Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (61)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1971: Chiến đoàn TQLC hành quân Lam Sơn 719 qua Hạ Lào (61) (giai đoạn 2)

Lữ đoàn 147/TQLC hành Quân Lam Sơn Hạ Lào tháng 3/1971 giai đoạn 2 (61)

Thi hành giai đoạn 2:

Sau khi hoàn thành các căn cứ hỏa lực và kiểm soát được khu vực hành quân, thì giai đoạn 2 bắt đầu đánh chiếm mục tiêu Tchepone.

Ðội hình tiến quân như sau: Sư Ðoàn Dù ở phía bắc Quốc Lộ 9. Một Lữ Ðoàn Dù trực thăng vận xuống khu vực Tchepone. Trung Ðoàn 1/Sư Ðoàn 1 ở phía nam Quốc Lộ 9. Lữ Ðoàn  147/TQLC được trực thăng vận đến căn cứ hỏa lực cao điểm 150 Delta để thay thế cho Trung Ðoàn 1/SĐ1 BB tiến chiếm Mục Tiêu Tchepone. Liên Ðoàn 1/ BÐQ tiếp tục hoạt động phía bắc Quốc Lộ 9, yểm trợ các hoạt động của các đơn vị bạn trên Quốc Lộ 9. Lữ Ðoàn Thiết Giáp phối hợp, yểm trợ Lữ Ðoàn Dù tiến chiếm Tchepone.

Chuẩn Tướng Phạm Văn Phú đang chỉ huy Sư Đoàn 1 hành quân Lam Sơn 719, tuẫn tiết 30/04/1975

Trừ bị: Trung Ðoàn 2/SÐ1 BB.

Hỏa lực yểm trợ: Không quân Hoa Kỳ, kể cả Pháo Ðài Bay B-52 tại căn cứ bắc Thái Lan, Không quân VNCH và Pháo binh cơ hữu của Sư Ðoàn và các Lữ Ðoàn.

Diến biến Giai đoạn 1:

Theo đúng kế hoạch hành quân của Quân Ðoàn I, lúc 10 giờ sáng ngày 8/2/1971 sau khi Tổng Thống VNCH ra lệnh xuất phát trên đài phát thanh Sàigon. Lữ Ðoàn 1 Dù (LĐ1/Dù) cùng Lữ Ðoàn 1 Thiết Giáp VNCH vượt tuyến xuất phát qua biên giới Lào-Việt tiến chiếm Mục Tiêu A-Lưới tức khu vực Bản Ðông nằm kế Quốc Lộ 9. Tiếp theo là Lữ Ðoàn 3 Dù (LĐ3/Dù) được trực thăng vận xuống các cao địa ở phía bắc Bản Ðông hai Căn Cứ Hỏa Lực 30 và 31. Hai Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 1/BB trực thăng vận xuống các cao địa ở phía Nam Quốc Lộ 9 Căn Cứ Hỏa Lực Bravo và Delta. Lữ Ðoàn  1/Thiết Giáp cùng với Lữ Đoàn 1/Dù tiến chiếm Mục Tiêu A-Lưới.

Cuộc đổ quân hoàn tất mà không gặp kháng cự nào của VC cả. Các đơn vị nhanh chóng thiết lập các căn cứ hỏa lực để yểm trợ cho các lực lượng hoạt động ở bên ngoài. Tình hình tương đối yên tĩnh trong mấy ngày đầu, ngoại trừ những hoạt động của các toán trinh sát địch để tìm hiểu về kế hoạch phòng thủ căn cứ cũng như các đơn vị hoạt động bên ngoài. Hoạt động không thám và tình báo kỹ thuật đã ghi nhận những sự di chuyển của địch từ hướng Bắc vào khu vực hành quân của ta. Các phi vụ oanh kích vào các điểm nghi ngờ đã bắt đầu khởi sự. Vài ngày sau thì hai vị trí của Liên Ðoàn 1/ BÐQ bị pháo kích liên tục, kể cả pháo tầm xa 130 ly. Các đơn vị tiền phong của địch đã tiến gần đến ngoại vi phòng thủ của một TĐ/BÐQ và một vài đụng độ lẻ tẻ đã bắt đầu. Pháo binh của LĐ/BÐQ bố trí tại ranh giới Lào-Việt ở căn cứ Phú Lộc ngày đêm bắn yểm trợ. Một vài ngày sau, dưới sự yểm trợ liên tục của pháo binh, chủ lực địch đã áp sát vào vị trí phòng ngự của một TĐ/BÐQ trong khi đó thì một TĐ/BÐQ khác bố trí ở phía Nam cũng bị pháo uy hiếp ngăn không cho đơn vị này tiến lên tăng cường yểm trợ. Cuộc tấn công của địch có sự hỗ trợ của chiến xa.

Trận đánh đã diễn ra ác liệt, gây nhiều tử vong cho cả hai bên. Tuy vậy, TĐ/BÐQ vẫn  anh dũng chiến đấu cho tới khi đạn dược gần cạn. Cầm cự được hai ngày thì căn cứ bị tràn ngập, TĐ/BĐQ phải rút về phía Nam, nơi một TĐ/ BĐQ khác đang bố trí. Chiếm được căn cứ này, địch tiếp tục tiến xuống phía Nam, nơi LĐ3/Dù đang hoạt động. Trước sự tiến quân của địch, LĐ3/Dù đã được không quân yểm trợ oanh kích tối đa ngày đêm, kể cả B-52. Mặc dù bị thiệt hại nhiều, địch vẫn  ào ạt tiến tới Căn Cứ Hỏa Lực 31 của LĐ3/Dù, dưới hàng loạt đạn pháo xa gần bắn vào Căn Cứ Hỏa Lực 31. Lữ Đoàn 3/Dù đã biết trước và đã tăng cường phòng thủ kiên cố hơn, nhưng trước sự liều mạng tấn công của địch, sau vài ngày chiến đấu kiên cường, LĐ3/Dù cùng chung số phận với TĐ39/BÐQ. Căn Cứ Hỏa Lực 31 đã bị tràn ngập, BCH/LĐ3/Dù trong đó có Ðại Tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng cùng với một số sĩ quan, binh sĩ bị bắt làm tù binh, số còn còn lại chạy về phía Nam hướng của Căn Cứ Hỏa Lực 32 do một Tiểu đoàn khác của LĐ3/Dù trấn đóng.

Quân Đội VNCH vào chiến trường Hạ Lào trong hành quân Lam Sơn 719 tháng 3/1971

Trong khi địch tấn công BCH/LĐ3/Dù, thì địch cũng không ngớt pháo kích vào Căn Cứ 32  của LĐ1/Dù và Thiết Giáp, nên hai đơn vị này đã không thể tiếp cứu cho LĐ3/Dù được. Hơn nữa, địa thế rất khó khăn cho cơ giới di chuyển. Một sự thể đáng nói, là trong khi địch xử dụng loại chiến xa hạng nặng T54 thì LĐ1/Thiết Giáp chỉ có một Chi Ðoàn chiến xa M41, còn lại là các Chi Ðoàn Thiết Vận Xa không đủ sức để đương đầu với địch. Hơn nữa vì không thông hiểu địa thế trong vùng hành quân, nên đã đánh giá sai về hoạt động thiết giáp của địch. Ðến khi sự thể diễn ra, thì BTL/QĐ I mới vội vàng điều động thêm một Chi Ðoàn Chiến Xa M41 khác sang tăng cường, nhưng cũng chỉ hoạt động ven Quốc Lộ 9  mà thôi. Sự kiện thứ hai là phòng không của địch khá mạnh nên mọi cuộc không trợ, tiếp tế và tải thương đã bị ngăn trở rất nhiều.

Các binh sĩ bị thương nhiều ngày mà trực thăng tải thương không sao đáp xuống được, tiếp tế đạn dược cũng vậy, phải thả từ trên cao xuống. Vì vậy mà tinh thần chiến đấu của binh sĩ ta đã bị sa sút. Con đường huyết mạch từ Bản Ðông ở căn cứ A-Lưới về đến biên giới Lào-Việt chỉ xử dụng được mấy ngày đầu, sau khi Căn Cứ 31 của LĐ3/Dù thất thủ một số địch quân đã len lỏi tới gần Quốc Lộ 9 và đóng chốt gây trở ngại cho mọi di chuyển tiếp tế và tải thương.

Sau khi đánh chiếm được hai căn cứ trọng yếu đóng trên đường mòn HCM ở phía bắc, địch đã tạm ngừng hoạt động để củng cố lại lực lượng sau những thiệt hại quá nặng nề. Chúng chỉ xử dụng pháo để quấy phá và cho các đơn vị nhỏ đột kích vào các địa điểm sơ hở để cầm chân các lực lượng của ta không bung ra hoạt động ngoài được, đồng thời uy hiếp tinh thần chiến đấu của binh sĩ bố phòng trong căn cứ. Ngoài ra địch cũng e chừng về lực lượng thiết giáp của ta, bằng cách dùng pháo để gây thiệt hại trước khi tiếp tục tấn công.

Trong thời gian địch tung ra cuộc tấn công vào các lực lượng BÐQ và Dù ở phía Bắc, thì tại khu vực đông nam Căn Cứ Delta (cao điểm 150) địch cũng xuất hiện, pháo vào đơn vị của Trung Ðoàn 3/SĐ1 BB, sau đó uy hiếp, bao vây tấn công khiến đơn vị này chịu không nổi, mặc dù đã được không quân và pháo binh tận lực yểm trợ. Trung Ðoàn 3/SĐ1 BB phải rút về một khu vực an toàn, rồi được trực thăng bốc về Khe Sanh.

Sự thiệt hại về người và vũ khí  được coi như khá nặng, không kém gì các đơn vị ở phía Bắc. Dĩ nhiên, với lối tấn công biển người và liều mạng không kể gì đến sinh mạng binh sĩ, địch phải thiệt hại rất nặng dưới hỏa lực không những của cơ hữu, mà còn của hỏa lực không quân chiến thuật và chiến lược B-52 nữa. Trước tình hình diễn biến ác liệt của chiến trường, hết đơn vị này đến đơn vị khác của ta chịu trận, không sao điều động tiếp ứng lẫn nhau, dù đã có lần, khi Căn Cứ 31 của Dù bị tấn công, Sư Ðoàn Dù đã cho đổ bộ tiếp một TĐ vào trận địa, nhưng không sao đáp xuống bãi đáp được, vì hỏa lực phòng không của địch bắn lên dày đặc và quá mạnh, khiến một vài trực thăng bị trúng đạn gây thêm tổn thất sinh mạng. BTL/QĐ I chỉ còn phản ứng bằng cách gia tăng yểm trợ về mặt không quân, tuy rằng đã có một vài phi cơ Hoa Kỳ bị bắn rơi trong khi đang yểm trợ các căn cứ bị địch tấn công.

Ngày cũng như đêm, tiếng bom nổ rền trong khu vực hành quân với mục đích tiêu hao các lực lượng VC trong vùng cũng như từ xa chuyển quân tới tiếp viện. Số lượng đơn vị của VC tham gia trận chiến không phải là ít như một hai Sư Ðoàn tác chiến dự đoán lúc ban đầu, mà có thể con số lên tới bốn, năm Sư Ðoàn, trong đó có một hai Sư Ðoàn rất thiện chiến của quân CSBV, như Sư Ðoàn 304 và 320 đã một thời tham chiến ở Ðiện Biên Phủ. Trong khi tình hình tạm lắng dịu, BTL/QĐ I triệu tập một phiên họp ở Ðông Hà để duyệt xét về kế hoạch hành quân, có các cấp chỉ huy đại đơn vị tham dự.

Về phía TQLC có thêm Ðại Tá Bùi thế Lân, Tư lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng từ Sài Gòn mới bay ra, khi được lệnh điều động toàn bộ Sư Ðoàn ra tăng cường cho cuộc hành quân Lam Sơn 719. Sở dĩ Trung Tướng Khang Tư Lệnh Binh chủng không có mặt, vì trục trặc về mặt hệ thống quân giai, Tướng Khang thâm niên hơn Tướng Lãm, Tư Lệnh QĐ I. Ðây cũng là một lý do khiến cho việc chỉ huy giữa Bộ Tư Lệnh QĐ I và các Tư Lệnh đại đơn vị không được thống nhất lắm. Về phương diện thông tin, báo chí, đặc biệt là các phóng viên ngoại quốc, qua thông tín viên chiến trường đã loan tải những tin tức rất bất lợi cho Quân Lực VNCH là sau khi địch tung ra cuộc tấn công và một vài thất bại của ta, phóng viên ngoại quốc loan tin các đơn vị đã tiến vào Tchepone, trong khi cuộc tấn công mới ở giai đoạn 1, có nghĩa là được nửa đường tới mục tiêu chính. Trong buổi họp, có cả sự tham dự của Ðại Tá Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ TTM. Dĩ nhiên là có nhiều tranh luận đối nghịch nhau làm cho Tướng Lãm Tư Lệnh QĐ I kiêm Chỉ Huy Trưởng cuộc hành quân  Lam Sơn 719 nhức đầu.

Lúc đầu BTL Hành quân đưa ra kế hoạch là xử dụng Sư Ðoàn TQLC đổ quân xuống mục tiêu Tchepone, các đơn vị Dù, Sư Ðoàn 1, BÐQ vẫn giữ đội hình cũ, tiếp ứng phía sau. Với kế hoạch này, BTL/TQLC xử dụng LĐ/147 đang giữ nhiệm vụ trừ bị cho Quân Ðoàn I, lãnh ấn tiên phong, sau đó sẽ đổ tiếp LĐ258/TQLC do Ðại Tá Nguyễn Thành Trí chỉ huy, LĐ369/TQLC của Ðại Tá Phạm văn Chung làm trừ bị cho Sư Ðoàn TQLC bố trí tại phía tây căn cứ Hàm Nghi ở Khe Sanh. Khi được ủy thác nhiệm vụ này, tôi đã có ngay một ý nghĩ khôi hài là chuyến đi này không khác gì Tráng sĩ Kinh Kha sang Tần diệt bạo chúa Tần Thủy Hoàn. Sở dĩ như vậy, là vì trước đó, đài phát thanh của CSBV ngày đêm rêu rao là sẽ  biến Tchepone thành một Ðiện biên Phủ thứ 2 và sẵn  sàng chờ đợi quân ta tiến vào. Cũng theo tin tức, thì địch cũng đã biến Tchepone thành một mạng lưới pháo binh, hợp với các bãi mìn để bủa lên đầu các đơn vị đổ quân xuống, và một hệ thống phòng không dày đặc để ngăn chận không quân của ta hoạt động yểm trợ. Trước nhiệm vụ được giao phó có tính cách quyết định, ở vai trò một Đại tá Lữ Đoàn Trưởng LĐ147/TQLC, dưới quyền chỉ huy có ba ngàn binh sĩ tôi cũng rất lo lắng, vì đã biết rõ địch tình trong khu vực LĐ147/TQLC sắp phải đổ quân xuống. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi được thượng cấp tin tưởng mà giao phó trách nhiệm nặng nề, nguy hiểm đó. LĐ147 khi đó bao gồm ba Tiểu Đoàn tác chiến chỉ huy bởi các sĩ quan đầy thành tích chiến đầu và kinh nghiệm, cũng như binh sĩ đầy gan dạ và dày dặn chiến trường. Tuy nhiên, trước các tin tức từ mặt trận đưa về không được tốt đẹp, cùng những tổn thất nặng nề, không nhiều thì ít đã ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ trước khi xung trận. Dù sao với uy danh của Binh chủng TQLC, tất cả sỹ quan và quân nhân của LĐ147/TQLC đã sẵn sàng bước lên trực thăng thẳng tới Mục Tiêu ấn định. Nhưng kế hoạch vào phút cuối của buổi họp đã thay đổi, vì có lệnh mới của Bộ TTM, thay vì TQLC làm nỗ lực chính, thì nay Sư Ðoàn 1 BB làm nhiệm vụ đó.

Theo sự tìm hiểu, sở dĩ đến phút chót phải thay đổi kế hoạch vì Quân Lực VNCH chỉ có hai sư đoàn Tổng Trừ Bị (Dù và TQLC), thì Sư Ðoàn Dù trong trận phản kích của địch vừa qua đã bị thiệt hại khá nặng, nay xử dụng nốt Sư Ðoàn TQLC thì e rằng không tránh khỏi sự tổn thất như SÐ Dù, vì địch đã chuẩn bị sẵn để nghênh chiến. Trong kế hoạch mới, Sư Ðoàn 1 sẽ  xử dụng một Trung Ðoàn tăng cường để trực thăng vận vào Mục Tiêu. Ở phía bắc Quốc Lộ 9  vẫn  do các lực lượng Dù, Thiết Giáp và BÐQ đảm trách nhiệm vụ tiến quân theo Quốc Lộ 9  để tiếp ứng cho đơn vị ở Mục Tiêu Tchepone. BÐQ ở phía Bắc Căn Cứ 32 của Dù hoạt động bảo vệ sườn Bắc và phía sau.

Lữ đoàn 147/TQLC/VNCH tuyến xuất phát hành quân Lam Sơn 719

Ở phía nam, tại cao điểm 150, Căn Cứ Delta do BCH Trung Ðoàn 1/SĐ 1 và một TĐ chiếm đóng, được thay thế bởi LĐ147/TQLC di chuyển tới một căn cứ hỏa lực Bravo ở phí Bắc để điều động các đơn vị cơ hữu tiến quân dọc theo phía Nam Quốc Lộ 9, sẵn  sàng tiếp ứng cho đơn vị ở Tchepone. BTL Sư Ðoàn TQLC gồm ba Lữ Ðoàn, bố trí BCH tại phía đông căn cứ Hàm Nghi. LĐ147/TQLC được trực thăng vận tới Căn Cứ Hỏa Lực Delta thay thế cho Trung Ðoàn 1 BB. Ðiều động hoạt động xa về phía Tây Nam để tiêu diệt địch và phá hủy các kho tiếp vận ẩn dấu trong vùng. LĐ 258/TQLC được trực thăng vận xuống đỉnh núi Ko Roc nằm trên ranh giới Lào-Việt, chạy dài từ Tà Bạt (cửa khẩu) xuống phía nam. Các TĐ hoạt động ở phía Bắc dãy núi Ko Roc, sẵn sàng hỗ trợ cho LĐ147/TQLC ở phía bắc. LĐ369/TQLC bố trí ở phía Tây Bắc căn cứ Hàm Nghi, làm thành phần trừ bị của Sư Ðoàn.

Ngày N nghĩa là gần 10 ngày sau, thì LĐ147/TQLC được trực thăng vận xuống các địa điểm ấn định. Riêng hai TĐ2 và 4 thuộc LĐ147 được thả xuống phía Bắc và Tây Nam Căn Cứ Delta. BCH/LĐ147 và Tiểu Ðoàn 7, Ðại Ðội Viễn Thám và một Pháo đội hỗn hợp gồm hai khẩu 155 ly và bốn khẩu 105 ly bố trí tại căn cứ. Sở dĩ chỉ đặt được bốn khẩu ở phía Bắc và hai khẩu ở phía Nam vì khu vực căn cứ không rộng lắm. Hơn nữa vấn  đề tiếp tế đạn dược rất khó khăn, nhất là vào những ngày cuối hành quân, trực thăng đã không thể đáp xuống được vì phòng không địch bắn lên rất rát. Kết quả đổ quân hoàn toàn vô sự. Trong khi đó thì Trung Ðoàn 2/SĐ1 BB đang chuẩn bị để đổ quân vào Mục Tiêu Tchepone.

Theo như chỗ được biết thì việc tiến quân vào Tchepone là một việc chẳng đặng đừng, vì dư luận quốc tế đã tung tin từ trước là Quân Lực VNCH đã vào Tchepone, nên không còn cách nào là phải tiếp tục tiến hành giai đoạn 2, nhưng theo một kế hoạch linh động hơn là BCH/SÐ 1 đã chỉ thị Trung Ðoàn 2 xử dụng một TĐ được tăng cường quân số có khả năng nhất để trực thăng vận vào Tchepone.

Khi hoàn tất đổ quân, hoạt động một thời gian ngắn rồi rút ra ngay. Sau khi pháo binh, không quân oanh kích ngày đêm, kể cả B-52, thì Trung  Ðoàn 2/SĐ1 được trực thăng đổ xuống Mục Tiêu Tchepone một cách an toàn, không có phản ứng nào của địch. Sự im lặng của địch là điều cũng dễ  hiểu, Bộ tham mưu của chúng không dại gì lại để cho các đơn vị bố trí ngay trong khu vực Mục Tiêu để hứng lấy bom B-52 đổ xuống đầu chúng suốt ngày đêm cũng như khi chuẩn bị bãi đáp cho trực thăng đáp xuống. Do đó địch đã bố trí các đơn vị xa ngoài Mục Tiêu Tchepone, và đợi cho quân ta đổ hết, mới ra lệnh cho các đơn vị tham chiến di chuyển vào Mục Tiêu theo như kế hoạch của chúng.

Cuộc đổ quân của Trung Ðoàn 2/SĐ1 BB đã hoàn tất trong ngày. Tình hình tương đối yên tĩnh cho tới đêm khuya thì pháo của địch bắt đầu tập trung bắn phá vào khu vực đóng quân của Trung Ðoàn 2/SĐ1 BB. Như dự tính trước, đơn vị này đã rút nhanh ra khỏi Mục Tiêu tới bãi bốc dự trù để trực thăng trở về hậu cứ vào sáng ngày hôm sau. Khi hay biết thì địch đã tức tốc bủa quân tới cùng với hỏa lực pháo dọn đường, khiến cuộc rút quân gâp nhiều khó khăn vào lúc chót và một số đã phải rút chạy về hướng Dù. Khi địch tiến quân truy kích Trung Ðoàn 2, thì cùng lúc các đơn vị của chúng ở phía nam Quốc Lộ 9  dùng pháo và bộ binh tấn công Trung Ðoàn 1/SĐ1 và bắt đầu phản kích lại các đơn vị TQLC mà hai bên đã đụng độ suốt mấy ngày trước ở phía Tây và Tây Nam Căn Cứ Delta.

Chiến cuộc diễn ra vô cùng ác liệt, bom đạn liên hồi trút xuống trận địa. Các cánh quân từ BĐQ, Dù, Thiết Giáp ở phía Bắc cho tới Trung Ðoàn 1 và TQLC ở phía Nam đều bị pháo của địch uy hiếp ngày đêm, gây cho ta nhiều thiệt hại. Công việc tiếp tế và tải thương không còn thực hiện được nữa vì hoạt động phòng không của địch quá mạnh dày đặc.

Trận chiến tiếp tục được vài ngày, thì Trung  Ðoàn 1 cũng như  Dù và Thiết giáp được lệnh rút về Khe Sanh. Việc rút quân này vô cùng khó khăn, đặc biệt ở khu vực Trung Ðoàn 1/SĐ1 vì địch biết ý định của ta nên càng ra sức tấn công. Dưới áp lực mạnh của địch, tinh thần chiến đấu của quân ta đã có chiều đi xuống, khiến các cấp chỉ huy khó bề điều động. Các trực thăng tới bốc quân không sao đáp nổi vì phòng không và pháo binh của địch, cũng như sự rối loạn của binh sĩ tranh nhau lên trực thăng.

Sự kiện này là một  “điểm yếu” của cuộc hành quân  Lam Sơn 719, mà khi đó dư luận báo chí ngoại quốc đã đề cập tới rất nhiều. Về cánh quân phía Bắc gồm Dù, Thiết giáp rút bằng đường bộ cũng không tránh khỏi nhiều thiệt hại trên suốt đoạn đường từ Bản Ðông về tới Tà Bạt ở biên giới Lào-Việt. Dầu sao thì hai cánh quân Dù, Thiết Giáp và Trung Ðoàn 1 đã rút được về hậu cứ, nhưng tổn thất rất đáng kể.

Một điều đau xót là đã mất một sĩ quan ưu tú của quân đội VNCH là Trung Tá Lê Huấn, xuất thân trường Võ Bị Đà Lạt, Tiểu Đoàn Trưởng đã hy sinh tại chiến trường. Sau khi hai cánh quân trên rời khỏi trận địa, thì địch dồn lực lượng, uy hiếp tấn công LĐ147/TQLC hoạt động tại Căn Cứ Hỏa Lực Delta và Bravo. BÐQ tại phía bắc Bản Ðông. Riêng ở khu vực TQLC hai TĐ1 và 4 thuộc LĐ147 đang hoạt động xa về phía tây, sau nhiều ngày đụng độ, đã phải rút dần về ngoại vi căn cứ của Bộ Chỉ Huy LĐ147, đã được pháo binh từ núi Ko Roc tăng cường và không quân yểm trợ bắn phá các đường tiến sát của địch, ngoài ra còn được Pháo Ðài Bay B-52 can thiệp tiếp cận một cách chính xác. Tuy nhiên, địch vẫn cố bám, ẩn náu trong các hầm trú ẩn, chống lại mọi cuộc tấn công của ta sau khi bom đạn chấm dứt. Cuộc chiến giằng co có chiều bất lợi cho LĐ147, vì vấn đề tiếp tế đạn dược và tản thương khó khăn.

Pháo của địch, kể cả súng không dật 75 ly của địch đặt tại các cao địa đối diện căn cứ, bắn thẳng vào pháo đài chỉ huy của BCH/LĐ147/TQLC khiến đường giây antenne bị cắt đứt, một vài hầm trú ẩn bị sụp đổ, vị trí pháo cũng bị hư hại. Trong tình hình đó, BCH/LĐ147/TQLC điều động TĐ2/TQLC lùi về trấn giữ phía Nam căn cứ, theo đường đỉnh mà chiến xa có thể tiến lên được. TÐ4/TQLC rút về phía Bắc căn cứ để chuẩn bị dọn đường khi LĐ147 cần rút về phía Đông hướng của LĐ258. BCH/LĐ147 có đề nghị với BCH Sư Ðoàn/TQLC để cho toàn bộ đơn vị rút ra ngoài hoạt động, vì không thể cứ nắm trong căn cứ để hứng pháo của địch. Nhưng đề nghị này đã không được áp dụng, vì lệnh rút quân được ban ra vào lúc buổi chiều cùng ngày.

Vào rạng sáng cùng ngày, một biến cố đã xẩy ra là một Trung Ðội đặc công địch đã len lỏi qua phòng tuyến của đơn vị phía Nam đã đánh chiếm được một pháo đài án ngữ lối vào căn cứ ở mặt Nam. Tuy nhiên địch đã bị chặn lại, sau đó TĐ7 điều động một Ðại Ðội tới giải tỏa, khiến một số địch bị thương và tử thương, số còn lại đã đầu hàng. Lấy khẩu cung thì chúng cho biết thuộc một đơn vị Sư Ðoàn 324 B, có nhiệm vụ tiến đánh LĐ147/TQLC. Ngoài ra, lục soát trong người thì mỗi tên đếu có một mảnh giấy có ghi một vài hàng chử “Quyết tâm tiêu diệt Lữ Đoàn Trâu Ðiên”. Tình hình sau đó trong ngày vẫn bị pháo kích ở phía Tây và Nam rót vào căn cứ và khu vưc bố trí của TĐ2/TQLC.

Về mặt Bắc, TĐ4/TQLC chỉ bị pháo nhẹ không đáng kể. Ðể chuẩn bị cho kế hoạch rút khỏi căn cứ, BCH/LĐ147 đã đặc phái ĐĐ1 Viễn Thám của TQLC của Ðại Úy Hiển lên đường tìm hiểu tình hình bố trí địch để quyết định con đường rút lui vào buổi tối, nhưng rút cục ĐĐ Viễn Thám này đã rơi vào vòng vây của địch, một số đã bị bắt, trong đó có Đại Đội Trưởng Hiển. Do đó, LĐ147/TQLC đã không nhận được một báo cáo tin tức nào cả. Cuối cùng BCH/LĐ147 đã quyết định di chuyển lên khu vực TĐ4/TQLC và rồi băng qua các đồi núi để tiến về hướng Đông.

Kế hoạch rút quân được xếp đặt như sau: TĐ4 mở đường đi trước, sau đến TĐ7, BCH/LĐ147  và Pháo Binh, TĐ2 đoạn hậu. Riêng bộ phận pháo binh thì các khẩu pháo đã bị phá hủy hoặc vứt bỏ các kim hỏa để không còn dùng được nữa. Một điều đau lòng nhất là đã không di tản được các binh sĩ bị tử thương, vì trực thăng không đáp xuống được, đành phải để lại trong căn cứ. Các binh sĩ bị thương thì được các Tiểu Đoàn cố gắng dìu đi. Ðể cuộc rút quân ra khỏi căn cứ được phần nào an toàn, BCH/SÐ TQLC đã đề nghị Quân Ðoàn chấp thuận cho B-52 can thiệp. Theo kế hoạch thì sau khi B-52 vừa thả bom xong, tức 8 giờ tối thì Lữ Đoàn ra khỏi căn cứ.

Trước giờ ấn định, TĐ2 đã báo cáo nghe thấy tiếng động cơ của chiến xa và ánh đèn thấp thoáng ở xa về phía Nam căn cứ khoảng 5 cây số. Ðúng giờ ấn định, tất cả 12 phi vụ B-52 đã thả bom xuống phía Nam và phía đông của TĐ4, hướng đi của đơn vị này. Bom nổ vừa dứt thì LĐ147/TQLC rời căn cứ. Ra khỏi hơn cây số, thì TĐ4 đụng phải một tổ súng cối địch. Sau một loạt súng nổ, thì tình hình trở lại yên tĩnh. Con đường rút quân quả là gian nan và khó khăn, vì phải băng qua các đồi núi đầy tre gai và trời tối khó quan sát. Trong khi đó thì pháo binh của LĐ   258/TQLC bố trí ở trên núi Ko Roc liên tục bắn vào Căn Cứ Delta, và phía sau của LĐ147/TQLC để ngăn chặn địch truy kích, đồng thời bắn xen lẫn đạn chiếu sáng để soi đường, giúp cho sự lui quân được dễ  dàng và đúng hướng.

Ngoài sự yểm trợ liên tục về pháo binh, LĐ 258/TQLC đã gửi TĐ3/TQLC của Trung Tá Nguyễn Năng Bảo tiến tới giao tiếp với LĐ147/TQLC. Sau một đêm di chuyển không ngừng, không có đụng độ nào với địch, có lẽ địa thế khó khăn một phần nào ngăn trở sự truy kích của địch. Hơn nữa chúng không nắm được tình hình của ta sau khi rời bỏ Căn Cứ Hỏa Lực Delta. Ðến khoảng trưa ngày hôm sau, thì LĐ147/TQLC bắt tay được với TĐ3 của LĐ 258/TQLC. Tức thời liên lạc với BCH Sư Ðoàn TQLC để trực thăng tới bốc các thương binh về hậu cứ. Sau đó thì toàn bộ di chuyển về hướng LĐ258. Một lúc sau thì pháo địch bắn tới, nhưng không chính xác. Ðến chiều tối thì LĐ147 và TĐ 3 tới một địa điểm gần kế cận LĐ258 và là nơi tập trung để sáng ngày hôm sau được trực thăng bốc về Khe Sanh. Hôm sau, LĐ147/TQLC  được trực thăng tới bốc về nhưng sau cùng thì TĐ3 của LĐ258/TQLC bị trở ngại vì địch đã truy kích kịp. Và TĐ 3 phải mở đường máu mới thoát được về Khe Sanh. Như vậy là chấm dứt hành quân của TQLC tại Hạ Lào.

Tổng kết lại thì sự thiệt hại về nhân mạng và mất tích không quá 20 phần trăm, vũ khí  cơ hữu bảo toàn, chỉ mất sáu khẩu pháo (4 khẩu 105 và 2 khẩu 155 ly) cùng một số binh sỹ bị tử thương không mang về được. Về tổn thất của địch, tất nhiên phải nặng nề qua các trận đụng độ, cũng như bị pháo binh và không quân oanh kích, phải nặng nề hơn ta rất nhiều, nhưng vì ta không làm chủ được chiến trường nên không thể kiểm nhận được. Khi LĐ147/TQLC rời khỏi căn cứ, có binh sĩ đề nghị thủ tiêu nhưng cán binh CSBV mà ta đã bắt được, nhưng tôi không tán thành và để nguyên họ trong hầm của căn cứ. Tại BCH/TQLC ở Khe Sanh tôi mới hay là LĐ147/TQLC là đơn vị cuối cùng rời khỏi Hạ Lào, chỉ một thời gian ngắn trước một TĐ/BÐQ hoạt động ở phía bắc Quốc Lộ 9. Những ngày sau, thỉnh thoảng pháo 130 ly của địch trên phần đất Hạ Lào đã bắn vào khu vực chung quanh căn cứ Hàm Nghi của BTL/QĐ I, nhưng không gây mấy thiệt hại. Sau đó thì từng đơn vị được di chuyển bằng quân xa về Thị Trấn Ðông Hà, chấm dứt cuộc hành quân  Lam Sơn 719.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt