Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (42)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1959 hành quân Quân Khu 4 (42)

Tiểu Đoàn 1/TQLC hành quân Quân Khu 4  tháng 2/1959 (42)

Gần đến tháng 2/1959 sắp sửa chuẩn bị ăn Tết Âm Lịch thì Tiểu Ðoàn nhận được lệnh về Sài Gòn để xuống tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) thuộc Quân Khu 4. TÐ1/TQLC di chuyển bằng tàu lửa về Sài Gòn mất một ngày một đêm và tạm thời đóng quân tại trại Yết Kiêu, Thủ Ðức. Tại BCH Liên Ðoàn TQLC, TÐ1 được lệnh tăng phái cho Tiểu Khu Kiến Hòa, để làm nhiệm vụ hành quân giải tỏa các xã ấp thuộc quận Mỏ Cày đang bị các lực lượng Việt Cộng chiếm giữ. TĐ2/TQLC hành quân ở quận Giồng Chôm, cách một con sông. Tại đây cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) một tổ chức Cộng Sản trá hình, vừa nổi dậy do Luật Sư Nguyễn hữu Thọ làm Chủ Tịch. Tên này cũng như một số chóp bu trong MTGPMN đã từng sống dưới chế độ VNCH nhưng bất mãn với chính quyền nên đã bỏ trốn ra ngoài bưng biền làm tay sai cho bọn Cộng Sản  từ ngoài Bắc xâm nhập vào miền Nam.

Mỏ cày tỉnh Kiến Hoà

Khi chúng tôi tới quận Mỏ Cày tỉnh Kiến Hòa (trước đây) thì tình hình tại Quận có vẻ nhốn nháo, dân chúng ở khắp mọi nơi chạy về ẩn náu rất đông. Họ có vẻ lấy làm lạ khi thấy một đơn vị với sắc phục đặc biệt, trang bị rất đầy đủ, lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Kiến Hòa, nhưng họ tin tưởng tình hình an ninh sẽ sớm được vãn hồi để họ quay về xóm làng làm ăn sinh sống bình thường.

Khi đó có bốn xã bị Việt Cộng đánh chiếm là xã Phước Hiệp, Bình Thủy, Cầu Mống và Long Mỹ. Các xã này đều nằm ở phía đông Tỉnh lộ Mỏ Cày-Thạnh Phú. TÐ1/TQLC từ Mỏ Cày di chuyển bằng quân xa tơi xã Cầu Mống nằm ở phía nam Mỏ Cày trên tỉnh lộ cách xa khoảng 7, 8 cây số thì đóng quân đêm. Sáng sớm hôm sau thì cuộc hành quân giải tỏa và truy lùng địch bắt đầu. Tình hình địa thế trong vùng hành quân rất phức tạp, ngoài đồng thì nước ngập đến bụng, các rạch thì sâu, muốn băng qua phải đi qua trên các cầu chỉ có một thân cây bắt ngang và một thanh tre để cầm giữ cho thăng bằng (được gọi là cầu khỉ), trong làng thì vườn tượt, cây cối rậm rạp, mương rãnh cắt ra từng ô vuông để dẫn nước từ ngoài sông suối vào các ruộng mía rộng lớn bao quanh các căn nhà lá dựng lên rời rạc.

Một địa thế rất phù hợp với chiến thuật du kích, lấy ít đánh nhiều, trợ lực bởi cạm bẩy đặt trong các hầm hố trên đường di chuyển, hoặc cắm tre vót nhọn ở lòng suối, kinh lạch, dưới các cầu khỉ. Chiến thuật của chúng là dùng du kích bắn sẻ dụ ta truy kích theo con đường mà chúng đã định. Vì vậy, nếu không bình tĩnh, khôn ngoan và sáng suốt thì sẽ lọt bẫy ngay. Có nhiều nơi thì chúng ẩn núp trong các hầm hố ở bên kia đầu cầu, đợi quân ta qua được nửa cầu thì chúng nổ súng. Do đó mỗi khi qua sông rạch thì chúng tôi cho nổ súng hàng loạt, dù có địch hay không để yểm trợ cho cuộc vượt sông. Còn an toàn hơn nữa để tránh chông, bẩy, chúng tôi cho các toán tiền phong lội qua dù có ngập nước đến cổ.

Hiểu được lối đánh của địch, nên Ðại Ðội đã tránh được nhiều thiệt hại. Tuy nhiên vào buổi chiều khi tiến vào phía nam xã Phước Hiệp, sau khi đã băng qua xã Long Mỹ thì gặp địch bố trí ở ven Ấp bắn ra. Chưa kịp ra lệnh điều động thì các Trung Ðội đã tức thời băng qua một khu ruộng trống, với hỏa lực thật mạnh mẽ chiếm ngay được bờ ấp. Trước sức tiến quân của ta, địch vừa bắn vừa rút về phía bắc. Kết quả có ba tên địch tử trận, thu hai súng trường cá nhân. Ðịch ước khoảng một Trung Ðội chừng hai mươi tên, ăn mặc đồ xanh hải quân. Tìm hiểu thì chúng vừa ở tỉnh Tây Ninh xuống tăng cường.

Địa thế hành quận Mỏ Cày tỉnh Kiến Hòa

Qua trận đánh đầu đời đó, thì chỉ gặp những tên du kích bắn quấy rối thôi. Ðại Ðội tôi được lệnh trú đóng lại ở xã Phước Hiệp. ĐĐ4 của Trung Úy Hiền đóng ở xã Bình Thủy phía đông bắc cùng với Bộ Chỉ Huy của Trung Úy Trần Văn Nhựt tiểu đoàn phó. Hai ĐĐ còn lại đóng quân hoạt động tại xã Long Mỹ ở phía nam. Vậy là các xã nổi dậy, sau hai ngày hành quân, quân ta đã làm chủ và chỉ còn càn quét các thành phần du kích địa phương cố bám trụ, đồng thời yểm trợ, giúp đỡ và củng cố lại chính quyền xã, ấp, kêu gọi đồng bào trở lại làm ăn bình thường.

Qua ba tháng trời hoạt động tại quận Mỏ Cày, đặc biệt tại xã Phước Hiệp, ĐĐ đã huấn luyện cho xã một đội thanh niên có khả năng bảo vệ được xóm làng, chống lại bọn du kích nằm vùng, xây đường, cầu cống đã bị Việt Cộng phá hủy gần hết. Ðể trắc nghiệm tinh thần và lập trường chống Cộng của đội thanh niên này, thỉnh thoảng hàng đêm, tổ chức một vài binh sĩ giả làm VC trở về quấy phá, bị thanh niên đánh trống, đánh kẻng ầm ĩ la lớn đuổi khiến mấy binh sĩ TQLC chạy trối chết. Tôi không hiểu họ có biết sự việc lính TQLC giả VC hay không, nhưng tôi vẫn nghi có VC nằm vùng trong đó. Cuộc chiến tranh giữa người anh em cùng giòng máu, màu da thật khó mà phân biệt. Vũ khí cùng sự tàn ác không mang lại chiến thắng, mà chỉ có tranh thủ được lòng người mới thật là bền vững lâu dài.

Trong thời gian này, TÐ1/TQLC có sự thay đổi, Ðại Úy Lê Nguyên Khang sau khi đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ trở về được trao nhiệm vụ Tiểu Ðoàn Trưởng thay thế Ðại Úy Nguyễn văn Tài đi làm tỉnh trưởng tỉnh Lâm Ðồng. ĐĐ của tôi tham dự lễ bàn giao giữa hai người, nhưng Ðại Úy Khang giữ chức vụ chưa được ít ngày thì lại được lệnh trở về hậu cứ giữ chức Liên Đoàn Trưởng TQLC thay thế cho Trung Tá Hùng đi làm Tỉnh Trưởng Kiến Hòa. Trung Úy Trần Văn Nhật, Tiểu Ðoàn phó lên thay thế làm Tiểu Ðoàn Trưởng TĐ1/TQLC. Thực tế thì trong ba tháng hành quân tại quận Mỏ Cày, công việc điều động hầu như Trung Úy Nhựt đảm trách gần hết. Bởi vậy tình chiến hữu, gần gũi ngoài trận địa, có khổ, có vui đều cùng hưởng nên hiểu biết nhau nhiều hơn, vì thế TÐ1/TQLC mỗi ngày một mạnh hơn lên. Cũng vì lý do trên, mà sau này khi Tướng Nhựt chỉ huy Sư Ðoàn 2 BB đã không quên gọi tôi ra làm Sư Đoàn phó cho ông, vì chúng tôi cùng trưởng thành trong chiến đấu, thăng thưởng lên cấp do chính khả năng chiến đấu của mình ngoài mặt trận, không phe, không phái. Lên đến chức vị Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 2 BB, tôi vẫn luôn có mặt ngoài trận địa cho tới ngày tan hàng 30/4/1975.

Tình hình tại khu xã Phước Hiệp tương đối an ninh, một Trung Ðội do Trung Úy Lê  Ngọc Châu kiêm Ðại Ðội Phó tiếp tục ở lại hoạt động và được dân chúng gán cho cái tên ông Hai Phước Hiệp, còn lại ĐĐ di chuyển sang hoạt động ở xã Ba Vát Cái Mơn, phía tây của quận Mỏ Cày. Xã này giàu có về vườn trồng cây ăn trái, như thơm, vú sửa… Ðịa thế trong khu vực tương đối dễ dàng di chuyển, hoạt động của VC cũng vừa phải, đa số nằm vùng và hoạt động về đêm.

Lực lượng Nghĩa Quân chỉ hoạt động loanh quanh bảo vệ trụ sở xã, chứ không dám đi vào các ấp xa xôi hẻo lánh. Tình hình dân chúng trong cảnh sống ban ngày với Quốc Gia, ban đêm thì với Việt Cộng nên tỏ ra rất lừng khừng vì sợ cảnh một cổ hai tròng. Thực ra thì cũng đúng, họ không thể ứng xử khác được khi Quốc Gia không bảo đảm an ninh cho họ. Một phần nữa, chính những tên VC là người trong gia đình, họ hàng, hoặc chồng con tập kết ra Bắc trở về hoạt động. Do đó, chúng ít hoạt động ban ngày mà chỉ giành cho ban đêm. Khi đó ĐĐ thường trú đóng tại một ngôi chùa Cao Ðài, cứ khoảng vào 10 giờ tối trở đi, sau khi mọi người đã lên dường ngủ, chúng tôi mới ra quân trong âm thầm lặng lẽ, đi từ ấp này qua ấp khác, đôi khi phục lại cả tiếng đồng hồ trong bóng tối để chờ VC di chuyển hoạt động ban đêm.

Những đêm này qua đêm khác vẫn không mang lại kết quả khả quan nào, sau đó chúng tôi mới khám phá ra là người dân theo VC đã dùng đèn để báo động sự hiện diện của chúng tôi. Biết thế, để đánh gạt họ, ĐĐ đã may một số quần áo đen giả dạng VC hoặc để lại một bộ phận phục kích, nhưng rồi cũng không kết quả. Hoạt động được một tháng thì TÐ1/TQLC được lệnh rời quận Mỏ Cày đi xuống Thị Xã Cà Mâu.

Với ba tháng trời, về mặt chiến thắng quân sự, tuy không có gì là xuất sắc cả nhưng đã mang lại cho quận Mỏ Cày một tình hình an ninh tương đối, các xã ấp được củng cố lại, bóng dáng chủ lực VC tại địa phương không còn ló dạng nữa, nếu có chỉ là những thành phần du kích nằm ẩn trong dân. Vấn đề này chỉ có lực lượng địa phương, Nghĩa Quân và dân chúng tự bảo vệ lấy ấp, xã của mình đối phó mà thôi. Quân đội chính quy chỉ làm nhiệm vụ tiêu diệt chủ lực địch, sau đó lại phải di chuyển đi nơi khác. VC biết rõ điều này nên luôn tránh né khi không thể đối đầu, và đợi khi nào không còn sự hiện diện của quân chủ lực ta, thì chúng lại xuất hiện, hỗ trợ cho lực lượng địa phương, du kích đánh phá.

Cái khó khăn của chính quyền miền Nam là phải giữ đất, giữ dân, mà lãnh thổ thì rộng bao la so với số lượng quân đội của ta thì không bảo vệ hết được. Về phần dân tình thì một phần có liên hệ với VC nên che dấu, nuôi dưỡng thì khó biết được. Làng, xã, nhất là ở miền Nam thì lại không tập trung, ở rải rác, không như ở miền Bắc, hoặc miền Trung nên lại càng khó kiểm soát.

Chính sách Ấp Chiến Lược được đề ra ở thời Đệ Nhất Cộng Hòa có mục tiêu đứng đắn là cô lập, tách rời nước với cá, nhưng lại quá tốn kém và mất lòng dân, khiến VC nắm lấy để phản tuyên truyền. Kết quả cũng không mang lại kết quả nhiều, trái lại chỉ tạo thêm cho tham nhũng làm ăn, gây bất mãn cho mọi người. Rồi với ngày tháng, chủ lực VC  lại được tăng cường bởi quân Cộng Sản  Bắc Việt xâm nhập, ngày thêm lớn mạnh và mở những cuộc tấn công quy mộ gây thiệt hại cho quân đội VNCH không ít. Ðến khi quân đội Hoa Kỳ tham chiến thì cũng không giải quyết được, mà chỉ làm cho chiến trường càng thêm sôi động và chiến tranh lan rộng hơn.

Cái mấu chốt mà quân lực VNCH và Hoa Kỳ không giải quyết được tận gốc là không ngăn chặn được sự xâm nhập từ miền Bắc vào, cũng như từ Lào và Campuchia tràn qua, nên chiến trận cứ tiếp diễn dài dài, mà đưa quân ra miền Bắc thì lại không làm được vì sợ chiến tranh bùng nổ lớn như cuộc chiến tại Triều Tiên các năm 1952 mà Washington cũng như nhân dân Hoa Kỳ đều không muốn. Kết quả là đưa đến Hiệp Ðịnh Ba Lê tháng 1/1973 và tiếp theo là ngày 30/4/1975. Chính quyền miền Nam đã sụp đổ bởi cuộc tổng tấn công của CS  Bắc Việt mà chính quyền Hoa Kỳ đã bỏ rơi người bạn đồng minh của mình đã bao năm cùng chung sức chiến đấu cho lý tưởng Tự Do !!!

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt