Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (60)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Tháng 3, năm 1971, Hành quân Lam Sơn 719 qua Hạ Lào  (60) (giai đoạn 1)

Lữ Đoàn A/TQLC (Lữ Đoàn 147) hành quân Lam Sơn 719, qua Hạ Lào tháng 3/1971  giai đoạn 1 (60)              

Về tình hình chung: Sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân của VC vào một số thành phố của miền nam VN, trong đó có thành phố Huế và Thủ Ðô Sài Gòn. Trong những ngày đầu, vì sự chủ quan khinh địch của Quân lực VNCH , tin vào thiện ý của CS  tôn trọng lệnh ngừng bắn trong mấy ngày Tết, cũng như sự yếu kém của cơ quan tình báo, nên địch đã xâm nhập được vào một vài địa phận. Nhưng vài ngày sau thì lực lượng VNCH phản công và dần dần đẩy lui địch ra khỏi thành phố và đã gây cho chúng thiệt hại rất nặng nề về quân chủ lực lẫn địa phương.

Với sự thiệt hại to lớn đó của VC, tình hình chiến sự trên khắp chiến trường từ vĩ tuyến 17 đến Cao nguyên, xuống miền Nam tới tận Cà Mâu trở nên yên tĩnh hoàn toàn, mặc dù có những đụng độ nhỏ không đáng kể. Các cuộc hành quân  của ta khắp 4 vùng chiến thuật dần dần đẩy lui chủ lực VC ra khỏi lãnh thổ, buộc chúng phải rút qua bên kia biên giới Miên và Lào để ẩn náu. Các đơn vị địa phương và du kích VC không còn sự hỗ trợ của quân chủ lực CSBV nên cũng mất dần ảnh hưởng. Do sự thắng thế trên chiến trường, cùng với tình hình thuận lợi do Chính quyền Campuchia của Sihanouk thân CS  bị Tướng Lon Nol lật đổ, Quân Lực VNCH với sự đồng ý của Chính Phủ Campuchia, Quân Ðoàn III và IV đã mở cuộc hành quân  vượt biên đánh phá các căn cứ trú quân và hậu cần của VC gây cho địch thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tiếp vận, khiến chúng phải rút chạy lên phía bắc giáp ranh với biên giới Lào.

Kết quả là tình hình an ninh của miền Nam VN càng ngày càng thêm cũng cố và sáng sủa. Tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH lên khá cao và tin tưởng vào sự chiến thắng cuối cùng. Với đà thắng liên tiếp, đồng thời với chính sách VN hóa chiến tranh, Chính Phủ VNCH và Quân Ðội Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Quân Lực VNCH một số lớn khí cụ chiến tranh khá hiện đại, nên các đơn vị được trang bị khá đầy đủ để đối đầu với quân CSBV được Trung Cộng và Liên Sô viện trợ đầy đủ. Quân Lực VNCH tiếp tục mở cuộc hành quân  sang Hạ Lào, khu vực Pathet Lào mà CSBV đang chiếm cứ, nhưng trên thực tế thì quân CSBV đặt căn cứ tiếp vận cũng như đầu cầu chuyển quân và vũ khí vào chiến trường miền nam VN.

Ðánh chiếm mục tiêu này, thì đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn bị cắt đứt, và các lực lượng hoạt động ở Nam vĩ tuyến 17 sẽ dần dần bị tiêu diệt và tan rã vì không còn được tiếp tế nữa.

Tình hình địa thế, thời tiết và dân cư trong vùng hành quân Lam Sơn 719: Khu vực hành quân  được mở rộng và kéo dài từ Khe Sanh, nằm trong biên giới miền Nam VN tới tận Thị Trấn Tchepone của Hạ Lào nằm sâu trong lãnh thổ Lào chừng 50 đến 60 cây số. Trung tâm khu vực hành quân là Quốc Lộ 9, bắt đầu từ thị trấn Ðông Hà, nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Trị tới Thị Trấn Tchepone. Song song với Quốc Lộ 9, là một con suối không rộng lắm. Hai bên là các đồi núi rậm rạp, đặc biệt là các rừng tre gai. Núi độ cao từ 500 đến 1000 mét tính theo mặt biển. Nhìn từ biên giới VN là một rặng núi cao chắn ngang gọi là núi Ko Roc chạy dài từ Bắc xuống Nam, trừ khu vực ranh giới trên Quốc Lộ 9. Với địa thế như thế, việc chuyển quân bằng đường bộ rất hạn chế, khó khăn và nguy hiểm. Tất cả đều bị lệ thuộc vào Quốc Lộ 9, mà hai bên là đồi núi, rất dễ bị phục kích và tấn công. Còn bộ binh cũng vậy, phải di chuyển trên những địa thế khó khăn, đồi cao, vực thẳm, nhất là băng qua các rừng tre đầy gai rậm rạp rất khó quan sát và điều quân.

Nói tóm lại, một địa thế rất bất lợi cho đơn vị tấn công, dù có chiến xa và không quân yểm trợ. Một yếu tố khác nữa là địa thế trong khu vực hành quân  rất quen thuộc với địch, trong khi đó thì rất xa lạ với ta, công thêm với yếu tố tâm lý là Quân Lực VNCH phải chiến đấu ngoài lãnh thổ VNCH, một nơi chỉ có rừng và núi.

Hành Quân Lam Son 719:                      

Tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Hạ Lào

Cuộc hành quân  Lam Sơn 719 khởi diễn vào tháng 3/1971, nên thời tiết khá tốt cho cả hai bên lãnh thổ VN và Lào. Cái lạnh tê buốt và mưa day dứt của những ngày Tết Âm Lịch gần như chấm dứt, đã giúp một phần nào cho cuộc hành quân. Ðịa thế không còn lầy lội, trơn trợt, dùng xe và đi bộ được dễ  dàng hơn. Ðặc biệt là vấn đề không trợ và tiếp tế không bị trở ngại bởi thời tiết.

Dân cư sinh sống trong vùng thì rất ít, phần lớn là người Thượng. Họ tập trung thành những Buôn nhỏ ở chân các đồi cao, nhưng khi cuộc hành quân mở màn thì họ tản cư vào sâu trong lãnh thổ để tránh sát hại bởi đạn lạc, bom bay, nên vấn đề yểm trợ hỏa lực của không quân cũng như pháo binh đã không gặp trở ngại nào. Như vậy trong vùng hành quân chỉ còn có hai lực lượng đối đầu quyết chiến để đạt cho bằng được mục tiêu đề ra.

Tình hình trong khu vực hành quân:  Trước khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 được khai diễn, tin tức tình báo ghi nhận là có sự hiện diện thường trực của các đơn vị tiếp vận hoạt động trên đường mòn Hồ Chí Minh, đặc biệt là tại khu vực Bản Ðông, nằm gần ở khoảng giữa  Khe Sanh-Tà Bạt-Tchepone, kế cận Quốc Lộ 9, nơi tiếp chuyển vũ khí, lương thực của CSBV vào Nam. Ngoài lực lượng trên còn có một Sư Ðoàn chính quy Bắc Việt hoạt động trong vùng, một Sư Ðoàn trú đóng về phía bắc giáp ranh Bắc VN có khả năng di chuyển vào vùng hành quân  trong 24 tiếng đồng hồ. Tại mục tiêu hành quân là Tchepone, thì ghi nhận không có một đơn vị nào hiện diện, thị trấn hầu như bị tàn phá nặng nề sau bao năm chiến tranh, giữa  phe Hoàng Gia Lào và Cộng Sản Pathet Lào, cũng như bị oanh kích bởi không quân Hoa Kỳ, nhằm ngăn trở sư hoạt động của địch trên đường mòn HCM.

Phía ta cũng không ghi nhận một dấu vết nào về hệ thống phòng thủ của địch. Chúng áp dụng hoàn toàn chiến thuật cơ động theo nhu cầu của tình hình. Nói tóm lại, tin tức thâu lượm được cho tới khi cuộc hành quân  Lam Sơn 719 khai diễn rất lờ mờ không chính xác.

Tình hình tại Quân Ðoàn I (QĐ I)/Vùng I Chiến Thuật:

Những tháng ngày trước khi cuộc hành quân  Lam Sơn 719 tiến hành, tình hình an ninh lãnh thổ của Vùng I cũng như toàn quốc tương đối yên tĩnh, không có một đụng độ nào đáng kể. Các đơn vị Quân Lực VNCH ở trong tình trạng dưỡng quân và huấn luyện. Theo chủ trương chiến lược của Phủ Tổng Thống và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, cuộc hành quân sang Hạ Lào được giao phó cho QĐ I, vùng tiếp giáp với mục tiêu hành quân ấn định. Ngoài lực lượng cơ hữu của QĐ I và Vùng I , còn được tăng phái các đơn vị Tổng Trừ Bị. QĐ I  là một đại đơn vị bao gồm các Sư Ðoàn 1 và 2 tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm chiến trường, được các binh chủng khác như Thiết Giáp, Pháo Binh, Không Quân, Truyền Tin hỗ trợ rất đắc lực. Trong quá khứ đã thu đạt nhiều chiến công. BCH Sư Ðoàn 1 đóng tại đồn Mang Cá Thành Nội Huế, hoạt động từ bắc đèo Hải Vân tới phía nam vĩ tuyến 17. Sư Ðoàn 2, BCH đóng tại căn cứ Chu Lai tỉnh Quảng Tín, hoạt động từ phía nam đèo Hải Vân tới đèo Bình Ðê thuộc Quận Ðức Phổ Quảng Ngãi.

Cuộc hành quân  được chuẩn bị một vài tháng trước khi khởi sự, có nghĩa là trước Tết Âm Lịch. Kế hoạch chuẩn bị được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: Bộ Tư Lệnh Tiền Phương QĐ I di chuyển từ Ðà Nẵng ra Ðông Hà, căn cứ đóng quân trước kia của Quân Ðội Hoa Kỳ, cùng với các bộ phận yểm trợ và tiếp vận. Thiết lập căn cứ tiền phương tiếp vận. Tiếp nhận các đơn vị tăng phái từ Trung Ương ra. Tổ chức các cuộc hành quân giả tạo để đánh lạc hướng mục tiêu của cuộc hành quân. Xây dựng BTL hành quân tiền phương QĐ I tại Khe Sanh.

Giai đoạn 2: BTL/QĐ I và các đơn vị tham chiến, kể cả các đơn vị yểm trợ và tiếp vận di chuyển tới địa điểm xuất phát Khe Sanh.

Diến tiến hành quân chuẩn bị giữa tháng 2/1971, tức sau Tết Âm Lịch, Lữ Ðoàn 147/TQLC (trước đây là Lữ Đoàn A/TQLC) được tăng phái cho QĐ I do Ðại Tá Hoàng tích Thông chỉ huy, gồm có ba tiểu đoàn TĐ2, 4 và 7/TQLC, một Ðại Ðội Viễn Thám (Trinh Sát), một Tiểu Đoàn Pháo Binh, một Trung Ðội Truyền Tin và một Trung Ðội Công Binh chiến đấu. Các tiểu đoàn trưởng gồm có: TĐ2/TQLC do Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc, TĐ4/TQLC do Thiếu Tá Võ Kỉnh và TĐ7/TQLC do Trung Tá Phạm Nhã, TĐ1 Pháo Binh/TQLC do Thiếu Tá Đặng Bá Ðạt chỉ huy, ĐĐ Viễn Thám Ðại Úy Hiển. LĐ147/TQLC dược không vận bằng máy bay C-130 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Ðông Hà trong hai ngày. Tới nơi, LĐ147 được bố trí ở phía đông Nam căn cứ Ðông Hà, chuẩn bị đợi lệnh hành quân.

Khi đó thời tiết vẫn còn khá lạnh và mưa phùn. Bầu trời thật ảm đạm, mây mù bao phủ khó quan sát và hạn chế hoạt động của không quân. Tuy nhiên bầu không khí chuẩn bị cho cuộc hành quân tại Ðông Hà không kém phần nhộn nhịp. Xe cộ lui tới suốt ngày đêm, tiếng rú của động cơ máy bay vang động không ngớt. Có lẽ từ ngày khởi sự chiến tranh tại miền Nam cho tới lúc đó, chưa có lần nào được chuẩn bị ồn ào như vậy.

Vì muốn đánh lạc hướng của mục tiêu mà địch đang theo dõi hoạt động của ta. BTL/QĐ I  đã ra lệnh cho LĐ147/TQLC mở một cuộc diễn tập vượt sông có các xuồng M2 trợ lực, băng qua sông Ðông Hà. Rồi một TĐ/TQLC khác di chuyển ra Cửa Việt để chuẩn bị xuống tàu hải quân đổ bộ. Mục đích là để tình báo địch tưởng ta sắp vượt ví tuyến 17 bằng một cuộc đổ bộ lên miền Bắc. Sự việc này có làm địch đánh giá sai lầm hay không, thì sau khi cuộc hành quân  mở màn được ít ngày thì địch đã tác chiến một cách mạnh mẽ không có gì thấy dấu hiệu địch bị đánh lừa cả. Cách một vài ngày cuộc hành quân bắt đầu, LĐ147/TQLC cùng một số đơn vị khác được lệnh di chuyển bằng quân xa lên Khe Sanh, sau khi nghỉ lại một đêm tại thung lũng Ba Lòng. Khí hậu và thời tiết tại Khe Sanh và bên kia lãnh thổ Lào tương đối tốt. Quang cảnh tại khu vực tập trung thật tấp nập, quân số tham chiến trên mười ngàn người.

Tình hình an ninh yên tĩnh, không có một phản ứng nào của địch kể cả pháo kích vào khu vực đóng quân. Nơi đây đã có lần trở thành bãi chiến trường giữa quân đội CSBV và một Trung Ðoàn TQLC Hoa Kỳ, có sự tham chiến của một Liên Ðoàn Biệt Động Quân (BĐQ) VNCH, mà trận đánh đó được địch rêu rao như một trận Ðiện Biên Phủ thứ 2, nhưng kết cục chúng đã bị thảm bại trước tinh thần chiến đấu cũng như hỏa lực hùng hậu của Quân Ðội Hoa Kỳ.

Trước ngày N giờ G một ngày, BTL Tiền phương QĐ I dưới sự chỉ huy của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, một buổi họp được triệu tập tại căn cứ Hàm Nghi của BTL tiền phương  QĐ I. Các đơn vị tham chiến và yểm trợ cùng Bộ Tham Mưu QÐ I đều hiện diện đầy đủ. Về phía QÐ I có Sư Ðoàn 1 dưới sự chỉ huy của Tướng Phạm văn Phú và các Trung Ðoàn Trưởng. Lực lượng Tổng Trừ Bị có Sư Ðoàn Nhẩy Dù với ba Lữ Ðoàn Trưởng do Trung Tướng Dư Quốc Ðống chỉ huy. Với TQLC có Lữ Ðoàn 147 chỉ huy bởi Ðại Tá Hoàng tích Thông. Ngoài các thành phần thuộc các quân binh chủng VNCH còn có các cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh các đơn vị, sĩ quan đại diện không quân Hoa Kỳ, vì cuộc hành quân  được sự yểm trợ về không trợ và không vận của Quân Ðội Hoa Kỳ. Kể từ năm 1970, sau khi kế hoạch VN hóa chiến tranh được triển khai, thì Quân Ðội Hoa Kỳ bắt đầu rút quân từ từ ra khỏi Nam VN và không còn có những hoạt động quy mô của các lực lượng tác chiến nữa, mà chỉ xử dụng không quân đánh phá các mục tiêu cần thiết, như đường mòn HCM chẳng hạn, hoặc tiếp trợ cho không quân VNCH mà thôi.

Do đó cuộc hành quân  sang Campuchia đầu năm 1970 cũng như cuộc hành quân  Lam Sơn 719 đã không có sự hiện diện của bộ binh Hoa Kỳ mà chỉ có yểm trợ về không quân mà thôi. Các cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh các đơn vị tham chiến cũng được lệnh không được tháp tùng theo đoàn hành quân Lam Sơn 719. Trong buổi họp này, cũng như các cuộc hành quân khác, Phòng 2 của BTL/QĐ I thuyết trình một lần chót trước khi cuộc hành quân  bắt đầu.

Tin tức về không ảnh cũng như về kỹ thuật không ghi nhận một hoạt động nào của địch trong vùng, một sự im lặng hoàn toàn, nhưng chứa đầy sóng gió trong những ngày sắp tới. Từ các Tư Lệnh Sư Ðoàn cho tới các cấp chỉ huy thống thuộc đều không chủ quan khinh địch theo như tin tức đã phổ biến. Tất cả đều hiểu rằng mục tiêu của cuộc hành quân  rất quan trọng, nếu thi hành được suông sẻ, thì mọi hoạt động của các lực lượng CS ở miền Nam VN coi như tê liệt. Vì thế, địch không thể để cắt đứt yết hầu của mình, tất nhiên phải cố chống lại, còn chuyện đánh lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào kế hoạch phòng ngự của địch.

Với cảm nghĩ như vậy, nên các đơn vị đã chuẩn bị cho chiến trường thật đầy đủ về mặt tinh thần lẫn vật chất. Không có một cuộc hành quân  nào lại làm cho các đơn vị trưởng phải suy nghĩ nhiều như vậy, trái lại khi tham dự cuộc hành quân vượt biên sang Campuchia thì cấp chỉ huy cho tới binh sĩ đều phấn khởi, không e dè, thắc mắc gì cả, thế tiến quân như nước vỡ bờ không gì cản nỗi.

Diến tiến hành quân: Theo như chủ chương kế hoạch hành quân  của Phủ Tổng Thống và Bộ Tổng Than Mưu đề ra, vào ngày N giờ G, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu lên đài phát thanh và truyền hình tuyên bố mục đích và lý do ra lệnh xuất phát cho cuộc Hành Quân Lam Sơn 719. Danh xưng được sử dụng vì cuộc hành quân  được diễn ra năm 1971 trên Quốc Lộ 9 nối liền Khe Sanh VN và Tchepone Hạ Lào. Nhiệm vụ của QÐ I là mở cuộc hành quân đánh chiếm khu vực Hạ Lào nằm trên Quốc Lộ 9 từ biên giới VN tới Thị Trấn Tchepone, tiêu diệt lực lượng địch trong vùng kể cả các kho tiếp vận, kiểm soát ngăn chặn mọi sự xâm nhập của CSBV từ phía Bắc vào Nam Việt Nam trên đường mòn HCM. QĐ I xử dụng các đơn vị cơ hữu cũng như các đơn vị tăng phái và yểm trợ để tiến vào vùng hành quân bằng không vận và đường bộ.

Kế hoạch được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Bằng đường bộ và xử dụng trực thăng đổ quân xuống các cao địa ở phía Bắc và Nam Quốc Lộ 9, giới hạn bởi Bản Ðông nằm khoảng giữa trục tấn công từ Biên Giới tới Tchepone. Thiết lập căn cứ hỏa lực, đồng thời mở các cuộc hành quân lục soát. Các đơn vị Thiết giáp, Pháo binh, Công binh chiến đấu di chuyển bằng đường bộ hoặc không vận tới tăng cường, tổ chức các căn cứ hỏa lực để chuẩn bị cho giai đoạn 2. Xử dụng tối đa không trợ, kể cả Pháo đài bay B-52 để oanh kích các mục tiêu khả nghi có hoạt động địch.

Giai đoạn 2: Tiến chiếm Mục tiêu Tchepone bằng trực thăng vận và đường bộ. Thiết lập căn cứ hỏa lực và hành quân lục soát, bảo vệ chặt chẽ Quốc Lộ 9 , đường tiếp tế trọng yếu cho các đơn vị tham chiến. Thời gian của cuộc hành quân sẽ  quyết định tùy theo tình hình.

Thi hành giai đoạn 1:

Sơ đồ hành quân Lam Sơn 719-lực lượng CSVN và VNCH

a) Sư Ðoàn 1 BB: xử dụng một Trung Ðoàn bằng trực thăng vận xuống cao điểm 150  Delta ở phía Nam Quốc Lộ 9 cách Bản Ðông chừng vài cây số. Thiết lập căn cứ hỏa lực và hoạt động xa về phía Tây và Tây Bắc để hỗ tương yểm trợ cho cánh quân ở phía Bắc Quốc Lộ 9. Một Trung Ðoàn khác trực thăng vận xuống các cao địa ở phía Tây Nam của cao điểm 150 Delta. Thiết lập căn cứ hỏa lực và hoạt động ngăn chặn các lực lượng địch từ phía Nam tiến lên.

 b) Sư Ðoàn Nhẩy Dù:  BTL Tiền Phương SĐ Nhảy Dù đặt bản doanh tại phía tây căn cứ Hàm Nghi, trên Quốc Lộ 9  cách biên giới khoảng mấy cây số. Xử dụng một Lữ Ðoàn cùng với Lữ Ðoàn Thiết Giáp vượt tuyến xuất phát tiến chiếm ngã ba Bản Ðông trên Quốc Lộ 9, thiết lập căn cứ hỏa lực, sẵn sàng yểm trợ cho một Lữ Ðoàn khác trực thăng vận xuống các cao địa ở phía Bắc. Lữ Ðoàn Dù và Thiết Giáp là nỗ lực chính của trục tiến quân. Tiếp tục tiến quân khi có lệnh. Một Lữ Ðoàn Dù khác trực thăng vận xuống các cao điểm ở phía bắc Quốc Lộ 9  khoảng 9, 10 cây số, thiết lập căn cứ hỏa lực, hoạt động bảo vệ và yểm trợ sườn Bắc cho các đơn vị ở ngã ba Bản Ðông, yểm trợ cho Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân (BĐQ) hoạt động ở phía Đông Bắc. Tiếp tục tiến quân khi có lệnh.

c) Liên Ðoàn BĐQ: Hành quân tiến chiếm các cao địa nằm trên biên giới Lào-Việt ở phía Bắc Quốc Lộ 9. Thiết lập căn cứ hỏa lực, sẵn sàng yểm trợ cho các đơn vị hoạt động về phía Tây. Xử dụng hai TĐ/BÐQ trực thăng vận xuống hai cao điểm ở phía đông bắc Lữ Ðoàn 3 Dù. Hoạt động lục soát trong khu vực chiếm đóng. Tiếp tục tiến quân khi có lệnh.

d) Lữ Ðoàn Thiết Giáp: Vượt tuyến xuất phát là ranh giới Lào-Việt cùng Lữ Ðoàn   Nhẩy Dù tiến chiếm Bản Ðông  A Lưới, phối hợp yểm trợ LÐ 1 Dù, phòng ngự căn cứ hỏa lực cũng như hoạt động trong vùng, sẵn  sàng yểm trợ cánh quân ở phía Bắc. Tiếp tục tiến quân khi có lệnh.

 e) Sư Ðoàn 1 Không Quân: Phối hợp với Không quân Hoa Kỳ không vận lực lượng đổ quân, yểm trợ hỏa lực, tiếp tế và tải thương.

f) Bộ Chỉ Huy Pháo Binh: Phối hợp, điều động các đơn vị pháo binh để thiết lập một mạng lưới hỏa lực yểm trợ bao vùng khu vực hành quân của Quân Ðoàn, một hệ thống tiếp tế đạn dược pháo binh cho thật hữu hiệu và kịp thời.

g) Trừ bị Quân Ðoàn hành quân: Lữ Ðoàn 147/TQLC hoạt động chung quanh khu vực đóng quân của BTL tiền phương QÐ I. Sẵn sàng di chuyển khi có lệnh. Ngoài lực lượng trừ bị trên còn có trừ bị của Sư Ðoàn.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt