Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (17)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Xáo Trộn Sau Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” – Nguyễn Khánh lưu vong làm “đại sứ lưu động”, chính phủ dân sự từ chức, quân đội nhận lãnh trách nhiệm…

Từ ngày lên cầm quyền, gần như chẳng mấy khi giữa Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu với Thủ Tướng Phan Huy Quát đồng quan điểm về chính sách quốc gia. Không biết trước kia giữa hai vị có điều gì bất hòa nhau hay không, mà trong giai đoạn hai vị là người lãnh đạo cao nhất nước, đang gánh vác trách nhiệm quản trị quốc gia trong thời chiến, nhưng có vẻ như đang quay lưng vào nhau. Thật là đáng buồn! 

Bác sĩ Phan Huy Quát nhận chức Thủ Tướng ngày 16/02/1965. Hơn một tuần sau đó, Đại Tướng Nguyễn Khánh rời Việt Nam (25/02/1965) lưu vong. Vào những ngày đầu trung tuần tháng 06 năm 1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát gởi đến Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Trưởng Quốc Phòng, một văn thư quay roneo dài 2 trang giấy dầy, khổ 21×33 phân tây, có đóng dấu của Thủ Tướng. Văn thư này có thông báo Trung Tướng Trần Văn Minh, Quyền Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và tôi đã đọc nó. Lúc ấy tôi là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Quân Sự Vụ/Nha Đổng Lý Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Xin được nhắc lại rằng, sau cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh trong chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, hành sử chức năng Quốc Trưởng, đã ban hành Sắc Lệnh vào đầu tháng 4 năm 1964, hệ thống hóa tổ chức quân đội dưới danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm: Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, và Địa Phương Quân Nghĩa Quân. Trong khi đó, Bộ Tổng Tham Mưu trở thành Bộ Tổng Tư Lệnh, và văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng cũng biến cải lại thành Nha Đổng Lý Bộ Tổng Tư Lệnh gồm: Phòng Quân Sự Vụ mà tôi là Trưởng Phòng. Phòng Dân Sự Vụ do Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao Tiêu- Trưởng Phòng. Và Phòng Báo Chí do Thiếu Tá Tâm làm Trưởng Phòng. Với tổ chức và phương thức điều hành của Nha Đổng Lý, hầu như tất cả Văn Thư của các Phòng Sở Bộ Tổng Tư Lệnh đều đến Phòng Quân Sự Vụ để trình vào Trung Tướng Tổng Tư Lệnh. Về tổ chức Nha Đổng Lý, tôi nghĩ rằng, trong quân đội và ngay cả trong phạm vi Bộ Tổng Tư Lệnh, rất ít sĩ quan biết đến, vì đây là một tổ chức rất xa lạ với những sĩ quan tham mưu hiểu biết về tổ chức trong quân đội.

Xin trở lại Văn Thư của Thủ Tướng Phan Huy Quát. Nội dung nói lên sự bất đồng quan điểm giữa Thủ Tướng với Quốc Trưởng về vấn đề thay đổi nhân sự cấp Bộ trong chánh phủ. Vấn đề chưa kết thúc, bỗng dưng Quốc Trưởng cho biết là ông từ chức. Như vậy, chánh phủ cũng phải từ chức theo. Sau cùng, Thủ Tướng Quát yêu cầu Hội Đồng Quân Đội, hãy nhân danh quân đội mà nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay. Xin nói thêm là ngay sau cuộc Chỉnh Lý, tổ chức đại diện quân đội vẫn sử dụng danh xưng là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng như trước đó. đến tháng 11 năm 1964 thì tổ chức này cải danh là Hội Đồng Quân Đội.

Do văn thư đó, Hội Đồng Quân Đội họp liên tục trong căn cứ Không Quân, và kết quả là Hội Đồng đồng ý nhận lời yêu cầu của Thủ Tướng Phan Huy Quát. Để thực hiện trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, Hội Đồng quyết định thành lập một tổ chức với danh xưng “Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia” để lãnh đạo theo nguyên tắc “Ủy Ban quyết định, những thành viên thi hành”. Thành viên Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia trên căn bản theo chức vụ đương nhiệm trong quân đội là 11 vị, gồm: Chủ Tịch. Tổng Thư Ký. Thủ Tướng. Tổng Trưởng Quốc Phòng.  Tổng Tham Mưu Trưởng. Tư Lệnh Hải Quân. Tư Lệnh Không Quân. Tư Lệnh Quân Đoàn I, Tư Lệnh Quân Đoàn II, Tư Lệnh Quân Đoàn III, và Tư Lệnh Quân Đoàn IV.

Sau cuộc tham khảo bầu chọn, kết quả các chức vụ như sau: (1) Chủ Tịch: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. (2) Tổng Thư Ký: Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu. (3) Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, tức Thủ Tướng: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Thiếu Tướng Kỳ còn kiêm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Không Quân. (4) Tổng Ủy Viên Chiến Tranh tức Tổng Trưởng Quốc Phòng: Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có. Thiếu Tướng Có còn kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Các thành viên: (5) Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân. (6) Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I. (7) Thiếu Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Quân Đoàn II. (8) Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tư Lệnh Quân Đoàn III. (9) Thiếu Tướng Đặng Văn Quang, Tư lệnh Quân Đoàn IV.

Nguyễn Cao Kỳ (sau 1985 về hợp tác với Việt Cộng)

Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ gọi nội các của ông là “nội các chiến tranh”. Trong nội các chiến tranh của ông có một Bộ mới thành lập, đó là Bộ Xây Dựng Nông Thôn, và Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng được cử giữ chức Tổng Trưởng. Bộ này đáp ứng nhu cầu bình định nông thôn trong chiến lược tách dân ra khỏi sự kiểm soát của cộng sản. Nhớ lại sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ rất lúng túng với chính sách Ấp Chiến Lược thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm để lại. Với chánh phủ của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, chính sách Ấp Chiến Lược được phát triển đến mức có một Bộ phụ trách, và Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng được đánh giá là một Tướng Lãnh có khả năng, nhiệt tâm, cương quyết, được xem là trong sạch, lãnh đạo Bộ này (và những Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn lần lượt ra đời từ kế hoạch của Thiếu Tướng Thắng).

Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia theo thành phần nói trên là 11 vị, nhưng vì Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, và Thủ Tướng Kiêm Tư Lệnh Không Quân, nên thực tế chỉ có 9 vị. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia chọn ngày 19 tháng 06 năm 1965 ra mắt tân chánh phủ, với danh xưng “Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương”. Đó cũng là ngày đánh dấu Quân Đội nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia. Cũng vì vậy mà ngày 19 tháng 6 được Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia chọn làm “Ngày Quân Lực”. Còn “Quốc Khánh” vẫn giữ ngày 1 tháng 11 hằng năm. Sau khi bàn giao chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II xong, Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có điện thoại cho tôi:

“Anh Hoa, anh ở lại đó phụ tá cho anh Tài nghe”.

“ Vâng. Cám ơn Thiếu Tướng”.

“Anh phụ trách về hồ sơ công văn của Bộ Tổng Tham Mưu, anh Tài (Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tài) sẽ là chánh văn phòng và có những công tác đặc biệt. Bây giờ anh chuẩn bị lễ bàn giao giữa Trung Tướng Minh với tôi vào ngày 15 tháng 7 (năm 1965). Anh trình Trung Tướng Minh rồi điện thoại cho tôi biết ngay”.

“Tôi nghĩ là Thiếu Tướng nên nói chuyện trực tiếp với Trung Tướng Minh thảo luận nhanh hơn, thưa Thiếu Tướng”.     

“Anh trình với Trung Tướng Minh là được rồi”. 

“Vâng. Tôi trình Trung Tướng Minh và sẽ trình lại Thiếu Tướng sau”.         

Tôi vào trình cho chánh văn phòng là Trung Tá Trần Văn Quiền (không phải tôi viết sai đâu mà tên của ông là như vậy đó), Trung Tá Quiền bảo tôi vào trình trực tiếp với Trung Tướng Minh. Tôi thi hành:

“Thưa Trung Tướng, Thiếu Tướng Có từ Pleiku điện thoại về bảo tôi trình Trung Tướng là ngày bàn giao chức vụ Tổng Tư Lệnh sẽ tổ chức vào ngày 15 tháng 07 thưa Trung Tướng”.

Xin giải thích. Bộ Tổng Tham Mưu do Trung Tướng Khánh cải danh thành Bộ Tổng Tư Lệnh, khi Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia hình thành thì Ủy Ban quyết định sử dụng lại danh xưng Bộ Tổng Tham Mưu, trong lúc giao thời này Thiếu Tướng Có gọi là Bộ Tổng Tham Mưu nhưng Trung Tướng Minh vẫn gọi Bộ Tổng Tư Lệnh. 

“Vous cứ nói với ông Có là ngày nào cũng được. Hôm đó tôi mặc quân phục đại lễ”.

“Vâng. Tôi sẽ trình lại Thiếu Tướng Có như vậy”.

Trung Tướng Trần Văn Minh (không phải là Trung Tướng Trần Văn Minh mà sau này là Tư Lệnh Không Quân, cũng không phải là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô), thường dùng tiếng chữ “vous” (Pháp ngữ) khi tiếp chuyện hay khi ra lệnh, lời của ông chậm rãi, từ tốn, rõ ràng, chẳng mấy khi tôi thấy ông nổi giận. Tôi điện thoại lên Pleiku:

“Thưa Thiếu Tướng, Trung Tướng Minh đồng ý ngày bàn giao 15 tháng 7, và buổi lễ hôm đó Trung Tướng Minh mặc quân phục đại lễ 4 túi”.

“Không được. Anh trình với Trung Tướng Minh là tôi mặc quân phục tác chiến. Mình đang trong tình trạng chiến tranh mà”.

Tôi vào trình Trung Tá Quiền, ông vẫn bảo tôi vào trình Trung Tướng Minh.

“Thưa Trung Tướng, Thiếu Tướng Có sẽ mặc quân phục tác chiến và Thiếu Tướng Có xin Trung Tướng cũng mặc như vậy”.

“Vous nói với Thiếu Tướng Có mặc gì thì tùy ông ấy. Còn tôi, tôi sẽ mặc 4 túi”. 

Trình qua trình lại, cuối cùng thì hai vị mặc quân phục theo ý riêng của mình. Một vị mặc quân phục tác chiến màu xanh lá cây, một vị mặc quân phục đại lễ màu trắng. Phải chăng vì Trung Tướng Minh đang Quyền Tổng Tư Lệnh (chữ “quyền” đồng nghĩa với tạm thời), một chức vụ mà ông thừa biết là Hội Đồng Quân Đội dùng ông để tạm thời trám vào cái khoảng trống đó trong khi tìm người chánh thức, nên ông không chấp nhận ảnh hưởng của vị Tướng nào cả? Cũng có thể vì ông là vị Tướng thâm niên, mà ông không sẵn lòng chịu sự ngang hàng với vị Tướng cấp nhỏ mà lại ít thâm niên, cho dù lời yêu cầu của Thiếu Tướng Có không có gì là kém trang trọng?

Rồi những trục trặc trong lễ bàn giao ngày 15/07/1965 tại vũ đình trường Bộ Tổng Tư Lệnh do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, chủ tọa. Theo lễ nghi quân cách, quan trọng nhất là lúc trao quân kỳ Bộ Tổng Tư Lệnh theo tuần tự như sau:

Thủ quân kỳ trao cho Trung Tướng Trần Văn Minh.

Trung Tướng Minh trao cho Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, biểu tượng cho trách nhiệm và quyền hạn Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt từ giờ phút này.

Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (sau thành Tổng Thống VNCH)

Trung Tướng Thiệu, với tư cách Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chủ tọa buổi lễ, sau khi dõng dạc tuyên bố trao trách nhiệm cho Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có từ giờ phút này, là ông trao quân kỳ cho Thiếu Tướng Có, biểu tượng trách nhiệm và quyền hạn của vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu từ giờ phút này.

Thiếu Tướng Có với quân kỳ trong tay, ông tuyên bố nhận trách nhiệm trước vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao và hứa sẽ hoàn thành trách nhiệm, rồi trao quân kỳ lại “thủ quân kỳ”.

Nhưng cái trục trặc rất ư là kỳ cục lại xảy ra, vì Trung Tướng Minh không chịu nhận quân kỳ từ tay của quân nhân “thủ quân kỳ”, cho nên quân nhân “thủ quân kỳ” phải ngập ngừng một lúc rồi bước đến trao thẳng cho Trung Tướng Thiệu. Sự kiện này làm Trung Tướng Thiệu phải mất vài chục giây ngỡ ngàng mới đưa tay nhận. Lại thêm vài chục giây ngỡ ngàng nữa trước khi ông tuyên bố trao quân kỳ cho Thiếu Tướng Có. Rõ ràng là Trung Tướng Minh không tôn trọng lễ nghi quân cách, dù rằng ông là vị Tướng rất thâm niên mà lại xuất thân từ trường sĩ quan của quân đội Pháp. Quốc kỳ biểu tượng một quốc gia, quân kỳ biểu tượng một đơn vị. Trong tất cả quân kỳ thì quân kỳ Bộ Tổng Tư Lệnh là cao nhất vì đó là biểu tượng của một quân đội, nhưng hôm nay -ngày 15 tháng 7 năm 1965- quân kỳ Bộ Tổng Tư Lệnh được bàn giao như vậy đó! Là một quân nhân, tôi cảm nhận một nỗi buồn!

Giao nhận xong, Bộ Tổng Tư Lệnh trở lại với danh xưng “Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”. Giải tán Nha Đổng Lý và tổ chức lại “văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng” như trước. Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tài giữ chức Chánh văn phòng,  tôi phụ tá cho anh.                

Nhận chức xong, ngoài công tác ở bàn giấy và những lần đi thăm các đại đơn vị, Thiếu Tướng Có cho xây tấm vách chắn ngang “cây đòn dông” của Trung Tâm Hành Quân, theo đường thẳng tưởng tượng chĩa thẳng vào giữa văn phòng ông Tổng Tham Mưu Trưởng. Cũng vì “cây đòn dông” này mà khi Trung Tướng Trần Thiện Khiêm nhận chức Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng vào ngày 31 tháng 1 năm 1964, bà Khiêm bảo tôi nhờ người treo cái kính soi mặt thật lớn dóng hướng và treo lên đó, nhằm làm cho “cây đòn dông” nếu kéo dài theo đường thẳng tưởng tượng sẽ đụng vào tấm kiếng mà “không vào” bên trong được. Và việc thứ hai là Thiếu Tướng Có cho dời hai ngôi mộ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu ra nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, nơi đã dự trù hạ huyệt ngày 5 tháng 11 năm 1963 nhưng đã không thực hiện được. Thiếu Tướng Có cho rằng, “cây đòn dông và hai ngôi mộ” đã là những điều không may cho Bộ Tổng Tham Mưu trong thời gian qua. Đúng hay không thì sau đó mới rõ, nhưng có điều là thêm một vị Tướng mang cả lòng tin về tướng số, tử vi, địa lý vào chức vụ cao nhất của quân đội.   

Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng đúng 3 tháng. Ngày 15 tháng 10 năm 1965, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu lại chủ tọa buổi lễ Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có bàn giao chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên.

Xin nhắc lại, Thiếu Tướng Viên sau khi bàn giao chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân, lên Biên Hòa nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn III. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn cùng các đơn vị trực thuộc, di chuyển từ trại Lê Văn Duyệt, Quận 3 Sài Gòn, lên đồn trú ở Biên Hòa sau cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964. Nay, Thiếu Tướng Viên trở lại Bộ Tổng Tham Mưu với chức vụ cao hơn trước.

Từ sau cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng đã lần lượt trong tay 6 vị “Nguyên Soái” mà trong đó 4 lần không có bàn giao, 1 lần bàn giao không đúng lễ nghi quân cách. Và ngày 15 tháng 10 năm 1965 là lần bàn giao thứ 6. Lễ bàn giao tuy mức độ trang trọng không đạt đúng chức vụ đứng đầu quân đội, nhưng giao nhận đàng hoàng. Lần thứ nhất, Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận chức ngày 02/11/1963 sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị giết chết. Lần thứ hai, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, nhận chức ngày 31/01/1964 sau khi Trung Tướng Trần Văn Đôn bị bắt. Lần thứ ba, Trung Tướng Nguyễn Khánh nhận chức ngày 08/10/1964 sau khi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lưu vong ngày hôm trước (07/10/1964). Lần thứ tư, Trung Tướng Trần Văn Minh, nhận chức ngày 26/02/1965 sau khi Đại Tướng Nguyễn Khánh lưu vong ngày hôm trước (25/02/1965). Lần thứ năm (15/07/1965), Trung Tướng Minh bàn giao cho Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có không đúng lễ nghi quân cách. Và lần thứ sáu là ngày 15/10/1965 này, bàn giao giữa Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có với Thiếu Tướng Cao Văn Viên, đúng lễ nghi quân cách.

Chưa tròn 2 năm mà thay đổi 5 vị Tổng Tham Mưu Trưởng, và Thiếu Tướng Cao Văn Viên là vị Tổng Tham Mưu Trưởng thứ 6. Nếu đem thời gian chia đều thì mỗi vị chỉ ngồi ghế Tổng Tham Mưu Trưởng có bốn tháng rưỡi, thử hỏi làm sao xây dựng được chiến lược chiến thuật thích ứng với mọi biến chuyển của tình hình để quân đội nắm quyền chủ động trên chiến trường, trong khi tình hình quân sự ngày càng đẫm máu với những trận đánh cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn. Từ ngày quân bộ chiến Hoa Kỳ và Đại Hàn trực tiếp tham chiến, một số Sư Đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta gần như tập trung vào những cuộc hành quân yểm trợ bình định nông thôn chung quanh các thành phố thị trấn, ngoại trừ lực lượng của Quân Đoàn IV vùng đồng bằng Cửu Long là vẫn trong thế chủ động, vì vùng này chỉ có căn cứ của Sư Đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ ở Mỹ Tho, và Sư Đoàn này chỉ giới hạn hoạt động ở bờ bắc sông Tiền (hay Tiền Giang) thôi.

Nếu cứ cái đà tranh giành như thế này hoài thì bất cứ vị Tướng vị Tá nào có tính liều mạng hay bốc đồng, cũng có thể lên cầm quyền chơi mỗi người mấy tháng nếu được vài đơn vị ủng hộ. Để rồi khi bị đẩy ra khỏi chiếc ghế lãnh đạo cũng còn hi vọng vớt vát cái chức “Đại Sứ tại chỗ” hoặc “Đại Sứ lưu động” chớ có thua thiệt gì đâu. Sự thua thiệt là ở những ai tha thiết với tổ quốc dân tộc, và hơn nửa triệu quân nhân dưới cờ là thua thiệt nhất, vì ngày đêm Họ miệt mài với chiến trận để ngăn chận quân cộng sản xâm lăng, trong khi trung ương thì thường xuyên trong tình trạng rối ren do giành giựt!

Nhận bàn giao xong, Thiếu Tướng Cao Văn Viên cho dọn sang văn phòng mới vừa xây dựng xong, và kiến trúc này do Trung Tướng Khánh cho khởi công từ tháng cuối năm 1964. Thiếu Tướng Viên có quyết định dọn ngay trong ngày bàn giao, một phần cũng vì Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có không chịu dời văn phòng của ông sang Bộ Quốc Phòng. Đây cũng là một hành động kỳ cục của Thiếu Tướng Có. Ông có hai chức vụ mà cả hai chức vụ đều thuộc loại nhất nhì đối với quân đội, và sau khi bàn giao cho Thiếu Tướng Viên chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng, ông còn lại chức Tổng Trưởng Quốc Phòng chớ có phải “ngồi chơi xơi nước” đâu mà ông lại tranh chỗ ngồi của ông Tổng Tham Mưu Trưởng mới nhận chức do chính ông bàn giao. Điều kỳ cục này dẫn đến sự cãi cọ giữa hai phu nhân của hai vị Tướng. Tuy chưa phải là lớn chuyện, nhưng cũng là “thành tích chẳng đáng khuyến khích” chút nào trong ngũ lãnh đạo!

Tôi, với chức vụ phụ tá chánh văn phòng khi Thiếu Tướng Có là Tổng Tham Mưu Trưởng, tôi chuẩn bị bàn giao cho Thiếu Tá Vĩnh Thái vì tôi phụ trách toàn bộ hồ sơ văn phòng, còn Thiếu Tá Thái là chánh văn phòng Tư Lệnh Quân Đoàn III, theo Thiếu Tướng Viên về Bộ Tổng Tham Mưu. Trong lúc chúng tôi giao nhận từng thành phần hồ sơ nhất là hồ sơ xếp vào loại mật và tối mật mà tôi giữ trong tủ sắt ngay sau lưng tôi, Thiếu Tướng Cao Văn Viên bước vào:

“Chú Hoa không bàn giao gì hết. Tôi cử chú vào chức vụ chánh văn phòng. Còn chú Thái sẽ nhận nhiệm vụ khác”.

Thật ra thì hai ngày trước đó, bà Cao Văn Viên có điện thoại tôi:

“Chú Hoa, Thiếu Tướng cử chú làm chánh văn phòng đó nghe”.

“Còn anh Vĩnh Thái thì sao Chị? Em ngại sẽ mích lòng với anh ấy”.

“Chú không lo. Thiếu Tướng nói chú Thái thuyên chuyển sang Bộ Quốc Phòng”. 

“Vậy thì em nhận, và cám ơn Chị”.

Sau đó, Thiếu Tá Vĩnh Thái được cử vào chức vụ Tùy Viên Quân Sự tại tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Đại Hàn Dân Quốc.

Thiếu Tá Vĩnh Thái, năm 1960 đang dạy tại Trường Sinh Ngữ Quân Quân Đội. Sau ngày 11/11/1960, thuyên chuyển sang Lữ Đoàn Nhẩy Dù, giữ chức chánh văn phòng Tư Lệnh mà lúc đó Đại Tá Viên vừa nhận chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù. Lần lượt theo Thiếu Tướng Viên về văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, rồi lên Quân Đoàn III. Vì gắn bó như vậy mà tôi rất thận trọng không dám nhận lời khi Thiếu Tướng Viên điện thoại cho tôi trước khi bà Viên giải thích. Anh Thái cũng là người thường đến Viện Đại Học nhận giùm bài học đem về cho Thiếu Tướng Viên, đang là sinh viên của Đại Học Văn Khoa. Tôi nghĩ, việc Thiếu Tướng Viên cử tôi vào chức vụ chánh văn phòng, rất có thể là do tôi quen việc nơi đây, cũng có thể là ông nghĩ đến ngày 01/11/1963 khi tôi nhận trách nhiệm đưa ông từ “phòng tạm giữ” lên ngồi trong văn phòng tôi. Thật ra thì lúc bấy giờ hành động của tôi chỉ nhằm  giúp Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm (cấp bậc đến ngày 01/11/1963), tránh được điều khó xử với bạn của ông thôi.

Vậy là tôi với Đại Úy Nguyễn Hữu Có, trước đây là chánh văn phòng và tùy viên của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, nhưng giữa năm 1964 Đại Úy Có thuyên chuyển sang Nhẩy Dù làm sĩ quan tùy viên cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên. Bây giờ, sau hơn một năm, hai chúng tôi ráp lại trong chức vụ chánh văn phòng và tùy viên của Thiếu Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng.

Ngày 01/11/1965, Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa, Thiếu Tướng Cao Văn Viên được thăng cấp Trung Tướng. Cùng thăng cấp Trung Tướng với ông còn có nhiều vị nữa, và trong số đó có Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Thiếu Tướng Đặng Văn Quang. 

Tháng sau đó, tôi được thăng cấp Trung Tá. 

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Bài Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt