Dòng Sông Chảy Về Phố Cũ

Nguyễn Thái Học – Lãnh tụ Việt nam Quốc Dân Đảng năm 1927-1930

Bài viết về anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học: “Dòng sông chảy về phố cũ” của Đặng Thị Thanh Hương một nhà văn trẻ ở trong nước:

Dòng sông chảy về phố cũ

Lũ trẻ reo hò, chạy đuổi nhau quanh đồi Cọ. Thằng Đẻn trèo lên một cây cọ to, vặt nguyên cả buồng quả cọ ném xuống. Con Mận khom lưng nhóm lửa, đặt cái nồi đất sứt mẻ lên ba hòn gạch. Nó vặt những quả cọ cho vào nồi. Lúc sau cả bọn xúm vào bên nồi cọ om béo ngậy. Rồi chúng lại đuổi nhau reo hò……… Những cuộc chơi như thế ngày nào cũng diễn ra với bọn trẻ xóm Thổ Tang. Thằng Đẻn bé nhất nhưng luôn là người bày trò. Thực dân Pháp chiếm đóng đến Thổ Tang, bọn trẻ con theo gia đình tản cư. Cuộc vui thế là tàn.

 

Buổi chia tay chỉ có con Mận và cu Đẻn. Thằng Đẻn ngồi trầm ngâm bên nồi cọ om còn nguyên vẹn, nó vụt nói: “Mận này, mai kia nhất định tao sẽ đi đánh bọn Tây, mày lại theo tao nhé!” – Nói rồi nó đứng phắt dậy, đập thật mạnh vào cây cọ. Lúc nó buông tay. Con Mận hốt hoảng nhìn thấy giọt máu chảy dài trên tay Đẻn.

Mận theo cha tản cư lên Yên Bái – Một dãy phố nhỏ bé nhưng sầm uất nằm dọc bờ sông Hồng. Nó không gặp lại thằng Đẻn nữa. Năm tháng qua đi, cô bé Mận ngày nào đã là một thiếu nữ. Cái vị chan chát, ngòn ngọt của quả cọ om bên đồi thơ ấu năm nào vẫn thỉnh thoảng trở về trong ký ức cô.

Mận lấy chồng, mười chín tuổi đã là mẹ của ba đứa con lít nhít.

Dạo này Mận thường thấy chồng đi đêm về hôm, vẻ mặt lúc nào cũng quan trọng và khó hiểu. Nhiều đêm cô nghe thấy tiếng thì thào sau nhà. Cô mở cửa lén nhìn ra. Chồng cô và bốn, năm người đàn ông khác đang họp bàn gì đó.

Tiếng một người đàn ông: “…Đã đến lúc chúng ta phải hành động. Dù không thành công thì cũng thành nhân…”. Tiếng người đàn ông nghe quen lạ lùng. Mận nghĩ mãi không ra.

Cuộc khởi nghĩa của Quốc Dân Đảng (Việt Nam Quốc Dân Đảng) nổ ra ngày Mười tháng Hai năm Một Chín Ba Mươi… Người đàn ông đêm ấy trong nhà cô chính là lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

Tới ngày chồng cô và những người lãnh đạo khởi nghĩa bị thực dân Pháp hành hình, cô mới biết Nguyễn Thái Học là cu Đẻn.

Chồng cô Mận là ông ngoại tôi. Mãi sau này chúng tôi mới được nghe bà ngoại kể về thời thơ ấu cùng người anh hùng ấy.

Thuở nhỏ, tôi thường theo bà đi chợ. Mỗi lần tan chợ về bà rẽ vào khu nghĩa trang, đặt lên mộ ông tôi một bó hoa cúc vàng và mộ Nguyễn Thái Học vài quả cọ om vàng óng.

Ngày đó, tôi không hiểu mối liên hệ bí mật giữa bà và vị anh hùng kia. Vị béo ngậy của quả cọ om gạt phăng đi trong đầu tôi những câu hỏi tò mò.

Mẹ tôi là con út. Bác cả tôi bị hành hình trong đợt tan rã cuối cùng của Quốc Dân Đảng. Bác hai thoát chết nhưng phải sống chui lủi mãi. Bác ba và bác tư theo Việt Minh rồi chuyển về Hà Nội.

Bà sống với gia đình tôi. Bà kể, xưa dưới triều Nguyễn, Yên Bái mình thuộc Hưng Hoá. Thời Pháp, Yên Bái trở thành thủ phủ của đạo quan binh phía Bắc. Chính vì có một vị trí chiến lược như vậy nên ông Nguyễn Thái Học đã chọn Yên Bái làm nơi dấy cờ khởi nghĩa. Yên Bái ngày đó đông đúc với những phố chợ Sắt, chợ Gạo, phố Hàng Mắm, hàng Phèn… Bến sông Hồng ngày đêm tấp nập thuyền bè qua lại bán buôn.

Mỗi lần nhắc tới cái chết của ông Nguyễn, bà tôi lại trầm ngâm đọc: “Anh hùng tự cổ nan vi phụ – Hào kiệt hà nhân cánh cổ gia…”. Bà ôm tôi vào lòng ru rằng: Thân không giúp ích cho đời/Thù không trả được cho người tình chung/Dẫu rằng đang độ trẻ trung/ Quyết vì dân chúng một lòng hy sinh…

– Bà bịa ra đấy à? – Tôi hỏi.

– Bố mày chứ, đó là thơ của cô Giang, vợ ông Nguyễn đấy cháu ạ.

– Thế bà có quen cô Giang không?

– Không, ông Nguyễn bị giết, cô Giang về Thổ Tang thăm gia đình chồng, sau đó tự sát bằng súng lục! – bà thở dài.

Tôi lớn lên trong một căn nhà vách nứa, mái cọ sơ sài ven rừng. Tôi không sao hình dung nổi xưa kia Yên Bái là những phố xá dọc ngang, sầm uất. Bà bảo: “Hết đánh Tây, rồi đánh Mỹ, bao nhiêu bom đạn còn gì nữa cháu!”.

Những buổi chiều tan học, tôi cùng bọn trẻ hay ra bờ sông hái hoa dại. Dòng sông cuồn cuộn ngầu đỏ, tôi nói với bọn trẻ về những dãy phố dọc ngang trong câu chuyện của bà, nhưng chẳng đứa nào tin. Chúng bảo:

“Con này bịa chuyện…”.

Tôi bỏ chúng bạn, đi một mình giẫm lên những bụi dền gai, khoan khoái hít mùi nồng nàn của dòng sông đang mùa nước cạn.

Ngọn gió theo nhau ve vuốt trí tưởng tượng trong tôi. Tôi nhìn thấy chiến tranh tàn ác phá huỷ thành quách và phố xá bên bờ sông này. Chỉ còn lại ký ức toả bóng trong bà ngoại của tôi và bây giờ nó bao trùm cả lòng tôi nữa.

Thăng trầm lịch sử làm bốc hơi đi bao nhiêu vương triều, hiện hữu trở thành huyền thoại nên làm lũ trẻ tin thật khó. Nhưng tôi tin vào điều bà kể như đã chứng kiến những sự việc xảy ra trong gia đình.

Các anh chị con bác tôi không ai vào được đại học chỉ vì cha là Quốc Dân Đảng. Mười mấy đứa cháu nội của bà, mỗi lần thi rớt lại vào khóc với bà tôi. Bà không nói gì chỉ ngồi xếp những lá trầu không thành từng mớ.

Những phiên chợ thưa thớt dần, bà tôi yếu lắm rồi. Tôi không còn được ăn quả cọ om, cũng không theo bà đến thăm mộ ông Nguyễn. Khu nghĩa trang rậm rạp và hoang vắng. Những người chết mới được chôn cất ở nghĩa địa ven sông. Quanh mộ ông Nguyễn, hoa cúc dại um tùm vàng rực. Người lớn bảo bông hoa đó mang linh hồn người chết, đêm hiện ra trêu trẻ con qua đường. Tôi đâm ra kinh sợ cái sắc hoa vàng quái đản ấy.

Dạo này bà tôi chỉ quanh quẩn với giàn trầu không. Bà nhặt những lá trầu vàng lấy dây chuối khô bó từng mớ, xếp đầy các rổ. Nhưng bà không mang bán. Xếp xong những mớ trầu bà ngồi hát: “Thân không giúp ích cho đời – Thù không trả được cho người tình chung…”. Mấy chị em tôi đều đã lớn. Lời ru của bà rơi vào thinh không, chẳng khép nổi hàng mi đứa trẻ nào vào giấc ngủ. Chị tôi và anh thứ hai đỗ đại học. Mẹ tôi là con gái nên lý lịch không ảnh hưởng mấy tới chúng tôi.

Tôi vào cấp ba. Câu chuyện của bà về dòng sông chảy qua phố cũ chìm dần vào ký ức. Tự nhiên tôi cũng hoang mang khi nhìn cỏ dại ngút ngàn khắp triền sông. Không còn chút di tích nào về những con phố cổ. Dưới vòng cúc dại rực vàng kia liệu còn tí xương cốt nào của người anh hùng có cái tên còn trẻ cu Đẻn mà bà tôi thường nhắc.

Thời gian chìm lấp bao sự kiện. Huống hồ câu chuyện tình lãng mạn đơn phương của bà tôi. Giàn trầu không của bà bỗng héo úa, rồi chết sau một đợt sương muối dày đặc. Bà tôi đột ngột lăn ra ốm. Một tháng sau, bà lần giường tập đi, bắt đầu nói ngọng và lẩn thẩn.

Mỗi buổi tan học về, tôi lại sang hàng xóm xin mấy lá trầu không, tôi lấy chiếc cối nhỏ xíu nghiền nát miếng trầu cho bà rồi mới ngồi học bài. Bà tôi thường ngồi hàng giờ trước lò sưởi than, tay run rẩy xếp những lá trầu vào chiếc âu đồng. Đôi mắt đục lờ nhìn vô định. Bà không còn hát thơ của cô Giang nữa.

Tôi thi vào Đại học Tổng hợp, khoa Sử. Vị ngọt bùi của trái cọ om mỗi lần tan chợ thi thoảng trở về trong tiềm thức đủ làm tứa nước bọt nơi đầu lưỡi. Hè đầu tiên trở về nhà, bà ra cửa run rẩy ôm lấy tôi. Tôi thấy bà ru khe khẽ:

“Thân không giúp ích cho đời – Thù không trả được cho người tình chung…”.

Tôi bàng hoàng nhận ra từ đôi mắt đục lờ của bà hai giọt lệ nặng nề lăn xuống. Bà tôi vẫn sống với thiên ký ức của mình. Tôi xin dây trầu không hàng xóm ươm trong vườn nhà. Một tháng hè đủ để mầm cây đâm lộc. Tôi lại ra đi.

Mùa đông năm ấy, bà tôi ốm liệt giường. Bà không ăn trầu nữa. Những lá trầu úa vàng trong chiếc cơi nhỏ. Ba tháng sau, bà tôi qua đời, thọ chín mươi mốt tuổi. Giàn trầu không tôi trồng đã lên xanh, nhưng bà không thể mang theo. Tất cả thiên nhiên và người thân đều bị ảnh hưởng vì cái chết của bà tôi. Cây cối trong nhà đều mang tang trắng.

Tiếng kêu khóc của mọi người. Tôi nghĩ đến bà tôi, nhưng không sao ý thức được chuyện gì đã xảy ra cho bà. Chết là đi về một kiếp sống khác, có lần bà tôi bảo thế.

Tôi nhìn thấy bà đang đi trên một con đường huyền bí, bà tìm về đồi cọ ven làng Thổ Tang năm xưa hay mải miết quay về bến sông có những dãy phố dọc ngang thuở trước.

Tôi nghe thấy tiếng chim chóc líu lô và qua thứ ánh sáng mờ ảo thê lương của hoàng hôn, tôi nhìn thấy bà hiện về với lời ru quen thuộc. Bà tôi nằm đó, mắt nhắm nghiền.

Đầu bà hình như nặng lắm nên mới ấn sâu xuống dưới gối như thế. Bà vấn khăn nhung, khuôn mặt nhỏ chìm lấp sau lọn tóc bạc. Bà có vẻ đang ngủ, hình như mắt bà chớp chớp trong ánh điện chập chờn. Mẹ tôi bảo: “Cầm tay bà đi con”. Tôi cầm tay bà. Một hơi lạnh không danh từ nào diễn tả nổi. Tôi sụp mắt xuống và nghe mẹ tôi khóc nức nở. Bà đã đi rồi, mang theo thiên ký ức của mình.

Luận văn tốt nghiệp tôi chọn đề tài về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

Giáo sư Lương, người trực tiếp hướng dẫn luận văn cho tôi kể tỉ mỉ về cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn, kể cả mối tình của ông và cô Nguyễn Thị Giang.

Tôi không nói với thầy điều bà tôi kể. Coi câu chuyện trên đồi cọ đất Thổ Tang năm nào như một huyền thoại trong trí tưởng tượng trò con trẻ. Tôi chọn đề tài này với tất cả tấm lòng thương nhớ bà ngoại của tôi. Biết đâu nơi vĩnh hằng kia, bà tôi được một chút an lòng.

Khơi lại lịch sử để nhìn nhận đúng sai không phải việc dễ làm. Nhận định về ý nghĩa sống còn tự do và nô lệ cũng giống như sự tồn tại của tạo vật và định mệnh. Mỗi người hành động theo sự chi phối của vì sao chiếu mệnh mình.

Luận án của tôi đạt điểm cao nhất. Tôi và thầy lên Yên Bái. Tỉnh đã xây lại khuôn viên khu nghĩa trang. Mộ ông Nguyễn Thái Học được khắc bia đá và lúc nào cũng có những vòng hoa đủ màu sắc.

Đền thờ Nguyễn Thái Học tại Yên Bái

Lễ kỷ niệm sáu mươi lăm năm khởi nghĩa Yên Bái được cử hành trọng thể. Mọi người từ khắp nơi đổ về viếng mộ Nguyễn Thái Học. Rừng hoa cúc dại chứa oan hồn bị chặt hết. Không còn cái màu vàng quái đản, nghĩa trang cũng bớt đi phần hoang lạnh.

Ngày giỗ bà, tôi lại trở về. Thị xã mới bề thế và bắt đầu tấp nập. Bờ sông xưa vẫn hoang vu với những bụi dền gai và cây dứa dại. Cả nhà tôi ngồi quây quanh bàn thờ bà. Tàn hương xoắn lại như cánh cúc vàng ngoài nghĩa trang tôi nhìn thấy suốt thời thơ bé. Trời vừa sụp tối. Ánh mờ của ngọn đèn bất diệt hoàng hôn làm rung rinh các ngôi sao vàng vừa chợt hiện.

Ở trên bàn thờ, bức ảnh bà phóng to nụ cười phai lợt nhưng vẫn hiện hồn. Mùi trầm phảng phất trong không khí. Tôi thoáng thấy chập chờn cả ngàn thứ. Những buổi chiều theo bà đi chợ, câu chuyện cổ tích của bà, lá trầu quết vôi và quả cọ om béo vàng… tất cả thấm đẫm nỗi buồn đau trong trái tim tôi. Thình lình một con bướm đen rất to bay vào nhà. Vợ bác Hai tôi chắp tay khấn: “Lạy mẹ! Có phải hương hồn mẹ hiện về, xin mẹ đậu xuống bàn thờ này…”.

Con bướm đen chao lượn ba vòng quanh mọi người rồi đậu xuống góc mâm cơm cúng. Tiếng khóc oà lên. Tôi đặt bản luận văn lên góc bàn thờ thì thầm: “Bà có linh thiêng xin chứng giám cho lòng thương nhớ của cháu. Giàn trầu cháu trồng đã tốt lắm. Bà ơi, nếu như có một kiếp khác cháu cầu mong cho bà gặp lại cậu bé bên đồi Cọ năm nào”. Trong khói hương nghi ngút và tiếng nức nở của mọi người, tôi nhìn thấy trên di ảnh, bà bỗng nở một nụ cười mãn nguyện. Con bướm đen vụt biến mất.

Từ đó, mỗi năm một lần tôi lại về bến sông ngày xưa. Bà nằm đó ngày đêm đón cơn gió lồng lộng thổi vào từ dòng sông Hồng. Bên những bụi dền gai, hẳn bà tôi vẫn nghe được lời thì thầm của hồn phố cũ.

Đối với tôi, bà ngoại tuy chết rồi nhưng vẫn sống cuộc đời thứ hai đặc biệt hơn đời trước. Tôi hình dung những gì bà tôi nói và làm lúc sinh tiền. Câu chuyện dường như sống lại cùng bà trở về bên bàn ăn. Tôi nhìn thấy hình bóng của bà trên bức tường, bà ngồi ngoáy trầu bằng cái cối nhỏ, móm mém cười. Bà ngoại ơi! Dòng sông vẫn chảy về phố cũ. Bà thấy không?

Đặng Thị Thanh Hương viết từ Hà Nội, Việt Nam

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt