Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (34)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 10)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 10)

ĐỆ TAM CHIẾN KHU: CHIẾN KHU VĨNH YÊN

1 

Vì thái độ thiếu quyết đoán của “Trung ương Quốc Dân Đảng” Hà Nội, nên ngay sau khi được lệnh bất bạo động, đảng viên VNQDĐ từ các nơi về tập trung tại Hà Nội đợi khởi nghĩa đoạt chính quyền, cơ hồ lạc lõng hoang mang, không biết phải làm gì! Về hay ở lại?

Lê Khang thấy cơ hội ngàn năm một thuở đã lỡ mất rồi! Lập tức cùng một số đồng chí bỏ lên Vĩnh Yên tìm Đỗ Đình Đạo, khi ấy làm Tỉnh bộ Thanh niên Vĩnh Yên. Sau cuộc thảo luận, hai người đồng ý quyết định huy động toàn thể lực lượng chiếm cứ Vĩnh Phúc Yên làm căn cứ tranh đấu, ngõ hầu tiến tới một cuộc đảo chính Việt Cộng toàn diện trong tương lai.

Tình hình Vĩnh Yên khi ấy, một nửa thị trấn đã bị Cộng Sản nắm giữ, riêng có trại Bảo An Binh chưa chịu nạp ký, còn đợi lệnh triều đình Huế, rồi mới quyết định. 

Thấy tình hình như vậy, cán bộ Cộng Sản tổ chức một cuộc biểu tình dân chúng toàn tỉnh, với mục đích là lợi dụng uy thế nhân dân bắt buộc Bảo An Binh phải đầu hàng.

 Biết rõ như vậy, Lê Khang hội họp tất cả cán bộ tại Tam Lộng, thảo hoạch kế sách chiếm Vĩnh Yên. Nhân Đỗ Đình Đạo làm Tỉnh bộ Thanh niên, nên ngầm cho cán bộ xâm nhập vào lãnh đạo các xã đoàn Thanh niên và hướng dẫn cuộc biểu tình dưới hình thức của Mặt Trận Việt Minh.

 Sáu giờ sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945, trên khắp các ngả đường, nam nữ thanh niên, thiếu nhi, nhi đồng, phụ lão, hàng ngũ chỉnh tề. Mỗi đoàn thể một trai tráng cầm cờ đỏ sao vàng đi đầu, hai bên là hai tráng sinh bồng súng đi kèm tiến vào thị xã Vĩnh Yên.

 Hết đoàn nọ đến đoàn kia. Đến hồi 8 giờ dân chúng các nơi đã tập trung tất cả trước trại Bảo An Binh. Giữa lúc đó, thình lình một tiếng súng nổ, rồi ngay từ trong đám biểu tình có những tiếng hô to:

-Đả đảo Việt Minh Cộng Sản

-Hoan hô Việt Nam Quốc Dân Đảng

-Yêu cầu nhân dân hạ cờ đỏ sao vàng xuống.

 Dứt tiếng hô, bốn phía súng nổ, nhân dân nhốn nháo, không ai bảo ai đều ném hết cờ đỏ sao vàng xuống đất; lập tức có một số thanh niên ôm từng bó cờ VNQDĐ phân phát cho từng người.

 Đã làm chủ được cuộc biểu tình, lúc đó một mặt ngầm phái một số thanh niên do Lê Thanh cầm đầu sang trụ sở Ủy ban Hành chính Cộng Sản hạ cờ đỏ sao vàng, và một số cán bộ đến trước cổng trại xin vào gặp Quản Cung, chỉ huy Bảo An Binh. Lê Thanh đứng trước đám biểu tình trình bày thành tích và lập trường tranh đấu của VNQDĐ ngày nay; đồng thời kêu gọi lòng yêu nước và sự hiểu biết của nhân dân, yêu cầu ủng hộ Đảng. Còn Lê Khang với lời lẽ hùng hồn khúc triết, đã chiếm được cảm tình của nhân dân và quân đội trong trại. Nên sau đó 2 giờ đồng hồ, cửa trại Bảo An Binh đã mở rộng mời đoàn cán bộ VNQDĐ vào tiếp nhận. Toàn tỉnh Vĩnh Yên đều hạ cờ đỏ sao vàng, treo toàn cờ VNQDĐ.

Tỉnh Vĩnh yên thời Pháp thuộc

 Đã chiếm cứ được Vĩnh Yên, nhưng biết không sớm thì muộn Cộng Sản cũng cố tình tìm cách lấy lại, nên đầu tiên Lê Khang bàn định với Quản Cung thiết lập ngay các vị trí phòng thủ, lập thành các đội an ninh trật tự trong tỉnh… Vì mới chiếm được chính quyền, lòng người chưa ổn định, việc phòng thủ phần lớn nhờ Bảo An Binh. Cán bộ không đủ phân công, nhưng nhờ lúc đó nước sông Việt Trì đang lớn, đê vỡ nước ngập, đường sá bị nghẽn, sự giao thông khó khăn nên Cộng Sản dầu có muốn cướp lại Vĩnh Yên cũng gặp nhiều trở ngại không thực hiện được. Nhờ vậy Vĩnh Yên có đủ thì giờ củng cố lại hàng ngũ, tổ chức lại quân đội và triệu tập các cán bộ ở địa phương lại để lãnh nhiệm các cơ quan an ninh.

Quân sự có Quản Mai, Linh Quang Viên, Chuẩn úy Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Duy Dỵ, Lê Thanh là những người ở các địa phương tới. Sau lại có Trung úy Minh, Thiếu úy Vinh, Trung sĩ Lê Huy, Vương Các Đạo. Chính trị có Lê Khang, Đỗ Đình Đạo, Nhượng Tống, Nguyễn Vĩnh, Trần Quang, Lê Tuấn, Trần Ứng, v.v…

Sau khi ổn định tình hình, Lê Khang gửi đề nghị về Trung ương Đảng bộ xin cử Đỗ Đình Đạo làm Tư lệnh Đệ Tam Chiến Khu, Lê Khang làm chủ tịch chính trị bộ. Đề nghị được Trung ương chấp thuận. 

2 

Mưu toan chiếm lại Vĩnh Yên. Bắt đầu Cộng Sản gửi thư vào yêu cầu VNQDĐ cho phép thành lập trụ sở Đảng và cho tổ chức một cuộc biểu tình tại tỉnh.

Chính trị bộ và quân vụ bộ bàn định và thỏa thuận với điều kiện:

1) Cho Cộng Sản lập trụ sở, nhưng cấm có võ trang quân sự canh gác.

2) Cho Cộng Sản tổ chức biểu tình, nhưng phải dưới sự kiểm soát của VNQDĐ và nhất là phải trật tự. 

3) Không được cho quân đội võ trang theo cuộc biểu tình.

Cộng Sản thỏa thuận và ngay ngày hôm sau phái cán bộ vào nhận trụ sở treo cờ. Đến sáng sớm ngày thứ 3, Cộng Sản sách động dân chúng các nơi, tổ chức cuộc biểu tình kéo vào tỉnh lỵ Vĩnh Yên.

Tuy thỏa thuận điều kiện, nhưng sự thật là Cộng Sản muốn lợi dụng cuộc biểu tình để đánh úp tỉnh Vĩnh Yên.  Bởi vậy khi đoàn biểu tình tiến tới Đồi Láp (đầu tỉnh) thì đã gặp nhân viên kiểm soát của VNQDĐ, Cộng Sản liền ra lệnh bắn. Đã có sự đề phòng trước nên khi Cộng Sản nổ súng bắn đoàn kiểm soát, các cán bộ VNQDĐ đã kịp thời đối phó cứu thoát đoàn này, không một ai bị thương và chết cả.

 Nghe thấy tiếng súng nổ từ trên đồn Đồi Láp (36) xuống, biết ngay là Cộng Sản đã dùng dân chúng làm mộc che đỡ, Bộ Tư Lệnh lập tức phái ngay một toán Quốc Dân Quân men theo đường quan lộ, chặn ngang phía sau đoàn biểu tình, bắn lên vị trí của Cộng Sản. Đồng thời lại cho một toán lội vòng ra phía sau tiến đánh lên vị trí.

Trận này cả một trung đội của Cộng Sản bị hai mặt tấn công chết mất một phần, còn hai phần trốn chạy lẻ tẻ vào các làng mạc.

Lại còn một toán biểu tình nữa từ Tam Dương theo đường xe lửa đi xuống, nghe tiếng súng nổ, mọi người đều tháo lui, Quốc Dân Quân xung phong lên bắt được 3 cán bộ Cộng Sản võ trang trà trộn trong dân chúng.

 Đoàn dân biểu tình hôm đó nhờ được sự khôn khéo của các cán bộ VNQDĐ khiến không một ai bị thiệt mạng, nên họ đã tỏ lòng căm phẫn Cộng Sản. Các trai tráng hăng hái tình nguyện xin theo gia nhập hàng ngũ Quốc dân quân, các phụ lão một phần lớn xin được ở lại trong tỉnh để làm ăn. 

3 

Sau khi cuộc “biểu tình lợi dụng” của Cộng Sản bị dẹp tan, Chính trị bộ và Quân vụ bộ quyết định đem quân xuống đánh chiếm tỉnh Phúc Yên. Quân đội đồn trú tại Tam Lộng được lệnh chuẩn bị súng ống, thuyền bè. Đến phút cuối cùng, Đỗ Đình Đạo mới cho biết là xuống đánh Phúc Yên, ở đó đã sẵn sàng có nội ứng.

 Kế hoạch đánh Phúc Yên được hoạch định: Lê Thanh, Quản Ty sẽ dẫn một trung đội đầu tiên chiếm lấy nhà ga, rồi từ nhà ga tiến vào chia làm hai cánh quân: một đi theo đường vào Dinh Công Sứ cũ tiến xuống trại Bảo An Binh, một đi theo đường phố tới. Còn đội Mai (Nguyễn Vĩnh) sẽ dẫn một trung đội tiến theo ngả Tiên Châu vào và cũng chia ra hai cánh quân: một cánh dọc theo phố, một cánh theo đường vào Dinh Công Sứ cũ, rồi tiến xuống trại Bảo An Binh.

 Lệnh cấm không được bắn vào trại binh, mục tiêu chỉ giúp thanh thế cho các đồng chí Phúc Yên chiếm tỉnh vì trong Bảo An Binh đã có Quản Điện, Quản Xuân làm nội ứng, ngoài phố có phán Thành, phán Mai và Nguyễn Duy Toản hoạt động. Một bán tiểu đội giao cho Nguyễn Duy Dỵ và Lê Quang làm liên lạc giữa hai toán khi tới Phúc Yên.

 Hồi 10 giờ đêm, quân đội bắt đầu xuất phát, mỗi trung đội dùng 5 chiếc thuyền buộc nối đuôi nhau tiến theo hướng chỉ định. Còn Ban liên lạc dùng hai thuyền nhỏ cũng buộc nối nhau đi sau hai toán quân cách 15 phút.

 Hồi đó nước vẫn còn mênh mông bát ngát, dựa theo đường xe lửa thì sợ bị lộ, thuyền phải bơi vào trong cỏ, thuyền liên lạc chẳng may gặp mấy tay chèo non nên bị lạc hướng, bơi quá xa Phúc Yên. Vì vậy, xuống đến Phúc Yên đã quá 5 giờ sáng. Khi ghé thuyền vào bến thì được một đồng chí địa phương đón báo cho biết là cả hai toán quân đều bị thất bại. Quản Điện, Quản Xuân đều bị ám sát ngay trong trại. Quân Tam Lộng một toán đã theo đường xe lửa rút lên Vĩnh Yên rồi, còn toán phía Tiên Châu bị chặn đánh không đổ bộ được đã rút lui. Thuyền liên lạc phải quay mũi trở về Tam Lộng, thuyền vừa ra khỏi bến chừng 80 thước thì bị Cộng Sản biết bắn theo nhưng không có sự thiệt hại gì.

 Theo báo cáo tường thuật trận đánh Phúc Yên, thì đoàn tuyên truyền đưa toán quân của Lê Thanh, phần nhờ nhẹ tay và tay chèo giỏi nên đến Phúc Yên khá sớm. Bỏ thuyền lên bộ lúc đó mới độ 2 giờ sáng, trời còn tối mịt, quân đội phải dùng dây làm hiệu ngầm tiến vào ga chặn bắt được một tên lính của Cộng Sản. Sau khi tra hỏi biết được rằng Cộng Sản đã biết tin dân quân Vĩnh Yên xuống đánh nên từ ga vào phố đều có bộ đội mai phục. Tuy biết vậy, nhưng Lê Thanh vẫn cương quyết cho quân tiến vào theo kế hoạch của bộ chỉ huy Vĩnh Yên.

 Bắt tên lính Cộng Sản làm kẻ đưa đường ngầm tiến vào tỉnh, nhưng mới tiến bước vào đầu tỉnh thì tên lính dẫn đường vùng bỏ chạy và la lớn, tức thì các nhà hai bên phố đạn bắn ra như mưa. Gặp thế bí, Lê Thanh vẫn không nao núng hô quân tiến. Cộng Sản thấy quân Tam Lộng quá hăng, bèn rút lui vào trong tỉnh.

 Thấy Cộng quân tháo lui, Lê Thanh chia quân làm 2 toán theo đúng kế hoạch tiến vào. Khi vào gần đến trại Bảo An Binh, thì thấy trong trại súng bắn ra không ngớt, tiếp theo một liên lạc chạy ra báo cho biết Quản Điện và Quản Xuân đã bị ám sát rồi.

 Thấy đại cuộc đã hỏng, Lê Thanh hô quân rút lui, nhưng vì đã tiến vào quá sâu, nên toán quân tiến theo ngả đường vào Dinh Công Sứ cũ bị chặn quá gắt, chỉ thoát ra được có 10 người, còn thì bị chết hoặc bị thương nằm tại trận không ra thoát.

 Theo một quân nhân trong quân đội ở Phúc Yên cho biết, thì nếu toán quân Tam Lộng không vội rút lui, thì trại Bảo An Binh đã giải quyết xong. Tại vội rút lui, nên Quản Điện và Quản Xuân mới bị giết, vì trong lúc đó trong trại còn nghe ngóng binh tình ở ngoài rồi mới quyết định.

 Tóm lại trận đánh Phúc Yên chẳng những không thu lượm được một kết quả nào! Trái lại vì đó mà bao nhiêu cơ sở địa phương bị tan vỡ, một số lớn đồng chí bị bắt giết, hoặc đưa đi an trí ở một nơi xa. 

4

Sau khi cuộc đánh chiếm Phúc Yên không thành, lòng dân hoang mang, Cộng Sản lợi dụng hoàn cảnh đó huy động quân đội Thái Nguyên, Phúc Yên, Phú Thọ bao vây đánh Vĩnh Yên.

Một hôm vào hồi 5 giờ sáng, bỗng nghe tiếng súng nổ vang trời ở phía đồn Đồi Láp. Giây lát sau, liên lạc về báo Đồn Láp đã thất thủ, quân đội đã rút về vị trí đầu tỉnh. Bộ chỉ huy vội phái thêm một trung đội do Nguyễn Vĩnh chỉ huy ra tiếp viện. 

 Đôi bên cầm cự nhau đến tận 10 giờ sáng, Cộng Quân vẫn không tiến thêm được tấc đất nào. Trong khi ấy mặt trận Tam Dương cũng bị Cộng Sản kéo quân tới công kích. Dựa theo đường xe lửa, đôi bên cầm cự, nhưng Quốc Dân Đảng (QDĐ) nhờ sẵn căn cứ nên Cộng quân bị tổn thất nặng nề; cuối cùng phải bỏ trận tuyến rút lui khỏi Tam Dương. Thấy mặt trận Tam Dương thắng lợi, bộ chỉ huy QDĐ quyết định phản công Đồn Láp.

 Vào hồi 1 giờ sáng ngày hôm sau, nương theo bóng đêm, Quốc Dân Quân Vĩnh Yên ngầm cho một trung đội len qua trận tuyến Cộng quân đánh thẳng vào bộ chỉ huy địch. Bị công kích bất ngờ! Cộng quân hoàn toàn tan rã, bỏ lại nhiều võ khí theo đường Tam Đảo rút lui.

 Lần thứ hai Cộng Sản lại thất bại, nhưng không vì thế mà họ chịu. Ngay ngày hôm sau, quân Thái Nguyên sang tiếp viện trận đánh Vĩnh Yên, nay chuyển hướng đánh sang Tam Lộng.

 Tam Lộng là một ấp nhỏ nằm giữa một thung lũng, ba mặt là gò cao, còn một mặt là sông, cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên chừng 4 cây số, có một trung đội đồn trú dưới quyền chỉ huy của Lê Thanh.

 Coi thường Tam Lộng ít quân, Cộng quân bốn mặt kéo đến bao vây, dùng liên thanh và bích kích pháo bắn vào ấp. Một mặt dùng từng tiểu đội đột kích liên tục, xung phong vào phá lũy.

 Lũy tre thì dày đặc và đã được chuẩn bị từ trước, quân trong ấp bình tĩnh chờ đợi những toán quân đột kích của Cộng Sản (CS) tiến đến gần mới bắn. Vì vậy, mỗi khi trong ấp bắn ra là phải có hàng loạt Cộng quân ngã gục. Đánh mãi không được, Lê Nguyên, đại đội trưởng quyết tử đội của CS, đích thân cầm quân xung phong vào, khi đến gần lũy tre, liền bị một phát đạn bắn chim do một dân ấp bắn chết. Cộng quân tự nhiên tháo lui, bỏ lại chiến trường nhiều xác chết và võ khí.

 Từ sau ngày hôm đó, tất cả các vị trí của Quốc Dân Quân Vĩnh Yên im lặng, tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng súng nổ! Việc đầu tiên Chính trị bộ và Quân sự bộ lo ngay đến là vấn đề đào luyện cán bộ, cho mở một trường Quân chính cán huấn ban. Trong đó, hiệu trưởng là Trung úy Minh, huấn luyện quân sự là Thiếu úy Linh Quang Viên, Lê Thái Ninh và huấn luyện chính trị là Lê Khang. Học viên là các cán bộ do Trung ương gửi lên, tất cả là 150 người.  Trường này đã đào tạo nên nhiều cán bộ rất đắc lực và thu lượm được nhiều thành tích khả quan như Đào Văn Kế, chính ủy Kim Bình là một trong số các học viên đã gây ý thức sâu rộng trong toán quân này. Thứ đến là đặt các phòng tuyến:

               – Vị Thanh do Quản Ty và Nguyễn Duy Dỵ phụ trách

               – Tam Dương do Lê Huy phụ trách

               – Đồn Láp do Vương Các Đạo phụ trách

 Công cuộc xếp đặt xong, Lê Khang phái một số cán bộ lưu động theo anh em quân đội đi vào các thôn xóm trong tỉnh cổ động tuyên truyền, khiến thanh thế Đảng mỗi ngày một bành trướng. 

5 

CS thấy vậy e sợ VNQDĐ sau này sẽ bao trùm hết các nơi bèn quyết định phá vỡ. Không muốn thất bại như hai lần trước, lần này CS tung ra một quân số lớn lao gần hai trung đoàn, một trung đoàn Thái Nguyên và một trung đoàn Hà Nội phối hợp quân đội Phúc Yên, Việt Trì bao vây đánh Vĩnh Yên.

 Lần này tuy Cộng quân có số đông, nhưng các phòng tuyến của VNQDĐ đã được tổ chức hoàn bị, nên mặc dầu chúng tấn công bằng một hỏa lực quá chênh lệch mà vẫn không thể chọc thủng được phòng tuyến của VNQDĐ .

 Đôi bên cầm cự nhau được ít ngày, thì các chiến sĩ VNQDĐ ở Vĩnh Yên được tin các đồng chí ở Hải Ngoại đã về tới Lao Kai (15-09-1945). Nghe được tin đó, anh em quân, dân Vĩnh Yên liền chuyển thế thủ sang thế công.  Bộ chỉ huy ra lệnh cho tập trung quân đội các phòng tuyến lại, chỉ để một số ít cầm cự ở các vị trí, còn toàn lực dốc đánh chủ lực quân của đối phương.

 Chủ lực quân của Cộng Sản khi đó đóng tại Bảo Sơn cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên 3 cây số. Thừa lúc đêm tối trời, QDQ nhờ quen đường, nương theo bờ ruộng tới sát bộ chỉ huy địch nổ súng xung phong vào.

 Cộng quân tuy có đề phòng trước, nhưng đã lâu ngày luôn luôn làm chủ tình thế, nên cũng có điều khinh suất.  Hơn nữa, gặp lúc QDQ tinh thần đương cao độ, nên Cộng quân không sao cầm cự nổi: Bộ chỉ huy địch tan vỡ, Cộng quân tại các trận tuyến tự động tháo lui về các căn cứ.

 Thắng trận một cách oanh liệt, QDQ được sự tiếp đón của dân chúng Vĩnh Yên rất nồng hậu, và sau đó ít ngày Vũ Hồng Khanh cùng một số chiến sĩ Hải ngoại về tới Vĩnh Yên, tổ chức cuộc nói chuyện với dân chúng, gây được rất nhiều thiện cảm.

 Lợi dụng cơ hội, một mặt Lê Khang cử Nguyễn Vĩnh lên Yên Bái, Bảo Ngọc lên Việt Trì, Vũ Huy Hùng lên Phú Thọ với mục đích là ngoại giao với quân đội Trung Hoa để lập các cơ sở tại các nơi ấy, nhưng tựu trung là mưu tính đánh chiếm các tỉnh đó. Mặt khác lập ra một ban tu thư, ấn loát các tài liệu lịch sử và lý thuyết của Đảng, phân phát trong dân chúng; đồng thời phái các cán bộ đi vào các thôn xã, tổ chức các cơ cấu tình báo, v.v…

 Ngoài ra, trường Quân chính được mở rộng, huấn luyện không riêng gì đảng viên VNQDĐ mà còn cho tất cả các đảng viên của các đoàn thể bạn như Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (QGTNĐ) và Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ) nữa.

 Sau một thời gian ngắn, được tin Nguyễn Vĩnh đã chiếm cứ được Yên Bái, và đã đem quân xuống giúp Vũ Huy Hùng chiếm cứ được Phú Thọ. Thấy vậy Lê Khang phái một trung đội lên Việt Trì, giúp sức Bảo Ngọc chiếm cứ Bạch Hạc, Việt Trì và võ trang giúp Thổ Tang tự trị. Đến đây Lê Khang được lệnh triệu hồi về công tác tại Trung ương Đảng bộ Hà Nội. 

VĨNH YÊN THẤT THỦ. 

Đến trung tuần tháng 6 năm 1946, Cộng Sản lại bắt đầu hoạt động, nhưng hoạt động bằng đường lối chính trị, phát thanh kêu gọi đoàn kết chống xâm lăng.

 Thể theo lời yêu cầu, cấp chỉ huy chiến khu Vĩnh Yên trả lời mời Đại Biểu Cộng Sản vào bản doanh VNQDĐ thảo luận. Cộng Sản sợ không dám vào nhưng phát thanh yêu cầu VNQDĐ phái Đại Biểu ra. Cấp chỉ huy QDĐ chấp thuận, phái 3 Đại Biểu ra gặp Cộng Sản. Người cầm đầu đoàn Đại Biểu là Lê Thanh.

 Sau cuộc gặp gỡ này, ngày hôm sau, Cộng Sản phái Đại Biểu vào thị xã Vĩnh Yên thảo luận điều kiện hợp tác. Đỗ Đình Đạo tức thời triệu tập một cuộc hội nghị các cấp để giải quyết vấn đề. Đa số chủ trương vấn đề hợp tác với Cộng Sản để chống xâm lăng và tránh tai họa cốt nhục tương tàn; nhất là Đỗ Đình Đạo, chủ trương hợp tác với Cộng Sản còn có mục đích bảo vệ tài sản riêng của gia đình mình. Thiểu số phải mủi lệ, cương quyết rút lui khỏi chiến khu Vĩnh Yên, đến các chiến khu khác của Đảng, nguyện hy sinh phấn đấu cho lý tưởng Quốc Gia, chống Cộng Sản (CS) đến hơi thở cuối cùng.

 Điều kiện hợp tác là từ hành chính đến quân sự, mỗi bên cử một Đại Biểu, CS làm chánh, VQ làm phó. Cuộc hợp tác đã thành.

 Sau khi đã gây được cơ sở vững vàng, một tháng sau CS ra lệnh phân tán QDQ thành từng toán nhỏ đưa đi các tỉnh xa, sát nhập vào hàng ngũ Cộng quân.

 Phân tán QDĐ xong, CS ra chiều ghẻ lạnh và khủng bố đến các lớp cán bộ chính trị. Đỗ Đình Đạo, Lê Thanh (37) vỡ mộng hợp tác, cùng nhau thu xếp rút lui về Hà Nội. Trần Thị Phương, một nữ cán bộ VQ bị CS đem ra xử tử bằng cách mổ bụng ngay tại sân vận động trường Vĩnh Yên.

—————————————-

Ghi chú:

(36) Đồn này đóng ở Văn Miếu trên “Đồi Láp” cạnh làng Láp, trông xuống đầm Láp và ở phía dưới dốc Láp. 

(37) Cuối năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, Lê Thanh cùng gia đình Đỗ Đình Đạo tản cư từ Hà Nội về các làng quê, Lê Thanh bị CS thủ tiêu.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt