Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (1)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương 1: “Ngược dòng lịch sử”

THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932) – 

CHƯƠNG I: NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ 

Ngược dòng lịch sử, từ ngày tổ tiên chúng ta lập quốc đến thế kỷ II, lãnh thổ nước Việt Nam chúng ta chỉ bao gồm có phần Bắc Việt ngày nay và 5 quận:

 1. Quận Cửu Chân (Thanh Hóa),

 2. Quận Hoài Hoan (Nghệ An),

 3. Quận Cửu Đức (Hà Tỉnh),

 4. Quận Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị),

 5. Quận Bình Văn (chưa biết rõ ở nơi đâu). 

Vị trí địa dư bé nhỏ như vậy, lại ở sát nách Trung Hoa, một đế quốc hùng cường, dân số có trên 600 triệu người, văn minh lại rất sớm, luôn luôn sang xâm lấn, cai trị trước sau trên hai ngàn năm, khiến dân tộc chúng ta phải chịu khổ sở và nhục nhã biết bao nhiêu phen. Thế mà sau lại lập được nền tự chủ, và vẫn giữ được cái cá tính đặc biệt của nòi giống mình. Lại tiến về phương Nam chiếm Lâm Ấp, đoạt Chiêm Thành và Chân Lạp, mở mang bờ cõi đến tận mũi Cà Mau, khiến thế giới phải chú ý.

Đến bán thế kỷ XVIII, tiếng súng xâm lăng lại bắt đầu nổ ở cửa bể Đà Nẵng và Cần Giờ, do Pháp quân kéo đến (đầu mùa thu năm 1858). Phong trào kháng chiến từ Triều đình đến dân dã đã bồng bột cùng nổi dậy. Đến khi 6 tỉnh miền Nam bị thất thủ (1868), kinh lược Phan Thanh Giản tử tiết. Sĩ, dân miền Nam nổi lên kháng Pháp rất mãnh liệt, danh tiếng lừng lẫy có Trương Công Định, Hồ Xuân Nghiệp, Phan Văn Đạt, v.v…

Hình quân Pháp đổ bộ chiếm Việt Nam (1862)

Chiếm xong 6 tỉnh miền Nam, chiến sự lan tràn ra đất Bắc, thành Hà Nội hai lần thất thủ, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu tử tiết không chịu đầu hàng. Các sĩ phu: Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật… ở Bắc Hà cùng Trần Tấn, Dương Như Mai, Hoàng Phạm Thái ở Trung Việt nổi lên kháng Pháp, có bài hịch gọi là “Hịch Văn Thân” được truyền tụng khắp trong nước.

 Đó là thời kỳ thứ nhất (1858-1884), thời con đẻ của tư tưởng trung quân và bài ngoại.

Năm 1884, lịch sử Việt Nam đã ghi một vết quốc sỉ, Triều đình Huế đã ký hiệp ước với Pháp, nhường hết Bắc Việt và Trung Việt làm hai xứ bảo hộ.

Triều đình Huế đầu hàng, nhưng Tôn Thất Thuyết, một cột trụ của Triều Đình vẫn cương quyết chống Pháp. Đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) đã khởi binh đánh Pháp quân ở Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Cam Lộ, “Chiếu Cần Vương” ban ra, nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, nổi dậy như đàn ong vỡ tổ.

 Tại Phú Yên, Bình Định: Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trọng Tri, v.v…

 Tại Quảng Nam: Trần Ngọc Dư, Nguyễn Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành, Tú Dinh, Phan Văn Bình, Lê Vinh Huy, v.v…

 Tại Quảng Trị, Quảng Bình: Đoàn Chí Tuân, v.v…

 Tại Hà Tĩnh, Nghệ An: Phan Đình Phùng, Đinh Văn Chất, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Ninh, Cao Thắng, Đội Chanh, Lãnh Đạt, Đốc Quýnh, v.v…

 Tại Thanh Hóa: Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, v.v…

 Bắc Hà có: Nguyễn Quang Bích, Vũ Hữu Lợi, Tán Cao, Tán Thuật, Đốc Ngữ, Đốc Tít, Đề Kiều, Đề Hiên (tức Tạ Hiện), Đề Thám, v.v…

 Đó là thời kỳ thứ 2, (1884-1890), thời con đẻ của tư tưởng trung quân, cứu quốc của phái Hán Học.

 Phong trào Cần Vương kéo dài tới ngót 20 mươi năm rồi hạ màn.

 Năm 1904, tiếng sét bùng nổ, Nhật Bản chiến thắng Nga La Tư, đồng thời các sách báo Trung Hoa như Tân Dân Tùng Báo, Mậu Tuất Chính Biến, Trung Quốc Hồn, Ẩm Băng Thất, Nhật Bản Duy Tân Khảng Khái Sử, Thái Tây Tân Sử, v.v… lần lượt lọt vào nước ta, giấc mộng quần chúng bừng tỉnh dậy, phong trào cách mạng sau thời kỳ điêu tàn trong vòng không khí áp bức, hốt nhiên phát khởi một luồng gió thay cũ đổi mới.

 Nhà ái quốc Phan Bội Châu cùng các đồng chí phát động phong trào Đông Du, Hướng Nhật Bản ngoại giao, bí mật đưa những thanh niên ưu tú sang Nhật Bản cầu học; đồng thời nhà ái quốc Phan Chu Trinh cùng các đồng chí vận động tổ chức hội thương, hội học, hội nông, thư xã ở trong nước:

 – Đông Kinh Nghĩa Thục cùng Hồng Tân Hưng Thương Điếm xuất hiện ở Hà Nội.

 – Liên Thành xuất hiện ở Bình Thuận.

 – Triều Dương Thương Quán xuất hiện ở Nghệ An.

 – Hội Hiệp Thương cùng trường Diên Phong xuất hiện ở Quảng Nam, và còn khá nhiều hội vô danh khác.

 Năm 1908, phát xuất vụ đầu độc binh sĩ Pháp tại Hà Nội, tiếp đến những cuộc dân chúng biểu tình đòi bãi bỏ sưu thuế thuộc mấy tỉnh ở miền Trung.

 Năm 1913, tiếng bom nổ ở Thái Bình và Hà Nội ô-ten (Hotel).

 Năm 1916, vua Duy Tân ám thông với dân đảng mưu khởi nghĩa.

 Năm 1917, Đội Cấn cùng Lương Lập Nham phá ngục Thái Nguyên, quang phục trong bảy ngày.

Năm 1918, cuộc Thế Chiến Thứ Nhất kết liễu, thanh thế nước Pháp lại lẫy lừng, lợi dụng Việt Nam người nhiều, công rẻ mạt, các nhà tư bản xô nhau sang bỏ vốn kinh doanh, tổ chức chiêu mộ nhân công để khai thác hầm mỏ và đồn điền, coi người dân Việt như một bầy nô lệ phải gánh chịu thuế nặng sưu cao, dưới sự áp bức của một số quan lại mới người bản xứ, đeo mặt nạ văn minh, sở trường về ngón ngoại giao xu nịnh để dễ bề đục khoét.

Tệ hại hơn nữa, nha phiến và rượu ty được chính quyền bảo hộ ra công khuyến khích để đầu độc dân chúng. Còn giáo dục, cấm dân mở trường tư thục như thuở xưa, mà số trường công chỉ mở mỗi tỉnh, mỗi phủ, huyện có một trường tiểu học. Bậc đại học thì mãi đến năm 1917 mới mở, và chỉ có một số ít con em các vị đại thần và các người xét ra thực trung thành với bảo hộ mới được qua du học tại Pháp. (1)

Phong trào cách mạng Việt Nam thời ấy rất nguội lạnh đen tối cả trong lẫn ngoài, phân nửa hầu như đã nguội lòng thoái chí, thanh niên Tây học phần đông quên cả nguồn gốc, sùng bái người Tây Phương đến cực điểm, cơ hồ không còn biết quốc gia dân tộc là gì. Người Pháp tự tin rằng họ sẽ ăn ngon ngủ yên, không phải lo gì cả! Thời toàn thịnh của đế quốc thực dân.

Hốt nhiên đêm 18 tháng 6 năm 1924, tráng sĩ Phạm Hồng Thái liệng trái tạc đạn vào khách sạn Vích-tô-ri-a (Victoria) ở Sa Điện (Trung Hoa) mưu sát Méc-Lanh (Merlin), Toàn Quyền Đông Dương. Việc tuy không thành, nhưng có một ảnh hưởng rất lớn cho cách mạng ngoài nước cũng như trong nước Việt Nam chúng ta.

1925, cụ Phan Bội Châu bị bắt cóc từ Tô Giới Thượng Hải đưa về Hà Nội định thủ tiêu, nhưng mưu toan của thực dân không thành.

1926, cụ Phan Chu Trinh từ Pháp hồi cố hương, lưu lại Sài Gòn diễn thuyết cổ võ cho thuyết dân chủ tự do đến hai lần; đồng thời còn mưu tính dựng chế độ dân chủ tại Việt Nam trong khi vua Khải Định băng hà. Toàn dân đang ngưỡng vọng, thì cụ đã vội bỏ toàn dân ra đi, không bao giờ trở lại nữa!

1927, nối gót Phan Chu Trinh, nhà chí sĩ Lương Văn Can cũng tạ thế tại Hà Nội, được dân chúng nồng nhiệt tham dự lễ tiễn đưa đám táng rất đông, khiến cho chính quyền Pháp phải dùng võ lực đàn áp.

 Phong trào chính trị trở nên sôi nổi khắp trong nước. Một Đảng cách mạng có tổ chức hoàn bị nhất của phe quốc gia thời ấy là “Việt Nam Quốc Dân Đảng” ra đời. Đảng này làm những việc kinh thiên động địa, tức là Tổng Khởi Nghĩa ngày mồng 10 tháng 2 năm 1930.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa ấy bùng nổ giữa thời thực dân toàn thịnh, đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng, nó đã kết hợp ý chí tranh đấu của các tầng lớp nông dân, lao động cốt cán với các phong trào ái quốc Văn Thân, Cần Vương và Đông Kinh Nghĩa Thục, đã quy tụ vào đấy trong ý thức tiến bộ về quan niệm dân chủ, để hướng tất cả vào công cuộc tranh đấu cho đại nghĩa quốc gia. Chính cuộc Tổng Khởi Nghĩa ở Yên Bái đã mở màn cho cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giai đoạn sôi động và quyết liệt hơn.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Yên Bái mặc dầu thất bại bởi nhiều lý do, nhưng nó là kế tục truyền thống anh hùng bất khuất của Trưng Vương, Ngô Quyền, Lê Lợi, Hưng Đạo, Quang Trung,… 

Nói đến Việt Nam cận đại tranh đấu sử, thì VNQDĐ là một lực lượng tiền phong hùng hậu nhất đã khuấy động phong trào cách mạng dân chủ ở trong nước cũng như hải ngoại. Trong thực tế, VNQDĐ là chủ lực kiên cố, quyết liệt chống thực dân, phong kiến, cộng sản và bọn độc tài gia đình trị.

Công cuộc tranh đấu cho lý tưởng cách mạng của VNQDĐ không ngừng, máu xương của chiến sĩ VNQDĐ chảy ra vẫn không ngớt, từ khắp các chiến trường miền thượng du Bắc Việt đến Tiền, Hậu Giang Nam Việt. Máu xương chiến sĩ VNQDĐ đã pha trộn từng gang sông tấc đất, để hòa hợp ý chí của tiền nhân, vạch cho chúng ta một hướng đi, một luồng ánh sáng chiếu thẳng vào vào tâm tư sâu thẳm của chúng ta với những dòng đại tự: “CỜ ĐỘC LẬP PHẢI NHUỘM BẰNG MÁU! HOA TỰ DO PHẢI TƯỚI BẰNG MÁU! KHÔNG THÀNH CÔNG THÌ THÀNH NHÂN”.

Vì lý tưởng dũng cảm anh hùng đó, nên biết bao nhiêu chiến sĩ VNQDĐ đã sẵn sàng hy sinh thân thế cho Tổ Quốc thân yêu! Tôi tin rằng VNQDĐ sẽ mãi mãi trường tồn với non sông, để làm trọn sứ mạng cứu quốc và kiến quốc. 

——————————————————–

(1) Theo số học sinh toàn quốc vào năm 1938: 

– Các ngành cao đẳng    547

– Bậc trung học     4592

– Bậc tiểu học     57412

– Bậc sơ học     352365

– Bách nghệ     2051

  ————————

 Tổng Cộng 417327

Tính theo số dân trưởng thành của Việt Nam thì đến 90% còn sống trong cảnh mù chữ.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt