Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (17)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950) /Chương 1Chiến đấu trong chiến khu Việt Nam Quốc Dân Đảng (17) 

D. CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG (17)

lao cai

Tỉnh Lao Cai (Lào Kay)

Tỉnh Lào Kay được ngăn cách làm hai bởi con sông Hồng, bên tả ngạn là Thị xã nối liền với Yên Bái, ở phía Nam bởi Quốc lộ 1 và đường thiết lộ Hà Nội-Lào Kay-Vân Nam (Trung Hoa) xuyên qua một thung lũng hẹp, một bên là sông, một bên là núi cao. Phía Bắc là Thị trấn Hồ Kiều của tỉnh Vân Nam thuộc Trung Hoa, nằm ngay ở bên bờ sông Đầm Thi có cay cầu sắt dài chừng 70 thước bắt ngang giữa Lào Kay và Hồ Kiều, Sông Đầm Thi cũng là ranh giới thiên nhiên giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa.

Con sông xuất phát từ mạn Hà Giang đổ xuống, chảy ra sông Hồng. Nước uống có tiếng là độc, nên dân Thị xã không dùng, phải sang bên Cốc Lếu gánh nước về dùng, vì dòng sông ở phía đó không bị ảnh hưởng của nước sông Đầm Thi hòa lẫn. Còn ở hữu ngạn sông Hồng là Cốc Lếu, có hai con đường trải nhựa, một đi lên Sapa, một chạy về Bát Xát Trịnh Tường. Cặp sát con sông Hồng là ranh giới Việt Hoa.

Bên Trung Hoa, con sông xuất phát từ nội địa tới Trịnh Tường rồi chảy vào VN. Dân cư sống tại đây, phần lớn là người Thổ, rất ít người Kinh, chỉ tập trung ở Thị xã, kể cả một số người Trung Hoa. Chợ búa, cửa hàng buôn bán tấp nập trong những ngày tháng yên bình, các sắc dân địa phương như Thổ, Mán, LôLô, Mèo v.v..tấp nập đến Lào Kay… 

Một số người Hoa ở bên Hồ Kiều cũng qua lại buôn bán. Dân chúng tiêu cả hai thứ tiền: Đông dương và Quan kim (Trung Hoa). Nhưng khi chúng tôi tới, nơi này vì tình hình chiến sự đã ảnh hưởng tới sự buôn bán, bớt đi phần nào nhộn nhịp.

Tỉnh Lào Kay đặt dưới sự cai trị của VNQDĐ từ tháng 11/1945, khi quân đội Trung Hoa tiến vào VN giải giới quân đội Nhật. Trước đó, chính quyền VMCS chiếm giữ kể từ sau 19/8/1945. Được sự hỗ trợ của quân đội Lư Hán, các đảng viên VNQDĐ địa phương cùng với lực lượng VNQDĐ Hải ngoại từ Trung Hoa trở về đã vận động quần chúng dành lại chính quyền khỏi tay VMCS. Ông Triệu việt Hưng, cán bộ VNQDĐ Hải ngoại được Đảng bộ địa phương và Trung Ương Đảng chỉ định giữ chức Chủ Nhiệm Tỉnh Đảng Bộ Lào Kay. Sau khi đã làm chủ Thị xã, VNQDĐ đưa quân mở rộng khu vực.

Về phía nam, ông Triệu quốc Lộc đánh chiếm Yên Bình, Nghĩa lộ, Phố Lu, Bảo Hà, Trái Hút. Ở phía Đông chiếm Bản Lầu, Bản Phiệt, chặn mọi sự xâm nhập từ mạn Hà Giang, Tuyên Quang tới.

Phía tây chiếm Thị xã Sapa, các đồn Bát Xát, Trịnh Tường, Ý Tí, Mường Hum, Bình Lư, Phong Thổ (Lai Châu). Tại Đệ Tam chiến khu, Tỉnh Lào Kay là nơi VNQDĐ có một phạm vi kiểm xoát rộng lớn nhất, kể cả về mặt quân sự lẫn kinh tế, Tháng 1/1946 (quân Pháp bỏ chạy sang Trung Hoa khi quân đội Nhật đảo chính Pháp 9/3/ 1946), dưới quyền chỉ huy của Tướng Alessandri, quân đội Pháp đã trở lại VN qua ngả Mường Là Lai Châu, đánh chiếm đồn Phong Thổ do VNQDĐ trấn giữ. Từ đó, trận chiến chống Pháp bắt đầu.

Ở phía nam, đụng độ với VMCS nên VNQDĐ đã ở vào thế lưỡng đầu thọ địch, nhưng VNQDĐ vẫn anh dũng chiến đấu cho tới ngày chúng tôi rời Yên Bái lên Lào Kay.

Tại mặt trận phía tây, VNQDĐ đã đẩy quân Pháp ra khỏi Mường Hum, Bình Lư, Phong Thổ, lấy lại quyền kiểm xoát và đóng quân cố thủ. Trong khi đó, Trường Lục Quân được lệnh di chuyển lên Sapa. Xe cộ chuyên trở không có, nên đã thực hiện bằng đường bộ. Lên đường vào buổi tối cho đỡ mệt, khí hậu ban đêm mát mẻ hơn. Đường sá tương đối tốt, càng đi xa, đường càng lên cao dần.

Chúng tôi di chuyển khá nhanh vì túi hành trang không có gì ngoài mấy bộ đồ quần áo, vật dụng cần thiết. Đi một tiếng, nghỉ 15 phút, rồi lại tiếp tục. Đêm đó đầy sao, trăng sáng, cảnh tượng thật là đẹp, gió mát, mây trắng lững lờ trôi bên sườn núi, cảm thấy nhẹ nhàng như đi trong mây. Tới Mường Sến, một địa điểm khá rộng có suối chảy từ trên cao đổ xuống, nước dội vào khe đá nổi bọt trắng xóa, thỉnh thoảng có những con cá màu bạc nhẩy vọt lên khỏi mặt nước. Chúng tôi nghỉ tại đó khoảng một tiếng đồng hồ.

Tất cả đều tỏ ra mệt mỏi và thèm ngủ. Càn về sáng sương xuống càng nhiều, khí núi tỏa ra khá lạnh mặc dù lúc đó mới tháng 7/1946. Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi tới Sapa. Như dự trù từ trước, Đảng bộ tại đây đã dành tòa nhà khá lớn trên một ngọn đồi. Đường lên đồi ước khoảng 6, 70 bậc. Đó là khu nhà ở và làm việc của một Đại tá Pháp trước kia, đồng thời cũng là Bản doanh của khu quân sự trong vùng dưới thời Pháp thuộc. Với số khóa sinh gồm cả ba khóa A,B,C thì ở hơi chật chội, nhưng vì thời tiết lạnh nên cũng đỡ trở ngại.

Sau vài ngày ổn định, chúng tôi lại tiếp tục đi vào huấn luyện. Ngoài những giờ lý thuyết giảng dạy ở trong nhà, thời gian còn lại chúng tôi xuống đồi và tập luyện ở các khu đất trống kế cận các con đường trong Thị Trấn. Về ăn uống của khóa sinh cũng như tình trạng chung tại Yên Bái và Lào Kay đều rất hạn chế, thiếu thốn, cơm thường ăn độn, món canh su su là chính yếu. Do đó, chúng tôi không đủ sức để tập luyện những môn về chiến thuật. Thông cảm với hoàn cảnh, đôi khi vào các giờ giải lao, các giáo quan Nhật cho phép chúng tôi vào khu vực trồng đào, hái quả ăn cho đỡ đói. Sapa trồng rất nhiều đào, không những ở vườn mà ngay cả hai bên đường. Vào mùa hoa nở thật là đẹp.

Cảnh đep núi rừng Lào Cai (Lào Kay)

Về ban đêm, thay phiên nhau, chúng tôi phải đi gác ở một cái lô cốt xây từ thời Pháp hay Nhật, trên một ngọn đồi cao chừng 1700 thước, cách Trường không bao xa.

Tại địa điểm này có thể quan sát cả một thung lũng rộng trước mặt. Mục đích xây dựng lô cốt này là để kiểm xoát, ngăn chặn con đường từ Bình Lư tới, và cũng tại đây, chúng tôi đã nhìn thấy rặng núi Hoàng Liên Sơn (Fansipan) cao ngất. Khung cảnh thật là hùng vĩ, đứng gác, súng cầm trong tay, cảm thấy mình thật là nhỏ bé, nhưng tâm hồn lại thật là bao la, rộng mở. Dù rằng có đêm gió lộng từ hướng tây bắc thổi về, cửa sắt lô cốt đập thình thình, lòng lạnh tái tê, thật là cô đơn, nhưng vì lý tưởng ra đi có xá chi gian khổ nhọc nhằn.

Trong thời gian học tập tại Sapa, dù hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng được khí hậu tốt nên sức khỏe nói chung không đến nỗi nào. Khóa sinh đều hăng hái vui vẻ học tập, không ta thán điều gì cả, vì đã chấp nhận cuộc sống có lý tưởng. Một buổi sáng trước khi đi tập, giáo quan Nhật bất thần tập họp chúng tôi lại, những người ở chung một phòng, rồi cho hay là ai trong chúng tôi đã bóc gỡ ở chung quanh tường nhà, đem đốt để sưởi. Ông nói ai nếu chịu nhận thì sẽ bỏ qua, nhưng hỏi tới, hỏi lui, cũng không có ai nhận cả. Kết quả ngay sau đó, ông ta ra lệnh tập họp hai hàng dọc, và thứ tự tới trình diện.

Chúng tôi hiểu ngay là ông ta áp dụng kỷ luật bằng tay chân. Rồi liên tiếp thay phiên nhau mỗi người bị một cái tát nên thân. Có anh định né tránh là lãnh ngay môn võ Judo quật nằm ngã chỏng gọng. Có điều là sau khi lãnh cái tát trời giáng lại phải đứng nghiêm chào và nói xin lỗi lần sau không giám làm bậy nữa. Tất cả đâu ba mươi người, trong đó có tôi. Từ trước đến sau, cái tát nào cũng nặng cả. Suốt thời gian học, phải nói là trong chúng tôi, anh nào cũng được lãnh ít nhất một lần môn “Judo”.

Kỷ luật được áp dụng theo đường lối huấn luyện của quân đội Nhật. Tuy nhiên, tình cảm của các giáo quan Nhật đối với chúng tội thật sâu đậm. Các ông đã quan tâm đến chúng tôi rất nhiều về mặt tinh thần lẫn vật chất, ra sức huấn luyện chúng tôi trở thành những cán bộ quân sự tài ba hầu giúp nước. Ngược lại, chúng tôi cũng quý mến các ông như người cùng huyết thống vậy vì các ông là những quân nhân có khí phách, bảo toàn danh dự không chịu đầu hàng, không chịu tước bỏ khí giới, đã ở lại VN giúp đỡ chúng tôi chống VMCS, chống thực dân Pháp dành lấy nền Độc lập chân chính hợp với lòng người. Một sự cố xẩy ra làm đau lòng cho QGTNĐ chúng tôi là một buổi sáng khi thức dậy, chúng tôi phát hiện sự thiếu vắng một đoàn viên là anh Vũ ngọc Thủy, anh bị mất tích. Chúng tôi đi tìm lục lọi khắp chung quanh Trường nhưng không thấy, có thể ban đêm Anh đi ra ngoài rồi bị cọp vồ mang đi, vì chung quanh, dưới sườn đồi là rừng cây rậm rạp. Ở đây người dân cho biết là hổ, báo thường về rình mồi, nên sự nghi ngờ của chúng tôi không thể là không xẩy ra.  

Về sau, suốt đoạn đường từ Lào Kay tới Phong Thổ, qua Trung Hoa cho tới ngày về nước gặp lại gia đình anh Thủy, cũng chỉ biết là từ ngày anh đi không thấy trở về nữa và coi như đã mất tích. Trong khi chúng tôi đang ở Sapa, tình hình chiến sự tại Yên Bái trở nên sôi động hơn. Thị xã vẫn bị bao vây, tấn công ở ba mặt, trừ phía bắc là con đường huyết mạch đến Lào Kay được bố trí phòng ngự nghiêm mật hơn. hơn nữa khu vực này địa thế rất khó cho lực lượng tấn công.

Xa hơn về hướng bắc, còn có lực lượng của ông Triệu quốc Lộc trấn giữ. Tuy vậy đã có lần VNQDĐ mở cuộc hành quân đánh chiếm mấy xã ở phía nam và đông nam Thị xã để bổ sung lương thực. Các trận đánh qua lại nhiều ngày, kết quả là VMCS bị thiệt hại khá nặng về người và vũ khí. Nhưng tình hình vẫn không thay đổi, VMCS tiếp tục bao vây. Sau cuộc hành quân, VNQDĐ rút về phòng thủ quanh Thị xã. Hàng đêm VMCS phóng loa tuyên truyền kêu gọi ngừng bắn, thực hiện hòa giải, đoàn kết chống xâm lăng, đồng thời viết thư cho liên lạc vào mời cán bộ lãnh đạo VNQDĐ ra ngoài chùa Bạch Lâm bên ngoài Thị xã (khu vực VMCS kiểm xoát) hội đàm. Trước tình hình bi đát về lương thực, bốn bề phong tỏa khó bề giải quyết, nên Chủ nhiệm Tỉnh Đảng Bộ là ông Nguyễn Hải quyết định triệu tập một buổi họp bao gồm các cán bộ lãnh đạo để thảo luận về bức thư của VMCS . Cuối cùng đã đề cử hai ủy viên là ông Thanh Vân (giáo sư Nguyễn văn Mùi) và anh Nguyễn duy Dzị đại diện đi họp với VMCS.

Khi hai ông này lên đường phó hội, dân chúng và cán bộ, đảng viên biết tin, liền ra tiễn rất đông, vì ai cũng nghĩ hai ông ra đi là không có ngày về. Sau khi ký bản thỏa hiệp, hai bên ngừng tranh chấp, mỗi bên ủy nhiệm một số quân để giữ an ninh trật tự trong Thị xã, về phần VMCS cũng vậy. Sau phần thực hiện giai đoạn đầu, hai bên mở cuộc họp thảo luận tiếp. Trong khi cuộc họp đang tiến hành, VMCS âm thầm cho bộ đội đột nhập vào Thị xã, rồi dùng áp lực uy hiếp VNQDĐ phải thỏa thuận các điều kiện chúng muốn. Các ông đại diện VNQDĐ là Nguyễn Hải, Nguyễn Vĩnh, Thái vĩnh Phúc, Dương tế Dân không chịu. Kết quả là chúng bắt giữ các ông này, sau đó mang đi thủ tiêu mất tích. Riêng anh Nguyễn duy Dzị khôn ngoan dùng kế đầu hàng rồi lẫn về được với lực lượng VNQDĐ đóng ở ngoài Thị xã.

Sau khi bàn thảo, VNQDQ dưới quyền chỉ huy của anh Duy Dzị rút về được tới Lào Kay. Trên đường rút quân, VMCS biết được, vội đuổi theo truy kích nhưng không thành công. Tới Ngòi Hóp, một số VNQDĐ được bố trí ở lại, lập tuyến đầu, còn toàn bộ lực lượng di chuyển lên Bảo Hà cùng đóng quân với lực lượng của ông Triệu quốc Lộc. Còn số phận các cán bộ và dân bị kẹt trong Thị xã, đa số là thanh niên, đã bị VMCS đem đi nơi khác, sống chết không ai được biết.

Yên Bái mất, Lào Kay trở thành mục tiêu cuối cùng của VMCS. Ban lãnh đạo VNQDĐ thừa hiểu là chẳng chóng thì chày, VMCS cũng dốc toàn lực thanh toán cứ điểm cuối cùng của mình, nên ra lệnh chuẩn bị chiến trường đối phó..Cũng vì vậy mà trường Lục Quân, trong một đêm nhận được lệnh di chuyển cấp tốc về tăng cường phòng thủ Lào Kay. Chúng tôi khi rời Sapa đều nghĩ rằng đây là cuộc chiến cuối cùng của Đệ Tam Chiến Khu, trong lúc tình hình rất bất lợi cho VNQDĐ. Tới Lao Kay, Trường lại trú đóng tại trại lính cũ ở bên Thị xã. Các cuộc điều quân, bố trí, phòng thủ trở nên nhộn nhịp hơn. Phố xá, dân cư buôn bán và chợ búa trở nên vắng vẻ dần. Có lẽ họ linh cảm tới chiến trận sắp lan dần tới Thị xã. Việc học tập chỉ có lấy lệ vì khóa sinh được coi là thành phần trừ bị, sẵn sàng ra mặt trận khi có lệnh. Khác với khí hậu ở Sapa, Lào Kay rơi vào những tháng ngày rất oi bức, lại ăn uống thiếu thốn, bừa bãi, nên có một số khóa sinh mắc bệnh, phần lớn là sốt rét. Tôi cũng ở trong số bệnh nhân này, ngày nào cũng bị một cơn sốt dằn vặt, mới đầu là rét run cầm cập, đắp hai, ba cái mền cũng chẳng ăn thua gì, sau đó tới cơn sốt nóng có thể lên tới 40 độ. Sức khỏe của tôi yếu dần, thuốc men lại hiếm, nên con bệnh cứ kéo dài hàng tháng mới chấm dứt. Tiền không có, còn cái áo tốt nào đem bán lấy tiền mua bánh trái ăn cho đỡ thèm và đỡ đói. Người dân ở đây, họ cho biết là có nhiều người miền xuôi lên sinh sống tại đó, nếu không kiêng cử trong việc ăn uống và thiếu thuốc men là chỉ ít ngày mang bệnh bỏ xác luôn. Nước uống lấy nước sông Đầm Thi, còn nước suối có đầy lá han, nước lạnh đến rụng lông chân, nước giếng ảnh hưởng mỏ chì, mỏ kẽm. Chẳng thế dân địa phương có câu vè: “Nước Bảo Hà, Ma Trái Hút”, đủ hiểu khí hậu, thời tiết ở đây độc hại như thế nào. Đang bệnh mà ăn bưởi, ăn xoài, ăn quả có chất chua là bị cấm khẩu ngay, hết phương cứu chữa. Bệnh sốt rét đã đeo đuổi tôi từ Lào Kay tới Chiến khu Phong Thổ, cứ lâu lâu lại bị lại. Khi sang tới Vân Nam (Trung Hoa) căn bệnh tự nhiên chấm dứt cho đến tận bây giờ. Những ngày giờ nhàn dỗi, không bị bệnh hành hạ, tôi và vài người bạn đi qua Hồ Kiều (Trung Hoa) ăn phở chua. Không hiểu có ngon không, nhưng lúc đó cảm thấy ngon miệng lắm. Phở gồm bánh khô, tôm, thịt lợn, nửa nạc, nửa mỡ, lạc rang, tưới nước mỡ, vắt chanh ớt rồi trộn lên ăn rất khoái khẩu. Sự qua lại Hồ Kiều rất dễ dàng, lúc đó biên giới hai nước rộng mở, dù hai phía cầu đều có lính gác lấy lệ, hầu như không kiểm xoát ai cả. Sau này,khi VMCS chiếm đóng Lào Kay thì sự qua lại bị kiểm xoát rất nghiêm ngặt.

Việc gì phải tới, rồi cũng tới. VMCS sau khi dùng thủ đoạn lừa bịp: Đoàn kết, Hòa giải, bất thần đem quân chiếm Yên Bái xong, lại khởi sự tập trung quân các nơi, chuẩn bị tấn công Lào Kay từ hai mặt: phía Nam tấn công dọc Quốc lộ 1 và thiết lộ Yên Bái-Lào Kay thuộc tả ngạn sông Hồng. Bên hữu ngạn từ Tỉnh lộ Yên Bái- Nghĩa lộ, chúng tấn công xã Yên bình để tới phía nam Cốc lếu dưới chân núi Sapa. Cuộc chạm súng xẩy ra được ít ngày, bộ phận tiền tiêu đóng ở Ngòi Hóp chịu không nổi phải rút về Bảo Hà. Khai thác thắng lợi, chúng truy kích tới cửa ngõ Bảo Hà, đánh chiếm làng Bùn ở kế cận. Quân của ông Triệu quốc Lộc và ông Vương các Đạo đóng giữ ở Bảo Hà có mấy lần phản công nhưng thất bại. Được tin báo, Tư lệnh Quân vụ Bộ do ông Vũ hồng Khanh đảm trách ra lệnh điều động khóa sinh trường Lục Quân đi giải tỏa làng Bùn. Khi đó tôi đang bệnh nên không có tham dự. Dưới sự chỉ huy của các giáo quan Nhật, nhà trường xử dụng tàu hỏa di chuyển quân tới Trái Hút mới ngừng lại. Sau khi phối hợp với lực lượng tại chỗ, các giáo quan Nhật ra lệnh tấn công lấy lại làng Bùn vào lúc gần sáng. Đội hình tấn công gồm hai mũi. Một mũi tiến dọc theo đường xe lửa, mũi thứ hai ở phía trái cách khoảng 300 thước. Trời còn tối, địch khó quan sát nên hai cánh quân tiến khá dễ dàng. Khi tới sát làng Bùn, cánh quân đụng con suối chảy ngang. Suối không rộng lắm, nước chảy cũng không siết. Đang chuẩn bị đội hình để lội qua, thì trời vừa sáng, do đó địch ở bên kia bờ quan sát thấy, liền nổ súng. Sau một hồi trả đũa, giáo quan Nhật ra lệnh xung phong vượt qua suối có cây cầu bắt ngang. Cánh quân phía trái, một số vượt được qua, còn cánh quân ở đường sắt bị địch bắn rát quá không vượt qua nổi. Trận chiến diễn ra khá lâu, hai cánh quân không tiến lên được, nằm chịu trận chờ cơ hội thuận lợi. Nhưng rồi VMCS tăng cường lực lượng cả về quân số lẫn hỏa lực phản công ác liệt. Thấy ở thế bất lợi, nếu chiến đấu càng lâu thì thiệt hại càng tăng về nhân mạng, nhất là cánh quân phía cây cầu sắt. Một khóa sinh bị tử thương là anh Đức và vài anh nữa bị thương, nên các giáo quan Nhật ra lệnh rút lui. Dĩ nhiên là khi tấn công đã khó, lúc rút lui lại càng khó hơn nhiều, nhất là địa thế tại đó khá trống trải, có con suối ngăn trở, không thích hợp cho việc tấn công ban ngày. Nếu tính toán sát hơn, mà cho tấn công vào nửa đêm có thể đã thành công. Do đó khi rút lui phải khó khăn lắm mới rút về được, nhất là toán đã qua suối, kết cục lại thêm vài anh nữa bị thương, trong đó có anh Việt, Cơ trưởng QGTNĐ bị thương nhẹ ở bụng. 

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt