Biên chép ở Thổ Tang: Chuyện nhà Nguyễn Thái Học

Cháu dâu ông Nguyễn Thái Học (vợ ông Nguyễn Văn Tuấn) thắp hương trước bàn thờ gia tiên.

TG – Có chút chi đứt gãy hoặc khoảng trống trong lý lịch của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học? Ấy là chính sử chép ông từng theo học Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Cứ như Nguyễn Thái Học đã nối cái chí “phi thương bất phú” từng truyền đời ở làng Thổ Tang?
Lại nữa, người con đầu tiên  của làng Thổ Tang, Nguyễn Thái Học tòng sự Cao đẳng Thương mại Đông Dương như đang và sẽ tiếp nối truyền thống buôn bán từ thế kỷ 13 của làng Thổ Tang thuở xa ngái đã được coi là vùng Kẻ Sông – Kẻ Chợ có tiếng?

Ông có tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương Mại và được bổ nhiệm tòng sự ở một Sở nào đó chưa thấy tài liệu nào ghi chép cặn kẽ. Nhưng có lẽ ông đã dứt khoát dứt cái danh sự nghiệp ấy nửa chừng bỏ đi làm cách mạng. Lịch sử nước Nam mình đều đồng thuận khắc ghi nhiệt huyết xả thân vì sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập ban đầu của Việt Nam Quốc dân Đảng.

…Ngay gần đình Thổ Tang, rẽ trái quá mấy bước vào một ngõ, ngõ ấy ăn vào ngách một ngôi nhà xây cất theo lối cổ. Đó là ngôi nhà đã sản sinh ra lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng-Nguyễn Thái Học.

Tiếp chúng tôi là cụ bà dáng nhỏ nhắn mau mắn. Khi biết khách từ Hà Nội lên tham quan Thổ Tang tiện ghé nhà thắp hương cho cụ Nguyễn Thái Học, bà vui vẻ bảo chúng tôi cố nán lại một chút: “ông nhà tôi cũng sắp về sẽ tiếp các bác…”

Ông nhà tôi  là một cụ ông đẹp lão. Câu chuyện với chủ nhà chả mấy chốc mà lẹm sang cả một buổi trưa…

Ông Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn chủ nhà gọi Nguyễn Thái Học bằng bác ruột.

Tác giả và vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuấn (cháu ruột cụ Nguyễn Thái Học – hiện đang sống tại tổ đường cụ Nguyễn Thái Học)

Cụ cố ông là Nguyễn Văn Hách cùng cụ cố bà là Nguyễn Thị Quỳnh gia cảnh cũng tùng tiệm. Nghề canh cửi cùng việc buôn vải chạy chợ vặt cũng đắp đổi cho đời sống một gia đình 7 miệng ăn.

Sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Thái Học, sử sách nói đã nhiều và đủ. Chỉ biên thêm vài ý trong câu chuyện với chủ nhà, ông cháu Nguyễn Văn Tuấn.  

Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học sinh năm 1902 là con trai cả. Thông minh siêng năng và chăm học. Lên 4 tuổi, Nguyễn Thái Học đã học chữ Nho với ông ngoại. Năm 11 tuổi ông bắt đầu theo học chương trình tiểu học Pháp-Việt. Năm 19 tuổi thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội…

Do tính tình cương trực và không khuất phục lối giáo dục của người Pháp, ông bỏ học vào năm thứ ba, và sau đó ghi danh học trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương (1925-1927). Trong thời gian này, ông tham gia thành lập Nam Đồng Thư Xã, và tiếp xúc với một số sinh viên đồng chí hướng… Cũng trong thời gian là sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn Thái Học đã gửi cho Toàn Quyền Đông Dương Alexandre Varenne một số bức thư kêu gọi chính quyền thực dân Pháp tiến hành một loạt cải cách tiến bộ ở Việt Nam.

Thư không được hồi âm. Thất vọng về con đường cải cách của chính quyền thuộc địa, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đi đến quyết định chọn con đường dùng vũ trang lật đổ chế độ thực dân Pháp và chế độ phong kiến.

Tháng 12 năm 1927,  Nguyễn Thai Học cùng một số đông chí trung kiên thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Dưới sự lãnh đạo của ông, VNQDĐ bắt đầu phát triển rất nhanh chóng. Đến đầu năm 1929, VNQDĐ đã thành lập được 120 chi bộ tại Bắc Kỳ với 1.500 đảng viên.

Sau đó, lực lượng của VNQDĐ bị suy yếu, tổn thất nặng nề, và hoàn toàn rơi vào thế bị động sau việc ám sát tên mộ phu đồn điền Bazin. Các lãnh tụ buộc phải tiến hành cuộc khởi nghĩa 10 tháng 02, 1930 để tránh cho các cơ sở đang gặp nguy cơ bị tiêu diệt hoặc tan rã.

Sự việc không thành, ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Chí Linh, Hải Dương. Ngày 17/6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.

Như một hướng dẫn viên bảo tàng Nguyễn Thái Học thạo việc, câu chuyện của ông Tuấn đưa người nghe lướt qua những đoạn phim như những khúc tráng ca bi hùng của cuộc đời nhà cách mạng, một anh hùng dân tộc.

Ông Tuấn thuộc làu đoạn thơ tiếng Pháp mà ông bác Nguyễn Thái Học đọc trước lúc đầu lìa khỏi cổ ở Yên Bái.

Mourir pour sa patrie,
C’est le sort le plus beau.
Le plus digne…d’envie…
(Chết vì Tổ quốc, Cái chết vinh quang, Lòng ta sung sướng/ Trí ta nhẹ nhàng.)

Và nữa, mối tình của cô Nguyễn Thị Giang quê ở Bắc Ninh, một đồng chí thân thiết sau này là vợ Nguyễn Thái Học. Ông Tuấn cho hay, ông nội mình là cụ Hách đã bí mật lên Đền Hùng để dự cưới con trai do các đồng chí của con bí mật tổ chức.

Lại nối tiếp chuyện ông Nguyễn Văn Tuấn.

…Nguyễn Thái Học có em ruột Nguyễn Văn Nho, sinh năm 1910. Được Nguyễn Thái Học rèn luyện xung vào VNQDĐ, làm Trưởng Ban ám sát. Từng bắn chết tên phản bội Phạm Thành Dương (Đội Dương), bị Pháp bắt giam, xử chém tại Hỏa Lò ngày 9/3/1931 cùng với Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con.

Kế Nguyễn Văn Nho là Nguyễn Văn Lâm, bố đẻ ông Tuấn đây. Cũng được người anh cả Nguyễn Thái Học rèn luyện tham gia VNQDĐ. Sau cái chết của 2 người anh, mặc dù bị truy lùng gắt gao nhưng ông Lâm may mắn lánh thoát được không bị Pháp bắt. Sau này ông Lâm được Đảng cộng sản mời tham gia Việt Minh rồi xung vào Vệ quốc đoàn, từng dự trận đánh tàu Sông Lô năm 1947 ở Đoan Hùng. Sau đó, ông Lâm hy sinh trong chiến trận.

Tôi ngước lên gian thờ chính. Nghiêm ngắn trên kia là ảnh  Nguyễn Thái Học cùng cô Giang. Ảnh ông Nho, ông Lâm đã mờ cùng vàng xuộm thời gian. Không có ảnh của hai cụ Hách và Quỳnh. Nhưng rờ rỡ nổi bật là bằng chứng nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho cụ bà Nguyễn Thị Quỳnh. Ba người con của mẹ đều bỏ mình vì Tổ Quốc!

Nhà có hai bác ruột và bố là liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1940) thân phận chắc phải hạnh thông? Nhưng chả phải. Nếu suôn sẻ thì có lẽ chỉ khúc đầu… Năm 1960, Tuấn tốt nghiệp cấp 3 và được tuyển vào Đại học Kiến trúc. Thông minh tháo vát, Tuấn ngoài việc học tích cực tham gia phong trào đoàn thể, rồi Tuấn được kết nạp vào Đảng khi mới ngoài 20 tuổi. Đến năm thứ 3 được bầu là Bí thư Đoàn của trường.

Một hôm Tuấn được gọi lên ban Giám hiệu. Vị phụ trách tổ chức, vốn chỗ quen biết lâu nay tự dưng chiếu cái nhìn lạnh tanh về phía Tuấn đồng chí lâu nay có cảm giác gì không? Tuấn lúng túng: dạ không !… Đồng chí khi đứng trước cờ Đảng tuyên thệ luôn thành thực với tổ chức đó chứ? Tuấn hoang mang không biết ông này đang làm gì mình?

Thì đây! Với chất giọng tự dưng đanh lại, vị phụ trách tổ chức nói Tuấn phải khai lại lý lịch một lần nữa.

Không phải về nhà, mà khai ngay tại phòng làm việc.

Tuấn không biết khai lại để làm gì nhưng anh vẫn cung cúc thực hiện.

Hơn hai tiếng đồng hồ qua.

Vồ lấy bản vừa khai, vị tổ chức ngốn ngấu đọc, rồi bảo Tuấn cứ ngồi đợi. Vị ấy bỏ đi…

Trở lại, vẻ nghiêm trang, vị ấy nhìn thẳng vào Tuấn gằn giọng có đúng là hai người bác ruột anh – không còn từ đồng chí nữa – là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Nho là lãnh tụ VNQDĐ  và bố anh, Nguyễn Văn Lâm từng tham gia VNQDĐ?

Vâng, riêng bố tôi được Đảng giác ngộ tham gia Việt Minh và vào bộ đội và là liệt sĩ chống Pháp… Điều đó tôi đã khai rõ trong lý lịch Đảng và bản khai vừa rồi…

Vị ấy đứng lên: Thôi anh có thể về.

Liền sau đó là hậu họa… Cả trường rầm lên cái tin Bí thư Đoàn trường Nguyễn Văn Tuấn bị đuổi học vì có bố, bác từng theo bọn phản động Việt Nam Quốc dân Đảng. Một phần tử phản động chui sâu và leo đến chức Bí thư Đoàn trường! May mà tổ chức đã phát hiện ra.

Tuấn như cái cây cứng cáp xanh tốt thốt nhiên bị bứng gốc rũ xuống… Gõ hàng chục cửa công quyền và người quen, đâu đâu cũng cái nhìn lạnh tanh và lảng tránh… Bà nội, bố và các bác đều đã mất, kêu khóc với ai bây giờ?

Bà vợ ông Tuấn nãy giờ ngồi lặng nghe chồng nói đến khúc nhôi ấy khẽ thở dài: Cái thời ấy nó thế các bác ạ.  May mà không phải cái hồi cải cách. Vu là Việt Nam Quốc dân Đảng còn không được toàn mạng ấy chứ ly…

Cái thời nó thế? Có lẽ không có cái thở dài và lời than nào hợp lý hơn?

Trở về Thổ Tang không còn nghề canh cửi nữa mà Tuấn thành anh thợ cày, buôn bán nhì nhằng, tạm sống được. Có điều day dứt là xung phong đi bộ đội mấy lần đều không được…

Tôi cúi xuống ngó kỹ những cuốn sách bên bàn nước và trên kệ. Nhiều vẫn là những cuốn nghiên cứu về Hán tự và thư pháp… Bà vợ ông giọng tự hào: Nhà tôi mê sách lắm. Rảnh ra là nghiên cứu các bác ạ…

Ông Tuấn chỉ tay về phía đôi câu đối mà ông nói viết vào cái dịp trên tổ chức hội thảo về Nguyễn Thái Học và hội thảo nhất trí tôn vinh Nguyễn Thái Học là anh hùng dân tộc.

Vạn cổ công thành danh hiển đại
Thiên thu đức thịnh tính phồn vinh.

Tôi mang máng biết chữ tính trong câu đối của ông Tuấn là chỉ một dòng họ.

Dòng họ Nguyễn của ông.

Bữa ấy do vội mà chúng tôi không ra thắp hương mộ cô Giang chỉ cách nhà ông Tuấn một đoạn ngắn. Được biết qua chuyện ông Tuấn, cô Giang sinh năm 1906, giai đoạn cuối của VNQDĐ cô là Tổng thư ký. Cô đã bám theo chuyến tàu chở Nguyễn Thái Học và các đồng chí lên Yên Bái và ra tận pháp trường xử chém định đánh tháo tù nhân nhưng mưu không thành. Ngày 18/6/1930, sau một ngày Nguyễn Thái Học bị chém, cô Giang đã về Thổ Tang báo hung tin cho gia đình cụ Hách. Sau đó, cô lẳng lặng ra địa điểm gần đình Thổ Tang dùng súng lục tự vẫn. Thực dân Pháp đã phơi thi thể cô 2 ngày mới cho đem chôn.

Xuân Ba

nguồn Internet

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt