Jerusalem: Canh bạc đầy rủi ro của Donald Trump

Ngôi đền cổ Jesusalem

Thứ Tư tuần rồi, TT Trump tuyên bố công nhận Jesusalem là thủ đô của Do Thái, làn sóng công phẫn của các nước Hồ Giáo lên cao, các cuộc biểu tình chống đối TT Trump của người Hồi Giáo dậy lên từ Trung Đông đến Đông Nam Á. Các nước Tây Phương ngạc nhiên về quyết định này của TT Trump. Lo ngại Trung Đông thành lò lửa chiến tranh. Qua các tin tức bình luận trên báo chí quốc tế thử tìm xem sự việc này ra sao?

Theo bình luận của các cơ quan truyền thông quốc tế viết:

Thông báo của tổng thống Mỹ đơn phương nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bị khắp thế giới, trừ Israel, xem là hành động “khiêu khích” không đúng lúc, không đúng việc có thể làm Trung Đông “bốc lửa”. Trái lại, Donald Trump cho biết ông muốn xóa bài làm lại để mang lại hoà bình cho Palestine với sự trợ giúp của Israel và Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út). Hư thực thế nào ?

Sự kiện tổng thống Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem, thành phố thánh của ba tôn giáo – đạo Thiên Chúa, Hồi và Do Thái, cùng thờ một Đức Chúa Trời – là thủ đô của Nhà Nước Do Thái, làm cho cộng đồng Ả Rập và Hồi Giáo bất bình.

Hầu hết các thủ đô quốc tế, từ Liên Hiệp Châu Âu cho đến Liên Hiệp Quốc đều lo ngại phản ứng mạnh từ cộng đồng Hồi Giáo và người Palestine sẽ làm cho Trung Đông chìm trong bão lửa, như cảnh báo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi đặt ra và vì những lý do nào Washington lại lấy một quyết định đầy rủi ro như thế ?

TT Trump và PTT Mike Pense tuyên bố thừ nhận Jesusalem là thủ đô của Do Thái (6/12/2017)

Từ khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 1995, ba đời tổng thống Mỹ từ Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama, sáu tháng một lần, tìm cách trì hoãn.

Điểm xứng đáng của tổng thống 45 của Hoa Kỳ –  Danald Trump ở chổ, ông không phải là người đầu tiên nương vào quy chế của Jerusalem để tranh cử nhưng là người đầu tiên dám thực hiện lời hứa.

Kế hoạch của Donald Trump được ông mô tả là “hỏa tiễn hai tầng”.  Tầng thứ nhất, theo giải thích của tổng thống Mỹ: phải nhìn nhận thực tế Jerusalem là thủ đô của Israel mà còn là thủ đô của một nền dân chủ lớn trên thế giới.

Khi lý giải như thế, tổng thống Mỹ phác họa tầng thứ hai: xây dựng một hiệp định hòa bình mới, do Mỹ bảo trợ, thay thế thỏa thuận Oslo bế tắc từ hơn một phần tư thế kỷ. Lập luận của tổng thống Donald Trump là ông muốn “làm sáng tỏ vấn đề” để “bứng đi những chốt chận tạo điều kiện đem lại hoà bình”.

Theo hai viên chức Hoa Kỳ được Reuteurs trích dẫn, tổng thống Donald Trump hứa với chủ tịch Palestine Mamoud Abbas một dự án “làm hài lòng Palestine”.  Cụ thể ra sao, tổng thống Mỹ không nói rõ: đánh đổi Đông Jerusalem với nhà nước Palestine được Israel công nhận?  Người tị nạn Palestine được hồi hương mà cho đến nay Israel kiên quyết khước từ ?

Điều chắc chắn là trong kế hoạch này, Mỹ huy động cả Saudi Arabia và Israel, hai nước, vì có kẻ thù chung là Iran, sẽ hợp tác giúp Palestine.

Giới phân tích không đồng ý như vậy và đưa ra ba cách diễn giải.

Thứ nhất là vì nhu cầu chính trị nội bộ. Truyền thông Mỹ, ít cảm thông với tổng thống doanh nhân, thì cho là ông Trump muốn thu hút lá phiếu cộng đồng Do Thái và nhất là cộng đồng Tin Lành Phúc Âm mà trong kỳ bầu cử vừa qua có đến 80% cử tri dồn phiếu cho ông.  Đối với hai cộng đồng tôn giáo này, không thể để cho thánh địa Jerusalem, một lần nữa lọt vào tay người Ả Rập. Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Mỹ chọn thời điểm này để tung quả bom “Jerusalem”. Một mặt, uy tín của Donald Trump xuống thấp sau 10 tháng cầm quyền, chỉ còn 35% dân chúng ủng hộ, vào lúc nước Mỹ chuẩn bị bầu lại Quốc Hội năm 2018. Thứ hai là để đánh lạc hướng công luận trong tình trạng vòng vây tư pháp, điều tra vụ thông đồng với Nga, khép chặt dần.

Động cơ thứ hai là cá tính của Donald Trump. Ông thường tự hào là hành động theo linh tính. Thế nhưng, trong trường hợp chiến tranh Afghanistan, tổng thống Mỹ đã làm ngược lại và giải thích: theo linh tính, tôi nghĩ là phải bỏ Afghanistan, nhưng lý trí buộc tôi phải nghe theo cố vấn, nghe theo các tướng lĩnh và bộ trưởng quốc phòng James Mattis.

Trong vụ Jerusalem, tổng thống Trump nghe lời cố vấn của ai ? Người thứ nhất là phó tổng thống Mike Pence, thuộc Hội Thánh Phúc Âm và người thứ hai chính là con rể Jared Kushner, theo Do Thái giáo. Áp lực thứ ba đến từ nhà tỷ phú Sheldon Adelson, chủ nhân nhiều sòng bạc và cũng là nhà tài trợ của Donald Trump và bạn thân của thủ tướng Israel Benjamin Netanhyahu.

Theo Mediapart, hỏa tiễn hai tầng của tổng thống Trump có nguy cơ nổ ngay tầng thứ nhất. Không những người Ả Rập mà cả thế giới cho đến Đức Giáo Hoàng đều phản đối.

Theo một thăm dò ý kiến, 56% dân Israel cũng xem quyết định chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem là “không đúng lúc”.

Theo RFI

Còn nhận định của Tiến Sĩ Nguyễn Phương Mai, Đại Học Khoa học  Amsterdam, Hà Lan: “Tại sao Tổng thống Trump công nhận Jerusalem ?”

Thứ nhất, Jerusalem chưa bao giờ là một điểm quan trọng trong chiến dịch tranh cử, ông Trump không hứa hẹn nhiều, vậy tại sao phải gấp rút manh động?

Thứ hai, Jerusalem, như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, là ngòi nổ, là vạch đỏ bất khả xâm phạm (red line) của người Hồi Giáo, đụng vào là dễ có chuyện. Vì vậy, bất kỳ hành động nào cũng đều phải tính toán cẩn trọng. Trump đã được nhiều lãnh đạo các nước khuyên can, nhiều người trong chính phủ và đảng Cộng Hòa của Trump cũng cực lực phản đối, cũng như 63% dân Mỹ – theo một cuộc khảo sát mới đây của Viện Brookings.

Thứ ba, con rể của chính ông Trum đang giữ trong tay nhiệm vụ con thoi kiến tạo các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông mà Hoa Kỳ từ xưa đến này vốn tự hào là người cầm chịch. Tuy nhiên, có vẻ như ông Trump đã không chờ Jared Kushner kết thúc sứ mệnh mà cắt ngang nửa đường.

Những mâu thuẫn kể trên khiến hai ngày qua các nhà quan sát Trung Đông cố sức vắt óc để giải thích hành động của Trump. Sau đây là một vài lý do:

1. Trump không bao giờ dám ra một tuyên bố động trời như vậy nếu không có sự ngấm ngầm ủng hộ từ phía một số nước đứng đầu trong khối Ả Rập, tiêu biểu là Saudi Arabia. Giới phân tích cho rằng một thế hệ các hoàng thân mới nổi lên cầm quyền như thái tử Saudi Bin Salman là lực lượng bí mật ủng hộ Trump.

Tuy mặt ngoài hùng hồn lên án, Bin Salman được cho là người đã tích cực cùng Kushner vỗ về các nhà lãnh đạo Palestine, rằng đừng lo, các người nhất định không bị thiệt. Cũng chính thái tử Saudi ngỏ lời dàn xếp vụ Jerusalem bằng cách đề nghị dùng thị trấn Abu Dis gần Jerusalem để người Palestine làm thủ đô, thay vì việc chia Jerusalem thành hai phần: Tây cho Israel quản và Đông cho Palestine như kế hoạch bao năm nay. Hành động này của thái tử khiến người Hồi Giáo rất tức giận, và củng cố thêm giả thuyết Saudi Arabia và Mỹ cùng hợp sức thiết kế một giải pháp thiên vị Israel và bất lợi cho Palestine.

Vậy tại sao Saudi Arabia lại ủng hộ Mỹ trong một giải pháp hòa bình thiếu công bằng như vậy? Lý do tạm thời là ngoài việc chính phủ hai nước vốn là đồng minh thân thiết (dù người dân có thái độ ngược lại), thế hệ hoàng thân mới của vùng Vịnh có sức mạnh thay máu đất nước. Thái tử Saudi Arabia hiện là người tự tin quyền lực nhất vương quốc dầu mỏ này. Ông trẻ tuổi, đầu óc tân tiến, dám phá bỏ, và kiên quyết chống lại tầng lớp giáo sĩ có tư tưởng thủ cựu. Ông cho phép phụ nữ lái xe và vào sân vận động – những điều mà chỉ cách đây ít lâu phụ nữ còn bị bỏ tù. Ông cho bắt giữ hàng loạt hoàng thân quốc thích để điều tra tham nhũng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng thái tử đang sử dụng chiêu bài cải cách để triệt tiêu đối thủ và củng cố quyền lực. Để làm được điều này, thái tử cần sự ủng hộ của Mỹ. Và ông Trump gật đầu, với điều kiện Saudi Arabia ủng hộ giải pháp hoà bình của Mỹ, siết chặt việc chống cực đoan, và có thể là vô số các thoả thuận kinh tế cũng như chính trị khác.

Như vậy, lý do thứ nhất để Trump dám ra tuyên bố Jerusalem là vì ông có sự hậu thuẫn ngấm ngầm của Saudi Arabia và sự đổi chác phía sau bàn đàm phán. Ngoài Saudi Arabia, các nước bên ngoài tuyên bố phản đối nhưng bên trong ngấm ngầm ủng hộ là Các Tiểu Vương Quốc UAE, Bahrain, và Ai Cập. Việc cấm vận Qatar, ép lãnh đạo Lebanon từ chức, sự “ly khai” của GCC, hay việc Saudi Arabia và UAE thắt chặt quan hệ kinh tế và quốc phòng .v.v. là những việc không thể xảy ra nếu không có sự ủng hộ của Mỹ. Vì vậy, về bản chất, để đổi lại việc Mỹ bật đèn xanh, tuyên bố về Jerusalem và kế hoạch hòa bình của Trump coi như được các nước này đồng ý.  Palestine trở thành con tốt thí cho các ván bài lợi ích riêng tư của từng quốc gia.

2. Lý do thứ hai cho hành động của Trump là việc ông ta đang thực hiện lời hứa bầu cử của mình, không phải với đại bộ phận dân chúng mà với Hội Đồng quan hệ Mỹ-Israel (AIPAC). Đây là một tổ chức có ảnh hưởng lớn, và vào tháng 3 năm 2018, ông Trump hứa sẽ chuyển Đại Sứ Quán Mỹ tới Jerusalem – thủ đô muôn đời của người Do Thái.

Thêm vào đó, ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson – người từng đóng góp hàng triệu đô la cho cuộc tranh cử của Trump – tỏ ra khá sốt ruột khi ông Trump chưa thực hiện lời hứa của mình. Cuối cùng, một nửa số thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ Trump trong quyết định về Đại Sứ Quán, dẫn tới giả thuyết Trump đơn giản là đang đi theo xu hướng của những người ủng hộ mình.

3. Lý do thứ ba cho quyết định của Trump là sự hấp dẫn không thể cưỡng lại được của thách thức – một điều mà kẻ tự tin cộng thêm một chút kiêu ngạo như Trump không dễ bỏ qua. Vấn đề Palestine-Israel là một cơn đau đầu dài dằng dặc qua rất nhiều đời tổng thống Mỹ.  Ai cũng có khát khao là kẻ ghi tên mình trên bảng vàng của nguời hùng đem đến hoà bình, và ai cũng thất bại.

Ông Trump hoàn toàn đúng khi tuyên bố rằng bao năm qua giải pháp cho vấn đề này đang kẹt cứng và tù đọng.  Hẳn nhiên, ông cũng muốn là người ghi điểm và được lịch sử ghi nhận.  Tuy nhiên, với quá khứ và chiến thuật của một nhà kinh tế, giải pháp hòa bình của ông cũng mang hơi hướng tài chính và lợi nhuận, trong đó có kẻ thắng và người thua.

Bàn đàm phán kinh tế khác bàn đàm phán hòa bình ở chỗ, các giao kèo tài chính thường đi theo xu hướng người này tiến thì kẻ kia phải lùi. Ngược lại, các vần đề chính trị và hòa bình hoàn toàn có thể được giải quyết theo xu hướng cả hai bên cùng có lợi. Và trong diễn biến như hiện nay, ông Trump có vẻ như đang ép phía Palestine về phía bất lợi. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn phải chờ xem các chi tiết cụ thể của giải pháp này mà ông Trump sẽ tuyên bố trong nay mai.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt