Cục Điều Tra Liên Banh Hoa Kỳ (FBI)

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org) update 26/8/2020

Chúng ta thường nghe danh FBI (Federal Bureau of  Investigation) tài năng và quyền biến trong việc điều tra các tội phạm trong nước Mỹ, tiếng tăm lừng lẫy vang dội trên thế giới. Bài viết dưới đây nói về quá trình hoạt động và tổ chức của FBI từ khi bắt đầu cho đến nay.

Hoa Kỳ có hai ngành tình báo, một đặc trách trong nước và một đặc trách nước ngoài. Trong nước là Cục Điều Tra Liên Bang  (Federal Bureau of  Investigation) gọi tắt là FBI, và nước ngoài là Trung Tâm Tình Báo Hoa Kỳ (Central Intelegence of America) gọi tắt là CIA . Trong bài này, người viết chỉ trình bày về FBI, còn CIA để một dịp khác. Vậy FBI là gì? nhiệm vụ chức năng của FBI hoạt động ra sao? FBI hoàn thành nhiệm vụ qua những chuyển biến của xã hội Hoa kỳ như thế nào trong 100 năm qua? tất cả những đó sẽ được lần lượt trình bày trong bài này.

I. Vài nét chính về FBI:

Charles Bonaparte

FBI khởi đầu thành lập ngày 26/07/1908 bởi Bộ Trưởng Tư Pháp Charles Bonaparte dưới thời Tổng Thống Roosevelt. Lúc đó chỉ là cái tên khiêm nhường Cơ Quan Đặc Biệt (Special Agent), trực thuộc Bộ Tư Pháp, người phụ trách CQĐB là ông Stanley W. Finch. Tháng 03/1909, Bộ Trưởng Tư Pháp mới George Wickersham đổi thành Cục Điều Tra (Bureau of  Investigation). Tháng 7/1932, Cục Điều Tra lại đổi tên Cục Điều Tra Hoa Kỳ (United States Bureau of  Investigation), và năm 1935 một lần nữa đổi tên Cục Điều Tra Liên Bang tức là FBI cho đến nay. Tính đến tháng 06/2020, FBI có tất cả chừng 35,000 nhân viên khoảng 13,412 nhân viên đặc biệt (special agent), 22000 nhân viên yểm trợ chuyên ngành (support professional) trong đó có 1,300 chuyên gia thượng thặng về phân tích, 1000 nhân viên thượng thặng về điện toán, gần một nửa nhân viên của FBI là phụ nữ và người da màu. Hiện nay FBI có 56 chi nhánh trải khắp trên các tiểu bang Hoa Kỳ và Puerto Rico, cùng với 400 chi nhánh nhỏ tại các thành phố nhỏ ngoại ô trên lãnh thổ nước Mỹ. Tại nước ngoài, FBI còn đặt hơn 60 văn phòng hầu hết ở các thành phố lớn trên thế giới gọi là “Legal Attaché” tiếng lóng thường gọi là Legats, để phối hợp với đồng nghiệp nước bạn. Nhân viên trong 60 văn phòng nước ngoài có trách nhiệm công tác rộng khắp trên 200 quốc gia và vùng hải đảo toàn thế giới trong nhiệm vụ của FBI giao phó. Tổng chi ngân sách của FBI năm 2020 dự tính là 9.31 tỷ US Dollars (https://www.fbi.gov/news/testimony/fbi-budget-request-for-fiscal-year-2020)

FBI được điều hành bởi một Giám Đốc (Director), nhiệm kỳ 10 năm (trừ trường hợp đăc biệt của Giám Đốc J.E.Hoover), Giám Đốc FBI do tổng thống bổ nhiệm và phải được quốc hội thông qua, ngoài ra còn có Cố Vấn Giám Đốc và nhiều Phụ Tá Giám Đốc (Assistant Director) để chỉ huy các bộ phận chuyên ngành. Giám Đốc FBI hiện nay là Christopher Wray nhậm chức 7/2017. Trung tâm đầu não của FBI là nhà lầu 7 tầng, còn gọi là Toà J. Edgar Hoover toạ lạc tại 935 Pennsylvania Avenue, NW Washinton DC.

 

Tòa J. Edgar Hoover FBI Building

II. Nhiệm vụ và tổ chức của FBI:

FBI là cánh tay mặt của ngành Tư Pháp Hoa Kỳ. Nhân viên FBI thi hành công vụ trong phương châm: “Trung thành, dũng cảm, liêm chính” (Fidelity, Bravery, Integrity). Nhiệm vụ chính của FBI đối với người dân và chính phủ Mỹ như sau:

1) Bảo vệ nước Mỹ không để khủng bố tấn công
2) Bảo vệ nước Mỹ chống lại hoạt động tình báo nước ngoài trên đất Mỹ.
3) Bảo về nước Mỹ chống lại tin tặc và đánh cắp kỹ thuật cao.
4) Chống lại mọi hình thức tham nhũng ở mọi nơi, mọi cấp.
5) Bảo vệ dân quyền cho công dân Hoa Kỳ
6) Chống lại mọi tổ chức tội ác trong nước Mỹ và liên quốc gia
7) Chống lại mọi hình thức lừa gạt, gian lận, hối lộ, biển thủ công quỷ…..
8) Chống lại những vi phạm nghiêm trọng
9) Giúp đỡ nhân viên công lực cấp liên bang, tiểu bang, thành phố và đồng nghiệp quốc tế.
10)
Cung cấp kỹ thuật tối tân nhất bảo đảm phương tiện cho nhân viên FBI hoàn thành nhiệm vụ.

Với 10 nhiệm vụ chính được toàn dân Hoa Kỳ giao phó, nhân viên FBI phải điều tra 200 tội phạm khác nhau, tổ chức FBI chia 5 ngành chính, dưới mỗi ngành có những bộ phận chuyên nghiệp hoạt động, công tác như sau (Sự phân chia này thay đổi tùy từng giai đọan và tùy tình hình an ninh thế giới).

Ngành An Ninh Quốc Gia

– Bộ Phận Chống Khủng Bố
– Bộ Phận Phản Gián Nội Địa
– Bộ Phận Tình Báo Nội Địa

Ngành Điều Tra Tội Ác:

– Ngành Điều Tra Tội Ác
– Bộ Phận Điều Tra Tội Ác
– Bộ Phận Điều Tra Tin Tặc

Ngành Xác Nhận Chứng Liệu và Phân Tích Dữ Kiện.

– Bộ Phận Phân Tích Cung Cấp Dữ Kiện
– Phòng Thí Nghiệm
– Văn Phòng Liên Lạc Quốc Tế
– Bộ Phận Đặc Trách Những Trường Hợp Đặc Biệt Khẩn Cấp
– Bộ Phận Hỗ Trợ Dữ Kiện Bắt Tội Phạm
– Bộ Phận Khoa Học Kỹ Thuật
– Bộ Phận Huấn Luyện

Ngành Quản Trị Nhân Viên

– Bộ Phận Quản Lý Văn Phòng
– Bộ Phận Trang Bị và Yểm Trợ Phương Tiện
– Bộ Phận Tài Chánh
– Bộ Phận Lưu Trữ Hồ Sơ
– Bộ Phận Bảo Vệ An Ninh

Ngành Quản Trị và Thiết Kế Kỹ Thuật Cao

– Bộ Phận Khai Thác Tin Tức Qua Kỹ Thuật Cao
– Văn Phòng Chính Sách và Kế Hoạch Điện Toán
– Văn Phòng Sáng Chế và Cung Cấp Điện Toán
– Văn Phòng Thiết Kế Hệ Thống Điện Toán

Ngoài những bộ phận và văn phòng với những trách nhiệm trên, FBI còn có những bộ phận và văn phòng làm việc trực tiếp với Giám Đốc FBI như:

Phó Giám Đốc đặc trách kế hoạch
Bộ Phận Thanh Tra

– Văn Phòng Liên Lạc Quốc Hội Hoa Kỳ
– Văn Phòng Phục Vụ Công Cộng
– Văn Phòng Kiểm Tra Nhân Viên Lạm Dụng Quyền Hành
– Văn Phòng Cố Vấn Tổng Quát
– Văn Phòng Kiểm Tra Tư Cách Phục Vụ Của Nhân Viên FBI

Muốn làm việc cho FBI, ứng viên phải có quốc tịch Mỹ, ít nhất 23 tuổi, và không già hơn 37 tuổi, phải có bằng đại học 4 năm tốt nghiệp ở những trường đại học được Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ thừa nhận. Ít nhất là có ba năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, và sẵn sàng phục vụ bất cứ nơi nào được FBI chỉ định, được điều tra kỹ càng về hạnh kiểm và thử máu xem trong máu có chất ma túy hoặc các bịnh di truyền nào không, phải đủ điều kiện thể chất để tham dự những khóa huấn luyện của FBI. Trước mắt sơ khởi là 17 tuần huấn luyện căn bản. Sau khi trở thành nhân viên FBI, thì ký giấy cho cơ quan an ninh phối kiểm an ninh lý lịch (Security Clearence)

III. Quá Trình Hoạt Động của FBI từ khi mới thành lập:

1. Những năm đầu gập ghềnh của FBI.

Từ ngày khởi đầu thành lập năm 1908, cơ quan FBI chỉ là một Cơ Quan Đặc Biệt hoạt động giới hạn nếu không nói là lu mờ trong Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, bắt đầu với 34 nhân viên không được trang bị vũ khí, Cơ Quan Đặc Biệt chỉ làm những trách nhiệm điều tra giới hạn như: luật lệ của ngân hàng quốc gia, phá sản, di trú, đầu cơ tích trữ, luật nhân công lao động và chiếm cứ đất đai bất hợp pháp.

Trụ Sở FBI

Đến năm 1910, Cơ Quan Đặc Biệt đổi tên thành Cục Điều Tra (Bureau of Investigation) và cũng là năm ra đời đạo luật Chống Mãi Dâm  (White-Slave Act). Cục Điều Tra được giao thêm trách nhiệm điều tra và ngăn chận đàn bà vượt sang những tiểu bang khác làm nghề mãi dâm. Số nhân viên FBI được tăng lên 300 để đáp ứng nhu cầu công tác, đồng thời các chi nhánh văn phòng FBI được thiết lập tại một số thành phố lớn và tiểu bang để trực tiếp báo cáo công tác về Washington DC.

Vào thời Đệ I Thế Chiến (1914-1918), tháng 4/1917  Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến, trong giai đoạn này có sự xuất hiện của đảng Cộng Sản Quốc Tế ở Liên Xô qua cuộc Cách Mạng Nga năm 1917 của Lenin. Cục Điều Tra nhận lãnh thêm một trách nhiệm nặng nề nhằm chống lại xâm nhập tình báo của nước ngoài.

Năm 1919, FBI phải vất vả loại trừ những thành phần gián điệp hoạt động tuyên truyền phá hoại thuộc tình báo Nazi của Hiller và Cộng Sản Nga Xô.

Tháng 10/1919 Quốc Hội Hoa Kỳ lại thông qua đạo luật “Trộm Xe Hơi”, vì các tay ăn cắp xe  hơi vượt qua các tiểu bang khác để bán hoặc sử dụng, công việc này cũng thuộc trách nhiệm của Cục Điều Tra có tính cách liên bang. Do đó Cục Điều Tra lại thêm một trọng trách nữa.

2. Gai đoạn cũng cố, lớn mạnh dưới  sự lãnh đạo của John Edgar Hoover.

Nói đến FBI mà không nói đến công trạng của John Edgar Hoover là một thiếu sót lớn! bởi vì ông là người lãnh đạo FBI  ròng rã 48 năm, là người đưa cơ quan tiền thân của FBI từ một tổ chức lu mờ trở nên một cơ quan điều tra lừng danh thế giới. Tính đến nay FBI hơn một trăm năm, thì giám đốc John Edgar Hoover đã miệt mài bỏ công vun xới cho FBI một nửa chiều dài hoạt động của cơ quan này. Từ bước đầu gập ghềnh muôn vàn khó khăn, được Hoover không ngừng cải cách và đã đạt được những thành tích vẻ vang để ngày hôm nay cả thế giới ai nghe đến FBI phải nể sợ. Vậy John Edgar Hoover là ai?

Người Mỹ có những con người kỳ lạ làm nên một góc lịch sử cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ông John Edgar Hoover là một trong những nhân vật kỳ lạ ấy, FBI là công trình của ông. Ông sinh ngày 1/1/1895 tại Washington DC, ông sống ở Washington DC từ thuở ấu thơ đến khi tốt nghiệp cử nhân luật khoa năm 1917 tại George Washington University. Trong thời gian ở DC, ông vừa học vừa làm việc tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library Of Congress). Cuộc đời của Hoover sinh ra, lớn lên, làm việc, và chết chỉ trong trong địa hạt nhỏ bé gọi là District of Columbia (DC). Nhưng tên ông vang dội khắp thế giới, một nhân vật hàng đầu trong ngành điều tra, tình báo và phản tình báo.

J. E. Hoover sống cuộc đời độc thân, có tin đồn cho ông đồng tình luyến ái? Nhưng cũng có tin cho rằng vì ông đam mê công việc nên không lập gia đình?

Sau khi tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa năm 1917, ông được người cậu giới thiệu vào làm cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Năm 1919, mới 24 tuổi, Hoover được đề bạt lãnh đạo một bộ phận tình báo mới của Bộ Tư Pháp gọi là General Intelligence Division (GID). GID có nhiệm vụ điều tra Cộng Sản xâm nhập hoạt động tại Mỹ. Ông bắt tay vào việc với cả một lòng nhiệt tình hăng say nghề nghiệp, ông dùng phương pháp phân định bằng cách ghi chép những sự kiện trên những phiếu theo mẫu tự để dễ tra cứu. Trong một năm, GID đã điều tra và ghi nhận sự kiện tình báo trên 450,000 phiếu ghi. Từ đó ông dùng phương pháp suy luận, đánh giá qua sự kiện để tìm ra những người gián điệp hoặc điềm chỉ viên. Vào ngày  02/1/1920, Hoover đã phối hợp với cảnh sát địa phương bắt giữ hàng ngàn tội danh đã tham gia đại hội Đảng Cộng Sản và Đảng Lao Động (trá hình Cộng Sản) trên 33 địa điểm tại Hoa Kỳ. Cuộc bố ráp này là do lệnh của Bộ Trưởng Tư Pháp, ông Palmer, cho nên gọi là “Palmer Raids” (Palmer Đột Kích). Cục Điều Tra và GID đã tạo nhiều thành tích trong việc loại trừ điệp viên và những tổ chức ngoại vi của Cộng Sàn thời bấy giờ. Mặc dù với thành công lớn lao như vậy, nhưng Hoa kỳ là một nước tự do, nên chiến dịch Palmer Đột Kích cũng bị quốc hội và báo chí chỉ trích là “lộng hành”, “không cho luật sư bênh vực phạm nhân” v.v.. còn đảng Cộng Sản thì bị một vố đau nên tha hồ mà bới móc tuyên truyền.

Dựa vào những thành của GID, ngày 10/05/1924, J. Edgar Hoover, 29 tuổi, được Tổng Thống Kevin Coolidge đề bạt vào Giám Đốc Cục Điều Tra – tiền thân của FBI, lúc đó cơ quan này chỉ có 650 nhân viên. Mục đích để “dọn dẹp” vụ xì-căng-đan của Cục Điều Tra và cải cách cơ quan này. Tân giám đốc trẻ, đầy nhiệt huyết phục vụ, lập tức bắt đầu hàng loạt các cải cách giúp FBI trở nên “chuyên nghiệp”. Ông thay thế những nhân viên không đủ khả năng, chọn lựa kỹ lưỡng những nhân viên mới có tư cách, trách nhiệm và năng lực, tăng cường biện pháp điều tra hữu hiệu, thu thập bằng chứng phạm nhân một cách khoa học v.v.. Năm 1932, Hoover đã tăng cường sức mạnh cho FBI, tạo ra một kho lưu trữ quốc gia với các bản thống kê và nhận dạng tội phạm. Xây dựng một phòng thí nghiệm kỹ thuật để nhận dạng phạm nhân qua dấu chỉ tay, phòng thí nghiệm này là tiền thân của phòng Lab tối tân nhất thế giới hiện nay của FBI. Cũng trong năm 1932 cơ quan FBI phổ biến sâu rộng trong quần chúng thông báo bắt người được dán khắp nơi cộng cộng trên toàn nước Mỹ để tìm phạm nhân gọi là “Cảnh Sát Tìm Kẻ Đào Thoát” (Fugitives Wanted by Police), nay chúng ta thường thấy là “Most Wanted” trên có chữ FBI thường hay dán ở bưu điện hoặc các nơi công cộng. Năm 1935, Hoover thành lập trường Sĩ Quan FBI để đào tạo sĩ quan FBI và huấn luyện các nhân viên điều tra cao cấp. Trong thời gian này nhân viên FBI đã mở nhiều khóa huấn luyện kỹ thuật điều tra cho cảnh sát địa phương toàn quốc. Đầu năm 1940, FBI đã mở nhiều khoá huấn luyện kỹ thuật và phương pháp điều tra trên khắp thế giới.

John Dillinger (tên tướng cướp lừng danh)

Một trong những nét son của giám đốc Hoover là vào thập niên 1930, những năm mà người dân Hoa Kỳ thường gọi là sống “không có pháp luật”,  những tay anh chị trong các băng đảng cướp lộng hành, việc bắt cóc đàn bà chở đi xuyên bang làm nghề mãi dâm, trộm xe hơi trốn sang tiểu bang khác, cướp ngân hàng, băng đảng thanh toán nhau xẩy ra như cơm bửa. Các đảng cướp này là những tay thiện nghệ bắn nhanh trúng đích, thích đâu nổ súng đó chẳng xem luật lệ ra gì. Một trong những tay cướp này có một tướng cướp lừng danh tên John H. Dillinger bắn súng giỏi, thành tích vượt tù xuất quỷ nhập thần như ma, có lần tay chân hắn bị còng nhưng hắn tự mở xích rồi đục mái nhà tù và giết luôn cai tù để vượt ngục. Còn cướp nhà băng thì hắn thuộc loại siêu hạng, bất cứ loại cửa sắt kiên cố như thế nào hắn cũng mở được để cướp tiền. Dillinger tung hoành ngang dọc tại các tiểu bang miền Trung và miền Tây Hoa Kỳ, cảnh sát địa phương đành chịu bó tay phải cầu cứu FBI. Giám đốc Edgar Hoover lại bắt tay vào việc với một tinh thần trách nhiệm cao độ, ông đương đầu với hiểm nguy một cách dũng cảm đầy thông minh và sáng tạo, cuộc đời ông lên cao hay bỏ mạng cũng ở giai đoạn thách đố này! Trước hết, bằng mọi cách, giám đốc Hoover phải loại tên đầu đảng Dillinger. Sau một thời gian săn đuổi, FBI cũng bị Dillinger bắn chết mấy nhân viên đặc biệt. Cuộc săn đuổi diễn ra từng giờ, FBI phát hiện Dillinger có một tình nhân trẻ đẹp tên Polly Hamilton, và cô này có người bạn thân tên Ana Sage là người Đông Âu tạm trú ở Hoa Kỳ, nhưng sắp bị trục xuất về nước vì giấy tờ hết hạn, Ana biết được Dillinger nhờ nhận diện hắn qua báo chí. FBI sắp xếp kế hoạch mua chuột cô Ana bằng tiền thưởng và hứa giúp ở lại Hoa Kỳ. Sau khi kế hoạch sắp đặt, vào cuối tháng 7/1934 do tiết lộ của Ana Sage, Dillinger bị nhân viên FBI bắn chết tại chỗ khi hắn vừa rút súng trước rạp hát Biograph Theater tại thành phố Chicago. Rồi thì những tay cướp đồng bọn và các băng đảng cướp khác lần lượt sa lưới FBI không còn một tên, đời sống dân chúng trở lại yên ổn, luật pháp được áp dụng đúng mức để bảo vệ người dân, không còn cảnh sợ hãi bọn găng-tơ trấn lột. Cơ quan FBI được quần chúng ngưỡng mộ và ca ngợi như là một cơ quan tình báo anh hùng. Tiếng tăm của giám đốc Hoover được xem như một trùm tình báo bảo vệ an ninh cho dân chúng Hoa kỳ.

3) Hoover giám đốc FBI và Đệ II Thế Chiến:

Những thử thách cam go của bọn băng đảng cướp vừa mới giải quyết thì bọn gián điệp từ ngoài ập tới trên đầu giám đốc FBI. Đức-Ý-Nhật của đảng Nazi Hitler, Cộng Sản (CS) của Stalin đang xem Mỹ như là một trở ngại cho sự xâm lăng bành trướng của họ, tình báo Nazi, tình báo CS ngày đêm xâm nhập để phá hoại tiềm lực Hoa Kỳ, một quốc gia đang vươn lên rất mạnh trong chế độ tự do dân chủ. Với những khó khăn ấy, trong khi FBI chỉ có trong tay 654 nhân viên đặc biệt, 1141 nhân viên yểm trợ, và 42 chi nhánh lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ mà phải gánh vác trọng trách quá lớn lao.

Tháng 9/1939, Thế Chiến Thứ 2 bùng nổ, FBI được giao nhiệm vụ giữ an ninh nội địa đặc biệt chú ý đến những người Mỹ gốc Đức, Ý, Nhật đang sống trên đất Hoa Kỳ nhưng vẫn có tham vọng phục vụ cho cố quốc của họ nhằm mục đích chính trị đen tối có hại cho Mỹ. FBI điều tra phát hiện điệp vụ Quinrin trong thời Đệ Nhị Thế Chiến gồm có 8 người Đức quốc tịch Hoa kỳ, trở về Đức sau đó hoạt động cho Nazi của Hitler và dùng hai tàu ngầm đột nhập vào Mỹ mang chất nổ và chất hoá học để phá hoại các cơ sở trọng yếu về kinh tế, và các cơ quan quân sự của Hoa Kỳ, bị FBI phát hiện và cả 8 người Mỹ gốc Đức này đều bị bắt và bị xử tử.

Tháng 12/1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ nhảy vào cuộc chiến đứng về phe Đồng Minh chống lại phe Trục (Đức-Ý-Nhật), từ trung tâm FBI cho đến 54 chi nhánh lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ hoạt động 24 giờ không ngưng nghĩ để truy lùng những tay tình báo đang hoạt động chống nước Mỹ. Trong hai ngày 7 và 8/12/1941, FBI đã tóm cổ rất nhiều người có hồ sơ mà trước đây đã có những hành động làm nguy hại cho an ninh quốc gia, họ bị đưa vào những trại giam điều tra. Đồng thời bắt giữ những người Nhật ở miền Tây Hoa Kỳ có tiền án trước đây bị nghi ngờ hoạt động tình báo cho Nhật đều bị đưa vào trại tập trung. Mặt khác, FBI phải đương đầu với các phong trào dân quyền mà cộng sản thừa cơ lồng vào để khích động xuống đường gây rối loạn trật tự xã hội. Cuối năm 1943, nhân viên của cơ quan FBI tăng lên 13,000 trong đó có 4000 điềm chỉ viên.

Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Hoover đã lãnh đạo xuất sắc cơ quan FBI, hoàn thành sứ mạng bảo vệ an ninh hậu phương vững mạnh, quét sạch những tay gián điệp tình báo núp dưới mọi hình thức gây xáo trộn an ninh nước Mỹ.

(Trái) Kỹ sư Julius Rosenberg tình báo cộng sản Nga Sô ăn cắp tài liệu bom nguyên tử và  (phải) Vợ của Julius là Ethel Roseinberg (ca sĩ, nghệ sĩ) cùng chồng làm tình báo cho cộng sản tuyên truyền chống phá

Sau đệ nhị thế chiến, hiểm họa cộng sản nhắm vào nước Mỹ, làn sóng xâm lăng đỏ xem đất tự do là môi trường cho chúng xâm nhập, tổ chức và phá hoại, cả Âu Châu tình báo cộng sản Stalin có mặt phá rối khắp nơi, và đặt biệt Hoa Kỳ là mục tiêu mà cộng sản nhắm tới, chúng gọi là “sào huyệt” của bọn “đế quốc tư bản bóc lột”. Đối phó với những thành phần tình báo CS muôn hình vạn trạng không phải như đối phó với tên tướng cướp Dillinger. Trách nhiệm FBI không dễ dàng như trước, nhiệm vụ khó khăn đầy thử thách! Tuy nhiên, Edgar Hoover cũng không phải là người tầm thường với tài trí hơn người, làm việc luôn luôn sáng tạo và quyền biến đã chuyển hướng FBI chống lại bọn CS xâm nhập có hiệu quả, và thộp cổ những tay gián điệp đánh cắp kỹ thuật nguyên tử hoặc lợi dụng sinh hoạt dân chủ tự do cài người khích động quần chúng, phá hoại an ninh trật tự công cộng làm rối loạn sinh hoạt xã hội Hoa Kỳ như hai vợ chồng Julius và Ethel Roseinberg.

Vào tháng 6/1945, khi thế chiến thứ 2 sắp chấm dứt, Hoover ra tay lập công đầu  bất thần đột nhập văn phòng của người Á-Mỹ đã tìm thấy những tài liệu mật của chính phủ Hoa Kỳ bị đánh cắp. Vài tháng sau đó, FBI phối hợp với cảnh sát Canada bắt 22 người đánh cắp tài liệu tối mật chế bom nguyên tử. Tất cả những khám phá này đều liên quan đến tình báo CS.

Sự xâm nhập của CS đã đưa chính phủ Hoa Kỳ đến mức báo động, cơ quan FBI  đương đầu với sự xâm nhập CS ở mọi cấp, mọi nơi. Trong khi chính sách của Hoa kỳ tập trung chống trả Cộng Sản trên địa bàn rộng lớn thế giới, thì FBI phải lùng diệt CS xâm nhập phá hoại tại nước Mỹ. Lợi dụng  đảng Cộng Sản Hoa Kỳ được hoạt động trên đấy Mỹ, CS Nga Sô dùng đó làm đầu cầu xâm nhập và tuyên truyền vận động làm loạn trên đất Mỹ. Sự nguy hại đến nỗi tống thống Hoa Kỳ Truman rồi đến Eisenhower đều ra lệnh: “phải báo cáo những tin tức và hành động phá hoại (CS) bất cứ nơi nào về cho FBI”. Tuy nhiên để đề phòng kế hoạch tung hỏa mù, phao tin đồn thất thiệt, dương đông kích tây, thì FBI cũng ra một thông báo rộng lớn “không nên loan tin thất thiệt hoặc bịa đặt”.

FBI rất thành công trong công tác Venona Project cùng hợp tác với tình báo của Anh Quốc để giải các mật mã của tình báo Sô Viết, chận đứng những âm mưu của CS quốc tế. Trong những công tác quan trọng thành công của FBI đều do tài tình lãnh đạo của giám đốc Edgar Hoover.

Hoover thực hiện xuất sắc và được tổng thống Eisenhower trao tặng Huân Chương An Ninh Quốc Gia một huân chương cao qúy nhất của chính phủ Hoa Kỳ.

Tổng Thống Eisenhower trao Huy chương An ninh Quốc Gia cho Hoover

Năm 1956,Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra phán quyết giới hạn sự bố ráp các đảng viên Cộng Sản hoạt động trên đất Mỹ,  giám đốc Hoover như bị trói tay khi phải đương đầu khó khăn với những tình báo xâm nhập của phe Cộng. Nhưng ông không chịu bó tay nhìn bọn điệp viên CS hoạt động, đành phải dùng đến “thủ thuật” núp dưới một danh nghĩa COINTELPRO (Counter Intellenge Program – Chương Trình Phản Gián) để bẻ gãy những hoạt động của đảng viên CS trên đất Mỹ. COINTELPRO cũng được xử dụng để dẹp các tổ chức bạo động có bàn tay xâm nhập của CS như Black Panther Party, The  Southern Christian Leadership Conference (SCLC), đảng Ku Klux Klan (KKK), những phong trào chống chiến tranh Việt Nam v.v… Chiếc áo COINTELPRO rất thành công trong việc chận đứng những phá hoại của CS và dẹp tắt những bạo loạn. Nhưng COINTELPRO đã dùng những thủ thuật như đánh tráo tài liệu, nghe lén, tung tin nói xấu hạ uy tín những thành viên lãnh đạo các tổ chức trong đó có cả mục sư Martin L. King, nên bị kết án là việc làm đi ngược lại với luật pháp Hoa Kỳ. Edgar Hoover và FBI bị chỉ trích bởi giới lập pháp và truyền thông Hoa Kỳ.

4) Hoover, giám đốc FBI và chiến tranh Việt Nam

Người Mỹ biểu tình chống chiến tranh Việt Nam

Trong cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ đưa quân tham chiến, FBI nhận lãnh trách nhiệm mới là phải đương đầu với cuộc chiến “ý thức hệ” ngay trong đầu óc của người Mỹ. Trong khi hàng triệu binh sĩ  Hoa Kỳ phải ra tuyến đầu chống làn sóng xâm lăng của Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam thì tại hậu phương những người công dân của Hoa Kỳ lại có đầu óc chống lại cuộc chiến bùng lên càng ngày càng ác liệt, thường gọi là phong trào phản chiến. FBI phải trả lời những câu hỏi của Tòa Bạch Ốc: Đằng sau những cuộc xuống đường phản chiến này do ai là chủ động? Những phong trào này lãnh đạo từ đâu và cách hoạt động của họ như thế nào? Những điệp viên CS được huấn luyện kích động biểu tình đang ở đâu? chúng ở ngoài nước Mỹ dùng mật mã điều khiển hay chúng ở ngay trong nước Mỹ? Trong quốc hội Mỹ? hoặc trong Tòa Bạch Ốc? Tổng thống Johnson rồi Nixon từng ngồi với giám đốc Hoover để chia xẻ những tình trạng có thể nguy hiểm cho nước Mỹ bởi những phong trào phản chiến lan rộng dưới nhiều dạng thức lạ thường. Hoover đánh giá những kẻ gây rối loạn lúc bấy giờ như sau: “cung cách hoạt động mới mẻ này của bọn phản chiến nhằm thực hiện âm mưu đen tối – Âm mưu này rất ư là quỷ quyệt, lắm thủ đoạn cho nên rất khó nhận biết….âm mưu này có thể phát hiện ra bởi tâm tính và thái độ, bởi sự buông thả cá nhân, bởi cách ăn mặc khác thường và lời nói ngông nghênh, kể cả những ngôn ngữ tục tĩu. Chứ không phải nhận ra vì họ là thành viên của tổ chức này hay tổ chức nọ”. Thật phức tạp!!!

Việc điều tra những thành phần gián điệp trong giai đoạn này được FBI xử dụng kỹ thuật phản gián phối hợp COINTELPRO và Venona Project (một chường trình phối hợp với tình báo Anh Quốc để giải mã của tình báo Nga Sô) cuối cùng khám phá ra rằng: đây là một phong trào Thiên Tả Mới hoạt động  “lãng mạn kết hợp với cường điệu”, đằng sau do bàn tay tay của CS khích động.

Tháng 10/1970, đạo luật RICO (Racketter Influenced and Corup Organizatin Act), tức là đạo luật cấm những cá nhân và tổ chức dùng thủ đoạn để tống tiền. Trong này nhấn mạnh đến Mafia đang lộng hành và là tổ chức tội ác. Vì vậy hàng loạt các phe đảng Mafia đủ loại bị đặt trong tầm ngắm của FBI, những trùm Mafia và những công ty liên hệ đều được hỏi thăm và chú ý đặc biệt, và các băng đảng Mafia đã bị FBI triệt hạ qua đạo luật này. Giám đốc Hoover vất vã dẹp băng đảng Mafia trong những phút cuối đời trước khi ông từ giả cõi trần.

John E. Hoover ở tuổi 50 thành cáo già ngành tình báo Hoa Kỳ

Ngày 2 /5/1972, cũng là những ngày Mỹ bắt đầu rút lui khỏi chiến tranh Việt Nam, Hoover qua đời, lúc 77 tuổi, sau 48 năm tự hào Giám Đốc FBI, thi hài ông được đặt tại Rotunda thủ đô Washington  DC, nơi dành cho 21 người nổi tiếng nhất nước Mỹ. Sau đó tên ông cũng được Tổng Thống Nixon, ký sắc lệnh đặt tên cho trụ sở của FBI là J. E. Hoover Building. Sự đóng góp của giám đốc Hoover đối với Hoa Kỳ khó có vị tổng thống nào sánh kịp. Sau 48 năm vượt qua bao nhiêu thử thách đối đầu với những băng đảng lộng hành, tình báo đến Đệ I, Đệ II thế chiến, rồi Cộng Sản, rồi Mafia….dưới sự lãnh đạo tài ba và bản lĩnh của John Edgar Hoover đã giữ cho dân Mỹ được bình an, đã loại khỏi bao nhiêu tên tình báo Đỏ phá hoại trên vùng đất tự do này.

5) FBI sau chiến tranh Việt Nam.

John Walker

Từ năm 1978, giám đốc là Williams Weebster, FBI trang bị kỹ thuật tia la-se để xác định chỉ tay, nhờ vậy tăng thêm độ nhanh và chính xác bắt kẻ phạm tội. Bắt đầu năm 1982 nhiều cuộc phá hoại không những từ Cộng Sản mà còn là khủng bố. FBI đặc trách chống khủng bố, và nhiệm vụ chống khủng bố nâng lên hàng ưu tiên thứ tư trong 10 nhiệm vụ của FBI. Và trong những năm chống Tung Cộng như hiện nay thì việc dò tìm những người Mỹ hợp tác với tình báo Trung Cộng và những điệp viên Trung Cộng ăn cắp kỹ thuật của Mỹ là ưu tiên.

Năm 1985 gọi là “năm của gián điệp” – những điệp viên nội gián bị FBI phá vỡ đã làm xôn xao dư luận thế giới như hệ thống gián điệp của John Walker, từ năm 1968-1985, nội gián Walker đã trao 200 ngàn tài liệu mật của Hải Quân cho tình báo CS Sô Viết, tờ New York Time cho rằng việc phá vỡ mạng lưới gián điệp của Walker là tổn thất lớn nhất trong lịch sử gián điệp của Cộng Sản Sô Viết. Vụ thứ hai là một cựu nhân viên An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, Ronal W. Pelton, đã chụp hình tài liệu mật vào một bộ nhớ (memory) để chuyển cho tình báo CS Sô Viết vào năm 1986.

Bên cạnh đối phó với gián điệp CS, FBI còn đối phó với phong trào ma tuý đang thịnh hành trên thế giới, dĩ nhiên Mỹ là thị trường tiêu thụ ma tuý lớn nhất, trong suốt thập niên 1980, FBI đã khám phá ra một hệ thống buôn ma túy lớn nhất thế giới từ Ý Đại Lợi đến Hoa Kỳ dùng tiệm Pizza ngụy trang để giao dịch và phân phối ma túy trên toàn quốc có tên “Hệ Thống Pizza nối kết”. Kết quả có 18 tội nhân buôn bán ma túy bị bắt trong đó có trùm Mafia Sicilian và ước lượng số ma túy và cocaine thu được chừng 1.6 tỉ US Dollars.

Cũng trong thập niên 1980, Hoa Kỳ đang trong cơn khủng hoảng tài chánh bởi vì hệ thống ngân hàng cho vay tiền lạm dụng, FBI bắt tay vào việc khám phá 212  ngân hàng lớn nhỏ bị vi phạm.

Từ năm 1984, FBI trang bị hệ thống điện toán để giúp sức người, bắt đầu xây dựng hệ thống điện toán tối tân và được đưa vào xử dụng vào năm 1991.

Cuối năm 1988 FBI tăng nhân viên lên 23,314, 58 chi nhánh tại Hoa Kỳ, và 15 chi nhánh ở nước ngoài.

6) FBI Sau chiến tranh lạnh

Sau chiến tranh lạnh, 12/1991 chế độ CS Nga Sô sụp đổ, tình báo cộng sản không còn hoạt động mạnh mẽ hay nói đúng hơn là Nga Sô cũng như các nước Đông Âu tập trung quay về củng cố kinh tế và lo việc nội bộ. FBI chuyển 300 nhân viên phản gián sang điều tra tội phạm liên quốc gia. Trong những năm sau chiến tranh lạnh, tội phạm tại Hoa Kỳ tăng 40% so với mười năm trước, vị giám đốc mới, ông Williams Sessions, tập trung vào việc tiêu diệt những nhóm băng đảng lớn nhỏ đủ cỡ, đủ sắc tộc trong đó có Mỹ da trắng, Mỹ da đen, Mỹ Việt Nam, Mỹ Cu Ba, Mỹ Tàu…. chiến dịch này được gọi là Chiến Dịch Quét Sạch Đường Phố (Operation Safe Street). Thế là tất cả cảnh sát từ FBI đến tiểu bang và thành phố chú tâm đến dẹp băng đảng trộm cướp, và chúng ta không lạ gì chính trong khoảng thời gian này các băng đảng trộm cướp Việt Nam đều bị hốt sạch.

Để tăng thêm độ chính xác khi kết luận tội phạm, phương pháp thử nghiệm DNA được đem vào phòng thí nghiệm FBI trở thành hồ sơ DNA dày cộm và đầy đủ theo thứ tự giống như hồ sơ chỉ tay của người dân Hoa Kỳ trước đây.

Năm 1992 và 1993 là hai năm có những biến cố gây tai tiếng cho FBI:  Năm 1992 trong khi FBI tiến hành điều tra tội phạm giết một nhân viên cao cấp của Bộ Tư Pháp, ông Randal Weaver bị tình nghi tội phạm đào tẩu. Trong khi đang tiến hành điều tra thì FBI đã bắn chết vợ ông Weaver! Thứ hai là năm 1993, biến cố tại Waco, Texas do đạo tặc David Koresk bắn chết 4 nhân viên công lực đã đột nhập thánh địa của David, sau 51 ngày đêm điều đình David không chịu ra hàng mà cứ tử thủ với vũ khí tự động M-16, FBI đã phóng hỏa thiêu rụi trang trại của đạo tặc David Koresk giết chết 54 người lớn và 21 trẻ em. Hai sự kiện này đã làm lu mờ hình ảnh và khả năng quyền biến của FBI như trước đây. Tháng 7, 1993 Tổng Thống Clinton phải cách chức giám đốc William Steele Sessions và tạm thời thay thế người phụ tá để tìm nhân tuyển mới.

Từ năm 1993 đến năm 2001, FBI tăng cường trách nhiệm với thế giới, văn phòng FBI đặt tại các nước CS cũ như Moscow, Budapest… công việc FBI có phần vói tay ra ngoài nhiệm vụ chính của mình hơi nhiều đến nỗi đại sứ hoa kỳ tại Đức, Richard Holbrooke than phiền: “FBI đã lấn sang công việc của bộ ngoại giao, FBI chỉ có nhiệm vụ đối đầu với công việc nội bộ nước Mỹ”.

Đây là giai đoạn khủng bố lộng hành, chúng đặt bom tại hai tòa nhà World Trade Center (1993), nổ bom ở Oklahoma City (1995) giết chết mấy trăm người, vụ tự chế bom lớn nhỏ và gửi bom qua hàng bưu điện của Tiến Sĩ  Kaczynski (1996), vụ lùng bắt tướng cướp Nga Ivankov, và ngăn ngừa ma túy chuyển qua biên giới Mễ Tây Cơ vào đất Mỹ…. Tất cả đó đã làm cho FBI điên đầu với nhiều loại tội phạm khủng bố khác nhau.

7) FBI  cuộc chiến chống Khủng Bố:

Những báo động về khủng bố tại nước Mỹ là những mối quan tâm hàng đầu của Mỹ, tổng thống Clinton đã ra lệnh bắn hỏa tiễn có điều khiển đến các cứ địa khủng bố ở Sudan và Afghanistan vào ngày 20/8/1998 là tiếng còi báo động chiến tranh chống khủng bố, ông nói: “đây là một cuộc đọ sức dài hạn giữa tự do và những thế lực cực đoan”, hai năm sau, khủng bố đã tấn công chiến hạm có trang bị nguyên tử của Hải Quân Hoa kỳ USS Cole vào tháng 10/2000 hải cảng Aden của Yemen do al-Qaeda khủng bố. Hàng loạt đặt bom tòa đại sứ Hoa kỳ và các nước tự do trên những vùng đất có những tổ chức khủng bố Hồi Giáo, đứng đầu trong những nhóm khủng bố này nguy hiểm nhất là al-Qaeda do Bin Laden thủ lãnh và đặt cứ địa tại Afghanistan với quân Taliban và nhiều nhóm hành động khắp nơi trên thế giới.

911 phút giây kinh hoàng – FBI sững sốt

Phút giây “kinh hoàng” là sáng 11/9/2001, nước Mỹ nói chung và FBI nói riêng kinh động. FBI phải thay đổi toàn bộ chiến lược “Chống Khủng Bố” lên hàng quốc sách ưu tiên số một. Vụ tấn công chớp nhoáng trở thành cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử FBI, với sự tham gia trực tiếp gần nửa tổng số nhân lực của FBI.

Đáng ra, cơ quan FBI phải điều chỉnh phương pháp chống khủng bố tấn công nước Mỹ trước biến cố 11/9, vì trước đó FBI đã được lệnh điều tra các âm mưu tiến hành khủng bố, đã ngăn chặn được rất nhiều âm mưu phá hoại, và đã phát hiện gần 60 vụ trong suốt những năm 1990 cho đến đầu năm 2001. Tuy thế, biến cố 11/9 là một gáo nước lạnh tạt vào mặt cơ quan lừng danh FBI Hoa Kỳ. Dân chúng Hoa Kỳ lên tiếng: FBI ở đâu? CIA ở đâu? phải thay đổi phương pháp làm việc, không ỷ lại, không tự cao tự đắc với những thành tích quá khứ, phải đi trước các tên khủng bố, phát hiện và triệt hạ chúng trước khi chúng ra tay giết chết hàng vạn đồng bào vô tội như thảm cảnh chúng ta tận mắt chứng kiến trong ngày 9/11…. tất cả đó đè nặng lên trách nhiệm trực tiếp của FBI.

Robert S. Mueller, III, cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, tốt nghiệp trường Luật 1973, và đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành điều tra chống khủng bố và phản gián. Quan chức cao cấp trong Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, đã đạt nhiều thành thích xuất sắc trong khi lãnh đạo các ngành điều tra, phản gián….đang lãnh đạo FBI để đáp ứng với tình thế đòi hỏi cấp bách chống khủng bố là hàng đầu.

 

Robert S. Mueller (FBI director 9/2001 – 4/2013)

Nhìn chung thì sau biến cố 911, không có một vụ khủng bố đáng kể nào trên vùng đất bao la tại Hoa Kỳ, điều đó đã chứng minh khả năng của FBI dưới sự lãnh đạo của giám đốc Mueller.

Bắt tay vào việc cải tổ lại FBI và lùng diệt khủng bố trong nội địa Hoa kỳ và trên thế giới, Giám đốc Mueller đã nhanh chóng tái tổ chức FBI cho phù hợp nhiệm vụ mới đó là: Tập trung vào việc ngăn chận và tấn công khủng bố từ ngoài để bảo vệ Hoa Kỳ, chống lại mọi loại gián điệp mới xâm nhập nước Mỹ, đặc biệt chống và tiêu diệt tin tặc một “giặc” mới có hiểm họa khôn lường là làm tê liệt hệ thống điện toán nước Mỹ-một công cụ không thể thiếu đối với sinh hoạt và kỷ nghệ của Hoa Kỳ hiện nay- có thể nói điện toán tê liệt là nước Mỹ tê liệt! Tận diệt mọi hình thức đánh cắp kỹ thuật khoa học tối tân của Mỹ và bảo vệ sản phẩm trí tuệ của nhân dân Hoa kỳ. Tuy thế vẫn không lơ là trong việc bảo vệ dân quyền, chống các băng đảng tội phạm, chống nạn rửa tiền, chống những hình thức tội ác lừa bịp như mafia…..và đặc biệt liên kết với các nước bạn trong cuộc chiến tận diệt khủng bố.

Để đáp ứng với nhu cầu mới, cơ quan FBI đã bỏ ra rất nhiều tài chánh để cải tạo tối tân hệ thống điện toán có khả năng đáp ứng nhu cầu hoàn thành trách nhiệm của FBI.

Sự kiện 11/9 đã làm biến đổi “sâu sắc” cơ cấu tổ chức và hoạt động của FBI. Và FBI đã củng cố khả năng chống khủng bố và tình báo theo nhiều cách mới. Suốt 7 năm qua, các thành tựu mà FBI thu được không thể nào đếm xuể.

Cơ quan FBI vừa làm lễ ăn sinh nhật 112 cách đây một tháng, thành tựu và công sức đóng góp của FBI đối với nhân dân Hoa kỳ thật vĩ đại – vĩ đại này dùng đúng nghĩa của nó. Gương phục vụ của FBI đối với nước Mỹ thật đáng kính phục đúng như phương châm “Trung Thành, Dũng Cảm, Liêm Chính”. Trung thành phục vụ nhân dân Hoa Kỳ, dũng cảm khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh nước Mỹ, và liêm chính để giữ sự điều tra trong sáng, nhận diện tội phạm không thiên vị.

 

James B. Comey (FBI  Director từ 9/2013 – 4/2017)

Andrew McCabe (Acting Director  FBI 5/2017-8/2017)

Christopher Wray, 8/2017 – Present

Trước thiên niên kỷ 2000, FBI vẫn tự hào là ngôi sao sáng chói trên thế giới trong lãnh vực điều tra, chống gián điệp, chống khủng bố, dẹp băng đảng, loại gian lận, chống hacker, chống ăn cắp sở hữu trí tuệ…… chưa có một tổ chức tình báo nào trên thế giới dám bóp còi qua mặt.

Lê Thành Nhân

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt