Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (27)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/ Chương 3: Từ tháng 02-1948  đến 02-1950.  TRÊN ĐƯỜNG SỐNG LƯU VONG TẠI TRUNG HOA (27)

Trên đương sống lưu vong tại Trung Hoa (27) 

Để chuẩn bị cho việc ra đi, hàng ngày chúng tôi để dành ra một ít gạo và muối. Theo dò hỏi dân địa phương từ Kim Binh tới Mông Tự (một Huyện lớn, dân cư đông đúc, nằm ở phía nam Khai Viễn) mất mấy tiếng đồng hồ đi tàu hỏa, còn đi bộ phải ít nhất là năm ngày đi bằng đường bộ.

Trước một ngày, đoàn người lên đường vào vùng kinh tế mới, chúng tôi âm thầm nắm cơm vào chiều hôm trước, và vào lúc trời còn chưa sáng, sương mù bao phủ cảnh vật, bốn anh em chúng tôi, vai đeo túi nải, lặng lẽ ra khỏi ngôi trường tá túc, hướng thẳng về phía cuối Huyện, nơi xuất phát con lộ dẫn lên Mãn Hậu. Trời còn quá sớm, thời tiết lạnh giá, phố xá còn đóng cửa im lìm, không một bóng người, ngoài bốn chúng tôi vội vã lẫn tránh dưới các mái nhà bên hè phố, trong sương mù dày đặc. Khoảng 20 phút thì chúng tôi ra khỏi Huyện an toàn. Theo con lộ ngoằn nghèo, bên các dãy đồi uốn khúc, chúng tôi đi thật nhanh, một phần sợ bị phát hiện, một phần cho đỡ lạnh. Tới khi trời sáng, thì chúng tôi đã đi được khá xa. 

Chung quanh vẫn đồi núi chập chùng nhưng không cao lắm, vả lại đường đi cũng rộng rãi và dễ đi. Từ các ngã đường phụ chạy ra con lộ chính, lâu lâu tôi lại thấy một toán người ngựa thồ hàng hóa nhập vào, thành thử trên lộ trình đi cũng không đến nỗi vắng vẻ cho lắm. Họ là những khách thương hồ người Xạ Phang từ khắp nẻo vùng biên địa đi tới, đi lui giữa Kim Bình-Hồ Kiều-Mông Tự ngày này sang ngày khác. Tôi không thấy họ có vẻ gì là nóng vội, trái lại ung dung, thư thái ngồi trên mình ngựa, lâu lâu lại xử dụng chiếc điếu cày dài, chạm trổ, bịt bạc rất tinh vi. Họ dùng loại thuốc bào vàng (dàng dến) chứ không dùng thuốc lào như người mình, loại thuốc vàng này có thể hút liên miên mà không sợ say. 

Mỗi khi hút thuốc, họ dùng chỉ thèo bằng giấy bản cuốn lại thay cho đóm, chỉ cần thổi nhẹ là lửa bùng cháy. Tiếng rít thuốc kêu sòng sọc cùng với tiếng vó ngựa đập lên những tảng đá trải trên đường, hòa với tiếng chuông buộc cổ ngựa, tạo nên một bầu không khí vui tai là lạ. Do đó, đường xa lên lên, xuống xuống, chúng tôi không cảm thấy mệt nhọc, và gần xế chiều thì chúng tôi tới bờ sông Mãn Hậu. 

Con sông lớn này chảy vào VN ở khoảng đồn Bát Xát (Lào Kay) và được gọi là sông Hồng vì giòng nước có mang theo màu đất phù xa màu hồng. Chúng tôi cùng với đoàn người ngựa qua sông bằng những con đò lớn. Ở bên kia sông là một phố nhỏ có hàng quán bán thức ăn, một vài quán trọ cho khách buôn bán nghỉ chân. Mãn Hậu là ngã ba con đường từ Kim Bình tới, cũng như từ Hồ Kiều, giáp ranh với Lào Kay lên, rồi từ Mãn Hậu đi lên Mông Tự. Đó là con đường tắt (Séo Lủ) băng qua các đồi núi cao nên đã rút ngắn được một phần đường. Các khách thương hồ thường dùng con đường này để rút ngắn thời gian. 

Ngoài con đường này, người ta có thể dùng tàu hỏa từ Hồ Kiều lên Mông Tự, hoặc đi bộ dọc theo đường tàu hỏa. Như vậy thì người từ Kim Bình tới, hoặc từ Mãn Hậu đi, phải mất thêm một ngày để đi về Hồ Kiều. Tại Mãn Hậu, chúng tôi đang tính tìm một cái quán nào bỏ trống, nghỉ đỡ qua đêm, thì may mắn chúng tôi gặp một người đồng hương. Ông này hỏi han đôi lời, rồi kéo chúng tôi về nhà ông ta. Nhà ông ở ngay kế cận con sông, có mở cửa hàng thợ mộc. Ông cho biết là ông đã sang sinh sống từ lâu, khi Pháp còn đô hộ VN và con đường tàu hỏa Hà Nội-Vân Nam còn thông suốt. Cuộc sống của gia đình ông ta có vẻ đầy đủ, bình an. 

Đêm đó chúng tôi được gia đình ông đãi một bữa cơm, tuy không có cao lương mĩ vị gì, nhưng quả là ngon miệng nhất từ ngày mới lưu vong sang Trung Hoa. Chúng tôi vừa ăn cơm vừa trò chuyện cho tới tận khuya mới đi ngủ. Đêm đó thật êm đềm, không thao thức. Sáng sớm ngày hôm sau vừa thức dậy, gia đình ông chủ nhà đã nắm sẵn cho chúng tôi mỗi người một nắm cơm và một quả trứng luộc. Ngoài ra trước khi lên đường, gia đình ông còn cấp cho ít gạo đi đường và không quên lì xì ít đồng quan kim để làm lộ phí. Ông đã khẩn khoản chúng tôi ở lại chơi vài ngày, nhưng vì sợ làm phiền và cũng nóng lòng lên tới Mông Tự cho yên. 

Trên đất nước người, tình cảm con người đồng hương quả là sâu đậm, vì thế mà chúng tôi cảm thấy ấm lòng đôi chút. Đường tắt gọi là Séo Lủ nên phải leo núi hơi nhiều. Được một hai tháng nghỉ ngơi, nên sức khỏe khá hơn nhiều. Bệnh sốt rét trong tôi không con dằn vặt nữa, nên dường dài và gian nan, chúng tôi cũng vượt qua không mấy mệt mỏi. Bạn đường của chúng tôi vẫn là những nhóm thương hồ người Xạ Phang với ngựa thồ và hàng hóa của họ. 

Hình minh họa thổ phỉ người Tàu

Theo dân địa phương cho biết thì trên lộ trình chúng tôi đi qua là sào huyệt của bọn thổ phỉ. Chúng có thể là binh lính đào ngũ, là dân thường vì bất mãn với chính quyền cai trị, với xã hội bất công, vì lười biếng không chịu làm ăn và hàng trăm lý do khác… Chúng trang bị súng ống như binh lính của chính quyền, có tổ chức, có chỉ huy đàng hoàng. 

Ở Trung Hoa có câu truyền miệng “được làm vua thua làm giặc là vậy”. Cuộc sống của chúng được coi như những anh hùng Lương Sơn Bạc, mỗi tên Trùm làm Vua một cõi rừng núi, tạo ra luật pháp riêng của chúng, tác oai, tác quái lên đầu dân lành, ai không chịu đóng thuế cho chúng thì bị hạ sát ngay, nếu không thì phải bỏ của, bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Vì vậy, các toán thương hồ thường phải qua lại trong vùng kiểm xoát của chúng, muốn làm ăn trôi chảy thì bắt buộc phải đóng thuế cho thổ phỉ. Tuy vậy trên suốt đoạn đường từ Mãn Hậu lên tới Mông Tự, tôi không thấy một trạm kiểm soát nào của chúng cả. Chúng ẩn hiện bất thường, không biết sao mà lẩn tránh được. Do đó muốn làm ăn, mọi người âm thầm đóng thuế mà không dám kêu ca, hoặc báo cáo cho Chính quyền sở tại. 

Còn binh lính của địa phương, lâu lâu cũng mở cuộc hành quân tảo thanh lấy lệ, nên chẳng bao giờ có đụng độ giữa hai bên cả. Vô hình chung , chúng được coi như được chấp nhận, miễn là đừng có những hành động quá đáng như đánh cướp vào các bản làng, phố huyện, cơ quan chính quyền. Thành thử những toán thương hồ cùng đi với chúng tôi, chúng chẳng có vẻ gì là lo âu, sợ sệt, hút thuốc nói chuyện líu lo vang cả một khu đường rừng núi, không coi thổ phỉ ra cái thớ gì cả. Còn riêng chúng tôi nghĩ, thì với tấm thân, hình hài chẳng ra gì, quần áo thì nửa Kinh, nửa Mán, vai đeo túi rết trong đựng một hai bộ quần áo, ít gạo, ít muối. 

Với tài sản đó, thổ phỉ có bắt gặp chúng tôi, chắc cũng buồn lắm, có khi còn dẫn vào sào huyệt đãi đằng nữa là đằng khác. Thế rồi, cứ ngày di, đêm nghỉ theo từng chặng đường đã tính trước. Bọn khách Xạ Phang nghỉ thì chúng tôi cũng ngừng chân…thường thì cứ hàng ngày, từ tờ mờ sáng trông rõ hình người thì chúng tôi lên đường và khi sương chiều xuống nặng hạt, thì cũng vừa đặt chân tới một Bản, Làng hay một xóm nhỏ. 

Dĩ nhiên là chúng có phương tiện và là khách quen nên ăn ở thoải mái hơn nhiều. Chúng tôi như thường lệ, lại kéo nhau vào một trái nhà để củi, để rơm của dân, nấu nướng cho ngày hôm sau.  

Cảnh rừng núi thì ở đâu cũng giống như nhau, hết leo lên đồi mỏi gối lại xuống núi chồn chân. Rừng núi vắng lặng, ngoài tiếng chim kêu, vượn hú, suối chảy róc rách qua các hốc đá mọc rêu xanh, có các cành hoa dại đủ màu sắc, in bóng lên giòng nước trong veo. 

Đôi khi chúng tôi dừng chân bên bờ suối vắng, bỏ cơm nắm ra ăn, cùng nhấm nháp mấy trái mận rừng, uống nước suối, quả thấy ngọt làm sao. Bữa nào nắng ráo đẹp trời, chúng tôi lại xuống suối tắm, sau đó cảm thấy tinh thần, thể xác khỏe ra, thoải mái, không còn thấy mệt mỏi là gì. Vào ngày thứ năm, cũng là ngày ước tính lộ trình thì tới Mông Tự, tôi thấy đồi núi xuống thấp dần, thoai thoải, Bản, Làng xuất hiện càng nhiều hơn. Rừng cây thưa thớt, có thể quan sát được xa. 

Mông Tự (đỏ) nằm giáp giới Việt Nam

Cảnh trí rừng núi, khiến chúng tôi vui chân bước thật lẹ, có khi vượt qua cả đoàn lừa, ngựa và chẳng mấy chốc chúng tôi đã thấy xuất hiện ra trước mắt một thung lũng rộng, những ngôi nhà quét vôi trắng nổi bật trên nền xanh cây cỏ. Các con đường từ mọi nẻo dẫn vào trung tâm Thị trấn Mông Tự ở dưới chân đồi. Càng xuống dần chân núi, cảnh sinh hoạt trong thung lũng thật nhộn nhịp, dù lúc đó đã xế chiều. Người và xe cộ qua lại cùng với tiếng còi tàu hỏa rít lên từng hồi trong sân ga, tạo nên cảnh sống động của một Thị trấn đông dân cư và phồn thịnh. Sau hơn một năm sống chui rúc trong rừng núi, xa cảnh nhộn nhịp của đô thị, nay trước cảnh tượng đó khiến chúng tôi không khỏi thấy lòng nôn nao, rạo rực. Một tương lai rộng mở, một niềm hy vọng mới tràn ngặp tâm tư. Chúng tôi tới cửa ngõ của Thị trấn Mông Tự vào lúc xế chiều, và sương chiều cũng đã bắt đầu rơi xuống. Mọi cửa hàng đã lên đèn sáng trưng, vì ngày tháng lúc này vẫn thuộc mùa Đông, nên trời tối sớm hơn. Thị trấn Mông Tự cũng có điện nhưng không đủ dùng, nên các cửa hàng buôn bán về đêm phải thắp đèn măng  sông hoặc đèn đất đá. 

Mông Tự là Thị trấn sầm uất cuối cùng trước khi đổ về biên giới Trung-Việt. Dân cư sống trong vùng toàn là người Hán, không còn có các sắc tộc thiểu số nữa. Họ ở những vùng núi cao, và chỉ khi nào cần mua bán họ mới đi ra Thị trấn. Đường xá trong Huyện nhỏ hẹp, lát đá, nhà cửa xây gạch, lợp mái ngói, trông tựa như ở Thành phố Hội An ở phía nam Đà Nẵng. Mông Tự là nơi có tiếng sản xuất về len, dạ. 

Dù không có quen biết ai trong Huyện, chúng tôi vẫn rủ nhau đi vào, vì nghĩ rằng thế nào cũng gặp người Việt Nam  làm ăn sinh sống ở đó. Mà quả thật, chúng tôi ước đoán không sai, chỉ đi sâu vào có mấy phố, thì chúng tôi gặp một cửa hiệu bán tạp hóa của người VN. Đánh bạo (lúc đó chúng tôi có hơi mắc cỡ vì ăn mặc chẳng ra sao cả), anh Hồng vào hỏi tin tức, thì bất ngờ một thanh niên ở nhà trong đi ra và chúng tôi nhận ra ngay là anh Phúc. Anh này chẳng ai xa lạ, mà là một học viên của trường Quân Chính Việt Trì, một đồng chí VNQDĐ từng sát cánh chiến đấu từ Việt Trì tới Lào Kay. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, anh cho biết là anh đã từ Lào Kay sang Hồ Kiều khi Mặt trận rút lui, vì anh bị bệnh. 

Sau ít ngày tá túc ở Hồ Kiều, anh Hồng cùng các anh em khác bỏ lên Mông Tự và Khai Viễn. Riêng anh vì gặp người quen, nên ở lại giúp việc và ở đó cho đến ngày gặp lại chúng tôi. Gia chủ cũng là cảm tình viên của VNQDĐ Hải ngoại nên tiếp đãi chúng tôi khá thân mật. Anh Phúc có cho chúng tôi biết sơ qua về tình hình hoạt động của Hải ngoại, và các sinh hoạt ở đó. 

Lúc dầu chúng tôi có ngỏ ý với anh Phúc là chúng tôi muốn ở lại Mông Tự tạm sinh sống làm ăn rồi tính sau, thì được cho biết rất khó tìm việc và khuyên chúng tôi nên lên Khai Viễn vì ở đó dù sao cũng có Tỉnh Đảng Bộ Hải Ngoại VNQDĐ làm việc. Không còn cách gì khác, chúng tôi đồng ý ngày hôm sau đi Khai Viễn thử thời vận ra sao.

Trước khi rời Mông Tự, anh Phúc có hướng dẫn chúng tôi đi coi phố xá, và thết đãi một chầu phở hủ tiếu. Mới buổi sáng mà chợ búa đã thấy tấp nập, kẻ mua, người bán nhộn nhịp khác thường. Anh Phúc cho biết thêm là tại đó cũng có nhiều người VN sinh sống và làm đủ thứ nghề. Đời sống tạm đủ, và họ không mấy thiết tha tới vấn đề chính trị…Về tình cảm đồng hương, nói chung cũng không được sốt sắng cho lắm, do đó vấn đề tương trợ, giúp đỡ những người trong hoàn cảnh như chúng tôi khó bề thực hiện được. 

Đi loanh quanh một hồi, thì anh Phúc đưa chúng tôi ra nhà ga và giúp mỗi người một vé tàu đi Khai Viễn. Tôi không nhớ lúc đó mỗi vé là bao nhiêu tiền, nhưng với cung cách đối xử của anh Phúc lúc đó quả đã làm chúng tôi nhớ mãi không quên. 

Sau này khi trở về sinh sống ở Hà Nội cũng như ở Saigon, tôi và anh vẫn thường gặp nhau. Sau 30/4/1975, anh sang tị nạn tại Hoa Kỳ, tiểu bang Philadelphia và nghe đâu anh đã qua đời vì bệnh. Vào khoảng trưa, thì con tàu lăn bánh đưa chúng tôi đi Khai Viễn. Được biết nếu đi bộ thì cũng phải mất mấy ngày, còn với tàu hỏa chỉ mất có hơn nửa ngày. Con tàu chạy men theo chiều dài thung lũng mà một bên là những thửa ruộng trồng lúa và hoa màu khác hầu như chiếm hết diện tích thung lũng. Ngồi trên tàu, ngồi nhìn ra ngoài trời, cả một vùng cây cỏ xanh tươi của buổi đầu Xuân, mà cảm thấy tâm hồn thư thái, phút chốc quên đi những ngày chiến đấu gian khổ đã qua. Trong lúc còn đang suy 

nghĩ, thì một hồi còi tàu rít lên cho biết là con tàu sắp vào sân ga. Con tàu chậm chạp chạy qua những ngôi nhà của công nhân hỏa xa trú ngụ, những ngôi nhà trống, rộng chứa đầy vật dụng sửa chữa tàu, rồi từ từ đỗ lại ở giữa sân ga. Cảnh đưa đón thật nhộn nhịp, nhưng với chúng tôi thì chẳng có ai chào đón cả. Tôi thấy có nhiều người VN đứng ở sân ga gọi nhau ơi ới. 

Chúng tôi xuống tàu ra khỏi nhà ga để vào thành phố. Đường xá tại đây rộng rãi hơn, có vỉa hè cho khách bộ hành và trồng cây lấy bóng mát. Có những đường trải nhựa và có đường lát đá. Nhà cửa buôn bán khang trang hơn ở Mông Tự. Ra khỏi ga là chúng tôi gặp ngay một dãy phố buôn bán, kẻ đi người tới tấp nập càng khiến chúng tôi thêm bỡ ngỡ và mắc cỡ làm sao, nhất là khi đi qua một cửa hàng của người VN. Ăn mặc thì nửa Mán nửa Kinh, đầu tóc dài phủ gáy, chân mang giày “Hải sảo”  (bện bằng vải hoặc bằng rơm) thì hỏi làm sao không mắc cỡ cho được. Con người của Hà Nội ngày nào lại nổi dậy và cảm thấy mình thua kém quá. Chúng tôi, anh này đun anh kia vào một cửa hàng để hỏi tin tức, không lẽ cứ đi hoài. Rút cuộc, anh Hồng đánh liều vào một cửa hàng ngay trước mặt, trong đó tôi thấy thấp thoáng một hai cô gái trẻ đẹp. Hóa ra căn nhà đó là của ông Đức Hiện, đảng viên VNQDĐ Hải ngoại mở cửa hiệu bánh kẹo và café. Anh Hồng được người trong nhà cho biết nơi trú ngụ của ông Liên Khai, Bí thư Tỉnh Đảng Bộ VNQDĐ ở Khai Viễn, đặc trách các Huyện phía nam Côn Minh.

Huyện lỵ Khai Viễn là một Huyện khá lớn có thể đứng sau Thành phố Côn Minh. Phố xá, nhà cửa cao ráo và sạch sẽ. Người VN sinh sống trong Huyện cũng khá đông và làm ăn phát đạt. Họ là những người sang đây từ thời Pháp thuộc, một phần có liên hệ với những công nhân trực thuộc ngành hỏa xa Hà Nội-Vân Nam. Riêng trong khu nhà ga, có một khu được xây cất dành riêng cho công nhân trong ngành cư trú. Ở đó có hai gia đình thuộc VNQDĐ là Cụ Đỉnh và anh Sơn mà anh em chúng tôi trong nước mới sang đều hết lòng cảm mến về phong cách. 

Cụ Đỉnh làm chức kiểm tra vé hành khách trên tàu (controleur) trong khi anh Sơn làm tài xế lái tàu. Những khi qua lại Khai Viễn, chúng tôi thường lui tới thăm viếng và ăn ngủ như người trong nhà. Sau năm 1949, Trung Cộng lên cầm quyền, hai người vẫn tiếp tục làm ở sở hỏa xa. Riêng Cụ Đỉnh vì lớn tuổi, nghe đâu đã mất từ lâu. Về hoạt động của VNQDĐ tại Vân Nam, phần lớn tập trung vào các Huyện lỵ, Thị trấn nằm dọc theo thiết lộ Mông Tự-Khai Viễn-Nghi Lương-Côn Minh. Được biết, trước ngày quân Lư Hán vào VN giải giới quân đội Nhật, thì tổ chức Đảng khá rộng và chặt chẽ, được đồng bào ủng hộ. Cộng Sản VN cũng có hoạt động nhưng không mấy kết quả, vì lúc đó còn dưới quyền cai trị của QDĐ Trung Hoa nên VNQDĐ hoạt động dễ dàng, gần như công khai và được Chính quyền địa phương ngấm ngầm trợ giúp. 

Khi Mặt Trận Phòng Thô tan vỡ phải chạy sang Trung Hoa, thì các lãnh đạo cao cấp của VNQDĐ, ngoại trừ có ông Xuân Tùng, một Ủy viên Tổ chức của Trung Ương Đảng còn hiện diện ở Côn Minh, còn lại qua sống ở Quảng Tây, Quảng Châu và Hương Cảng, nên mọi sinh hoạt chung của Đảng yếu đi. Do đó mà những thành phần như chúng tôi, trong cảnh sống lưu vong xứ người, nghề không biết, tiếng không thông gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa lúc này Trung Hoa Quốc Dân Đảng đang suy yếu trước sức tấn công của cộng sản Mao Trạch Đông và lại còn đi đêm với Pháp nên VNQDĐ mất hết sự yểm trợ. 

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt