Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng-Hạm trưởng USS Lassen

Trong mùa lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ, người dân Mỹ nên cám ơn người Việt Nam đến định cư đã mang theo những hạt giống tinh anh cho Hiệp Chủng Quốc và người Việt cũng cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã cho đến đây tìm tự do và cơ hội…Dưới đây là những gì mà người định cư Việt Nam đã đóng góp vào xứ sở siêu cường này…Những người này nếu còn ở Việt Nam dưới chế độ phân biệt lý lịch của Việt Cộng không biết giờ này thân phận ra sao?!

HẢI QUÂN TRUNG TÁ LÊ BÁ HÙNG USN, HẠM TRƯỞNG

KHU TRỤC HẠM USS LASSEN

Nguyễn Mạnh Trí & Trần Đỗ Cẩm

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hàng triệu nguời Việt đã phải rời quê cha đất tổ tỵ nạn Cộng Sản, sống rải rác tại hầu hết các quốc gia tự do trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt sinh sống lên tới gần hai triệu người, trong số này có rất nhiều cựu quân nhân cũng như công chức Việt Nam Cộng Hòa. Thế hệ di dân đầu tiên này đã tích cực tham gia và khá thành công trong việc hội nhập vào xã hội mới. Tới nay, sau trên 30 năm định cư, người Việt tỵ nạn đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển và phồn thịnh của những quê hương thứ hai của mình.

DNA
Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh

Đặc biệt tại Hoa Kỳ, những đóng góp của người Việt tỵ nạn đã được thể hiện rõ ràng trong mọi lãnh vực quan trọng như kinh tế, chính trị, khoa học, xã hội, y tế, tài chánh v.v… Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ của bom áp nhiệt, kỹ sư Đoàn Chính Trung, hiện là một trong những phó chủ tịch của Micron Corporation ở thành phố Boise thuộc tiểu bang Idaho, đã được cấp tới 132 bằng sáng chế. Tại trường danh tiếng thế giới Massachusetts Institute of Technology mà mọi người thường biết đến qua cái tên đọc ngắn gọn là MIT, anh Nguyễn Tuệ đã đạt được một kỷ lục phi thường: Đậu 5 bằng cử nhân, từ Vật Lý và Toán Học cho tới Kỹ Thuật Điện Tử, để rồi sau cùng lấy thêm bằng cao học và bằng tiến sĩ về Kỹ Thuật Nguyên Tử Lực. Như thế, anh Tuệ đã đoạt được bẩy văn bằng trong vòng bẩy năm tại một trong những đại học kỹ thuật nổi tiếng vào hạng nhất nước Mỹ. Ngoài ra, theo một ước lượng hết sức dè dặt, hiện nay ở Hoa Kỳ có vào khoảng 4,200 bác sĩ gốc Việt đang hành nghề. Như vậy, cứ trong một ngàn người chúng ta lại có 4 bác sĩ. Đa số các gia đình nguời Mỹ gốc Việt đều có con em tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư, là những nghề nghiệp được coi là cao qúi tại Hoa Kỳ.

Riêng về địa hạt quân sự, những thành quả lại càng nổi bật, có lẽ vì một số con cháu người Việt tỵ nạn là hậu duệ của các cựu quân nhân QLVNCH. Tiếp nối ý chí và binh nghiệp của cha anh đã bất thần bị gián đoạn, thế hệ thứ hai này đã gia nhập mọi quân binh chủng thuộc quân lực Hoa Kỳ trong và đạt được nhiều thành quả rỡ ràng.

Trước đây, một thanh niên gốc Việt đã được Tổng Thống Hoa Kỳ W. J. Clinton nhắc đến trong một bài diễn văn quan trọng như một gương thành công đặc sắc của người Việt ở Mỹ. Đó là anh Trần Như Hoàng, tốt nghiệp thủ khoa từ trường Sĩ Quan Không Quân Hoa Kỳ ở Colorado Springs. Sau này, anh Hoàng lại được học bổng Rhodes – một học bổng rất danh tiếng – để đi tu nghiệp ở Anh Quốc trước khi trở về theo học và tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại đại học Harvard. Hiện nay, anh Hoàng là bác sĩ phục vụ trong quân chủng không quân Mỹ, chuyên về giải phẫu vi ti, làm việc tại thành phố San Antonio, tiểu bang Texas. Chị Hoàng cũng là bác sĩ.

Vào năm 1999, những ai theo dõi trên truyền hình về lễ mãn khóa tại Trường Sĩ Quan Hải

EPham
Nữ Phi Công đầu tiên của 

Hoa Kỳ lái chiến đấu cơ F18

Quân Hoa Kỳ ở Annapolis đều đã thấy một thiếu nữ Việt Nam là cô Nguyễn Thị Cẩm Vân. Năm đó, cô Vân tốt nghiệp Á Khoa trong một lớp có tới 737 sinh viên sĩ quan gồm cả nam lẫn nữ. Cách đây không lâu, chúng ta đã được nghe nói tới nữ Đại Úy phi công Elizabeth Phạm của Binh Chủng TQLC Hoa Kỳ, là người phụ nữ Việt Nam và cũng người phụ nữ Á Châu đầu tiên, trong lịch sử Không Quân Hoa Kỳ đã là phi công của một oanh tạc cơ chiến đấu tối tân F-18 Hornet. Đại Úy Elizabeth Phạm là nữ phi công thuộc loại cừ khôi, phục vụ trong Phi Đoàn 242 xuất sắc nhất của TQLC Hoa Kỳ (Marine All Weather Attack Fighter Squadron 242). Ðây là những phi công thượng thặng có thể yểm trợ cận phòng rất chính xác, đôi khi chỉ cách quân bạn vài trăm thước. Năm 2005 cô đã đeo lon Đại Úy, bây giờ chắc cấp bậc và chức vụ đã cao hơn nếu còn trong quân đội.

LV
Đại Tá Lương Xuân Việt  

Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù Hoa Kỳ

Bên binh chủng nhảy dù, cũng có Đại Tá Lương Xuân Việt đã nhận chức Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 thuộc Sư Đoàn 82 Dù vào ngày 5 tháng 2 năm 2009 vừa qua. Trước đó khi còn đeo lon Trung Tá, ông là Tiểu Đoàn Truởng Tiểu Đoàn 2 Dù cũng thuộc Sư Đoàn 82. Thân phụ của Đại Tá Việt là Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Lương Xuân Đương, từng phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Gia đinh Thiếu Tá Đương rời Việt Nam năm 1975 và định cư tại Hoa Kỳ. Đại Tá Việt cùng vợ và ba con hiện nay ở hậu cứ Fort Campbell, tiểu bang Kentucky.

 

Gần đây nhất, chúng ta lại nhận được tin mừng, đó là Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng vừa được bổ nhiệm vào chức vụ Hạm Truởng Khu Trục Hạm USS Lassen (DDG 82) của Hải Quân Hoa Kỳ. Lễ bàn giao đã đuợc cử hành vào ngày 23 tháng 4, 2009 tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Yokosuka, Nhật Bản. Việc bổ nhiệm này là một diễn biến khá quan trọng trong quân sử Hoa Kỳ vì đây là lần đầu tiên, một sĩ quan Hải Quân nguời Mỹ gốc Việt được làm Hạm Truởng một chiến hạm tối tân trong lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, do đó chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian để nói về việc bổ nhiệm hạm trưởng có tầm vóc lịch sử này.

LBH
Trung Tá Hạm Trưởng Khu Trục Hạm USS Lassen- Lê Bá Hùng

Ai cũng biết hiện nay Hải Quân Hoa Kỳ được xem như là mạnh nhất trên thế giới với nhiều chiến hạm tối tân hàng đầu có mặt trên khắp các đại dương cũng như tại các phần đất xa xôi hẻo lánh trên thế giới. Giống như các “đế quốc” Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh Quốc truớc đây, chính nhờ lực luợng hải quân này mà Hoa Kỳ có thể giữ vững ngôi vị cường quốc hạng nhất, bảo vệ quyền lợi cũng như nhanh chóng can thiệp tại bất cứ điểm nóng nào trên thế giới. Ngoài những chiến hạm và phi cơ tối tân, Hải Quân Hoa Kỳ còn có những sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên nhiều kinh nghiệm, được huấn luyện tinh nhuệ.

Riêng trong lãnh vực tuyển lựa cấp chỉ huy, chỉ có một số rất nhỏ sĩ quan đuợc chọn và đặc biệt huấn luyện để trở thành hạm truởng, nhất là trên các chiến hạm chủ lực như Hàng Không Mẫu Hạm, Tuần Dương Hạm, Khu Trục Hạm hay Tiềm Thủy Đỉnh nguyên tử. Theo truyền thống hải quân, vị hạm trưởng được coi là có uy quyền tối thượng như một vị lãnh chúa trên chiến hạm chỉ đứng sau Thượng Đế, do đó huy hiệu hạm truởng có ghi hàng chữ La Tinh “Magister Post Deum” (Chúa tể chỉ sau Thượng Đế). Do đó, chỉ những sĩ quan xuất sắc nhất mới được đề nghị làm hạm trưởng. Cũng theo luật hàng hải quốc tế, một chiến hạm mang cờ hiệu của quốc gia nào được coi như lãnh thổ của quốc gia đó khi hải hành cũng như khi cập bến tại các hải cảng ngoại quốc, và vị đại diện của lãnh thổ nối dài đó chính là Hạm Trưởng. Vì vậy, trong thời đệ nhị thế chiến, khi Nhật Bản buộc phải ký văn kiện đầu hàng chấm dứt chiến tranh tại Thái Bình Dương, họ phải ký trên Thiết Giáp Hạm Missouri của Hoa Kỳ bỏ neo tại vịnh Tokyo.

Vì chức vụ hạm trưởng quan trọng và quyền hành rộng lớn như vậy nên giấc mơ của bất cứ sĩ quan hải quân nào cũng là được nhận quyền chỉ huy của một chiến hạm chủ lực. Đặc biệt theo truyền thống hải quân Hoa Kỳ, chức vụ Hạm Trưởng là chỉ hiệu cho biết con đường binh nghiệp đang thênh thang phía truớc và nếu không phạm lỗi lầm nào nghiêm trọng sẽ có nhiều triển vọng lên tới hàng đô đốc trong tương lai,

uss
Tháng 9/2009 Hạm Trưởng Lê Bá Hùng chỉ huy Khu Trục Hạm USS Lasser
ghé thăm cảng Đà Nẵng

Sau đây chúng tôi sẽ tường thuật sơ luợc về buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy khu trục hạm USS Lassen (DDG 82), rồi sẽ trình bày tiểu sử của tân hạm trưởng HQ Trung Tá Lê Bá Hùng, giới thiệu sơ lược về thân phụ của ông là một cựu sĩ quan HQ/QLVNCH cùng truyền thống gia đình và sau hết sẽ nói qua về chiến hạm USS Lassen.

Theo tài liệu chính thức của Hải Quân Hoa Kỳ, tân hạm truởng Lê Bá Hùng đã nhậm chức vào ngày 23 tháng 4, 2009 trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức tại quân cảng Yokosuka, Nhật Bản. Lễ bàn giao đã được diễn ra trọng thể giữa cựu Hạm Trưởng là HQ Trung Tá Anthony Simmons và tân Hạm Trưởng HQ Trung Tá Lê Bá Hùng dưới sự chủ tọa của Phó Đề Đốc Kevin Donegan, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm 70/75 (Task Force hay TF 70/75) kiêm Tư Lệnh Chiến Đoàn Mẫu Hạm 5 và kiêm Tư Lệnh Lực Lượng Tác Chiến Đệ Thất Hạm Đội (Battle Force Seventh Fleet). Chiến hạm Lassen là một thành phần của Phân Đoàn Khu Trục Hạm 15 (Desron 15) thuộc Lực Lượng Tác Chiến Tiền Phương Hải Quân Hoa Kỳ đồn trú tại căn cứ Hải Quân Yokosuka. Các chiến hạm thuộc Hạm Đội 7 Hoa Kỳ có nhiệm vụ tuần tiễu và bảo vệ an ninh khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông là một điểm nóng đang có sự tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Đông Nam Á, nhất là với Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy chiến hạm của Trung Tá Hùng có thể sẽ được gửi tới hoạt động tại vùng biển Việt Nam, nơi thân phụ ông đã khởi đầu hải nghiệp cách đây gần nửa thế kỷ.

Bài diễn văn nhậm chức của tân hạm trưởng ngắn và gọn, trong đó ông tỏ lòng tri ân Hải Quân Hoa Kỳ đã tạo cơ hội thuận lợi để một sĩ quan gốc Á Châu như ông có cơ hội thăng tiến, và đặc biệt cám ơn thân phụ là cựu Trung Tá HQ/QLVNCH Lê Bá Thông mà ông luôn luôn kính trọng như một vị anh hùng.

Cơ quan truyền thông nổi tiếng Asahi Shimbun của Nhật cũng có bài viết đặc biệt, trong đó ca ngợi tân hạm trưởng Lê Bá Hùng là nguời Mỹ gốc Việt đầu tiên đảm nhận chức vụ hạm trưởng một chiến hạm lớn của Hoa Kỳ. Tờ báo Nhật cũng cho biết Trung Tá Hùng tuyên bố ông rất hâm mộ văn hóa Nhật và được làm hạm trưởng môt chiến hạm đặt căn cứ tại Yokosuka là “giấc mơ số 1” của ông. Nhân dịp này, cơ quan truyền thông Nhật cũng dành nhiều cảm tình và tỏ ý thán phục về những thành công vuợt bực của người Việt tỵ nạn Cộng Sản đã phải bỏ nước ra đi. Về tiểu sử, được biết HQ Trung Tá Lê Bá Hùng sinh ra tại thành phố Huế, Việt Nam, trong một gia đình nề nếp và lớn lên tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Năm 1988, ông tốt nghiệp Thủ Khoa (Valedictorian) tại trường trung học Gar-Field High School tại Woodbridge, được tuyển chọn và tình nguyện theo học ở US Naval Academy ở Annapolis, Maryland và tốt nghiệp ưu hạng năm 1992 với văn bằng Cử Nhân về Kinh Tế.

Nhiệm sở biển đầu tiên của ông là phục vụ trên Tuần Dương Hạm USS Ticonderoga (CG 47) ở Norfolk, VA với chức vụ Auxiliaries Officer and First Lieutenant từ tháng 2, 1993 cho đến tháng 4, 1996. Ông được thăng cấp Trung Úy vào tháng 5, 1994. Trong nhiệm kỳ này, chiến hạm được ân thuởng Battle Efficiency Award đầu tiên và tăng phái cho hạm đội Ðịa Trung Hải. Sau đó, ông giữ chức Fire Control Officer trên USS WASP (LHD 1) ở Norfolk, Virginia từ tháng 4, 1996 cho đến tháng 12, 1997. Ông được thăng cấp Ðại Úy vào tháng 6, 1996. Trong thời gian này, Ðại Úy Hùng được chứng nhận đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ Tactical Action Officer.

Tháng 12, 1999, ông tốt nghiệp ưu hạng trường Naval Post Graduate School với bằng Cao Học Khoa Học về Operations Research. Vào tháng 6, 2000, ông tốt nghiệp Non Resident Seminar Program tại trường Naval War College. Sau đó, ông được chỉ định phục vụ trên chiến hạm USS HUE CITY (CG 66) trong chức vụ Weapons Officer. Tuần Dương Hạm HUE CITY (CG-66) thuộc loại Ticonderoga class, được mang tên HUE CITY để kỷ niệm trận đánh Tết Mậu Thân 1968 ở Huế trong đó có sự tham dự của 1 Trung Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (gồm có Tiểu Đoàn 1/Trung Đoàn 1, Tiểu Đoàn 1/Trung Đoàn 5, Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 5 và các đơn vị phụ thuộc). Đây là chiến hạm độc nhất của Hoa Kỳ mang tên một thành phố Việt Nam. Thật là một sự trùng hợp lý thú khi một sĩ quan nguời Mỹ gốc Việt phục vụ trên một chiến hạm Hoa Kỳ mang tên một thành phố Việt Nam. Tháng 5 năm 2001, Ðại Úy Hùng được chỉ định làm Combat Systems Officer và được thăng cấp Thiếu Tá vào tháng 7, 2002. Trong thời gian này, chiến hạm được trao tặng 3 Battle Efficiency Awards và đuợc chỉ định họat động tại The Horn of Africa, Northern Arabian Sea và Arabian Gulf, yễm trợ cuộc hành quân Operation Enduring Freedom.

Từ tháng 9, 2003 cho đến tháng 10, 2004, ông phục vụ tại phân bộ Requirements, Policy, and Experimentation của Ðệ Nhị Hạm Ðội Hoa Kỳ. Ðầu năm 2005, ông tốt nghiệp ưu hạng tại Touro University International với bằng Cao Học về Business Administration in Military Management.

Sau đó ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Hạm Phó Khu Trục Hạm USS CURTIS WILBUR (DDG 54) tại Yokosuka, Nhật Bản từ tháng 3, 2005 cho đến tháng 12, 2006.

Ông được tưởng thưởng các huy chương: The Defense Meritorious Service Medal, the Meritorious Service Medal, the Navy/Marine Corps Commendation Medal (4 awards), and the Navy/Marine Corp Achievement Medal (2 awards). Trong các cuộc phỏng vấn, Trung Tá Hùng đã cho biết sự thành công và những buớc tiến dài trong cuộc đời binh nghiệp của ông là nhờ gia đinh và những thủy thủ, những nguời đã dẫn dắt ông đi suốt con đường binh nghiệp. Ông cảm ơn gia đình ông, đã cho tình thương và sự hỗ trợ. Ông cũng cảm ơn tất cả những người lãnh đạo và thủy thủ mà ông đã làm việc suốt 17 năm qua, không có họ ông sẽ không có được ngày hôm nay. Đặc biệt, tân hạm truởng còn trang trọng nhấn mạnh đến truyền thống gia đinh Việt Nam và nhất là thân phụ của ông là cựu HQ Trung Tá Lê Bá Thông, một cấp chỉ huy xuất sắc được rất nhiều người mến mộ trong Hải Quân VNCH trước đây. Ông cũng cho biết cung cách và tinh thần trách nhiệm của cha ông đối với quân đội cũng như gia đinh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định gia nhập Hải Quân của ông. Trung Tá Hùng đã đề cao thân phụ mà hải nghiệp đột ngột bị chấm dứt, là “nguời hùng” của mình; vì vậy ông đã quyết định theo bước chân của cha. Trung Tá Hùng còn cho biết: ”Lòng yêu nước của tôi đối với quốc gia đã niềm nở tiếp đón tôi và gia đinh tôi, cũng đã ảnh huởng đến quyết định gia nhập vào Hải Quân của tôi”. Ông muốn đền trả và phục vụ cho xứ sở này. “Chúng tôi mang ơn, một món nợ ơn nghĩa lớn đối với Hoa Kỳ”. Như vậy, tân hạm trưởng đã tỏ ra là người có tình có nghĩa, và chắc hẳn những ngày thơ ấu theo cha sống trong các doanh trại sơ sài của Hải Quân VNCH tại vùng giới tuyến đã ảnh hưởng không ít đến binh nghiệp của ông sau này. Vậy thân phụ ông, cựu HQ Trung Tá Lê Bá Thông là người như thế nào mà được tân hạm trưởng một chiến hạm thuộc loại tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ sùng kính và đề cao như vậy?

Chúng tôi có chút may mắn đuợc biết Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông tại truờng Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang vào khoảng đầu thập niên 60, khi anh đang theo học khóa 10 SQHQ Nha Trang, và là Liên Đại Đội Trưởng hai Đại Đội Sinh Viên Sĩ Quan khóa 10 và 11 Sĩ Quan Hải Quân. Dù mới chỉ gặp mặt lần đầu, ai cũng công nhận anh là một sĩ quan hải quân lý tưởng. Cao lớn, đẹp trai, thông minh, anh tốt nghiệp Thủ Khoa khóa 10 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang rất xứng đáng. Trong buổi lễ ra trường, anh được đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm trao kiếm chỉ huy với sự chứng kiến của Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân lúc bấy giờ.

Khi ra truờng, sau một thời gian phục vụ trên các chiến hạm, với tư cách sĩ quan thủ khoa, tuy có thể thuyên chuyển về những đơn vị bờ tương đối an toàn, nhưng anh lại tình nguyện gia nhập những đơn vị tác chiến nguy hiểm nhất, và anh đã lập được nhiều chiến công quan trọng. Sau đây là phần sơ luợc về tiểu sử của anh.

Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông theo học khóa 10 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, tốt nghiệp năm 1962, sau đó được gửi sang Hoa Kỳ nhận lãnh Hải Vận Hạm Hậu Giang HQ 406 tại Seattle vào năm 1963. Về nuớc, ông tiếp tục hải nghiệp, đảm nhiệm chức vụ Hạm Phó Trục Lôi Hạm HQ 116 vào năm 1964 tức là chỉ hai năm sau ngày ra truờng. Đây là một thành quả ít sĩ quan hải quân nào có thể đạt được. Tới năm 1965, ông từ bỏ sự an toàn của tàu đi biển, tình nguyện gia nhập Lực Lượng Hải Tuần thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu. Đây là đơn vị đặc biệt của Hải Quân chuyên đảm trách những công tác mật phía Bắc vĩ tuyến 17. Tại đây, ông được bổ nhiệm làm hạm truởng PTF 6 là loại khinh tốc đỉnh tối tân nhất vào thời bấy giờ.

Ông tiếp tục phục vụ tại Sở Phòng Vệ Duyên Hải cho tới năm 1969 thì được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng chiến dịch “Hổ Biển” hoạt động tại vùng cửa Đại, sông Thu Bồn, Hội An, với nhiệm vụ hết sức nặng nề và nguy hiểm vì phải dùng những giang đinh nhõ khai thông nhiều thủy lộ do địch kiểm soát. Năm 1970, ông làm Chỉ Huy Truởng Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng. Năm 1972, ông đuợc cử làm Quân Sự Vụ Phó Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một chức vụ đặc biệt rất quan trọng trong việc đào tạo những sĩ quan chỉ huy đa năng, đa hiệu cho quân đội cũng như cấp lănh đạo trong tương lai. Là một sĩ quan Hải Quân mà được tuyển chọn giữ chức vụ quân sự vụ phó trong một trường Lục Quân nổi tiếng như trường Võ Bị Đà Lạt, ông đã chứng tỏ được tài ba và khả năng đặc biệt của mình. Sau đó ông lần lượt đảm nhiệm nhều chức vụ then chốt như Tham Mưu Phó Hành Quân Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biển tại Cam Ranh, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 32 Xung Phong tại Huế, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm 231.1 tại cửa Thuận An. Ông đã chiến đấu cho tới giờ phút chót tại đơn vị sau cùng là Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận Nhà Bè. Ông di tản cùng gia đình sang Hoa Kỳ vào năm 1975.

Đọc qua tiểu sử và cuộc đời binh nghiệp của cựu Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông, ta thấy ông là một sĩ quan xuất sắc, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tham mưu cũng như tác chiến quan trọng. Cậu bé Lê Bá Hùng xưa kia khi còn ở Việt Nam, chắc chắn cũng đã hấp thụ đuợc nhiều tinh anh của nguời cha, nên bây giờ mới trở thành môt hạm trưởng trẻ tuổi với tương lai sáng lạn trong Hải Quân Hoa Kỳ. Hai thế hệ, một tâm tình, cùng chung giấc mơ hồ hải! Thành thật chúc mừng “Hổ Biển” Lê Bá Thông đã có hậu duệ Lê Bá Hùng nối đuợc chí cha.

Trở về với chiến hạm USS Lassen, tuởng cũng nên biết, Hải Quân Hoa Kỳ có thông lệ dùng tên những vị anh hùng để đặt tên cho các khu trục hạm. DDG 82 được mang tên Lassen để vinh danh một anh hùng hải quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 19 tháng 6 năm 1968, Ðại Úy Lassen, lúc mới 27 tuổi, được lệnh chỉ huy chiếc trực thăng UH-2 Sea Sprite cứu cấp 2 phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi sâu trong rừng rậm Bắc Việt. Khi đến địa điểm 2 phi công ẩn nấp, Ðại Úy Lassen đã cố gắng xác định địa điểm vớt nhiều lần không thành công vì rừng rậm, hỏa lực của địch cũng như dấu hiệu không rỏ ràng của bạn. Cuối cùng, Ðại Úy Lassen quyết định mở đèn chiếu sáng duới thân phi cơ cho các phi công lâm nạn nhận dạng bất chấp nguy hiểm để lộ mục tiêu cho địch. Sau khi vớt được 2 phi công và nhiên liệu gần cạn, Ðại Úy Lassen vận chuyển phi cơ tránh đạn phòng không của địch và đáp xuống chiến hạm an toàn với nhiên liệu chỉ còn trong 5 phút. Một cuộc hành quân tìm kiếm và cứu cấp thông thuờng đã trở thành một huyền thoại về sự can đảm. Cuộc cứu cấp ngày 19 tháng 6 năm 1968 đã được mọi người thuộc Helicopter Combat Squadron Seven truyền tụng và được xem như là một trong những hành động dũng cảm nhất trong cuộc chiến Việt Nam. Ðại Úy Lassen là phi công đầu tiên và là người thứ 5 trong Hải Quân Hoa Kỳ được ân thuởng huy chương Medal of Honor.

DDG 82 là loại khu trục hạm lớn và có hỏa lực mạnh nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, thường được gọi là loại “Aegis”. Theo truyền thuyết Hy Lạp, Aegis là tên tấm khiên che ngực của thần Zeus và nữ thần Athena, vì vậy HQ Hoa Kỳ dùng tên “Aegis” để xếp hạng các chiến hạm chuyên dùng để hộ tống và phòng thủ các chiến hạm chủ lực như Hàng Không Mẫu Hạm. Thông thường, trong một Hải Chiến Đoàn Mẫu Hạm (Carrier Battle Group) bao giờ cũng có nhiều chiến hạm “Aegis” và tiềm thủy đỉnh để bảo vệ mẫu hạm chống lại các sự đe dọa tấn công có thể có của phi cơ địch từ trên không, chiến hạm địch trên mặt biển cũng như tàu ngầm của địch.

Tiện đây cũng nên nói qua về lịch sử của các khu trục hạm “Aegis” loại “Arleigh Burke”, tên của một vị Đô Đốc Hoa Kỳ chỉ huy hải đoàn Khu Trục Hạm rất nổi tiếng trong thời đệ nhị thế chiến tại Thái Bình Dương. Chiến hạm đầu tiên trong loại là DDG 51 mang tên Arleigh Burke bắt đầu được xử dụng từ năm 1991, chiếc mới nhất gia nhập hạm đội vào tháng 6 năm 2008 là USS Sterett (DDG 104). Hiện nay còn nhiều chiến hạm cùng loại đã hạ thủy nhưng còn đang trang bị vũ khí hay chạy thử nên chưa chính thức hoạt động. Chiến hạm được đề cập nhiều nhất trong loại này có lẽ là USS Cole (DDG 67) bị đặt chất nổ khi cập bến nhận tiếp tế tại Yemen vào tháng 4 năm 2002.

Có thể nói các khu trục hạm loại Arleigh Burke hiện là lực lượng chính trong việc phòng thủ và bảo vệ hạm đội khi tác chiến vì được trang bị với hệ thống radar đặc biệt, có khả năng phát hiện, theo dõi và bắn hạ nhiều mục tiêu khác nhau cùng một lúc. Chiến hạm được chế tạo hoàn toàn bằng thép, thay vì nhôm để làm giảm trọng tải. Khu trục hạm này trị giá $800 triệu mỹ kim. Tiền phí tổn hoạt động hàng năm lên tới 20 triệu mỹ kim.

Sau đây là môt số chi tiết liên quan đến khu trục hạm Lassen. Chiến hạm này do hãng Ingalls Shipbuilding chế tạo, khởi công ngày 6 tháng giêng năm 1995, hạ thủy ngày 24 tháng 8 năm 1998, hoàn tất ngày 16 Tháng 10 năm 1999, hoạt động ngày 21 tháng Tư, 2001, đồn trú tại căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ Yokosuka, Nhật Bản. Thủy thủ đoàn gồm có 23 sĩ quan và 300 thủy thủ. Chiến hạm có trọng tải 9,200 tấn, chiều dài 509 ft 6 in (155.3 m), chiều rộng 66 ft (20 m), chiều sâu 31 ft (9.4 m). Máy chính gồm 4 máy General Electric loại LM2500-30 gas turbines, 2 chân vịt, tổng cộng 100,000 mã lực, tốc độ lên tới 30+ gút (55+ km/h). Chiến hạm cần có tốc độ nhanh để hộ tống các mẫu hạm nguyên tử có vận tốc trên 30 gút. Về hỏa lực, chiến hạm được trang bị rất mạnh gồm các hỏa tiễn hải đối không RIM-66 Standard để bắn hạ phi cơ và hỏa tiễn địch, hỏa tiễn hải đối hải Harpoon để bắn tầu địch và hỏa tiễn ASROC chống tấu ngầm. Ngoài ra còn có hỏa tiển hành trình (cruise missile) Tomahawk để đánh chính xác vào các mục tiêu trên đất liền. Đặc biệt các giàn hỏa tiễn đều thuộc loại phóng thẳng (vertical launch) dấu kín trong lòng tầu, không để trong các ống phóng nằm xéo trên thân tầu. Về hải pháo, chiến hạm có 1 khẩu đại bác 127 ly, 2 khẩu đại bác 25 ly và 4 khẩu đại liên 12 ly 7, 2 giàn phóng ngư lôi MK-32 và 2 phi cơ trực thăng loại SH-60 Sea Hawk. Đặc biệt chiến hạm còn được trang bị 2 giàn vũ khí Phalanx “Yểm Trợ Cận Phòng” (Close In Weapons System, viết tắt là CIWS) để tự vệ. Loại vũ khí này chuyên dùng để bắn hạ những hỏa tiễn do chiến hạm hay máy bay địch bắn, đã xâm nhập được những hàng rào phòng thủ bên ngoài của hạm đội, đang bay đến gần chiến hạm. Khi phát hiện hỏa tiễn địch tới gần, giàn Phalanx sẽ tự động điều khiển giàn súng đại bác 20 ly 6 nòng, theo dõi và nhắm vào mục tiêu, bắn ra khoảng 4,000 viên đạn một phút để tạo một hàng rào thép chận đường bay, tiêu hủy hỏa tiễn địch truớc khi bắn trúng chiến hạm.

Một đặc điểm khác là giàn radar phòng không AN/SPY-1D xử dụng kỹ thuật mới “phased array”. Các radar xài antenne loại cũ quay một vòng 360 độ nên chỉ nhìn thấy mục tiêu 1 lần trong mỗi vòng quay, khi tia radar đụng vào mục tiêu và dội lại, do đó cần phải có một radar thứ nhì nhắm thẳng lúc nào cũng nhìn thấy mục tiêu để kịp thời hướng dẫn hỏa tiễn của mình lúc nào cũng bám sát mỗi khi mục tiêu thay đổi đường bay hầu dễ dàng bắn hạ. Kỹ thuật mới “phased array” dùng 4 radar cố định hướng về 4 phía do computer điều khiển nên lúc nào cũng đồng bộ và “bám” được mục tiêu. Do đó chúng ta thấy trên các chiến hạm mới không còn những giàn radar với antenne khổng lồ quay tròn trên đỉnh cột buồm mà thay vào đó bằng radar loại mới được “giấu” bên trong đài chỉ huy với 4 mặt antenne quay về 4 phía. Lợi điểm của loại radar “phased array” là có thể phát hiện, theo dõi cũng như huớng dẫn hỏa tiễn nhắm vào nhiều mục tiêu cùng một lúc. Phối hợp với hệ thống tự động phóng các hỏa tiễn do computer điều khiển, các mục tiêu sẽ bị tiêu diệt dễ dàng. Trong thời gian gần đây, một số khu trục hạm loại “Aegis” đã bắt đầu được thử nghiệm để trang bị hỏa tiển chống tên lửa liên lục địa cũng như hỏa tiển phá vệ tinh của địch.

Chúng ta thấy hiện nay tại Biển Đông, việc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng trầm trọng. Truớc áp lực nặng nề của người láng giềng khổng lồ phương Bắc, chắc chắn Cộng Sản Việt Nam sẽ phải tìm lối thoát bằng cách dựa lưng vào một thế lực thứ ba để làm điểm tựa sống còn. Nhìn vào thế chiến lược toàn cầu hiện nay, chỉ có Nga Sô và Hoa Kỳ mới có thể làm Trung Quốc kiêng nể. Nga Sô hiện chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề kinh tế nội bộ, quan hệ với Việt Nam chỉ giới hạn trong lãnh vực thương mãi và mua bán vũ khí. Còn lại chỉ có Hoa Kỳ mới có thể làm giảm giấc mộng bá quyền của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Vì quyền lợi chiến lược, Hoa Kỳ phải duy trì sự hiện diện của mình trên biển Ðông. Biết đâu trong thời điểm nào đó, khu trục hạm Lassen do Trung Tá Hùng chỉ huy sẽ là một thành phần trong lực lượng bảo vệ hòa bình cho vùng Ðông Nam Á

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt