Canh bạc tồi của Trung Cộng với Mỹ

Mặc dù bị Trung Cộng phản ứng dữ dội, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vẫn gặp đức Đạt Lai Lạt Ma vào cuối tháng 2 vừa rồi tiếp theo vụ bán vũ khí cho Đài Loan… cha để của thuyết “soft power – sức mạnh mềm” Joseph Nye có bài bình luận “Canh bạc tồi của Trung Cộng với Mỹ” như sau:

Canh Bạc Tồi Của Trung Cộng với Mỹ

Có đầy những tiền lệ cho cả hai quyết định từ phía Mỹ, nhưng một số nhà lãnh đạo Trung Cộng lại mong đợi ông Obama sẽ “hiểu hơn” đối với những gì mà Trung Cộng coi là “những lợi ích cốt lõi” của mình như sự thống nhất quốc gia.

Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra theo hướng này. Năm ngoái, chính quyền Obama đã có những nỗ lực lớn để tiếp cận Trung Cộng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng đề cập tới khả năng “cùng hội cùng thuyền” và rằng Trung Cộng và Mỹ sẽ “cùng nhau chia sẻ ngọt bùi”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói rằng ông dành thời gian để tham vấn với các đồng nhiệm Trung Cộng hơn bất cứ bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Một số nhà quan sát thậm chí còn đề cập tới một “G2” Trung-Mỹ có thể “cai quản” nền kinh tế thế giới.

Ý tưởng G2 luôn là điều không tưởng. Châu Âu có nền kinh tế lớn hơn cả nền kinh tế của Mỹ, Trung Cộng và kinh tế Nhật Bản hiện đang có quy mô tương đương với của Trung Cộng. Sự tham gia của những nước này vào giải quyết các vấn đề toàn cầu sẽ là cần thiết. Tuy nhiên, năm ngoái hợp tác Trung-Mỹ lớn dần trong G20 là một dấu hiệu tích cực trong hợp tác song phương cũng như đa phương.

Cho dù quan ngại về những sự kiện gần đây liên quan đến đức Đạt Lai Lạt Ma và Đài Loan có như thế nào thì cũng cần lưu ý rằng rạn nứt trong quan hệ Trung-Mỹ đã bắt đầu từ trước đó. Ví dụ như nhiều nghị sỹ Mỹ phàn nàn rằng việc làm ở Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự can thiệp vào các thị trường tiền tệ của Trung Cộng nhằm duy trì giá trị đồng Nhân dân tệ thấp một cách giả tạo.

Vấn đề thứ hai là quyết định bất hợp tác của Trung Cộng tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen hồi tháng 12 năm ngoái. Trung Cộng không chỉ chống lại các biện pháp vốn được đưa ra thương lượng trong năm trước, mà cả quyết định của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cử một quan chức cấp thấp tới gặp và chỉ  tay vào ông Obama, với nhiều người, thì đó là điều hết sức xúc phạm.

Trung Cộng cũng từng ứng xử tương tự khi 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (và Đức) họp bàn về các biện pháp trừng phạt Iran vì vi phạm các nghĩa vụ đối với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Khi đó, Trung Cộng lại cử tới một quan chức cấp thấp.

Điều gì đã xảy  ra đối với những dấu hiệu sớm đầy hứa hẹn về mối  hợp tác Mỹ Trung? Có thể đưa ra hai lý do khiến Trung Cộng thay đổi trong cách ứng xử – thoạt nhìn có vẻ không nhất quán, nhưng thực tế  có tác động qua lại lẫn nhau.

Thứ nhất, sự chuyển giao quyền lực chính trị theo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2012, và trong một giai đoạn mà chủ nghĩa dân tộc đang lên cao, không một nhà lãnh đạo Trung Cộng nào lại muốn mình tỏ ra mềm yếu hơn đối thủ. Điều này giúp giải thích các vụ trấn áp gần đây ở Tây Tạng và Tân Cương.

Thêm vào đó, Trung Cộng có thể đang tiến tới một giai chuyển đổi về kinh tế. Một số người Trung Cộng cho rằng mức tăng trưởng thấp hơn 8% sẽ là không đủ để đảm bảo tạo công ăn việc làm cho người lao động và đẩy lùi các vấn đề gây bất ổn định xã hội. Nhưng, khi tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ bắt đầu tăng lên, mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu, vốn thúc đẩy số lượng việc làm ở Trung Cộng dù gây mất cân bằng thương mại toàn cầu, có thể sẽ không còn phù hợp nữa. Nếu Trung Cộng phản ứng bằng việc định giá lại đồng Nhân dân tệ, có thể nước này cần phải cứng rắn hơn trong các vấn đề khác nhằm làm thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc đang sục sôi.

Nguyên nhân thứ hai của cách ứng xử gần đây của Trung Cộng có thể là thái độ tự tin quá mức. Trung Cộng xứng đáng được tự hào về thành công của mình trong cuộc “vượt rào” qua suy thoái kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng cao. Nước này đổ lỗi cho Mỹ đã gây ra suy thoái, và hiện đang nắm giữ khoản dự trữ ngoại hối khoảng 2 nghìn tỷ đôla Mỹ.

Nhiều người Trung Cộng tin rằng điều này cho thấy một sự dịch chuyển cân bằng quyền lực toàn cầu, và rằng Trung Cộng sẽ ít cần phải “cung kính” trước các nước khác, trong đó có cả Mỹ. Một số học giả Trung Cộng hiện đang hào hứng viết về sự đi xuống của Mỹ, có người còn nhận định rằng năm 2000 chính là năm đỉnh cao nhất của quyền lực Mỹ.

Sự tự tin thái quá trong chính sách đối ngoại, kết hợp với các vấn đề bất ổn trong nước, có thể lý giải được sự thay đổi trong cách ứng xử của Trung Cộng vào cuối năm 2009. Nếu vậy, toan tính của Trung Cộng có thể là một sai lầm nghiêm trọng.

Trước hết, nước Mỹ không phải đang đi xuống. Người Mỹ và người dân các nước khác vẫn thường dự báo về tương lai: sau khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik năm 1957; khi Nixon chấm dứt hoạt động chuyển đổi trực tiếp từ đồng đôla Mỹ sang vàng năm 1971; và khi nền kinh tế dựa trên phát triển công nghiệp của Mỹ dường như bị các nhà sản xuất Nhật Bản qua mặt trong những năm 1980. Nhưng khi nhìn vào sức mạnh tiềm ẩn của nền kinh tế Mỹ, sẽ không ngạc nhiên khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Mỹ ở vị trí thứ hai (chỉ sau Thụy Sỹ) trong số các nền kinh tế cạnh tranh nhất, trong khi Trung Cộng chỉ xếp hạng 30.

Thứ hai, thực tế rằng Trung Cộng đang nắm giữ quá nhiều đôla không phải là nguồn lực sức mạnh, bởi lẽ sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ kinh tế mang tính đối xứng. Đúng, nếu Trung Cộng phá giá số đôla của mình trên thị trường thế giới, nó có thể khiến nền kinh tế Mỹ buộc phải ngã quỵ, nhưng nếu làm như vậy, chính nền kinh tế Trung Cộng cũng sẽ bị tổn thương. Trung Cộng sẽ không chỉ mất giá trị của khoản đôla dự trữ mà còn phải gánh chịu tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng. Khi sự phụ thuộc lẫn nhau cân bằng, nó sẽ không tạo ra một nguồn lực sức mạnh.

Thứ ba, bất chấp những phàn nàn từ phía Trung Cộng, đồng đôla Mỹ vẫn là đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu, do chiều sâu và bề rộng của các thị trường vốn của Mỹ, điều mà Trung Cộng không thể sánh kịp nếu không làm cho đồng Nhân dân tệ của họ có thể chuyển đổi đầy đủ và cải cách hệ thống ngân hàng.

Cuối cùng, Trung Cộng đã sai lầm trong tính toán khi không làm đúng như lời dạy Đặng Tiểu Bình, người đã từng khuyên rằng Trung Cộng cần phải hành động thận trọng và đừng phô trương trong “thiên hạ”. Một chính khách châu Á cao cấp gần đây đã nói rằng, Đặng Tiểu Bình sẽ không bao giờ phạm lầm này. Nếu ông còn nắm quyền ngày hôm  nay, ông sẽ lãnh đạo Trung Cộng trở lại mối quan hệ hợp tác với Mỹ như hồi đầu năm 2009.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt