Biểu tình chống thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Xuân Phúc

Ngày thứ Tư 05.07.2017 tại Mainz  

Bài viết này chỉ có mục đích viết lại một vài cảm tưởng và nhận định cá nhân của một tham dự viên sau cuộc biểu tình ngày 05.07.2017 tại thủ phủ Mainz của tiểu bang Rheinland-Pfalz. 

Cuộc biểu tình nào của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại sau ngày đau thương của dân tộc 30.04.1975 đều mang cùng một mục đích: “kêu gọi thế giới bên ngoài hãy nhìn lại thực trạng bi đát của dân tộc Việt Nam dưới chế độ CS đầy bưng bít, giả dối, chỉ theo đuổi mục đích riêng tư của đảng và của nhóm chóp bu cầm quyền, chà đạp NHÂN QUYỀN với tất cả mọi hệ lụy, TỰ DO, DÂN CHỦ chỉ là những từ ngữ trên đầu môi chót lưỡi để muối mặt đi ăn xin với thế giới Tây phương, một thế giới vốn “dễ tin” phát sinh từ lòng nhân đạo”.

Sau 42 năm, chúng ta đã đạt được mục đích đó hay chưa? Theo nhận xét của riêng cá nhân tôi,  phải nói rằng là CHƯA hay KHÔNG hoàn toàn đạt được mục đích!!! 

“Chưa hay Không” không chỉ có nghĩa là vì cách tổ chức biểu tình của chúng ta không được qui mô rầm rộ, gây sự chú ý với dân bản xứ. Đa số dân bản xứ qua lại trên đường đi thật tình không bao giờ chú ý đến nội dung của những cuộc biểu tình như thế này, họa chăng may ra chúng ta “vớ” được 1 hay 2 người có lòng quan tâm nhưng cũng chỉ quan tâm trong phút chốc rồi sau đó tất cả lại rơi vào quên lãng, không để lại thêm một ấn tượng sâu sắc nào….

“Chưa hay Không” có nghĩa là nếu chúng ta tiếp tục biểu tình dưới hình thức giăng thật nhiều cờ vàng, giăng thật nhiều biểu ngữ, đọc thật nhiều “Pressemitteilung” với âm thanh “què quặt” oang oang nghe không rõ, phát một số “Flyer” cho khách bộ hành qua lại gần khu vực biểu tình, đứng hàng giờ giang nắng trước cổng các tòa nhà, dinh thự “dàn chào” phản đối cho buổi tiếp đón “quý khách”, để rồi vung tay la hét khản cổ khi đoàn mô tô của cảnh sát rầm rộ hộ tống “quý khách” hay khi “quý khách” ra về….. Sau đó chúng ta cũng chỉ lủi thủi ra về vì chẳng đạt được gì ngoài cảm giác chán chường mệt mỏi, ngoài một an ủi nho nhỏ “người Việt tỵ nạn chúng ta vẫn còn có nhau, bên nhau”, để rồi …..hẹn gặp lại nhau trong một cuộc biểu tình nào đó. Biểu tình bao lâu nữa? Đem lại ích lợi gì?

Khi thấy “quý khách” ngồi trong xe đen bóng loáng, ung dung tự tại, mặt mũi vênh vênh tự đắc, quần áo bảnh bao, nhìn đám biểu tình chúng ta bằng ¼ con mắt, miệng cười mím chi….đểu giả…. rồi chiếc xe đen bóng loáng mất hút đằng sau cánh cửa sắt ngăn chia với thế giới bên ngoài, cái cảm giác tức giận chen lẫn nhục nhằn lại một lần nữa trở về !!!

Đám quần thần của “quý khách” cũng đóng bộ trong những lớp quần áo bảnh bao, đàn bà thì đeo ví điệu đàng, giày cao gót, mặt mày nghênh ngang tự đắc, nói nói cười cười….đàn ông tay xách cặp táp láng cóng hay vai đeo máy quay phim bự tổ chảng. Đám quần thần đó chỉ dám nhìn thẳng, không dám nhìn ngang nhìn ngửa, tránh né những cặp mắt giận dữ, khinh bỉ, bịt tai trước tiếng “đả đảo”, “cút đi” hay “đồ VC” v.v..của đoàn biểu tình. Thấy chúng tiu nghỉu, đầu cúi, tai cúp, cố bước đi nhanh, đáng khinh hay đáng tội nghiệp đây ??? 

Tin thủ tướng VC NXP đến thăm tiểu bang Rheinland Pfalz ngày thứ tư 05.07 vừa qua quả tình là người Việt tỵ nạn vùng Rhein Main, vùng Trung Đức biết quá trễ, chỉ 3 ngày trước đó. Mọi chuẩn bị hầu như là không có. Khuya ngày chủ nhật rạng thứ hai, anh hội trưởng Võ Hùng Sơn gửi đơn…. online xin phép cảnh sát biểu tình. Vì anh không rành đường đi nước bước ở Mainz nên hai người Việt “kỳ cựu” ở Mainz phải gồng lên phụ giúp. Biết được địa điểm thích hợp rồi mới bấm “senden” để xin cảnh sát cấp giấy phép biểu tình.

Hệ thống Internet ngày nay quả thật là ích lợi và hữu hiệu! Bất kể ngày đêm ai cũng có thể xin phép cảnh sát biểu tình. Ngày xưa là phải chờ phải đợi, phải chờ giờ mở cửa, lái xe ra tận nơi, điền đơn, nộp đơn v.v… Ngày nay tất cả đều “online”. Nhưng cái “online” quan trọng nhất và hữu hiệu nhất là điền đơn xin tham dự buổi tiếp đón (tuy chỉ được dự thính, không được phép phát biểu), đáng lý ra phải làm thì chẳng ai làm, có lẽ một phần vì quá cận ngày, nếu có xin chắc cũng không được vì đã hết hạn nộp đơn.  

Địa điểm biểu tình số 1 “Gästehaus der Landesregierung”  (An der Bastion) nằm trên một khúc cua lớn dẫn từ Uni Klinik xuống nhà ga chính của Mainz. Trên con đường này, một bên là Museum của hãng “Kupferberg” (hãng làm Sekt), bên kia đường là “Villa Musica” , một lâu đài cổ, nơi đây thường tổ chức những buổi hòa nhạc classic tuyệt hay, cũng là nơi tiếp đón quý khách của tiểu bang….Xe hơi chạy đến khúc cua này bắt buộc phải chạy chậm. Đoàn biểu tình nhắm ngay lợi thế đó, ngay khúc cua, giăng cờ, giăng biểu ngữ, cờ vàng bay phất phới dưới ánh nắng rực rỡ của ngày hè, sức nóng mặt trời chưa đạt đến cao điểm nhưng cũng không dưới 30 độ C.

Ở đây, tình cờ chúng tôi đã gặp được một người bạn, quen biết cũng đã hơn 20 năm. Ông ta là “(ex) Intendant” của đài truyền hình số 2 ZDF ở ngay Mainz và cũng là bố của cô bạn nối khố rất thân của con gái chúng tôi – ông Schächter. Dân về hưu mà đóng bộ như thế này là điều “bất thường”. Một ý nghĩ chợt đến trong tôi “hay ông ta cũng được mời trong buổi tiếp đón “quý khách” từ VN?”. Nếu thế thì phải tận dụng dịp may hiếm có để “rỉ tai” ông ta mới được, may ra có thêm được đồng minh chăng! Thế là tôi “tấn công” ngay: 

– ông được mời tham dự buổi tiếp kiến hôm nay à?  Vừa hỏi tôi vừa chỉ tay về phía “Villa Musica”.  – Vâng, nhưng không phải được mời để tiếp kiến ông thủ tướng của bà, mà là được mời ăn trưa với mấy ông bạn đồng nghiệp cũ ở Kupferberg. Vừa nói ông vừa chỉ tay về Museum Kupferberg, đối diện với Villa Musica nằm bên kia đường. – Ông này không phải là thủ tướng của chúng tôi. Chúng tôi chống ông ta và chính phủ CS của ông ta. Đây là một “Protest-Kundgebung” ông ạ! 

Với dân truyền hình là phải nói ngay nói thẳng, không cần quanh co khách sáo. Thế là tôi dúi ngay vào tay ông tờ “Pressemitteilung”, nói sơ qua về tình hình chính trị hiện nay ở VN rồi vẫy tay chào từ biệt. Lại thêm được một dịp để nói lên “nỗi lòng” của người Việt tỵ nạn. Ông Schächter (tuy đã về hưu) nhưng cũng đã biết là NXP muốn mời ca đoàn (Bachchor) của thành phố Mainz sang VN trình diễn vào năm 2018.  

Trở lại địa điểm biểu tình. Điều đáng phải nhắc đến ở đây là con dốc cao và dài dẫn từ nhà ga lên đến đồi Kupferberg. Thế mà cụ Nguyễn Thanh Châu đã cuốc bộ từ dưới dốc lên đến chỗ biểu tình. Năm nay cụ đã 94 tuổi, tay chống batoong, đầu đội cái nón phớt. Cụ đã đến đây từ lúc 9 sáng, trời còn mát, mặc dầu giờ biểu tình được ấn định là 11:00 giờ. Cụ kể, cụ cũng cố leo thêm cả cái dốc cao dẫn vào “Villa Musica” (quý khách lúc đó chưa đến) để xem một lần cho biết. Tinh thần chống cộng của cụ vẫn luôn là cái gương sáng chói cho cộng đồng người Việt vùng trung Đức noi theo. Thật đáng quý và đáng cảm phục!

 

Địa điểm biểu tình thứ hai là “Staatskanzlei”. Mainz vốn nổi tiếng và được biết đến nhờ hai đặc điểm: Karneval và các toà dinh thự màu đỏ hồng. Hai “kỳ cựu” của Mainz đã sinh sống ở thành phố này xấp xỉ gần 50 năm, ngỏ ngách nào cũng thông suốt còn hơn cả dân bản xứ mới sinh đẻ và lớn lên ở đây. Bãi đậu xe của Staatskanzlei vì là ngày làm việc nên cũng không còn chỗ trống. Nắng vẫn chói chang trên đầu. Sức nóng của 12 giờ trưa đã đạt đến cao điểm. Đoàn biểu tình cũng đã lục tục từ Villa Musica về đến địa điểm biểu tình, người đi xe đạp, người đi xe Bus, người lái xe. Chiếc xe chở cờ quạt biểu ngữ chưa đến, hy vọng anh hội trưởng hội Frankfurt không đi lạc.  

Đến Staatskanzlei với một tâm trạng “lo lắng”. Lo lắng vì không biết số 30 người ít ỏi của phe ta có địch nỗi với phe VC hay không? 

Người Việt đến sinh sống ở Mainz cũng khá đông, đặc biệt là sau ngày bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Đa số người Việt ở đây đến từ miền Bắc VN, chuyên làm Nail, buôn bán lặt vặt, tiệm ăn (rửa tiền) và nghe nói cũng có không ít một số “đầu não”, thân cận với sứ quán tại Frankfurt, chuyên tổ chức các sinh hoạt trong vùng nhằm lôi kéo số người Việt ba phải thiếu lập trường, ham vui, hoặc tổ chức này nọ để phá rối các sinh hoạt thường niên của cộng đồng tỵ nạn…. Nay có nguyên thủ quốc gia của mình được chính quyền tiểu bang tiếp đón, một vinh dự, một quốc thể, không lẽ họ không tổ chức rầm rộ đi đón, cờ đỏ có lẽ sẽ tung bay tràn ngập thành phố?????

Nhưng thực tế đã hoàn toàn trái ngược với những lo lắng của chúng tôi! Trước cổng vào Staatskanzlei,  ngoài lá cờ đỏ sao vàng duy nhất treo cạnh lá cờ Đức và lá cờ của tiểu bang, chẳng thấy bóng dáng cái cờ đỏ nào nữa hết! Trời buổi trưa đứng ngọ, 3 lá cờ to lớn treo trên cột coi thật “oai” nhưng cờ nào cờ nấy ỉu xìu “rũ rượi” vì không có một ngọn gió! Trong khi đó, đoàn biểu tình của chúng tôi, nếu nói rằng mỗi người có 1 lá cờ vàng 3 sọc đỏ trên tay thì

e rằng hơi ba xạo, nhưng chắc chắn là không dưới 25 lá cờ lớn nhỏ. Không gió thì mình phất, cờ vàng vẫn bay, vẫn ngạo nghễ như tự lúc nào.

Một viên cảnh sát đến canh giữ an ninh cho đoàn biểu tình đã nói như sau “đây là lần đầu tiên ở Mainz có cuộc biểu tình với cờ vàng 3 sọc đỏ của quý vị”. Trong một không khí sôi bỏng như hiện nay, an ninh công cộng là điều tối cần thiết, ít ra cũng có đến 3-4 xe cảnh sát đến canh gác an ninh cho chúng tôi. Các nhân viên cảnh sát tuy đứng xa xa canh chừng nhưng có lẽ họ cũng đã lắng nghe lời trần tình của đoàn biểu tình qua nhiều lần đọc bảng “Pressemitteilung” và những khẩu hiệu hô to bằng tiếng Đức của chúng tôi. Những gì họ yêu cầu chúng tôi đều vui vẻ tuân theo, không phàn nàn mè nheo ỉ ôi…Cuối cùng chính cảnh sát đã tự đề nghị cho phép đoàn biểu tình đứng hai bên lối xe ra vào của “quý khách”, để việc “dàn chào” phản đối NXP của chúng tôi thêm hiệu quả, một sự việc mà ngay từ lúc đầu họ đã đắn đo vì sợ đoàn biểu tình quá khích phất cờ vào xe “quý khách”  có thể gây ra tai nạn cho cả đôi bên. 

Thái độ hòa nhã và tôn trọng luật pháp của đoàn biểu tình đã thu phục được cảm tình của nhân viên cảnh sát thành phố Mainz. Tuy chỉ là một điểm nhỏ nhưng có “ép phê” vô cùng. 

Đài SWR cũng đã đến chụp hình và phỏng vấn chúng tôi. Họ dặn nhớ đón coi giờ phát hình của SWR RP (Rheinland Pfalz) về tin tức của tiểu bang, hoặc 17:00 hoặc 19:30 giờ. Trời nắng và nóng nên về đến nhà tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, lúc tỉnh dậy, may mà vừa kịp đón coi SWR RP chiếu buổi tiếp đón NXP. Hình ảnh những lá cờ vàng và đoàn biểu tình trưa hôm đó cũng được chiếu, nhưng chiếu nhanh đến nỗi chỉ cần chớp mắt là đã qua. Thôi thì đành vặn Mediathek của SWR để xem vậy!

Chủ nhà người Đức: bà thủ hiến tiểu bang Malu Dryer và nhân viên trong nội các cầm quyền….Có ai quan tâm đến chúng ta hay không nhỉ? Có chứ! Chắc chắn là có!!! Sau khi “quý khách” ra về, một nhân viên cao cấp trong nội các của bà Malu Dreyer được phái ra gặp đoàn biểu tình của chúng ta, Dr. Deniz Alkan (thuộc Abteilung 5 chuyên lo về “EUROPÄISCHE UND INTER-NATIONALE ZUSAMMENARBEIT). Ông nói rằng “chúng tôi biết và rất hiểu yêu cầu (Anliegen) của quý vị, nhưng trên bình diện ngoại giao, một mặt chúng tôi phải tiếp khách đến từ VN, mặt khác chúng tôi cũng không quên quý vị, vì thế tôi được cử ra đây để tường thuật với quý vị một vài điều đã được nhắc đến trong buổi tiếp đón vừa qua”. 

Thực tình mà nói, chẳng ai trong đoàn biểu tình chúng tôi lúc đó có thể ngờ rằng bà thủ hiến Malu Dryer lại có lòng cảm thông, rất tế nhị với đoàn biểu tình người Việt tị nạn như thế này. Dr. Alkan kể tiếp về nội dung buổi tiếp đón, rằng “ngoài đề tài hợp tác, trao đổi kinh tế và văn hóa với phái đoàn VN, chúng tôi cũng đã đề cập đến tình hình chính trị hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt về vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận, tự do báo chí. ….. Cho vấn đề đó, ông NXP giải thích là tuy VN có ban hành đạo luật về tự do báo chí từ năm 2014 nhưng VN cũng biết là phải còn cải tổ rất nhiều…..”. Khi nghe ông Dr. Alkan tường thuật xong, chúng tôi chỉ còn biết hết lời cám ơn ông và đưa tờ “Pressemitteilung” đang có sẵn trên tay cho ông. Ông vui vẻ chào từ giã chúng tôi và hứa sẽ đưa ngay “tâm sự” (Pressemitteilung) của đoàn biểu tình cho bà thủ hiến tiểu bang. Thật là một dịp may hiếm có!!! 

Vốn không phải là một “Wähler” của SPD nhưng qua nghĩa cử này chắc phải suy nghĩ lại. Đừng quên mùa bầu cử vào tháng 9 sắp tới, nhưng dầu sao đây cũng là một hành động “vì dân”, nghĩ đến dân của một nhà cầm quyền. Thật đáng noi gương!!!!!

Là một tham dự viên, trưa hôm đó chúng tôi đã ra về với với một tâm trạng vui buồn khó định nghĩa. Nhưng phải nói rằng, những khuôn mặt “quen thuộc” của đồng hương từ Wiesbaden, Frankfurt, Mannheim, Darmstadt, Mainz, nhất là Köln và Witten, tuy không hẹn nhưng chúng tôi đã đến với nhau, như một chia xẻ, một “hẹn hò”, cùng nhau tiếp tục tranh đấu cho quê hương và dân tộc sớm thoát ách cai trị của bè lũ cộng sản và tay sai. 

Mainz, ngày 07.07.2017

Mỹ Nga (Đức Quốc)
Đảng tử VNQDĐ

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt