Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius trả lời phỏng vấn trực tiếp của người dân Việt Nam qua điện thoại

Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius

Nhân dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius trả lời phỏng vấn trực tuyến về mọi mặt trong bang giao đặc biệt hai nước vào hôm 22 tháng 06. Trả lời phỏng vấn, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết năm nay sẽ chứng kiến nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có thể  Tổng thống Obama sẽ tới Việt Nam trong năm nay.

– Nguyễn Công Danh, 45 tuổi: Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã nói: “Chúng tôi vinh dự được cùng các Ngài viết nên một chương mới trong quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam, và chúng tôi biết ơn vì chương sử mới này đã có một khởi đầu tốt đẹp. Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai”. Xin được hỏi ngài đại sứ, chính sách của nước Mỹ hiện nay chọn những nội dung nào là trọng tâm để hiện thực quan điểm đó? Xin cám ơn.

– Ted Osius: Tôi rất vui có mặt ở đây tại thời gian này, trong giai đoạn lịch sử này khi chúng ta kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước. Đây cũng là năm có lẽ có khoảng 6 đến 7 ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam sang thăm Mỹ và có 5 hoặc 6 quan chức cấp bộ trưởng Mỹ, có thể cả tổng thống Mỹ, sang thăm Việt Nam. 

Đây cũng là năm dự kiến chúng ta hoàn tất đối tác TPP, có thể mang lợi ích to lớn cho Việt Nam và Hoa Kỳ. Vào ngày 12/7 tới chúng ta sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Năm nay các hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức tại hầu hết các tỉnh thành Việt Nam. Cho tới nay, sứ quán đã phối hợp tổ chức tại 50 tỉnh thành, với nội dung tập trung làm sâu sắc mối quan hệ này.

Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng trích dẫn câu nói của Ngoại trưởng John Kerry. Ông nói “trên thế giới không có hai nước nào làm tốt hơn Việt Nam và Mỹ trong việc đưa mối quan hệ hai nước gần nhau hơn, hướng tới tương lai”.

Hai nước ta đã hành xử vấn đề chất dioxin cùng với việc tìm người mất tích. Sự hợp tác đó mở khả năng tiến hành nhiều hợp tác khác. Chúng ta có nhiều tiến triển trong nhiều lãnh vực. Tin tốt là ta đã đạt được tiến độ trong kinh tế, thương mại, chính trị ngoại giao, giáo dục, môi trường, sức khỏe đến mối quan hệ hai nước.

Tôi muốn nêu 3 lĩnh vực cụ thể mà quan hệ hai nước đã vượt qua tầm song phương ra toàn cầu. Thứ nhất là gìn giữ hòa bình. Mỹ đã giúp VN đào tạo binh sĩ, cán bộ đủ kỹ năng cần thiết để tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên thế giới. Thứ hai là sức khỏe toàn cầu. Việt Nam là một nước trọng điểm trong sáng kiến của tổng thống Mỹ về sức khỏe toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ còn hơp tác cùng VN trong việc đối phó với nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh truyền nhiễm. Thứ ba là cơ hội hơp tác kinh tế khu vực. Việt Nam là một trong những nước trọng tâm trong việc đàm phán Hiệp Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lương Minh Trung, 61 tuổi, Đồng Tháp – Việt Nam:  Liệu Mỹ có làm ngơ việc Trung Quốc muốn chiếm cả Biển Đông, khi ông Tập Cận Bình mang những miếng mồi béo bở về kinh tế sang Mỹ vào tháng 9 tới không? (Quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông rất rõ ràng. Từ lâu chúng tôi đã ủng hộ tự do hàng hải, các hoạt động thương mại an toàn, không bị cản trở và phù hợp với luật pháp quốc tế.)

– Ted Osius: Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không tiến hành những hành động khiêu khích, đe dọa sử dụng vũ lực.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ngừng vô thời hạn các hoạt động cải tạo đất và chấm dứt việc quân sự hóa các vị trí chiếm đóng tại khu vực này. Các bên cần tham gia vào quá trình đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng tại khu vực này.

Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền trong khu vực này có phản hồi tích cực với lời kêu gọi của chúng tôi.

– Hiếu 35 tuổi: Khi nào Việt Nam có cơ hội để mua máy bay chiến đấu F16, máy bay săn ngầm P3C Orion? Xin cảm ơn đại sứ.

– Ted Osius: Mấy tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến thăm Việt Nam. Ông ấy đã cùng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ký kết về tuyên bố tầm nhìn chung giữa hai nước.

Bản tuyên bố này được xây dựng trên cơ sở biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng hai nước được ký từ năm 2011. Bản tuyên bố này tạo ra khả năng để mở rộng thương mại quốc phòng giữa hai nước chúng ta.

Việt Nam sẽ xem xét các nhu cầu quốc phòng và đưa ra đánh giá để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực quốc phòng hiệu quả. Mỹ sẽ xem xét tích cực các yêu cầu của Việt Nam, nhưng Việt Nam sẽ là người quyết định trong việc xác định nhu cầu quốc phòng phù hợp với mình. Chúng tôi sẽ xem xét các yêu cầu của Việt Nam.

– Nguyễn Đức Tài 21 tuổi: Những gì xảy ra tại biển Đông không chỉ là tranh chấp lãnh thổ, nó làm ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tư cách là cường quốc số 1 thế giới về kinh tế và quân sự, Mỹ luôn chủ trương không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên, Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông?

– Ted Osius: Mỹ là một cường quốc. Chúng tôi có những lợi ích to lớn trong tương lai của châu Á. Tương lai của châu Á theo tầm nhìn của chúng tôi là một châu Á thịnh vượng, hòa bình, nơi các nước có thể giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế và biện pháp ngoại giao.

Về lịch sử mà nói, khi xuất hiện một cường quốc đang trỗi dậy thì giữa cường quốc đang trỗi dậy và cường quốc hiện tại thường có xu hướng xảy ra xung đột.

Để tránh khả năng xung đột đó, chúng tôi mong muốn phát triển một cấu trúc an ninh bền vững ở châu Á. Một cấu trúc an ninh bền vững ở châu Á đòi hỏi ASEAN phải là một tổ chức mạnh mẽ và đóng vai trò trọng tâm.

Chúng tôi ủng hộ và mong muốn ASEAN phát triển mạnh hơn, đoàn kết hơn, thịnh vượng hơn nhằm tiến tới một châu Á mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng.

Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt quan trọng trong các nước ASEAN và Mỹ ủng hộ vai trò này của Việt Nam.Các cơ hội để giải quyết một cách hòa bình các khác biệt về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ trở nên khả thi hơn khi ASEAN phát triển mạnh hơn và đoàn kết hơn.

– Nguyễn Huy Khiêm, 42 tuổi, 49/7Y3 Quang Trung GV:  Tôi được biết Mỹ có hai cấp độ quan hệ với các nước khác. Một là đồng minh. Hai là đối tác bình thường. Có phải như vậy không thưa ngài? Quan hệ đối tác toàn diện là gì? Và chúng ta đang ở đâu?

– Ted Osius: Chúng ta là những đối tác mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng không chỉ quan hệ đồng minh mới quan trọng mà các quan hệ đối tác cũng rất quan trọng.

Tôi từng đến Ấn Độ để giúp xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ. Sau đó, tôi tới Indonesia xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Indonesia. Hiện tôi đang ở Việt Nam để giúp xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Việt Nam.

Điều khác biệt ở đây là chúng ta từng có những khó khăn trong quá khứ. Và trong thời gian qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều để cải thiện điều này.

– Phạm Bích Nga, 50 tuổi, Lâm Đồng: Ông có thể kể về chuyến đi đáng nhớ nhất của mình tại Việt Nam từ khi làm đại sứ đến nay? Những trải nghiệm có khác so với hình dung ban đầu?

– Ted Osius: Hồi tháng 5, tôi có dịp cùng phụ tá ngoại trưởng leo lên đỉnh Fansipang. Nhóm của chúng tôi có cả người Mỹ và Việt Nam, trong đó có một số nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chúng tôi đã leo đến tận đỉnh. Đó là một chuyến đi nhiều thách thức. Núi rất dốc, đoạn gần đỉnh vừa dốc vừa trơn. Rất khó khăn nhưng rất đáng để chúng tôi cùng nhau dốc sức.

Mấy ngày trước khi chúng tôi đi, hai bên đã tiến hành vòng đối thoại về nhân quyền và đó là một thách thức khó khăn, nhưng chúng tôi đã làm việc đó cùng nhau.

Năm nay, tôi 53 tuổi và sẽ có người nói rằng thật điên rồ khi muốn trèo lên đỉnh núi cao nhất của Việt Nam, nhưng đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam cũng là sếp cũ của tôi thường hay nói rằng không có gì là không thể và tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy.

– Đặng Tiểu Trân, 33 tuổi: Tôi rất hâm mộ tình yêu của ngài, ngài có hài lòng với tình yêu của mình không?

– Ted Osius: Tôi rất tự hào về gia đình mà tôi và Clayton cùng gây dựng nên. Bạn đời và tôi đã kết hôn 9 năm trước vào thời điểm hôn nhân đồng tính chưa hợp pháp tại Hoa Kỳ. Chúng tôi đã nhận nuôi đứa con đầu lòng cách đây một năm rưỡi và đứa thứ hai cách đây 2 tháng. Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi hai con đều khỏe mạnh.

– Phạm Văn Bình, 23 tuổi, Quảng Ngãi: Ông muốn để lại dấu ấn gì của mình trong nhiệm kỳ này? 

– Ted Osious: Điều tôi muốn là làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa hai nước chúng ta. Theo quan điểm của tôi, để đạt được điều đó, ta phải cùng làm việc về các nội dung quan trọng với người dân. Những nội dung ấy là tạo điều kiện để trẻ em có sức khỏe tốt, học hành tốt, tạo công ăn việc làm cho người dân. Các hoạt động hợp tác về môi trường cũng quan trọng vì nó liên quan đến con cháu họ.

Hợp tác giáo dục là nội dung quan trọng, vì các hoạt động về lĩnh vực này tạo cơ sở cho tương lai của người dân. Một trong những nội dung hai bên đang hợp tác và cũng là nội dung thú vị nhất chính là hợp tác thành lập trường Đại học Fulbright đầu tiên ở Việt Nam. Đây sẽ là trường kiểu Mỹ độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam và sẽ được thành lập ở thành phố HCM.

Tới nay, chính phủ Mỹ đã góp 17,5 triệu USD và các tổ chức cá nhân khác cũng đóng góp rất nhiều, đưa tổng tiền là 40 triệu USD cho việc thành lập đại học này. Tôi tin chúng ta sẽ thành công và trường đại học này sẽ tạo ra mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ cho nhiều thập kỷ trong thời gian tới.

– Dương Văn Thanh, 55 tuổi, TP HCM: Trong các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam và Mỹ sắp tới, thông điệp mà phía Mỹ muốn đưa ra là gì? 

– Ted Osius: Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản. Hãy nhìn lại trong 20 năm qua hai nước đã tiến xa chừng nào và từ đó có thể hình dung được khả năng tiến xa của hai nước trong 20 năm tới.

Năm nay chúng ta có một cơ hội hiếm có để xác định tầm nhìn chung cho quan hệ hai nước. Chúng ta có thể chuyển từ hợp tác song phương hiệu quả sang hợp tác hiệu quả cấp khu vực và toàn cầu. Chúng ta có thể chứng minh rằng không gì là không thể.

– Nguyễn Văn Quang, 58 tuổi, 29 Lê Cơ , Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng: Việt Nam và Mỹ ngày trước là hai kẻ thù, sau 20 năm là quan hệ bang giao. Người Việt Nam chúng tôi thường dùng chữ “Bạn” để nói về mối quan hệ này. Từ “Bạn” theo cách nghĩ của người Việt Nam là thân thiện, giúp đỡ, sẻ chia … và vì nhau để cùng phát triển. Vậy từ “Bạn” theo cách nghĩ của ngài và chính quyền Tổng thống Obama có giống như cách nghĩ và hành động của người Việt Nam hay không? 

– Ted Osius: Có. Nếu chúng ta định nghĩa “Bạn” chính là cùng nhau làm việc để đạt được phát triển và hướng tới thành công của Việt Nam thì chắc chắn đó là điều mà chúng tôi nghĩ.

– Hà Quang Anh, 22 tuổi, 207 Nguyễn Trãi, Phường 2, Quận 5, SG: Thưa ngài đại sứ, như chúng ta đã biết thì Mỹ đã cấp thị thực có thời hạn 10 năm cho Trung Quốc. Câu hỏi của tôi là, khi nào chính phủ Mỹ sẽ tăng hạn thị thực từ một năm lên 10 năm cho người mang hộ chiếu Việt Nam ?

– Ted Osius: Các bạn biết không, hiện nay Việt Nam cấp thị thực ba tháng xuất nhập cảnh một lần cho công dân Mỹ. Trung Quốc cấp thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần cho công dân Mỹ trong 10 năm. Trong số các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), không có nước nào ngoài Việt Nam yêu cầu Mỹ có thị thực khi xuất nhập cảnh vào Việt Nam.

Nếu chính phủ Việt Nam thực sự mong hội nhập quốc tế toàn diện thì việc chỉ cấp thị thực ba tháng một lần cho công dân Mỹ là một điều sai lầm. Một cơ chế cấp thị thực hiện đại hơn của Việt Nam sẽ tạo điều kiện tăng thêm số lượng khách du lịch, sinh viên, nhà đầu tư Mỹ sang Việt Nam. Nhưng vì Việt Nam thực hiện chính sách thị thực rất khắt khe như vậy nên tôi có nhiệm vụ phải áp dụng các cơ chế thị thực tương ứng.

Trong tương lai gần chúng tôi chỉ có thể cấp visa ba tháng xuất nhập cảnh một lần cho công dân vì chúng tôi chỉ được cấp thị thực tương ứng với giá trị thị thực mà các nước cấp cho chúng tôi. Tôi không muốn làm việc này nhưng chính phủ Việt Nam không cho tôi thêm sự lựa chọn nào khác. Tôi đã nêu vấn đề này với mọi quan chức chính phủ Việt Nam mà tôi gặp ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. Tôi nghĩ việc áp dụng quy chế khắt khe như vậy là trái với lợi ích của hai nước chúng ta.

– Lê Phú Tài, 32 tuổi, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang: Nếu được cử làm Ngoại trưởng đầu tiên tới một xứ sở nào đó ngoài hành tinh Ngài có làm không? và tại sao? 

– Ted Osius: Nếu tổng thống nói nhiệm vụ của tôi phải làm vậy thì tôi sẽ chấp nhận điều đó. Vì sao ư? Vì đó là nhiệm vụ. Tôi nghĩ nó sẽ là một cuộc phiêu lưu khi ta đến nơi chưa có ai từng đặt chân đến.

– Nguyễn Long Hồ, 31 tuổi, SG: Thưa ngài đại sứ Ted Osius, hiện nay nông dân đất nước tôi rất khó khăn về vấn đề nguồn ra cho sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản cuộc sống nhiều nông dân đang rất khó khăn, tôi rất mong sản phẩm nông dân chúng tôi đến được thị trường Mỹ và các nước đồng minh thân Mỹ. Sau khi ký hiệp định TPP thì những mặt hàng nông sản và thuỷ sản có được đến tay người tiêu dùng Mỹ và các nước thân Mỹ không? 

– Ted Osius: Theo một số kết quả nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, việc ký kết thực hiện TPP sẽ giúp tăng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Với tư cách là nước ít phát triển nhất trong số 12 nước đang đàm phán TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng nhiều lợi ích nhất từ hiệp định này.

Hiện nay, một nửa lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam là nông sản và hơn một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng là nông sản.Vì vậy chắc chắn khi TPP hoàn tất thì lượng sản phẩm nông sản của hai nước xuất khẩu sang thị trường của nhau sẽ tăng lên.

Vì vậy, tác động lớn nhất của TPP là sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Chính sách đó đã được nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam công bố. Tôi rất lạc quan rằng quá trình đàm phán TPP sẽ sớm được hoàn tất. Điều này sẽ bổ sung, nâng cao đáng kể chất lượng quan hệ của chúng ta.

– Pham Duc Ha, 64 tuổi, 635 Vu Tong Phan, Ha Noi: Thưa ngài Đại sứ, tôi đã nghe nói nhiều về lợi ích của Việt Nam khi tham gia hiệp định TPP mà chưa nghe nói về lợi ích của nước Mỹ. Xin ngài cho biết về điều này?

– Ted Osius: Cách đây vài năm, Tổng thống Obama đã ra quyết định tái cân bằng chính sách của Mỹ sang châu Á. Có một số người diễn giải quyết định này là để chuyển các nguồn lực quân sự của Mỹ sang châu Á. Nhưng cách thể hiện chính xác hơn điều này là tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter khi nói rằng TPP quan trọng hơn nhiều so với một tàu sân bay.

Hiệp định TPP sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế của 12 nước thành viên, chiếm 40% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ tạo điều kiện để 12 nước thành viên đặt ra và thực hiện tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong thương mại toàn cầu. Hiệp định này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về chiến lược bởi vì điều này sẽ làm gia tăng lựa chọn của chúng tôi.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói với tôi rằng quyết định khi đưa Việt Nam tham gia TPP mang tính chiến lược. Và đối với Mỹ cũng vậy, việc Mỹ cùng với các nước hoàn thành hiệp định này cũng là một quyết định chiến lược.

– Vũ Ngọc Phan 33 tuổi: Xin chào ngài đại sứ! Chúc ngài sức khỏe, thành công! Tôi xin được hỏi ngài nước Mỹ đang có những chính sách gì để khắc phục hậu quả chất độc da cam trên đất nước chúng tôi, xin cảm ơn ngài ?

– Ted Osius: Mỹ đã dành 100 triệu USD cho hoạt động khắc phục ô nhiễm Dioxin gần sân bay Đà Nẵng và dự án này đã đạt được kết quả rất to lớn. Khi lần đầu tiên tôi tới Việt Nam, thời điểm đó hai nước còn chưa thảo luận về dDoxin nhưng hiện nay vấn đề này đã trở thành một chủ đề được thảo luận tích cực giữa hai nước chúng ta.

Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi rút ra rằng nếu chúng ta tôn trọng quá khứ và làm việc cùng nhau với thái độ chân thành về quá khứ thì sẽ mở ra cánh cửa tương lai cho quan hệ giữa hai nước. Một trong những điều gây cảm xúc mạnh mẽ nhất với tôi về người dân Việt Nam là sự chú ý và quan tâm của họ đối với tương lai. Cách hướng tới tương lai đó thể hiện sự lạc quan của người Việt Nam và tôi cũng rất lạc quan về tương lai.

– Lê Phú Tài, 32 tuổi, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang: Ngài đại sứ thích điều gì nhất ở đất nước Việt Nam và có điều gì Ngài không hài lòng? 

– Ted Osius: Điều quan trọng nhất là tôi yêu mến và tôn trọng người dân Việt Nam.

Từ trải nghiệm của tôi, người dân Việt Nam rất mến khách, thông minh và cần cù làm việc. Tôi rất thích và tôn trọng truyền thống lịch sử của Việt Nam. Ví dụ như tôi rất thích truyền thống ăn Tết, tôi đã có cơ hội nấu bánh chưng và thả cá đưa ông Táo về trời. Tôi thích các truyền thuyết của Việt Nam, đặc biệt là truyện người dân Việt Nam có dòng dõi con rồng cháu tiên.

Truyền thuyết thể hiện tính cách và giá trị của người Việt Nam, đó là sức mạnh tinh thần, truyền thống học hỏi cũng như truyền thống nhân đạo.

Tôi rất thích các món ăn của Việt Nam, đặc biệt là bánh xèo, phở hay bất cứ món nào có cua hoặc hoa quả tươi, kể cả sầu riêng.

Danh sách những thứ tôi không thích ngắn hơn nhiều. Tôi không thích bất kỳ yếu tố nào làm giảm khả năng của người Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước vững mạnh và độc lập.

Nếu không có những tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền thì không chỉ mối quan hệ đối tác của chúng ta không thể khai thác hết các tiềm năng mà bản thân người Việt Nam cũng không thể khai thác hết tiềm năng của mình.

Vì vậy điều mà tôi mong muốn được thấy trong tương lai ở Việt Nam là mọi người dân Việt Nam có thể khai thác đầy đủ mọi tiềm năng của mình, trong đó có việc được thực hiện các quyền tự do thể hiện ý kiến, tự do tôn giáo hay tự do hội họp.

Tôi cho rằng đã có rất nhiều tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực nói trên kể từ khi tôi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên và tôi rất chào mừng những tiến bộ đó.

Tôi muốn bổ sung một điều vào danh mục những điều tôi yêu thích ở Việt Nam là người dân Việt Nam luôn tràn đầy hy vọng và lạc quan về tương lai. Tôi chia sẻ tinh thần lạc quan đó của người Việt Nam.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt