Văn Viên phụ trách, bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng 11 năm 1945.

Trong thời gian ấy Cộng Sản phái thêm cán bộ lên Lao Kai và đồng thời cử Thanh tra Hành chính là Trần Quang Minh lên theo để điều giải việc lập Tỉnh Chính phủ. Nhưng rốt cuộc, Trần Quang Minh cũng không may mắn gì hơn Nguyễn Văn Mỹ, khiến Đàm Quang Minh phải tìm đến Tư lệnh Lý Du Sinh yêu cầu phái lính Trung Hoa bảo vệ đưa về Hà Nội cùng với Trần Quang Minh. Chức Chủ tịch Chính phủ tỉnh Lao Kai, Đàm Quang Vinh ủy cho Hoàng Đức Tân, đại lý. Nhưng dân chúng lại không tín nhiệm Hoàng Đức Tân, vô luận việc lớn nhỏ trong tỉnh đều do cán bộ VNQDĐ giải quyết. Vô hình chung, Tỉnh Chính phủ tỉnh Lao Kai đã lọt vào tay VNQDĐ. Số đảng viên của VNQDĐ ở Lao Kai lúc ấy đã lên tới con số trên 1.000 người và hầu hết mọi người đã được qua lớp huấn luyện quân, chính. Trung ương Đảng bộ lại gửi lên thêm 4 cán bộ: Ba Cao, Nguyễn Thịnh, Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Long. Chiến khu Nhạc Sơn cũng đã vững vàng, đủ sức bảo vệ cho dân chúng. Đoàn cán bộ VNQDĐ phụ trách tỉnh Lao Kai tổ chức khai hội xác định kế hoạch: một mặt dùng uy lực đẩy hết số cán bộ Cộng Sản ra khỏi thành phố tỉnh Lao Kai, một mặt trù bị vào đoạt chính quyền ở Chapa làm bối cảnh mở rộng phạm vi hoạt động.

Theo kế hoạch đã định, đúng hồi 1 giờ đêm ngày 21 tháng 11 năm 1945, đoàn cán bộ VNQDĐ gồm có Triệu Việt Hưng, Trương Nghĩa Xương, Nguyễn Thịnh, Ba Cao, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Long cùng Thiếu úy Viên dẫn 20 võ trang đồng chí bí mật vào Chapa. Chiếm đóng xong Chapa vào hồi 16 giờ ngày 22, không tốn một giọt máu, lá Đảng kỳ đã thượng lên kỳ đài thay thế cho lá cờ đỏ sao vàng.

Thuận theo chiều hoạt động, Phạm Phong Huy chỉ huy một số đồng chí võ trang theo phương thức chính trị đấu tranh vào đoạt chính quyền ở Bình Lư nhằm ngày 25, và giải quyết xong Phong Thổ vào ngày 30 tháng 11.

Trở về Lao Kai, vấn đề đặt ra là phải đoạt chính quyền thực sự, nhưng vấp phải một trở lực rất lớn, bởi Tư lệnh Trung Hoa Lý Du Sinh vốn có dã tâm và lòng tham vô hạn, chỉ lăm le chờ tiếng súng nổ là đem quân đến tước khí giới của Bảo An Binh. Để tránh sự thiệt hại ấy, các cán bộ VNQDĐ quyết định vận dụng phương thức đấu tranh, liên tiếp mở cuộc đàm phán với cấp chỉ huy Bảo An Binh, nhưng lại vấp phải sự cản trở của hai người thân cộng là Đội Dung và Đội Y. Cuối cùng phải vận động riêng với chỉ huy Bảo An Binh là Quản Ngọ cho mở cuộc nói chuyện với toàn thể binh sĩ. Kết quả toàn thể Bảo An Binh đồng thanh hưởng ứng hợp tác, lễ chuyển giao cho VNQDĐ được thi hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1945.

Người đã sẵn, khí giới lại có nhiều, các cán bộ VNQDĐ phân phối võ trang đồng chí của họ đi chiếm đóng Phố Lu, Bảo Hà, Trại Hút, liên lạc với Nghĩa Đô, Yên Bình Xã, đặt thành một trận tuyến.

 

Phụ nữ Lào Kai (ảnh chụp từ thời Thực Dân Pháp)

Giữa khi ấy, tại Mường Khương và Bảo Hà bị quân thổ phỉ Trung Hoa sang chiếm đóng, áp bức và cướp bóc dân chúng. Lý Xuân Lâm, một đảng viên VNQDĐ, đã điều động địa phương quân đến đánh dẹp, có Trương Nghĩa Xương đem quân tiếp viện. Sau hai ngày đêm kịch chiến, đã đánh tan bọn thổ phỉ, bắt sống được 50 tên và toàn bộ võ khí giải về Lao Kai, còn một số trốn thoát chạy về Trung Hoa. Đốc Bàn ở Hà Khẩu và Sư trưởng Sư đoàn 200 sang Lao Kai yêu cầu xin cho giải về Trung Hoa trị tội. Mường Khương và Bảo Hà trở lại an ninh trật tự như trước.

Địa bàn đã mở rộng, thiếu cán bộ chỉ huy, nên ngày 16 tháng 12, Trung Ương Đảng bộ phái Trúc Thanh hướng dẫn 12 cán bộ tới Lao Kai. Triệu Việt Hưng triệu tập hội nghị để thành lập Tỉnh Đảng bộ. Triệu Việt Hưng được cử làm Chủ nhiệm ủy viên, trụ sở Tỉnh Đảng bộ đặt ngay trong trại Bảo An Binh. Đảng kỳ được thượng lên kỳ đài vào hồi 8 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1945.

Tiếp sang ngày 20, các cán bộ VNQDĐ vận động dân chúng bầu lại Tỉnh Chính phủ Lao Kai, gồm 9 người thành Chấp Hành Ủy viên hội, tuyển cử theo lối bỏ phiếu kín. Kết quả Lê Tùng Anh được bầu làm Chủ Tịch Tỉnh Chính phủ. VNQDĐ chính thức nắm chính quyền tỉnh Lao Kai. 

Sau khi đã nắm được chính quyền thực sự, Tỉnh Đảng bộ Lao Kai quyết định đặt Bộ Tư Lệnh Quốc Dân Quân gọi là “Phân Khu Tư Lệnh”, thống nhất cả bộ đội của Triệu Quốc Lộc. Trần Mạnh Sinh được cử làm Tư Lệnh.

Giữ chức Tư lệnh, Trần Mạnh Sinh ủy Triệu Quốc Lộc tiến quân đánh chiếm Than Uyên, Văn Bàn, Tú Lệ và Phong Du để ngăn chặn Cộng quân ở Nghĩa Lộ tiến lên. Và đồng thời phái Nguyễn Xuân Tôn lãnh đạo một số cán bộ đi hoạt động ở Lai Châu.

Ngày mồng 1 tháng Giêng năm 1946, đoạt được chính quyền Lai Châu, lập Tỉnh Đảng bộ, cử Đèo Văn Long làm Chủ nhiệm Ủy viên, Đèo Văn Mun làm Chủ tịch Tỉnh Chính phủ, Nguyễn Văn Kinh được cử làm Đặc phái viên, lãnh hai phân đội Hiến binh võ trang từ Lao Kai đến Lai Châu để giữ an ninh trật tự. 

ĐÁNH ĐUỔI THỰC DÂN PHÁP 

 Hiệp định Việt-Pháp mãi đến ngày 6 tháng 3 năm 1946 mới được hai bên đồng ký kết. Thế nhưng ngày 18 tháng 1 năm 1946, Pháp quân đã từ Trung Hoa vượt viên giới, kéo sang chiếm đánh Phong Thổ (Pháp gọi là Phòng Tô) thuộc tỉnh Lao Kai. Các cán bộ VNQDĐ đồn trú ở Phong Thổ huy động Quốc Dân Quân đánh Pháp. Ngày 26, hai bên giáp chiến suốt 2 ngày đêm chưa phân thắng bại.

Không ngờ người chỉ huy Quốc Dân Quân là Đèo Văn Bao lén đem toàn đội ra đầu hàng Pháp. Trong đồn chỉ còn lại 2 phân đội Hiến binh và mấy cán bộ, cả thẩy là 28 người. Sau cuộc huyết chiến với một số quân quá đông đảo của Pháp, chỉ còn có 6 cán bộ thoát hiểm chạy được về Lao Kai, số còn lại đều bị bỏ mình nơi chiến địa. Đồn Phong Thổ thất thủ.

Giữa khi ấy Đỗ Đình Đạo nhân danh Tư lệnh Đệ Tam Chiến khu từ Vĩnh Yên lên kinh lý Phân Chiến Khu Lao Kai. Đỗ Đình Đạo vào tới Bình Lư, được biết Bình Lư đương bị Pháp quân bao vây. Đạo liền trở lại Lao Kai rồi về thẳng Yên Bái, Vĩnh Yên lấy viện binh. Cách ít ngày sau, Đỗ Đình Đạo cùng Nguyễn Vĩnh đem một số Quốc Dân Quân từ Vĩnh Yên, Yên Bái lên trợ chiến mặt trận Phong Thổ, nhưng không thể địch lại. Trước tình hình đó, ngày 18 tháng 2, Đạo quyết định rút quân về Chapa. Riêng Nguyễn Vĩnh phải cố hết sức đánh phá vòng vây, mở một con đường máu. Và ngày 19, đoàn quân mới tới Chapa, cùng Đỗ Đình Đạo lui quân về giữ Yên Bái, Vĩnh Yên. Bình Lư cũng thất thủ nốt.

Triệu Việt Hưng bèn cử Tư lệnh Trần Mạnh Sinh đem hai trung đội và một tiểu đội pháo binh vào đóng giữ vị trí Chapa và Ô-quy-hô. Triệu Quốc Lộc giữ Yên Bình Xã, Nghĩa Lộ, Bảo Hà, Văn Bàn và Than Uyên với nhiệm vụ ngăn ngừa Cộng quân, còn Triệu Việt Hưng chịu trách nhiệm giữ Mường Khương, Sình Ma Cài, Bảo Nhai, Phố Lu để phòng Cộng quân và giữ Mường Bo, Mường Hum, Zy Tý, Trình Tường đề phòng Pháp quân.

Song song đứng trước hai đại họa của dân tộc: Cộng Sản và Thực Dân, Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Lao Kai quyết định tạm ngưng chiến đấu với Cộng Sản để dốc toàn lực lượng chiến đấu chống thực dân Pháp.

Tư lệnh chiến khu Lao Kai ra lệnh cho Hoàng Quang Đạt tiến quân từ Than Uyên lên đánh Pháp tại Bình Lư.  Lê Huy cũng tiến quân từ Chapa vào Bình Lư, kết hợp với quân Hoàng Quang Đạt cùng nhau công phá. Một mặt ra lệnh cho Hoàng Côn, chỉ huy khu Mường Hum, tiến quân vào công phá Phong Thổ và chận đường không cho quân Pháp vào tiếp cứu Bình Lư. Và sau khi chiếm lãnh lại được Bình Lư, các đạo quân của Hoàng Quang Đạt và Lê Huy phải điều động mấy bộ phận lớn tiến lên bao vây Phong Thổ. Nhưng cả ba lần Quốc Dân Quân tiến đánh thực dân Pháp thì cả ba lần Cộng Sản đem quân đến đánh tập hậu Quốc Dân Quân.

Đứng vào thế không thể đừng, Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ Lao Kai phải gửi báo cáo về Trung ương Đảng bộ yêu cầu can thiệp với Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Tờ báo “Việt Nam”, cơ quan ngôn luận của Đảng, cũng kêu gọi Chủ Tịch Hồ Chí Minh ra lệnh ngay cho Cộng quân không được làm trở ngại công cuộc kháng Pháp của VNQDĐ. Nhưng Cụ Hồ làm ngơ không đả động tới.

Bộ Tư Lệnh Quốc Dân Quân Đệ Tam Chiến Khu bắt buộc phải ra lệnh cho Triệu Quốc Lộc và Phân Khu Tư Lệnh Yên Bái Nguyễn Vĩnh hiệp lực tấn công Nghĩa Lộ (chiến khu của Cộng Sản). Hai đạo quân phối hợp tiến tới Bản Hốc thì tiếp được lệnh Trung ương Đảng bộ phải tạm đình chỉ mọi cuộc tấn công vì đã ký thỏa hiệp với Cộng Sản. Quốc Dân Quân ngừng tiến, đóng quân lại ở Bản Hốc đợi lệnh mới. Ngờ đâu, Cộng Sản huy động quân đội ở Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trên 5000 người đến tấn công Quốc Dân Quân ngay tại Bản Hốc. Một trận đánh lớn, kết quả Cộng quân bị tổn thất nặng nề phải rút lui.   

Đến đầu tháng Giêng năm 1946, lại nhận được Lệnh mới của Trung ương Đảng bộ: “… đã ký thỏa ước, hai bên bất khả xâm phạm nhau và phải rút lui quân đội đang đánh Nghĩa Lộ về, nếu trái lệnh sẽ bị nghiêm phạt.”

 Từ đó, hai bên tuy không có những trận đánh lớn, nhưng Cộng Sản vẫn thường gây những trận du kích chiến.  Bởi vậy quân khu Tư lệnh VNQDĐ ở Lao Kai tuy muốn tấn công thực dân Pháp nhưng lại e ngại Cộng Sản đánh tập hậu nên phải tạm đình chỉ cuộc tấn công Phong Thổ và Bình Lư.

Trong thời gian này, Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ Lao Kai quyết định một chương trình “Kiến Quân”. Trước hết, quân số được tăng cường biên chế quân đội theo hệ thống rõ rệt từ trên xuống để chỉ huy toàn khu dưới sự điều khiển duy nhất của Đảng. Bộ chỉ huy được đặt ở các vị trí yếu điểm từng châu, khu vực tạo thành mặt trận bao vây toàn tỉnh rất kiên cố.

Trường Lục Quân được thiết lập ở Chapa để đào luyện cán bộ quân sự do Cao Hùng làm hiệu trưởng. Tiếp theo, Đảng mở các lớp “Cán Huấn Ban” tại Mường Hum, địa điểm huấn luyện ở U Chu Phình ngay tiền tuyến, huấn luyện một số thanh niên trực tiếp thực hành chiến đấu do Hoàng Côn làm huấn luyện viên và đồng thời trực tiếp chỉ huy mặt trận ấy.

Về vấn đề quân nhu, Chiến Khu Lao Kai thành lập một Binh Công Xưởng để đúc súng đạn. Vận chuyển các máy móc từ Việt Trì, Phú Thọ lên đặt ở Chapa do Nguyễn Văn Sinh làm Giám đốc.

Về quân lương, thành lập nông trường ở Chapa và dọc theo hai bên bờ sông Hồng để sản xuất các thứ ngũ cốc, do Chủ tịch Tỉnh Chính phủ Lê Tùng Anh phụ trách. Để bồi đắp nền kinh tế, phân khu đã thực hành khai thác mỏ vàng ở Chapa do Kỹ sư Thuần và Kỹ sư Đức làm giám đốc; phụ trách trực tiếp do Châu Đảng bộ Chủ nhiệm Đỗ Văn. (45)

Về quân y, một lớp cứu thương đã được mở và đã huấn luyện 30 nữ đoàn viên trong vòng 3 tháng. Sau khi tốt nghiệp, thành lập Ban Cứu Thương gởi đi các mặt trận để cứu chữa các binh sĩ. Một dưỡng đường cũng được mở do nữ cán bộ Lê Đức Sinh phụ trách và một bệnh viện do Tỉnh Chính phủ duy trì, chuyên cứu chữa và điều dưỡng các binh sĩ từ các mặt trận đưa về.

Về xã hội, thành lập các đoàn thể Thanh Niên đoàn, Phụ Nữ đoàn, Ban truyền bá Quốc ngữ, Ban Cứu Tế, v.v… 

3 

RÚT VÀO CHIẾN KHU SẬP NHÌ LẦU 

Mọi việc đương tiến hành theo chương trình đã được hoạch định, thì bị CS trực tiếp dùng võ lực tổng tấn công và bao vây chặt chẽ các chiến khu của VNQDĐ. Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên, tiếp đến Yên Bái thất thủ; chỉ còn Lao Kai trở thành chiến khu duy nhất.

 Để giữ vững Chiến Khu Lao Kai, Quân Vụ Bộ quyết định tăng cường việc kiến quân. Trường Quân, Chính Việt Trì chuyển lên, được sát nhập với trường Lục Quân Chapa và được thuyên về Lao Kai tiếp tục huấn luyện.

 Quân đội các phân khu nay tập trung cả ở Lao Kai. Để được thống nhất chỉ huy, nên thủ tiêu danh từ Phân Khu Tư Lệnh và cả danh từ chánh, phó Đốc quân Bắc Việt. Thành lập Quân Vụ Bộ để trực tiếp chỉ huy cả quân, chính và Đảng vụ. Vũ Hồng Khanh được cử làm Bộ Trưởng Quân Vụ Bộ, Vũ Văn Minh làm Tham Mưu Trưởng. Tiếp đến là mở ban huấn luyện về chính trị và quân sự, biến chế quân thành hai sư đoàn: Sư đoàn trưởng thứ nhất là Triệu Việt Hưng, Sư đoàn trưởng thứ hai là Triệu Quốc Lộc dưới sự chỉ huy của Quân Vụ Bộ.

 Không bao lâu Phố Mới trở nên tiền tuyến của Lao Kai, cách tỉnh lỵ có hai cây số. CS chuyển hết lực lượng quân sự các nơi đến dần dần thắt chặt vòng vây lại, thành ra bốn phía thụ địch. Tình trạng Lao Kai trong giờ phút này thực không khác gì tình trạng ở Yên Bái hồi trước. Tuy quân có nhiều hơn Yên Bái, nhưng lại gặp phải quân đội của CS đông gấp 10 lần, thành ra Lao Kai ở trong hoàn cảnh thụ động không hơn không kém! Và nguy nhất là vấn đề lương thực cạn dần, đạn dược ngày một hao hụt. Giữa khi ấy, CQ ba mặt bao vây, tấn công ngày đêm không ngừng, khiến VNQDĐ toàn bộ mệt mỏi. Quân Vụ Bộ quyết định thay đổi chiến lược, rút lui ra khỏi thành phố Lao Kai vào chiến khu Sập Nhì Lầu, nơi tiếp giáp biên giới Việt-Hoa.

Trước khi rút lui khỏi thành Lao Kai, Quân Vụ Bộ ra lệnh cho di chuyển hết những người ốm yếu, bị thương sang Hà Khẩu (Trung Hoa), và vận chuyển hết vật liệu, máy móc cùng thuốc men cũng sang Hà Khẩu, để chữa cho các đồng chí và làm kinh tài sau này cho những người thất lạc và ốm yếu, không thể dự chiến được, do Phạm Sinh và Vũ Việt Hùng phụ trách. Lý Xuân Lâm được cử giữ nhiệm vụ liên lạc giữa quốc nội và quốc ngoại. Trong số người rút lui sang Hà Khẩu có lão tướng Vũ Văn Minh (46) và Nguyễn Xuân Kế.

 Lệnh ban hành rút khỏi thành Lao Kai được ấn định vào hồi 8 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1946. 

MỘT TẤM THẢM KỊCH ĐẪM MÁU TRƯỚC GIỜ RÚT LUI  

Nguyên bữa đó vào lối 12 giờ trưa, sau khi trường Lục Quân được lệnh sắp sửa một cuộc hành quân. Khi đã sửa soạn hành trang và ăn tiệc linh đình, thì giáo sư Thần (tên Việt Nam của một giáo sư Nhật Bản) tập họp tất cả học viên trường Lục Quân tại giảng đường rồi tuyên bố.

 – “Trong khu vực chúng ta mỗi ngày một thu hẹp, nhưng chúng ta dám tuyên bố công khai rằng chúng ta chưa thua một trận nào! Cấp lãnh đạo ở đây rút lui sang Tầu, nhưng chúng ta nhất quyết không chịu trốn! Khi chúng ta còn giòng máu Việt chạy trong người!” 

– “Chúng ta có súng, đạn, chúng ta sẽ có đất và sẽ có giang sơn riêng của chúng ta.”

 Nói đến đấy, tất cả sinh viên đều nhảy múa hoan nghênh Giáo sư Thần, và đòi đi vào rừng lập chiến khu chống Thực Dân và Cộng Sản đến kỳ cùng.

Trường Lục Quân do Trương Tử Anh, lãnh tụ ĐVQDĐ sáng lập, học viên đa số là thanh niên đảng viên ĐVQDĐ. Thêm vào một số thanh niên đảng viên VNQDĐ dự lớp. Mặc dầu đứng trong hàng ngũ chung “Quốc Dân Đảng”, nhưng trong thực tế, thiếu hẳn sự đoàn kết chặt chẽ, không chịu bỏ bớt Đảng tính, họ vẫn ngấm ngầm chống đối nhau.

Trong buổi tập họp các giáo sư với sinh viên này, có mấy học viên trong số chống đối ấy, chạy về báo cáo với Tổng Thư Ký Vũ Hồng Khanh, là các giáo sư trường Lục Quân đã bí mật may cờ, mũ, v.v… chuẩn bị tới canh khuya sẽ tế cờ. Lễ xong sẽ ăn cháo, rồi kéo nhau ra theo Việt Minh Cộng Sản.

Nghe báo cáo, nhưng không kịp mở điều tra phối kiểm, Tổng Thư Ký Vũ Hồng Khanh liền ra lệnh bố trí , đợi đoàn sinh viên lên đường, thì bao vây chặt lại bắt hết các giáo sư đưa ra cầu Cốc Lếu thủ tiêu.

Hành động này đã gây căm phẫn đến cực độ cho lớp sinh viên trường Lục Quân, hố chia rẽ lại càng chia rẽ thêm giữa VNQDĐ với ĐVQDĐ. (47)

=========================================

Ghi chú: 

(45) Đỗ Văn nguyên quán ở Vĩnh Yên, không phải Đỗ Văn ở Thanh Hóa. 

(46) Vũ Văn Minh tức Mẫn nguyên quán tại làng Phương Ngãi, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Xuất thân trong quân đội Pháp làm đến Trung úy. Gia nhập VNQDĐ từ năm 1945. Vì kém sức khoẻ, ông đã xin phép nghỉ sang Hà Khẩu. Ở Hà Khẩu ít lâu, rồi một ngày vào tháng 6 năm 1947, Vũ Văn Minh cùng người hầu cận là Chí Béo và vợ chồng anh Vượng đưa nhau từ Hà Khẩu đi theo dọc đường sắt lên Đầm Xoáy để tìm kế sinh nhai. Lộ phí dọc đường trông vào nghề hớt tóc của Vượng. Cách bốn ngày sau mọi người đều quay trở về Hà Khẩu, duy thiếu Vũ Văn Minh, mà bộ quần áo Pi-ja-ma duy nhất của Vũ Văn Minh, thì lại thấy Vượng mặc về. Bọn người trở về cho biết ông Minh đã vào ngôi miếu bỏ hoang gần đường tự tử. Một nghi án đặt ra cho mọi người! Nên tác giả xin ghi tại đây. 

(47) Theo tài liệu của ông Trương Khánh Tạo và một số cựu sinh viên trường Lục Quân hiện diện tại Sài Gòn.

[Bấm Vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt