Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (30)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Việt Nam Cộng Hòa tự thu ngắn chiều Bắc Nam ”

Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã thu ngắn theo chiều Bắc Nam! 

Ngược dòng thời gian, thượng tuần tháng 5/1954, Điện Biên Phủ do 13.000 quân của Pháp trấn giữ, đã thất thủ làm rúng động toàn bộ quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương, rúng động cả nước Pháp, và hiển nhiên là sự thất trận này đã đưa nước Pháp đến tình trạng phải rời khỏi Đông Dương gồm Việt Nam, Cam Bốt, và Lào.

Hơn 20 năm sau -tháng 3/1975- toàn bộ Cao Nguyên miền Trung  vào tay quân cộng sản, làm rúng động toàn quân và toàn dân Việt Nam Cộng Hòa. Và liệu sự thất bại này có phải là nguyên nhân dẫn đến toàn bộ Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân cộng sản từ ngày cuối tháng 4/1975 không? Dù gì đi nữa thì sự thể đã là như vậy rồi!

Tình trạng hỗn loạn bi đát trong cuộc hành quân lui binh trên đường liên tỉnh số 7, nếu chưa phải là nguyên nhân chính, cũng là khởi đầu cho sự hỗn loạn trong các cuộc hành quân lui binh của Quân Đoàn I, và các Sư đoàn 1, 2, 3, 22, 23 Bộ Binh, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hải Quân, Không Quân, dọc các tỉnh duyên hải từ Quảng Trị , Huế, Đà Nẵng, đến Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cam Ranh.

Trước ngày cuối tháng 3/1975, từ Quảng Trị đến Cam Ranh đều bỏ ngỏ. Tôi nói “bỏ ngỏ” vì không có Tiểu Khu nào hay Trung Đoàn, Sư Đoàn nào, phòng thủ chống lại quân cộng sản, hoặc nếu có chống trả như Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại sườn Tây Đà Nẵng cũng chỉ trong thời gian ngắn ngủi là rút lui, còn lại là rút đi trước khi quân cộng sản đến!

Trong số những vị Tướng Tư Lệnh đại đơn vị thuộc Quân Đoàn I và Quân Đoàn II rút khỏi vùng trách nhiệm của những vị đó, tôi luôn tự hỏi về thái độ của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân khu I. Tôi được tiếp xúc với ông qua những công tác “dự phòng chống đảo chánh” từ năm 1965 khi ông là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhẩy Dù. Chính vì hiểu ông mà tôi tự hỏi như vậy. Bởi trong cuộc tấn công của quân cộng sản hồi Tết Mậu Thân đầu năm 1968, Huế và nhất là trong khuôn viên thành nội, nơi có bản doanh cùng một số đơn vị của Sư Đoàn 1 Bộ Binh đồn trú, đã bị quân cộng sản chiếm giữ trong 3 tuần lễ. Lúc bấy giờ, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng (cấp bậc lúc ấy) là Tư Lệnh Sư Đoàn này. Cuộc phản công chiếm lại từng khu vực trong thành nội Huế rất cam go với tổn thất khá nặng, Chuẩn Tướng Trưởng đã chứng tỏ quyết tâm tiêu diệt quân cộng sản hay ít nhất cũng phải đánh bật chúng ra khỏi Huế trong thời gian ngắn nhất, khi ông đứng nghiêm chỉnh ở chân cột cờ với lễ phục và huy chương biểu tượng cho các chiến công của ông, Chuẩn Tướng Trưởng đã kêu gọi quyết tâm của quân sĩ dưới quyền ông hãy vì danh dự và trách nhiệm đối với tổ quốc dân tộc. Qua lời kêu gọi đầy trách nhiệm cùng với nhiệt tâm của ông, chính là quyết tâm của vị Tư Lệnh cùng quân sĩ chiến đấu, đã thúc đẩy cuộc phản công của Sư Đoàn đến chiến thắng vẻ vang. Đành rằng trong cuộc hành quân phản công này, có sự chiến đấu yểm trợ của quân lực Hoa Kỳ, nhưng  Sư Đoàn 1 Bộ Binh Việt Nam vẫn là lực lượng chính.      

“Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (đã thăng cấp) đang là Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân khu IV vùng đồng bằng Cửu Long, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I và tức tốc lên phi cơ ra Đà Nẵng nhận chức. Một vị Tướng như thế, tôi nghĩ, ông không thể để Đà Nẵng vào tay quân cộng sản gần như êm thắm như vậy! Xin nhớ, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng gốc là binh chủng Nhẩy Dù, và binh chủng này là một trong những binh chủng rất lì với chiến trận. Nhưng sự thể đã diễn ra như vậy, ắt phải có điều gì đằng sau quyết định rút bỏ thành phố cảng quan trọng của miền Trung. Và chỉ có Trung Tướng Ngô Quang Trưởng mới có thể hiểu đến tận cùng  điều ấy mà thôi.

Xin mở ngoặc. Tối ngày 6/9/2003, khi vợ chồng tôi dự tiệc cưới tại Washington DC, chúng tôi ngồi chung bàn với cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, và cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tôi có ý định hỏi Trung Tướng Trưởng về điều thắc mắc của tôi, nhưng vì cựu Phó Đề Đốc Thoại lại đưa vấn đề cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 hỏi tôi nên mãi nói chuyện với ông, để rồi cuối cùng không còn thì giờ xin lời tâm sự từ cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Và đóng ngoặc.

Hai chục năm sau năm 1975. Ngày 14/1/1995, tôi gặp anh Nguyễn Thành Trí trong chợ Hong Kong ở Houston, bạn tôi. Anh là cựu Đại Tá, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, và Sư Đoàn này đặt dưới quyền sử dụng dài hạn của Quân Đoàn I từ sau trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Xin mời quí vị lui lại 20 năm trước, và xin quí vị cứ tưởng như chúng ta đang sống lại những ngày cuối tháng 3 năm 1975 tại Đà Nẵng, lúc ấy bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở khu vực Non Nước, để nghe anh kể lại một góc nhỏ trong cuộc triệt thoái khỏi Đà Nẵng:

”Khoảng 5 giờ chiều ngày 28 tháng 3 năm 1975, quân cộng sản tấn công vào Sư Đoàn 3 Bộ Binh ở sườn Tây Đà Nẵng, và chỉ chống trả trong thời gian ngắn là Sư Đoàn 3 Bộ Binh rút lui, tạo khoảng trống bên sườn của Thủy Quân Lục Chiến, và các đơn vị co về bản doanh Sư Đoàn (Thủy Quân Lục Chiến). Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến,  đã rời khỏi Sư Đoàn và lên chiến hạm của Hải Quân (Việt Nam) từ lúc chiều. Nhưng trước khi đi ông có đến gặp Trung Tướng Ngô Quang Trưởng xin quyết định vì tình hình rất nghiêm trọng, nhưng Trung Tướng Trưởng không nói gì cả. Khi đến bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn, có cả ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng cùng đi với Thiếu Tướng Lân. Ông Tổng Lãnh Sự có mang theo máy vô tuyến cầm tay loại nhỏ, chốc chốc ông ta thông báo vị trí của ông với ai ở đâu đó mà tôi (tức cựu Đại Tá Trí) không rõ. Thiếu Tướng Bùi Thế Lân nói với tôi rằng: Ông Tổng Lãnh Sự khuyên ổng (tức Thiếu Tướng Lân) nên bảo toàn lực lượng, nhưng Thiếu Tướng Lân không nói điều này với Trung Tướng Trưởng. 

”Khoảng nửa đêm 28 rạng 29 tháng 3 năm 1975, có tiếng động cơ trực thăng xuống bãi đáp bên cạnh, sĩ quan trực chạy ra đón và hướng dẫn phái đoàn vào bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, gồm các vị: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Khánh (tôi không biết họ) Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Quân (đồn trú tại Đà Nẵng), Đại Tá Phước (cũng không biết họ) Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 51/Sư Đoàn 1 Không Quân, Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh/Thị Trưởng Thừa Thiên/Huế, và Đại Úy sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Trưởng. Tại bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, sau khi Trung Tướng Trưởng liên lạc với các đơn vị và được biết đã rút lui an toàn (tức bỏ Đà Nẵng), Trung Tướng Trưởng nói với các sĩ quan cùng đi theo ông:

“Bây giờ thì các anh hãy tự thoát, còn tôi , tôi đi theo Thủy Quân Lục Chiến”. 

”Trung Tướng Trưởng vừa nói xong thì gần như cùng một lúc, Chuẩn Tướng Khánh, Đại Tá Phước, Đại Tá Duệ, cùng chào Trung Tướng Trưởng và lên trực thăng cất cánh ngay.

”Khoảng 6 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975, sĩ quan trực vào trình tôi là chiến hạm đang tiến vào để đón các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến. Tôi đến trình Trung Tướng Trưởng:

“Thưa Trung Tướng, tôi không biết do lệnh từ đâu mà chiến hạm đang chờ đón tôi và các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến. Vậy Trung Tướng nên đi với chúng tôi ngay bây giờ, thưa Trung Tướng”.

”Sau một lúc chần chừ như có ý không muốn rời Đà Nẵng, ông đứng dậy cùng đi với tôi. Nhưng vì chiến hạm không vào sát bờ được, cũng không có tàu nhỏ để từ bờ ra chiến hạm, nên tất cả đều lội nước, và khi mực nước lên đến ngực cũng là lúc trèo lên tàu. Sau khi mọi người lên chiến hạm, lúc ấy tôi trông thấy Đại Tá Hường (Nguyễn Xuân Hường), Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh đã có mặt trên tàu. Chiến hạm lui ra khơi nhưng chưa chạy, có vẻ như chờ lệnh hay chờ ai đó.

”Vài tiếng đồng hồ sau, chiếc trực thăng chở các sĩ quan rời khỏi bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lúc nửa đêm qua, đã quay trở lại, không rõ là do thời tiết xấu hay vì lý do gì đó, cả ba vị là Chuẩn Tướng Khánh, Đại Tá Phước, với Đại Tá Duệ, cùng lội nước ra chiến hạm. Vẫn là chiến hạm đang có Trung Tướng Trưởng trên đó. Tôi thấy sự chia tay đêm qua sao mà thản nhiên quá, thản nhiên đến mức không có vẻ gì có chút tình cảm đọng lại trong giây phút chia tay đó làm tôi cảm thấy khó chịu. (lời của Phạm Bá Hoa: Thuật chuyện đến đây đôi mắt anh Trí đỏ hoe, chực phát khóc! Rõ ràng là anh đang xúc động!)

Sau phút im lặng vì xúc động, cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí kể tiếp:

”Tôi nhờ ông Hạm Trưởng để 3 sĩ quan này ở phía trước hầu tránh cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trông thấy e không đẹp lòng nhau. Mãi đến quá trưa, chiến hạm mới rời vùng biển Đà Nẵng và trực chỉ Cam Ranh. Giữa chiến hạm với Bộ Tư Lệnh Hải Quân giữ liên lạc vô tuyến chặt chẻ, nên khi chiến hạm vừa đến vịnh Cam Ranh thì nhận được công điện của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Theo đó, Tổng Thống ra lệnh cho tất cả lên bờ, chỉ riêng Trung Tướng Trưởng vẫn ở trên chiến hạm và về Sài Gòn ngay. Tôi thắc mắc nếu muốn Trung Tướng Trưởng về Sài Gòn ngay thì tại sao Tổng Thống hay Bộ Tổng Tham Mưu không cho phi cơ ra Cam Ranh đón mà lại bảo đi bằng tàu? Lúc đó Trung Tướng Trưởng nói là ông đi theo Thủy Quân Lục Chiến chớ không về Sài Gòn. Đến khi Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, từ Nha Trang vào Cam Ranh khuyên Trung Tướng Trưởng nên về Sài Gòn theo lệnh Tổng Thống. Sau đó, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I đã theo chiến hạm về Sài Gòn”.

Đến đây là hết lời kể của cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Với lời thuật trên đây của cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí, tôi nghĩ rằng: rất có thể là các vị Tư Lệnh đại đơn vị tại Quân Đoàn I, từ binh chủng Bộ Binh, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, đến quân chủng Hải Quân, Không Quân, và cũng có thể ngay cả Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I nữa, đã nhận được lời khuyên “bảo toàn lực lượng” như Thiếu Tướng Bùi Thế Lân đã nhận của ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng cũng nên? Và không chừng chiến hạm vào gần bờ để đón Thủy Quân Lục Chiến cũng từ “lời khuyên” của ông Tổng Lãnh Sự nữa chăng! Vì rõ ràng là cựu Đại Tá Trí không hề biết lệnh xuất phát từ đâu mà. Và phải chăng với “lời khuyên” đó đã dẫn đến các vị Tư Lệnh có quân có quyền trong tay lần lượt rời khỏi đơn vị hoặc chỉ huy đơn vị triệt thoái? Điều này tôi không rõ, nhưng có điều quí vị đều rõ là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Đà Nẵng đã vào tay quân cộng sản quá dễ như khi vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II ở Plei Ku vậy!

Bây giờ xin mời quí vị nhìn vào đoàn người đông đảo đã “bỏ của chạy lấy người” được các loại tàu quân sự lẫn tàu hàng hải, tàu của Việt Nam lẫn thương thuyền ngoại quốc thuê mướn, vận chuyển đồng bào từ Huế, Đà Nẵng, và các tỉnh dọc duyên hải xuôi Nam, và đưa ra đảo Phú Quốc tạm trú. Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang mà tỉnh lỵ là Rạch Giá, nằm ngay cửa ngỏ vịnh Thái Lan. Số đồng bào chạy loạn này do Bộ Xã Hội phụ trách nuôi ăn trong khi chờ biện pháp giải quyết chung. Bộ Xã Hội yêu cầu Tổng Cục Tiếp Vận giúp họ tiếp tế mỗi ngày 20.000 phần cơm vắt và phi cơ đưa ra Phú Quốc cung cấp cho đồng bào. Trung Tướng Đồng Văn Khuyên bảo tôi lo giúp Bộ Xã Hội. Tôi điện thoại lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, xin tiếp chuyện với Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm này:

“Hoa đây Anh. Có việc này xin nhờ Anh và hi vọng Anh tiếp tay được”. Xin lỗi quí vị, tôi xưng hô như vậy với Thiếu Tướng Trần Bá Di, vì chúng tôi thân nhau từ lâu. 

“Việc gì mà coi bộ quan trọng vậy anh?

“Tại Phú Quốc hiện có khoảng 20.000 đồng bào của các tỉnh miền Trung chạy vào tạm trú, bên Bộ Xã Hội nhờ quân đội nấu cơm, vắt lại từng vắt, và dùng phi cơ quân sự đưa ra Phú Quốc cho đồng bào. Chuyện này là chuyện hằng ngày nghe Anh. Gạo thì Bộ Xã Hội cung cấp. Anh liệu Trung Tâm có thể giúp bằng cách nấu cơm, vắt lại, cho vô thùng và đưa ra phi trường được không? Dĩ nhiên là chúng tôi lo phi cơ”.  

“Được chớ. Chuyện chung mà. Nhưng chừng nào tụi tui nấu?    

“Ngay hôm nay, để mai là chuyến tiếp tế đầu tiên do quân đội nhận giúp. Vậy Anh cho mượn gạo hôm nay nghe, ngày mai chúng tôi chở gạo đến Anh đủ một tuần, sau đó mình tính tiếp”.  

“Được. Tôi cho nấu ngay. Khi xong, tôi cho anh hay”. 

“Cám ơn Anh rất nhiều”.

“Cái gì mà cám ơn. Mỗi người mỗi đơn vị góp một tay vào trách nhiệm chung chớ!

Trong khi vịnh Cam Ranh bỏ ngỏ, thì tại Biên Hòa, nơi có bản doanh của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn gấp rút tổ chức Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi tình nguyện nhận trách nhiệm chỉ huy Bộ Tư Lệnh này. Ngay sau đó, Bộ Tư Lệnh Tiền Phương/Quân Đoàn III di chuyển ra Phan Rang, đặt bản doanh ngay trong căn cứ Sư Đoàn 6 Không Quân tại phi trường Bửu Sơn (Phan Rang hay là Ninh Thuận), với nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy tuyến phòng thủ tại đây. Phải nhận rằng, sự kiện Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi nhận chức vụ này trong một tình hình hết sức nguy hiểm, vì Phan Rang phút chốc trở thành tuyến đầu trước áp lực của quân cộng sản đang trên đà thắng thế, là một hành động xứng đáng được tuyên dương. Trung Tướng Nghi ngang hàng với Trung Tướng Toàn, mà ông chấp nhận dưới quyền Trung Tướng Toàn, quả là ông hành động vì sự lâm nguy của tổ quốc.

Tôi nói “quân cộng sản đang trên đà thắng thế”, nhưng không phải chúng thắng thế do thắng trận, mà chúng thắng thế vì các đại đơn vị của chúng ta lần lượt rút bỏ tuyến phòng thủ trước khi quân cộng sản đến. Còn tại sao các đại đơn vị rút bỏ như vậy, tôi nghĩ, chỉ có quí vị Tư Lệnh các đại đơn vị đó mới giải thích được. Nhưng có lẽ không nên loại trừ giả thuyết về nguyên nhân “bảo toàn lực lượng” tương tự như lời của Thiếu Tướng Bùi Thế Lân -Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến- nói với Đại Tá Nguyễn Thành Trí -Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến- là ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đã khuyên ông (tức Thiếu Tướng Lân) như vậy.    

Lực lượng dưới quyền Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi thật là phức tạp, vì lực lượng còn lại của Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Sư Đoàn Nhẩy Dù, và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến quá mệt mỏi, trong khi tái trang bị cũng như những nhu cầu tiếp liệu khác chưa hoàn chỉnh. Điển hình là Sư Đoàn 2 Bộ Binh từ Quảng Ngãi, và Sư Đoàn 22 Bộ Binh từ Qui Nhơn, triệt thoái về Vũng Tàu- Bà Rịa, Tổng Cục Tiếp Vận đưa quân trang quân dụng từ Sài Gòn ra tái trang bị theo tiêu chuẩn: “Mỗi Sư Đoàn tổ chức 2 Trung Đoàn (thay vì 3), mỗi Trung Đoàn tổ chức 2 Tiểu Đoàn (thay vì 3), Pháo Binh Sư Đoàn tổ chức 2 Tiểu Đoàn (thay vì 3), mỗi Tiểu Đoàn Pháo Binh tổ chức 2 Pháo Đội (thay vì 3), mỗi Thiết Đoàn Kỵ Binh tổ chức 2 Chi Đoàn (thay vì 3)”. Tất cả chỉ vì không đủ quân số, cũng không đủ quân trang quân dụng, vì số lượng quân trang quân dụng tồn trữ là dành cho nhu cầu thay thế chớ không dự trù để trang bị cấp đại đơn vị. Chỉ có các đơn vị của Thủy Quân Lục Chiến là được Sư Đoàn này bổ sung quân số tương đối đầy đủ bằng số tân binh vừa huấn luyện xong.

Sau khi tái tổ chức, tuy vẫn còn danh hiệu Tiểu Đoàn, Trung Đoàn, Sư Đoàn, nhưng tổ chức đơn vị, trang bị, cộng với tinh thần, phải công nhận là sức chiến đấu các đơn vị chắc chắn sẽ sút giảm nghiêm trọng! Tái tổ chức và trang bị xong, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh tức tốc chuyển quân ra Phan Rang, trong khi Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh chuyển quân theo quốc lộ 4 xuống trấn giữ Tân An. Quốc lộ nối liền Sài Gòn với các tỉnh đồng bằng Cửu Long.         

Và rồi tuyến đầu Phan Rang thất thủ. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh chiến trường, và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân, cùng nhiều sĩ quan trực thuộc bị bắt làm tù binh. Tiếp đó là Đà Lạt, Lâm Đồng, Bình thuận (tức Phan Thiết), và Bình Tuy (tức Hàm Tân), đều bỏ ngỏ, lui về Vũng Tàu và thủ đô Sài Gòn. Sư Đoàn 25 Bộ Binh của Thiếu Tướng Lý Tòng Bá, từ Tây Ninh cũng lui về căn cứ Củ Chi, sát nách Sài Gòn.

Ngay trước ngày rút bỏ Nha Trang, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, chỉ thị tôi gấp rút nghiên cứu tái tổ chức toàn ngành Tiếp Vận  và phối trí từ vĩ tuyến 13 (trên địa thế là Phan Rang) trở xuống. Với lệnh này, tôi hiểu là lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn lại từ Phan Rang xuống đến Cà Mau, ra Phú Quốc và Côn Sơn! Tôi chỉ kịp trình bản phác thảo kế hoạch thì Phan Rang thất thủ, và nhiệm vụ nghiên cứu  chấm dứt từ đó. Xin nhắc lại là lúc bấy giờ có dư luận về một áp lực từ phía ngoại quốc, buộc Việt Nam Cộng Hòa cắt phần trên vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 17 giao cho tổ chức gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch. Mặt Trận này là tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam và khai sinh vào cuối năm 1960 trong khu rừng già biên giới Việt Nam-Cam Bốt. Như vậy, dư luận đó không phải là không có cơ sở.

Lui xuống tuyến Xuân Lộc. Tại đây, Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo giữ chức Tư Lệnh, ước tính khoảng 2 Sư Đoàn quân cộng sản mở cuộc tấn công vào Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Rất có thể là chúng cứ tưởng “chẻ tre” như từ sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) xuống đến đây, nhưng chẳng may cho chúng là sức kháng cự mãnh liệt của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, cộng với quyết định sử dụng bom CBU -loại bom hút hết dưỡng khí trong một đường kính nhất định và những ai trong khu vực đó đều không có dưỡng khí để thở- và loại bom 10 tấn dùng khai phá bãi đáp cho trực thăng giữa rừng già, đã gây thiệt hại nặng nề cho quân cộng sản. Thiệt hại đến mức chúng phải rời mục tiêu Sư Đoàn 18 Bộ Binh để vòng xuống tấn công Biên Hòa. Sau đó, Sư Đoàn 18 Bộ Binh được lệnh Quân Đoàn III rút về trấn giữ căn cứ Long Bình.

Về phía Tiếp Vận. Từ sau ngày mất Cao Nguyên đến lúc này, toàn bộ các kho của toàn ngành Tiếp Vận từ Huế vào đến Cam Ranh, hầu như nguyên vẹn khi những đoàn quân triệt thoái, vì Tổng Cục Tiếp Vận không nhận được bất cứ một mệnh lệnh nào phải phá hủy các kho tồn trữ trước khi các đại đơn vị rút lui cả. Mà thật ra nếu có lệnh cũng không chắc là các đơn vị trách nhiệm có đủ thì giờ để phá, vi hầu hết là rút lui trong hỗn loạn chớ có kế hoạch gì đâu mà phá hủy!

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài sau]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt