Đôi Dòng Suy Tư Khi Đọc Sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống

Nhân ngày lễ tưởng niệm lần thứ 85 ngày tang Yên Bái, xin gửi đến qúy độc giả những suy tư và tưởng niệm về anh hùng Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ VNQDĐ để thân tặng các bạn trẻ hôm nay. Đôi dòng suy tư khi đọc Sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống của anh Lê Thành Nhân qua giọng đọc của chị Thu Sương.

Đôi dòng suy tư khi đọc Sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Những ngày cuối Đông, cơn bệnh “cúm” năm nay dữ lắm, mọi người đều ho hen và trông không được khỏe vì virus “cúm” xâm nhập. Khác với mọi năm, năm nay tôi lại bị “cúm” rất nặng, nhớ ngày này trong những năm trước mải miết bôn ba, giờ đây trên giường bệnh với những cơn ho rũ rượi làm tôi xuống tinh thần… Hơn bốn năm nay, chưa bao giờ bi bệnh. Nhưng năm nay “cúm” đến với tôi để bù trừ. Sau ba ngày nằm liệt giường, ngày thứ tư nhõm dậy ra mở thùng thư thì nhận được một bản sao tác phẩm Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống, xuất bản từ thời 1945, và cuốn sách này không còn lưu hành trong cũng như ngoài nước nữa. Trong sự mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, cuốn sách đến với tôi như một liều thuốc hồi sinh đúng lúc. Tôi mở từng trang, đọc từng chữ, suy gẫm từng ý để nhìn lại những tinh hoa của lịch sử, để rà lại những phê phán ngày nay? Để xem đường ta đi theo các tiên liệt có lệch lạc không? Đây là cuốn sách nhỏ, nhưng viết rất thật tự tâm lòng,viết rất là tư cách của người cầm bút. Người đọc dù ở trình độ nào cũng cảm nhận những hình ảnh hào hùng của một giai đoạn lịch sử, không thêm bớt, một bức tranh tuyệt mỹ của những đấng anh hùng dân tộc. Đọc xong, tôi phải thốt lên rằng: Nguyễn Thái Học, một vì sao sáng trong dòng sinh mệnh dân tộc, chung quanh NGƯỜI là những bó đuốc thần!

Học giả Nhượng Tống viết về Nguyễn Thái Học chứa đựng tấm lòng cho dân cho nước, đã nhiều lần tôi cảm động rưng nước mắt vì những gương hy sinh, những tấm lòng đại nghĩa cho dân tộc. Việt Nam Quốc Dân Đảng của năm 1930 là nơi quy tụ những hào quang của đất nước, những viên ngọc trong suốt của tổ quốc, những tấm lòng mà lịch sử đời sau luôn kính mến, ngưỡng phục, không thắc mắc, không hỏi han dù chỉ một lời!

Mở đầu cuốn sách, học giả Nhượng Tống, người bạn đồng chí của Nguyễn Thái Học, đã trân trọng mở lời phi lộ cùng độc giả “trong cuốn sách này vì công lý, vì nhân đạo mà nói nhiều về Nguyễn Thái Học” bởi vì: “Quốc dân ta, những đồng bào Anh, đối với thân thế Anh, nhiều người mong được biết qua loa mà không thể được! Bao nhiêu đợi mong; Bao nhiêu là tủi nhục”.

Rồi thì Nhượng Tống tự nhủ rằng ông viết về Nguyễn Thái Học như một nghĩa vụ, một trách nhiệm đối với quốc gia, văn hóa và khoa học lịch sử, tác giả tỏ bày tiếp: “Nghĩa vụ đối với quốc gia, vì thân thế Anh chính là tấm gương phấn đấu, hy sinh, cần được nêu ra để khích lệ toàn thể mọi người trong nước. Nghĩa vụ đối với văn hóa, vì thân thế Anh chính là một kết tinh phẩm của hai giáo lý Phật và Khổng, nó đã cho phương Đông ta nảy ra một ánh sáng riêng. Sau hết là nghĩa vụ đối với khoa học lịch sử, vì tôi với Anh chẳng những là người đồng thời, còn là bạn đồng chí. Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu về Anh hơn tôi nữa” (Nhương Tống: Nguyễn Thái Học – Việt Nam Quốc Dân Đảng Phát Hành, tr. 1).

Đúng! Nếu không có cuốn sách của Nhượng Tống làm sao hiểu nỗi Việt Nam Quốc Dân Đảng và những con người dựng lên VNQDĐ!

Nhân ngày lễ tưởng niệm lần thứ 80 cuộc Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ đứng lên đánh Pháp giành độc lập, tôi ghi lại những dòng suy tư của mình, một đảng viên đối với NGƯỜI “yêu đất nước”; đối với lãnh tụ VNQDĐ đã đi vào cửa chính của lịch sử dân tộc; đối với những gương hy sinh cho tổ quốc không tính toán; đối với tinh thần trách nhiệm tuyệt vời, và đối với những tâm hồn quốc gia dân tộc thâu suốt như hạt minh châu.

Những gì là hiện thân một Nguyễn Thái Học của lịch sử?  Nhượng Tống tả “Ông người tầm thước, trán hói, đôi mắt thông minh, một cái nhìn đủ khiến người ta đem lòng tin mến….cằm nở, tỏ ra là con người cương quyết thực hành. Đặt lưng là ngủ được ngay, đủ rõ trong tâm lúc nào cũng bình tĩnh. Ngủ lúc nào cũng nằm sấp và hai bàn chân quặp lại trên mông…” đó một vài nét đặc trưng của một Nguyễn Thái Học trong cách tả chân của Nhượng Tống. Còn bạn bè của Nguyễn Thái Học thì nói rằng “Học là người ngoài tuy nóng nảy nhưng trong lòng thường điềm tĩnh; đãi người rất chân thành nhưng liệu việc rất nhiều trí mưu”. Nhượng Tống cho rằng sự nẩy mầm cách mạng của đảng trưởng VNQDĐ mà do chính ông thuật lại rằng “Hễ gặp tau là bà cụ ôm choàng lấy: các cậu, các cậu làm thế nào để báo thù được cho con tôi”. Bà cụ chính là mẹ của Đội Cấn, người chỉ huy đánh đuổi Pháp ở đồn Thái Nguyên bị treo cổ giết chết.

Với đức tính đó, với những mẩu chuyện đời tư lượm lặt trong dân gian đó có thể đúc kết được một tâm hồn vĩ đại như Nguyễn Thái Học không? Không đủ! phải có cái gì kết tinh thành một Nguyễn Thái Học để tên tuổi của ông vang vọng đời sau. Những sự tả chân, những lời nói của bà cụ già có đủ để một Nguyễn Thái Học làm nên một đảng cách mạng dân quyền, tự do dân chủ đầu tiên cho dân tộc Việt không? Không thể! Phải là một con người trí tuệ dũng lược, có tầm nhìn xa về tương lai, có những giọt máu kết tụ bởi những nhân tố cách mạng và được nuôi dưỡng bởi bầu nhiệt huyết yêu nước, thương nòi. Phải có một ý chí tích tụ bởi máu chảy, lệ rơi và nỗi thống khổ của đồng bào dưới ách độ ho bạo tàn của thực dân Pháp.

Và với một vài dòng tả chân đó có đủ để làm một Nguyễn Thái Học trong thời gian ngắn mà kết tụ những nhân tài đi vào lịch sử để thực dân Pháp phải thốt lên rằng: “…..các giáo viên, các binh sĩ là hai cột trụ chống đỡ mái nhà Đông Dương. VNQDĐ đã làm lay chuyển hai cột ấy!…. Nguy hiểm nữa, là những kẻ được rủ rê, vào thì vào, không vào thì cũng không một ai đi tố cáo nhà đương cục…. Sự im lặng đó, khác nào đồng mưu!…..”(Sđd tr 30).

Con người Nguyễn Thái Học đã gắn liền với non sông, đất nước, những lời nói của ông như một âm thanh vang vọng đến ngàn sau. Như một chân lý bất dịch cho lịch sử, có phải chăng đó là tiếng nói của những vong linh anh hùng dân tộc vọng về đã un đúc thành một nam nhi chí cả. Người thanh niên 27 tuổi này đã đem hết tâm lực để giải phóng tổ quốc khỏi ách xích xiềng của thực dân bạo tàn.

Thế rồi đứng trước phong ba bão táp, NGƯỜI đã chọn lựa lấy “máu” làm nên lịch sử: Tổng Khởi Nghĩa ngày 10 tháng 02 năm 1930, đánh đuổi thực dân Pháp trong danh ngôn “không thành công, thì thành nhân” – Theo Nhượng Tống, người trong cuộc thì câu nói này cả là một triết lý sống của con người! Thế mà ngày nay, kẻ địch đôi khi bôi nhọ, xuyên tạc danh ngôn ấy!

Trước ngả đường quyết liệt con người có những chọn lựa, nhưng chọn lựa ấy phải xứng đáng.  “Không thành công, thì thành nhân” là một chọn lựa sáng suốt để làm nên lịch sử, bởi vì lịch sử là gồm nhiều thế hệ nối tiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời ấy, khi các binh đội cách mạng, một lực lượng chủ lực của Đảng, bị tên Đội Dương tạo phản nên bị bắt gần hết, liên tiếp mấy nơi chế bom bị bại lộ, và các đảng viên VNQDĐ bị bố ráp rất ráo riết. Các cấp lãnh đạo ngày đêm bị mật thám theo dõi và nhiều lần bị bắt hụt, cho nên đã biết rằng chúng ta đang đứng trước ở chỗ thua mất rồi! Thế nhưng nếu không quyết định Tổng Khởi Nghĩa, nếu âm thầm tiếp tục tổ chức Đảng rồi có đánh được không? Không thể được! Cuộc đời là một canh bạc! Những canh bạc đen, người ta có thể thua hết vốn! Gặp thời thế không chìu mình, Đảng có thể tiêu mòn hết lực lượng. Mỗi khi lòng sợ sệt đã đi vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ mất nhuệ khí, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội như bếp tro tàn! Rồi của cũng không tiếp! Rồi người sẽ bị bắt dần! Tù đày đưa anh em vào cái chết lạnh lùng, mòn mỏi, tủi nhục nơi các ngục tù, nhà lao của giặc. Thà rằng để anh em vào cái chết oanh liệt, nồng nàn ở trên chiến địa! Chết đi! để thế giới biết cái tinh thần dân tộc này đang sống! Chết đi! để lại cái gương hy sinh, phấn đấu cho người nối bước! “KHÔNG THÀNH CÔNG, THÌ THÀNH NHÂN”

Đó là cái nhân cách mạng, cái ý nghĩa chua cay nhưng quả quyết của các nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng thời bấy giờ. Tập trung nỗ lực làm một cuộc tổng tấn công vào ngày 10/02/1930. Tin ở quá khứ, tin ở tương lai, tin ở các anh em sống sót sẽ nối được chí, nối được việc của mình. Nhượng Tống viết tiếp “Các Anh với cặp mắt đổ lửa, với trái tim bốc lửa, với cái hoàn cảnh lửa đốt dầu, đã quyết đem tính mệnh mà đến ơn Đảng, đền ơn Nước, đền ơn tri ngộ của Quốc Dân. Nói tóm lại các Anh đã chọn lấy cái chết của con NGƯỜI  (người viết hoa). Ấy tinh thần trách nhiệm ở phương Đông là thế”( sđd tr. 68)

Thế là Nguyễn Thái Học ra đi bởi những câu lưu lại cho đời sau như một di ngôn lịch sử: “chúng tôi chắc đi chết đây! các anh sống lại, cứ công nào việc ấy nhé! cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rối thế nào cách mệnh cũng có ngày thành công!” Trên đường ra pháp trường Yên Bái, NGƯỜI còn khẳng khái ngâm thơ:

“Chết vì  tổ quốc,
Cái chết vinh quang!
Lòng ta sung sướng!
Trí ta nhẹ nhàng!…”

Để rồi rạng sáng mờ sương ngày 17 tháng 6 năm 1930, NGƯỜI nhìn đồng bào thân yêu lần cuối với tiếng hô “Việt Nam Muôn Năm” trước khi đầu rời khỏi cổ. Thân xác NGƯỜI vĩnh viễn ra đi vào lòng đất Mẹ và tên NGƯỜI – Nguyễn Thái Học sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thái Học, ngôi sao ngời sáng, sớm rời trần thế bay vút lên cao. Nguyễn Thái Học một lãnh tụ tầm cỡ của lịch sử cận đại. NGƯỜI là một ngôi sao nhưng xung quanh NGƯỜI là những bó đuốc thần vĩ đại. NGƯỜI là một ngôi sao, nhưng không có những bó đuốc thần thì làm sao NGƯỜI trở thành lãnh tụ lỗi lạc được. Vì châm ngôn của tổ chức là “cán bộ tạo nên lãnh đạo”. Khi đọc Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống thấy những bó đuốc thần cách mạng VNQDĐ năm 1930, lòng tôi rạo rực, máu nóng cuồng lưu, và cũng có lúc ai oán cho kiếp phù sinh:

Ký Con! lãnh đạo Đoàn Ám Sát của Đảng, chiếc chìa khóa giữ thân xác Đảng được trong sạch, người quét dọn những thành phần tạo phản. Tên anh là Đoàn Trần Nghiệp năm 19 tuổi anh vào Học Sinh Đoàn.  Khi Đảng mở khách sạn kinh tài thì anh làm thư ký giữ kho vì vậy nên NGƯỜI ta gọi đùa là “cậu Ký con”. Trong Đảng anh có bí danh là Doãn, anh còn có biệt danh là Hiệp Sĩ trong Đoàn Ám Sát của Đảng. Theo Nhượng Tống về Ký Con-Đoàn Trần Nghiệp thì: “người anh dong dỏng cao, da trắng xanh, miệng luôn luôn như cười, hai môi đỏ như son. Mặt trái xoan, trán cao và hẹp, tỏ ra là người thích thực hành. Mắt sáng và nhanh, có vẽ hiền hơn là dữ tợn. Trong các kỳ họp Hội Đồng, tôi chưa từng nghe anh nói. Anh cười nhiều hơn nói. Con người ấy sống bên trong nhiều hơn ngoài. Xin chớ ai lầm Hiệp Sĩ của chúng ta là kẻ “ăn thịt người không tanh”. Đó là một người ôm ấp mốt lý tưởng cao siêu, không chịu nổi ở đời những cái gì nhỏ nhen, là nhơ bẩn, là đê hèn, là khốn nạn” (sđd tr. 80). Chàng thanh niên 19 tuổi bạch diện thư sinh này đã “xử tội” rất nhiều tay phản đảng không giữ  lời thề. Không một nhiệm vụ khó khăn nào mà anh không hoàn thành, anh đã làm cho bọn thực dân Pháp và bọn tay sai ngày đêm lo lắng, run sợ. Huyền thoại về Ký Con rất nhiều, hình như con người anh là một chuỗi bí ẩn. Đồng chí của anh thì cho rằng “Trong Anh lẩn quất biết bao nhiêu bậc chí nhân, thánh nhân như lời Trang Tử dạy: không cầu công, không cầu danh, vì không biết có mình”. Ký Con – Đoàn Trần Nghiệp Anh là ngọn đuốc vĩ đại bên vì tinh tú Nguyễn Thái Học.

Phó Đức Chính, tốt nghiệp Công Chánh được bổ nhiệm sang làm việc ở Lào. Năm 1929 việc Đảng bi tiết lộ, anh bị bắt từ Lào về, sau thấy anh còn trẻ nên được tha. Khi ra tù anh trở về quê quán trả hết những món kỷ niệm cho vị hôn thê là cô Thắm ở Thanh Hóa để rãnh tay trên đường hoạt động cách mạng. Anh người trầm tĩnh, hành động nhiều hơn nói, đời anh là một chuỗi lý tưởng tuyệt vời, chỉ tròn 20 tuổi nhưng Anh luôn bên cạnh Đảng Trưởng và cụ Xứ Nhu trong nhiệm vụ tổ chức Đảng. Anh lo lắng cho tổ chức và cách mạng đến nỗi có lần bị ám sát, viên đạn còn trong ngực mà anh không có thì giờ để mổ mà lấy ra, và viên đạn đó đã theo anh ra pháp trường Yên Bái và cùng anh xuống chốn tuyền đài. Với vai trò của cán bộ tổ chức, xương sống của Đảng, ngày đêm anh chăm chú ươm mồng cho Đảng như người mẹ ươm con. Ôi tinh thần cách mạng tuyệt vời! Coi đau thương của dân tộc hơn cái đau của mình; Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.  Trước tòa án quân cướp Pháp, Chủ tịch đề hình hỏi anh xin chống án không. Anh cười:

“Đời con người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa làm chi?”

Và anh là NGƯỜI xin nằm ngửa để nhìn thấy máy chém rơi xuống tại pháp trường Yên Bái. “Tính ra anh ở đời khoảng 21 năm thôi. Thế nhưng tôi tin rằng linh hồn Anh đã hòa hợp với Quốc Hồn và cùng non sông cùng thọ” (Sđd, tr. 85). Phó Đức Chính, Anh là một ngọn đuốc sáng ngời bên vì sao lịch sử Nguyễn Thái Học.

Ngô Hải Hoàng, còn gọi là Cai Hoàng (làm Cai trong lính Lê Dương), quê ở Nghệ An, Anh là người chỉ huy trong việc đánh Yên Bái. Hãy nghe đoạn đối đáp giữa nơi tử thần của sĩ cách mạng VNQDĐ Ngô Hải Hoàng và tên Chánh Hội Đồng Đề Hình Yên Bái của thực dân Pháp để đánh giá hùng khí cách mạng của Anh:

– Hỏi: Tại sao anh đánh Yên Bái?

– Anh đáp: Không phải tôi đánh, mà là Trung Ương Đảng Bộ hạ lệnh tôi đánh. Các ông còn lạ gì kỷ luật của Đảng tôi; không phục tòng mệnh lệnh, Đảng xử tử! Đánh với các ông thua ra đi nữa, cũng đến xử tử là cùng!

– Hỏi: Anh thật là người vô ơn! ông quan ba (đại úy) Dua-đanh là quan thầy tử tế với anh, vậy mà đêm ấy, anh bắn chết ông ta trước nhất?

– Anh đáp: Ông Dua-đanh tử tế với tôi thật, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ta là bổn phận đồi với Đảng, với Nước. Người Việt Nam chúng tôi thì lúc nào cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.

– Hỏi: Anh thật là hạng người tàn ác. Một mình anh đêm ấy đã giết chết sáu người Tây?

– Anh đáp: Tôi làm gì giết nhiều đến thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Thế nhưng cả Đảng chúng tôi, chỉ có một người, anh em tôi giết cũng chính là tôi giết. Tôi sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm! (Sđd tr. 90)

Nhà cách mạng Ngô Hải Hoàng được vinh dự thay Đảng để đền nợ nước ngày 16 tháng 6 năm 1930 tại Yên Bái (trước đảng trưởng Nguyễn Thái Học một ngày). Ngô Hải Hoàng, Anh là ngọn đuốc thần bên vì sao lịch sử  Nguyễn Thái Học!

Những hình ảnh tiêu biểu của hàng ngàn ngọn đuốc xung quanh đảng trưởng VNQDĐ đã làm nên trang sử oai hùng lẫm liệt của Đảng, tuy nhiên thế hệ VNQDĐ năm 1930 không dừng lại ở đó mà còn những đảng viên, – vâng chỉ là một đảng viên – mà tinh thần trách nhiệm cao hơn núi, nghĩa đồng bào rộng như biển, và lòng trung kiên sâu hơn cả ngàn khơi. Hãy nghe Nhượng Tống kể một đoạn về tinh thần trách nhiệm của đảng viên cách mạng thời ấy: “Anh Độ, một công nhân ở Hải Phòng sau qua làm ở Lào. Nghe tin đảng sắp động binh, trong túi không sẵn một đồng tiền nên anh đã chứa một đãy gạo rang, rồi đi xuyên sơn mà về Bắc. Anh đi trong rừng, nhiều chỗ không có đường lối. Anh cứ theo sát mặt trời về hướng Đông mà đi mãi. Mấy ngày sau gạo hết, anh tìm ăn những trái cây, các thứ củ trong rừng. Ăn no bụng rồi lại đi… Đêm thì trèo lên cây để ngủ! Ròng rã mười bảy ngày như thế, anh mới đến Hòa Bình! Khi anh về đến Bắc thì việc Yên Bái đả thất bại rồi!(Sđd tr. 93). Anh Độ tình nguyên vào Đoàn Ám Sát của Đảng và sinh hoạt trong Cơ Quan Hàng Bột cùng với nữ đồng chí Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Thị Vân và hai đồng chí nữa. Đây là một chi bộ ám sát để lấy lại sinh khí cách mạng, giữ vững tinh thần anh em sau khi Tổng Khởi Nghĩa đã thất bại. Đồng thời là công tác chế bom đạn và dấu vũ khí. Ngày 2 tháng 3 năm 1930 cơ sở bị bọn mật thám Tây vây bắt. Chị Tâm đã nổ súng và ném bom giết hai tên lính Tây, chúng huy động lực lượng bắn trả và giết chết hai người. Còn ba đồng chí là anh Độ, chị Tâm và chị Vân bị bắt.

“Chị Tâm bị chúng lột trần truồng. rồi nắm tóc mà quật vào tường nhu chúng vật một con chuột! Chán rồi, chúng xích tay chị lại, và cùm xuống nhà giam. Đêm ấy chị nuốt dải yếm cho tắc hơi. mà về dưới hạ đài! Lúc chúng rút giải ướm trong mồm chị ra, thấy họng đầy những máu. Năm ấy chị mới mười tám tuổi”( Sđd tr. 94)

Người đồng chí của chị trong chi bộ này là Nguyễn Thị Vân cùng vào Đoàn Học Sinh với chị Tâm rồi đổi sang Đoàn Ám Sát của Đảng. Với tuổi 16 nhưng đau trước cái nhục mất nước, lòng yêu nước, thương nòi đã tô bồi cho chị Vân một tinh thần cách mạng son sắc, trong khi bị tra tấn chị đốp chát vào mặc bọn thực dân cướp nước:

Hỏi: “Mày vào Đảng để làm gì?”

Chị đáp: “Để lấy lại quyền độc lập cho Tổ Quốc”

Hỏi: “Mày đã làm gì trong Đảng?”

Chị đáp: “Hồi trước thì may cờ, khâu binh phục cho các đồng chí. Bây giờ thì tập bắn súng, học nghề chế bom, để giết quân phản Đảng mà cứu lấy đồng bào!”

Hỏi: Ai rủ mày vào? Chi bộ mày có những ai?

Chị đáp:”Chị Tâm rủ tao vào, chi bộ tao có bốn người thì chúng mày giết chết ba rồi!”m

Còn anh Độ thì chúng tha hồ tra tấn, đánh đập nhưng anh không hề hở môi dù chỉ một lời, thậm chí bọn mật thám không biết tên anh là gì nữa. Sau chúng cho bọn tù hình sự nhận diện anh, một tên tù nói rằng “khi xưa anh này ở Hải Phòng, vẫn thấy gọi là Độ”… sau này người ta gọi tên anh là Độ chứ không ai biết tên thật của anh là gì.

Anh Độ bị xử tù khổ khai chung thân, trong ngục tù anh có hai cái can đảm lạ thường: Nhịn ăn để chống đối cai tù, có lần anh nhịn đến 22 ngày, người chỉ còn da bọc xương! các đồng chí van lạy anh mới ăn. “Khi ăn thì anh đã lấy lại sức ngay và nước da hồng hào, mịn màng như đứa bé còn bú sữa” (sđd tr. 95). Và cái can đảm thứ hai là cứ mỗi lần thấy đồng chí mình bị sa sút tinh thần thì anh trêu chọc cai tù đánh anh để đồng chí mình thấy đó căm tức mà lấy lại tinh thần.

Bọn mật thám Tây chưa chịu rời bỏ Cơ Sở Hàng Bột, mà ngày đêm rình rập để xem ai còn bén mãn đó không để hốt gọn: Sớm hôm sau chúng bắt được một bà già tay cắp cặp, đâu xe trước cửa cơ quan. Trong cặp có ba khẩu súng lục và hơn tám trăm đồng, là hai món quà bà đem tặng cho Đoàn Ám Sát!(Sđd tr. 95). Mẹ già ấy tức là bà Chánh Toại, sau khi vào trong tù, những người nữ tù đều gọi là mẹ! Một bà mẹ đã làm vẻ vang cho giới phụ nữ đất Bắc. Bà đã làm giàu bằng cách buôn súng lậu. Từ khi có Đảng bà đã dùng cái nghề buôn súng cùng gia tài của bà giúp một cách đắc lực và tận tâm cho anh em trong Đoàn Ám Sát của Đảng.

Chị Tâm, chị Vân, anh Độ, bà Chánh Toại….. là những chiến sĩ cách mạng vô danh, những tấm lòng cao quý, linh hồn các vị còn phảng phất đâu đây trong những chuyển biến lịch sử.

Một NGƯỜI, tôi không biết nên gọi là ngọn đuốc hay vì sao bên vì tinh tú Nguyễn Thái Học, theo Nhượng Tống thì đây là “một đảng viên mà nhà đương cuộc cho là còn có công tuyên truyền cho Đảng hơn anh Học” (Sđd tr. 101). Người mà học giả Nhượng Tống giành một chương kính cẩn với lời xưng tụng vô cùng thân mật và kính mến: Chị Giang, người đời ca tụng còn gọi là Cô Giang, người làm một “thiên tình sử” trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Thái Học. Một cuộc tình sắt son giữa hai tâm hồn cách mạng nồng cháy lồng trong ý nghĩa của danh ngôn “yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau và cùng nhau đi về một chí hướng”. Cô Giang, tên thật Nguyễn Thị Giang, sinh năm 1906, kém Nguyễn Thái Học 4 tuổi, trước đây sinh hoạt trong tổ chức của cụ Xứ Nhu ở Bắc Giang, sau khi tổ chức cụ Xứ Nhu hợp với VNQDĐ thì Cô Giang trở thành đảng viên VNQDĐ. Đây là một trường hợp ngoại lệ vì VNQDĐ thời bấy giờ không thâu nạp phái nữ. Nhưng trường hợp ngoại lệ này đã tạo nên một anh hùng nữ lưu nước Việt. Không phải như những mối tình thường thấy trên thế gian này, dùng lưu luyến, ái ân làm nền tảng cho “tình yêu”. Chúng ta hãy quay lại một đoạn đời hoạt động cách mạng của Cô Giang mà đánh giá trị “thiên tình sử” này.

Một buổi họp trong ban lãnh đạo bàn công tác, Nguyễn Thái Học nói:

“Đảng chúng ta cần có sự tham gia của binh lính thì sau này mới có thể tính việc khởi nghĩa. Anh truyền lệnh cho em (Cô Giang) phải lôi kéo được viên Quản hoặc viên đội Nhất, đội Nhì có uy tín trong lính khố xanh để họ gia nhập Đảng ta. Và chính họ, chứ không ai khác, sẽ làm công việc đưa toàn bộ binh sĩ của họ gia nhập vào Đảng. Đây là một việc rất gian khó. Em có làm được không?

Cô Giang thưa:

“Anh là đảng trưởng, anh ra lệnh thì em xin chấp hành tuyệt đối”

Nguyễn Thái Học nhìn lên trời xanh, nhả khói thuốc bay và trầm ngâm nói:

“Anh lấy tư cách là đảng trưởng giao phó cho em công tác sau đây: Trong vòng ba tháng em phải lôi kéo cho bằng được đồn lính khố xanh Yên Bái gia nhập Đảng ta. Suốt thời gian công tác em không được liên lạc với anh, bất cứ nơi nào”

Cô Giang mỉm cười và trả lời cương quyết “Em xin tuân lệnh”

Trước khi chia tay: Nguyễn Thái Học nói tiếp:

“Nhiệm vụ này chỉ có em mới thực hiện được đó nhé! Phải có lính khố xanh, khố đỏ được giác ngộ thì họ sẽ là một lực lượng nội ứng khi chúng ta tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa. Khẩu súng lúc anh trao cho em thì em phải gìn giữ cẩn thận để phòng lúc bất trắc…”

Cô Giang trả lời trong sự bịn rịn chia tay:

“Vâng, em đã thông suốt nhiệm vụ của Đảng giao phó, riêng về khẩu súng này thì em xem như vật đính hôn của chúng ta”

Vì nghĩa vụ đối với Đảng, với tổ quốc mà tạm gác tình riêng, tạm quên sự lưu luyến, để đêm đêm đồng chí Nguyễn Thị Giang giả làm cô “bán mía lùi” mà vận động các bính lính, cai đội trong các trại lính Lê Dương về phe cách mạng. Bất chấp cả sương đêm, giá buốt mùa đông miền Bắc, không sờn hiểm nguy, chị nhẫn nhục kiên chì dùng mưu lược mà chuyển hóa lòng người, gây tinh thần yêu nước cho kẻ lầm đường. Phải! Vạn vinh quang từ cổ chí kim, có ai nhận sau những lần sung sướng! Cô Giang, người chiến sĩ cách mạng Việt Quốc đã nằm gai, nếm mật quanh các trại lính Lê Dương và đã giác ngộ bao nhiêu tâm hồn trở về trong lòng dân tộc. Từ Cai Hoàng trong đội lính Lê Dương phản quốc, được giác ngộ trở thành ngọn đuốc thần cách mạng, và còn bao ngàn người nữa… đó là do tài tình, sáng tạo và mưu lược vận động của nữ đồng chí Nguyễn Thị Giang. Vinh quang thay, người nữ chiến sĩ cách mạng Việt Quốc.

Trời không bao giờ chìu lòng người, có ai được thỏa mãn vẹn toàn nợ nước, tình riêng. Cuộc tình gãy cánh Cô Giang–Nguyễn Thái Học đã ghi lại mối tình sử với bao nhiêu lòng ngưỡng mộ. Ngày Nguyễn Thái Học ra Pháp Trường Yên Bái đền nợ nước, Cô Giang núp trong đám người đứng xem, giấu kín nỗi đau như cắt trong lòng chứng kiến người yêu của mình bước lên máy chém. Rồi lẩn thẩn trở về mà giữ trọn lời thề ở đền Hùng. Trai đã trung thì gái phải trinh, hai chữ trung trinh dâng trọn cho nước cho đời. Những dòng chữ sau cùng chấm dứt cuộc tình sử vừa lãng mạn vừa bi hùng bởi những dòng thơ đoạn tuyệt mà Chị Giang đã viết cho anh Học:

“Anh đã là người yêu nước! Không làm tròn nghĩa vụ cứu nước, anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở suối vàng!

Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!”

Rồi chị dùng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng để kết liễu cuộc đời vào ngày 18/06/1930.

Nguyễn thái Học, Phó Đức Chính, Cô Giang, Ký Con, Xứ Nhu…. tên NGƯỜI được trải rộng trên trên các nẻo đường Việt Nam! Cả thù lẫn bạn, từ thế hệ quá khứ, hiện tại và tường lai đều ca ngợi, quý trọng và tôn vinh!

Phải nhìn thấy những ánh sáng để vươn cao, phải tự nhìn bản thân mình mà luận giải. Là một đảng viên VNQDĐ, nối gót theo lý tưởng của NGƯỜI ta phải làm gì cho xứng đáng.

Cập nhật 10-06-2015

Lê Thành Nhân

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt