Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (38)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 14)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: PHÚ THỌ, VIỆT TRÌ THẤT THỦ TOÀN THỂ RÚT LÊN CHIẾN KHU YÊN BÁI  (phần 14)                                 

Rời Việt Trì, QDQ rút lên Gia Đồn thuộc tổng Minh Nông gặp CQ, hai bên nổ súng. Sau 3 phút, CQ tự liệu thế yếu phải rút lui.

Từ Gia Đồn tiến lên ga Phủ Đức, lên ngã ba Hùng Vương. Đến đây gặp Lê Văn Yên, một cán bộ Đảng tại Chiến Khu Phú Thọ. Sau khi Phú Thọ thất thủ, anh Yên và một số đồng chí cùng những người ủng hộ Đảng, tất cả đến gần 300 người bị CS bắt dẫn đến khu rừng cách ga Tiên Kiên 6 cây số chôn sống hết. Yên thoát chết, vì CS đã quá mệt mỏi, lấp đất không kỹ, Lê Văn Yên nhập đoàn cùng tiến lên đến phía dưới Phú Lộc, đến đây đội tiên phong bắt gặp chiếc xe hơi hiệu Citroen từ phía Phú Thọ đi xuống, trong xe có một tài xế và 3 người ngồi là Đặng Văn Châu, Phạm Quang Cẩn và Tri Châu Sáng. Lập tức xe bị chặn lại. Ba người này tự giới thiệu là nhân viên trong ban hòa giải của Chính Phủ được phái đến Việt Trì để điều đình, vì những cuộc xung đột của hai bên mới rồi là do địa phương tự động, chứ không phải là do lệnh của bộ Quốc phòng. Đội tiên phong định đốt xe và giết chết ngay ba tên cán bộ CS ấy, nhưng Vũ Hồng Khanh từ hậu đội được báo tin, bèn ra lệnh ngăn lại không cho giết vội, đồng thời cử Nguyễn Tường Long tiến lên gặp 3 cán bộ Cộng Sản ấy, Họ phân trần: “Chúng tôi mời toàn thể anh em về tỉnh lỵ Phú Thọ để chúng tôi khoản đãi một bữa cơm, rồi anh em Việt Trì sẽ trở lại Việt Trì, chúng tôi xin trao trả để anh em trở về Phú Thọ; tình hình sẽ trở lại như cũ, để cùng nhau chung sức chống xâm lăng…”

Xét thấy những lời nói của ba tên cán bộ CS chỉ là những mưu mô xảo quyệt, Vũ Hồng Khanh ra lệnh tiến quân lên thẳng Yên Bái, bắt ba cán bộ đi trước hướng dẫn. Tiến đến một làng kế cận nghỉ ngơi ăn cơm, rồi tiếp tục đến trạm Thái Bình tạm nghỉ một đêm tại một làng rất đông dân cư và trù mật. 5 giờ sáng hôm sau lại bắt đầu lên đường, mãi tới hồi 23 giờ mới tới làng Yên Kỳ, vào tạm nghỉ tại đình làng ấy. 

TẤN THẢM KỊCH YÊN KỲ 

Sau khi toàn thể vào tạm nghỉ ngơi tại đình làng Yên Kỳ, thì có một số bô lão trong làng ấy tới đình làng đề nghị xin tiếp tế. Có một số đồng chí tin tưởng ở các vị bô lão, còn số khác thì họ tiên đoán là có chuyện bất thường sẽ xảy ra. Số người này họp lại kéo nhau vào làng ngủ đỡ nhà một người dân, và đã nhận xét thấy có đủ bằng chứng rõ rệt là cả dân làng Yên Kỳ này đã hoàn toàn Việt Cộng hóa. Bởi vậy khi sáng ngủ dậy, họ định đốt nhà thiêu hủy luôn cả làng Yên Kỳ, rồi sẽ kéo nhau lên đường.

Bí thư trưởng họ Vũ hay tin, liền phái đồng chí Nguyễn Tường Bách đến ngăn cản, bảo dân làng này là những người tử tế sắp gánh cơm ra thết đãi anh em chúng ta. Theo lệnh, anh em bình tĩnh ra tới đình làng, thì đồng chí Bí thư trưởng ra lệnh cho anh em xếp hàng để lãnh cơm. Lệnh ban vừa dứt thì tiếng súng của địch bắt đầu nổ.

Các đồng chí lại vội vàng lên lưng ngựa để tiếp tế súng đạn cho QDQ. Kết cuộc địch phải rút lui. Trong số anh em vừa bị thương vừa bị chết mất 18 người. Và thừa cơ hội trong lúc lộn xộn, 3 tên cán bộ CS Châu, Cẩn, Sáng đều trốn thoát.

Sau khi đánh dẹp địch quân ở Yên Kỳ, hầu hết các đồng chí QDQ đều trở thành trắng tay, vì không còn đủ thì giờ thu xếp hành lý trước khi lên đường. Trong khi ấy, duy ông bà Bí thư trưởng còn một gánh nặng do người đầu bếp Tỉnh Đảng bộ Phú Thọ vẫn lẽo đẽo gánh theo. Nhưng sau vì lòng không dạ đói mà dặm đường còn xa, để bớt cho gánh nặng đè trĩu trên hai vai phần nào, một két sắt nhỏ do Vũ phu nhân nhấc ra giao cho Lý Xuân Lâm, một đồng chí hiền lành đáng tin cậy xách đỡ. Đi được một quãng đường, cũng vì quá đói và mệt, Lý Xuân Lâm đã trao cái két sắt nhỏ ấy cho một thanh niên đồng chí mang đỡ. Rốt cuộc, đi được một đoạn đường, cũng vì đói và kiệt sức mà thanh niên đồng chí ấy đã liệng cái két sắt ấy xuống khe suối.

Những đồng chí của Bí thư trưởng Vũ Hồng Khanh đã chứng kiến vụ này, đều nhận định rằng đó là két sắt đựng số vàng đã giết và chiếm đoạt của một cán bộ ĐVQDĐ là Hường, còn Hy Tống tức Phạm Nguyên Cảnh, tức Phạm Khải Hoàn do nhiều đồng chí can thiệp đã cứu thoát. Két sắt đựng vàng ấy nguyên là của Nguyễn Hữu Tiệp chôn dấu ở trước sân nhà của y ở Bạch Hạc (Việt Trì). 

MỘT CÂY MÍA, MỘT MẠNG NGƯỜI 

Sau trận Yên Kỳ, QDQ lên đường tiến về ngả Phú Ninh, Hanh Cù. Một ngày yên tĩnh, tối đến ngã ba đường Hanh Cù, Đào Giã phải ngủ hết, trên dọc đường bị mưa gió tầm tã suốt đêm, lại thêm phần đói cào ruột, rét thấu tim, muỗi mòng đốt, ai nấy thân thể đều nổi những cục như hạt ngô to. Sáng sớm lên đường đi qua các làng đều là những cảnh vườn không nhà trống, có tiền cũng không thể mua được thức ăn!

Tuy đường dài bụng rỗng, nhưng anh em đều thấy khát nước còn hơn là thấy đói! Anh Đội Sửu là trưởng Ty mật vụ tỉnh Phú Thọ, tinh mắt nhìn thấy ở phía xa độ 500 thước có một ngôi nhà lá, có một khóm mía trong vườn. Đội Sửu phàn nàn với anh em là không còn tiền để mua một vài cây mía! Đồng chí Thanh Vân liền hỏi quanh anh em, thì đồng chí Phương (con ông Hai An nguyên trưởng Ty cảnh sát Hà Nội) moi trong túi ra được tờ giấy bạc 20 đồng trao cho anh Đội Sửu. Anh liền vội vã chạy đi mua hẳn hoi, với giá 20 đồng, một cây mía thời ấy đâu phải là giá rẻ! Đem về tiện ra được 6 đẫn, định đưa đồng chí Thanh Vân một đẫn, nhưng lại đổi ý, ôm cả đi để biếu đồng chí Tổng thư ký họ Vũ trước đã cho phải lẽ. Không những đồng chí Tổng thư ký đã không cảm thông, không hiểu rằng đồng chí Đội Sửu đã đi mua của dân, lại đè mắng ngay Đội Sửu là có hành động thổ phỉ! Vũ Hồng Khanh vừa mắng vừa chĩa súng vào ngực Đội Sửu. Đội Sửu tưởng mình cũng là cấp chỉ huy, yên chí là Tổng thư ký nói đùa chơi đó thôi, hay là muốn bịt miệng thiên hạ chứ có lẽ nào lại xử sự như vậy được! Bởi thế Đội Sửu chỉ cười và còn nói rỡn: 

– “Anh mắng em thì em chịu! Nhưng em có biết sợ súng đâu. Anh đùa em khí quá!” 

Có ngờ đâu! Vũ Hồng Khanh nổ súng vào ngực Đội Sửu thật. Tấn bi kịch diễn ra chớp nhoáng, Đội Sửu còn giữ vẻ mặt tươi cười, nhưng chỉ một phút sau là tắt thở. 

Đội Sửu bảo: “Không biết sợ súng”. Có lẽ khiến họ Vũ nổi nóng quá tức giận. Nhưng sự thực mười mươi là Đội Sửu tay không mà đã đánh gục 3 tên CS có 3 khẩu súng đã nạp đạn sẵn sàng ở Phú Thọ.

Đội Sửu tự tin quá, có lẽ cũng là lầm. Sau khi Đội Sửu đã chết, hai đồng chí Đoàn và Phượng đã định rút súng báo thù ngay. Nếu đồng chí Thanh Vân không can ngăn kịp, thì chắn chắn VNQDĐ không còn gì là thanh danh nữa! (43)

Lại tiếp tục đi suốt ngày, tối đến lại ngủ tại một làng giáp giới Hào Gia. Sáng sau lại tiếp tục lên đường, đi cách Hào Gia độ 6 cây số, tại đây có một suối nước và mấy đồi cao, thình lình một loạt súng từ trên đồi cao bắn xuống. Vũ Văn Minh tức thời chia quân tiến lên đồi, CQ phải bỏ chạy, QDQ bắt được 3 tên, 3 khẩu súng trường và 3 thùng đạn.

Khi tiến  đến trước chùa Bách Lâm, lúc ấy vào hồi 10 giờ sáng, CQ bắn ra rất mạnh, tức thời QDQ dàn trận tấn công lại ngay. 

Trong thành Yên Bái, các chiến sĩ VNQDĐ lại nhầm tưởng CQ tấn công mình, cũng chĩa súng bắn sang như mưa rào. Vũ Hồng Khanh ra lệnh đem Đảng kỳ lên cắm trên đỉnh đồi, trong thành chiếu ống nhòm thấy, liền chĩa súng bắn sang phía Âu Lâu (chiến khu VC) để trợ lực cho các đồng chí. Rồi Nguyễn Vĩnh hướng dẫn anh em ra nghênh đón vào thành Yên Bái. Lúc ấy nhằm hồi 11 giờ ngày 29 tháng 6 năm 1946, giữa lúc quân và dân Yên Bái đương vui mừng yến tiệc chiến thắng CQ. 

2 

ĐOÀN QUÂN TIẾP VIỆN 

Cũng buổi chiều hôm ấy, đoàn xe tiếp viện từ chiến khu Lao Kai cho Việt Trì cũng tới ga Yên Bái, bởi Vũ Hồng Khanh đánh điện lên Lao Kai gọi tiếp viện cho Việt Trì. Được lệnh, Triệu Việt Hưng ra lệnh cho Đại tá Triệu Quốc Lộc điều động quân Yên Bình Xã và Nghĩa Lộ về tiếp viện Việt Trì. Triệu Quốc Lộc điều động quân lực hai nơi ấy về tập trung tại Bảo Hà. CS dò biết, lập tức điều động quân đội ở Tuyên Quang, Bắc Mục, Lục Yên Châu đến tập kích Yên Bình Xã và Nghĩa Lộ, đồng thời phá hoại nhiều đoạn đường xe lửa từ Lang Khay trở xuống. Vì sự tập kích và phá hoại của CQ nên việc điều động quân đội của Triệu Quốc Lộc phải đình chỉ.

Tình thế quá khẩn trương, việc tiếp viện không thể trì hoãn được. Triệu Việt Hưng cấp tốc ra lệnh cho chỉ huy QDQ Chapa là Đại úy Lê Huy, điều động một bộ phận do Trung úy Hoàng Văn Tín chỉ huy cùng Đại úy Côn chỉ huy QDQ Mường Hum, cấp tốc xuất quân ngay đêm 22. Nhưng bị trời mưa tầm tã suốt ngày đêm, nước chảy như thác, nên sự tiến quân rất chậm trễ, mãi đến hồi 11 giờ sáng ngày 23 mới tới Lao Kai.

Một mặt Triệu Việt Hưng ra lệnh kiến thiết nhiều toa xe lửa thành một chiến lũy lưu động, trang bị đầy đủ lương thực, khí giới, quân nhu và đem theo một xe đường rầy cùng vật liệu sửa chữa và nhân viên làm đường, để sửa chữa ngay tức thì những đoạn đường mà CS đã phá hoại. 

Ngày 24 tháng 6, Triệu Việt Hưng chỉ huy đoàn xe chiến lũy lưu động ấy, khởi hành từ ga Lao Kai đi tiếp viện cho chiến khu Việt Trì. Nhưng đường xe lửa bị CS phá hủy quá nhiều, đi được một chặng đường lại phải ngừng để sửa chữa lại đường rầy, mất rất nhiều thì giờ, nên mãi tới chiều 29 mới tới được ga Yên Bái. Và hay tin các đồng chí đã phải bỏ Phú Thọ, Việt Trì rút lui hết lên chiến khu Yên Bái.

Yên Bái nay trở nên tiền tuyến của Đệ Tam Chiến Khu Đảng bộ. Xét thấy các cơ quan hành chính và Đảng bộ ở cả lại đây không có lợi! Hơn nữa, vấn đề lương thực không đủ cung ứng, nên cấp chỉ huy quyết định di chuyển các cơ quan Đảng bộ, một số QDQ và cả trường Lục Quân lên chiến khu Lao Kai. Còn một số quân đội Phú Thọ, Việt Trì để lại Yên Bái đặt thành phòng tuyến thứ nhất của Đệ Tam Chiến Khu. Lệnh bắt đầu thi hành từ ngày 30 tháng 6 năm 1946. 

3 

KHỦNG HOẢNG TRẦM TRỌNG 

Vũ Hồng Khanh cùng một số cán bộ quân đội, học viên đã rút lên cả Lao Kai. Bộ Tư Lệnh Yên Bái được cải tổ lại, thành lập một bộ tham mưu gồm: Đại úy Minh, Trung úy Vinh, Quản Hiệp, Quản Kế, Vương Các Đạo. Còn Bộ Tư Lệnh vẫn là Nguyễn Vĩnh và Nguyễn Duy Dỵ.

Chiến Khu Yên Bái lúc ấy đương ở vào tình trạng bế tắc, hơn một năm trời chiến đấu, nay nhân khẩu lại gia tăng, vấn đề lương thực trở nên thiếu thốn, mà sự vận tải tiếp tế của Lao Kai lại gặp rất nhiều trở ngại, thành ra bất thường. Bộ Tham Mưu quyết định mở mặt trận chiếm đóng Nga Quán, Bái Dương, Phú Thọ (Yên Bái ) để bổ sung lương thực.

Theo tình báo, CS biết lực lượng VNQDĐ  ở Yên Bái rất mong manh, quân số không quá 400 người, nên đến thượng tuần tháng 7, CS lại xua quân các nơi đến bao vây, rồi bắn tứ phía vào Yên Bái suốt một ngày đêm. Trong khi ấy ở đồn Cường Thịnh, QDQ chỉ có 15 người ra chiến đấu, đương khi chiến đấu thì có lệnh rút quân về Nga Quán tập trung để đánh tập hậu CQ đương vây hãm Trung đội QDQ do Nguyễn Duy Dỵ chỉ huy tại Bái Dương. Trận Bái Dương, đại đội CQ bị thua to, bỏ lại 24 xác chết. QDQ còn bắt sống được 8 CQ, trong số đó có một Đại đội trưởng, 1 Trung đội trưởng và 1 cán bộ chính trị. Tịch thu được 4 súng đại bác cùng một số súng trường. Đưa về Yên Bái, Tư lệnh Nguyễn Vĩnh lấy lòng nhân đạo đối với 8 tù binh bằng cách ra lệnh cấm không ai được xâm phạm, cho ăn uống, cấp phát áo quần và đãi tiền làm lộ phí cho họ về.

Cách 2 tiếng đồng hồ sau, CS lại chở 8 thuyền đầy quân đội cấp tốc qua sông định đánh úp Bái Dương để cứu đại đội của mình, nhưng không ngờ đại đội ấy đã bị QDQ đánh tan rã! QDQ thừa thắng đuổi thẳng lên Nga Quán, đón đầu đánh liền, nổ súng từ hồi 12 giờ trưa cho mãi tới chiều tối, CQ phải rút lui. Vì trời đổ tối, QDQ cũng rút lui về đồn Bái Dương. 

YÊN BÁI THẤT THỦ 

Sau trận Bái Dương, Tư lệnh Nguyễn Vĩnh ra lệnh cho quân ở đâu sẽ trở về đóng ở vị trí cũ. Còn CS thì áp dụng kế hoạch bao vây kinh tế, ngăn cản dân chúng không cho đem thực phẩm vào tiếp tế. Đồng thời cho phát thanh kêu gọi đoàn kết suốt 5 ngày đêm. Cuối cùng lại viết thư mời cấp chỉ huy QDQ Yên Bái sang chùa Bách Lẫm hội đàm.

Xét thấy nguồn lợi kinh tế không có, tứ phía lại bị địch bao vây mỗi ngày một chặt chẽ, vấn đề lương thực không kế gì giải quyết! Nguyễn Vĩnh cho triệu tập một hội nghị cán bộ Đảng, mọi người đều đồng ý cử 2 Đại Biểu là Thanh Vân (tức Nguyễn Văn Mùi) và Nguyễn Duy Dỵ sang chùa Bách Lẫm gặp Đại Biểu CS.

Ngày mồng 6 tháng 8, Thanh Vân cùng Nguyễn Duy Dỵ sang chùa Bách Lẫm. Già trẻ, trai, gái đồng bào Yên Bái ai nấy đều có tâm hồn VNQDĐ nên CS có hoành hành gì được ở đất ấy đâu! Đồng bào Yên Bái đã thừa biết VNQDĐ tới bước đường cùng nên họ đã thấu đáo ý nghĩa của cuộc điều đình về “Đoàn kết” sắp sửa diễn ra.

Sáng hôm ấy, trước khi Thanh Vân và Nguyễn Duy Dỵ ra đi, các nhà thờ và các chùa đều đổ chuông, trống liên hồi.

Từ 9 giờ sáng họ đã đứng đầy hai bên lề đường, các vị tu hành cũng xen lẫn với thường dân, ai nấy đều nghiêm chỉnh như đi dự một đám tang. Họ nhìn hai Đại Biểu với cặp mắt bi ai, có nhiều người muốn khóc và một số ít đã khóc thật. Giọt nước mắt của trời đổ xuống lâm râm, hai thanh niên độ 16, 17 tuổi tự nhiên tách đám đông nhập với nhân viên tỉnh Đảng bộ, cầm ô che mưa cho hai Đại Biểu và theo phái đoàn cho mãi tới trạm gác của CS ở đầu tỉnh.

Hai Đại Biểu dùng cơm trưa ở chùa Bách Lẫm. Vào hồi 17, 18 giờ về tới đầu tỉnh, một đám đông, trong số có cả hai thanh niên kia tiếp đón hoan hỉ, và chính cái cảm tình rất nồng hậu ấy đã làm khổ sở đồng bào Yên Bái rất nhiều về sau.

Cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn ở chùa Bách Lẫm đã đưa đến sự hợp tác, thành lập một Ban Liên Kiểm. Mỗi bên được cử 50 binh sĩ ở lại giữ an ninh trật tự trong thị xã Yên Bái, số quân còn lại, QDQ phải rút cả lên Nga Quán, Phú Thọ và Bái Dương. Còn CQ phải ở lại Bách Lẫm và định đến ngày 11, cấp chỉ huy hai bên sẽ gặp nhau ở ga Yên Bái để giới thiệu Ban Liên Kiểm của cả hai bên, đồng thời phổ biến sự đoàn kết cho dân chúng thị xã Yên Bái biết. 

THÀNH MẤT TỰ TỬ THEO THÀNH 

Sau khi tiếp nhận điều kiện hợp tác, riêng Ban Liên Kiểm đã được thành lập ngay ngày hôm sau. Sáng ngày mồng 10, giữa lúc hai Bộ Tư Lệnh khai hội, thì CQ ngầm tiến vào tỉnh. Tuy biết là CS đã bội phản, nhưng Tư lệnh Nguyễn Vĩnh muốn đem hết tấm lòng thành thực, chỉ yêu cầu Bộ Tư Lệnh CQ là Lê Giang ra lệnh cho quân đội rút ra khỏi tỉnh; và có vậy, mới có cuộc thảo luận về chi tiết. Bộ Tư Lệnh CQ không nghe, dùng áp lực bắt buộc Tư lệnh Nguyễn Vĩnh vào họp, Nguyễn Vĩnh thản nhiên không tuyên bố ý kiến nên cuộc họp phải bỏ dở.

Sang ngày hôm sau, cuộc họp được triệu tập tại trụ sở Tỉnh Chính phủ. Về phía VNQDĐ  có mặt Vũ Nguyên Hải, Nguyễn Duy Dỵ, Thanh Vân và Nguyễn Vĩnh. Trong cuộc họp CS lại áp dụng võ lực uy hiếp.

Noi gương Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, thành mất thì phải chết theo thành, Nguyễn Vĩnh đã lén vào phía sau uống thuốc độc tự tử. Trước khi uống thuốc độc, Nguyễn Vĩnh đã ngầm thảo kế hoạch với Nguyễn Duy Dỵ là ủy thác Dỵ đưa số QDQ đã thoát ra ngoài được, lên thẳng Lao Kai giao lại cho Vũ Hồng Khanh.

Khi hay tin Nguyễn Vĩnh đã uống thuốc độc, cán bộ CS lập tức can thiệp, cho đưa ngay sang bệnh viện cứu cấp và ra lệnh canh phòng nghiêm ngặt. Một mặt yêu cầu Vũ Nguyên Hải ra lệnh cho QDQ đóng ở Nga Quán, Bái Dương phải đem khí giới về nộp, Vũ Nguyên Hải trả lời:

– “Chỉ có Tư lệnh Nguyễn Vĩnh và phó Tư lệnh Nguyễn Duy Dỵ là có quyền, theo lời ước hẹn thì một trong hai người đó phải lên thì quân đội mới về, nếu không thì họ tự tiện hành động”. Sau đó Vũ Nguyên Hải, Nguyễn Vĩnh, Thái Văn Phúc, Dương Tế Dân (44) bị giam lỏng ở Dinh Tuần Phủ (Trụ sở Tỉnh Chính phủ), rồi sau bị đem đi biệt tích.

Trong khi ấy Nguyễn Duy Dỵ bị CS bắt giam giữ tại Ủy Ban Liên Kiểm. CS phái cán bộ sang dụ dỗ Dỵ. Theo lời ủy thác của Nguyễn Vĩnh, Dỵ đòi hỏi địa vị tài chính, v.v… để CS tin là Dỵ thực tâm. CS đã chấp thuận điều kiện cấp giấy tờ cho Nguyễn Duy Dỵ lên Bái Dương.

Lên tới Bái Dương, Dỵ không gặp quân đội, phải lên Phú Thọ mới gặp Bộ Chỉ Huy, báo cho họ biết CS đã phản bội. Sau khi nghe rõ, Bộ Chỉ Huy cùng toàn thể QDQ tỏ ý định đánh thẳng về Yên Bái.

Song xét thấy lúc này CS đang nghi kỵ, lý đương nhiên phải có chuẩn bị đề phòng, nên nếu trở về tất thế nào cũng bị địch phục kích. Sau một hồi thảo luận, mọi người đều quyết định rút lên Lao Kai. 

Quả nhiên khi rút lên tới Ngòi Hóp thì CQ truy kích tới nơi nhưng bị QDQ đẩy lui. Bộ chỉ huy QDQ để lại một toán quân giữ Ngòi Hóp, còn toàn đội từ từ rút lên đóng ở Bảo Hà và phái liên lạc lên Lao Kai xin chỉ thị. Được lệnh, cấp chỉ huy lên Lao Kai hội kiến, còn quân đội lưu lại ở Bảo Hà đặt dưới quyền chỉ huy của Vương Các Đạo và Triệu Quốc Lộc để chống với CQ.  

QDQ đóng ở Bảo Hà được hơn một tuần thì đoàn quân Yên Bình đóng tại làng Bồn bị đột kích phải bỏ vị trí rút lui. Vương Các Đạo báo cáo về Lao Kai. Hai ngày sau có lệnh phải chiếm lại làng Bồn và đồng thời được Bộ Tư Lệnh Lao Kai phái học viên trường Lục Quân xuống trợ chiến. 

Sau khi hội kiến cùng Hiệu trưởng trường Lục Quân, Vương Các Đạo dẫn một toán quân thẳng đường xe lửa tiến lên cùng với chủ lực trường Lục Quân do Dân (sĩ quan Nhật Bản) chỉ huy. Nguyễn Duy Dỵ dẫn một toán cùng một phân đội học viên dựa theo men sông tiến lên và hội quân tại cầu làng Bồn.

 Hai toán quân gặp nhau tại làng Bồn, dựa ven đường xe lửa. Chỉ huy đội súng máy là Vương Khải Liên, nhưng chẳng may chính Vương Khải Liên bị một phát đạn vào óc chết tại trận. 

Thấy tình hình như vậy, hơn nữa lại thấy vị trí địch lợi thế nên bắn rất trúng điểm. Cuối cùng, anh em trường Lục Quân phải rút lui và đưa thi hài Vương Khải Liên lên Lao Kai an táng.

 Còn lại thành Yên Bái, đa số cán bộ đều bị phân tán. CS lấy cớ là khi trước hoạt động ở nơi khác, cần đưa về cho dân chúng xử. Nhưng thực sự là để tránh phản ứng quá mạnh của dân chúng thành Yên Bái.

 Khi đem xử ở cái mà CS gọi là tòa án quân sự chỉ còn một số cán bộ trung và hạ cấp với một số thân hào Yên Bái như các ông lang Lùn, nhà giáo Phạm Văn Đức, ông Tham Tường, v.v… mà thôi.

===============================

(43) Ghi lại theo lời nhân chứng là đồng chí giáo sư Nguyễn Văn Mùi tức Thanh Vân

(44) Dương Tế Dân nguyên quán tại tỉnh Mỹ Tho (Nam Việt). Trước ngày gia nhập VNQDĐ, chính tên là Chu Thành Liền, thường ở đất Đông Hưng, Quảng Đông (Trung Hoa), nên anh nói tiếng Tầu rất sõi, nguyên là cán bộ Đệ Nhất chiến khu. Dương Tế Dân tức Chu Thành Liền rút lên chiến khu Yên Bái, chuyên trách giảng dạy về cách mạng, chính trị và còn phụ trách chức giám đốc trường chính trị Đệ Tam chiến khu. Thành Liền là một đồng chí ăn nói có tài hấp dẫn quần chúng, tính tình lại ngay thẳng nên được mọi đồng chí kính mến và thân yêu.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt