Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (8)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tp I(1945-1950)/Chương 1Vit Nam t ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946: NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (8) 

CHƯƠNG  MỘT: (19/8/1945 đến 11/1946)

B. NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (8)

Tướng Lư Hán và Tướng Tham mưu Trưởng Tiêu Văn dưới trướng của Tướng Trương phát Khuê, Tư lệnh vùng

Lư Hán (1895-1974)

Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) thiên tả, ăn tiền của VMCS, họ không còn hỗ trợ cho các Đảng cách mạng Quốc gia nữa. Ngoài ra, chính phủ Trung Hoa đã ngầm thỏa hiệp với Pháp để không dính dáng vào vấn đề nội bộ của VN, sau khi được Pháp trao trả các nhượng địa mà Pháp đã chiếm giữ từ lâu. Do đó, ta thấy rằng quyền lợi của Quốc gia họ là trên hết. Những thỏa hiệp, cùng những hứa hẹn chỉ là ngôn ngữ của chính sách ngoại giao lấy lòng trong một thời gian nào đó thôi. Theo thỏa hiệp của các nước thắng trận đã ký kết, một tháng sau ngày quân đội Nhật đầu hàng, quân đội của Lư Hán từ hai ngả Vân Nam và Quảng Tây tiến vào Bắc Việt làm nhiệm vụ giải giới. Ngoài những đơn vị chính quy, tương đối còn khả dĩ trông được, còn có những đoàn quân địa phương đi theo ăn có. Chúng trang bị các loại vũ khí lạc hậu, còn đa số đi tay không, quần áo lôi thôi, luộm thuộm, dơ bẩn, gồng gánh nồi niêu song chảo, trông không ra vẻ quân đội một chút nào cả. Chẳng thế, mà khi chiến tranh Trung Nhật xẩy ra, quân Nhật tiến đánh như chẻ tre, quân của Tưởng chỉ nghe quân Nhật hò hét là đã bỏ chạy. Đoàn quân Tàu ốm đói đó đi tới đâu là tìm cách trộm cướp tới đó. Nhân dân VN, sau nạn đói khủng khiếp chưa hoàn hồn, nay lại phải gánh lấy tai ách do đoàn quân Tàu phù (lính tàu chân đi đất bị phù thũng nên gọi là Tàu phù) mang tới. Lịch sử VN vẫn còn ghi chép rành rành ngàn năm đô hộ của người Tàu. Nỗi mừng lo trong ngày đầu của cách mạng tháng 8/1945  đã làm bận tâm dân tộc VN rất lớn. Tương lai của VN thật là đen tối trong cái thế tranh dành ảnh hưởng và quyền lực của một thế giới mới lưỡng cực, một bên là CS và một bên là Tư Bản. 

Quân Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) đến Hải Phòng năm 1945

Đoàn quân Tàu phù không rõ số lượng là bao nhiêu, nhưng cứ thấy hàng ngày từ phía biên giới Trung Việt ào ào từ các ngả đường đổ xuống đồng bằng Bắc Việt. Các đình chùa, trường học, nghĩa là chỗ nào để trống là chúng chui vào ẩn náu bất cần lệnh của chính quyền địa phương. Quả là một đoàn quân vô kỷ cương. Các sĩ quan của chúng, có kẻ còn mang cả bàn đèn thuốc phiện nữa. Trong tình hình của một đoàn quân vô kỷ luật đó, nhiều việc rắc rối đã xẩy ra giữa người VN với bọn chúng. Phái đoàn của hai bên (Trung  Hoa Việt Nam) không sao giải quyết cho hết được.

Như chuyện tôi đã kể, là khi đoàn quân Tàu Phù xử dụng tàu bè từ mạn biên giới xuôi về Hà Nội, lúc tới khúc sông làng Chèm, cách Hà Nội 12 cây số, trong đêm đã bị lực lượng của VMCS phục kích nổ súng giết chết, rồi vứt xác xuống sông. Sự kiện này tôi được hay trước vì trong đêm đó tôi đang ứng trực gác tại trụ sở làng. Nhưng ác hại thay, trong những tên lính Tàu bị giết đêm đó, lại có tên sống sót, thoát chạy về tới Hà Nội và khai báo với Bộ Chỉ Huy của Tướng Lư Hán. Tướng này liền thông báo cho Chính phủ VN hay sự việc là chúng sẽ đem quân tới triệt hạ nơi đã xẩy ra biến cố. Không hiểu Hồ Chí Minh lúc đó giải quyết với Tướng Lư Hán ra sao, mà sự việc được êm thấm, nhưng VMCS đã phải đem tên cán bộ Huyện ủy ra xử bắn để lấy lòng Lư Hán và binh lính của ông ta. Tôi cho rằng việc bắn giết binh lính Tàu để lấy vũ khí, không phải chủ chương của địa phương, mà xuất xứ từ lệnh của cấp cao CS. Nhưng khi cần để bảo vệ sự sống còn của Đảng, chúng sẵn sàng hy sinh đảng viên của chúng, dù rằng đứng về mặt đảng rất có công lao. 

Sau câu chuyện đó thì tình trạng xẩy ra như vậy không còn tiếp diễn nữa, mà sự mua bán bằng vàng bạc mà VMCS đã thu được trong Tuần Lễ Vàng được tổ chức sau ngày VMCS chiếm được chính quyền. Đồng thời với quân Trung Hoa tràn vào Bắc Việt và Trung Việt thì quân Anh Ấn đổ bộ lên miền Nam VN từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Lực lượng này ngoài việc giải giới quân đội Nhật, họ còn hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Pháp trở lại VN. Đoàn quân này cùng những binh lính Pháp trước kia bị Nhật cầm tù, nay được thả ra, dưới quyền chỉ huy của Tướng Leclerc đã đánh chiếm toàn vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Ủy ban Hành chính Nam Bộ do cán bộ CS Trần văn Giàu cầm đầu, phản đối với Tư lệnh quân Anh Ấn nhưng chẳng đi tới đâu và đành phải rút lui ra khỏi Sài Gòn, thành lập Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ, khởi đầu cho cuộc chiến tranh Việt Pháp.

Tin tức loan về miền Bắc, khiến dân chúng hoang mang, lo sợ, không hiểu tình hình ở miền Bắc rồi đây sẽ ra sao? Trong khi quân đội Trung Hoa còn đang hiện diện tại đó. Một số thanh niên đã tình nguyện đi vào Nam chiến đấu chống Pháp. Có bạn đã rủ tôi lên đường, nhưng tôi còn phân vân chưa quyết định. Trong khi quân đội Trung Hoa tiến vào Bắc Việt, đồng thời các cán bộ và đảng viên VNQDĐ Hải ngoại do ông Vũ Hồng Khanh lãnh đạo cũng cùng về theo. Ông Vũ là một trong các cán bộ cao cấp đã chỉ huy cơ sở đảng ở vùng Kiến An, Hải Phòng trong cuộc Tổng khởi nghĩa Yên Báy ngày 10 tháng 02, 1930 dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đảng trưởng Nguyễn thái Học. Cuộc khởi nghĩa Yên Báy thất bại, ông Vũ Hồng Khanh lưu vong sang Trung Hoa và tiếp tục hoạt động cách mạng. Trên đường trở về, VNQDĐ đã đánh chiếm các Tỉnh lỵ Lào Kay, Sapa, Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì tạo thành Đệ Tam Chiến khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chính quyền được thành lập, các cơ sở hành chính và quân sự dược tổ chức. Ông Đỗ Đình Đạo trở thanh Tư Lệnh Đệ Tam Chiến Khu. Hai trường Võ Bị được tổ chức, một ở Việt Trì, tại khu nhà nuôi tầm cũ, lấy tên là Quân Quan Học Hiệu hay Xứ Nhu. Trường thứ hai là Trần Quốc Tuấn hay Lục Quân Yên Bái tại trại lính Pháp cũ (Tỉnh Yên Bái). 

Ban lãnh đạo VNQDĐ Hải Ngoại về tới Hà Nội đã cùng với Quốc Nội khởi sự hoạt động công khai chống lại chính quyền VMCS. Ông Vũ Hồng Khanh được Mặt trận ủy giữ chức vụ Tổng Bí Thư. Khi đó các cán bộ Đảng còn gọi ông ta là anh Cả và cùng các ông Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn) ông Chu bá Phượng, ông Phan Trâm v..v.. lãnh đạo Mặt trận Quốc gia. Quốc dân Đảng đã chiếm đóng trường Trung học Đỗ hữu Vị làm Trụ sở Trung ương và cơ sở xuất bản sách báo của Tự Lực Văn Đoàn ở đường Quan Thánh trở thành tòa báo của Đảng. Trước hành động chống đối của QDĐ, đảng CS và chính phủ VM tức tối muốn đem quân dẹp bỏ, nhưng không làm được vì e đụng chạm với quân Trung Hoa đóng ở chung quanh đó. VMCS chỉ còn cách tuyên truyền với dân chúng là QDĐ là bọn phản động, phản quốc, cùng viết báo và phát thanh chửi bới ầm ĩ. Trong khi đó, phía QDĐ lại còn thêm Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (VNCMĐMH) của cụ Nguyễn hải Thần, một nhân sĩ cách mạng lâu đời cùng với cụ Phan bội Châu lưu vong ở bên Trung Hoa lãnh đạo. Cụ được các nhà cách mạng Việt Nam rất kính nể, cùng các nhà lãnh đạo Đảng và chính quyền Trung Hoa biết đến và nể trọng. Trụ sở của VNCMĐMH đóng ở tòa nhà rộng lớn, cổ kính, có sân cỏ ở phía trước tại đường Quan Thánh gần vườn hoa Hàng Đậu.

Hàng ngày, qua loa phát thanh liên tục đả kích, tiết lộ bộ mặt thật của VMCS. Ngày nào có mặt ở Hà Nội, tôi cũng lảng vảng tới đó để nghe phát thanh. Từ đó tôi hiểu thêm về VMCS mà tôi đã có ác cảm từ trước qua các tên cán bộ VM mới ra lò, dốt nát, chân đất mắt toét mà lại huênh hoang, mà chúng tôi thường gán cho cái tên là V8, V9. Sự thật là khi còn lưu vong ở bên Trung Hoa vào năm 1942, Hồ chí Minh (danh xưng cuối cùng của cuộc đời của ông ta) cùng với ông Nguyễn tường Tam được nhà chức trách địa phương thả ra từ nhà giam Liễu Châu, thủ phủ của Tỉnh Quảng Tây. Các ông đã bị Tướng Trương phát Khuê nghi ngờ hoạt động thiên tả và thân Nhật, nên đã bị bắt giữ. Sau được cụ Nguyễn hải Thần và một vài vị cách mạng lão thành khác như cụ Trương bội Công can thiệp với Tướng họ Trương nên mới được tha. Trong khi đó tình hình chiến tranh Trung Nhật ngày càng ác liệt và mở rộng. Các nhà cách mạng VN lưu vong hoạt động ở miền nam Trung Hoa, qua sự đồng tình và yểm trợ của Tướng Trương phát Khuê và Tiêu Văn, nên đã đi tới chỗ thỏa hiệp thành lập một tổ chức liên minh các nhà cách mạng VN ở Hải Ngoại, không kể tới màu sắc chính trị khác biệt. Mục tiêu là để thống nhất hành động, chuẩn bị thời cơ trở về VN hoạt động chống Nhật, khi đó Nhật đã chiếm VN, hy vọng tiếp tay cho anh em nội địa. Vì thế mà VNCMĐMH được thành lập, Chủ tịch là cụ Nguyễn hải Thần (sau đó tranh chấp trong vấn đề nhân sự nên chỉ còn trên danh nghĩa) và Hồ khi được thả ra, đã được Hội cử vào giữ chức Ủy viên trong VNCMĐMH.

Đầu năm 1943, thời cuộc biến chuyển mau lẹ, Đồng Minh đã bước sang giai đoạn phản công. Hiểu được tình hình thuận lợi, VNCMĐMH phát động phong trào trở về nước hoạt động. Các trạm thông tin, liên lạc được tăng cường ở biên giới để dễ bề tuyên truyền, đưa tin vào trong nước. Nhưng tiếc thay là đề nghị của Hội đưa người về nước đã không được các Đảng Quốc gia hưởng ứng tích cực khi mà Đồng Minh tỏ ra ủng hộ và giúp đỡ. Riêng chỉ có Hồ Chí Minh đứng ra lãnh trách nhiệm, Ông được Hội giúp đỡ về tiền bạc và một số cán bộ do Hồ tự lựa chọn để cùng về nước. Số cán bộ đi theo Hồ, đa số là đảng viên của VN Phục Quốc Đồng Minh Hội, trong đó có Lê  tùng Sơn, Bồ xuân Luật và Trương trung Phụng. Trước khi lên đường, Hồ Chí Minh đã phải tuyên thệ trung thành với VNCMĐMH. Sau khi về nước tại vùng Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã gặp lại các đồng chí của ông ở trong nước và ông đã cùng họ xây dựng căn cứ, thành lập chiến khu, để chống Pháp, kháng Nhật. Hồ chí Minh từ bỏ vai trò của VNCMĐMH mà ông đã là ủy viên và hứa trung thành tuyên thệ. Ông đứng ra thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (VNĐLĐMH) gọi tắt là Việt Minh (VM), sau này người ta gọi Việt Minh Cộng Sản (VMCS) là vậy, nghĩa là ngoài mặt áo liên minh người Việt nhưng trong là cộng sản. Có lẽ dùng danh xưng này với mục đích đánh lận con đen, lừa bịp Đồng Minh để dễ bề hoạt động và được hưởng sự giúp đỡ. Chẳng thế, mà đã có sĩ quan tình báo Mỹ (OSS) nhẩy dù xuống chiến khu của VM liên hệ, cung cấp vũ khí và điện đài thông tin. Trong khi Hồ Chí Minh và đảng CS của ông ta dưới danh nghĩa VM càng ngày càng phát triển mở rộng địa bàn hoạt động, thì các Đảng phái Quốc gia cứ loay hoay ở Quảng Tây, Vân Nam đến Trùng Khánh để tìm sự ủng hộ của Tưởng Giới Thạch… Kết quả là VNCMĐMH của cụ Nguyễn hải Thần chỉ còn trên danh nghĩa cho tới ngày cụ về nước. 

Trước sự tố cáo Hồ Chí Minh phản bội VNCMĐMH. Hồ Chí Minh và đảng CS núp dưới bảng hiệu VM đã đưa VN vào con đường CS, đã làm cho dân chúng Thủ Đô bàng hoàng. Hai bên Quốc Cộng, qua báo chí, đài phát thanh, chửi rủa nhau thậm tệ, trong khi quân đội Lư Hán đứng giữa bất động. Các cuộc ám sát, bắt bớ, có khi bắn nhau giữa ban ngày ngoài đường phố, giữa VMCS và Quốc gia. Mấy ông Lê tùng Sơn, Bồ xuân Luật, Trương trung Phụng, các cán bộ của VNPQĐMH đã đi theo Hồ Chí Minh về chiến khu trước kia, đứng ra thành lập VNCMĐMH (giả) và dùng báo chí xuyên tạc VNCMĐMH (thật) của cụ Nguyễn hải Thần.

Từ đó có hai VNCMĐMH: thật và giả, nhưng mọi người hiểu biết thì cho là VMCS đạo diễn. Do đó, ông Bồ xuân Luật được VMCS giao cho chức vụ Bộ Trưởng bộ Canh Nông. Những ông lập ra VNCMĐMH (giả) trên đã bị Hội của cụ Nguyễn Hải Thần ám sát mấy lần nhưng đều chạy thoát. Tại khu Ngũ xã ở phía Tây Bắc Hà Nội, dưới ảnh hưởng của Quốc Dân Đảng, tuyên bố là khu tự trị không chịu dưới quyền cai trị của chính phủ VMCS. Khu này trở thành căn cứ an toàn của các đảng viên VNQDĐ và các thành phần chống đối khác. Tại đây đã cho ra tờ báo lấy tên là THIẾT THỰC do Bác sĩ Phan quang Đán chủ biên. Nội dung đả kích VMCS còn hơn tờ báo VIỆT NAM, cơ quan tuyên truyền của QDĐ và tờ CÁCH MẠNG Đồng Minh Hội thật của cụ Nguyễn. 

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt