Gió không lặng đâu! (The Economist:“The wind that will not subside”)

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Đông đối với các nước Á Châu và đặc biệt là Trung Quốc.

Trong ngày 20 tháng 2, Associated Press đã loan tin rằng những cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc đã bắt giam một số người bất đồng chính kiến, gia tăng số cảnh sát viên trên đường phố, ngưng dịch vụ nhắn tin dưới hình thức văn bản (text message) qua hệ thống điện thoại di động, gia tăng kiểm soát Internet, ngăn chặn thông tin về các cuộc nổi dậy ở Trung Đông. Cùng trong ngày, Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Sản Trung Hoa Hồ Cẩm Đào ra lệnh cho những viên chức địa phương giải quyết những vấn đề “nổi cộm” của dân chúng làm hại cho sự hoà hợp và ổn định trong xã hội. 

Những lãnh tụ độc tài ở Á Châu lo ngại

Những chế độ độc tài tại Tunisia và Ai Cập bị lật đổ nhanh chóng bởi những cuộc biểu tình của dân chúng đã làm cho những lãnh tụ độc tài ở khắp mọi nơi lo sợ. Tại Á Châu, những lãnh tụ này đã theo rõi làn sóng khát vọng dân chủ lan tràn khắp vùng Trung Đông và tự hỏi làn sóng này sẽ đi xa đến đâu. Ngay tại Trung Quốc, mặc dù bên ngoài làm ra vẻ tự tin vào đường lối đúng đắn đã chọn lựa, chánh quyền tỏ ra thận trọng về biến cố tại Cairo [thủ đô Ai Cập] vì nó có thể làm sống lại những ký ức cũ và về những hi vọng mà chánh quyền có thể lặp lại.

Những chế độ chuyên quyền tuyệt đối như Miến Điện và Bắc Hàn có thể cảm thấy trơ đối với sức mạnh của dân bởi vì những chế độ này có thể dựa vào sự cô lập và sự đàn áp tàn bạo tuyệt đối. Trong những chế độ độc tài ở Trung Á, gần gũi với Trung Đông hơn về địa lý, văn hóa và tôn giáo, tiếng vang của những cuộc cách mạng mới đây có thể lớn hơn. Nhưng phần đông người ta nghĩ đến những điểm của Trung Quốc tương tự với những biến cố vừa qua.

Ký ức Thiên An Môn

Những điểm tương tự này có những hậu quả to lớn trên thế giới không phải chỉ vì vai trò của Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn, nhưng sự lớn mạnh của Trung Quốc đã đưa đến một điều gọi là “sự đồng thuận Bắc Kinh” (Beijing consensus), theo đó sự phát triển kinh tế nhanh chóng đáng kể hơn là tự do. Vào năm 1989, sau cuộc tàn sát tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu thay phiên nhau sụp đổ, Trung Quốc là một quốc gia đứng ngoài lề, chống lại khuynh hướng lịch sử mà một ngày nào đó nó cũng sẽ bắt kịp. Sự thành công sau đó của Trung Quốc đã làm giảm bớt niềm tin rằng khuynh hướng tự do dân chủ chắc chắn sẽ xẩy ra, và khuynh hướng này trở nên kém ước ao đối với một số người. Ngay cả những nhà bình luận Tây Phương đã phải thừa nhận rằng hệ thống của Trung Quốc đã đạt được những điều hứa hẹn.

Viên chức Trung Quốc nói rằng nước họ không thích hợp với chế độ dân chủ Tây Phương. Một điều họ không đề cập đến là chính cơ cấu của Đảng Cộng Sản có nguồn gốc Nga (Tây Phương). Ngoài ra họ còn che giấu một yếu tố quan trọng của Phương Tây không hiện hữu ở Trung Quốc, là khả năng loại bỏ một chính quyền không được dân chúng ưa thích mà không cần phải có một cuộc cách mạng. Đây là lý do tại sao mà những cuộc cách mạng ở những nơi khác lại gây sự chú ý mạnh mẽ.

Ký ức về những cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn là một lý do khiến cho những viên chức kiểm duyệt của Trung Quốc làm việc cần cù để giới hạn việc bàn cãi đến tình trạng bất ổn tại Ai Cập. Kịch bản rất quen thuộc đối với những ai có mặt tại Bắc Kinh vào năm 1989: Những cuộc biểu tình lớn lao, không khí đoàn kết của quần chúng và lòng yêu nước vùng dậy, đông đảo dân chúng tập hợp tại quảng trường chính của thủ đô, những khẩu hiệu chống tham nhũng và độc tài, sự tin tưởng rằng quân đội về phe dân chúng và chống lại kẻ cầm quyền, ngay cả sự xuất hiện của những tên du côn ủng hộ chế độ. Tuy nhiên lần này câu chuyện có một kết thúc vui vẻ hoặc ít nhất tạo ra một cảm giác thắng lợi và lạc quan.
Báo chí Trung Quốc quả thực có đề cập đến biến cố làm sụp đổ của chính quyền Mubarak một cách rõ ràng. Một bài báo viết rằng “Ai Cập đã thắng một trận đánh, nhưng không phải là cả một cuộc chiến”. Tờ China Daily lập luận: “Bất cứ một thay đổi chính trị nào sẽ đều vô nghĩa … quốc gia sụp đổ cuối cùng sẽ làm mồi cho hỗn loạn”. Tuy nhiên có những kết luận khác. Mạng Caixin bình luận rằng “Chế độ chuyên quyền tạo ra xáo trộn; dân chủ xây dựng hoà bình” .

Những lãnh tụ độc tài Trung Quốc có ba lý do để nghĩ rằng họ có thể gạt bỏ sự so sánh với Tunisia và Ai Cập. Thứ nhất, Trung Quốc có ba thập niên phát triển kinh tế một cách tuyệt vời. Một cuộc điều nghiên do Pew Research Centre thực hiện vào năm vừa qua cho thấy rằng 87% dân Trung Quốc hài lòng với sự việc đã diễn tiến trong nước. Thứ hai, ngay cả nếu không hài lòng, dân chúng cũng không có một nhân vật nào để quy trách nhiệm: Trung Quốc là một chế độ độc tài độc đảng, không phải một cá nhân. Không có một bạo chúa nào cố bám vào quyền lực lâu dài. Vào năm 2002, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chuyển tiếp quyền hành một cách trật tự và cam kết một cuộc chuyển tiếp nữa vào năm 2012.

Thứ ba, bộ máy nội an rất lớn và hiệu lực và quân đội lệ thuộc vào Đảng Cộng Sản. Nhưng không ai biết lực lượng an ninh sẽ phản ứng ra sao nếu có lệnh đàn áp một cuộc nội dậy lớn nữa của quần chúng? Lực lượng này đã sẵn sàng bắn vào những người biểu tình để dẹp tắt cuộc nổi dậy của sắc dân Uighurs tại Urumqi, thuộc tỉnh Tân Cương (Xinjiang) vào năm 2009. Tuy nhiên ngay vào năm 1989, quân đội đã không chứng tỏ là hoàn toàn đáng tin cậy – Ít nhất có một sĩ quan cấp tướng đã không tuân lệnh đem quân tiến vào Bắc Kinh.

Một đảng cộng sản thật sự tự tin đã không dành quá nhiều cố gắng vào việc kiểm soát Internet để ngăn chặn người sử dụng so sánh tình trạng quốc nội với những biến cố ở nước ngoài. Họ luôn luôn chú ý đến những dấu vết có thể đưa tới bất ổn và có nhiều lý do để buồn phiền. Nạn lạm phát lên cao dữ dội vào cuối thập niên 1980 trước khi xẩy ra cuộc biểu tình Thiên An Môn, nay lại một lần nữa gia tăng. Những giai cấp trung lưu, thông thường là những động cơ thúc đẩy những thay đổi chính trị, đang phát triển rất nhanh. Nạn thất nghiệp của giới trẻ mới tốt nghiệp lên rất cao làm hao mòn niềm hi vọng của những người đáng lẽ phải lạc quan về tương lai của Trung Quốc. Hàng năm, người ta chứng kiến hàng chục ngàn cuộc biểu tình, trong nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề tịch thu đất đai bởi những viên chức địa phương hống hách.

Cây muốn lặng

Những cuộc vùng dậy mới đây của quần chúng tạo ra hai khó khăn cho những người bênh vực hệ tư tưởng của Trung Quốc. Thứ nhất, họ không thể đổ lỗi cho những kẻ thông thường bị tình nghi là thủ phạm, “những bàn tay lông lá” ngoại bang – điển hình là Hoa Kỳ. Trái lại những cuộc nổi loạn này một phần mang tính cách chống Mỹ. Như tại Phi Luật Tân vào năm 1986, Nam Hàn 1987, và Nam Dương 1998, những lãnh tụ độc tài được Mỹ nuông chiều bị lật đổ.

Thứ hai, những cuộc nổi dậy thiếu chủ đích tư tưởng và thiếu tổ chức chặt chẽ. Mật vụ của Trung Quốc rất giỏi trong việc bóp chết những phong trào chính trị vừa mới đâm trồi. Nhưng họ đã không thấy được sự bành trướng của tổ chức Pháp Luân Công (Falun Gong) thành một lực lượng chống chánh quyền trên toàn quốc. Mặc dù có bức tường lửa và những đội quân kiểm duyệt, lực lượng an ninh Trung Quốc gặp khó khăn trong việc kiểm soát những trang blog nhỏ, tin nhắn dưới hình thức văn bản (text message), hoặc những hệ thống thông tin đại chúng. Cố gắng ngăn chặn thông tin về Trung Đông chỉ thành công một phần. Đây là lý do tại sao họ cảm thấy tin tức gây ra rối loạn – bởi vì dân Trung Quốc không coi đó là ký ức của quá khứ đầy ác mộng, nhưng là viễn tượng của một tương lai đầy hi vọng.

The Economic 02/2011

Nguyễn Quốc Khải dịch

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt