Hậu khủng bố tại Paris: Tự do ngôn luận và trách nhiệm

Hôm nay, đúng một tuần sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo và cũng là ngày ban biên tập còn lại của Charlie Hebdo ra số báo “lịch sử” với 3 triệu bản, nhiều gấp 60 lần số lượng ấn bản trước khi tờ báo bị tấn công.  

Một tuần đã trôi qua nhưng thảm kịch mà nước Pháp vừa trải qua vẫn tiếp tục là chủ đề đặc biệt chiếm đa số các trang báo Pháp ra sáng nay. Giờ là lúc báo chí Pháp mở ra những vấn đề hậu khủng bố. Nếu như các tờ báo lớn như Le Monde hay les Echos đặt trọng tâm vào những thách thức của nước Pháp sau thảm kịch, hay với Libération thì sự kiện lớn trong ngày là biên tập còn sống sót sau thảm kịch hôm 07/01/2015 của Charlie Hebdo ra số báo lịch sử, nhật báo Công giáo đặt vấn đề về tự do ngôn luận.

Một độc giả cầm số báo mới của Charlie Hebdo phát hành hôm 14/01 – REUTERS /Stephane Mahe

Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất “Tự do ngôn luận đến đâu ?”.

Quả thật thảm kịch khủng bố mà nước Pháp trải qua trong tuần mà khởi đầu là vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn Charlie Hebdo đã làm dấy lên sức huy động mạnh chưa từng có trong các tầng lớp xã hội Pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Nhất là trong một đất nước, kế thừa truyền thống từ thời Voltaire, ngay năm 1789 đã dành cho tự do ngôn luận một vị trí trang trọng trong hiến pháp.

Theo La Croix, hệ thống luật pháp của Pháp về quyền tự do ngôn luận vẫn còn thiếu và nhiều kẽ hở khiến cho những mâu thuẫn liên quan đến ngôn luận không được giải quyết thấu đáo bằng con đường tư pháp. Mâu thuẫn tích tụ kéo dài thì ắt dẫn đến hiềm khích, hận thù.

Giữa gianh giới mù mờ là trách nhiệm ?

Tự do ngôn luận là một quyền không thể phủ nhậntrong một xã hội dân chủ. Để bảo vệ cái quyền “tự do ngôn luận, một quyền gần như tuyệt đối” đó, La Croix thấy cần phải có thêm trách nhiệm. Xã luận của La Croix mang tựa đề : “Tự do và trách nhiệm”.

La Croix đã khẳng định số báo Charlie Hebdo ra hôm nay với trên trang nhất hình vẽ nhà tiên tri Mohamet ít châm chọc hơn so với các hình biếm họa trước kia của tờ báo, dù vậy dưới con mắt của người Hồi giáo thì hình vẽ đó vẫn là một sự khiêu khích.

Theo La Croix việc làm của ban biên tập “sống sót” của Charlie Hebdo đã chứng tỏ họ không chấp nhận sự khuất phục trước hăm dọa, không phản bội lại những người bạn đã phải hy sinh cả mạng sống vì những hình vẽ châm biếm và Charlie vẫn như vậy.

Tuy nhiên xã luận La Croix nhấn mạnh : “Sự hỗ trợ tuần báo trào phúng và ban biên tập trong thử thách kinh khủng mà họ vừa trải qua cho thấy sự phủ nhận hoàn toàn đối với bạo lục khủng bố, nhưng điều đó không bao giờ là sự ủng hộ vô điều kiện những bức tranh xuất bản gần đây ( của Charlie Hebdo), dù các bức tranh đó có liên quan hay không đến tôn giáo” .

Tờ báo viết tiếp : “tình đoàn kết được bày tỏ trên truyền thông và trên đường phố trong khắp các thành phố nước Pháp cũng đánh đấu điều quan trọng cho sức sống của nền dân chủ đó là tự do và đa nguyên báo chí phải được tôn trọng. Tấn công vào tờ báo này là tấn công vào các nguyên tắc trên”. Theo nhật báo Công giáo cái quyền tự do đó không tách rời suy nghĩ về trách nhiệm. Đó là trách nhiệm mà tất tất những người như nhà báo, nhà chính trị , nghệ sĩ hay trí thức đều phải có.

Tờ báo kêu gọi : “Mỗi một tờ báo, mỗi một cơ quan truyền thông nghe nhìn, mỗi một công dân khi phản ứng trên mạng xã hội hay diễn đàn tranh luận đều phải tự vấn về việc làm của mình. Theo dõi thời sự trong cuộc chạy đua với tốc độ cuồng loạn, đưa các thông tin không kiểm chứng, phô trương và loan truyền những hình ảnh suy đồi một cách tùy tiện, bày tỏ hay lặp lại những phát ngôn miệt thị lẫn nhau …tất cả đều có thể là những cơ hội cho những biến thái nguy hiểm xảy ra” và tờ báo kết luận : Tự do báo chí là một quyền lực nhưng cũng phải có ràng buộc.

Hậu 11 tháng Giêng và những điều còn lại

Trong thảm kịch khủng bố vừa qua, báo chí Pháp lấy ngày 11 tháng Giêng, ngày hàng triệu người Pháp xuống đường tuần hành chống khủng bố, là cao trào của sự kiện. Sau những hoang mang, lo sợ, đau thương, phẫn nộ …giờ đây nhiều vấn đề đang được đặt ra cho các nhà làm chính trị không chỉ xung quanh vấn đề chống khủng bố, an ninh mà còn cả vấn đề xây dựng lại nền tảng của xã hội Pháp.

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích “Sau 11 tháng Giêng, vô số thách thức đặt ra trước các nhà chính trị”. Tờ báo ghi nhận, cuộc huy động xuống đường của gần bốn triệu người dân Pháp hôm 11 tháng Giêng, là một sự kiện lịch sử làm dấy nên niềm tự hào của nước Pháp. “Nhưng các cuộc tuần hành hôm Chủ nhật vừa qua đang đặt các nhà chính trị trước một thách thức sống còn : Thể hiện sao cho chính xác nguyện vọng đa dạng thậm chí mâu thuẫn nhau của người Pháp”.

Les Echos nhận thấy sau cuộc cuộc tuần hành khổng lồ hôm 11/01 trên khắp cả nước và sự đồng cảm, đoàn kết của cả thế giới, đã khơi dây ở nước Pháp cao trào tự hào : Người dân thì cảm thấy mạnh mẽ trong con mắt của người khác và những nhà chính trị, lãnh đạo thì cũng cảm thấy mình lớn hơn trong ánh mắt quần chúng.

Nhưng theo Les Echos, ngay từ giờ người ta cũng tự hỏi : “Liệu niềm tự hào này có kéo được dài lâu ? “

Vẫn trên chủ đề này, xã luận báo Le Monde cũng đặt vấn đề cho rằng ngay sau cuộc tuần hành hôm 11/01, cuộc tranh luận đã tập trung vào những biện pháp an ninh, giám sát để tránh thảm kịch tương tự tái diễn. Người Pháp ý thức được nền dân chủ đang mong manh, xã hội Pháp đang cần phải có chỗ cho lòng bao dung nảy nở vì thế kiến tạo lại về chính trị là vấn đề cấp bách.

Đồng tâm nhất trí của các đảng phái

Nhật báo Le Figaro chạy hàng tựa lớn trang nhất trích dẫn câu nói của Thủ tướng Pháp Menuelle Vals : “Nước Pháp đang trong cuộc chiến chống lại Hồi giáo cực đoan”. Hôm qua, trước Quốc hội, Thủ tướng Pháp trong diễn văn tưởng niệm các nhân nhân của vụ khủng bố đã thông báo một loạt các biện pháp mới chống khủng bố.

Bài diễn văn của ông Manuel Vals đã được toàn thể Quốc hội hoan hô nhiệt liệt, một sự nhất trí hiếm có ở chính trường Pháp. Về sự kiện này, xã luận của le Figaro gọi đó là “Sự đoàn kết thiêng liêng”, đồng thời hy vọng sự đồng tâm nhất trí hôm qua nghị trường sẽ còn kéo dài chứ không phải có một ngày hôm qua.

Người Hồi giáo ở Pháp đang ở trên đe dưới búa

Vẫn trong loạt bài liên quan đến vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Pháp. Le Figaro quan tâm đến tình trạng của người Hồi giáo tại pháp vào thời điểm này. Tờ báo ghi nhận cộng đồng những người hồi giáo Pháp đang sống trong lo âu thực sự sau những gì vừa xảy ra.

Mặc dù các tổ chức, cơ sở trong cả nước của người Hồi giáo đã lên tiếng và có nhiều động thái chia xẻ thông cảm chung trước tai họa vừa đổ xuống nước Pháp, nhưng giới trẻ theo Hồi giáo, nhất là ở các khu ngoại ô tỏ ra bất tuân không đồng tình.

Theo Le Figaro : Tại Pháp, cộng đồng Hồi giáo và các giới chức sắc đang như bị kẹp trên đe dưới búa. Một mặt, họ đang phải chịu sức ép ngày một lớn. Trong dư luận Hồi giáo liên tục bị chỉ mặt nêu tên. Trên thực tế thì hơn năm chục nhà thờ Hồi giáo những ngày qua đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công phá phách, bôi nhọ …

Trong khi đó bên trong cộng đồng của mình các chức sắc Hồi giáo đang phải vất vả thuyết phục giới trẻ trong cộng đồng phải giữ bình tĩnh, không manh động trả thù. Trong khi đó bộ Nội vụ cũng lên kế hoạch bảo vệ tất cả các cơ sở tôn giáo trong cả nước.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt