Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (18)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương III: “LỊCH SỬ VIỆT NAM BƯỚC VÀO KHÚC QUẸO – CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐOẠT CHÍNH QUYỀN

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

Chương III: LỊCH SỬ VIỆT NAM BƯỚC VÀO KHÚC QUẸO

CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐOẠT CHÍNH QUYỀN

Theo dõi đài phát thanh ngoại quốc, tin Nhật Bản sửa soạn đầu hàng Đồng Minh được loan truyền đi rất nhanh chóng. Trong khi ấy thì các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng hầu hết cán bộ cao cấp trong “Mặt Trận Việt Minh” (1) đều có mặt ở Tân Trào (Tuyên Quang) họp hội nghị. Khi nhận được tin Nhật Bản sắp đầu hàng Đồng Minh, hội nghị họp gấp để bế mạc. Đại Biểu “Dân Chủ Đảng (DCĐ)” (2) ra về, các cán bộ CS được mật lệnh ở lại họp phiên riêng, để nhận huấn lệnh đặc biệt trong việc đối phó với các phần tử DCĐ, các đảng phái quốc gia và các nhóm nhân dân tự động, để ngầm nắm trọn chính quyền nhân dân về tay ĐDCSĐ. 

Trần Đình Long, một cán bộ CS thâm niên có mặt ở Hà Nội lúc ấy, tìm Đoàn Xuân Tín tức Lê Trọng Nghĩa, một Trung ủy DCĐ, thành lập ngay “Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng”, thành phần trong ủy ban đa số là đảng viên DCĐ. Vấn đề cấp tốc đoạt chính quyền được đề ra, một số bàn nên sách động quần chúng. Cuối cùng giải pháp của Đoàn Xuân Tín là thuyết phục Khâm Sai Phan Kế Toại và Phan Anh Bộ trưởng bộ Thanh Niên hiện có mặt tại Hà Nội được đa số tán thành. Phan Kế Toại thì đã có con trai là Phan Kế Bảo, một phần tử trong hàng ngũ VM làm liên lạc; còn Phan Anh thì đã có người em là Phan Mỹ đảng viên ĐDCSĐ làm liên lạc.

Tất cả sự kiện liên lạc và thuyết phục Phan Kế Toại, Trần Văn Lai … chúng tôi đã trình bày rõ ràng ở một chương trên.

Sau 80 năm bị lệ thuộc, dân tộc Việt Nam chỉ thèm khát độc lập, và không biết gì đến những khuynh hướng chính trị của phe này với nhóm khác. Người dân Việt Nam nghĩ rằng miễn là nước được độc lập, còn đảng nào, phái nào lãnh đạo cuộc tranh đấu giành độc lập hay cầm chính quyền cũng vậy, cốt là “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”

Một yếu tố khác, ngót hai triệu đồng bào chết đói vừa qua, là chết để đem linh hồn thức tỉnh ý chí những kẻ còn sống phải phục thù rửa hận cho toàn dân. Đó là hoàn cảnh tạo nên cuộc cách mạng âm ỷ trong đầu óc mọi người dân Việt, khác nào như một kho thuốc nổ, chỉ còn đợi người nào hoặc đoàn thể nào châm ngòi lửa là bùng nổ. Lò thuốc súng đã có người châm, ngòi đã nổ, quần chúng ùa chạy theo Việt Minh Cộng Sản.

Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, vào hồi 8 giờ hơn, đoàn cán bộ Việt Minh tất cả chưa tới con số 30 người với 17 khẩu súng lục, tiến đến Nhà Hát Lớn Hà Nội. Mấy cán bộ lên đọc ngập ngừng những lời hiệu triệu yếu ớt trước máy phóng thanh với rất đông quần chúng tay cầm lá cờ giấy, lá cờ giấy đỏ sao vàng từ 5 cửa ô tiến vào, hợp với số dân chúng Thủ Đô đã đứng đợi từ sớm. Đến hồi 10 giờ bắt đầu biến cuộc biểu tình thành tuần hành thị uy tiến về phía Khâm Sai phủ.

Khâm Sai phủ lúc bấy giờ chỉ còn lại một mình Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và 50 binh sĩ Bảo An. Bác sĩ Chữ cho gọi lấy máy phóng thanh để nói chuyện với dân chúng một vài lời, thì được trả lời các máy phóng thanh đã cho VM mượn hết.

 Bất đắc dĩ phải thân ra tận hành rào sắt, đứng trong nói ra với dân bên ngoài, dân chúng yên lặng nghe. Một lát sau, một thanh niên đã từng ra vào Khâm Sai phủ nói chuyện với Phan Kế Toại nhiều lần và cả với Bác sĩ Chữ nữa, rút súng chĩa vào Bác sĩ Chữ. 

 – “Trong đại sự phải gác bỏ tình nghĩa riêng tây, tôi yêu cầu ông mở cửa.”

 – “Thượng cấp các ông nhất định không chịu thay đổi ý định!”

 – “Vâng!”

 Chỉ tay vào khẩu súng, Bác sĩ Chữ nói:

 – “Ông hà tất phải dùng thủ đoạn này! Tôi không sợ súng! Tôi buồn cho tương lai nước nhà!”

 Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ quay vào, ra lệnh cho Bảo An Binh mở cửa; bởi ông nghĩ rằng: “Hạ lệnh cho Bảo An Binh bắn vào dân chúng để giải tán biểu tình, liệu Bảo An Binh có tuân lệnh không? Nếu Bảo An Binh tuân lệnh, giải tán được cuộc biểu tình hôm nay với vài ba người dân bị thương nhẹ, nặng, hoặc tử thương thì những ngày sau, lòng căm hờn của dân chúng được VM CS kích thích, tất sẽ đưa đến những cuộc bạo động này, bạo động khác liên tiếp; hỏi Bảo An Binh có thể giữ cho được khỏi rơi vào tay VM CS được không? Mà chính cấp chỉ huy Bảo An Binh Hà Nội đã theo VM CS rồi!

Sau khi Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ ra lệnh mở cửa cho VM CS vào Khâm Sai phủ, cán bộ VM CS liền tước hết khí giới Bảo An Binh, rồi cho về trại.

Tòa Thị Chính cũng như trại Bảo An Binh đều mở rộng cửa ra mời VM CS vào.

Và sau đó Bác sĩ Trần Văn Lai cũng được mời tới Khâm Sai phủ. Cán bộ VM CS mời hai Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Lai ra xe hơi đưa qua cầu Long Biên tiến về một làng quê giam lỏng cả hai người vào một nơi, cứ thế hết làng này tới làng khác, mỗi làng giam lỏng vài tháng; tất cả đến 5 tháng, nghĩa là sau ngày bầu xong quốc hội, VM CS mới đưa 2 Bác sĩ về giam ở nha Công An Hà Nội ít ngày rồi trả tự do. (3) 

VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MUÔN NĂM! 

Cướp được chính quyền ở Thủ Đô Bắc Việt, phong trào lan khắp các tỉnh. Việt Minh địa phương tự động nổi lên, không gặp một sức phản ứng nào! Lính Bảo An chạy dài, quan lại đầu hàng, một số bị bắt, bị giết chết. Duy có 3 tỉnh: Hà Giang bị VNQDĐ chiếm đóng ngay từ sau ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh. Thứ đến tỉnh Vĩnh Yên, VNQDĐ cũng đánh chiếm một vài ngày sau khi VM CS cướp chính quyền ở Thủ Đô. Thứ 3 là tỉnh Hà Đông.

 Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong khi các công chức tỉnh Hà Đông đương tập thể dục tại sân vận động Thành phố, cán bộ VM CS len lỏi đến hô hào biểu tình ủng hộ VM CS; nhưng bị Giám đốc Bảo An Binh là Quản Dưỡng ngăn chặn kịp thời nên cuộc vận động của VM CS không thành.

Sang ngày 18, Quản Dưỡng cho mổ bò thết tiệc các binh sĩ thuộc dưới quyền, rồi ra lệnh thiết quân luật, niêm yết cáo thị trước trại Bảo An Binh, bố trí canh phòng cẩn mật.

Ngày 19, Việt Minh CS đã đoạt được chính quyền ở Hà Nội. Kim Giang, một cán bộ VM CS dẫn một số đông đồng chí đến tỉnh Hà Đông, uy hiếp Tổng Đốc Hồ Đắc Điềm thành lập Ủy ban Cách mạng do Kim Giang làm Chủ tịch. Hồ Đắc Điềm rút lui, lãnh công tác xã hội: đốc thúc việc hộ đê.

Hà Đông bị vỡ đê, nước tràn ngập vào thành phố. Kim Giang phái cán bộ vận động quần chúng kéo đến trại Bảo An Binh, xô nhau tiến vào, không thèm đếm xỉa đến Quản Dưỡng. Quản Dưỡng ra lệnh bắn. Kết cục dân chúng bị thương bị chết hàng mấy chục người, số còn lại đều bị bắt giam trong trại Bảo An Binh. Cho mãi đến buổi chiều ngày hôm sau mới được thả ra.

Sang ngày 21, Quản Dưỡng được tin VM CS đã đoạt được chính quyền ở nhiều tỉnh. Quản Dưỡng đã lâm vào cô thế, tiếp tế khí giới cũng như lương thực đều không trông cậy vào nơi đâu! Không thể nào chống giữ một cách lâu dài được! Ông bèn lặng lẽ lén rút lui trên một chiếc xe hơi của quân đội Nhật Bản định rời khỏi tỉnh Hà Đông. Không may bị VM CS chặn lại bắt được đem tống giam.

Cách hai tuần sau, đem ra xử trước Tòa án Nhân dân theo kiểu VM CS, Quản Dưỡng bị kết án tử hình, và bản án ấy được thi hành ngay buổi sáng ngày hôm sau tại sân trại Bảo An Binh.

Trước khi trút linh hồn, Quản Dưỡng đã hô to:

– “VIỆT NAM MUÔN NĂM!  VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MUÔN NĂM!” 

KHỦNG BỐ, GIAM CẦM VÀ THỦ TIÊU 

Tin tức được loan truyền rất mau lẹ: “Cộng Sản Việt Nam đã đoạt được chính quyền.” Tờ báo Tin Mới được sung công tức khắc dùng làm guồng máy tuyên truyền ầm ỹ cho Mặt Trận Việt Minh.

Chính quyền địa phương VM tự động vu cho người này là Việt gian, kẻ kia là phản động, ác bá, cường hào, bắt giam và thủ tiêu không biết bao nhiêu mà kể! Mà Ủy ban Hành chính địa phương lúc bấy giờ hầu hết là những phần tử bất hảo nổi lên, vì tư thù cũng gán ngay cho tội là phản động, là cường hào ác bá! Tịch thu tài sản …

Tại Hà Nội, ngay buổi tối ngày 19 tháng 8, cán bộ Cộng Sản kéo đến vây số nhà 23 phố Cửa Nam, trụ sở của VNQDĐ, bắt 8 người; trong số đó có Phạm Văn Hể, Nguyễn Đăng Đóa, Nguyễn Phi Bằng và Nguyễn Văn Tố là những Ủy viên trong Ban Chấp hành Tổng Bộ nằm trong vòng bí mật của VNQDĐ. Cho mãi tới sáng ngày hôm sau, Nguyễn Văn Chấn đến can thiệp với Khuất Duy Tiến các người trên mới được thả ra. Các lãnh tụ cũng như một số cán bộ, những người mà Cộng Sản biết rõ tông tích đều lẩn tránh hết.

Để khủng bố tinh thần các đảng phái cách mạng Quốc Gia. Sau 11 ngày cướp được chính quyền, VM CS ra lệnh cho Công An bắt cóc Nguyễn Thế Nghiệp (4) và vợ chồng Nguyễn Ngọc Sơn.

Nguyễn Thế Nghiệp và Nguyễn Ngọc Sơn, VM CS đưa lên giam tại đình làng Đông Ngạc tức làng Vẽ, rồi cách ít ngày sau, đem thủ tiêu vào buổi sớm tháng 9 năm 1945 tại ghềnh sông làng Chèm tức là làng Thụy Phương, cách Hà Nội độ 10 cây số. Còn vợ Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Thị Thăng, thì đưa đi giam tại Thái Nguyên. Đào Chu Khải cũng bị VM CS bắt trên căn lầu tại một ngôi nhà ở phố Rollandes, Hà Nội, đưa lên Tứ Tổng hành hạ và đánh đập rất tàn nhẫn, rồi thủ tiêu ở đấy.

 Về phía biên giới Việt-Hoa, Hồ Chí Minh ra lệnh cho đàn em của ông, những phần tử Cộng Sản trung thành với chủ nghĩa, chăng lưới sắt suốt một khoảng đường dài biên giới, do Dương Hoài Nam, Bùi Ngọc Thanh, v.v… chỉ huy, bắt hết những anh em cách mạng, những đồng chí của họ Hồ trong tổ chức VNCMĐMH từ Côn Minh, Quảng Châu, Liễu Châu… trở về nước.

 Người nào chịu theo, tức là đầu hàng Cộng Sản thì được đưa về Hà Nội tùy tài sử dụng, như Bùi Văn Hạch, Trần Ngọc Tuân, Trần Đức Chinh và hàng trăm thanh niên cán bộ VNQDĐ và VNPQĐMH. Người nào không chịu theo, tức thời Cộng Sản dùng áp lực quân sự dẫn vào trong rừng thẳm thủ tiêu. 

Bị dồn vào thế Cộng Sản, Trần Ngọc Tuân, một cán bộ cao cấp VNQDĐ đổi tên là Trần Xuân Sinh, được Tổng Bộ Việt Minh cử làm chủ bút tờ báo “Cứu Quốc” để chuyên môn tuyên truyền bôi nhọ VNQDĐ.

Bùi Văn Hạch cũng là một cán bộ cao cấp VNQDĐ đổi tên là Bùi Đức Minh. Tổng Bộ VM cử làm Tổng Giám Đốc Công An Hà Nội, để tra khảo các Đảng viên VNQDĐ mà mới cách ít ngày trước, những người ấy đều là đồng chí với Bùi Văn Hạch.

Hàng trăm thanh niên cán bộ, đảng viên, một số được Tổng Bộ VM cử làm huấn luyện viên các trường Quân sự, Công Binh xưởng, v.v… 

CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ CÁO CHUNG 

Ngày 21 tháng 8 năm 1945, cán bộ Cộng Sản Việt Nam thúc đẩy một số sinh viên Đại học cùng một số trí thức, chính trị xu thời ở Hà Nội triệu tập một cuộc họp tại trú khu sinh viên Đại Học, thảo kiến nghị gởi vào Huế, yêu cầu Hoàng Đế Bảo Đại vì quốc gia dân tộc mà thoái vị; tiếp theo lại một số điện văn từ Hà Nội đánh vào Huế thúc dục nhà vua.

Tại kinh đô Huế, từ ngày 20 tháng 8, đã thấy một số thanh niên đi căng biểu ngữ và dán bích chương cùng đường, hô hào dân chúng biểu tình để lập Ủy ban Cách mạng. Trước hành động như vậy, mà Triều đình chẳng có một phản ứng nào!

Triều đình Huế chỉ còn trơ lại có Hoàng Đế Bảo Đại. Từ Thủ tướng đến Bộ trưởng đã rút lui mỗi người đi mỗi nơi; bởi CS cho kẻ phao đồn đến tai các vị Bộ trưởng, là CS được các quốc gia Đồng Minh ủng hộ, có đủ tầu bay, xe tăng, thiết giáp và súng đạn rất nhiều; dầu Triều đình có chống lại cũng bằng vô ích! Hơn nữa, Triều đình là do quân đội Nhật Bản tạo nên, mà Nhật Bản lúc này là kẻ thù của Đồng Minh.

Giữa khi ấy, vị Tư lệnh quân đội Nhật Bản ở Huế vào yết kiến Hoàng Đế Bảo Đại, tự hiến giúp nhà Vua quét sạch CS một cách mau lẹ không khó khăn gì, vì lực lượng CS ngay ở Thủ Đô Hà Nội cũng chẳng có gì là đáng kể!  Huống hồ là các tỉnh lẻ! Và nhất là ở Trung và Nam Việt lúc đó vẫn còn hoàn toàn thuộc ảnh hưởng nhà Vua.

Bởi ngồi trong điện ngọc lầu vàng, vua Bảo Đại chẳng hiểu tình thế xã hội ra sao! Hơn nữa, triều thần thì đã bỏ đi hết, không còn biết hỏi ý kiến ai! Với thế cô lập, nhà Vua không chấp thuận đề nghị của Tư lệnh Nhật Bản, để tránh một cuộc nội chiến, đi tới huynh đệ tương tàn.

Ngày 22 tháng 8, nhà Vua đánh điện tín mời Đại Biểu Cộng Sản VN vào Huế để thành lập Nội Các, thay thế cho Nội Các Trần Trọng Kim. CS phúc đáp từ chối. Cũng ngày hôm ấy, nhiều thanh niên đã kéo đến chiếm giữ các công sở tại Thần Kinh, mà không gặp một sức phản ứng nào!

Ngày 24 tháng 8, Hoàng Đế Bảo Đại chuẩn y lời yêu cầu của Ủy ban Cách mạng Hà Nội: vui lòng thoái vị xuống làm công dân một nước độc lập.

Điềm chẳng lành mà cờ “Quẻ Ly” đã báo hiệu (nếu tin là có) đến đây đã thấy chứng thực. Ba vạch, hai liền (Ky) một đứt (Ngẫu) là hình quẻ Ly trong Kinh Dịch: “Nhất âm lệ ư nhị dương chi gian”. Hình Quẻ Ly giống chữ Vương, khác là ở chữ Vương có nét sổ, ở quẻ Ly nét sổ lại trống không (vua không xương sống) lấy gì mà chống đỡ nền quân chủ! Không những quốc dân đã xa Triều Đình, cả đến các nơi chính quyền, khắp các chính giới, các ngành chuyên môn thuộc Triều Đình, lại ngay quân đội của Triều Đình, không nơi nào thấy một cột nhỏ có thể dựng được!

Ngày 25 tháng 8, tại Ngọ Môn Đài, Kinh đô Huế, vị Hoàng Đế cuối cùng Triều Nguyễn đã ban chiếu thoái vị, và trịnh trọng trao quốc ấn cùng bảo kiếm, biểu hiệu ngai vàng cho đại diện Ủy ban Cách mạng là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận rồi tiếp nhận huy hiệu “Người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, và lấy tên là “Công dân Vĩnh Thụy.”

Ngày 29 tháng 8, trong một bản Tuyên ngôn gửi các quốc gia trên thế giới, Vua Bảo Đại tuyên bố: “Tôi đã thoái vị và hân hạnh được làm một công dân của một quốc gia độc lập.” Và dưới đây là nguyên văn bài chiếu thoái vị:

 “Ngày 25 tháng 8 năm 1945

 Hạnh phúc của dân Việt Nam

 Độc lập của nước Việt Nam”

Muốn đạt được mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả mọi phương diện; và cũng vì mục đích ấy, nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều bổ ích nhất cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân. Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng:

Trong giờ phút nghiêm trọng này đoàn kết là sống, mà chia rẽ là chết!

Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên cao quá, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam, Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân, lại có cơ hội thuận tiện cho người ngoài lợi dụng.

Cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ tới công lao Liệt Thánh vào sinh ra tử trong gần 400 năm, để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa đến Hà Tiên.

Mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm được điều gì có ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn.

Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ Cộng Hòa.

Trong khi trao quyền cho Chính phủ mới, Trẫm chỉ có mong ước 3 điều sau này:

1. Đối với Tôn Miếu và lăng tẩm của Liệt Thánh, Chính phủ mới xử trí thế nào cho có sự thể.

2. Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ sẽ lấy sự ôn hòa xử trí, để những phần tử ấy cũng có thể dự vào sự kiến thiết quốc gia, và tỏ rằng Chính Phủ Dân Chủ Cộng Hòa nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

3. Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết tất cả các giai cấp, các đảng phái cho tới các người Hoàng tộc cũng vậy, đều hợp nhất mà triệt để ủng hộ Chính phủ Dân Chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay!

Từ nay Trẫm lấy làm vui, được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa! 

VIỆT NAM ĐỘC LẬP MUÔN NĂM!

DÂN CHỦ CỘNG HÒA MUÔN NĂM! 

Khâm thử

Phụng Ngự ký: BẢO ĐẠI 

CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 

Chế độ Quân chủ đã chính thức tuyên bố cáo chung. Các Đảng phái cách mạng dân tộc, sau khi nghe ngóng cũng không hề có một phản ứng chống đối nào! Các ông lãnh tụ ấy đã mạnh ai nấy chạy trốn lánh hết!

Ngày 28 tháng 8, ông Hồ Chí Minh cùng mấy yếu nhân Cộng Sản mới từ Tân Trào bí mật trở về Hà Nội, lén đến ở nhà Trịnh Văn Bính ở phố Hàng Đào.

Ngày 29 tháng 8, ông Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Lâm thời. (5)

Ngày mồng 2 tháng 9, tại vườn hoa Ba Đình, thiết lập bàn thờ Tổ quốc. Cờ đỏ sao vàng rợp trời! Dân chúng đến tham dự có tới mấy trăm ngàn người!

Đúng 15 giờ, một ông già cao mảnh khãnh từ từ bước lên khán đài. Trần Huy Liệu (6) trịnh trọng giới thiệu với đồng bào đến dự lễ “Độc Lập” là cụ Hồ Chí Minh chủ tịch Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Giới cách mạng Việt Nam chỉ biết Nguyễn Ái Quốc là ông trùm Cộng Sản, chứ chưa hề được nghe tên Hồ Chí Minh là một nhân vật cách mạng Việt Nam bao giờ! Ngay cả những ông trong tổ chức VNCMĐMH hàng ngày các ông ấy ăn chung ở đụng với ông Hồ Chí Minh; nhưng người ta rất thơ ngây không biết chính Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Ái Quốc đấy! Cho nên dân chúng còn làm sao mà biết được ông Hồ Chí Minh là ai?

 

Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 02-09-1945. Cũng là giây phút đưa dân tộc Việt Nam vào nền cai trị của độc tài toàn trị Cộng Sản, một đại họa cho dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam hoàn toàn tự chủ; đoạn giơ cao tay phát thệ:

 – “Thề không điều đình với Pháp!

 – “Thề chết chứ không chịu nô lệ!

 – “Thề không đi lính cho Pháp!

 – “Thề không đưa đường cho Pháp!

 – “Thề không tiếp tế cho Pháp!…

 Làn sóng người dự lễ giơ thẳng cánh tay hò hét vang dội “XIN THỀ.”

 Tới ngày 20 tháng Chín, Chủ tịch Hồ Chí Minh (7) ra sắc lệnh cử công dân Vĩnh Thụy làm cố vấn tối cao cho Chính phủ. Vĩnh Thụy đã đóng vai trò chính trị ấy một cách hết sức lơ đãng.

 Ông Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ, công khai ra bản tuyên cáo và ra mắt dân chúng. Các báo chí Quảng Tây đều đăng tải tin ấy. Tư lệnh Trương Phát Khuê, một vị tướng quyết liệt chống Cộng rất lấy làm công phẫn bởi mục đích của ông là sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, thì Đồng Minh sẽ giúp đỡ cho VNCMĐMH đứng lên lập Chính phủ; chứ không ủng hộ cho một đoàn thể riêng rẽ nào! Nay ông Hồ Chí Minh đã phản bội VNCMĐMH ra lập Chính phủ hoàn toàn Cộng Sản, là một điều trái với ý định của Chính phủ Tưởng Giới Thạch. 

Tư lệnh Trương Phát Khuê liền phái Tiêu Văn đại diện cho Đệ Tứ Chiến Khu sang Việt Nam để tìm cách hỗ trợ cho VNCMĐMH thành lập chính phủ, đồng thời phái 4 đại đội, đều là chiến sĩ trong tổ chức VNCMĐMH trợ lực quân sự cho Tiêu Văn.

 – Đại đội I do Đặng Văn Ý chỉ huy từ đường Bảo Lộc tiến vào Bắc Việt.

 – Đại đội II do Bồ Xuân Luật chỉ huy từ đường Bắc Sơn tiến vào Bắc Việt.

 – Đại đội III do Lê Tùng Sơn (8) chỉ huy.

 – Đại đội IV do Vũ Kim Thành chỉ huy tiến về phía Đông Hưng, Móng Cái.

 Về tới Hà Nội, Tiêu Văn bị đấm mõm bằng vàng, trích trong “Tuần Lễ Vàng”. Vũ Kim Thành đóng quân lại Móng Cái; còn 3 vị chỉ huy được ông Hồ Chí Minh mời dự một bữa tiệc, cho phục binh uy hiếp. Đặng Văn Ý tự sát, hai vị còn lại đầu hàng, Bồ Xuân Luật được cử giữ chức Bộ trưởng không giữ bộ nào trong Chính phủ Hồ Chí Minh.

 Vì sự phản bội này, Bồ Xuân Luật bị các đồng chí ra lệnh giết chết nhưng đã trốn thoát được. 

PHONG TRÀO VIỆT MINH XUẤT HIỆN TẠI NAM VIỆT 

Tại Sài Gòn mãi đến đêm 24 tháng 8, Thanh Niên Tiền Phong (9) công khai đi các ngã tư thành phố kéo cờ màu đỏ ngôi sao vàng lên các cột cờ. Các công chức giữ địa vị quan trọng tại các công sở đã ngã theo VM, và ngay đêm hôm đó VM cử Đại Biểu đến yêu cầu quyền Khâm Sai Hồ Văn Ngà từ chức. Họ Hồ vui lòng giao ngay Khâm Sai phủ (dinh Gia Long) cho VM vì ông đã được tin Hoàng Đế Bảo Đại đã ban chiếu thoái vị, mà Khâm Sai Nguyễn Văn Sâm (10) chưa về tới Sài Gòn.

Sáng ngày 25 tháng 8, các cán bộ của Thanh Niên Tiền Phong đã huy động một số lớn dân chúng quy tụ tại thị sảnh Sài gòn, để dự lễ ra mắt của “Lâm Ủy Hành Chính Nam Bộ” do Trần Văn Giàu làm chủ tịch.

 “Mặt Trận Việt Minh” chính thức ra đời ở Nam bộ, khẩu hiệu đầu tiên là kêu gọi  các đoàn thể quốc gia “Đại đoàn kết.”

 Cũng như Hà Nội, ngày mồng 2 tháng 9, Lâm Ủy Hành Chính cũng tổ chức một cuộc biểu tình ở sau Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn. Dân chúng đứng đợi từ hồi 15 giờ đến 16 giờ rưỡi, nhưng vẫn không được nghe lời tuyên bố “Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua luồng sóng điện theo như lời tuyên bố của ban tổ chức, mà phút chốc chỉ nghe thấy mấy tiếng súng nổ từ trong các nhà Pháp kiều ở phía góc đường bắn ra, làm cho vài thanh niên bị thiệt mạng và một số bị thương.

 Lập tức Thanh Niên Tiền Phong xông lên các nhà Pháp kiều bắt mấy người bị tình nghi, đem đi định giết chết; nhưng nhờ sự can thiệp của nhân viên trong ban tổ chức nên họ chỉ đánh đập, rồi đưa đi giam tại sở Công An.

=====================

Ghi chú: 

(1) Sau cuộc toàn quốc Đại Biểu Đại Hội ở Hương Cảng ngày 1 tháng 5 năm 1929, tổ chức VNTNCMĐCH biến thành hai đảng Cộng Sản: Đông Dương Cộng Sản Đảng do Trần Văn Cung tức Quốc Anh, Ngô Gia Tự tức Sĩ Quyết và Nguyễn Tuân tức Kim Tôn thành lập; An Nam Cộng Sản Đảng do Dương Hạc Đính cùng Lê Văn Hiến thành lập. Cách ít lâu sau một số cán bộ TVCMĐ là Hà Huy Tập, Trần Phú, Trần Phạm Hồ đứng ra tuyên bố giải tán TVCMĐ mà lập ra Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn. Thế là trong nước Việt Nam thời ấy có tất cả 3 đảng Cộng Sản. Tháng 4 năm 1930, Cao Hoài Nghĩa từ Thái Lan đến Hương Cảng nhận thấy sự hỗn độn ấy, tìm đến Hồ Tùng Mậu, yêu cầu họ Hồ phái người sang Thái Lan bày tỏ cho Nguyễn Ái Quốc biết.

Tháng 8 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đến Hương Cảng triệu tập Đại Biểu cả 3 đảng Cộng Sản ở Việt Nam sang họp ở Hương Cảng. Nhờ tài khéo dàn xếp của Nguyễn Ái Quốc mà cả 3 đảng đã hợp nhất, lấy tên chung là “Việt Nam Cộng Sản Đảng”, lệ thuộc trực tiếp với “Á Đông bộ.”

Tháng 2 năm 1931, sau khi về Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc lại ra lệnh cho Tổng Bộ VNCSĐ phải đổi tên lần nữa, vì lẽ đảng CS phải lãnh đạo cả phong trào ở Cao Miên và Ai Lao. Tên được đổi lại “Đông Dương Cộng Sản Đảng.”

Sau những vụ bạo động 1930-1931, bị Pháp bắt và sát hại nhiều, khiến dân chúng căm thù và oán ghét Cộng Sản. Rút kinh nghiệm đau thương ấy, tháng 5 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng Cộng Sản tại Tsin-Tsi (Trung Hoa) nhìn nhận rằng: những chủ trương bạo động khi trước là sai lầm, nay phải thay đổi chiến thuật theo chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế, là từ nay không được để lộ hình tích CS mà chỉ được hoạt động với bộ mặt “Ái Quốc” với bộ áo “Quốc Gia” và lấy danh nghĩa làm cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam thoát ách đô hộ của đế quốc Pháp mà thôi. Nếu những hành động mà làm cho lộ mặt Đảng CS đều bị coi như những hành động chống lại đảng, và sẽ bị xử theo tội ấy. Thực hiện đúng theo kế hoạch mới này, ngày mồng 8 tháng 9 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tuyên bố thành lập “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” gọi tắt là “Việt Minh” là một tổ chức hoàn toàn Cộng Sản, nhưng cái danh hiệu lại hoàn toàn có vẻ ái quốc và đoàn kết các tầng lớp giai cấp xã hội để tranh đấu cho độc lập của quốc gia Việt Nam.  Ngoài đảng CS còn có 2 đảng tham gia MTVM là “Dân Chủ Đảng” và “Đảng Xã hội”. (Xem Chương I, Thiên Thứ 2)

Năm 1945, số đảng viên Cộng Sản chưa đầy 2.000 người, cuối năm 1946 đã lên tới gần 20.000 người. Đến đầu năm 1960, số đảng viên CS đã lên tới 50.000 người. Nguyễn Ái Quốc cho rằng đã đủ sức mạnh để thay thế; bèn quyết định đưa Đảng CS ra công khai. Nhưng các cố vấn Trung Cộng được chỉ thị của lãnh tụ Mao Trạch Đông đã không cho phép ra công khai, mà chỉ cho ra trá hình làm “Đảng Lao Động Việt Nam.”

(2) Dân Chủ Đảng do Dương Đức Hiền và Vũ Đình Hòe thành lập năm 1944.

(3) Tài liệu trên trích trong cuốn hồi ký của Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, chưa ấn hành.

(4) Nguyễn Thế Nghiệp nguyên quán tại làng Đồng Tu, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình. Là con cụ Nguyễn Thế Quảng, Chánh quản trong quân đội viễn chinh Pháp.

Nguyễn Thế Nghiệp là người rất thông minh gan dạ, 18 tuổi đã thi đậu đíp-lôm, được bổ vào ngạch thư ký Tòa Sứ, năm 20 tuổi rời bỏ chức vị, cùng mấy bạn trẻ: Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng trốn sang Trung Hoa, tới Móng Cáy bị mật thám bắt lại giam rồi đưa ra tòa kết án mỗi người 6 tháng tù treo.

 Cuối năm 1927, là sáng lập viên VNQDĐ. Năm 1929, bị mật thám bắt, khi ấy giữ nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương.

 Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1929, Hội Đồng Đề Hình kết án 10 năm cấm cố lưu đày. Đầu tháng 8 năm 1929, trong giờ phút phát vãng, Nguyễn Thế Nghiệp được Brides thả ra để đi cộng tác bắt Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu. Trái lại, sau khi nắm được giấy tờ và tiền bạc, Nguyễn Thế Nghiệp đi thẳng lên Lao Kai nhờ một đồng chí là Nguyễn Kim Ngữ sang thẳng Vân Nam (Trung Hoa) tổ chức Kiều bào tại đấy thành lập “Hải Ngoại Bộ VNQDĐ”

 Năm 1934, Nguyễn Thế Nghiệp bị cảnh sát Pháp bắt ở tô giới Thượng Hải.

 Năm 1936, Mặt Trận Bình Dân Pháp lên nắm chính quyền. Nguyễn Thế Nghiệp được trả tự do, trở về nước lại bắt đầu hoạt động.

(5) Chủ tịch kiêm ngoại giao:  Hồ Chí Minh

     Phó chủ tịch kiêm tuyên truyền:  Trần Huy Liệu

     Nội vụ:  Võ Nguyên Giáp

     Quốc phòng :  Chu Văn Tấn

     Tài Chính:  Phạm Văn Đồng 

     Kinh Tế:  Nguyễn Mạnh Hà

     Lao Động:  Lê Văn Hiến

     Thanh Niên:  Dương Đức Hiên

     Giáo dục:  Vũ Đình Hòe

     Tư pháp:  Vũ Trọng Khánh

     Giao thông, công chánh:  Đào Trọng Kim

     Y tế, vệ sinh :  Phạm Ngọc Thạch

     Xã hội:  Nguyễn Văn Tố

     Bộ trưởng không giữ bộ nào:  Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân

(6)  Trần Huy Liệu và Nguyễn Văn Xuân là 2 tên phản bội VNQDĐ chạy theo liếm gót Cộng Sản.

(7) Là con thứ 3 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy tức Nguyễn Tất Sắc, quán làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ra chào đời vào ngày 19-5-1890 được đặt tên là Nguyễn Sinh Công. Đến tuổi đi học được đổi tên là Nguyễn Tất Thành.

Sau khi thôi học trường Quốc học Huế, Thành vào Sài Gòn làm tùy phái cho hãng Denis Frères, hãng xuất nhập cảng và đại lý thương thuyền.

 Năm 1911, xuống làm bồi tàu Latouche Tréville lấy tên là bồi Pôn (Boy Paul) được qua Mỹ, Anh, Đức, rồi trở lại ở luôn Ba Lê (Paris) bên cạnh các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường.

Năm 1918, sau ngày Đại Chiến Thứ Nhất kết liễu, cụ Phan Chu Trinh đổi tên cho Nguyễn Ái Quốc để ký vào bản “Nguyện Vọng” gửi cho Hội Quốc Liên.

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Nga. Năm 1925 được cử làm Bí thư cho phái đoàn Borodine sang Quảng Đông, đổi tên là Lý Thụy.

Năm 1927, sau khi phái đoàn Borodine trở về Moscow, Lý Thụy sang Đức rồi trở về hoạt động cho Cộng Sản ở Xiêm (Thái Lan), Miến Điện, đổi tên là Mai Pín Thầu, nghĩa là “Lão thủ: một tay già.”

Lại trở về hoạt động Cộng Sản trên lãnh thổ Trung Hoa. Năm 1942, Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam, thấy động, cho cán bộ phao tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết để đánh lạc hướng thực dân Pháp, rồi trở sang Trung Hoa nơi giáp giới tỉnh Cao Bằng thì bị quân đội Trung Hoa bắt được, Nguyễn Ái Quốc khai tên là Hồ Chí Minh. Rồi bị giải về Liễu Châu, Trương Phát Khuê ra lệnh giam vào “hang đá”.

Theo tài liệu của một lão cán bộ Cộng Sản là ông Ng. V. B. thì cái tên Hồ Chí Minh, nguyên là tên của cụ Hồ Học Lãm là con của Cố Lụa ở làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, xuất ngoại vào thời Đông Du, ở Tầu lấy tên là Hồ Chí Minh, và tạ thế vào năm 1942 tại Nam Ninh. Nguyễn Ái Quốc có tất cả 16 tên.

(8) Lê Tùng Sơn sau là Đại sứ của Chính phủ Hà Nội tại Rangoon (Miến Điện).

(9) Tổ chức Thanh Niên Tiền Phong do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lãnh. Trước kia đã gia nhập “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất”, khi hay tin Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị, liền trở cờ tuyên bố ly khai, để gia nhập “Mặt Trận Việt Minh”, và đổi tên là “Thanh Niên Cứu Quốc”.

(10) Nguyễn Văn Sâm, một nhân sĩ miền Nam đã từng bị Pháp bắt đi an trí ở một tỉnh xa, được chính phủ Trần Trọng Kim cử làm Khâm Sai Nam Việt. Trên đường từ Huế trở về Sài Gòn nhận chức, Nguyễn Văn Sâm bị VM chặn bắt lại ở Quảng Ngãi.

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm vào đọc chương kế]


Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt