Chống Cộng Trong Niềm Tin

“Ước mơ yêu chuộng tự do công lý hòa bình, sự ao ước tôn trọng nhân phẩm nhân quyền cho Việt Nam chỉ có giống. Nếu chúng ta không trồng, không gieo, không vãi, thì sự yêu chuộng của chúng ta mãi mãi chỉ là một giấc mơ”- Linh Mục Đinh Xuân Minh trong bài Chống Cộng Trong Niềm Tin…

CHỐNG CỘNG TRONG NIỀM TIN

Đại Hội giới trẻ (WYD) 2008 lần thứ XXI được tổ chức tại Úc, với chủ đề đại hội “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Sách Công Vụ 1, 8).

Nhân dịp WYD đang diễn ra tại Sydney, với chủ đề về Chúa Thánh Thần, chúng tôi muốn diễn giải thêm về ý nghĩa “chống cộng nhờ qua đức tin”, trong sự hỗ trợ của Chúa thánh Thần và Mẹ Maria.

Chống cộng trong niềm tin như thế nào?

Nhà Triết gia Đamạch thời cận đại, Sören Aabye Kierkegaard, luôn khẳng định trong mọi bài Triết Luận của ông ta rằng, Thiên Chúa đòi hòi chúng ta phải tự quyết, tự lập, tự làm để đạt đến cứu cánh. Mọi việc, chúng ta phải tự đảm trách nhiệm không ỷ lại cho người khác, không ngồi gốc sung đợi Thiên Chúa làm phép lạ cho sung rụng.

Sören Aabye không theo đuổi triết lý: “làm bởi bay cho bởi ta”, song là “hãy làm, rồi ông trời mới giúp cho”. “Làm bởi ngươi cho bởi ta”, chú trọng đến sự quan phòng của Thiên Chúa. Con người là thụ tạo, Thiên Chúa quyền năng cao qúi. Tuy nhiên, trọng tâm Triết Học của Kierkegaard, thì nhà triết gia này vẫn qủa quyết rằng: phải làm trước và không ỷ lại Thiên Chúa mới được cứu rỗi, vì hành động có thể làm thay đổi số mạng đã ấn định.

Kierkegaard phê bình người tín hữu đi lễ vào ngày Chúa nhật giống hình ảnh như sau: Họ như là những con Ngan sống trong chuồng nông trại. Có nghĩa, chúng có cánh mà không biết bay. Chúng chỉ biết chạy nhảy tung tăng trên mặt đất, chạy ra chạy vào trong chuồng.

Chúng tụ họp nhau nghe giảng dạy mỗi tuần. Mỗi lần giảng, Ngan Cụ luôn dặn dò cho chúng biết rằng, xưa kia tổ phụ chúng ta biết bay. Và Ngan Cụ luôn nhắc nhở các con cháu: Các con có cánh, các con biết bay, nếu các con muốn. Mỗi lần nghe được những lời kêu gọi như thế, thì mọi Ngan Con tụ họp có mặt hôm đó, đều ca ngợi Thượng đế đã tặng họ ĐÔI CÁNH, đã ban họ ƠN BIẾT BAY. Thật là Hồng phúc biết bao! Chúng cảm thấy tự hào, hãnh diện vui mừng là mình cũng thuộc loài vương chim trên trời, chứ không phải “loại” sống dưới đất, lúc nào cũng hài lòng những gì nhỏ mọn trên mặt đất. Chúng ca ngợi những lời dạy bảo nhắn nhủ của Ngan Cụ đã dẫn chứng động viên cho chúng hiểu biết. Sau buổi lễ, đoàn Ngan Con về ăn trưa.

Điều mọi Ngan Con không làm dù mới nghe dạy bảo và khen ngợi những lời khuyên nhủ, đó là: thay vì bay về trại, chúng không bay mà rông bộ. Bởi vì trên đường đi chúng nhặt được những hạt thóc, ăn được những hạt cơm vung vãi lề đường, bắt được những con giun, con rết… Và nông trại thì được bao vây chung quanh bằng hàng rào kẽm gai. Chúng cảm thấy an toàn và an phận hài lòng với bản năng đang có, nên đi bộ là chắc ăn nhất!

So sánh với người Kytô hữu, Kierkegaard phê bình hình ảnh này như sau: Trong mỗi Thánh lễ, mặc dù người Thiên Chúa Giáo nghe giảng về Tin Mừng của Đức Giêsu. Họ hằng đội ơn Chúa, rằng Thiên Chúa đã yêu thương họ. Họ nghe dạy dỗ về tình thương nhân loại, tình người lân lận, tình xót thương bao la của Thiên Chúa. Họ được nghe và được giáo dục trong “môi trường đầy tình yêu thương”. Họ ao ước và mơ tưởng về một thế giới trong tương lai tốt lành, một tương lai đầy tình người, nhân bản. Họ mơ về một xã hội công bằng biết tôn trọng Tự Do Công Lý Nhân Phẩm con người.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, họ không thực hiện và áp dụng những điều họ đã nghe và những gì họ đã tin. Và rồi cuối cùng, cũng chẳng có gì thay đổi, trước sau như một. Thế giới họ đang sống, cũng là một thế giới đầy xảo trá gian manh, đầy rẫy sự ác sự thù hằn, đầy sự bất công v.v….

Đức tin và đi xem lễ chẳng mang lại hoa qủa ích lợi gì cho họ, giống như những con Ngan, có cánh mà không biết (dám) bay. Có cánh cũng chẳng mang được tích sự gì. Thà không có còn tốt hơn để khỏi mang tội vong ơn: ném ơn Chúa ra ngoài cửa sổ.

Dù chăm chỉ đi lễ ngày Chúa Nhật, nhưng đức tin của họ chẳng liên quan gì đến đời sống hằng ngày, đó là kiểu TIN ĐẠO, nhưng không HÀNH ĐẠO. Có lẽ, câu khiển trách này chúng ta đã nghe qúa quen và đã quá nhàm chán chăng?!

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, chúng ta nên “nghiêm túc” với những câu khiển trách này. Và chúng ta cần suy nghĩ về “hiện tượng” này của người Thiên Chúa Giáo, nếu đây là một “hiện tượng“.

Chúng ta thực thi lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thế nào? Cái gì làm chúng ta ngăn cản Hiệp thông lời Chúa trong việc làm chúng ta? Chúng ta phải làm gì để thực thi lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày?

Trước hết chúng ta đọc đoạn Thánh thư Tông Đồ Công Vụ sau:

“Sau khi Đức Giêsu được rước lên trời, các Tông đồ từ núi gọi là núi Ô-lui trở về Giêrusalem… Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philíphê, Tôma, Batôlômêô, Máthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm qúa khích, và Giuđa con ông Giacôbê (Nhóm Mười Một).

Và tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu.” (Cv 1, 12-14).

Đầu tiên, chúng ta hãy nhìn gương các môn đệ và những người phụ nữ đã theo Chúa! Ngay lúc đầu, có lẽ chúng ta cũng nghĩ được rằng, lời khiển trách và phê phán của Sören Aabye Kierkegaard là đúng với trường hợp các Tông đồ: Lẽ ra, các môn đệ vừa nhận được ơn của Chúa Thành Thần, với lòng dũng cảm và mạnh dạn, phải ngay lập tức “xuống núi” công bố Tin Mừng, phải can đảm mà vững tin trà trộn vào dân, phải hăng xay xông xáo hô to nói lớn loan truyền làm Chứng Nhân cho Chúa Phục Sinh. Nhưng không! Họ, mọi môn đệ và những cộng sự tác viên của Chúa, những người sống chết với Chúa, rút về Phòng Tiệc Ly. Họ nhút nhát sợ xệt? Họ chui vào „chuồng“?! Họ làm gì trong đó? Thưa, họ gặp nhau để cùng nhau CẦU NGUYỆN trước khi lên đường rao giảng Tin Mừng. Và đặc biệt, lần cầu nguyện này có sự hiện diện của Mẹ Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu.

Sau khi họ cầu nguyện với nhau xong, họ mạnh dạn hơn, họ không còn sợ rủi ro, họ xử dụng đôi cánh (như con Ngan) -ơn của Chúa- để tung bay khắp mọi nẻo đường rao giảng Tin mừng, mà Tin này nó phải là Tin mừng hết sức vĩ đại mà họ đã hết lòng phấn khởi mong đợi. Họ không sợ hãi trước sự bắt bớ, họ can đảm RA ĐI chống lại tất cả những chướng ngại vật, họ không sợ những hình phạt giăng ra để đòi bị miệng họ. Họ không còn biết ngại ngùng, họ hết lòng xả thân cho công việc công bố Nước Trời đã đến, Nước Trời của sự Công Lý Hoà bình, của sự Bình An, Nước Trời của sự Giải Phóng mọi khốn cực con người. Không ai ngăn cản được họ. Thay vì chọn cuộc sống an nhàn, họ không chọn. Họ chọn sự DẤN THÂN HY SINH vì anh em.

Nếu xưa kia các môn đệ Chúa không can đảm “ráp cánh” bay cao xa, thì ngày hôm nay, hằng trăm ngàn triệu người trên thế giới sẽ không có cơ may đón nhận Tin Mừng của Chúa. Các Môn đệ đã tung bay khắp bốn phương trời, bất chấp sự khó khăn hiểm nguy. Chính trong thời điểm này giáo Hội Công giáo được khai sinh!

Chúng ta học được bài học gì qua đoạn thánh thư này?

a)- Một bài học thật qúi giá cho chúng ta khi chúng ta áp dụng vào trong đời sống thực tiễn. Những hội đoàn tổ chức đấu tranh cho Nhân Quyền, đấu tranh cho quyền Tự Do con người, mọi sinh hoạt của tổ chức đảng chính trị, phải nhớ về sự kiện lịch sử trong Phòng Biệt Ly, nơi các môn đệ tụ họp với nhau cầu nguyện cùng với Đức Mẹ Maria, là người “Mẹ”, trong NIỀM TIN mong đợi Thiên Chúa đã hứa, hứa ban “Đấng bảo trợ”. (Xin lỗi, chúng tôi đang nói về khía cạnh của Thiên Chúa Giáo).

b)- Mọi người nam nữ có cùng một đức tin, họ sống trong sự hiệp thông cầu nguyện trước khi làm một việc gì. Họ tụ họp với nhau để cảm nghiệm được sự Hỗ Trợ của nhau trong một cộng đoàn. Và trong một cộng đoàn, họ cảm thấy được nâng đỡ, họ cảm thấy có động lực, có sức mạnh thúc đẩy hành động.

Cộng đồng người Việt Tự do Úc Châu sẽ tổ chức buối biểu dương lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ,

nhằm Chúa Nhật, ngày 20. Juli, lúc 9 giờ sáng, tại Randwick Race Course, hôm bế mạc đại Hội Giới trẻ tại Sydney.

Ý nghĩa buổi biểu dương này là gì?

a)- Chúng tôi cảm nghiệm được sự Dũng Cảm của Cộng đồng người Việt Tự do tại Úc và tất cả mọi tham dự viên. Họ dám làm Nhân Chứng cho sự Thiện, cho sự Tốt lành. Chúng tôi cảm nhận được Ơn Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần đã đổ tràn đầy trong lòng họ.

b)- Và trong buổi biểu dương BIỂU TƯỢNG lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là họ làm CHỨNG NHÂN của những người yêu chuộng Tự Do, Công Lý và Hoà Bình, họ mang theo hình Mẹ La-Vang, mang theo cờ Hội Thánh để diễn tả được sự kiện lịch sử trong Phòng Tiệc Ly. Hình ảnh Mẹ La-Vang còn diễn tả chúng ta đang cầu nguyện cùng với Mẹ Maria, hiệp thông với giáo hội Việt Nam, những người con Việt đang bị đàn áp, giam cầm tại Việt Nam, trong đó có Lm Nguyễn Văn Lý, Ngôn xứ và là người con dũng cảm của Giáo Hội Việt Nam.

c)- Với lá cờ Hội Thánh để nói lên rằng, Giáo Hội tin cậy chúng ta, Giáo hội luôn đứng về lẽ phải, bênh vực cho sự công chính và chống lại gian tà.

d)- Mẹ Maria đã “xin vâng vì sự sống”! Sẵn sàng chịu gian nan khó khăn để Chúa Giêsu chiến thắng Sự Dữ, qua Tin Cứu Độ, tin đó là: “tin tốt lành cho người nghèo, sự giải thoát cho kẻ bị áp bức tù đày, ánh sáng cho người mù (mê muội)…” (Lc 4, 18-19; Is 61, 1-2) Đó chính là nhiệm vụ của Giáo Hội đối với thế giới, là sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội.

e)- Buổi hội tụ hôm đó với những câu kinh lời ca “Kinh Hòa Bình”. Giới trẻ Việt Nam đã và đang sẵn sàng dấn thân để rọi sáng thế giới bằng chân lý của Chúa Kitô. Họ sẵn sàng lấy tình yêu đáp trả mọi hận thù và mọi khinh rẻ sự sống, chống lại sự ác. Họ công bố tin Hy Vọng Giải Thoát Dân Tộc đang bị kìm kẹp dưới chế độ CS vô thần cho quê hương và cho khắp thế giới biết.

f)- Cuộc biểu dương này như ngọn lửa thiêu đốt sự ác của CS, và sẽ thổi lên luồng gió Dân Chủ Tự Do bay về Việt Nam, cuốn bay sự độc tài gian ác của chế độ CS. Ngọn gió này sẽ Hiệp Thông cùng với tất cả người con Việt yêu chuộng Tự Do, yêu chuộng Công Lý Hoà Bình, yêu chuộng sự Tôn Trọng Nhân Cách Con Người, đều nhất quyết một lòng đứng lên để thiết lập một thể chế Phi Cộng Sản.

Kết luận:

Để muốn có Tự Do Dân Chủ thật sự sớm có tại Việt Nam, tất cả mọi giới mọi ngành, mọi thành phần xã hội, từ học sinh sinh viên đến những người dân oan, những công nhân nông dân, những cụ lão thành CS yêu nước, Quân Đội của Dân, cũng như Công An của Dân, mọi người dân trong nước cũng như hải ngoại, tất cả mọi người đều cùng nhau tự lực, tự đảm lấy trách nhiệm, làm những gì chúng ta làm được. Một trong những điều quan trọng trong công cuộc Dân Chủ Hoá là sự huớng dẫn dìu dắt của các vị Chức Sắc các Tôn giáo, trong nước cũng như hải ngoại.

Không ai làm thay cho chúng ta! Chỉ có chúng ta làm nên lịch sử, chỉ có người có lòng Thiện chí, chỉ có người dân Việt làm lại ngôi nhà Việt Nam Mới, trong đó mọi tự do nhân phẩm con người được tôn trọng, trong đó mọi người mọi nhà được hạnh phúc ấm no.

Đấy cũng là triết lý của Sören Aabye Kierkegaard, tóm gọn sau:

  • Muốn Thành Công phải tự làm.
  • Phải Tranh đấu mới có Chiến Thắng.
  • Muốn có Hy Vọng phải hành động.
  • Ai không làm đã chuốc lấy sự thất bại!

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin được kể qúi vị câu chuyện, “Chỉ là một giấc mơ”, được sửa đổi:

“Cậu thanh niên kia có một giấc mơ: Anh ta bước vào cửa tiệm bán hàng. Đằng sau quầy hàng, anh ta nhìn thấy vị Thiên thần đứng đó. Mừng rỡ, cậu ta hỏi Thiên Thần vội vã: “Ngài bán những gì ở đây vậy, thưa Ngài?” Thiên Thần trả lời niềm nở thân thiện với anh ta: “Chúng tôi bán tất cả những gì anh muốn!” Cậu thanh niên mừng rỡ qúa, liền vội đặt tất cả những gì anh ta đã mơ ước: “Tôi muốn mua một Nền Thể Chế Dân Chủ Tự Do tại Việt Nam. Tôi muốn đặt mua sự chấm dứt chiến tranh trên hoàn cầu. Tôi muốn đặt mua những điều kiện thuận lợi cho những kẻ sống ngoài vòng xã hội, mua sự đền bù đất đai cho Dân oan. Mua sự trả Tự Do cho những Chiến Sĩ Đấu Tranh Dân Chủ Hoà Bình. Mua sự Bình an và Hạnh phúc cho mọi người dân bị nhà nước CSVN bỏ rơi, bị khủng bố trù dập, cướp bóc lường gạt. Và tôi muốn đặt mua…..”

Thiên thần ngắt lời cậu ta và nói: “Xin lỗi cậu nhé! Có lẽ cậu đã hiểu lầm tôi rồi. Ở đây, chúng tôi không bán hoa qủa của việc đã có rồi. Chúng tôi chỉ bán giống của nó thôi”.


Ước mơ yêu chuộng tự do công lý hòa bình, sự ao ước tôn trọng nhân phẩm nhân quyền cho Việt Nam chỉ có giống. Nếu chúng ta không trồng, không gieo, không vãi, thì sự yêu chuộng của chúng ta mãi mãi chỉ là một giấc mơ.

  • Chúng tôi cầu chúc Cộng đồng người Việt Tự do Úc Châu, và tất cả tham dự viên người Việt tham dự đại Hội giới trẻ tại Sydney 2008, chân cứng đá mền, đầu đội trời chân đạp đất, luôn hăng say đầy nhiệt huyết gieo trồng hạt giống Dân Chủ Tự Do cho Việt Nam, và dương cao ngọn cờ chính nghĩa.
  • Các bạn đừng quên rằng, các bạn đang mang trong mình dấu ấn tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, dấu ấn đó chính là Chúa Thánh Thần. Các bạn đừng bao giờ quên rằng, sức mạnh Chúa Thánh Linh muốn đặc biệt gửi qua các bạn, để các bạn thổi vào Việt Nam luồng gió Tự Do Dân chủ.
  • Cầu chúc các bạn chắp cánh bay cao trong bầu trời xanh mát, thắp lên ngọn lửa yêu thương sưởi ấm lòng người, ngọn lửa linh thiêng cho hồn thiêng sông núi Việt Nam.

Thiên Chúa hằng ở cùng anh chị em!

Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh

(Đức Quốc, thứ ba, ngày 15. Juli 2008)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt