Hoàng Sa và Trường Sa từ lịch sử và pháp lý quốc tế

Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. VNQDĐ sẽ sưu tầm và lần lượt gởi đến qúy độc giả những bài như sau:

  • Hoàng Sa và Trường Sa từ lịch sử và pháp lý qucố tế.
  • Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào?
  • Cộng Sản Việt Nam là thiên cổ tội nhân làm mất đất tổ!
  • Phản ứng của toàn dân Việt trong và ngoài nước khi Trung Cộng xáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh lỵ Hải Nam.

Hoàng Sa và Trường Sa từ lịch sử và pháp lý quốc tế

Từ khi khoa học phát sinh ra nguồn kinh tế dưới mặt biển, Hoàng Sa và Trường Sa trở thành điểm tranh chấp của những nước chung quanh. Trung Hoa Cộng Sản chơi trội, áp dụng chiến thuật “cá bự đớp cá nhỏ” chơi luật rừng, dù ngồi trên pháp luật với cái chức Hội Viên Thường Trực của tổ chức lớn nhất quả địa cầu có tên Liên Hiệp Quốc, nhưng chẳng coi cái tổ chức này ra gì cả…..ngày 02/12/2007 chiếu dụ thành lập huyện Tam Sa sáp nhập hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Cộng.

Báo chí của CSVN trong nước đăng tin Chính Phủ Trung Ương Trung Quốc có tên gọi chính thức là Quốc Vụ Viện Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (tức Trung Cộng) thành lập huyện Tam Sa tỉnh Hải Nam để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nói nôn na là cưỡng chiếm không cần lý do, không cần súng đạn…… vì Hoàng Sa và Trường sa là của Việt Nam. Dưới đây là những chứng liệu cụ thể và khẳng định.

Những bằng chứng lịch sử chứng minh:

(Tài liệu của Tiến Sĩ Nguyễn Nhã)

Thứ nhất: Có rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh, trong đó có bản đồ ấn bản gần thời điểm có tranh chấp như bản đồ Đại Thanh Đế Quốc trong Đại Thanh Đế Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 đã vẽ cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không vẽ bất cứ hải đảo nào khác ở biển Đông.

Thứ hai: Bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống dư địa tổng đồ trong cuốn Hoàng Thanh Nhất Thống dư địa toàn đồ xuất bản năm Quang Tự 20 (1894) đã ghi rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông ở 18 độ 30 phút Bắc, trong khi Tây Sa hay Hoàng Sa được Trung Quốc đặt tên, có đảo ở vĩ độ cao nhất là 17 độ 5 phút. Điều này chứng tỏ Tây Sa hay Hoàng Sa chưa hề là lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong khi đó, ngay tài liệu của chính người Trung Quốc như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn, tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.

Thứ ba: Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ, năm 1686 có bản đồ là tài liệu xưa nhất, ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa). Còn tài liệu trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, quyển 2 có hai đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

Thứ 4: Sang thời kỳ triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

– Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833). Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII.

– Đại Nam Thực Lục phần tiền biên, quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844) tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

– Đại Nam Thực Lục Chính biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

– Tài liệu rất quí giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại kho lưu trữ tại Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc… Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám, sau đó lại tiếp tục.

Thứ 5: Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần hai và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản…

Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.

Thứ 6:

Những tài liệu của Trung Quốc cho thấy chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như sau:

– Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Ký Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

– Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Trung Quốc.

Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1-1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.

Thứ 7:

Những tài liệu Tây Phương xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

– Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.

– Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.

– An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam.

– The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels).

– The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels…

Về pháp lý quốc tế:

(trích của LS Nguyễn Hữu Thống và website về Law of the Sea Convention)

http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_historical_perspective.htm

Năm 1982, 119 quốc gia ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (Law of the Sea Convention hay Los Convention) trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Sau đây là định nghĩa về biển lịch sử, đường căn bản, biển lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh te,á thềm lục địa, hải đảo và quần đảo.

Biển Lịch Sử (historic waters).

Theo Toà Án Quốc Tế và Điều 8 Luật Biển, biển lịch sử là nội hải nằm về phía đất liền, bên trong đường căn bản của biển lãnh thổ. Như vậy biển lịch sử không thể là Nam Hải cách lục địa Trung Hoa tới 2000 cây số.

2. Đường căn bản (baselines) là đường có lằn nước khi thủy triều xuống thấp.

3. Biển lãnh thổ (territorial sea) rộng 12 hải lý tính từ đường căn bản ra khơi.

4. Nối tiếp biển lãnh thổ 12 hải lý là Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý để đánh cá. (Exclusive Economic Zone, 200-mile-fishery zone).

5. Vùng Đặc Quyền Kinh Tế trùng điệp với Thềm Lục Địa (Continental Shelf) 200 hải lý để khai thác dầu khí.
Thềm lục địa thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải trong việc khai thác dầu khí. Quyền này không tùy thuộc vào điều kiện chiếm cứ (occupation) hay công bố (declaration) (Điều 77). Do đó việc Trung Cộng chiếm đóng một số đảo, đá, bãi tại Hoàng Sa và Trường Sa không có tác dụng tước đọat chủ quyền của Việt Nam tại thềm lục địa.

Luật hải đảo và quần đảo:

Các hải đảo (như Đài Loan hay Tích Lan) được quyền có biển lãnh thổ 12 hải lý, và quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Tuy nhiên, các tiểu đảo không có thường dân cư ngụ và không tự túc về kinh tế (như Hoàng Sa và Trường Sa) không được hưởng quy chế này. (Điều 121).

Trong án lệ Lybia/Malta (l985) Tòa án không đồng hóa đảo Malta với lục địa, dầu rằng Malta có 350 ngàn dân cư ngụ trên một diện tích 122 dậm vuông.

Theo định nghĩa, quần đảo bao gồm các hải đảo nằm san sát bên nhau và có diện tích ít nhất bằng 1/9 vùng biển nơi tọa lạc (như các quần đảo Nam Dương hay Phi Luật Tân).

Như vậy:

1) Hoàng Sa và Trường Sa không phải là “quần đảo” luật định vì có diện tích quá nhỏ (4 dặm vuông) trong một vùng biển bao la (180 ngàn dặm vuông).

2) Các tiểu đảo (trên 20 hòn đảo) tại Hoàng Sa Trường Sa không phải là “đảo” luật định, và không được hưởng quy chế 200 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí.

Công ước về luật biển:

Năm l982 với tư cách một ngũ cường, Trung Cộng (Trung Hoa Cộng Sản) hoan hỉ ký Công Ước về Luật Biển. Ký xong, Bắc Kinh mới thấy lo! Những điều khỏan trong Công Ứóc đã quá rõ rệt. Các quốc gia duyên hải chỉ được hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kể từ biển lãnh thổ.

Trong khi đó Trường Sa cách lục địa Trung Hoa khoảng 750 hải lý, nên không nằm trong thềm lục địa của Trung Hoa và Hoàng Sa cũng cách Hoa Lục lối 270 hải lý.

Tại bờ biển Việt Nam, thềm lục địa chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra Hoàng Sa.Về địa hình, Hoàng Sa là một hành lang của Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra khơi. Đây là những bình nguyên của thềm lục địa Việt Nam trên mặt biển. Năm 1925, nhà địa chất học quốc tế Tiến Sĩ Khoa Học A. Krempf, Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu và đo đạc đã lập phúc trình và kết luận: “VỀ MẶT ĐIA CHẤT, NHỮNG ĐẢO HOÀNG SA LÀ THÀNH PHẦN CỦA VIỆT NAM” (Géologiquement les Paracels font partie du Vietnam).

Tại Trường Sa cũng vậy. Về độ sâu và địa hình đáy biển, các đảo cồn đá bãi Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam. Tại bãi Tứ Chính , nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400m, và tại vùng đảo Trường Sa độ sâu chỉ tới 200m. Bãi Tứ Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý và cách lục địa Trung Hoa tới 780 hải lý. Trường Sa cách Việt Nam 220 hải lý và cách Hoa Lục 750 hải lý. Từ Trường Sa về bờ biển Trung Hoa có rãnh biển sâu hơn 4.600m.

Bị ràng buộc bởi Luật Biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, Trung Cộng tung ra CHIẾN DỊCH HỎA MÙ, gây bất ổn, tranh chấp lung tung, thao diễn, phóng hỏa tiễn, lấn chiếm bừa bãi tại miền bờ biển để gây tiếng vang. Mục đích để phá rối an ninh trật tự, làm cản trở giao thông trên mặt biển, tạo áp lực, hù dọa và khuyến dụ các quốc gia Đông Nam Á hãy tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền hải đảo để cùng nhau KHAI THÁC DÂÙ KHÍ CHUNG TẠI THỀM LỤC ĐỊA VÀ ĐÁNH CÁ CHUNG TẠI VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ.

THỀM LỤC ĐỊA

Thềm lục địa Trường Sa.

Tại Trường Sa bãi dầu khí Tứ Chính (Vanguard) cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý và cách bờ biển Trung Hoa lối 780 hải lý, nên thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Thềm lục địa Hoàng Sa.

Hoàng Sa cách bờ biển Trung Hoa khoảng 270 hải lý và cách bờ biển Việt Nam lối 155 hải lý nên thuộc thềm lục địaViệt Nam. Khỏang cách từ cù lao Ré (Quảng Ngãi) ra đảo Tri Tôn chỉ có 123 hải lý. Về mặt địa hình đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của dẫy Trường Sơn từ đất liền chạy ra biển. Có thể nói Hoàng Sa là những bình nguyên của thềm lục địa Việt Nam trên mặt biển. Chiếu Luật Biển 1982 quyền của các quốc gia duyên hải tại thềm lục địa không tùy thuộc vào sự chiếm cứ (Điều 77). Do đó sự chiếm đóng võ trang của quân đội Trung Hoa không có tác dụng tước đoạt chủ quyền của Việt Nam tại thềm lục địa Hoàng Sa.

CÁC TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ:

Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc và Toà Án Quốc Tế đưa ra 10 tiêu chuẩn để phân ranh hải phận hay đồng hóa hải đảo vào lục địa:

1) Vị trí của các đảo đối với bờ biển tiếp cận. Tại vùng Hoàng Sa, đảo Tri Tôn chỉ cách lục địa Việt Nam 135 hải lý, trong khi đảo Hoàng Sa cách lục địa Trung Hoa tới 270 hải lý.

2) Diện tích các hải đảo so sánh với chiều dài bờ biển tiếp cận. Đảo Hoàng Sa quá nhỏ bé (0.56km2) chỉ bằng 1/1000 đảo Phú Quốc (568km2), trong khi bờ biển Việt Nam dài gấp 10 lần bờ đảo Hải Nam phía tiếp giáp Hoàng Sa.

3) Về độ sâu và địa hình đáy biển, các đảo, cồn, đá, bãi Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên từ lục địa Việt Nam ra biển. Độ sâu tại Hoàng Sa là 900m và tại Trường Sa là 200m. Từ Hoàng Sa Trường Sa về Hoa Lục có 2 rãnh biển có độ sâu hơn 2300m và 4600m.

4) Về mặt địa chất, sau 2 năm nghiên cứu và đo đạc, năm 1925 Tiến Sĩ Khoa Học A. Krempt xác nhận rằng “Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam “.

5) Về dân số, các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có thường dân cư ngụ, và không thể tự túc về kinh tế. Trong khi đó số dân cư ngụ tại miền bờ biển Việt Nam đông gấp mười số dân sinh sống tại đảo Hải Nam.

6) Về sinh thực học và khí hậu tại Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo san hô cũng như cây cỏ và sinh vật tiêu biểu cho vùng nhiệt đới (Việt Nam ), chứ không thấy ở vùng ôn đới (Trung Hoa).

7) Về Khu Đặc Quyền Kinh Tế (để đánh cá), Biển Đông (với Hoàng Sa và Trường Sa) là khu vực đánh cá căn bản của Việt Nam. Trong khi đó, ngoài hải phận về phía Tây, Đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý để đánh cá về phía Đông thông qua Thái Bình Dương,.

8) Tại thềm lục địa Việt Nam những vùng có dầu khí nằm giữa Vịnh Bắc Việt và khu bãi Tứ Chính phía Đông Nam Cà Mau. Đây là nơi kết tầng các thủy tra thạch chứa đựng các chất hữu cơ do nước phù sa sông Hồng Hà và sông Cửu Long đổ ra biển từ hàng triệu năm nay. Do đó dầu khí nếu có là do các chất hữu cơ từ lục địa Việt Nam chứ không phải từ Hoa Lục. Hơn nữa, ngoài hải phận về phía Tây, Đảo Hải Nam còn được 200 hải lý thềm lục địa để khai thác dầu khí về phía Đông thông qua Thái Bình Dương.

9) Biển Đông với Hoàng Sa Trường Sa có ảnh hưởng kinh tế, chiến lược và an ninh quốc phòng mật thiết với Việt Nam hơn là Trung Hoa. Vì Trung Hoa còn có biển Hoàng Hải và Đông Trung Quốc Hải chạy thông qua Thái Bình Dương.

10) Các tài liệu, sách báo, họa đồ, các chứng tích lịch sử v…v…

Hội nghị Quốc Tế năm 1951 tại San Francisco xác nhận Hoàng sa và Trường sa là của Việt Nam:

1) Năm 1951 tại Hội Nghị Cựu Kim Sơn, 51 quốc gia đồng minh ký Hiệp Ước Hòa Bình Nhật Bản trong đó Nhật Bản từ bỏ chủ quyền về Hoàng Sa Trường Sa, nhưng không nói để trả cho nước nào. Đại biểu Liên Xô yêu cầu Hội Nghị biểu quyết trả cho Trung Hoa. Nhưng Hội Nghị đã bác bỏ thỉnh cầu này với 46 phiếu chống. Sau đó phái đòan Việt Nam lên diễn đàn minh thị công bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa Trường Sa, và không gặp sự phản kháng nào.
2) Sự thừa nhận chỉ có nghĩa nếu xuất phát từ các quốc gia duyên hải liên hệ. Vì các đảo này tọa lạc tại Biển Đông Nam Á, nên chỉ các quốc gia Đông Nam Á mới có thẩm quyền thừa nhận. Mà cho đến nay tất cả các quốc gia Đông Nam Á không nước nào thừa nhận chủ quyền của Trung Hoa tại Hoàng Sa Trường Sa.

Như đã trình bày ở trên thì Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam một khẳng định bất di bất dịch

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt