Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (30)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 6)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 6)

TỈNH ĐẢNG BỘ QUẢNG NGÃI 

 Ban đầu Nguyễn Hoàng tổ chức một Chi bộ ở Ty Khí Tượng tỉnh lỵ Quảng Ngãi; kế Lê Giám tổ chức ở Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh, v.v…

Một Đại Hội được tổ chức ngay trong Trụ sở Hợp tác xã Nhân dân của quận Bình Sơn. Tỉnh Đảng bộ đầu tiên được thành lập vào cuối năm 1945. (21)

Trên thực tế, sinh hoạt của Việt Quốc Quảng Ngãi trong thời kỳ này không mấy bành trướng sâu rộng như ở Quảng Nam, nhưng rất được nhân tâm. Bởi một phần vì sự khủng bố đại quy mô và khốc liệt của Việt Minh Cộng Sản ở Quảng Ngãi vào những ngày đầu của cuộc bạo động cướp chính quyền hồi tháng 8.1945, đã có trên 3.000 người bị sát hại thê thảm, mà phần đông là đàn bà và trẻ em vô tội. Báo “Gió Mới” của nhóm thanh niên Hà Nội vào hồi ấy đã lên tiếng là “Xứ Đầu Rụng Như Sung”. Nên đã gây hoang mang sợ hãi trong tinh thần của dân chúng địa phương; một phần vì thiếu cán bộ hướng dẫn; và phần nữa vì xa xôi, liên lạc trở nên khó khăn, thiếu thốn về tài liệu học tập…, đã đôi lần cán bộ Quảng Ngãi phải mạo hiểm ra liên lạc với Ủy viên Nguyễn Ân ở Tam Kỳ (Quảng Nam) để nhận các tài liệu cần thiết như Đảng Quy, Chính Cương và báo chí, v.v…

Tháng 3 năm 1946, một phái đoàn của UBHC Trung Bộ do Tôn Quang Phiệt cầm đầu đi thanh tra các tỉnh miền Nam. Cùng đi với họ Tôn còn có Linh mục Trực và Nguyễn Duy Trinh rời Quảng Nam đến Quảng Ngãi.

Không bỏ lỡ cơ hội, Phan Quang Bổng, một cán bộ Việt Quốc được biết trước tin này, liền mật cho đi liên lạc với những gia đình có thân nhân bị CS sát hại tàn nhẫn dã man, kêu gọi tất cả đều để tang đến dự cuộc giải thích với đồng bào của phái đoàn Tôn Quang Phiệt tại rạp chiếu bóng tỉnh lỵ Quảng Ngãi.

Đáng lẽ đa số dân chúng ở buổi hội này phải là người của UBHC Lê Trung Đình tổ chức đưa đến. Có ngờ đâu! Trái lại, toàn là thân nhân nạn nhân CS trong thời kỳ khởi nghĩa cướp chính quyền hồi cuối năm 1945. Hàng ngàn người đầu để tang cha, tang chồng, tang con, khóc sướt mướt rất là thê thảm.

Phải ngả theo đa số, Tôn Quang Phiệt và Nguyễn Duy Trinh phải ghi chép vào sổ tay lia lịa không ngớt, mặc dầu là những trò giả dối bịp bợm bề ngoài che mắt thiên hạ. Phái đoàn hứa sẽ trình lên Chính phủ Trung ương áp dụng đúng luật lệ trừng phạt cho công bằng đối với dân chúng Quảng Ngãi, nghĩa là sẽ bắt bọn khát máu phải đền nợ máu, v.v…

CS Quảng Ngãi thừa biết vụ này là do cán bộ Việt Quốc đã ngầm chơi mình một vố rất đau. Nhưng sau vụ này, sinh hoạt VQ tại Quảng Ngãi bành trướng mạnh, đâu đâu cũng được trí thức với các gia đình không theo Cộng Sản đón tiếp nồng nhiệt; đặc biệt là Trương Cao Động, một chiến sĩ Quốc Gia có tên tuổi ở Quảng Ngãi.

Không bao lâu, các Đảng viên VQ Quảng Ngãi bị công an CS khủng bố liên tục, nhưng Tỉnh Đảng bộ vẫn hoạt động đều, cho đến tháng 7 năm 1946, CS ngụy tạo vụ “Cầu Chiêm Sơn”, thì CS khủng bố lan tràn dữ dội đến Quảng Ngãi: Chi bộ Khí Tượng của Nguyễn Hoàng bị bắt hết với đầy đủ tài liệu, các đồng chí khác bị khám nhà, đặc biệt nhà các đồng chí ở Nghĩa Lộ. Nguyễn Hoàng bị bắt, ít lâu được thả ra với điều kiện cho vào “Mặt Trận Liên Việt” như con cò mồi trước mắt anh em; còn Phan Quang Bổng nhờ được Bác sĩ Soạn có cảm tình giúp đỡ, trốn thoát khỏi Quảng Ngãi.

Từ sau vụ khủng bố này, các hoạt động của Tỉnh Đảng bộ tạm lắng, và vì Đệ Thất Khu bộ cũng tạm rút vào bí mật, nên Tỉnh Đảng bộ liên lạc trực tiếp với Trung ương Hà Nội, và sau đó với Tỉnh Đảng bộ Nam Định.

Tiếp đến những tháng vào cuối năm 1946, mọi hoạt động đều ngấm ngầm, và một số đồng chí còn lọt ngoài lưới của công an CS đều tham gia vào tổ chức “Liên Hiệp Quốc Dân (LHQD)” của Trần Cừ.

Khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ (19.12.1946), công an CS chăng một mẻ lưới nữa bắt một số cán bộ VQ, trong số đó có Phạm Đình Nghị đưa đi an trí tại Minh Long.

Tổ chức Trần Cừ toan võ trang cướp chính quyền, âm mưu bị phát giác. Trần Cừ và Võ Đình Yên bị tử hình, Trần Giám 20 năm tù, chết trong lao. Tuy mang danh “LHQD”, nhưng đa số đều là cán bộ đảng viên VQ hoặc cảm tình với VQ. Sau vụ này CS nắm lấy tổ chức Liên Hiệp và biến nó thành “Liên Việt”. 

QUẢNG BÌNH, QUẢNG TRỊ, BÌNH ĐỊNH VÀ PHÚ YÊN 

 Các tỉnh Đảng bộ này trong khoảng thời gian 1945-1946, vì xa cách Khu Đảng bộ, vì bị công an CS theo dõi quá gắt gao, nên cơ sở xây dựng chậm chạp, mỗi tỉnh chỉ mới tổ chức được vài chi bộ trong giới trí thức, tiểu tư sản.  Lớp cán bộ phần lớn đến nay đã qua đời, nên sự thu tập tài liệu rất khó, đợi có dịp xin cố gắng bổ khuyết sau. Được biết Tỉnh Đảng bộ Quảng Bình do cụ Tú Xương (22) làm Chủ nhiệm. Tỉnh Đảng bộ Quảng Trị do cụ Phó Bảng Lê Nguyên Lượng làm Chủ nhiệm.

==================================

Ghi chú: 

(21) Chủ nhiệm: Võ Phát

     Bí Thư: Trần Hoàng

     Ủy viên kinh tài: Võ Hữu

     Ủy viên liên lạc các khu bộ: Phạm Đình Nghị

     Ủy viên: Trang Ngọc Diên

     Ủy viên: Tạ Đình Mỹ

(22) Tú Xương giữ chức Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ Quảng Bình được hơn một tháng, bị CS bắt cóc, rồi bỏ vào bao bố thả xuống sông, theo giòng sông Nhật Lệ trôi về trước mặt thành phố Đà Nẵng.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc chương tiếp]]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt