Cô lập Bình Nhưỡng: Mỹ vẫn gặp cản lực từ Nga và Trung Quốc

Ngày 03/12/2017, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Tướng McMaster, nhắc lại quan điểm của Mỹ theo đó việc Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân là một hiểm họa thực thụ đối với mọi nước, kể cả Tàu và Nga (Ảnh REUTERS/Kevin Lamarque)

Tình hình bán đảo Triều Tiên nóng lên trở lại, với cuộc tập trận không quân rầm rộ chưa từng thấy của liên quân Mỹ-Hàn khởi sự từ hôm nay, 04/12/2017, chỉ vài ngày sau khi Bắc Hàn cho thử nghiệm một hỏa tiễn có tầm bắn đến tận nước Mỹ. Vụ thử được cho là dấu hiệu chứng tỏ thất bại của Washington trong việc cổ động cả thế giới chống Bình Nhưỡng, trong khi lại vấp phải thái độ thiếu mặn mà từ phía Nga và Tàu Cộng.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Hoa Kỳ Fox News ngày 03/12, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng ông McMaster đã nhắc lại quan điểm của Mỹ theo đó việc Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân là một hiểm họa thực thụ “đối với Nga, đối với Tàu Cộng, đối với tất cả các nước”.

Không phải là ngẫu nhiên mà ông McMaster nêu đích danh Nga và Tàu Cộng là nạn nhân tiềm tàng của Bắc Hàn. Ngay từ giữa tuần trước, sau khi Bình Nhưỡng cho thử nghiệm một hỏa tiễn có thể bắn đến tận nước Mỹ, Hoa Kỳ đã lại lên tiếng kêu gọi cả thế giới cùng chung sức ngăn chặn tham vọng hỏa tiễn-hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An, bà Nikki Haley, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng với cuộc thử nghiệm đó, chế độ độc tài Kim Jong Un đã đẩy thế giới đến gần chiến tranh hơn. Để ngăn chặn bàn tay của Bắc Hàn, bà Haley đã kêu gọi tất cả các nước cắt đứt mọi quan hệ với Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, lời kêu gọi này đã lập tức bị Mátxcơva bác bỏ. Phát biểu với một số nhà báo tại Minsk, thủ đô Belarus, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đánh giá một cách tiêu cực lời kêu gọi đoạn giao của Mỹ đối với Bắc Hàn. Ông còn cho rằng các biện pháp trừng phạt đã không có tác dụng cản bước tiến của Bình Nhưỡng, trong lúc giải pháp quân sự là một sai lầm lớn.

Cho đến nay, Mátxcơva vẫn được xếp vào diện đồng minh của Bắc Hàn, tương tự như Tàu Cộng.

Thái độ của Tàu Cộng đối với Bắc Hàn cũng không rõ ràng. Một mặt, Bắc Kinh ban hành một số biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Bình Nhưỡng, nhưng mặt khác lại từ chối một số trừng phạt được cho là dứt khoát hơn nhắm vào đồng minh của mình. Một trong những biện pháp từng được Mỹ đề xuất là Tàu Cộng cắt nguồn dầu hỏa cung cấp cho Bắc Hàn.

Theo đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, thì ngay sau vụ thử hỏa tiễn mới nhất của Bình Nhưỡng, chính tổng thống Mỹ Donald Trump, một lần nữa đã gọi điện của chủ tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình để yêu cầu cắt nguồn dầu hỏa cung cấp cho Bắc Hàn.

Bộ Ngoại Giao Tàu Cộng đã tránh đề cập đến yêu cầu cấm vận của Mỹ, chỉ nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, và áp dụng một loạt lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than, quặng sắt, và hải sản từ Bắc Hàn. Và trong thực tế, đường ống dẫn dầu từ Tàu Cộng qua Bắc Hàn vẫn không ngừng hoạt động.

Bắc Kinh lo ngại rằng các hành động cứng rắn hơn có thể làm cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn ở vùng biên giới với Bắc Hàn và nhất là cho phép quân đội Mỹ-Hàn áp sát biên giới Tàu Cộng.

Đối với hãng AFP, việc Bắc Hàn vẫn tiếp tục thách thức Mỹ và quốc tế cho thấy là chiến dịch vận động của Mỹ nhằm cô lập và bóp nghẹt kinh tế Bình Nhưỡng đã không thành công. Tàu Cộng và Nga phải chăng đã góp phần khiến Mỹ thất bại?

Trọng Nghĩa

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt