Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (23)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương VII: “ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 2)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG VII: ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CHỐNG XÂM LĂNG  (phần 2)

HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 

Giữa hai đằng cùng cam kết với nhau:

Một bên là Chính phủ Cộng Hòa Pháp quốc do ông Sainteny thay mặt, người được ủy nhiệm của Đô Đốc D’Argenlieu, Cao ủy Pháp, đủ quyền đại diện Pháp quốc Cộng Hòa.

Và một bên là Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị Đại Biểu Đặc biệt của Hội Đồng Tổng trưởng, ông Vũ Hồng Khanh thay mặt.  

Có thỏa thuận những điều sau đây:

1. Chính phủ Pháp nhìn nhận nước Cộng Hòa Việt Nam là một nước tự do, có chính phủ riêng, nghị viên riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp quốc.

Về vấn đề thống nhất ba kỳ, chính phủ Pháp cam kết ưng chuẩn ý định của dân chúng Việt Nam do một cuộc trưng cầu dân ý.

2. Chính phủ Việt Nam ưng thuận sẵn sàng đón rước quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa, đúng theo Hiệp ước Quốc Tế đã hoạch định.

Một hiệp ước phụ đính theo hiệp định sơ bộ này sẽ định rõ phương thức cuộc thay thế ấy.

3. Những điều quy định trên sẽ được thi hành lập tức ngay sau khi đã trao đổi chữ ký, mỗi bên cam kết phải dùng mọi phương cách cần thiết để chấm dứt thù hằn, để giữ quân đội mình ở vị trí cũ và gây ra bầu không khí thuận tiện, để mở cuộc thương thuyết đầy thân mật và chân thành.

Những cuộc thương thuyết ấy sẽ đề cập đến vấn đề ngoại giao của Việt Nam, hiện chế tương lai của Đông Dương và quyền lợi kinh tế cùng văn hóa của Pháp ở Việt Nam. Hà Nội, Sài Gòn hoặc Đà Lạt sẽ được chọn làm nơi hội nghị. 

      Làm tại Hà Nội, ngày 6.3.1946

       Ký tên:

      Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh và Sainteny 

PHỤ ƯỚC CỦA HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 6-3-1946 

 Giữa hai bên Việt-Pháp đã thỏa thuận với nhau những điều như sau:

1. Các lực lượng quân đội hoạt động:

 a) Về phần Việt Nam có 10.000 người với các cấp ngạch Việt Nam thuộc quyền chỉ huy của chính phủ Việt Nam.

b) Về phần Pháp có 15.000 người hiện đang ở Vĩ Tuyến 16 trở ra Bắc. Quân lính phải hoàn toàn nguyên quán ở Pháp, trừ một số ít bộ đội trông nom tù binh Nhật.

Các bộ đội Việt-Pháp trên đây đều phải do bộ chỉ huy Pháp gồm có Đại Biểu Việt Nam điều động. Sự tăng giảm, phân phối, sử dụng các bộ đội sẽ chỉ định trong một hội nghị tham mưu giữa các Đại Biểu Việt-Pháp. Hội nghị này sẽ thành lập một khi các đơn vị Pháp đổ bộ hết lên đất Việt Nam.

Các hội đồng hỗn hợp sẽ được ra đời ở các cấp bậc để gìn giữ tình giao hảo và sự hợp tác của liên quân Việt-Pháp.

 2. Bộ đội Pháp chia làm 3 hạng:

a) Các đơn vị có nhiệm vụ trông nom tù binh Nhật. Các đơn vị này sẽ hồi hương khi tù binh Nhật rời khỏi Đông Dương. Thời hạn của họ ở đây là 10 tháng.

b) Các đơn vị, công tác với Việt quân để giữ trật tự an ninh trên lãnh thổ Việt Nam sẽ rút về mỗi năm là một phần năm và hạn 5 năm.

c) Các đơn vị có nhiệm vụ phòng ngự các căn cứ chiến lược đóng ở các nơi nào đều có chỉ định rõ rệt về mọi phương diện.

3) Chính phủ Pháp cam kết không dùng tù binh Pháp về các mục đích quân sự. 

      Làm tại Hà Nội, ngày 6.3.1946

       Ký tên:

      Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh và Sainteny 

PHẢN ỨNG VỀ HIỆP ĐỊNH 6.3 

Sau khi hay tin Tổng Thư ký Vũ Hồng Khanh đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp, các khóa sinh lớp Cán bộ Nguyễn Thái Học ở Ngũ Xã (Khu ngoại thành Hà Nội) liền bãi khóa, nhiều học viên đã khóc sướt mướt. Giám đốc Trường Cán bộ là Phạm Văn Hể cũng đồng tình với học viên, hướng dẫn một phái đoàn Đại Biểu đến trụ sở Trung ương Đảng bộ chất vấn.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng bộ VNQDĐ cũng triệu tập cuộc họp bất thường, chất vấn sôi nổi Tổng Thư Ký họ Vũ. Các Ủy viên đều trách cứ họ Vũ đã độc tài, tự ý làm một việc tối quan trọng đến vận mạng quốc gia, đến Đảng, mà không đưa ra thảo luận trước với Tổng Bộ.

Tại các khu Đảng bộ, có một số cán bộ đảng viên gây phong trào ly khai với Trung Ương, đòi thay Kỳ hiệu, lãnh đạo nhân dân chống lại chính phủ đã hợp tác với kẻ thù của dân tộc.

Thấy việc ký kết Hiệp định có ảnh hưởng tai hại, Trung ương Đảng bộ phải cử Lê Khang đi các chiến khu giải thích. Nhờ vậy làn sóng công phẫn êm dịu dần và sự chống đối Việt Minh (VMCS) cũng tạm hòa hoãn trong một thời gian mấy tháng bởi những thỏa hiệp đoàn kết.

Có lẽ Vũ Hồng Khanh đã không hay biết gì về Hiệp ước giữa Pháp và Trung Hoa đã được ký kết ở Trùng Khánh. Trong đó có khoản quy định rằng: “Quân đội Pháp sẽ thay thế quân đội Trung Hoa hiện đóng ở Bắc Đông Dương từ ngày mồng 1 đến ngày 15 tháng 3 năm 1946, và chậm nhất là ngày 31 tháng 3”. Nên họ Vũ đã thò tay vào ký Hiệp định 6/3 với ông Hồ Chí Minh để cho quân đội Pháp đổ bộ lên Bắc Việt.

Vũ Hồng Khanh không biết rằng quân đội Trung Hoa rút lui là phe Quốc Gia mất sức hậu thuẫn, mất chỗ tựa.

Quả thật vậy, ngày 18.3.1946, quân đội Pháp rầm rộ kéo lên đất Bắc, thì đến đầu tháng 5.1946, quân đội Trung Hoa bắt đầu rút lui. Các ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam cùng hàng trăm đồng chí của hai ông kéo nhau lánh sang Trung Hoa. Rồi Vũ Hồng Khanh cùng vợ con và các yếu nhân khác cũng phải rút lui lên chiến khu Việt Trì vào thượng tuần tháng 6.1946.

13 tháng 7 năm 1946, Việt Cộng giả tạo vụ Ôn Như Hầu, tàn sát biết bao đồng chí, mà vấn đề bôi nhọ thanh danh VNQDĐ mới là phần quan trọng. Và, tiếp theo chính phủ Hồ Chí Minh ra lệnh đánh phá các chiến khu Đảng, khiến phải tan rã dần dần, thiệt mạng mất biết bao thanh niên đảng viên ưu tú! Cuối cùng Vũ Hồng Khanh cùng vợ con của ông lại lánh sang Trung Hoa một lần nữa.

Có lẽ họ Vũ cho việc mình được mời ký vào Hiệp định 6.3 là một vinh dự chăng!!! 

QUÂN ĐỘI PHÁP ĐỔ BỘ, VĨNH THỤY LƯU VONG 

Ngay sau khi ký xong hiệp định, Võ Nguyên Giáp cùng Vũ Hồng Khanh thân xuống Hải Phòng điều đình với viên tướng Mãn Châu chỉ huy quân đội Trung Hoa tại khu vực ấy, để cho chiến hạm Pháp được cặp bến. Nhưng vì bộ Tham mưu của Tướng Lư Hán làm đủ cách khó dễ, nên phải đợi mãi đến ngày 18 tháng 3, Tướng Valluy mới đem được quân rầm rộ kéo lên Hải Phòng. Khuất Duy Tiến đã túc trực sẵn để hướng dẫn vào Thủ đô Hà Nội.

Sau 12 tháng trời, lá cờ Tam Tài vắng bóng, biết bao nhiêu đồng bào bị tình nghi thân Pháp đã bỏ mạng về tay VM! Lá cờ Tam Tài ấy hôm nay lại ngạo nghễ phất phới tung bay trước viện Radium ở phố Richaud (dinh Cao ủy Pháp), Hà Nội. Kiều dân Pháp xô nhau đi đón rước vui mừng hoan hô nhiệt liệt; nhưng với nhân dân Việt Nam thì tỏ thái độ hoài nghi, nhìn thời cuộc với cặp mắt lo âu công phẫn.

Để dẹp dư luận quần chúng đương xôn xao phản đối khắp nơi. Một mặt Tổng Bộ VM phái cán bộ đi khắp các tỉnh tổ chức mít-tinh để giải thích; một mặt tổ chức ngay một cuộc mít-tinh tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào ngay buổi chiều ngày mồng 7 tháng 3, và chính Hồ Chí Minh cùng Võ Nguyên Giáp đứng lên giải thích trước một đám đông quần chúng Thủ Đô dễ bồng bột mà cũng dễ im lìm.

Hiệp ước Pháp-Hoa đã ấn định rõ ràng thời hạn quân đội Trung Hoa triệt thoái chậm lắm đến ngày 31 tháng 3 là cùng. Và trên thực tế, kể từ này 25 tháng 3 năm 1946, quân đội Trung Hoa đã không còn giữ nhiệm vụ an ninh trật tự nữa; nhưng quân đội Trung Hoa vẫn cứ làm tràn, không chịu rút lui, coi như không có Hiệp ước Pháp-Hoa đã ký kết ngày 28 tháng 2 năm 1946.

Ngày 18 tháng 3, ngày quân đội Pháp tiếng vào Thủ đô Bắc Việt, cũng là ngày mà Hồ Chí Minh đẩy Cố vấn Vĩnh Thụy cầm đầu phái đoàn sang Trung Hoa với mục đích gây tình thân thiện Việt-Hoa.

Vĩnh Thụy tỏ ý không muốn sang Trung Hoa ngay lúc này, vì phái đoàn chưa được Chính phủ Trung Hoa chính thức đánh điện tiếp nhận, e không tỏ được hết mỹ ý và tất nhiên sẽ không có sự tiếp đón trọng thể. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cứ nhất định phái đoàn phải lên đường sang Trung Hoa vào sáng sớm ngày 18, mặc dầu Cố vấn Vĩnh Thụy không muốn tham dự phái đoàn cũng không sao!

Nhận thấy ông Hồ Chí Minh đã có định kiến gì rồi nên mới cử Cố vấn Vĩnh Thụy sang Trung Hoa một cách vội vàng như vậy! Nay bỗng nhiên thay đổi thái độ một cách quá nhanh chóng, e có sự không hay sẽ xảy đến cho Vĩnh Thụy! Nên vào hồi 23 giờ đêm 17, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh cùng Nghiêm Kế Tổ thân đến Đại lộ Gambetta tìm Vĩnh Thụy, khuyên ông nên đi ngay sớm mai; nếu không, e sẽ xảy ra nhiều điều đáng tiếc bất ngờ!

Sớm sau, Nghiêm Kế Tổ đến đón Vĩnh Thụy cùng hai nhân viên trong phái đoàn là Nguyễn Công Truyền, Hà Phú Phương (CS) sang Gia Lâm đáp phi cơ đi Côn Minh, rồi sang Trùng Khánh. 

TỪ HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT ĐẾN HỘI NGHỊ FONTAINEBLEAU 

 Ngày 24 tháng 3 năm 1946, Cao ủy D’Argenlieu chính thức mời Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến trên chiến hạm Emile Bertin đậu tại Vịnh Hạ Long. Cuộc đón tiếp vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rất là trọng thể. Tiếp đến cuộc hội đàm: về phía Pháp có Tướng Leclerc, Cao ủy D’Argenlieu và các cộng sự viên; bên phía Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam và Hoàng Minh Giám.

Để xúc tiến việc thi hành Hiệp định mồng 6 tháng 3, hai bên Pháp và Việt đều đồng ý chọn Đà Lạt làm khung cảnh nơi họp hội nghị. Cuộc họp được trù định khai diễn vào ngày 17 tháng 4 năm 1946.

Dự hội nghị Đà Lạt, phái đoàn Việt Nam gồm có Nguyễn Tường Tam Ngoại trưởng (trưởng phái đoàn), Võ Nguyên Giáp, Vũ Trọng Khánh, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Trịnh Văn Bính, Nguyễn Mạnh Tường, Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Huyền và Dương Bạch Mai.

Phái đoàn Pháp gồm có:

A) Max André (trưởng phái đoàn), Pierre Mesmer, Bousquet, Bourgoin, D’Arcy, Pierre Gourou.

B) Léon Pignon, Albert Torel, Ner, Guillanton và Đại tướng Salan.

Phiên họp thoạt đầu đã gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vấn đề Nam bộ, một vấn đề nan giải. Phái đoàn Pháp tuyên bố trắng trợn là không đủ thẩm quyền giải quyết vấn đề Nam bộ. Theo quan niệm của Pháp, thì tình hình Nam bộ đã được ổn định, một sự đã rồi!

Hội nghị Đà Lạt, lập trường đôi bên xa cách nhau một trời một vực, hầu như sắp tan vỡ thì ở Sài Gòn, một “Chính Phủ Nam Kỳ Tự Trị” được thành lập, cử phái đoàn sang Pháp trực tiếp giao thiệp với chính phủ Ba Lê.

Một bầu không khí hằn học khó thở đưa vào hội nghị. Kết quả, Hội nghị Đà Lạt chấm dứt trong hoài nghi bi quan, tiên báo bất khả hợp tác. Hai phái đoàn rũ áo ra về với nhận định riêng và thâm ý riêng. 

 Về phía Pháp, Chính phủ Ba Lê hiện đang lủng củng, hơn nữa, Pháp muốn gây một vài vụ được coi như sự kiện đã rồi như việc thành lập “Chính Phủ Nam Kỳ Tự Trị”, việc chiếm đóng “Xứ Mọi Ban Mê Thuột”, không ngoài ý định nắm uy thế trong việc thương thuyết tương lai.

Hội nghị Đà Lạt thất bại, Hà Nội bắt đầu di cư bớt những miệng ăn vô ích, và cho phao đồn tin Pháp sắp đánh chiếm Bắc Việt. Cuộc xung đột giữa Pháp và Việt thường xảy ra luôn luôn.

Ngày mồng 8 tháng 6, CS tổ chức biểu tình đòi sát nhập Nam bộ. Báo chí công kích kịch liệt thực dân Pháp.

Ngày 25 tháng 6, Pháp chiếm đóng dinh Toàn quyền và sở Tài chính Hà Nội. CS tổ chức làm reo bãi công và tẩy chay tiếp tế lương thực cho Pháp ở các tỉnh.

Hội nghị Đà Lạt thất bại, tuy vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp xúc với đại diện Pháp ở Hà Nội, để trù liệu hội nghị ở Ba Lê, bởi:

– Ở Ba Lê có Đảng CS bạn giúp đỡ;

– Người Pháp mới thoát khỏi vòng nô lệ Đức Quốc Xã, chắc sẽ bênh vực quan điểm của Chính phủ Việt Nam.

Để chuẩn bị kháng chiến, thu hút một khả năng của mọi tầng lớp nhân dân, Chính phủ Hồ Chí Minh đề xướng thành lập “Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam” gọi tắt là “Liên Việt”, bao gồm tất cả các đảng phái, tôn giáo và mọi tầng lớp nhân dân. Chủ tịch Trung ương Liên Việt là cụ Huỳnh Thúc Kháng, phó chủ tịch là Tôn Đức Thắng (CS), bí thư là Cù Huy Cận (CS), Ủy viên là Trần Huy Liệu (CS), Phạm Ngọc Thạch (CS), Ngô Tử Hạ (Công Giáo), Nguyễn Tường Long (QDĐ).

Cũng như Hội nghị Trù bị Đà Lạt, chính phủ cử Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam làm Trưởng phái đoàn đi dự hội nghị tại Pháp, nhưng Nguyễn bộ trưởng đã không đi Pháp mà lánh sang Trung Hoa (6).

Phạm Văn Đồng được cử thay thế làm trưởng phái đoàn. Phái đoàn lên đường sang Pháp vào ngày 28 tháng 5 năm 1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cùng đi với phái đoàn, nhưng tuyên bố với tư cách riêng, đặt để nhiều hy vọng vào đồng chí Thorez đương giữ chức phó Thủ tướng Pháp.

Phái đoàn sang tới Pháp, Chính phủ Pháp đã cố trùng trình rất nhiều ngày giờ, chưa chịu chính thức đón tiếp.  Hồ Chí Minh cùng phái đoàn phải chầu chực tới 15 ngày ở Biarrits.

Sau khi cử hành cuộc đón tiếp chính thức, Chính phủ Pháp chọn thành phố Fontainebleau làm nơi hội nghị, cách Ba Lê hàng 50 cây số, viện cớ Ba Lê đương có cuộc hội nghị Hòa Bình Quốc Tế, bị ồn ào không tiện. 

Hội nghị Việt-Pháp họp ở Fontainebleau rốt cuộc cũng cùng chung số phận như hội nghị Đà Lạt. Hội nghị tan vỡ, phái đoàn sửa soạn ra về, có người đã xuống Marseille để đáp tàu về nước. Hồ Chí Minh còn cố nán lại ở Ba Lê giao thiệp với Marius Moutet, Tổng trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại. Cuộc nói chuyện ngầm ấy đã đem lại một kết quả là vào hồi nửa đêm 14 tháng 9, ông Hồ Chí Minh đã gõ cửa nhà Marius Moutet đòi ký Thỏa hiệp án “Modus Vivendi” gồm 2 điều khoản hòng để kéo dài thời gian và giữ thể diện cho có đường về.

Sau khi từ biệt Marius Moutet ra về khách sạn. Ông Hồ Chí Minh đã nói với tên thám tử Pháp:

– “Tôi vừa ký bản án tử hình” (Je viens de signer un condamnation à mort).

Phái đoàn Phạm Văn Đồng về đến Việt Nam không còn đàng hoàng như buổi ra đi, lời giải thích của các cán bộ tuyên truyền và báo chí của CS trở nên vô hiệu lực. Những luận điệu Việt-Pháp, Việt-Mỹ, Việt-Hoa thân thiện và Pháp Mới, Pháp dân chủ để mơn trớn, tự nó sụp đổ trông thấy. 

=====================

Chú thích: 

(5) Louis Caput là Bí thư nhóm Mác-xít Việt Nam

(6) Không đi dự hội nghị Pháp, lại lánh sang Trung Hoa, CS loan tin ầm ỹ là ông Nguyễn Tường Tam đã ôm 2 triệu bạc của Chính phủ là số tiền kinh phí của đoàn đi dự hội nghị; tức là ông Tam đã lấy cắp 2 triệu đồng của công quỹ.

LS Trần Văn Tuyên khi ấy làm Đổng lý văn phòng Bộ Ngoại giao là một nhân chứng quan trọng đã viết trên báo “Cộng Hòa” về vụ ấy, theo nguyên văn như sau:

 “Nguyên khi đó ông Nguyễn Tường Tam nhân danh là Đại Biểu QDĐ giữ chức bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Liên hiệp vào đầu tháng 3.1946, tôi làm Đổng lý văn phòng cho ông Nghiêm Kế Tổ đang làm Thứ trưởng. Lúc đó chế độ cách mạng chưa chuyển qua giai đoạn chính trị, hành chính nên chính phủ chưa có ngân sách. Ông Hồ Chí Minh bảo Bộ trưởng Tài chính là Lê Văn Hiếu làm cho Bộ Ngoại giao một ngân phiếu hai triệu đồng. Ngân phiếu làm tên tôi (Trần Văn Tuyên). Sợ QDĐ có tiền mua thêm súng, ông Hồ Chí Minh cẩn thận ra lệnh cho Hiến không được một lúc đưa cả hai triệu đồng này cho chúng tôi, và căn dặn chỉ được đưa dần dần nhiều nhất mỗi lần là 5 vạn đồng là cùng.  Hiến chuyển lệnh này cho Nguyễn Xuân Khoát giám đốc Ngân khố.

Lúc đó Đảng cần tiền để mua súng, quân đội Trung Hoa hứa bán. Anh Tam bàn với tôi tìm cách lĩnh số tiền nói trên ra.

Tôi mang ngân phiếu sang sở Ngân khố, gặp ông Khoát xin lĩnh tiền, Khoát nhắc lại lệnh của Bộ Tài Chính chỉ được đưa 5 vạn mỗi lần. Tôi bảo Khoát:

Ngân phiếu ghi 2 triệu thì ông cho lãnh 2 triệu. Lãnh xong, tôi sẽ gửi lại quỹ Ngân khố, rồi lãnh dần.

Nể lời tôi, Khoát chịu. Tôi lãnh được tiền rồi, tôi giữ lại 5 vạn đồng để chi tiêu trong bộ. Còn bao nhiêu gửi hết vào quỹ.  Số tiền này tôi để vào một tủ sắt riêng, ngoài buộc đề tên tôi.

Hai hôm sau, với sự thỏa thuận của Hiến và Khoát, tôi lấy thêm 35 vạn gửi sang cho phái đoàn Thiện chí Vĩnh Thụy – Nghiêm Kế Tổ, lúc đó ở Trùng Khánh.

Hôm sau nữa, tôi tới lấy 10 vạn để chi tiêu về phái đoàn tham dự hội nghị trù bị Đà Lạt.

Tôi chờ hai hôm nữa, hồi buổi sáng tôi sang ngân khố. Sau khi được một đồng chí ở Ngân khố cho biết Khoát đi họp bên bộ Tài chính, tôi bảo ông Thủ quỹ trả tôi nốt số tiền tôi gửi trong tủ sắt, ông này ngần ngừ, xin để tôi hỏi ý ông giám đốc. Ông Giám đốc đi vắng không xin được lệnh. Ông thủ quỹ lúng túng.

Tôi bảo ông: “Tiền tôi gửi, đứng tên tôi, nay tôi lấy ra, mà còn ngần ngừ.”

Thế là ông chịu đưa hết chỗ tiền còn lại cho tôi.

Số tiền đó trừ một số giữ lại để chi tiêu cho bộ, tôi đưa cho anh Nguyễn Tường Tam. Anh Tam trao lại cho ban tài chánh của Đảng mua được 1.000 khẩu súng và đạn dược.

Súng đạn này được phân phát cho các đồng chí thanh niên tranh đấu chống VC ở suốt giải sông Hồng Hà và chống Pháp ở Phong Thổ.

Biết tôi đã lấy hết tiền. Khoát sang bộ Ngoại giao vò đầu bứt tai xin tôi trả lại. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không chịu.

Khi chúng tôi bỏ nước lưu vong sang Trung Hoa, đài phát thanh và báo chí VC chửi bới chúng tôi ăn cắp tiền của Chính phủ, của nhân dân.”

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt