Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (27)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản(Phần 3)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 3)

ĐỆ NGŨ CHIẾN KHU

1 

 Đệ Ngũ Chiến Khu Đảng bộ gồm các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Từ cuối mùa hè năm 1945, Trần Trọng Long tức Long Xương cùng một số cán bộ được Trung ương Đảng bộ VNQDĐ phái xuống tỉnh Nam Định hợp với số cán bộ địa phương để phát động phong trào. Nơi liên lạc bí mật đặt tại một căn nhà tại phố Bến Thóc, và một địa điểm liên lạc khác tại số 2 Phố Ga, Nam Định.

Sau ngày 19 tháng 8 năm 1945, VC đoạt được chính quyền tỉnh Nam Định, đem lực lượng công an cảnh sát đến bao vây nơi liên lạc của Việt Quốc ở Phố Ga. Hai bên nổ súng, bên VNQDĐ tập trung hỏa lực tấn công rất mạnh, khiến VC phải rút lui. Nhân đà thắng ấy, các cán bộ VQ ở thành Nam thuê luôn 4 căn nhà Phố Ga, thiết lập trụ sở công khai tranh đấu.

– Căn A là trụ sở của VNCMĐMH. 

– Căn B là trụ sở của VNQDĐ. 

– Căn C là cơ quan huấn luyện quân, chính.

– Căn D là cơ quan bảo vệ trụ sở.

Sau khi Tỉnh Đảng bộ được thành lập, hoạt động công khai thì có một số đồng bào Công giáo ở xứ Bùi Chu và Phát Diệm đến xin tham gia, đoàn kết trên phương diện cách mạng diệt Cộng và kiến quốc. Bởi vậy số thanh niên Công giáo từ hai giáo khu ấy đến dự lớp quân, chính rất đông, nên phải đặt thành vấn đề huấn luyện cấp tốc, mỗi khóa 7 ngày cho 200 thanh niên, do Cán bộ Quân sự là đồng chí Bảo phụ trách.

Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ liền tính đến vấn đề mua sắm thêm võ khí, lập khu chiến đấu tại Cổ Lễ và Bùi Chu; đồng thời phái cán bộ đi liên lạc với các đồng chí ở Ninh Bình, Thái Bình và Hà Nam để thành lập Tỉnh Đảng bộ ở các nơi ấy.

Đầu tháng Giêng năm 1946, QDĐ và CS ký thỏa hiệp đoàn kết tại Hà Nội, được phổ biến đi khắp các Chiến khu Đảng bộ, một số đảng viên trong giáo giới tỉnh Nam Định: giáo Thắng, giáo Chúng, giáo Quỳnh, giáo Đại… được chính quyền CS trả tự do.

Thừa cơ hội Quốc-Cộng đoàn kết, một số cán bộ CS len lỏi vào được trong tổ chức VNQDĐ làm gián điệp, chia rẽ hàng ngũ và phá hoại, mặt khác, CS ngầm khủng bố bắt cóc Đại Biểu Công giáo, Giáo khu Bùi Chu thủ tiêu; khiến các cán bộ đảng viên VNQDĐ hoang mang phân tán rút lui dần. Trụ sở công khai lác đác còn có mấy người do giáo Thắng phụ trách, kéo dài được ít tháng rồi rút về hoạt động tại Giáo khu Phát Diệm, Bùi Chu do đồng chí Bạch Dân lãnh đạo.

2 

Phát Diệm khi ấy Đức cha Lê Hữu Từ được chính phủ Hồ Chí Minh mời ra làm cố vấn, nên các người trong giáo khu đều được che chở.

Năm 1946, lợi dụng một cuộc bạo động của CS ám sát một đoàn trưởng Thanh Niên Công Giáo của khu Bùi Chu, lòng dân công phẫn, tự tổ chức biểu tình chống đối, phá Ty Công An và phái bộ của CS. Các cán bộ địa phương của VNQDĐ dựa vào đó tổ chức các đoàn tự vệ, dưới quyền chỉ huy của Đức Cha Lê Hữu Từ.

Nép dưới hình thức tổ chức công khai hợp pháp, nên các cơ sở tổ chức tại Phát Diệm, các đảng viên VNQDĐ quy tụ được rất đông đồng chí, mở lớp huấn luyện, tuyên truyền; việc đáng chú ý là cử cán bộ liên lạc với Giáo khu Thanh Hóa, mưu đồ chiếm lại chính quyền tỉnh ấy, song công việc không thành.

Đến năm 1949, sau khi Pháp quân đổ bộ Phát Diệm, các đảng viên VNQDĐ một phần đã nắm vững được tự vệ Công giáo, nên luôn luôn tìm đủ mọi cách mua thêm võ khí cất giấu một nơi, mưu đồ đại sự nếu gặp thời cơ.

VC vẫn coi Phát Diệm là cái gai nhọn làm trở ngại việc tiến triển chính sách Cộng Sản ở các khu Công giáo địa phương, nên ngầm kéo đại quân đến tấn công, lấy danh nghĩa giải phóng Phát Diệm với âm mưu là đàn áp tiêu diệt Công giáo là phần chính và phần phụ là tiêu diệt các chiến sĩ VNQDĐ. Vì CS thừa biết chiến sĩ VNQDĐ mà đa số là đồng bào công giáo ở Phát Diệm. Nhưng khi CS kéo quân về đến Gia Kiệm, thì toàn thể cán bộ VNQDĐ thân đi sách động chỉ huy tự vệ chiến đấu. Đến phút cuối cùng, CS bị thất bại nặng nề phải rút lui.

Tóm lại, Phát Diệm trong giai đoạn CS đoạt chính quyền cho đến khi di cư vào miền Nam, cán bộ VNQDĐ tuy có hoạt động trong vòng bí mật với tính cách hoạt động cho Tôn giáo tín ngưỡng mà thôi, chứ chính thức danh nghĩa tranh đấu trên hình thức Đảng coi như không có gì đáng kể!

Trong các buổi hội thảo, các Đức Cha vẫn đề cao tinh thần tranh đấu của các đồng chí VNQDĐ về sự hoạt động tại giáo khu.

ĐỆ LỤC CHIẾN KHU

1

Vào cuối tháng 8 năm 1945, một số cựu chiến sĩ VNQDĐ ở tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng bộ ra mật lệnh gấp rút thành lập một chiến khu tại miền Trung, để phát triển đảng viên, huấn luyện chính trị, quân sự, và nhất là về mặt tuyên truyền chính nghĩa sâu rộng trong quần chúng.

Sau cuộc họp bất thường, các chiến sĩ Thanh Hóa đều tán thành lấy đồn điền Gi Linh làm căn cứ địa, vì nơi đây đã trải qua một thời kỳ oanh liệt của vua Ngô mà hiện nay vẫn còn di tích, thành đắp bằng đất, chu vi bằng 20 mẫu ta, mặt thành rộng 5 thước, cao 2 thước đó là dấu vết hiện thời, còn trước kia cao bao nhiêu thì không rõ!

Chủ nhân đồn Gi Linh là cụ Trần Văn Gioãn, một vị túc nho, nhạc phụ của cố đồng chí Hoàng Văn Tùng (7) và lại là thân phụ của đồng chí Trần Văn Bân (8) nên sự điều đình rất nhanh chóng; cụ Trần vui lòng hy sinh tất cả sản nghiệp và gia đình cho Đảng.

Thu xếp xong mọi việc, Trần Phục Đán được cử ra báo cáo với Trung ương Đảng bộ. Ngày mồng 2 tháng 10 năm 1945, Đán trở về Thanh Hóa mang theo 2 súng trung liên, 10 súng trường, 100 tạc đạn, một số đạn đủ cỡ và bản danh hiệu “Đệ Lục Khu Đảng bộ” cùng một số cán bộ huấn luyện viên. Gi Linh từ đấy trở thành “Đệ Lục Chiến Khu Đảng bộ” và là trường huấn luyện võ bị sơ cấp của Đảng.

Mãi đến ngày 15 tháng 12 năm 1945, nhân một cuộc các chiến sĩ Gi Linh tổ chức một cuộc tập trận giả, CS mới hay là ở Gi Linh có quân đội, nhưng lại hiểu lầm tổ chức này là của địa chủ chống lại chính quyền Cộng Sản, nên tỏ vẻ muốn điều đình và hợp tác.

Để tránh sự va chạm đến đổ máu vô ích, và có đủ thì giờ chuẩn bị một cuộc cướp chính quyền tỉnh Thanh Hóa sau này, một hội nghị đã được triệu tập tại Gi Linh, đa số tán thành thuyết điều đình để hòa hoãn; nên có sự gặp gỡ giữa Đại Biểu Gi Linh là Trần Phục Đán (9) và Đại Biểu CS là Lê Kiểu, chủ tịch UBKCHC tỉnh Thanh Hóa. Việc cử Phục Đán làm Đại Biểu thương thuyết là bởi các chiến sĩ Gi Linh muốn để sau này có thể bảo đảm tính mạng cũng như tài sản của gia đình họ Trần ở ấp Gi Linh.

Cuộc thương thuyết kéo dài từ ngày 20 tháng 12 đến ngày 15 tháng Giêng năm 1946, hai bên ký kết bản Giao ước hợp tác, và bất khả xâm phạm tính mạng và tài sản Gi Linh. Sau khi ký kết, CS đem 5 xe hơi hạng nặng vào Gi Linh để chuyên chở các chiến sĩ và võ khí di chuyển ra thị xã Thanh Hóa.

2 

Ngày mồng 8 tháng 2 năm 1946, nhân một cuộc đi tập luyện theo thường lệ, các chiến sĩ Gi Linh đã thừa cơ hội chiếm luôn sở Nông Giang làm trụ sở, Đảng kỳ VNQDĐ lần đầu tiên tung bay dưới vòm trời tỉnh Thanh Hóa. Vì nhu cầu cần thiết, các chiến sĩ ấy lại chiếm luôn cả khách sạn Tứ Dân của Đặng Trần Hồ, và đã lợi dụng tình thế đặc biệt, cử Đặng Trần Hồ (10) làm Chủ tịch Ủy nhiệm dưới quyền lãnh đạo của Lê Khang.

Để mở rộng phạm vi hoạt động, các chiến sĩ VNQDĐ chiếm luôn khu quân nhu của CS đồng thời bắt cóc cụ Cử Soạn về làm cố vấn (11).

Thanh thế và ảnh hưởng của VNQDĐ ở Thanh Hóa lúc bấy giờ rất lớn lao và sâu rộng. Nhân dân nhộn nhịp đến nghe phát thanh hàng ngày từ hồi 16 giờ rưỡi đến 18 giờ rưỡi, khiến CS phải tức tối vô cùng, nhiều lần đã định dùng áp lực quân sự để giải tán trụ sở nhưng đều bị các chiến sĩ VNQDĐ chống đối rất kịch liệt, mặc dầu đôi khi phải đổ máu.

Được nhân dân ngày càng ủng hộ nhiệt liệt, nhất là những gia đình có thân nhân hiện còn bị giam giữ ở các lao xá Lao Bảo, Côn Lôn, v.v…

Giữa khi ấy một vụ đổ máu ở nội bộ xảy ra. Nguyên nhân chỉ vì một đảng viên là Trần Trọng Thám, được lệnh mang một khẩu súng lục từ Trung ương về cho Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa sử dụng; nhưng Thám không chịu nộp cho Ủy ban Quân sự. Ban kiểm soát dò biết, cho đòi lại súng nhưng Thám nhất định lánh mặt. Để giữ kỷ luật Đảng, Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa bắt buộc phải xử tử Trần Trọng Thám, mặc dầu Thám là con một bực lão thành đáng kính trọng.

 Vì sự đòi hỏi của nhân dân và nhất là của một số đông anh em cựu binh sĩ, nên Tỉnh Đảng bộ lại phải lập thêm nhiều cơ sở phụ thuộc, tổng cộng là 28, để có đủ nơi huấn luyện, tuyên truyền lý thuyết và giải thích vạch trần mặt nạ CS do Ủy viên Tuyên truyền Vũ Đình Tuyên phụ trách. Trong khi ấy thì vợ của Đặng Trần Hồ đã lợi dụng địa vị của chồng làm nhiều chuyện bậy, có hại đến thanh danh Đảng nên bị các đồng chí mời Đặng Trần Hồ về; một số định đưa Đái Đức Tuấn (12) lên thay, nhưng đa số lại tán thành cử đồng chí Lưu Văn Thiều. Lê Khang rất tán thành và đề nghị với Trung ương Đảng bộ cũng được chấp thuận; đồng thời còn cử nữ đồng chí Thị Xuân giữ trọng trách tiếp tế võ khí.

Trên đường từ Hà Nội vào Thanh Hóa, đồng chí Lưu Văn Thiều và chị Xuân bị công an CS đón bắt ngay dọc đường, đưa thẳng vào giam cầm tại lao xá tỉnh Nghệ An: một số võ khí quan trọng cũng bị CS tịch thu mất.

Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa được tin, lập tức ủy cho ban tình báo tìm cho được số võ khí ấy tàng trữ ở đâu, và ủy cho đặc vụ phải lùng bắt cho được tên Hùng là cảnh sát trưởng CS tại Thanh Hóa.

Lệnh ban ra, chỉ trong vòng một tuần lễ, ban đặc vụ đã tước được 100 khẩu súng trường của CS để tại các đồn lẻ và bắt được tên Hùng. Hùng bị bắt, CS cử ngay tên Hoàng lên thay. Hoàng giữ thái độ dè dặt, nên các chiến sĩ VNQDĐ dễ bề hoạt động, ít bị ngăn trở.

3

Công tác Đảng đang đà phát triển mạnh mẽ, bỗng ngày mồng 6 tháng 4 năm 1946, Trung ương Đảng bộ ra mật lệnh cho toàn thể đảng viên phải rút lui. Lê Khang (13) liền triệu tập hội nghị để lấy ý kiến chung. Hội nghị tranh luận rất sôi nổi, cuối cùng đi tới quyết nghị: tùy theo sự can đảm và tài năng của mỗi người, ai có thể sang Trung Hoa học hỏi thêm thì nên xuất ngoại; còn ai ở lại thì nên trà trộn với quần chúng tìm cách phá hoại CS bằng mọi cách phản tuyên truyền và gây rối địch.

Kết quả số người xin đi rất đông, trên đường rút lui ra Hà Nội vì sự tổ chức kém chu đáo, nên khi ra tới Phủ Lý, quân đội và công an CS đã bắt được một số đưa về giam ở Thanh Hóa và Nghệ An trong số có Đỗ Văn, Bùi Anh Tuấn và chị Đặng Trần Hồ…

 Những người ở lại phải bảo vệ trụ sở, phải lo chống đối với CS một cách tích cực. CS tìm đủ mọi cách khủng bố; ban ngày phục kích khắp nơi để chặn bắt các người liên lạc; ban đêm tắt điện để phòng sự rối loạn, thừa cơ đánh úp. Nhưng các chiến sĩ VNQDĐ vẫn bình tĩnh xếp đặt kế hoạch không kém phần linh động, trá hình rồi rút lui dần dần, và tản mác vào Ngàn Mục (Như Xuân), Ba Làng (Tĩnh Gia). Một số được Cai Chế và Cầm Bá Thước giúp đỡ, che chở một cách tận tình. Vì thế nên mới có một số đảng viên lãnh đạo phong trào kháng Cộng ở Mậu Thôn, Ba Làng trong những năm 1947, 1948 và 1949 một cách anh dũng, do ở sự kinh nghiệm chiến đấu tại Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa, Đệ Lục Chiến Khu VNQDĐ. 

=============================

Chú thích:

(7) Hoàng Văn Tùng là một sáng lập viên VNQDĐ, bị mật thám bắt giam sau vụ ám sát Bazin vào tháng 2 năm 1929.  Trong thời gian Hội Đồng Đề Hình thẩm vấn trong ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội thì anh Hoàng Văn Tùng bị cảm nặng.  Thấy khó lòng sống được, chủ tịch HĐĐH cho vợ anh đưa về với gia đình ở Thanh Hóa. Đưa về tới nhà thì anh Hoàng Văn Tùng tạ thế. Hoàng Văn Tùng có người con trai độc nhất là Hoàng Văn Bách cũng bị CS giết chết vào năm 1946.

(8) Năm 1952, Trần Văn Bân bị CS bắt đem đến làng Lai Triều, giết bằng 7 phát súng trường mới chết.

(9) Là con thứ 5 của cụ Trần Văn Gioãn.

(10) Là đảng viên ĐVQDĐ. 

(11) Cụ Cử Soạn là một nhà cách mạng thời Đông Du, sau khi mãn án phát lưu, cụ về tu ở chùa Đào Viên, gần thành phố Thanh Hóa. Đặt ra vấn đề “Bắt cóc”, sự thực chỉ là một thủ đoạn để tránh cho Đào Viên Tự khỏi bị VC tàn phá để trả thù.

(12) Đái Đức Tuấn bút hiệu Tchya là một văn sĩ, nguyên quán ở Thanh Hóa.

(13) Lê Khang chính tên là Lê Văn Ninh sinh năm Quý Sữu (1913) là con cụ Lê Văn Chàm và Trần Thị Đảm tại làng Phùng Đông, tổng Phùng Thịnh, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Thuở thiếu thời, tòng học hết năm thứ 3 trường Trung học Hà Nội, bỏ sang Trung Hoa làm nghề dạy học tư tại ga Khai Viễn, rồi thi đậu vào ngạch kiểm soát Sở Hỏa Xa Hà Nội – Vân Nam. Nguyên là đảng viên Đệ Tứ Quốc Tế. Đến năm 1933, gia nhập VNQDĐ tại Hải Ngoại bộ Vân Nam đổi tên là Lê Khang

Là một đảng viên, một cán bộ nhiệt thành và gương mẫu, tài ba lỗi lạc, được các đồng chí rất kính phục và mến yêu.

Vào cuối tháng 7 năm 1946, Lê Khang từ trụ sở Trung ương Đỗ Hữu Vị ra đi, qua trường học Hàng Than, bị công an trùm chăn bắt đi giam tại Nha Công An, rồi Hỏa Lò, Hà Nội vào sà-lim án tử hình. Cho đến trước ít ngày chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, CS đưa anh em lên giam ở lao xá tỉnh Phú Thọ. Sang 1947, khi hay tin quân đội Pháp sắp đánh vào Phú Thọ, CS liền đem Lê Khang, Phan Kích Nam cùng 11 người khác ra thủ tiêu ở bãi cỏ gần lao xá Phú Thọ.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp Chương Kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt