Đối thoại Mỹ-Trung: những viên kẹo đường…

Những lời ngọt ngào

Khai mạc hội nghị Đối thoại chiến lược và kinh tế Hoa Kỳ- Trung Quốc  2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận-Bình nói rằng sự hợp tác của hai nước mang ý nghĩa sống còn, kêu gọi Washington đối xử bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như tôn trọng cách lựa chọn đường hướng phát triển của nhau.

Chủ tịch họ Tập kêu gọi, “Thái Bình Dương lớn rộng bao la không thiếu chỗ cho cả hai quốc gia vĩ đại chúng ta.”  Và ông nhấn mạnh:”Một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ chắc chắn sẽ là thảm họa cho hai nước và cả thế giới”

Thông điệp của Tổng thống Obama gửi cho hội nghị viết rằng hai nước không thể không có mâu thuẫn, nhưng phải tận dụng những đồng thuận để cùng nhau giải quyết những khác biệt, hầu tăng cường niềm tin và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.

Ngoại Trưởng John Kerry, trưởng đoàn phía Hoa Kỳ, tuyên bố Washington không hề tìm cách kiềm chế Bắc Kinh, và Washington hoan nghênh một nước Trung Quốc phát triển bền vững trong hòa bình, thịnh vượng, để góp phần vào ổn định và phát triển của toàn khu vực; tuy nhiên Trung Quốc cũng có trách nhiệm của một cường quốc trong các vấn đề mang tính toàn cầu.  

Tập Cận-Bình và Ngoại trưởng John Kerry tại hội nghị chiến lược Mỹ-Trung 7/7/2014 – AFP photo 

Bên trong những viên kẹo

Lắng nghe từ bên trong những lời hoa mỹ đó người ta có thể tìm được những gì ẩn chứa đằng sau cuộc đối thoại này. Tập Cận Bình nói ngay tới vấn đề tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là nhắm vào mối mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông, trước khi hai bên đề cập tới những mâu thuẫn kinh tế, tài chánh, thương mại.

Quang cảnh hội nghị Đối thoại chiến lược, kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 7-7-2014 AFP photo

Những lời lẽ ngọt ngào nghe ra hàm chứa những điều cảnh cáo hơn là những hứa hẹn. Lời cảnh cáo đó là “tôi sẽ gây thảm họa cho anh khi nào mà anh muốn gây thảm họa cho tôi bằng chính sách đối đầu và ngăn cản tôi bành trướng lãnh hải, lãnh thổ trên biển Đông, mà Thái Bình Dương bao la có thiếu gì chỗ tung hoành cho cả hai chúng ta cơ chứ!”.

Trong khi đó thông điệp của Tổng thống Mỹ nêu ra nguyên tắc dựa trên những đồng thuận để giải quyết những khác biệt, và Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ hoan nghênh công cuộc phát triển bền vững của Trung Quốc. Ý của người Mỹ là gì?

Ý của người Mỹ nằm ngay trong câu nói của Ngoại trưởng Kerry. Ông Kerry muốn nhắc nhở Trung Quốc cần tìm một đường lối phát triển sao đó để góp phần vào nền ổn định và phát triển của toàn khu vực.  Điều ông ngụ ý khá rõ, là Trung Quốc đừng nên phát triển theo lối bành trướng hiện nay để gây mất ổn định cho Đông Nam Á và Đông Á. Ông nói ngay: vì thế Trung Quốc phải nghĩ tới trách nhiệm của một cường quốc trong các vấn đề toàn cầu.

Vấn đề toàn cầu gần gũi nhất là gì? Đó là thủy lộ huyết mạch qua biển Đông, biển Hoa Đông và nhất là những chiếc hỏa tiễn của Bắc Hàn đang phóng ra biển Hoa Đông trong ngày họp hội nghị Mỹ-Trung, cùng với  mối tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, hai nước Triều Tiên và Liên Bang Nga.

Ngoại trưởng Kerry cũng nói lên tâm ý thực sự của Washington khi ông tuyên bố rằng thành công của nước này chính là lợi ích cho nước kia, hai nước tuy phải cạnh tranh với nhau nhưng không phải là xung đột vì Washington xây dựng quan hệ với Bắc Kinh dựa vào các tiêu chuẩn hòa bình, thịnh vượng và hợp tác.    

Tâm ý của người Mỹ?

Cái bắt tay lịch sử: TT Nixon và Ct. Mao Trạch-Đông tại Bắc Kinh, 2 tháng 2, 1972 – Wikipedia

Điều đó đích thực là tâm ý của người Mỹ từ sau thế chiến thứ hai, đối với Nhật Bản và Đức là hai nước thù địch vừa thua trận, rồi cũng một tâm ý như vậy trong cách giải quyết chiến tranh Việt Nam và cả cuộc chiến tranh lạnh.

Người Mỹ tuy lúc nào cũng phải thủ sẵn cây gậy vũ khí hạt nhân cùng với những hạm đội trấn ngự hoàn cầu, nhưng Mỹ luôn luôn đem cả bó cà rốt ra để đòi dâng tặng cho kẻ thù địch nào muốn buông súng, cầm cày.

Đó là hành động của Mỹ với Trung Quốc và Liên Xô vào giai đoạn gần cuối chiến tranh Việt Nam, rồi đến chính sách đối với Liên Xô để kết thúc chiến tranh lạnh. Năm 1973 Mỹ còn hứa hẹn với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1 tỉ đô la  viện trợ hậu chiến, nhưng Hà Nội đã xé hiệp định Paris để chiếm miền Nam, nên không lấy được món viện trợ đó và đã đưa cả hai miền Nam Bắc Việt Nam vào cùng quẫn rồi phải mở cửa và đổi mới.

Khó lòng phủ nhận tâm ý của người Mỹ là thực sự mong muốn xây dựng mối quan hệ hoà bình, thịnh vượng và hợp tác, chứ không muốn đối đầu bằng súng đạn, hay hỏa tiễn hạt nhân.

Tuy nhiên, với ý hướng hợp tác hoà bình khá rõ, Hoa Kỳ đã chỉ đưa ra những bó cà rốt sau khi đã tung ra hằng ngàn tấn bom đạn, hay giương cao cả kho vũ khí không gian trong giả định “chiến tranh các vì sao” để Liên Xô chạy đua đến kiệt sức. Và những bó cà rốt ấy chỉ mọc lên sau khi Mỹ đã khuất phục được, hay không khuất phục được đối phương. Nước Mỹ đã hao tổn biết bao nhiêu vào cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 với Trung Quốc, để đưa đến hai nước Triều Tiên gằm ghè nhau đến tận nay. Và Mỹ càng hao tổn nhiều hơn nữa vào chiến tranh Việt Nam mà không thành toàn được mục đích giữ vững được miền Nam tự do. Khi đó Mỹ mới đem mối hợp tác kinh tế, thịnh vượng, cùng phát triển ổn định ra để móc nối Trung Quốc vào quỹ đạo gọi là hợp tác phát triển thịnh vượng, và rút quân khỏi Việt Nam. Lúc đó Washington hẳn đã phải hiểu rõ Sài Gòn không thể nào chống lại Hà Nội với cả khối Cộng Sản hỗ trợ sau lưng.

Thực tâm của nhà tư bản?

Ngoại trưởng Henry Kissinger- CT. Leonid Brejnev-TT. Gerald Ford- Ngoại trưởng Andrei Gromyko tại hội nghị Helsinky tháng 7, 1975 – Courtesy of Gerald Ford library

Phải chăng người Mỹ chỉ tỏ ra thành tâm hợp tác sau khi đã không khuất phục được đối phương, và chỉ đem mối lợi hoà bình thịnh vượng ra nhử mồi để rút khỏi một cuộc chiến?

Thực ra thành tâm hợp tác hoà bình vẫn có từ đầu, bởi vì bản chất của người Mỹ, ta đừng quên, là những nhà tư bản. Giới tư bản thì chỉ muốn bình ổn để đầu tư, kinh doanh, làm ăn cho ra tiền. Xứ tư bản Mỹ từ lâu đã hiểu ra nguyên tắc cộng đồng đồng tiến, không thể bóc lột các nước khác để rồi vấp phải những thế lực thù nghịch và những bạn hàng cùng khách hàng nghèo đói không có sức tiêu thụ trên thị trường đầu tư kinh doanh kiếm lợi nhuận của mình.  Cộng đồng đồng tiến đã là khái niệm được truyền bá ở Việt Nam từ giữa thập niên 1950.

Người Mỹ vốn không cần phải cai trị hay đô hộ một ai, chỉ trừ một ngoại lệ trong lịch sử là thuộc địa Philippines mua lại của Tây Ban Nha năm 1898 vói 20 triệu đô la, nhưng rồi xứ quần đảo trọng yếu ở Thái Bình Dương này đã trở thành quốc gia tự trị với quy chế thịnh vượng chung từ năm 1935, và sau thế chiến II đã trở nên một quốc gia hoàn toàn độc lập. 

Người Mỹ không cần lãnh thổ hay đất đai thuộc địa, nhưng vẫn cần những vùng trọng yếu về địa lý chiến lược mà họ cho là phải có một chính phủ đồng minh ở đó. Nhưng khi gặp những trở lực quân sự đánh vào phe tư bản của mình, như trong thế chiến thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ phải sử dụng sức mạnh quân sự sẵn có, và sử dụng tận tình để chiến thắng; tiếp sau đó mối hợp tác hoà bình, thịnh vượng được đem ra chiêu dụ để chấm dứt một cuộc chiến không thể thắng, hay để đem một đối phương, dù thất trận hay thắng thế, vào thị trường tư bản của mình.

Mâu thuẫn quyền lợi

Mối giao hảo Washington-Bắc Kinh ngày nay cũng là một thành quả của chính sách ngoại giao của xứ tư bản Hoa Kỳ.

Trong hội nghị đối thoại chiến lược và kinh tế lần này, lập trường của Hoa Kỳ, vẫn như xưa nay, hoàn toàn dựa trên quyền lợi của người Mỹ, trong đó có quyền lợi của những đồng minh chiến lược chí cốt.

Nói đến quyền lợi của Mỹ và đồng minh, hiển nhiên vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông phải nằm trong nghị trình thương lượng giữa Washington với Bắc Kinh.

Đến ngày thứ năm 10 tháng 7, 2014, ngày thứ nhì và cuối cùng của hội nghị thường niên năm nay, cuộc họp báo chung cho thấy hai bên không đạt được thỏa thuận về những cuộc tranh chấp lãnh hải trên biển Đông và về vấn đề an ninh mạng. Sau khi hẹn nhau “khó khăn nào cũng vượt qua”, nay hai nước đành hành xử theo cách “khó khăn nào cũng bỏ qua”!

Quả thật những viên kẹo bọc đường được hai bên đưa ra cho nhau trong buổi khai mạc hội nghị Đối thoại chiến lược và kinh tế 2014 đã chứa đựng những mũi kim nhọn mà chỉ mở bọc nghe mùi thơm đã không ai dám nếm.

Việt Long 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt