Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (25)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Quỹ Tương Trợ & Tiết Kiệm Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa”

Tôi rời chức vụ chánh văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng vào những ngày cuối năm 1966 để nhận chức tại tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), nên không có điều kiện theo dõi những sự kiện chính trị từ trong căn phòng nhỏ hẹp của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Trung Tướng Viên thăng cấp Đại Tướng nhân lễ Quốc Khánh năm 1967), nơi mà các vị lãnh đạo với tất cả quyền lực trong tay thường hội họp và quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia trong năm 1965 và 1966. Giữa năm 1968, tôi thuyên chuyển trở lại Bộ Tổng Tham Mưu, phục vụ trong bộ tham mưu Tổng Cục Tiếp Vận với chức vụ Chánh Sở Kế Hoạch Chương Trình. Năm 1972, nhận chức Cục Trưởng Cục Mãi Dịch. Năm 1974, nhận chức Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Trong thời gian này cho đến giờ thứ 25 của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, tôi có cơ hội trực tiếp lẫn gián tiếp, theo dõi được tình hình quốc gia qua một số sự kiện quan trọng trong phần này và những phần tiếp sau. 

Quỹ Tương Trợ & Tiết Kiệm Quân Nhân

Xin nhắc lại, đầu tháng 6/1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát gởi văn thư mật, yêu cầu Hội Đồng Quân Lực nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, vì do bất đồng quan điểm với Quốc Trưởng khi thay đổi nhân sự trong nội các mà Quốc Trưởng từ chức, và Thủ Tướng phải từ chức theo. Văn thư nhấn mạnh, nếu Hội Đồng Quân Lực không nhận trách nhiệm này thì tình hình có thể sẽ trở nên rối loạn. Sau hai ngày họp, Hội Đồng Quân Lực quyết định chấp nhận lời yêu cầu của Thủ Tướng.

Để có khả năng đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, Hội Đồng Quân Lực đã tổ chức hai cơ cấu: Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Chủ Tịch, và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Chủ Tịch. Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia hành sử chức năng Quốc Trưởng, và Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức Thủ Tướng chánh phủ.

Ngày 19 tháng 6 năm 1965, tất cả thành viên của hai Ủy Ban này đã ra mắt quốc dân đồng bào và ngoại giao đoàn. Trong năm 1965 và 1966, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã tổ chức hai lần “Đại Hội Toàn Quân”, để quyết định đường lối hành động trong trách nhiệm quân đội lãnh đạo quốc gia. Thật ra những thành viên của hai lần Đại Hội này, tôi có tham dự cả hai đại hội, hằng ngàn quân nhân đại diện toàn quân về Sài Gòn tham dự để nghe quí vị thành viên của hai Ủy Ban trình bày về những chính sách của các ngành sinh hoạt quốc gia, và trong một chừng mực nào đó, có thể xem đây là một sách lược quốc gia. 

Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ với tư cách Thủ Tướng, đã tuyên bố nội các của ông là “nội các chiến tranh” và là “chánh phủ của người nghèo”. Sau đó ông có thực hiện một số chính sách giúp đỡ người dân cải thiện đôi chút cuộc sống, như:

Bán xe Lambretta 3 bánh trả góp dùng chở khách trong thành phố. Đây cũng là cách gia tăng phương tiện chuyên chở công cộng trong thành phố.

Cất nhiều khu nhà liên kế, bán trả góp cho quân nhân viên chức.

Bán xe gắn máy 2 bánh cho quân nhân trả góp.

Tổ chức hệ thống Quân Tiếp Vụ, bán hàng tiêu dùng thông thường với giá miễn thuế cho quân nhân và gia đình.

Và vân … vân . . .   

Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ Bộ Trưởng Quốc Phòng (1967)

Năm 1967, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia quyết định tăng lương đồng đều cho tất cả quân nhân các cấp thuộc chủ lực quân, mỗi quân nhân 100 đồng. Lúc bấy giờ, quân số chủ lực quân khoảng 450.000 người (chưa kể quân số Địa Phương Quân và Nghĩa Quân). Chỉ 100 đồng thôi vì ngân sách không thể chi trả nhiều hơn nữa, mà 100 đồng thời điểm ấy cũng chẳng mua sắm được gì. Cũng không rõ là Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có chấp thuận cho Bộ Quốc Phòng hay không, về việc sử dụng 100 đồng đó để thành lập một quỹ gọi là “Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân”, và chỉ áp dụng cho quân nhân chủ lực quân mà thôi. Mục đích của quỹ như tên gọi là “vừa tiết kiệm vừa tương trợ quân nhân và gia đình”. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng Trưởng Quốc Phòng, giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Tôi không nhớ hết các vị thành viên trong Hội Đồng Quản Trị, chỉ nhớ là có vị Tổng Giám Đốc Tài Chánh Thanh Tra Quân Phí/Bộ Quốc Phòng, và Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên (cấp bậc lúc bấy giờ) Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu.  

Tôi không rõ vị nào đã đưa ra đề nghị này, nhưng có điều là Quỹ này có hợp lệ hay không thì nhiều dư luận trái ngược nhau, mặc dù Quỹ đã được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động. Vì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia quyết định tăng lương là trách nhiệm của cấp lãnh đạo đối với quân nhân, nhưng Bộ Quốc Phòng đã thay mặt quân nhân quyết định thành lập Quỹ. Ngay trong Bộ Tổng Tham Mưu, các quân nhân cũng phàn nàn quyết định này không ít, vì Họ là thành viên đương nhiên nhưng không hề được hỏi ý kiến về việc nên hay không nên thành lập Quỹ.

Với lại trên nguyên tắc, Quỹ này không phải của quân đội mà lại do vị Tổng Trưởng Quốc Phòng nắm chức Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Các thành viên trong Hội Đồng đều được lãnh phụ cấp. Các vị khác thì tôi không rõ, nhưng riêng Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên lãnh xong là ông hoàn vào quỹ. Chính mắt tôi thì không thấy, nhưng Thiếu Tướng Khuyên nói điều này trong những buổi họp tham mưu của Tổng Cục Tiếp Vận. Xin tạm gác sự kiện này sang một bên, để theo dõi dư luận đồn đoán xoay quanh nguyên nhân dẫn đến quyết định tăng lương mà là số tiền được tăng gần như chẳng đáng là bao so với vật giá thị trường.

Lúc bấy giờ, dư luận từ các nhà hoạt động chính trị cho rằng, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tăng lương chỉ nhằm mục đích lấy lòng quân nhân chuẩn bị cho liên danh quân đội ra ứng cử Tổng Thống-Phó Tổng Thống, chớ thật ra số tiền được tăng đó không có giá trị bao nhiêu về vật chất.

Và rồi quí vị Tướng Lãnh ra ứng cử thật. Không phải một liên danh mà đến hai liên danh: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu một liên danh, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ một liên danh khác. Sự kiện này đã đưa quân đội, cho dù có thản nhiên đến mấy đi nữa, tự nó đã hình thành ba khuynh hướng: Một khuynh hướng ủng hộ Trung Tướng Thiệu, một khuynh hướng khác ủng hộ Thiếu Tướng Kỳ, và một khuynh hướng khác nữa thì không quan tâm mấy đến việc phải ủng hộ liên danh nào. Nếu tình trạng hai liên danh vẫn quyết tranh đua trong cuộc bầu cử này thì sự phân hóa trong quân đội là điều không tránh khỏi, và đó là điều tệ hại cho quân đội, cho quốc gia. Cũng may, các vị Tướng Lãnh đã vận động hai vị đứng đầu hai liên danh đến sát cạnh ngày hết hạn nộp đơn ứng cử, thì Thiếu Tướng Kỳ bằng lòng đứng chung liên danh với Trung Tướng Thiệu, sau cuộc họp khá gay gắt tại câu lạc bộ Bộ Tổng Tham Mưu. Cũng trong “sự thành công” đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu có hứa nếu đắc cử Tổng Thống, ông sẽ tham khảo các vị như trong thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia về đường lối chính sách quốc gia. Đồng thời ông cũng thỏa thuận với Thiếu Tướng Kỳ là sẽ mời giáo sư Nguyễn Văn Lộc -người đứng chung liên danh với Thiếu Tướng Kỳ lúc 2 liên danh riêng rẽ- thành lập chánh phủ.

Trở lại Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân. Khi quân số chủ lực quân gia tăng thì số vốn hằng tháng cũng theo đó mà gia tăng. Khi quân lực lên đến hơn 1 triệu quân thì chủ lực quân xấp xỉ con số 600.000 người, và như vậy có nghĩa là số vốn hằng tháng của quỹ ngoài các khoản lời khác, được tăng thêm đến 60.000.000,00 đồng. Có thể nói mà không sợ lầm lẫn, lúc bấy giờ chưa có cơ sở tài chánh nào tại Việt Nam mà số vốn gia tăng nhiều đến như vậy cả. Điều này ít nhất cũng là một trong hai nguyên nhân dẫn đến việc Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân “bị đánh sập” sau 51 tháng hoạt động. Nguyên nhân thứ hai, tôi sẽ thuật tiếp ở phần sau.

Trong thời gian thành lập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, tôi đang phục vụ tại tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) nên không trực tiếp thấu hiểu, nhưng năm sau đó (1968) tôi thuyên chuyển về Tổng Cục Tiếp vận mới có cơ hội nghe Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên cho biết thêm về tổ chức và hoạt động của Quỹ này. Theo ông, số vốn ngày càng gia tăng nhanh chóng và Hội Đồng Quản Trị quyết định thành lập một số cơ sở dịch vụ và kinh doanh, song song với gia tăng số vốn đầu tư vào các công ty dệt sợi, đặc biệt là Vimytex (Việt Mỹ Dệt Sợi Công Ty). Đây là công ty dệt sợi lớn nhất lúc bấy giờ. Hằng năm, công ty này trúng thầu khoảng 50% đến 70% trong số 30 tỷ đồng (Việt Nam Cộng Hòa) cung cấp vải treillis thường và treillis ngụy trang dùng may quần áo trận cho quân nhân. Ngoài ra còn các nhu cầu vải sợi khác, như: vải may quân phục Không Quân, Hải Quân, vải may mùng, may võng, may mũ, vải che mưa, vải dùng lau chùi vũ khí, vải may quân phục đại lễ, quân phục mùa đông cho sinh viên Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, quân phục cho sinh viên Trường Bộ Binh Thủ Đức, vải may quân phục cho quân nhân công du hoặc du học ngoại quốc, ..v..v..

Theo thời gian, các cơ sở sau đây được thành lập: Kỹ thương ngân hàng. Công ty bốc dỡ hàng hóa tại cảng Sài Gòn. Công ty vận tải. Công ty sản xuất vật liệu xây dựng. Xây cất tòa nhà nhiều tầng tại số 8 đại lộ Nguyễn Huệ khu trung tâm thủ đô, dự trù sử dụng cho văn phòng ngân hàng, cho các công ty do Quỹ thành lập, và cho thuê. Tòa nhà này thường được gọi là “cao ốc số 8 Nguyễn Huệ”.

Quan điểm táo bạo nhất là Hội Đồng Quản Trị sẽ tiến đến xây dựng nhà máy sản xuất đạn bắn thẳng mà khởi đầu là tân trang. Quan điểm này càng trở nên mạnh mẽ khi Trung Tướng (đã được thăng cấp) Đồng Văn Khuyên được cử giữ chức Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Không biết do đâu mà quan điểm này lọt ra ngoài, và phía Hoa Kỳ bắn tiếng xa gần là sẽ không hỗ trợ mục tiêu này nếu như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thực hiện.

Rất có thể đây là nguyên nhân thứ hai mà tôi vừa nói ở trên. Hoa Kỳ cho rằng, họ sẽ cung cấp đầy đủ đạn dược với phí tổn nhẹ hơn so với giá thành sản xuất tại Việt Nam. Đúng hay không thì chưa rõ, vì phải nắm được giá thành sản xuất tại Hoa Kỳ mới so sánh được, với lại trong nghiên cứu chiến lược lắm khi những vị lãnh đạo phải chấp nhận phí tổn cao về kinh tế để đạt được mục đích khác cao hơn như mục đích chính trị chẳng hạn. Giả thuyết rằng, một viên đạn sản xuất tại Việt Nam cùng phẩm chất mà giá thành cao hơn giá thành sản xuất tại Hoa Kỳ, chánh phủ vẫn chấp nhận được vì cái cốt lõi của mục đích là khả năng tự lực, còn giá thành không phải là yếu tố quyết định cho dù đó là yếu tố đáng quan tâm. Nhưng điều đó cho phép ta nhận định là Hoa Kỳ không muốn Việt Nam Cộng Hòa dần dần ra khỏi tầm kiểm soát của họ, mà đây là bước đầu Hội Đồng Quản Trị muốn thử nghiệm. Và theo tôi, đây là nguyên nhân thứ hai góp phần dẫn đến quyết định đánh sập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, mà lại là quyết định từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu!

Số tiền thanh trả cho quân nhân và gia đình ra khỏi Quỹ, ngày được gia tăng nhiều hơn lúc đầu nhờ vào số lời thu được từ các nguồn đầu tư.

Đùng một cái, Tổng Thống chỉ thị Phó Tổng Thống Trần Văn Hương thành lập Ủy Ban Thanh Tra do Đại Tá Trương Bảy (về sau là Chuẩn Tướng ngành Cảnh Sát) trách nhiệm, và Cục Mãi Dịch là cơ quan được nhắm vào như là trọng tâm. Đại Tá Trương Bảy là sĩ quan ngành Tiếp Vận, và ông là vị Cục Trưởng thứ hai từ khi ngành Mãi Dịch trong quân đội thành lập năm 1964. Cơ quan này căn cứ vào thể lệ mãi ước hành chánh quốc gia, và căn cứ vào nhu cầu cùng những điều kiện kỹ thuật do các ngành liên hệ cung cấp, có trách nhiệm thiết lập hồ sơ đấu thầu và đệ trình Tổng Cục Trưởng Tiếp Vận (nếu khế ước có trị giá đến 80 triệu đồng lúc thành lập ngành, và năm 1973 tăng lên đến 200 triệu) và Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu quyết định (nếu khế ước trị giá 80.000.001 đồng trở lên, và năm 1973 thì từ 200.000.001 đồng trở lên).

Khi thành lập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, không ít sĩ quan ngay tại quân trấn Sài Gòn tỏ ý than phiền việc thành lập Quỹ cũng như Hội Đồng Quản Trị Quỹ này không nằm trong nguyên tắc hành chánh nào cả, vì tổ chức này không hoàn toàn quân sự cũng không hoàn toàn là dân sự. Nhưng khi Quỹ bị bắt buộc giải tán và chi trả tài sản cho quân nhân thì dư luận quay lại ủng hộ Quỹ, cho rằng Tổng Thống đã bị “tài phiệt Chợ Lớn” và Hoa Kỳ khống chế, đành tâm đánh sụp một cơ sở tài chánh mà “tài phiệt Chợ Lớn” rất sợ sẽ mất độc quyền về kinh tế tài chánh. Đúng hay không, tôi không có được những bằng chứng xác đáng về việc này nên không dám đánh giá, nhưng rõ ràng là sự sụp đổ của Quỹ Tương Trợ Và Tiết Kiệm Quân Nhân đã dẫn đến bữa tiệc rất trọng thể của nhiều nhà “tài phiệt Chợ Lớn”.

Sở dĩ Cục Trưởng Cục Mãi Dịch bị Ủy Ban Thanh Tra nhắm vào vì Cục Trưởng là một thành viên trong Ủy Ban Thực Hiện cung cấp máy móc dụng cụ cho cao ốc số 8 đại lộ Nguyễn Huệ nói trên, đặc biệt là các thang máy chở đồ và chở người cho cao ốc này, trị giá chung là 60.000.000,00 đồng Việt Nam. Ủy Ban Thanh Tra kết luận, việc thực hiện hai loại thang máy nói trên là không đúng nguyên tắc, và hệ quả là vị Cục Trưởng bị phạt và bị cách chức. 

Ủy Ban Thanh Tra cho rằng, đáng lẽ Ủy ban Thực Hiện phải mở cuộc đấu thầu công khai với các nhà thầu quốc tế lẫn trong nước, đằng này Ủy Ban Thực Hiện chỉ “gọi thầu trực tiếp” dù là với nhà thầu quốc tế, nghĩa là mời các nhà thầu mà Ủy Ban Thực Hiện xét thấy có khả năng thi hành khế ước để khảo giá trực tiếp rồi trình lên Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Sở dĩ trình lên Hội Đồng Quản Trị vì ngân khoản này không thuộc ngân sách quốc gia, mà là ngân khoản của Quỹ. Thật ra theo nguyên tắc mãi ước hành chánh do chánh phủ Pháp ban hành năm 1899 (chính xác là vậy đó), mà nền hành chánh Việt Nam Cộng Hòa vẫn áp dụng không mảy may thay đổi điều khoản căn bản nào cả. Cũng theo đó, “đấu thầu công khai” hay “gọi thầu trực tiếp”, đều đúng nguyên tắc cả, có điều là mỗi nhu cầu tùy theo trường hợp và thực hiện theo cách nào cho là thích hợp nhất mà áp dụng, nhưng nhất thiết phải có lợi cho ngân sách. Xét cho đúng thì không có gì trái nguyên tắc cả, với lại lần thực hiện đó giảm chi được khoản tiền đáng kể mà lại được món hàng tốt nữa. Nhưng khi cấp thẩm quyền muốn cho nó sập thì kết luận phải cho nó sập, vì đó là lệnh của Tổng Thống mà! 

Lúc ấy tôi đang phục vụ tại Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận (Cần Thơ), được cử thay thế vị Cục Trưởng nói trên. Bấy giờ là tháng 6 năm 1972. Tôi đương nhiên là thành viên trong Ủy Ban Thanh Lý tài sản của Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân. Ủy Ban Thanh Lý do Tổng Nha Tài Chánh và Thanh Tra Quân Phí/Bộ Quốc Phòng giữ chức Chủ Tịch, có nhiệm vụ thanh lý và hoàn trả những khoản còn lại trong thời gian thực hiện cao ốc số 8 đại lộ Nguyễn Huệ, mà trọng tâm là xác định mức độ công tác hoàn thành của nhà thầu Huỳnh Thi (?). Về họ thì tôi chắc chắn là đúng, nhưng về tên của nhà thầu thì tôi chưa dám xác định.

Trong thời gian tham gia Ủy Ban này, tôi được biết một số sự kiện, đồng thời Trung Tá Bùi Hy Trọng -Cục Phó Cục Mãi Dịch lúc thực hiện hàng cho cao ốc số 8 Nguyễn Huệ- cung cấp cho tôi những con số sau đây:

Đến khi bị cưỡng bách giải tán thì số vốn do đóng góp là 3.520.000.000,00 (3 tỷ 520 triệu) đồng Việt Nam.

Trước đó, số tiền chi trả cho quân nhân giải ngũ, về hưu, hi sinh, từ trần hay mất tích, là 460.000.000,00 (460 triệu) đồng.        

Khi thanh lý tài sản, đã chi trả cho toàn thể quân nhân hội viên (gồm cả tiền lời) lên đến 3.500.000.000,00 (3 tỷ 500 triệu) đồng.

Đã chi ra 360.000.000,00 (360 triệu) đồng vào công trình xây dựng cao ốc Nguyễn Huệ.

Số tiền còn lại trong ngân hàng là 500.000.000,00 (500 triệu) cùng với tài sản tại các công ty của Quỹ ước tính cũng đến vài chục triệu nữa. 

Cao ốc số 8 Nguyễn Huệ gồm 12 tầng, cộng với sân thượng dự trù sử dụng một nửa phía đại lộ Nguyễn Huệ để cho thuê khai thác nhà hàng có ca nhạc, và một tầng hầm làm chỗ đậu xe (parking) với lối ra vào dành cho xe chuyên chở hàng hóa sử dụng chuyển vận lên các tầng trên, và hai máy phát điện đủ cung cấp điện năng cho cao ốc khi bị cúp điện. Ngay tầng trệt dành cho Kỹ Thương Ngân Hàng và phòng khách chung cho cao ốc như tại các khách sạn lớn vậy. Bộ Tài Chánh có ý mua lại cao ốc số 8 Nguyễn Huệ với giá sơ khởi do Ủy Ban Thanh Lý ra giá là  1.000.000.000,00 (1 tỷ) đồng. Khi tôi được cử vào chức vụ Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, tôi không còn trong Ủy Ban Thanh Lý nữa nên không rõ diễn tiến như thế nào mà đến tháng 4 năm 1975, cao ốc vẫn chưa bán được.

Hãy để mục đích thành lập cũng như mục đích đánh sập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân đúng hay sai qua một bên, chúng ta thử kết toán một cách tổng quát sau 51 tháng hoạt động: Số vốn 3 tỷ 520 triệu, đã lên đến 4 tỷ 460 triệu, cộng với cao ốc số 8 Nguyễn Huệ trị giá 1 tỷ, cộng với tài sản tại Kỹ Thương ngân hàng và các công ty. Nếu không bị đánh sập, rất có thể Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, có khả năng góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, cũng có thể góp phần quan trọng vào mục tiêu của quân đội từng bước tiến đến tự lực trong nền kinh tế quốc gia, đang đặt trọng tâm vào khả năng và tiềm năng tìm kiếm khai thác dầu hỏa dưới thềm lục địa Việt Nam, mà Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa đặt nhiều tin tưởng vào đó, ước tính từ năm 2000.

Không phải là ảo tưởng khi Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên (cấp bậc lúc bấy giờ), Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, năm 1969, giao cho tôi lúc tôi phụ trách Sở Kế Hoạch & Chương Trình/Tổng Cục Tiếp Vận, âm thầm nghiên cứu phác thảo một hướng đi cho ngành Tiếp Vận từng bước tiến đến tự lực các loại dụng cụ chiến tranh, mà một trong những nền tảng là khả năng và tiềm năng dầu hỏa. Trong năm 1970, Thiếu Tướng Khuyên đã chấp thuận dự thảo của tôi và ngay sau đó đã ban hành trong toàn ngành Tiếp Vận tập tài liệu nhỏ có tên là Đường Lối Tiếp Vận 10 điểm với dự phóng từ năm 2000 có khả năng đạt đến nếu như những dự phóng phát triển của Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa không quá sai lệch. Sau đó, từng lãnh vực trách nhiệm được nghiên cứu phác thảo tổng quát. Và rồi tháng 4 năm 1975 chợt đến, tất cả trở thành giấy vụn. 

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài kế]


Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt