Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (19)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương IV: “QUÂN ĐỘI ĐỒNG MINH TIẾN VÀO ĐÔNG DƯƠNG”

Thiên thứ ba (1940-1946)

CHƯƠNG IV: QUÂN ĐỘI ĐỒNG MINH TIẾN VÀO ĐÔNG DƯƠNG

PHÁP THEO CHÂN QUÂN ĐỘI ANH, ẤN TÁI CHIẾM NAM VIỆT, CAM BỐT, AI LAO

Sự bắt mấy Pháp kiều đưa đi giam. Qua ngày hôm sau có sự can thiệp của Bộ Chỉ Huy quân đội Đồng Minh sang giải giới quân đội Nhật Bản. Trần Văn Giàu bắt buộc phải thả mấy người Pháp ra. Việc này làm cho Giàu mất mặt. Giàu phải cho ra một số thông cáo ngụy biện rằng:

 “Chúng ta thả đám Pháp kiều là để tỏ cho Đồng Minh thấy rõ tính hiếu hòa của chúng ta…”

 Những tin tức bất lợi cứ ngày càng tiếp tục lan ra trong nhân dân. Đến ngày mồng 4 tháng 9, nhận thấy có triệu chứng nguy khốn, VM mới triệu tập một phiên khoáng đại hội nghị tại phòng khánh tiết Tòa Thị sảnh Sài Gòn, mời Đại Biểu các đảng phái Quốc Gia tham dự cải tổ hành chánh Nam Bộ, đổi Lâm Ủy Hành Chánh ra “Ủy Ban Nhân Dân.”

 Cách ít ngày sau lại đổi ra “Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ”, Trần Văn Giàu lùi xuống làm Ủy viên Quân sự, Luật sư Phạm Văn Bạch được làm Chủ tịch Ủy ban, Phạm Ngọc Thạch vẫn giữ chức ngoại giao như cũ.

 Ngày mồng 6 tháng 9, một số tù binh Pháp được thả ra, các cơ sở Ba Son, kho đạn và thương khẩu Sài Gòn được quân đội Nhật Bản trao trả lại cho Pháp.

 Ngày mồng 10 tháng 9, trong một cuộc họp báo, Đại tá Cédile tuyên bố: “Chúng tôi phải lập lại trật tự để thiết lập một chính phủ đúng với bản tuyên ngôn ngày 24 tháng 3 của Đại tướng De Gaulle.”

Phản ứng lại, lực lượng của “Mặt Trận Liên Minh” tổ chức các cuộc phá hoại phi trường, thương khẩu, tổng đình công, bãi thị và bắt cóc kiều dân Pháp cùng những người Việt có tiếng thân Pháp.

Ngày 20 tháng 9, Đại tướng Gracey ra bản thông cáo số 1: “Đại tướng có trách nhiệm khôi phục lại trật tự…”  Đồng thời ra lệnh cấm báo chí Việt ngữ xuất bản, cấm người Việt võ trang.

Ngày 21 tháng 9, ra lệnh thiết quân luật, kẻ nào phá hoại sẽ bị nghiêm trị.

Quân Anh đổ bộ lên Sài Gòn 1945

Ngày 22 tháng 9, quân đội Anh đến đóng giữ Khám Lớn, Sài Gòn và thả hết những binh sĩ nhảy dù Pháp bị Nhật bắt giam hồi trước.

Ngày 23 tháng 9, vào khoảng 4, 5 giờ sáng, Pháp quân bất thình lình kéo đến chiếm đóng các sở Công An, Cảnh sát Trung ương, kho bạc, rồi thừa đà thắng, chiếm luôn Tòa Thị Sảnh (trụ sở của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ).  Trở tay không kịp, các yếu nhân VM chạy vào chợ Đệm. Dân chúng đã tản cư từ mấy ngày trước, nay lại tiếp tục tản cư thêm. Thành phố Sài Gòn lại trở vào tay quân đội Pháp kiểm soát.

Để trả miếng, ngày 24 tháng 9, một số Pháp kiều bị bắt cóc, bị giết chết, phòng phát điện bị giật mìn. Cédile liền cho áp dụng biện pháp lấy võ khí phân phát cho thường dân Pháp sử dụng để chống khủng bố; đồng thời bắt nhiều người tình nghi là thân Việt Cộng đem giam cầm.

Theo lời khuyên của Đại tướng Gracey, vị Tổng Tư Lệnh quân đội Đồng Minh đến giải giới quân đội Nhật Bản, thì nên có một cuộc tiếp xúc giữa Cédile với Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ. Ngày mồng 5 tháng 10, đôi bên đã gặp nhau, nhưng lập trường xa cách không đi đến một kết quả nào! Cũng ngày mồng 5 tháng 10, VM đưa điều kiện:

 – “Tước hết khí giới quân đội Pháp, bắt Pháp phải tập trung vào một nơi. VM sẽ trở lại nắm chính quyền như tình thế trước ngày 23 tháng 9. VM sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm giữ an ninh trật tự và tiếp tế lương thực cho quân đội Pháp tập trung.”

Dĩ nhiên là Pháp không bao giờ lại chịu điều kiện ấy.

Cũng ngày mồng 5 tháng 10, Tướng Leclerc đã có mặt ở Sài Gòn, chiến hạm Pháp cũng tiếp tục cập bến Sài Gòn, quân số đổ bộ khá đông; lại nhờ được thế của Đồng Minh Anh Cát Lợi ủng hộ. Leclerc quyết định dẹp tan phong trào chống Pháp để thực hiện mục đích tái chiếm Đông Dương. Trước hết, Leclerc cho quân nhảy dù và đổ bộ thêm quân xuống chiếm Cam Bốt và Ai Lao.

Ngày 12 tháng 10, Pháp tung quân đánh chiếm Gia Định, Gò Vấp và Phú Mỹ.

Ngày 23 và 25 tháng 10, quân Anh, Ấn tiến đánh chiếm Thủ Dầu Một và Biên Hòa.

Ngày 29 tháng 10, chiếm đóng Vĩnh Long.

Ngày 30 tháng 10, chiếm đóng Cần Thơ.

Ngày mồng 1 tháng 12, Pháp xua quân tiến chiếm Ban Mê Thuộc, rồi đổ bộ Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Lạt. Và cách ít ngày sau, các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau đều bị Pháp quân chiếm đóng.

“Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ” từ Cái Bè rút xuống Cù Lao Bến Tre, thực hiện theo đúng kế hoạch Nga Sô: “Vườn Không Nhà Trống”. Các thị trấn bị thiêu hủy thành đống tro tàn, đường giao thông bị cắt, cầu bị phá hủy, v.v…  Sức chiến đấu lúc bấy giờ hoàn toàn do nhân dân tự động tổ chức. 

NHÂN DÂN MIỀN NAM ĐOÀN KẾT TỰ ĐỘNG KHÁNG CHIẾN 

Nhân dân miền Nam không phân biệt đảng phái và tôn giáo, đã hợp nhất để thành lập 4 sư đoàn dân quân kháng chiến.

Đệ Tam Sư Đoàn là một trong 4 sư đoàn nói trên được thành lập gồm các bộ đội với thành phần lớn là những chiến sĩ của:

 – Việt Nam Quốc Dân Đảng

 – Việt Nam Quốc Gia Đảng

 – Ban Cảm Tử Huỳnh Long Đảng

 – Việt Nam Thanh Niên Ái Quốc Đoàn

 – Một phần Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Giáo 

Đệ Tam Sư Đoàn do Nguyễn Hòa Hiệp, một chiến sĩ VNQDĐ chỉ huy.

Ngày 22 tháng 9 năm 1945, trước uy thế của thực dân Pháp dự định đè bẹp các làn sóng cách mạng để tái lập chủ quyền trên lãnh thổ Đông Dương. Tất cả các chiến sĩ đều đồng lòng hợp nhất dưới bóng cờ “Nam Bộ Vệ Quốc Liên Quân Đệ Tam Sư Đoàn”, hăng hái chờ lệnh tiêu diệt quân thù.

Mở màn chiến cuộc trên mặt trận Gò Vấp, từ Thị Ngè, Cầu Bông đến Tân Bình, Bà Quẹo. Đệ Tam Sư Đoàn với một quân số trên dưới 5.000 chiến sĩ đã gây cho tập đoàn quân xâm lược nhiều phen tán đởm kinh hồn trong những trận du kích ác liệt từ Gò Vấp tới An Nhơn; từ Chợ Cầu đến Chợ Cây Xoài và cầu Bến Phấn.

Trong chiến tuyến Cầu Quan, Tha La, Đệ Tam Sư Đoàn với vũ khí thô sơ đã gây cho quân Pháp với cả đại bác 75 ly trong vòng một tháng đã không chọc thủng được mặt trận này.

Mặt khác, dùng lợi thế bưng biền của khu Lộc Giang, Phước Chỉ, Rạch Tràm, Đệ Tam Sư Đoàn phát triển mạnh du kích chiến, phá hoại tiềm lực của thực dân từ Hốc Môn đến Củ Chi, Suối Cụt; từ Đức Hòa, Hiệp Hòa đến Lộc Giang, Sóc Nóc. Đặc biệt trong trận chiến quận lỵ Sóc Nóc đã giải thoát được một số lớn đồng bào bị thực dân bắt giam tại đấy.

Quân số của Đệ Tam Sư Đoàn đã tăng lên tới 15.000 chiến sĩ khi đến Cao Lãnh và tổ chức gồm có:

23 Bộ Đội (mỗi Bộ Đội có quân số từ 500 đến 600 người).

Các ban tham mưu, cơ sở chuyên môn (cơ khí, y tế, tiếp tế, tình báo, liên lạc, v.v…)

Từ miền Đông băng qua Đồng Tháp Mười mênh mông sình lầy nước đọng để dến miền Tây, Đệ Tam Sư Đoàn bắt đầu gặp những khó khăn do lực lượng Cộng Sản gây nên. Nhất là khi đến Cao Lãnh và đã bắt buộc phải dùng lực lượng võ trang để đè bẹp và đẩy lui các thành phần Cộng Sản phá hoại và phản bội.

Cách 2 tháng sau, quân Pháp đã từ tiền đồn Sa Đéc, cửa ngõ của Đồng Tháp Mười, tràn ngập tiến vào Cao Lãnh, Tổng hành dinh của Đệ Tam Sư Đoàn vào giữa mùa xuân 1946. Trước áp lực này, Bộ Tư Lệnh sư đoàn lại trở về miền Đông, và đã thanh toán một đồn lớn của Pháp, thu được rất nhiều khí giới, thực phẩm và quân nhu.

Vượt khỏi đồn này tiến quân về miền Đông, lại bị một đại đội thuộc lực lượng Cộng Sản chặn đánh; đội tiền quân của Đệ Tam Sư Đoàn đã đánh tan và thu được 15 súng trường.

Từ ngày Đệ Tam Sư Đoàn trở lại chiến tuyến miền Đông, đại đơn vị này đã phải lâm vào thế “lưỡng đầu thụ địch”: một mặt phải chống Pháp và một mặt phải ngăn ngừa các cuộc đột kích phá hoại, bắt cóc cán bộ, ám sát cấp chỉ huy do Cộng Sản điều khiển. Đến sau ngày ký hiệp định 6-3-1946, Cộng Sản đã không ngần ngại bí mật cung cấp tin tức cho phòng nhì Pháp, để tiêu diệt Đệ Tam Sư Đoàn.

Sự phản bội kháng chiến của Cộng Sản tại Nam Bộ là một lý do chính yếu, khiến Đệ Tam Sư Đoàn và Bộ Tham Mưu trở về thành, phân tán hòa mình trong dân chúng. Riêng các cán bộ VNQDĐ trong Đệ Tam Sư Đoàn đã rút vào bí mật; nỗ lực duy trì cơ sở dưới mọi hình thức qua các trào lưu thực dân và độc tài. (1) 

QUÂN ĐỘI TRUNG HOA TIẾN VÀO BẮC VIỆT VÀ BẮC TRUNG VIỆT 

Quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng tiến vào Hải Phòng 1945

Quân đội Trung Hoa từ tỉnh Vân Nam, kẻ mang giày cao su, người đi đất, lôi thôi lếch thếch tiến vào Bắc Việt vào cuối tháng 8 năm 1945. Đạo quân thứ 39 tiến vào tỉnh Lao Kai xuống đóng tại Hà Nội. Đạo quân thứ 62 tiến vào Lạng Sơn, Cao Bằng thẳng xuống Hà Nội. Đạo quân thứ 52 tiến thẳng xuống thành phố Hải Phòng và các tỉnh miền duyên hải. Đạo quân thứ 60 tiến thẳng vào Bắc Trung Việt, đóng rải rác từ Vinh đến Đà Nẵng. Tổng số là 180.000 binh sĩ thuộc dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Lư Hán. (2)

 Các đạo quân Vân Nam và Quảng Đông tiến vào Bắc Việt và Bắc Trung Việt, chúng coi như là một tỉnh bị chiếm đóng để người Trung Hoa sang cai trị. Bao nhiêu những biệt thự, những nhà lầu to lớn, chúng đều đuổi gia chủ chiếm lấy để ở. Ra tay khủng bố bắt đồng bào của họ, những người đã hợp tác kinh doanh với người Nhật để làm tiền, nhiều người bị tịch thu cả tài sản, để chúng có tiền may sắm quần áo, cùng giày dép mới. Đi chợ mua thực phẩm, chúng không trả tiền, hoặc có trả thì trả một giá rẻ mạt, gần như mua quỵt. Nhất là vấn đề đem tiền Quan Kim của Trung Hoa đổi lấy tiền Đông Dương để mua bán (3), đã gây nên bao thảm họa cho dân chúng Việt Nam.

 Đại tướng Lư Hán mãi đến ngày 18 tháng 9 năm 1945 mới đáp phi cơ tới Hà Nội, đuổi bọn Sainteny ra khỏi dinh thự Toàn Quyền, rồi chiếm ngụ ở đó.

Biết rõ tình hình người Trung Hoa, còn ai hơn ông Hồ Chí Minh! Để đấm mõm trước, họ Hồ cho trích quỹ “Tuần Lễ Vàng” đánh một khay đèn cùng đầy đủ dụng cụ hút nha phiến toàn bằng vàng, cùng hàng tấn nha phiến hảo hạng đem tặng cho Lư Hán; và các đồ vật quý khác cũng bằng vàng tặng cho Tiêu Văn và các vị tướng lãnh cao cấp khác.

 Để trấn an dư luận, ông Hồ Chí Minh ra lệnh cho các báo đăng tin: “Quân đội Trung Hoa đến đây là để giải giới quân đội Nhật Bản, không có tham vọng gì về đất đai của chúng ta. Chúng ta phải tỏ cảm tình mật thiết giữa hai dân tộc…”

 – “Quân đội Trung Hoa sang đây là để giúp đỡ dân tộc chúng ta hoàn thành nền độc lập của chúng ta…”

_____

(1) Trích theo tài liệu tuần san “Chính Nghĩa” số 1, tháng 6 năm 1964.

(2) Vào tháng Chạp 1945, đạo quân Trung ương thứ 53 được phái sang thay thế cho đạo quân 52 và 62 rút về Trung Hoa.

(3) Một đồng Quan Kim định giá là 1đ 50 tiền Đông Dương Ngân Hàng.

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm vào đọc tiếp chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt