Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (49)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm  1965: Tiểu đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến tiêu diệt trung đoàn Việt Cộng ở Bồng Sơn (49)

TĐ2/TQLC trận chiến Tam Quan Bồng Sơn, Vùng I Chiến Thuật tháng 4/1965 (Bài 49)

Qua 1965, thì TĐ2/TQLC của tôi tiếp tục được điều động ra Vùng I và đã hành quân tại khu vực đồn Ba Gia, trước đó đã có cuộc đụng độ giữa Sư Ðoàn 2 BB và VC. Sau đó thì TĐ2/TQLC tiến quân vào quận Sơn Hà hỗ trợ cho các đơn vị tại chỗ đang bị VC uy hiếp. Rồi TĐ2 di chuyển tới hành quân vùng thung lũng Cộng Hòa mà tình hình an ninh tại đó cũng không lấy gì làm sáng sủa lắm. Hành quân vào khoảng một tháng tại Vùng I với Sư Ðoàn 2 BB, thì TĐ2/TQLC trở lại Sài Gòn. Trước khi ra đi, TĐ đã tham dự một cuộc diễn hành tại trung tâm Thị Xã Quảng Ngãi. Ở tại hậu cứ Sài Gòn ít ngày, TĐ2/TQLC lại được điều động trở lại Vùng II, thuộc khu vực trách nhiệm của Sư Ðoàn 22 BB, một khu vực rất quen thuộc với TĐ là Tỉnh Bình Ðịnh, mà địa điểm quan yếu vấn là Tam Quan-Bồng Sơn nằm ở cực bắc giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi.

Trận đánh tại ấp Phụng Dư Tam Quan, Bồng Sơn: Tình hình chung là sau khi Quân Ðội làm cuộc đảo chính lật đổ

Chợ Tam Quan Bồng Sơn

chính quyền TT Ngô đình Diệm, tình hình an ninh và chính trị tại miền nam VN càng ngày càng xấu hơn do các Tướng lãnh cầm đầu guồng máy cai trị không có khả năng về chính trị mà còn quá tham vọng về ngôi vị lãnh đạo nên gây ra chia rẽ, phe nhóm kình chống nhau, làm cho quân đội suy yếu hẳn đi, không còn tích cực tham gia vào các cuộc hành quân tiểu trừ giặc Cộng như trước nữa, thêm vào chính sách hủy bỏ Ấp Chiến Lược có từ thời TT Ngô đình Diệm, và thay vào đó Ấp Tân Sinh, thì các vùng nông thôn rơi dần vào sự kiểm soát của VC ngày cũng như đêm, đặc biệt là tại miền Trung, thuộc Quân Khu 2. Tình hình tại đó vô cùng bi đát, chính quyền và quân đội chỉ còn kiểm soát được các quận lỵ và các làng xã nằm ven quốc lộ và tỉnh lộ, có khi cả quận lỵ như Dakto trên vùng cao nguyên phía bắc Kontum, Tân Cảnh đã bị VC đánh chiếm.

Trong tình hình đó, một Chiến Ðoàn TQLC thuộc lực lượng Tổng trừ bị của Bộ Tổng Tham Mưu, được lệnh tăng phái cho Sư Ðoàn 22 BB thuộc Quân Ðoàn 2, mà BCH đóng tại núi Bà Di, thuộc ngoại vi thành phố Quy Nhơn. Chiến Ðoàn vừa mới được thành lập theo nhu cầu nhiệm vụ chiến thuật, do Trung Tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy bao gồm có hai tiểu đoàn tác chiến TĐ1 và TĐ2/TQLC do Thiếu Tá Tôn thất Soạn chỉ huy TĐ1 và Thiếu Tá Hoàng Tích Thông chỉ huy TĐ2 cùng với một pháo đội 75 ly sơn pháo gồm có 4 khẩu do Trung Úy Ðoàn trọng Cảo làm Pháo đội Trưởng. Chiến Ðoàn di chuyển từ sân bay Tân sơn Nhứt ra Quy Nhơn bằng phương tiện máy bay C123 vào tháng 4/1965. Từ sân bay Quy Nhơn Chiến Đoàn (CĐ) di chuyển bằng quân xa tới BCH Sư Ðoàn 22, và sau khi nhận lệnh, CĐ tiếp tục di chuyển tới quận lỵ Bồng Sơn để chuẩn bị tham gia cuộc hành quân giải tỏa xã Tam Quan ở về phía bắc quận lỵ.

Tình hình an ninh và địa thế trong khu vực hành quân: Quận lỵ Bồng Sơn nằm trên Quốc lộ 1, cách xa thị xã Quy Nhơn vào khoảng 80 cây số về phía bắc, một quận lỵ khá trù phú và cũng là đầu mối con đường vào xã An Lão, để đi lên Kontum, nên rất quan trọng về mặt chiến thuật và chiến lược. Nơi đây trước 1954, là vùng kiểm soát của VC mà quân đội Pháp đã không đánh chiếm được. Do ảnh hưởng của tình hình chính trị hỗn loạn sau 11/1963, nên vùng phía bắc Bình Ðịnh tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Quân Khu I, lại càng bị VC lấn chiếm thêm, cô lập quận lỵ Bồng Sơn và cắt đứt hoàn toàn Quốc lộ 1.

Trong tình hình đó, Sư Ðoàn 22 cũng như Tiểu Khu Bình Ðịnh hoàn toàn bất lực, vì không đủ lực lượng để mở các cuộc hành quân quy mô chống lại các đơn vị chủ lực của Sư Ðoàn 3 Sao vàng CSBV hoạt động trong vùng và các lực lượng địa phương du kích ở khắp nơi nổi dậy hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị VC với địa thế trong vùng rất thuận lợi cho thế phòng ngự và bất lợi cho cuộc phản công.

Từ quận lỵ Bồng Sơn tới ấp An Ðô (đồi 10) và đèo Bình Ðê giáp ranh với quận Ðức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi (Quân khu I), về phía tây là các đồi núi cao, rừng dừa, ở phía đông là các làng mạc bao quanh bởi các hàng dừa kéo dài ra tới tận bờ biển. Tại xã Tam Quan-mục tiêu của cuộc hành quân, cũng nằm ngay trên Quốc lộ 1 cách quận lỵ Bồng Sơn khoảng mười cây số, nằm gọn trong các hàng dừa cao bao quanh, rất khó khăn cho việc phòng thủ. Từ xã Tam Quan, theo quốc lộ đến ấp An Ðô là đồng ruộng trống, nhất là về phía tây. Chạy song song với quốc lộ là con đường sắt nằm về phía đông. Theo tin tức tình báo ghi nhận thì lực lượng của Sư Ðoàn 3 Sao Vàng VC vẫn còn đang nằm ẩn ở dãy núi phía tây để chờ thời cơ thuận lợi đánh chiếm quận lỵ Bồng Sơn, khi đó được các đơn vị của một Trung đoàn BB thuộc Sư Ðoàn 22 do Thiếu Tá Thìn (tự Long) chỉ huy. Còn các lực lượng địa phương và du kích trấn giữ các xã, ấp mà chúng chiếm được.

Diễn tiến hành quân: Chiến Ðoàn TQLC làm nhiệm vụ giải tỏa xã Tam Quan và Quốc lộ 1, nối liền từ quận Bồng Sơn đến đèo Bình Ðê giáp ranh quận Ðức Phổ nhằm duy trì an ninh, giúp Quận thiết lập lại chính quyền xã Tam Quan và các ấp trực thuộc. Chiến Đoàn xử dụng chiến thuật trực thăng vận từ sân bay Bồng Sơn xuống bãi đáp phía nam ấp An Ðô và đánh chiếm đồi 10. Thiết lập căn cứ hỏa lực để yểm trợ tiến chiếm xã Tam Quan và giải tỏa Quốc lộ 1 tới quận lỵ Bồng Sơn. TĐ2/TQLC xuất phát lúc 8:00 giờ sáng bằng trực thăng vận (H21) đổ quân xuống bãi đáp (Alfa) cách bờ ấp An Ðô 100 thước về phía Nam, đánh chiếm ấp và đồi 10. Sau đó TĐ1/TQLC đổ quân tiếp theo, trấn giữ đồi 10 và đèo Bình Ðê. Kế tiếp là BCH Chiến Ðoàn và Pháo Ðội 75 ly. Cuộc hành quân giai đoạn một kết thúc vô sự.

Sang giai đoạn hai, TĐ1/TQLC đóng quân lục xoát tại chỗ, TĐ2/TQLC tiến quân đánh chiếm xã Tam Quan. Tiểu đoàn tiến quân bằng hai cánh theo quốc lộ 1, cánh A bao gồm BCH Tiểu Ðoàn và hai ĐĐ ở phía đông, cánh B với hai ĐĐ ở phía tây do tiểu đoàn phó chỉ huy. Trên đường tiến quân không gặp sự kháng cự nào của địch cả, vì địa thế trống trải, quan sát dễ dàng. Nếu có chạm địch là khi đột nhập vào xã Tam Quan, nhưng kết quả vô sự. Tình hình dân chúng tuy thưa thớt nhưng vẫn bình tĩnh làm ăn, đi lại không có gì sợ sệt. TĐ2/TQLC tiến vào trung tâm xã lúc 4 giờ chiều. BCH tiểu đoàn tạm đóng quân tại nhà hộ sinh (đã bỏ trống từ khi VC  chiếm giữ). Một ĐĐ bố trí chung quanh bảo vệ BCH/TĐ, ba ĐĐ còn lại tiếp tục tiến quân về phía Nam. ĐĐ3 do Ðại Úy Nguyễn Năng Bảo chỉ huy tiến quân dọc theo Quốc lộ 1 về phía Bồng Sơn. ĐĐ4 do Ðại Úy Ngô văn Ðịnh chỉ huy tiến quân ở phía tây quốc lộ và chiếm một cao địa ở phía Nam ấp Phụng Dư (cách BCH/TĐ khoảng 7 đến 800 thước) ĐĐ1 do Ðại Úy Phạm Nhã chỉ huy tiến quân phía sau và bố trí dừng quân lúc 6 giờ chiều tại ấp Phụng Dư.

Trên đường tiến quân, ĐĐ3 đã chạm địch về phía tây nam ấp Phụng Dư khoảng 400 thước phải ngừng lại và tất cả ba ĐĐ được lệnh đóng quân. Khi được báo cáo của ÐÐ3 chạm địch, thì BCH/TĐ quyết định rời vị trí tới địa điểm đóng quân của ĐĐ1 lúc 6 giở 30 chiều. Riêng ĐĐ2 của Ðại Úy Hai Chùa kiêm nhiệm chức vụ tiểu đoàn phó, đóng quân tại chỗ. Tình hình yên tĩnh cho tới 1 giờ khuya. Lúc 1 giờ hơn thì VC  tấn công BCH/TÐ và ĐĐ1, chúng áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung. Khởi đầu là hàng loạt đạn súng cối 60 và 82 ly bắn tập trung vào trung tâm vị trí đóng quân. Một trái đạn đã nổ ngay ở đầu nhà, gần ngay chỗ tôi và viên cố vấn Mỹ nằm ngủ. Mãnh đạn đã làm xì hơi tấm nệm kê nằm. Tiếp đó một thời gian ngắn thì tiếng súng hai bên nổ ròn rã.

Bộ Chỉ Huy TĐ2/TQLC

Hướng tấn công chính của địch là từ phía tây tới. Ấp Phụng Dư là một ấp nhỏ, có những căn nhà lá nằm dưới các hàng dừa cao vút. Với địa thế không lấy gì làm thuận lợi cho phòng thủ, nên ĐĐ1 đã cố gắng, dù đã quá mệt nhọc suốt ngày, tổ chức được một phòng tuyến với giao thông hào bao quanh. Do đó hàng loạt tấn công xung phong của địch liên tiếp bị đánh bật ra. BCH tiểu đoàn đã liên lạc báo cáo ngay với BCH/Chiến Ðoàn và điều chỉnh pháo binh từ đồi 10 bắn yểm trợ. Có điều cần biết là sơn pháo 75 ly chỉ bắn xa tối đa là 10 cây số nên chỉ yểm trợ được trận địa phía bắc mà thôi. Ðể bù vào chỗ thiếu sót đó, BCH/Tiểu Ðoàn ra lệnh cho ĐĐ4/TQLC ở phía nam sử dụng súng cối 60 ly và đại liên 30 bắn yểm trợ về sườn phía tây và cũng là mũi tấn công chính của địch, đồng thời ra lệnh cho ĐĐ2 ở phía bắc và ĐĐ3 ở phía nam chuẩn bị di chuyển về cứu viện.

Cuộc tấn công của địch vào BCH/TĐ2/TQLC và ĐĐ1 vẫn tiếp diễn. Hỏa lực của địch ngày càng mạnh, kể cả súng cối và và súng hỏa tiến B40 và B41 (địch mới xử dụng). Trong khi đó thì hỏa lực của tiểu đoàn chỉ bao gồm có súng trường Garand M1, Trung liên Bar, Ðại liên 30, súng phóng lựu, súng cối 60 và 81 ly, súng không dật 57 ly.

Vào khoảng gần sáng thì đại đội trưởng ĐĐ1 báo cáo là đạn gần cạn và yêu cầu tiểu đoàn tăng cường Tiểu Ðội bảo vệ BCH tiểu đoàn và khẩu đại liên 30 ra phòng tuyến. Tình hình có vẻ hơi nao núng, mà cường độ tấn công của địch vẫn không suy giảm.

Vào lúc rạng sáng, ĐĐ3 của Ðại Úy Bảo tiến tới vị trí của tiểu đoàn và ĐĐ1. BCH/TĐ2 ra lệnh cho ĐĐ3 cùng với ĐĐ1 phản công vượt qua phòng tuyến tiến đánh địch. Cùng lúc thì ĐĐ4 cũng được lệnh tiến quân lên phía tây-bắc để chặn địch rút lui. ĐĐ2 ở phía bắc tiến theo hướng tây nam để khóa chặt vòng vây. Trước khí thế phản công mãnh liệt của ta, địch rút chạy, nhưng chỉ có một số ít chạy thoát, còn lại đã sợ chạy ẩn núp vào một ruộng mía ở trước phòng tuyến và một giao thông hào từ hướng tây chạy tới mà chúng xử dụng để tiến sát vào vị trí đóng quân. Tất cả đã không chịu đầu hàng và đều bị hỏa lực của ta tiêu diệt gọn. Khi trời vừa sáng rõ, thì trận đánh chấm dứt. Quan sát trước phòng tuyến thấy những thi thể VC nằm chết trước phòng tuyến chỉ cách 4, 5 thước. Còn dưới giao thông hào và ruộng mía thì địch nằm chết ngổn ngang.

Kết quả là sau năm tiếng đồng hồ chiến đấu dũng cảm, trước sức tấn công dồn dập của một Trung Ðoàn thuộc Sư Ðoàn 3 Sao Vàng CSBV, TĐ2/TQLC nhất là ĐĐ1/TĐ2 đã chiến đấu vô cùng xuất sắc, chỉ bằng hỏa lực của đơn vị và dưới sự yểm trợ duy nhất và không mấy hữu hiệu của pháo binh Chiến Ðoàn với tầm xa hạn chế. Một tiếng đồng hồ sau khi trận đánh chấm dứt, thì BCH Chiến Ðoàn và TĐ1 được điều động tới. Sau đó, thì Tư Lệnh Sư Ðoàn 22 là Chuẩn Tướng Nguyễn thanh Xằng tới thăm, và vào buổi chiều thì Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2 xuống quan sát chiến trường đã phát biểu là đơn vị đóng ở một vị trí như vậy mà chiến thắng được địch quả là đáng khen.

Tổng kết trận đánh thì địch đã bị loại ngay tại trận khoảng 150 tên, trên 10 tên bị bắt sống. Vũ khí tịch thâu trên 100 khẩu đủ loại, bao gồm súng cá nhân và cộng đồng. Về phía ta thì sự thiệt hại quá nhẹ so với địch mà không ai có thể tin được. Chỉ có 5 binh sĩ bị tử thương, số bị thương khoảng 10 người. Sau khi thu dọn chiến trường, các ĐĐ được tiếp tế đạn dược đầy đủ, các binh sĩ bị thương và tử thương được không tải về bệnh viện Quy Nhơn, tiểu đoàn được phối trí lại để sẵn sàng ứng phó với một cuộc tấn công khác của địch hòng lấy lại xác của những tên VC đã chết không mang đi được. BCH/TĐ2/TQLC vẫn đóng với ĐĐ1, nhưng được tăng cường phòng thủ với ĐĐ2, còn ĐĐ3 và ĐĐ4 di chuyển về vị trí cũ để chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp theo là giải tỏa Quốc Lộ 1 về tới Bồng Sơn. Sau trận đánh thì tinh thần chiến đấu của TĐ2/TQLC lên rất cao.

Ðúng như dự đoán, vào lúc gần nửa đêm thì địch tấn công thật, nhưng lần này cường độ không mạnh lắm, trước sự phòng thủ chặt chẽ của tiểu đoàn, khoảng 15, 20 phút tấn công không kết quả, địch vội vã rút lui. Về sau tin tức ghi được thì địch tấn công đợt sau chỉ có mục đích lấy lại xác mà trong đó có một vài cán bộ chỉ huy cao cấp. Những ngày sau đó, thì TĐ2/TQLC hoàn tất nhiệm vụ đánh chiếm lại xã Tam Quan, duy trì an ninh, yểm trợ chính quyền củng cố lại các cơ sở xã, ấp. Từ đó cho đến ngày Chiến Ðoàn rời khỏi khu vực hành quân, thì không còn một trận đánh quy mô nào xẩy ra nữa.

Sau trận đánh kết thúc, kiểm điểm lại thì thấy rằng sự chiến thắng quả là đáng khích lệ, vì sự thiệt hại của ta rất nhẹ, trong khi đó thì địch thiệt hại rất nặng nề, hầu như một Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 3 Sao Vàng cộng sản Bắc Việt như tê liệt, phải mất một thời gian dài mới hoạt động lại được. Sự chiến thắng này không những làm cho tinh thần chiến đấu của quân nhân trong Binh chủng TQLC lên cao mà còn tạo cho quân đội VNCH tin tưởng hơn, trong khi tình hình an ninh lãnh thổ toàn miền Nam đang trong hoàn cảnh rất bết bát qua trận đánh tại Bình Giả (Phước Tuy) cuối năm 1964 thuộc Quân Khu 3. Trận chiến tại Tân Cảnh, đưa tới mất quận lỵ Dakto, đồn Ðức Cơ thuộc lực lượng đặc biệt ở biên giới Việt Miên, quận Phú Bổn bị bao vây, cô lập, tỉnh lộ 19 nối liền Pleiku Kontum, tỉnh lộ 22 nối liền Nha Trang Ban Mê Thuột bị cắt đứt, thuộc vùng cao nguyên Quân Khu 2. Binh chủng TQLC nói chung và TĐ2/TQLC nói riêng đều đã có mặt trong các cuộc hành quân giải tỏa.

Danh Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC có từ trận đánh này

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng trong sự đã đem lại sự chiến thắng ở ấp Phụng Dư như nói ở trên là tình báo địch theo dõi mọi hoạt động của TĐ2/TQLC không chính xác. Chúng yên chí là chỉ có một ĐĐ đóng quân đêm tại ấp Phụng Dư, chứ không biết là BCH/TĐ2 vào lúc chiều tối đã di chuyển tới vị trí của ĐĐ1 khi được báo cáo ĐĐ3 chạm địch. Do đó hệ thống phòng thủ của ĐĐ1 đã được thay đổi, quân chủ lực được chuyển qua tuyến phòng ngự ở mặt tây, nơi có địa hình thuận lợi cho tấn công. BCH/TĐ2 và các thành phần yểm trợ như Trung Ðội súng cối 81 ly, Tiểu Ðội Bảo vệ, Tiểu Ðội Truyền Tin bố trí về phía đông. Khi địch mở cuộc tấn công, đúng như dự đoán, chúng đã gặp ngay sức kháng cự mãnh liệt của ta, dù đã tung ra nhiều cuộc xung phong suốt 4, 5 tiếng đồng hồ. Ngoài ra địch cũng không ngờ các ĐĐ của TĐ2/TQLC khác bố trí cách xa đó, trong kế hoạch phối trí yểm trợ hỗ tương cho BCH/TĐ2 và đã được lệnh phản công vào lúc gần sáng, đặc biệt là ĐĐ4 đóng tại cao địa phía tây nam đã xử dụng súng cối 60 ly và đại liên 30 bắn vào sườn địch và rồi với ĐĐ2 ở phía bắc tiến tới khóa chặt đường rút lui về phía tây của địch, khiến chúng tháo chạy không kịp mang theo các tên bị thương và chết. Số lớn bị bao vây không chịu đầu hàng, sau đó đã bị hỏa lực tiêu diệt. Qua chiến thắng này, cũng như các cuộc hành quân đụng độ sau đó, thì trận đánh tại ấp Phụng Dư, xã Tam Quan tháng 4/1965 quả là một chiến tích đẹp nhất của Binh chủng TQLC nói chung cũng như của TĐ2/TQLC nói riêng. Vì vậy TĐ2/TQLC đã được VC gán cho biệt hiệu là Trâu Ðiên, vì mỗi lần đụng độ là TĐ2 chỉ có tiến tới bất kể hỏa lực và bố trí phòng ngự kiên cố của địch. Nói một cách khác là suốt trong tời gian trong Quân Lực VNCH của TĐ2/TQLC chưa có lần nào chiến bại trước quân thù cả.

Riêng với cá nhân tôi, suốt trong thời gian phục vụ trong Binh chủng TQLC, trải qua bao chiến trận từ cấp ĐĐ tới Lữ Ðoàn, tôi rất hài long về trận đánh ấp Phụng Dư của TĐ2/TQLC nhất, và đó cũng là kỷ niệm đẹp, oai hùng nhất trong cuộc đời quân ngũ. Xin dành một phút nhớ tới những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến trận đó. Sau những ngày hành quân tại Bồng Sơn Tam Quan, TÐ2/TQLC di chuyển về kế cận tỉnh lỵ Quy Nhơn nghỉ dưỡng quân. BCH Chiến Ðoàn và TĐ1/TQLC trở về hậu cứ Sài Gòn.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt