Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (37)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi”  – Tập II (1950-1975)/ Năm 1953: Gia Nhập Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 10/1953.

Gia Nhập Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 10/1953 (kỳ 37)

Tháng 10/1953, trong khi tôi đang ở nhà anh Súy tại Hà Nội thì có giấy báo nhập ngũ theo khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức ở gần Sài Gòn. Khóa đó theo tôi biết là đông nhất, số lượng khóa sinh trên một ngàn người tụ tập ở khắp ba miền đất nước. Sở dĩ đông như vậy là vì nhu cầu chiến trường đang hồi sôi động. Trận đánh Ðiện Biên Phủ sắp tới hồi khai diễn ác liệt, hơn nữa cũng nằm trong kế hoạch chuyển giao các đơn vị quân đội Việt Nam (VN), trước đó do sĩ quan Pháp chỉ huy sang cho các sĩ quan VN đảm trách và đồng thời thành lập các Tiểu Ðoàn (TĐ) mới gọi là TÐ Khinh Binh được trang bị nhẹ, quân số ít hơn và có tính cơ động nhiều.

Ngày 20/11/1953, chúng tôi tới trình diện tại trại Ngọc Hà ở Hà Nội để làm các thủ tục cần thiết trước khi vào Sàigon. Ở trại hai ngày thì chúng tôi được máy bay Dakota chở vào sân bay Tân sơn Nhứt, Sài Gòn và sau đó được quân xa đưa lên quân trường Thủ Ðức cách xa Sàigon chừng 20 cây số.

Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức  1953

Ngày 23/11/1953 tôi chính thức mặc quân phục đề trở thành một khóa sinh Sĩ Quan Trừ Bị khóa 4. Tôi còn nhớ là lúc đó được cấp phát một túi đựng đủ thứ, từ đôi giày da cao cổ, dưới có gắn đinh, mỗi lần đi đứng kêu lộp cộp, hai bộ đồ trận có hai túi rộng hai bên hông, (thường được gán cho là để gà) dùng để tập về môn tác chiến, hai bộ đồ “short” màu vàng, quần thì dài quá đấu gối, mặc vào chẳng giống ai, bàn chải giày, khăn mặt, đủ thứ cần dùng cho một người lính.

Ðối với tôi thì chỉ nhìn qua đôi chút, vì trước kia tôi đã học qua về quân sự tại trường Quân Chính Xứ Nhu cũng như trường Lục quân Yên Báy của Mặt Trận QDÐ ở Ðệ Tam Chiến Khu, nhưng khi đó thì trang bị ít hơn vì nghèo, không phải là một chính phủ, nên chỉ mặc quân phục của quân đội Nhật  khi họ thất trận để lại trước khi trở về nước. Còn khi ở bên Trung Hoa, trong quân đội của tướng Lư Hán ở Vân Nam cũng được cấp phát quân trang (khi làm hớt tóc) nhưng ít hơn. Chúng tôi anh nào cũng mặc thử và chọc cười nhau rất vui.

Trước khi được phân phối về các Ðại Ðội theo ngành, chúng tôi phải trải qua một cuộc thi trắc nghiệm. Kết quả, tôi được đưa về Trung Ðội 22, Ðại Ðội (ĐĐ) 6. ĐĐ này gồm hai Trung Ðội súng nặng và hai Trung Ðội khinh binh. Tại Trường lúc đó các Tiểu Ðoàn Trưởng và Đại Đội Trưởng khóa sinh đều do các sĩ quan Pháp phụ trách, các cấp ĐĐ phó và Trung Ðội Trưởng thì do sĩ quan VN. Giám Ðốc Trường lúc đó là Ðại Tá Phạm văn Cảm. Tất cả có 10 Ðại Ðội khóa sinh theo các ngành Bộ Binh, Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Cụ, Thông vận Binh, Thăng Thưởng. Thời đó, Tất cả đều học tập theo chương trình huấn luyện của quân đội Pháp, nói và viết bằng tiếng Pháp.

Trung Ðội Trưởng của tôi là Thiếu Úy Trần doãn Thường, ông tốt nghiệp khóa 3 Thủ Ðức, trước khoá chúng tôi, vì ông là khóa sinh xuất sắc nên khi tốt nghiệp được nhà trường giữ lại làm huấn luyện viên. Theo quy chế của Trường thì ba tháng đầu, các khóa sinh được hưởng cấp bậc Hạ Sĩ, và trước khi lên cấp bậc Trung Sĩ, các khóa sinh lại được trắc nghiệm xem có đủ khả năng theo ngành của mình không, nếu không đủ thì đưa qua ngành bộ binh. Khi được hưởng cấp bậc Trung Sĩ thì các khóa sinh được đeo phù hiệu Alfa Màu Vàng chuẩn bị tốt nghiệp mang cấp bậc Thiếu Úy.

Thời kỳ này, chúng tôi được cấp phát một bộ đồ vàng bốn túi được may đo đạc đàng hoàng, một áo sơ mi trắng, một cà vạt đen, một mũ bere đen có sợi giây tua vàng đỏ ở sau gáy. Bộ đồ này dùng để ngày nghĩ đi dạo phố và các buổi lễ, trông cũng tạm coi được. Khi đi phố có xe đưa đón từ Trường về Sàigon và thường đậu ở phố Hai Bà Trưng, sau tòa nhà Văn Hóa Sàigon, sau này dùng làm trụ sở Quốc Hội của VNCH. Nếu ai không bị trực thì được xuất trại sáng thứ Bảy và trở về chiều Chủ Nhật. Xe xuất trại vừa đổ, chỉ trong thoáng chốc là đoàn Sinh Viên Sĩ Quan đã biến mất vào các đường phố, nhưng đến chiều Chủ Nhật thì tới chỗ hẹn có vẻ uể oải, bơ phờ. Có nhiều anh, có phương tiện riêng thì về thẳng Trường.

Rồi hết tuần này đến tuần khác, hết tập thao diễn, tác chiến lại ra sân bắn tác xạ, chẳng mấy chốc mà đã sáu tháng đã trôi qua và đến ngày thi ra trường. Riêng với tôi, đã từng sống qua về quân sự nên không mấy khó khăn trong thời gian học tập.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt