Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (46)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1963: Thủy Quân Lục Chiến và cuộc đảo chánh 1/11/1963 tại Sài Gòn (46)

Thủy Quân Lục Chiến  và cuộc Đảo chánh 1/11/1963 tại Sài Gòn (46)

Tình hình miền Nam VN từ ngày cái gọi là MTGPMN ra đời ở quận Mỏ Cày, Giồng Chôm, tỉnh Kiến Hòa thì tình hình chiến sự trên bốn vùng chiến thuật ngày càng trở nên nặng nề hơn.

Các cuộc đụng độ từ cấp Trung Ðội năm 1959, năm 1963 đã lên tới cấp Trung Ðoàn. Tình hình an ninh ở các xã ấp xôi hầu như nằm dưới sự kiểm soát của VC cả ngày lẫn đêm. Kế hoạch bình định hầu như thất bại, và lực lượng địa phương cũng như chủ lực của VC càng ngày càng được tăng cường và vũ trang đầy đủ hơn. Do đó nếu tình hình chính trị không ổn định thì tình hình an ninh lãnh thổ sẽ bị nguy ngập.

Từ nhận định trên nên Quân đội đã đứng lên làm cuộc đảo chính. Hai tháng trước ngày đảo chính, TÐ1/TQLC đã được chỉ định tham dự lễ Quốc Khánh ngày 26/10. TÐ1/TQLC theo lệnh trên, được di chuyển về đóng quân tại Sở Thú Sài Gòn. TĐ1/TQLC  khi đó được đặt dưới sự chỉ huy của Ðại Úy Trần Văn Nhựt.

Lễ Quốc Khánh thời Đệ Nhất VNCH 26 tháng 10

Tôi giữ  chức vụ ĐĐT Ðại Ðội 1. Trong những ngày chuẩn bị cho Ðại lễ Quốc Khánh 26/10, hàng ngày TĐ  tập dượt diễn hành và đồng thời theo tôi hiểu thì TĐ cũng là đơn vị ứng chiến chống bạo loạn và đảo chính vì khi đó Binh chủng TQLC được Chính quyền tín nhiệm bỡi trong cuộc đảo chính tháng 11/1960 đã có 2 Ðại Ðội của TĐ3/TQLC dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Lê nguyên Khang điều động vào bảo vệ Dinh Ðộc Lập. Tại Sở Thú, tôi nghe được là TQLC có âm mưu làm cuộc đảo chính nhân cuộc diễn hành, sẽ bất ngờ bắt giữ ông Diệm, rồi áp lực ông ta phải giải tán Chính phủ và thành lập một Chính quyền được sự ủng hộ của toàn dân. Âm mưu này do Thiếu Tá Liên, Tham Mưu Trưởng Liên Ðoàn, Ðại Úy Trần Văn Nhựt tiểu đoàn trưởng TĐ1/TQLC và Bác sĩ Nguyễn phúc Quế, Y Sĩ Trưởng Liên Đoàn TQLC.

Tổ chức này nằm dưới sự lãnh đạo của Ðại Tá Ðỗ Mậu Giám Ðốc An Ninh Quân Ðội. Những cuối cùng thì âm mưu này cũng tạm đình hoãn, để chờ đợi một hành động chung của Quân Ðội. Ðến trung tuần tháng 10/1963, TĐ1/TQLC được điều động tham dự hành quân tại Bến Sỏi, quận Bến Cát cùng với TĐ4/TQLC do Ðại úy Lê Hoàng Minh chỉ huy. Hai đơn vị được đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Liên. Cuộc điều đồng trên do Thiếu Tướng Tôn Thất Ðính Tư lệnh Quân Ðoàn 3 kiêm tổng Trấn Sài Gòn Gia Ðịnh chủ xướng và Ðại Tá Nguyễn văn Thiệu (sau nàt là TT), Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB trực tiếp chỉ huy. Tại Bến Sỏi TĐ1/TQLC được trao trách nhiệm tảo thanh Mật khu Hố Bò nằm bên kia sông Sài Gòn. Tại đây TĐ1 không gặp sự kháng cự nào của địch.

Nhiều đường hầm bí mật đã bị khám phá và phá hủy, tịch thu nhiều vật dụng mang từ Sài Gòn ra. Hành quân được hơn một tuần thì sáng sớm ngày 1/11/1963, TĐ1/TQLC  được lệnh rút qua sông về tập trung tại Bến Sỏi, nơi BCH Chiến Ðoàn đặt bản doanh. Ðến buổi trưa thì toàn bộ Chiến Ðoàn gồm TĐ1 và TÐ4 lên xe di chuyển về Biên Hòa đợi lệnh. Đến nơi, các đại đội trưởng của hai TĐ1 và TĐ4/TQLC được lệnh tới họp tại tư thất của Ðại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư lệnh Sư Ðoàn 5. Tại đây trên căn lầu hai của tòa nhà khá khang trang, chúng tôi gặp lại Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên và hai Tiểu Đoàn Trưởng Trần Văn Nhựt và Lê Hoàng Minh. Ông Liên cho biết ông Thiệu không có mặt vì bận đi họp tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tới lúc này, tôi có linh tính là có chuyện đặc biệt sắp xẩy ra. Thiếu Tá Liên trải tấm bản đồ Ðô Thành Sàigon lên bàn rồi tuyên bố là Chiến Ðoàn sẽ tham gia cuộc đảo chính cùng với các đơn vị bạn, trong đó có Sư Ðoàn 5 dưới sự lãnh đạo của các Tướng lãnh trong quân đội. Khi đó tôi để ý quan sát các sĩ quan tham dự xem có phản ứng gì không, thì tất cả tỏ ra bình tĩnh và chấp hành lệnh ban ra.

Trong kế hoạch đảo chính, thì TĐ1/TQLC được trao nhiệm vụ đánh chiếm đài Phát Thanh và Thành Cộng Hòa. TĐ4/TQLC chiếm BCH Công An và Cảnh Sát Quốc Gia. Pháo Ðội TQLC đặt tại xa lộ Sài Gòn Biên Hòa yểm trợ trực tiếp. BCH Chiến Ðoàn di động chỉ huy trên quân xa. Ngoài TQLC lúc khởi đầu, còn được biết Chiến Ðoàn Thiết Giáp Vạn Kiếp của Trung Tá Vĩnh Lộc từ Bà Rịa sẽ chờ sẵn tại ngã ba Xa lộ Vũng Tàu để cùng tháp tùng tiến vào Sài Gòn.

Việc ra lệnh rất ngắn gọn, không một ai có điều gì thắc mắc cả. Sau đó chúng tôi lên xe trở về đơn vị để chuẩn bị lên đường và cho các Trung đội Trưởng biết những điều cần thiết. Khi đó chúng tôi được chỉ thị là chỉ phổ biến một cách khái quát rằng có tin tức sắp đảo chính nên TQLC phải về thay thế các đơn vị đang bảo vệ các cơ quan trọng yếu của chính phủ mà thôi, để tránh cho binh sĩ hoang mang khi ra lệnh tham gia đảo chính. Tất cả chúng tôi lên xe vào khoảng 12 giờ 30 buổi trưa.

Trên đường tiến về Thủ Ðô, quang cảnh hai bên đường dân chúng vẫn sinh hoạt bình thường, thỉnh thoảng có những cánh tay dơ lên chào mừng những chiến sĩ cọp biển, nhưng họ đâu có biết là chỉ hơn nửa giờ sau một biến cố lịch sử sẽ diễn ra làm thay đổi cả nếp sống chính trị của toàn miền Nam VN. Như lệnh đã phổ biến, thì khi đoàn xe của chúng tôi tiến tới ngã ba Vũng Tàu thì chẳng thấy một xe thiết giáp nào có mặt cả. Không lẽ phải ngừng lại để chờ đợi, thì kế hoạch có thể bị cản trở nên BCH Chiến Ðoàn ra lệnh tiếp tục tiến về Sài Gòn.

Chúng tôi đã ở trên lưng cọp, nên không còn cách nào để trở lui được nữa. Qua cầu Sài Gòn thì đoàn xe ngừng lại ở trạm kiểm soát để đợi lệnh của Quân Trấn rồi mới được chạy vào Thành phố. Vài phút sau, thì có xe quân cảnh ra đón vào. Mọi việc đều êm thấm, vì đã có sắp xếp từ trước. Ðoàn xe TĐ1/TQLC băng qua cầu Phan Thanh Giản và rẽ trái theo đường Nguyễn bỉnh Khiêm tiến tới đài phát thanh. ĐĐ2 của Ðại Úy Phương dẫn đầu và khi tới Ðài thì ngừng lại. Theo lệnh đã phổ biến, các binh sĩ ùa xuống và chạy thẳng vào cửa Ðài Phát Thanh. Lúc đó có khoảng một Tiểu Ðội Cảnh Sát Dã chiến đang canh giữ. Thấy TQLC họ hơi bỡ ngỡ lúc đầu, nhưng sau chúng tôi cho họ biết là tới thay thế, mặc dù không có lệnh. Dù sao họ cũng không chống lại được trước lực lượng hùng hậu của TQLC. Ðoàn xe chở ĐĐ4/TĐ1/TQLC của Trung Úy Thinh vòng qua đường Hồng thập Tự, sân banh Hoa Lư để tiến tới cổng sau của thành Cộng Hòa. ĐĐ1/TĐ1/TQLC do tôi chỉ huy, tiến theo đường Nguyễn bỉnh Khiêm tới bên hông thành Cộng Hòa để cùng với ĐĐ4 đột nhập vào thành.

Các tướng cầm đầu đảo chánh 1/11/1963 Dương Văn Minh (trước – tay chào), Nguyễn Văn Kim (sau lưng Minh) và Trần Văn Đôn (phải)

Nơi đây có Lữ đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống trú đóng. ĐĐ3/TĐ1/TQLC do Ðại Úy Châu chỉ huy làm thành phần trừ bị, trải quân từ đường Phan thanh Giản tới cận đài phát thanh. Cuộc chiếm đóng Ðài hoàn tất vào lúc 1 giờ 15 chiều mà không có đụng độ nào xẩy ra cả. Ngay sau đó thì cuộn băng thu âm trước của Bác Sĩ TQLC Nguyễn phúc Quế kêu gọi đồng bào ủng hộ cuộc đảo chính do TQLC đi hàng đầu. Trong khi đó thì tại Bộ Tồng tham Mưu các Tướng lãnh đang họp dưới sự lãnh đạo của Trung Tướng Dương văn Minh.

Cuộc đột nhập vào thành Cộng Hòa của ĐĐ4 đã bị chặn ngay tại cổng vào. Cùng lúc trong thành nổi kèn báo động tập họp. Vào buổi trưa nên phần lớn binh sĩ trong thành Cộng Hòa về trại gia binh gần đó dùng cơm nên lực lượng ở trong thành không có là bao. Tuy nhiên đơn vị thiết giáp đã tập họp được một số và khởi sự phản công quân đảo chánh. ĐĐ4/TĐ1/TQLC phải lui về khu sân banh Hoa Lư. Ra khỏi cổng thành, thiết giáp vòng ra đường Nguyễn bỉnh Khiêm, khu vực ÐÐ1 trấn giữ. Khi biết thiết giáp tiến tới, tôi có bố trí một khẩu pháo 105 ly tháp tùng ĐĐ để xử dụng khi cần thiết đặt ngay trên đường, sẵn sàng ứng chiến.

Chiếc chiến xa đầu tiên vừa ló ra khỏi đường Nguyễn bỉnh Khiêm thì tôi ra lệnh bắn trực xạ, nhưng vì xạ thủ quá hấp tấp nên bắn trượt, đạn đạo bay thẳng về hướng cửa sở thú trông ra đường Ðộc Lập. Bị ngắm bắn, chiến xa bèn trả đũa bằng một loạt Ðại liên 50 vào khẩu pháo rồi tiếp theo vừa bắn vừa di chuyển về hướng đài phát thanh. Trước hỏa lực hùng hậu của thiết giáp, ĐĐ1/TĐ1/TQLC phải ẩn nấp vào các bức tường nhà nằm dọc theo đường phố và bắn trả. Sức tiến của thiết giáp có ngừng lại đôi lần. Phải nói rằng, vì là đơn vị bạn nên cuộc chiến xem ra ít sát phạt nên số chết và bị thương của hai bên rất là nhỏ không đáng kể. Sau đó, thì ĐĐ1/TĐ1/TQLC rút về bố trí tại các căn nhà cao tầng ở phía sau đài phát thanh, để tiếp trợ cho ĐĐ2 đang cố thủ trong đài phát hanh có sự hiện diện của Ðại úy tiểu đoàn trưởng Trần Văn Nhựt. Lúc sau thì đơn vị thiết giáp do Ðại Úy Xuân chỉ huy, tiến tới bao vây đài phát thanh. Hai bên bắn cầm chừng khoảng một tiếng đồng hồ, đơn vị tháp tùng vẫn không đột nhập vào đài. Hai bên đang ở thế trông chờ, một bên đợi lệnh trên để tấn công vào, một bên chờ đợi viện quân để giải vây.

Khi đó tại sân thượng một nhà cao tầng, quan sát ra xa, tại khu vực cầu Trương minh Giảng, tôi thấy binh sĩ của lực lượng bộ binh hình như Sư Ðoàn 5 từ Biên Hòa mới tới, trải dài trên đường phố. Tất cả đều bất động, kể cả đơn vị thiết giáp của Ðại Úy Ngãi, dù đã có lời kêu gọi của Ðại Úy Trần Văn Nhựt. Hình như họ muốn tránh đụng độ giữa hai bên. Trước tình hình đó, tôi cảm nghĩ cuộc đảo chính có thể lại thất bại như cuộc đảo chính tháng 11/1960, vì thiếu sự dứt khoát và sợ đổ máu của các cấp lãnh đạo, hoặc lập trường chao đảo vào phút chót.

Tin tức về tình hình tại bộ Tổng Tham Mưu vẫn chưa được phát thanh trên đài, khiến mọi người lo âu. Nhưng rồi vào khoảng gần chiều, để tự cứu, Ðại Úy Trần Văn Nhựt đã ra lệnh cho ĐĐ3/TĐ1/TQLC của Ðại Úy Châu tìm cách tiến vào khu vực đài phát thanh, đang bị thiết giáp của Lữ Ðoàn Phòng Vệ bao vây.

Kết quả ĐĐ3 đã tiến tới sát đài và với sự khôn ngoan và can đảm sẵn có, Ðại úy Châu đã uy hiếp được Ðại Úy Xuân phải ra lệnh cho các binh sĩ phải rời khỏi thiết giáp. Tức thời binh sĩ của TQLC ào lên chiếm giữ các chiến xa, chấm dứt cuộc bao vây.

Sau đó vào chiều tối thì TĐ1/TQLC trả tự do cho Ðại Úy Xuân trở về nhà. Khi đài phát thanh hoàn toàn được giải tỏa, thì cuộc đảo chính coi như hoàn tất được một nửa. Trên đài liên tục được phát thanh về tình hình đảo chính. Các tướng lãnh các đại đơn vị ở khắp bốn Quân Khu đều lên tiếng ủng hộ cuộc đảo chính. Các thành phần ủng hộ ông Ngô đình Diệm đều bị bắt giữ. Ðồng bào Thủ Ðô tràn ra đường phố ủng hộ cuộc đảo chính, nhiều phẩm vật của đồng bào mang tới trao tận tay cho các binh sĩ.

Lúc đó quả là cảm động, tình quân dân thắm thiết chưa bao giờ có được. Tới lúc chiều tối, thì tình hình đảo chính đi vào giai đoạn chót, vì TT Ngô Đình Diệm không chịu đầu hàng và đi ra nước ngoài. Do đó Bộ Tư Lệnh Ðảo Chính ra lệnh tấn công vào dinh Gia Long nơi ông Diệm làm việc và trú ngụ, và thành Cộng hòa do Lữ Ðoàn phòng vệ đóng giữ. TĐ4/TQLC của Ðại Úy Lê Hằng Minh cùng với đơn vị thiết giáp của Ðại Úy Ngãi phối hợp tấn công. Tại thành Cộng Hòa do các đơn vị Nhẩy Dù chịu trách nhiệm.

Dinh Gia Long trong ngày đảo chánh 1/11/1963

Trước tình hình nguy ngập như vậy, các đơn vị bảo vệ và cố thủ vẫn không chịu đầu hàng. Cuộc tấn công vào thành Cộng hòa, ngoài các lực lượng bộ binh và thiết giáp, còn được sự yểm trợ của pháo binh và không quân. Riêng tại Dinh Gia Long thì chỉ có tính cách bao vây và bắn cầm chừng sợ hư hại đến tài sản Quốc Gia. Hơn nữa sớm muộn gì, hai anh em ông Diệm cũng phải chấp nhận đầu hàng vì toàn Quân Ðội đã đứng lên và được đồng bào ủng hộ. Sáng sớm ngày mồng 2/11/1963 tiếng súng trong Dinh gần như im hẳn, tức thời các binh sĩ TQLC ào vào chiếm đóng, kết thúc cuộc đảo chính.

Hai anh em ông Diệm và ông Nhu vào lúc nửa đêm đã bí mật được đưa ra khỏi Dinh Gia Long và chạy về khu vực Chợ Lớn. Sau đó thì hai ông đã đến tại nhà thờ Cha Tam. Tại thành Cộng Hòa thì cuộc tấn công cũng chấm dứt vào sáng ngày hôm sau. Như vậy cuộc đảo chính do Quân Ðội chủ xướng với sự ủng hộ của đồng bào, các đảng chính trị, đã hoàn thành không gây nhiều đổ máu.

Ðiều làm cho tôi bằng lòng nhất là sau đó các chiến hữu của tôi đã được ra khỏi các nhà tù vì tội chống lại chính sách cầm quyền thời Đệ I VNCH. Sáng ngày mồng 2/11/1963 khi mọi chuyện đã trở lại bình thường, TĐ1/TQLC được lệnh trở về hậu cứ ở trại Yết Kiêu,Thủ Ðức. Tại đây đồng bào mang quà bánh đến tặng tận tay các binh sĩ và hỏi han mọi chuyện đã xẩy ra, khiến tinh thần quân sĩ lên rất cao. Từ đó họ cảm thấy hãnh diện, vui sướng mỗi khi hoàn thành trách nhiệm hợp với lòng dân. Sau cuộc đảo chính thành công, thì các thành phần bị chính quyền TT Ngô Đình Diệm đưa đi tù tại Côn Ðảo và tại nội địa được Hội đồng lãnh đạo đảo chính trả tự do và cho tàu Hải Quân ra đảo đón về.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt