Đấu tranh dân chủ và căn bệnh hình thức

Hình minh họa

Bài Đấu Tranh Dân Chủ và Căn Bệnh Hình Thức của nhân sĩ Chính Tâm gửi từ quốc nội, đây là cái nhìn của một người yêu tự do dân chủ tại quê nhà, nói lên những thực trạng của công cuộc đấu tranh cho DÂN CHỦ hiện nay, những lời chân thành từ đáy lòng của một ẩn sĩ dân chủ:

“Lời tâm huyết: Là một người bình thường có đôi chút hiểu biết chính trị và hiểu thế nào là dân chủ đích thực, biết được một vài những khiếm khuyết hiện nay của phong trào dân chủ, tôi mạo muội có đôi lời chân thành gửi tới quý bạn đọc CÙNG CÁC NHÀ DÂN CHỦ, bởi tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, cho dù sự thật đó nghiệt ngã tới đâu, thì chúng ta mới biết được con đường đang đi ra sao, để điều chỉnh làm sao con đường đó mau tới đích.  Cái đích mà nhân dân đang mong đợi đó là DÂN CHỦ”………

Đấu tranh dân chủ và căn bệnh hình thức.

Chính Tâm

Bấy lâu nay, trên mặt trận đấu tranh dân chủ, ngoài việc thiếu tính dân chủ, thiếu tính tổ chức, thì việc đấu tranh chỉ mang tính hình thức đang là vấn đề hết sức nan giải!

Người ta hô hào đòi đảng CSVN thực hiện dân chủ hoá đất nước và dẫu biết rằng chẳng bao giờ CSVN trao trả lại quyền đó cho dân một cách tự nguyện, bởi lợi ích quyền lực chính là động cơ mà đảng CSVN đang có tình độc tài hoá nhà nước, cho nên kẻ bị đòi này sẽ cực kỳ ngoan cố tìm mọi cách chiếm giữ. Nhưng các nhà dân chủ lại bỏ qua một yếu tố hết sức quan trọng là người được hưởng lợi ích từ nền dân chủ chính là quần chúng nhân dân, mà nay đại đa số những người bị bóc lột, bị nghèo khổ trong xã hội, chính là những người được đòi lại những quyền cơ bản của họ bị chiếm đoạt, lại không được giác ngộ đầy đủ, không được hiểu biết sâu sắc về một xã hội dân chủ!  Thế nào là một xã hội dân chủ! điều kiện nào làm nền tảng cho một xã hội dân chủ! và quyền lợi nào mà một người dân trong xã hội dân chủ được hưởng!

Thậm chí ngay bản thân những nhà đấu tranh dân chủ chưa hiểu hết, chưa hiểu sâu, hiểu kỹ về những yếu tố quan trọng và cơ bản để xây dựng lên một xã hội dân chủ, một thể chế dân chủ, hay nói một cách khác khi người ta tiến hành làm một việc gì, họ thường bỏ qua việc trước khi làm cần phải tìm hiểu kỹ việc mình cần thực hiện, chẳng hạn như người thợ mộc, ông ta muốn sản xuất ra một sản phẩm là một cánh cửa, thì việc trước tiên ông ta phải tìm hiểu chủng loại nhóm gỗ có phải là loại gỗ chuyên dùng để làm cửa hay không! Thực hiện nó ra làm sao, bắt đầu từ những việc nào v….

Nhưng điều đó đã không được các nhà dân chủ chú ý tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc của vấn đề. Thế nào là dân chủ và yếu tố quan trọng nào để xây dựng lên một xã hội dân chủ, hay như việc đấu tranh dân chủ có phải là nhu cầu bức thiết, vì sao lại bức thiết như thế v.v…  tất cả những điều đó tuy có được đề cập đến nhưng nó chỉ lướt qua, đại khái, chứ không được đào sâu, phân tích, luận giải một cách nghiêm túc, đầy đủ, lớp lang và kỹ lưỡng. Với một thực trạng chính các nhà dân chủ còn hiểu lơ mơ, hiểu hình thức như vậy thì làm sao người dân lại hiểu vấn đề dân chủ một cách thấu đáo để tham gia dân chủ được?

Bản thân các nhà dân chủ là do bức thiết vì bị mất quyền lợi, bị bức xúc trước những thực trạng xã hội, có ý thức tham gia đấu tranh đòi dân chủ, mà còn chưa hiểu được dân chủ một cách cơ bản và đầy đủ, có khác nào ông giáo dạy học sinh chỉ biết đọc cho trò chép bài, chứ không biết giảng bài cho học sinh, lại than vãn là học sinh kém quá, không hiểu bài!

Bệnh đấu tranh hình thức nó được xem đến như một hiện tượng phản ứng vô điều kiện, hoặc thụ động chữa bệnh, chữa mò may thì trúng mà không may thì cũng chẳng chết ai!  Cái phương thuốc dân chủ nó vô hại những cái lợi nó cũng chẳng đáng là bao. Những nhà dân chủ cũng giống như ông bác sĩ, phải xem xét chuẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, để từ đó có phương pháp và biện pháp điều trị, kê đơn bốc thuốc, chữa trị căn bệnh tận gốc có hiệu quả.  Nhưng có lẽ dân chủ Việt Nam cũng giống như một ông bác sĩ tồi, tuy đã biết bệnh, nhưng lại không tìm ra căn nguyên gây mầm bệnh, đã kê sai toa thuốc “Tuy vô hại những cũng chẳng thể nào khỏi được bệnh”.

Chỉ cần nêu ra thực trạng của bệnh đấu tranh hình thức trong những bài viết được đăng tải trên mạng intenet, chúng ta đã thấy được điều đó, hiếm khi có bài viết nào có tính thực tiễn, có tính cách mạng, có tính đấu tranh cụ thể, biết cách phân tích tình hình, biết cách tổ chức, biết cách vận động quần chúng, biết cách nuôi dưỡng phong trào, biết phân tích cặn kẽ mặt mạnh mặt yếu của địch, của bạn, vận dụng lợi thế quốc tế v.v….

Với những đề tài mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tiễn, thậm chí coi đó là cái “tiêu” chỉ đường dẫn lối cho Cộng Sản phải làm như thế này, phải làm như thế kia thì đất nước mới phát triển được, những dự án thừa đã được dày công nghiên cứu không những phi thực tiễn mà nó có vẻ như còn lo dùm cho những thế hệ sau (sợ lớp hậu thế trẻ người, non dạ không biết điều hành quản lý đất nước) chủ yếu là những bài viết lên án vạch tội chế độ độc tài CS, những bài bình luận về các sự kiện chính trị, lên án đường lối của đám lãnh đạo nhà nước CSVN,  hoặc những bài phản ảnh tình hình chính trị trong nước là chính (mặc dù là những bài này cũng có bổ ích) nhưng thực tế cho thấy nó không có tác dụng thẩm thấu đến ngay những nhà dân chủ, chứ đừng nói đến việc cổ vũ tuyền truyền giác ngộ cho nhân dân tham gia hoạt động dân chủ.

Giữa lời nói và hành động, giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách tương đối rộng, ngay như chúng ta làm tốt công tác lý luận tư tưởng, ngay như chúng ta vạch ra chủ trương và đường lối đúng đắn, nhưng khi chúng ta đi vào thực hành mà thiếu kế hoạch, thiếu tổ chức, thiếu phân nhiệm rõ rệt thì việc đưa lý luận tư tưởng vào phổ biến trong đời sống nhân dân, dân chủ đã khó lòng trở thành hiện thực, huống hồ hiện nay những việc chúng ta đã làm, còn khá xa với những yếu tố quan trọng cần phải có được cho cuộc cách mạng dân chủ!

Bệnh hình thức đấu tranh dân chủ trong ngôn luận thông tin đã đành, hình thức đấu tranh dân chủ trong các hoạt động thực tiễn lại càng trở lên trầm trọng hơn. Cho đến nay các nhà dân chủ tuy bị chế độ độc tài CSVN quản lý khống chế chặt chẽ, hạn chế rất nhiều các hoạt động dân chủ ở ngoài xã hội, nhưng không phải là tuyệt đối, họ vẫn được tự do trong một không gian hẹp, được tiếp cận với các sự kiện chính trị xã hội có giới hạn.  Nhưng gần như các nhà dân chủ đã không nắm bắt tận dụng được những cơ hội đó, mà khi tiếp cận với những sự kiện nóng, họ chỉ xác định có nhiệm vụ đưa và phản ánh tin tức có tính tố cáo, lên án chế độ CS ra hải ngoại, nhiệm vụ này chẳng khác gì một cơ quan trao đổi thông tin, không hơn không kém (mặc dù đây là một điều cần thiết, nhưng không đạt điều kiện ắt có và đủ cho một tiến trình cách mạng dân chủ).

Chưa thấy có bất cứ nhà dân chủ nào giải thích, tuyên truyền cho dân về dân chủ!  Ngay vấn đề dân oan, là tầng lớp bị áp bức, bị khốn khổ nhất và họ là những người căm thù chế độ nhất, cũng chỉ được các nhà dân chủ giúp đỡ tranh đấu trong khuôn khổ sự kiện sự việc, chứ họ không hề được giải thích tuyên truyền vì đâu, do đâu mà họ phải chịu oan ức bất công như vậy!  có phải chăng là dân đang sống dưới một chế độ độc tài áp bức thiếu tự do dân chủ?!

Ở hải ngoại cũng vậy, việc hoạt động dân chủ được cho là “hỗ trợ”trong nước cũng xảy ra rất hình thức, nó chỉ mang tính bức xúc tố cáo tìm mọi cách vạch ra điểm yếu kẽ hở của CS, để từ đó đua nhau lên án, bình luận cho bõ tức cho hả giận mà thôi!  Vì vậy việc các tổ chức các đài báo hải ngoại lấy tin tức trong nước theo kiểu thương mại truyền thông, chủ đề nhàm chán chưa thấy có tờ báo hay phóng viên nào đè cập tới thực trạng và tình hình dân chủ Việt Nam hiện nay. Các tổ chức thì ngoài việc vẽ voi trên giấy thì có vài liều thuốc thử xem mức độ phản ứng của CSVN, nhằm đề ra kế hoạch về nguồn sao cho phù hợp.  .  .

Rất nhiều!  Rất nhiều các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhưng các nhà dân chủ đã không làm được điều đó!  Cái cần làm thì họ không làm, cái không cần làm thì họ lại thi đua nhau làm. Nhưng điều quan trọng nhất là những nhà dân chủ đã không theo kịp và đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi dân chủ mà thời đại đã giao phó, nhân dân đang khao khát là phải phổ biến tuyên truyền dân chủ cho quần chúng, phải có những hoạt động dân chủ cụ thể thiết thực đi vào đời sống quần chúng, có tác dụng tuyên truyền có ý nghĩa dân chủ, chứ không phải những bài viết suông.

Chưa bao giờ và chưa các nhà dân chủ tự hỏi tại sao cho đến giờ này dân chủ vẫn còn ì ạch?  Tại sao người dân vẫn chưa tin tưởng vào phong trào dân chủ?  Lý do nào? Do đâu?  Để tìm ra phương án tối ưu nhất, để biết được cái khiếm khuyết của mình nhằm điều chỉnh các hoạt động dân chủ cho phù hợp?

Có những lý do rất nông cho rằng họ không có nhiệm vụ phổ biến tuyên truyền và dẫn dắt dân chủ mà nhiệm vụ của họ là đấu tranh dân chủ, họ đấu tranh đối đầu trực diện với chế độ cộng sản đã là quả cảm, đã là cống hiến lắm rồi, việc mà những người khác sợ không dám dấn thân vào đấu tranh là do họ chứ các nhà dân chủ bảo làm sao được?   Họ cũng là trí thức, có học hàm học vị, cũng là những người hiểu biết!  Chứ có phải họ là bình dân đâu?  Tại sao họ không dám ra mặt đấu tranh dân chủ?  Lỗi đó đâu phải do chúng tôi!

Đây cũng là nguyên nhân chính cho câu hỏi tại sao dân chủ không phát triển được ở trong nước.  Chủ yếu do những nhà dân chủ không biết cách làm chính trị, họ không biết phải làm gì và phải bắt đầu từ đâu!  Phải biết kết hợp vận dụng giữa đấu tranh với tuyên truyền, vận động.  Họ phải hiểu rằng, những người trí thức có sự hiểu biết, họ có lòng nhiệt tình tâm huyết nhưng những điều đó chỉ đến với họ trong khoảng khắc, khi lý trí chỉ tức thời thắng được bản năng cố hữu mà thôi!  Khi trở về với thực tại, khi phải đối mặt với sự lo lắng sợ hãi, thì sự nhu nhược lại trở về với bản năng vốn có của con người, những phiền toái khi phải dây với hủi…  Nhất là công an, một công cụ đắc lực tàn bạo và ngu trung có tiếng là máu lạnh làm họ chùn bước, đó là những lý do mà những người có tâm huyết, những không đủ bản lĩnh để vượt qua.

Nếu như có sự động viên khích lệ, nếu như có sự tuyên truyền giác ngộ, nếu như các tổ chức dân chủ đi đúng bài bản có chủ trương đúng đắn, những người có cảm tình với dân chủ, những người còn chần chừ do dự sẽ cảm thấy có chỗ dựa, có niềm tin, họ sẽ mạnh dạn tham gia vào hàng ngũ đấu tranh dân chủ. Một điều chúng ta dễ nhận thấy, cái tảng băng chìm dân chủ rất dồi dào qua các ý kiến tham gia góp ý, bình luận trên các trang mạng, có đến hàng ngàn người chưa lộ diện (chưa kể những người không có điều kiện lên mạng) đó là con số thực tế mà ai cũng có thể rờ mó được.   (….)  Phải chăng dân chủ đã để phí phạm, bỏ qua cơ hội để có được một lực lượng hùng hậu mà không một ai trong họ cảm thấy xót xa, nuối tiếc?

Thậm chí họ không biết cách tổ chức cũng như cơ cấu nguyên tắc của một tổ chức chính trị ra sao?  Đa số các tổ chức rất nghèo nàn ấu trĩ về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc tổ chức, hệ thống tổ chức vv.  .  Còn lại như những con ngựa hoang không có tính bầy đàn, lang thang kiếm ăn lẻ tẻ.

Không ít những nhà dân chủ cơ hội, họ coi chính trị là cứu cánh để đạt được mục đích danh vọng hão, họ hoạt động dân chủ cốt giải quyết cái “oai” là chính, muốn nổi danh muốn thể hiện cho thiên hạ biết mình là ai!

Do chưa vượt qua được chữ tôi, cái bản ngã muôn đời khó vượt, hiếm có người hoặc chưa có ai xác định đấu tranh chỉ là phương tiện nhằm đạt mục đích dân chủ cho đất nước một cách đích thực nhất.

Lời tâm huyết: Là một người bình thường có đôi chút hiểu biết chính trị và hiểu thế nào là dân chủ đích thực, biết được một vài những khiếm khuyết hiện nay của phong trào dân chủ, tôi mạo muội có đôi lời chân thành gửi tới quý bạn đọc CÙNG CÁC NHÀ DÂN CHỦ, bởi tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, cho dù sự thật đó nghiệt ngã tới đâu, thì chúng ta mới biết được con đường đang đi ra sao, để điều chỉnh làm sao con đường đó mau tới đích.  Cái đích mà nhân dân đang mong đợi đó là DÂN CHỦ

Lời góp ý: Theo thiển ý của tôi, thì yếu tố quan trong nhất của bất kỳ cuộc cách mạng nào và nhất là cách mạng Việt Nam (bởi thế lực độc tài CSVN rất mưu mô xảo quyệt, lại có tổ chức chặt chẽ và tinh vi) là PHẢI có tổ chức chính trị làm nòng cốt, những tổ chức chính trị này lại phải có tính chuyên nghiệp để nắm vững luật chơi, những bước đi quan trong nhất cho 1 tổ chức chính trị là dựa trên hai yếu tố quan trọng nhất là lý luận và thực tiễn.

Lý luận phải dựa vào thực tiễn, để từ đó điều chỉnh đường lối tư tưởng phù hợp và sát thực với điều kiện thực tiễn.

Thực tiễn phải dựa vào lý luận, để định hướng cho tư tưởng có tính nhất quán, như vậy mới tạo được những bước đi cơ bản vững chắc.

VN 09-03-2008

Chính Tâm

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt