Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (13)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Hai (1930-1940) / Chương I: “HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG LƯU VONG(phần 2)

THIÊN THỨ HAI (1930-1940)

CHƯƠNG 1:  HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG LƯU VONG (phần 2)

MỐI THÙ TRUYỀN KIẾP VẪN TIẾP DIỄN  

Qua đầu năm 1933, VNQDĐ-VNĐNĐB triệu tập Đại Biểu Đại Hội tuyển cử tại Côn Minh, để bầu Ban Chấp hành Đạo bộ chính thức. Kết quả Lê Tùng Anh tức Cần được bầu làm Đạo bộ trưởng, Vũ Tiến Lữ tức Vũ Bằng Rực Ngoại vụ bộ, Trần Quốc Kính tức Đông A Nội vụ, Triệu Việt Hưng Trinh sát kiêm Giám sát, Đặng Quốc Phong Tuyên truyền.

Bắt tay vào công tác, Vũ Bằng Rực đi thị sát các Chi bộ, khi đến ga hỏa xa La Ha Ti, Lãnh Sự Pháp được mật báo, lập tức phái Đại Biểu đến giao thiệp với tướng cướp họ Vạn ở địa phương La Ha Ti nhờ bắt hộ Vũ Bằng Rực.  Nếu việc thành tựu sẽ xin tặng họ Vạn số bạc 20.000 đồng Đông Dương.

Nguyên quanh vùng La Ha Ti có một tên tướng giặc họ Vạn, uy thế rất lớn, hùng cứ một phương, dưới trướng có hàng vạn người, quân lính chính phủ đánh dẹp mãi cũng không được. Nhưng họ Vạn lại rất hào sảng nghĩa hiệp, đã không những khước từ món tiền hối lộ của Lãnh Sự Pháp, lại còn phái người đưa tặng Vũ Bằng Rực một số bạc là 200 đồng lộ phí, và khuyên nên trở lại ngay Côn Minh.

Vũ Bằng Rực đương sửa soạn ra đi, thì tại La Ha Ti lại xảy ra vụ ám sát tên cai coi cầu xe lửa của công ty hỏa xa Vân Nam. Lãnh Sự Pháp liền phao tin chính Vũ Bằng Rực là thủ phạm, để lấy cớ bắt cho dễ. Rời La Ha Ti, Vũ Bằng Rực trở về Côn Minh, Lãnh Sự Pháp đánh điện tín về ga A Mi Châu (Ami Théou) cho Sen Đầm Pháp ra đón bắt, định lập ngay một chuyến xe lửa riêng đưa Vũ Bằng Rực thẳng về Hà Nội.

Các đồng chí của họ Vũ ở A Mi Châu hay tin, lập tức đánh điện tín lên Vân Nam Đạo bộ và Tỉnh Đảng bộ TQQDĐ ở Côn Minh cầu cứu. Tỉnh Đảng bộ TQQDĐ liền ra lệnh cho Huyện Tri Sự ở A Mi Châu phải giữ Vũ Bằng Rực lại. Đồng thời chủ tịch Long Vân cũng gửi công điện xuống đòi Vũ Bằng Rực lên Côn Minh ngay lập tức.

Ngày hôm sau, Vũ Bằng Rực đáp chuyến xe lửa bất thường trở về Côn Minh. Lãnh sự Pháp bí mật giao thiệp hối lộ với ngoại giao sứ Vân Nam. Ngoại giao sứ phái lính Trung Hoa ra ga xe lửa Côn Minh hợp với Sen Đầm Pháp đón bắt Vũ Bằng Rực. Không ngờ Nghĩa Dũng Quân (là lính riêng của Tỉnh Đảng bộ TQQDĐ) hợp cùng các đảng viên VNQDĐ đã bố trí phục kích suốt từ con đường trước cửa ga Côn Minh tới trụ sở Đảng bộ dài ngót 2 cây số.

Khi Ngoại giao sứ cho lính dẫn Vũ Bằng Rực ra khỏi cửa ga, Nghĩa Dũng Quân liền tiến đến bắt phải thả ngay Vũ Bằng Rực, nếu không chịu sẽ nổ súng. Ngoại giao sứ trả lời cương quyết không chịu, nếu Nghĩa Dũng Quân nổ súng, thì Ngoại giao sứ sẽ cho bắn chết ngay Vũ Bằng Rực. Không chần chờ! Nghĩa Dũng Quân nổ súng liền, quân lính chính phủ cùng Sen Đầm Pháp vội vàng xô nhau bỏ chạy. Hàng ngàn người Trung Hoa qua đường cũng ùa theo đuổi đánh những người Pháp qua lại khi ấy, gây nên một cuộc náo loạn. Vũ Bằng Rực được Nghĩa Dũng Quân bảo vệ đưa về tạm trú một thời gian trong trụ sở Tỉnh Đảnh bộ TQQDĐ.

PHẠM VĂN KHOÁI MỘT NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC 

Để chuẩn bị cho một cuộc quy hồi cố hương làm tròn sứ mạng cứu quốc, VNQDĐ-VNĐNĐB bí mật thiết lập một xưởng chuyên môn chế tạo võ khí tại một căn nhà thuộc hẻm Tân Gia Nghĩa (Trù Trư Hãng) thành phố Côn Minh, do một lão đồng chí phụ trách là Phạm Văn Khoái.

Vì sơ ý trong việc pha thuốc chế võ khí, một tiếng nổ dữ dội phát ra, làm đổ sụp căn nhà và còn rung chuyển cả một dãy phố. Phạm Văn Khoái tuy lánh xa được, nhưng cũng bị cháy xém cả mặt mày và bị hư đôi mắt. Các đồng chí của ông vội vực đưa ông vào điều trị tại Quân Y viện.

Lãnh Sự Pháp được mật báo, bèn giao thiệp hối lộ Công An cuộc Côn Minh rồi thừa đêm khuya thanh vắng, phái thám tử lén vào Quân Y viện cướp Phạm Văn Khoái bịt mắt đưa thẳng ra ga xe lửa Côn Minh, có Đặc vụ Trung Hoa hộ tống.

Trên toa xe lửa, hai chân Phạm Văn Khoái bị xích chặt vào chân ghế ngồi. Đợi xe chạy đến ga A Mi Châu, thừa khi Sen Đầm Pháp không lưu ý, ông Khoái liền rút lưỡi dao bào được giấu kín trong người rạch bụng tự sát.  Nhưng không may! Sen Đầm Pháp hay kịp, vội chạy lại ngăn cản, xích chặt hai tay ra phía sau lưng, đưa xuống ga A Mi Châu, dẫn vào bệnh viện Bác sĩ Sình, người Trung Hoa, nhờ băng bó vết thương, rồi lại bí mật đưa lên xe lửa giải thẳng về Hà Nội.

Chính quyền thực dân đưa vào bệnh viện Phủ Doãn điều trị, phái lính canh gác suốt ngày đêm, đợi khi bình phục sẽ khai thác tài liệu.

Là một lão thành cách mạng, Phạm Văn Khoái không thể nào để cho thực dân khinh khi và hành hạ! Nên đã thừa khi canh khuya, lính gác cũng như bệnh nhân đều ngủ kỹ, ông liền lấy vỏ chai đựng sữa để trên mặt bàn đầu giường nằm, khẽ đập ra lấy mảnh rạch bụng lần thứ hai, dứt ruột gan kéo ra đầy giường nằm; kết liễu cuộc đời của một nhà cách mạng chân chính Phạm Văn Khoái.

Sau vụ bắt cóc Phạm Văn Khoái được ít ngày, Lãnh Sự Pháp tại Côn Minh lại cho bắt cóc 7 đảng viên VNQDĐ ở ga A Mi Châu nhốt chung vào một cái thùng lớn đưa lên va-gông đen (tức là hạng va-gông chở hàng đóng kín cửa toa khóa kỹ) định đưa thẳng về Hà Nội. 

Được tin cấp báo, Chi bộ địa phương phái một đảng viên bí mật nằm dưới gầm toa xe lửa chờ cơ hội cứu đồng chí. Một mặt đánh điện tín lên Đạo bộ yêu cầu can thiệp với Ngoại giao sứ Trung Hoa, đồng thời lại ngoại giao với các cơ quan chính quyền địa phương phái nhân viên hợp cùng các đồng chí võ trang tức tốc tới ga Hà Khẩu (Hồ Kiều) phá cửa va-gông xe lửa, cứu thoát được 7 đồng chí. Người phụ trách chỉ huy vụ này là lão đồng chí Lê Tự Cường, Chi bộ trưởng Chi bộ Hà Khẩu. 

VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG CHẤP HÀNH ỦY VIÊN HỘI HẢI NGOẠI BIÊN SỰ XỨ 

1 

Năm 1930, tại Quảng Châu có tổ chức “Việt Nam Quốc Dân Cách Mạng Đảng” do các ông Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Trần Bội Long, Đặng Sư Mạc, Lệnh Trạch Dân, Vi Chính Nam tức Vi Đăng Tường và Tư Thượng Mai lãnh đạo. Nhờ có sự viện trợ mỗi tháng 200 Hoa viên của TQQDĐ nhưng không có sự hoạt động nào đáng kể!

Vào khoảng tháng 2 năm 1932, nội bộ bỗng phát sinh lục đục, Đào Ngọc Tấn sai Đào Văn Cứu ám sát Tư Thượng Mai, bị nhà chức trách địa phương can thiệp, tổ chức VNQDCMĐ tan rã, mỗi người đi mỗi nơi.

Đến tháng 10 năm 1932, Lệnh Trạch Dân cùng Đặng Sư Mạc, Vi Chính Nam, Trần Bội Long, Ngô Đình Ninh, Hoàng Vân Nội tập hợp nhau lại, cải tổ sang “Hải Ngoại Tổng Đảng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Lệnh Trạch Dân được cử làm Tổng lý, Đặng Sư Mạc (9) Bí thư, Vi Chính Nam Tài chính, Ngô Đình Ninh Tuyên truyền, Trần Bội Long Tổ chức, Hoàng Vân Nội Ngoại giao.

Nhân ngày Đại Hội, ban phụ trách tổ chức một đêm kịch giúp vui. Lợi cơ hội ấy, Lãnh Sự Pháp đề kháng với nhà chức trách địa phương Trung Hoa, vu khống cho VNQDĐ mưu tổ chức quân đội để chờ thời đánh lại Pháp. 

Pháp-Nhật giao thiệp, có lệnh trục xuất khỏi đảo Phù Tang, Đặng Sư Mạc trở lại đất Trung Quốc. Mỗi khi túng thiếu, họ Đặng phải đem vật kỷ niệm của Thiên Hoàng đi cầm cố, người Nhật tranh nhau cầm bất cứ bằng giá nào! Tỏ ý muốn được giữ mãi chiếc đồng hồ ấy. Nhưng họ Đặng có bao giờ bỏ, mà người Nhật cũng không bao giờ chịu lấy lãi của họ Đặng.

 Đặng Sư Mạc gia nhập quân đội Trung Quốc, làm đến chức Điền Quân Tham mưu trưởng. Văn đã hay chữ viết lại cực tốt, nên được giới trí thức Trung Quốc rất kính mến. 

Chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, thành phố Quảng Châu bị oanh tạc tơi bời, Đặng Sư Mạc ở lại Quảng Châu, bị hơi bom làm loạn thần kinh, đâm phát điên, rồi một buổi tối trời, cụ nhảy xuống Châu Giang tự tử. 

 Sáng ngày hôm sau, nhà chức trách Trung Hoa hạ lệnh đình chỉ mọi hoạt động, thu ấn tín, và cho cấp lãnh đạo Đảng bộ biết rằng: Họ chỉ bằng lòng giúp đỡ trong sự hoạt động bí mật, ra công khai như vậy sẽ có hại cho tình bang giao Pháp-Hoa. Thế là đại cuộc bị ngăn trở, tổ chức bắt buộc phải giải tán.

Sau cơn khủng hoảng tại Quảng Châu, sự hoạt động rất khó khăn, vì lúc nào cũng có bọn tay sai Đế Quốc quấy phá xung quanh.

 Tháng 12 năm 1932, một hội nghị các Đại Biểu dân tộc nhược tiểu ở Á Đông do Á Châu Văn Hóa Hiệp Hội tổ chức tại Nam Kinh. Ngoài Đại Biểu Việt Nam được mời là Vi Chính Nam, còn có mặt Đại Biểu Trung Hoa, Miến Điện, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Triều Tiên, v.v…

Vi Chính Nam nhận thấy muốn tránh sự phiền phức ở Quảng Châu, nên gây cơ sở ở Nam Kinh, là nơi chưa có sự can thiệp của thực dân Pháp. Vi Chính Nam bắt đầu tiếp xúc với Trung ương Đảng bộ TQQDĐ. Cách ít ngày sau Lệnh Trạch Dân (10) cũng đến Nam Kinh và bắt đầu lập trụ sở.

Tháng Giêng năm 1933, Đảng bộ tại Nam Kinh tiếp nhận được công văn của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chính thức thừa nhận “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG” là một đảng hợp pháp, được tự do hoạt động trên toàn lãnh thổ Trung Hoa và được phép đặt trụ sở ở Nam Kinh.

Sau khi được chính phủ Trung Hoa chính thức thừa nhận, Vi Chính Nam phái liên lạc đi Côn Minh mời cấp lãnh đạo VNQDĐ tại đấy tới Nam Kinh khai hội, để thành lập một cơ quan tối cao duy nhất ở Hải Ngoại.

Nhưng tại Côn Minh, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Thế Nghiệp, Đào Chu Khải, Đức, Hiếu vẫn còn bị Long Vân giam cầm trong ngục thất.

Tháng 8 năm 1933, Vũ Hồng Khanh thông tin ra ngoài cho các đồng chí của ông tổ chức một cuộc biểu tình phản kháng chính phủ địa phương Vân Nam, yêu cầu phóng thích 5 đồng chí của họ. Cuộc biểu tình ấy được rất đông Kiều bào tham dự trước dinh chủ tịch Long Vân. Đồng thời trong ngục thất Vũ Hồng Khanh cùng 4 đồng chí của ông cũng bắt đầu tuyệt thực để phản kháng.

Tỉnh Đảng bộ TQQDĐ cũng hết sức can thiệp; mặt khác cuộc biểu tình ở ngoài và vụ tuyệt thực ở trong vẫn kéo dài một cách quyết liệt hơn! Đến ngày thứ 8, bắt buộc Long Vân phải trả tự do cho cả 5 người; nhưng lại ra lệnh phải xuất cảnh ngay lập tức.

Nhân dịp Vũ Hồng Khanh quyết định đi Nam Kinh. Rời khỏi Côn Minh được vài ngày, Nguyễn Thế Nghiệp vì quá kiệt sức không đi bộ được, lén quay trở lại Côn Minh. Trên đường tiến đến Nam Kinh còn lại 3 người: Vũ Hồng Khanh, Trần Quốc Kính, Đào Chu Khải. (11)

Đến Nam Kinh, mọi người đều đồng ý tính ngay đến việc khai hội, để chính thức thành lập một cơ quan tối cao điều khiển các tổ chức ở Hải ngoại.

Hội nghị khai mạc, khi phát biểu ý kiến đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi, ý kiến xung đột mâu thuẫn nhau. Nhưng sau một cuộc dàn xếp, đã đi đến quyết nghị thành lập “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG CHẤP HÀNH ỦY VIÊN HẢI NGOẠI BIỆN SỰ XỨ” trụ sở đặt tại Nam Kinh. Vân Nam Đệ Nhất Đạo bộ đổi ra “Vân Nam Tổng Chi Bộ” trực thuộc Biện Sự Xứ. Các nơi khác: Quảng Tây, Quảng Đông, Đông Hưng… cũng chiếu theo nguyên tắc ấy thi hành. Quyết nghị ấy còn ghi rằng “Hải Ngoại Biện Sự Xứ” phải tuyệt đối trung thành với Tổng Bộ ở trong nước.

“Hải Ngoại Biện Sự Xứ” cử 3 Thường vụ Ủy viên do Vi Chính Nam làm Chủ nhiệm. Sau cuộc hội nghị, Vũ Hồng Khanh cùng Trần Quốc Kính bỏ ra đi, xin vào học trường Bắc Dương Đại Học.

Qua năm sau, 1934, Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Bằng Rực từ Côn Minh đến Nam Kinh. Biện Sự Xứ lại có sự thay đổi. Vũ Hồng Khanh được mời về giữ chức Chủ nhiệm, Vi Chính Nam cùng Nguyễn Thế Nghiệp được cử đi thị sát các Chi bộ ở các địa phương.

Sau khi đi thị sát trở về Nam Kinh, Nguyễn Thế Nghiệp đề nghị thuyên trụ sở Biện Sự Xứ đến Thượng Hải, để Vi Chính Nam ở lại Nam Kinh liên lạc với các nhà đương cuộc Trung Hoa; còn Vũ Hồng Khanh trở lại Vân Nam để chỉnh đốn lại Tổng Chi bộ sau khi bị khủng hoảng lần thứ hai.

Tại Thượng Hải, lại vấp phải sự phá hoại của tay sai thực dân Pháp cùng các phần tử dị đảng. Tháng 6 năm 1934, Nguyễn Thế Nghiệp bị Cảnh sát trong Tô giới Pháp bắt cóc. Vi Chính Nam sau khi hay tin, liền xuống Thượng Hải mở cuộc điều tra, rồi thuyên trụ sở Biện Sự Xứ về Nam Kinh để dễ bề hoạt động.

TỔ CHỨC “VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH HỘI” (VIỆT MINH) TẠI NAM KINH

 

Cụ Nguyễn Hải Thần (nhà cách mạng Việt Nam)

Sau khi chỉnh đốn xong mọi việc, Vũ Hồng Khanh lại từ Côn Minh trở lại Nam Kinh. Được ít ngày, cụ Nguyễn Hải Thần cùng Hồ Học Lãm thân đến trụ sở VNQDĐ đề nghị tập hợp hết thẩy anh em cách mạng Hải ngoại lại, thành một tổ chức duy nhất để dễ bề hoạt động. Được các đồng chí VNQDĐ ở Nam Kinh rất tán thành vì đó là chủ trương của VNQDĐ đã hoạch định từ năm 1928.

Thánh 8 năm 1934, hội nghị được khai diễn, ngoài các Đại Biểu VNQDĐ còn có các cụ Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm và các Đại Biểu được giới thiệu từ Xiêm sang, Quảng Tây tới, Tứ dân hợp đoàn từ trong nước mới qua, v.v…

Hội nghị tiếp tục thảo luận, cuối cùng đi tới quyết nghị thành lập tổ chức mới này là “VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH HỘI” (12). Ban Chấp Hành Trung ương gồm có: Vũ Hồng Khanh, Vi Chính Nam, Nghiêm Kế Tổ, Hồ Học Lãm, Nguyễn Văn Lai, Lý Quang Hoa, Trần Minh (13). Vi Chính Nam được cử làm Chủ nhiệm.

Phiên họp cuối cùng, một số Đại Biểu (không phải là Đại Biểu VNQDĐ) đưa ra đề nghị một điều rất hệ trọng, là nhờ Chủ nhiệm Vi Chính Nam gửi công văn đến Trung ương chính phủ Trung Hoa xin công nhận hợp pháp hóa tổ chức VNĐLĐMH và thủ tiêu danh hiệu VNQDĐ đã được chính phủ Trung Hoa thừa nhận bấy lâu. Họ Vi nhận lời, nhưng tạm xếp đó; để chờ xem những hành động của các bạn đồng minh mới sau này ra sao, rồi mới sẽ quyết định.

Bắt đầu hoạt động, VNĐLĐMH xuất bản hai tờ báo làm cơ quan tuyên truyền, viết bằng Việt ngữ và Hoa ngữ, lấy tên là “Việt Thanh”.

Đến cuối năm 1935, tổ chức VNĐLĐMH giải tán, vì bên anh em VNQDĐ xét thấy bạn đồng minh không thành thực, luôn luôn dùng thủ đoạn lợi dụng, tìm cách lấn quyền, muốn biến thành một tổ chức Đệ Tam Quốc Tế.

VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG BỘ HẢI NGOẠI CHẤP HÀNH ỦY VIÊN HỘI

Tổ chức VNĐLĐMH tan vỡ, Vũ Hồng Khanh cùng các đồng chí của ông trở lại Côn Minh hoạt động rất mạnh mẽ, Lãnh Sự Pháp dò biết hành tung, liền kháng nghị với nhà chức trách Vân Nam, vu khống cho họ Vũ trở lại hoạt động khủng bố người Pháp như những năm trước. Chủ tịch Long Vân ra lệnh bắt Vũ Hồng Khanh.

Biên Sự Xứ ở Nam Kinh hay tin, liền phái Đại Biểu đến Trung ương Đảng bộ TQQDĐ và Trung ương chính phủ biện bạch mọi lẽ yêu cầu can thiệp; đồng thời đánh điện tín và gửi công văn kháng nghị đến chủ tịch Long Vân.  Vũ Hồng Khanh được phóng thích, nhưng lại bắt buộc phải rời khỏi ngay địa giới tỉnh Vân Nam.

Vũ Hồng Khanh cùng một số cán bộ rời khỏi Vân Nam đến Quý Châu. Sau một thời gian quan sát tình hình, họ Vũ quyết định thuyên chuyển trụ sở Tổng Chi bộ Vân Nam đến Quý Châu để dễ bề hoạt động. Mọi việc đương tiến hành, thình lình họ Vũ lại bị nhà chức trách địa phương bắt giam tại huyện An Thịnh, vu cáo là gián điệp của Nhật Bản.

Thừa cơ hội vắng người lãnh đạo ở Côn Minh, đồ đệ Đệ Tam Quốc Tế tổ chức giải phóng quân do Việt Tử, Trịnh Đông Hải… tìm đủ mọi cách lũng đoạn tinh thần các đảng viên VNQDĐ để thu hút vào tổ chức của họ. Người nào không theo, họ tố cáo với nhà chức trách Vân Nam là gián điệp của Đế Quốc Nhật Bản, hoặc là những tên Cộng Sản khủng bố…

Các cán bộ VNQDĐ ở Quý Châu hay tin, lập tức trở về Côn Minh, mở cuộc điều tra. Một hội nghị Đại Biểu các Chi bộ địa phương được triệu tập họp khẩn cấp, bầu lại Ban Chấp hành Tổng Chi bộ Vân Nam, kết quả Lê Tự Cường, một lão đồng chí ở Chi bộ Hà Khẩu được bầu làm Tổng Chi bộ trưởng, các cán bộ được phái đi thị sát và giải thích cho các Chi bộ địa phương, đập tan âm mưu phản gián phá hoại của bè lũ Đệ Tam Quốc Tế (Giải Phóng Quân).

Tại Nam Kinh, Biện Sự Xứ hay tin Vũ Hồng Khanh lại bị bắt giam, liền phái Nghiêm Kế Tổ đến Quý Châu tiếp xúc với chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ TQQDĐ yêu cầu can thiệp, tức thời họ Vũ được trả tự do.

 Sau một thời gian lưu lại ở Quý Châu, Vũ Hồng Khanh cùng anh em trở lại Côn Minh. Nhận thấy tình hình bên nước nhà thời ấy sắp bị ảnh hưởng về chiến tranh Trung-Nhật, thời kỳ rất thuận tiện cho sự hoạt động của Đảng. Vũ Hồng Khanh cùng các đồng chí của ông trù liệu đặt trụ sở Trung ương ngay tại Côn Minh cho dễ bề hoạt động, đổi danh hiệu lại là “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG BỘ HẢI NGOẠI CHẤP HÀNH ỦY VIÊN HỘI”, do Vũ Hồng Khanh, Chu Bá Phượng, Lê Khang, Vũ Quang Phẩm và Nghiêm Kế Tổ trực tiếp điều khiển.

Sau khi chỉnh đốn xong mọi việc, Chu Bá Phượng được đặc phái về hoạt động ở trong nước; Nghiêm Kế Tổ được phái đi Trùng Khánh hoạt động ngoại giao với Trung ương chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và Trung ương Đảng bộ TQQDĐ.

 Đến Trùng Khánh, họ Nghiêm mới hay tin Vi Chính Nam mới qua đời tại huyện Bích Sơn, cách Trùng Khánh 60 cây số, bởi họ Vi nể lời người bạn Trung Hoa mời nhận chức Doanh trưởng quân đội trong chính phủ Trung Hoa bị dùng sức quá nhiều, lại vì tuổi già, thủy thổ bất phục, lâm bệnh mà mất.

 Vì có sự thay đổi danh hiệu Đảng, một lần nữa chính phủ Trung Hoa lại gửi công văn chính thức thừa nhận.

=======================

Ghi chú:

(9) Đặng Sư Mạc chính tên là Đặng Hữu Bằng, tục gọi Ấm Bằng, sau đổi tên là Đặng Quang Hồng, là con cụ Đặng Hữu Dương nguyên Án Sát Hà Nội và gọi Đặng Tử Mẫn bằng chú ruột, nguyên quán tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định. Đặng Sư Mạc xuất dương hồi 1906 tùng học tại trường Trấn Võ Nhật Bản đậu đầu kỳ thi tốt nghiệp, được Thiên Hoàng đặc biệt chú ý, xét hỏi lý lịch, nhà Vua rút chiếc đồng hồ đương đeo trong người ra tặng Đặng Sư Mạc, mặt sau đồng hồ có khắc chữ kỷ niệm của Thiên Hoàng.

(10) Đến Nam Kinh được ít lâu, Lệnh Trạch Dân vì sức yếu, không chịu nổi khí hậu quá rét, nên từ trần tại đấy.

(11) Đến Nam Kinh được ít ngày, Đào Chu Khải nhận thấy sự sinh sống quá cực khổ, bí mật bỏ xuống Thượng Hải xuất thú với Lãnh Sự Pháp, được đưa về nước.

(12) Tức là tên Việt Minh sau này.

(13) Nguyễn Văn Lai, Lý Quanq Hoa, Trần Minh là 3 cán bộ Cộng Sản Việt Nam mới được huấn luyện từ Moscow trở về.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt