Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (48)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập II (1950-1975)/ Năm  1964: TĐ2/TQLC hành quân Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Giả (48)

Tiểu Đoàn 2 (Trâu Điên) TQLC hành quân Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Giả (48)

Tam Quan Bồng Sơn

Tôi giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng TĐ2/TQLC được hai tháng thì được thăng cấp Thiếu Tá và TĐ được lệnh tăng phái cho Tiểu Khu Bình Ðịnh, vì tình hình an ninh lúc đó đang trong thời kỳ xuống dốc, các xã ấp nằm sâu trong chân núi từ Phù Cát đến Bồng Sơn, Tam Quan bị sự kiểm soát của VC. TĐ2/TQLC được máy bay C-123 không vận từ sân bay Tân Sơn Nhứt ra sân bay Quy Nhơn trong hai ngày.

Tại Tiểu Khu lúc đó đang do Trung Tá Lê Trung Tường chỉ huy. Ông ta giao nhiệm vụ cho TĐ2/TQLC  ổn định lại các ấp, xã nằm ở phía đông Phù Cát đang nằm trong tay VC  mà ít lâu lực lượng địa phương không đủ sức bảo vệ và đánh chiếm lại. Còn các đơn vị của Sư Ðoàn 22 BB thì còn lo hành quân ở các khu vực quan trọng hơn. Trước đó một đơn vị của Sư Ðoàn 22 BB hành quân tại thung lung quận Hoài Ân và An Lão đã bị VC phục kích và thiệt hại khá nặng. Trung Ðoàn này hình như lúc đó do Trung Tá Trần Vàng Khoái chỉ huy.

Tại Phù Cát, TĐ2/TQLC đã tiến quân tảo thanh một vài xã ấp nằm dưới chân núi gần bờ biển. Ðịa thế khá khó khăn vì xóm làng cây cối rậm rạp, lại dựa vào núi, nên khi tiến vào thì địch bố trí ở lưng chừng núi bắn xuống khiến một vài binh sỹ bị thương khi di chuyển ngoài chỗ trống. Về hỏa lực pháo binh bố trí tại Phù Cát không đủ để yểm trợ. Thực ra thì cũng chỉ có lực lượng địa phương và du kích nên cũng không cần thiết lắm. Do đó TĐ2/TQLC xử dụng hỏa lực cơ hữu để đánh chiếm từng xã, ấp một. Dân chúng thì được tin đã bỏ chạy lên núi ẩn nấp, hoặc trú ẩn dưới hầm ở trong nhà. Kết cuộc TĐ cũng phải mất một vài ngày mới thanh toán xong và một vài tên du kích VC bị bắn hạ. Nhưng chiếm được thì dễ, còn bảo vệ lại là vấn đề khác, do Tiểu Khu chịu trách nhiệm. Ðược ít ngày cho là tương đối an ninh, TĐ2/TQLC  giao lại cho Nghĩa Quân sở tại trách nhiệm và rút về Quận.

Sau đó TĐ được lệnh di chuyển tới quận Bồng Sơn để mở cuộc hành quân vào xã An Lão vì xã bị cắt đứt đường giao thông với quận Bồng Sơn. Ðược biết rõ về trận phục kích trước đó của VC với đơn vị của Sư Ðoàn 22, nên khi tiến quân TĐ đã hết sức cảnh giác. Qua quận Hoài Ân, thì một thung lung chạy dài vào tới xã An Lão hiện ra. Giữa thung lũng là con sông An Lão tương đối rộng khó lội qua. Song song là con lộ trải đá nằm không cách xa con sông. Bên kia sông là dãy núi chạy dài từ tây sang đông. Còn về phía bên này thì một dãy đồi không cao lắm nằm cách xa đường khoảng hai, ba trăm thước, cây cối mọc tương đối cao. Dãy đồi này chấm dứt khi gặp một thung lung nhỏ chắn ngang, có dãy núi cao gọi là núi Ðá Chát, chạy từ bắc xuống nam rồi chấm dứt gần kế cận con lộ, tạo nên như một cửa ải chắn lối vào xã An Lão khoảng hai cây số.

Căn cứ vào tình hình và địa thế, TĐ2/TQLC chia làm hai cánh quân, một do Tiểu Đòan  phó chỉ huy với hai Ðại Ðội tiến theo dãy đồi phía bên phải, Bộ Chỉ Huy TĐ  và hai Đại Đội cặp theo đường lộ, cùng song song tiến vào mục tiêu ấn định. TĐ  tiến quân thật chậm chạp, lục soát thật kỹ các xã, ấp nằm ẩn trong hàng cây rừng và cây ăn trái. Mọi sự đều yên tĩnh cho tới núi Ðá Chát.

Trước khi băng qua khoảng trống, TĐ  cho từng Trung Ðội với khoảng cách, di chuyển thật nhanh dưới sự yểm trợ hỏa lực của súng 57 ly không dật và đại liên 30. Tuy vậy, khi đợt một vừa băng qua là bị VC  từ lưng chừng núi bắn xuống, đơn vị phải chùn lại để tìm cách vượt qua. Cái khó là một bên là núi, một bên là sông, địch cũng có thể bắn qua. Sau đơn vị có thực hiện mấy lần nhưng vẫn không qua được.

Ðịch ranh ma ở chỗ là cứ khi nào ta xuất hiện chúng mới bắn. Về sau TĐ  phải tính đến di chuyển bằng cách từng người một, cách nhau chừng mười hoặc mười lăm thước và vừa chạy vừa nằm cho tới khi qua được khoảng trống rồi lẫn vào hàng cây theo đường lộ, địch hết quan sát thấy và khó tác xạ. Bằng cách này thì hơi chậm nhưng bảo đảm sinh mạng. Trong khi đó thì đại liên 30 bắn yểm trợ cầm chừng vào sườn núi chỗ địch trú ẩn. Chúng tôi ước tính địch không có nhiều và chỉ có tính cách ngăn chặn, tiêu hao mà thôi. Phương cách tiến quân được chúng tôi gọi là “di chuyển dưới hỏa lực” như ở trong thời kỳ học tập ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Di chuyển như vậy cũng có nguy hiểm, nhưng cũng vui khi thấy một binh sỹ nằm bò, lăn lộn dưới làn đạn nhắm bắn của địch. Vì di chuyển liên tục, người này sau người khác, nên địch cũng khó nhắm bắn. Hơn nữa đơn vị đã qua được, xử dụng hỏa lực bắn trả. Kết quả sau mấy tiếng đồng hồ thì TĐ vượt qua hết thung lũng tử thần. Khi TĐ đã hoàn tất đoạn đường nguy hiểm đó thì địch tại núi Ðá Chát im hẳn tiếng súng. Lý do là vị trí của địch chỉ thuận lợi cho hướng từ quận Hoài Ân vào.

Vào khoảng 5 giờ chiều thì TĐ vào tới xã An Lão, không một ai bị thương tích. Xã An Lão vẫn bình yên, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trấn đóng trong một đồn ở phía tây Xã gần con lộ dẫn lên cao nguyên Kontum. Dân chúng tại An Lão tương đối đông sống bằng nghề trồng và thu hoạch lá trầu và cau. Ðịa thế khu vực này nói chung có phần khó phòng thủ vì gần như nằm trong một long chảo nhỏ bé. Bảo vệ được đồn, xã đối với địa phương và du kích, còn với chính quy thì không có khả năng. Sở dĩ còn tồn tại, có lẽ địch thấy chưa thuận lợi và cần thiết.

Sự hiện diện của TĐ2/TQLC đã làm cho các đơn vị trú đóng và dân chúng rất phấn khởi, nhất là con đường đã được thông suốt, vì TĐ đã để lại một ĐĐ trú đóng tại kế cận chận núi Ðá Chát. Hoạt động trong một thời gian, không có một đụng độ nào, TĐ2/TQLC được lệnh rút ra quận Hoài Ân. Ở đây TĐ2/TQLC được lệnh di chuyển gấp về Quy Nhơn để lên máy bay trở về Sài Gòn. Tôi có cảm nghĩ ngay là lại có chuyện gì xẩy ra ở Sài Gòn.

Về tới sân bay Tân sơn Nhứt, thì đã có sẵn xe đưa chúng tôi ra thẳng Bà Rịa (tỉnh Phước Tuy). Khi đó tôi mới biết là TĐ4/TQLC vừa đụng độ với VC tại khu vực ấp Bình Giả. Tại Bà Rịa, TĐ2/TQLC được lệnh cấp tốc hành quân trong đêm tối một khu vực nằm ở phía tây địa điểm xẩy ra trận đánh, vì được tin địch rút về đó. TĐ2/TQLC di chuyển bằng quân xa tới kế cận khu vực hành quân. Sau đó TĐ2/TQLC tiến quân băng qua những cánh rừng nằm dưới một chân núi cao để tới một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ rừng vào lúc mờ sáng.

Tình hình thật yên tĩnh không có vẻ gì địch đang có mặt tại mục tiêu ấn định. TÐ mở cuộc bao vây và tiến vào Ấp, nhưng mọi sự đều im vắng, ngoại trừ một vài tiếng chó sủa và dân chúng trong Ấp đã thức dậy, trông ngơ ngác và sợ sệt. Như vậy địch đã rút về một hướng nào mà tin tức tình báo của Tiểu Khu chưa nắm được. TĐ2/TQLC lục soát một thời gian ngắn thì lại được lệnh rút về Bà Rịa. Nghỉ ngơi một ngày, sáng hôm sau TĐ2/TQLC hành quân trực thăng ngay vào trung tâm một đồn điền cao su, không cách xa nơi trận đánh vừa qua. Bãi đáp là một sân bay nhỏ của đồn điền.

Cuộc đổ quân hoàn toàn vô sự. Lúc xuống trực thăng tôi thấy có một người Pháp từ một tòa nhà hai tầng lầu nằm ẩn trong hàng cây cao su tiến ra. Trao đổi qua lại một lúc thì hắn cho biết là không có VC xuất hiện từ mấy ngày qua. Biết thế thôi chứ sao tin hắn được. Ý của hắn là chỉ muốn chúng ta đừng xử dụng không quân và pháo binh gây thiệt hại cho tài sản của hắn thôi. Dù sao cũng giúp cho tôi một nhận định là địch không có mặt trong vùng đổ quân. Tuy nhiên TĐ2/TQLC cũng không chủ quan khinh địch, vì chiến đấu trong rừng cao su rất khó khăn và dễ bị địch bao vây, chia cắt. Sự quan sát cũng bị hạn chế bởi các hàng cây cao su và những thân cây này sẽ giúp cho địch tiến sát dễ dàng mà hỏa lực của ta cũng bớt hiệu quả.

Còn về không quân và pháo binh yểm trợ cũng vậy, không thể chính xác được, đôi khi đã gây thiệt hại cho đơn vị bạn. Sự thể này đã rơi vào trường hợp của TĐ4/TQLC, được biết thì đơn vị này đặt dưới quyền điều động của Tiểu Khu Phước Tuy, sau khi một trực thăng của Hoa Kỳ bị bắn rơi trong khu rừng cao su về phía tây của ấp Bình Giả khiến một vài phi công bị tử thương. Do đó, Tiểu Khu đã ra lệnh cho TĐ4/TQLC mở cuộc hành quân, khi đó TĐ4 đang nghỉ quân ở gần ấp Bình Giả. Trước khi xuất quân, TĐ4/TQLC cũng nhận được một số tin tức của dân chúng trong ấp (người Thiên Chúa giáo di cư) là có địch xuất hiện trong đồn điền.

Không hiểu TĐ4 đã đánh giá tin tức như thế nào mà sau đó đã đụng lớn với khoảng một Trung Ðoàn địch, về sau có tin là do Dương văn Nhật em ruột của Tướng Dương văn Minh theo VC từ ngày tập kết chỉ huy, khiến Thiếu Tá Nho Tiểu Đoàn Trưởng và Ðại Úy Hoán Tiểu Đoàn Phó tử trận cùng với vài sỹ quan cấp Trung Ðội và Ðại Ðội bị thương và tử thương, trong đó có thiếu úy Võ Thành Kháng mới ra trường đổ thủ khoa khóa 19 trường Võ Bị Đà Lạt. Về phía địch cũng thiệt hại không kém. Ðể cứu viện, Tiểu Khu cũng như Quân Ðoàn 3 đã gửi Biệt động Quân và Thiết Giáp tới trận địa, những rồi cũng bị phục kích và diễn ra trận đánh ác liệt.

Trận chiến đã tạo ra dư luận rất giao động trong quân đội cũng như trong dân chúng. Tại Thủ Ðô vì tình hình chính trị tại Sài Gòn cũng không lấy gì làm tốt đẹp cho lắm. Với tình hình địa thế, và địch tình chưa nắm vững nên TĐ2/TQLC chỉ có nhiệm vụ lùng địch để trả đũa. Vì là mục tiêu không nhất định, nên TĐ2 đã điều quân không theo một phương hướng nhất định và dựa theo từng hàng cây để tiến tới.

Về đêm, TĐ2 chọn một bờ rừng, BCH và hai ĐĐ đóng ở ngoài trống, hai ĐĐ còn lại bố trí ở bờ rừng. Trường hợp có bị địch tấn công, TĐ2 dễ dàng quan sát và sử dụng không quân và pháo binh yểm trợ. Qua một tuần hành quân lục soát tìm địch không có kết quả, TĐ2/TQLC được lệnh trở về Bà Rịa nghỉ quân, đồng thời thay thế vị trí đóng quân của TĐ5 Nhẩy Dù do Thiếu Tá Ngô Quang Trưởng chỉ huy, để đơn vị này lại tiếp tục hành quân trực thăng vận vào đồn điền cao su phía tây Bình Giả, sau đó thì được tin TĐ5/Nhẩy dù, khi ĐĐ đầu tiên vừa đổ quân xuống là chạm địch, rồi tiếp theo là trận đánh khá ác liệt giữa đôi bên, kết quả là sự thiệt hại tương đối nặng cho cả hai bên, nhưng TĐ5/Nhẩy Dù đã làm chủ trận địa.

Như vậy đã nói lên là khi quân ta hành quân qua rồi chấm dứt thì địch lại quay lại vì biết chắc ta ít khi hành quân ngay lại lần thứ hai. Chắc địch đã học được kinh nghiệm. Những trận đánh như vậy thường diễn ra thất lợi cho địch vì chúng chủ quan không bố trí trận địa đầy đủ và sơ hở. Sau cuộc hành quân của Nhẩy Dù một thời gian thì trận chiến Bình Giả coi như chấm dứt. Trong thời gian dưỡng quân tại Bà Rịa thì Binh chủng TQLC tổ chức ăn Tết tại Câu Lạc Bộ TĐ4/TQLC, lúc này TĐ4/TQLC đang thời gian củng cố lại đơn vị và do Ðại Úy Trí mới từ TĐ1/TQLC thuyên chuyển về nắm Tiểu Đoàn Trưởng.

Ngày mồng 1 Tết, tại buổi tiếp tân, có sự hiện diện của Tướng Khánh. Tại đây tôi mới rõ Tướng Khánh là con rể của làng tôi, vì vợ ông là em ruột của Nha sỹ Châu, người bạn của tôi trong thời niên thiếu. Người bạn ngụ tại ngõ Ðông, còn tôi ở ngõ Vẽ, hai đứa thường cùng nhau đá banh, bơi lội tại cái hồ ở ngoài làng. Tướng Khánh lấy vợ khi ông còn là cấp úy, hoạt động trong một đơn vị Nhẩy Dù ở miền Bắc Việt Nam trước 1954.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt