BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 Tác giả: LM Cao Văn Luận(3 & 4)

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử.  Dưới đây là bài  “Hy vọng và tỉnh mộng của người Việt Nam tại Pháp – Vua Duy Tân và phong trào Cờ Tự Trị ở Pháp”

[Bấm chuột vào đây đọc chương trước]

Hy vọng và tỉnh mộng của người Việt Nam tại Pháp

Tôi còn nhớ rõ ngày hôm đó, ngày lễ thánh Louis 25-8-1944. Hôm trước vài toán quân đồng minh đã lẻ tẻ tiến vào thành phố Ba-Lê và tàn quân Đức đã rút khỏi Ba-Lê. Vị tướng Đức chỉ huy quân khu Ba-Lê hình như không muốn giao tranh để tránh cho Ba-Lê khỏi bị tàn phá. Những toán quân kháng chiến Pháp bắt đầu nổi lên, săn đuổi những đám tàn quân Đức khắp các ngõ đường. Khu tôi ở, Institut Catholique tương đối yên tĩnh. Nhưng tiếng súng nhỏ từ xa vọng lại, các cha, các thầy từng toán vài người tụm lại bàn tán, kháo tin. Tất cả đều lạc quan. Từ lúc biết được quân đồng minh đã bổ bộ lên Normandie, chúng ta biết chắc sớm muộn quân Đức cũng bại trận.
Điều lo lắng nhất của mọi người là quân Đức phòng thủ Ba-Lê sẽ không chịu rút êm và sẽ chiến đấu liều lĩnh, quân đồng minh bắt buộc phải dùng những phương tiện lớn, như họ đã quen dùng ở nhiều nơi. Như vậy thành phố lịch sử này, với bao nhiêu di tích lịch sử vô giá, sẽ thành tro bụi.
Nhưng rồi một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Sáng sớm ngày 25-8-1944, đài phát thanh của lực lượng giải phóng do tướng De Gaulle lãnh đạo loan tin đoàn quân thiết giáp Pháp, do tướng Leclerc cầm đầu, sẽ tiếp thu Ba-Lê. Lộ trình đoàn quân giải phóng Pháp không được loan báo vì lý do an ninh. Nhưng ai cũng đoán được những con đường lớn mà đoàn quân thiết giáp của tường Leclerc sẽ đi qua. Chẳng hạn khu Arc de triomphe, Champs Élysée, Nhà Ga chính v.v…
Chẳng hiểu nhờ một nguồn tin đặc biệt nào, các cha các thầy ở Institut Catholique biết rằng đoàn thiết giáp của tướng Leclerc sẽ vào cửa Porte D’Orléans. Tôi là một trong số những người hăng hái đến đứng chờ ở đó. Sự chen lấn làm tôi lùi lại phía sau đám đông. Tôi nhớ rõ, đang tìm chỗ cao để nhìn đoàn thiết giáp cắm đầy những lá cờ Pháp những bó hoa của dân chúng Pháp ném mừng, thì một người quen hốt hoảng chạy lại lôi tôi lên hàng đầu.
Đám đông dạt ra người nhường lối cho tôi qua, khi người lôi tôi đi hét to: “Tránh đường, tránh đường, cha đi xức dầu”. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao tôi được lôi ra hàng đầu. Hình ảnh mà tôi ghi nhận được khi bước ra khỏi rừng người là đoàn thiết giáp của tướng Leclerc đã đi chậm lại. Tôi chợt hiểu nguyên nhân khi nhìn vào lề đường và mặt đường.
Một bà phước đã chồm lên hôn một binh sĩ trên thiết giáp lúc chiếc thiết giáp đang di chuyển với tốc độ tuy không nhanh lắm, nhưng cũng khoảng 10 cây số giờ. Bà đã bị kéo ngã, bánh xích sắt của thiết giáo đã nghiến lên bà, tôi mường tượng cảm thấy rằng ánh mắt bà phước còn long lanh, nhấp nháy, má bà còn ấm khi tôi đặt tay lên đó. Tôi làm phép xức dầu thánh và cầu nguyện ngắn ngủi cho bà.
Tai nạn này làm tôi bùi ngùi. Sao mới vui đó, hớn hở đó, mà nay đã nhắm mắt. Trong khu vực quanh xác bà phước, những tiếng reo hò yếu đi đôi chút. Trên mặt đường, vũng máu còn đọng lại. Đoàn thiết giáp chuyển bánh về hướng Ga chính, với tốc độ chậm mà đều. Từ năm năm nay, đây là lần đầu tiên tôi cùng dân chúng Pháp được thấy hình ảnh sức mạnh của nước Pháp.
Tôi cũng chung nỗi hân hoan với dân chúng Pháp. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ sức mạnh này có thể dày xéo lên dân tộc tôi và tôi đã cúi mặt một lúc. Cuộc vui không còn vui được đối với tôi, và tôi đã bỏ về trước đám đông tản mác, trong lúc đoàn thiết giáp của tướng Leclerc vẫn còn kéo dài, những tiếng reo hò vẫn vang dội, những bó hoa vẫn được tung lên ngập đường.
Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn, suy nghĩ nhiều chuyện. Tôi thoáng nhớ đến những cuộc khởi nghĩa trong và sau thế chiến. Và kết quả của nó như thế nào thì mọi người đã biết. Ban nhiêu người Việt Nam thất bại và bị lưu đày thì lịch sử đã ghi. Tôi cũng đã biết được hiện nay ở nước nhà đang có một phong trào khởi nghĩa nhen nhúm, chưa biết do ai cầm đầu và có khả năng, đường lối như thế nào.
Nhưng tôi lo sợ cho họ, cho dân tộc mình. Dù đã bại trận, nhưng sức mạnh quân sự của nước Pháp cũng còn thừa đè bẹp mọi cuộc nổi loạn của dân tộc Việt Nam.
Trong các Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Pháp những người lúc bấy giờ tin tưởng rằng sau chiến thắng nước Pháp sẽ có một chính sách cởi mở hơn đối với các thuộc địa.
Họ dựa vào bài diễn văn của tướng De Gaulle đọc tại Brazzaville 30-1-1944. Lúc tôi có vẻ ngờ vực điều đó, một vài người ca tụng De Gaulle nồng nhiệt, cam đoan rằng tướng De Gaulle là người khôn ngoan, sáng suốt đã từng chịu cái khổ nhục của một kẻ mất nước, chiến đấu để giải phóng tổ quốc mình, ắt hẳn sẽ thông cảm được những đòi hỏi độc lập của dân tộc Việt Nam.
Họ trích đọc nguyên văn cho tôi nghe vài đoạn hứa hẹn quan trọng trong bài diễn văn đó. Chẳng hạn cái đoạn nói rằng nước Pháp có nhiệm vụ phải làm cách nào để các dân tộc tại các lãnh thổ thuộc địa tiến bộ dần đến trình độ có thể tự quản trị. Lại có đoạn chỉ thị cho các quan toàn quyền và Cao ủy các lãnh thổ Pháp quốc hải ngoại phải nghiên cứu và áp dụng những cải tổ cần thiết thích hợp với tình thế mới và nếu cần không do dự trong việc cải tổ cơ cấu cai trị.
Tôi cũng rất muốn hy vọng như họ. Nhưng tôi hiểu rõ người Pháp và nước Pháp hơn họ. Người Pháp có thể nói là rất tốt, rất hồn nhiên, cởi mở dân chủ văn minh.
Nhưng đối với các nước nhược tiểu thì nước Pháp có chính sách riêng của nó, chính sách mà nhiều người Pháp có thể không đồng ý, nhưng vẫn được thi hành.
Nước Pháp đã được giải phóng nhanh chóng. Quân Đức phòng thủ Ba-Lê đầu hàng mà không chiến đấu. Thành phố Ba-Lê không bị tan nát vì bom đạn trong lúc giao tranh.
Các di tích lsa Ba-Lê vẫn được bảo toàn. Có tin đồn rằng sở dĩ Ba-Lê tránh được cảnh điêu tàn là nhờ sự trung gian của một bậc thẩm quyền trong Giáo hội. Cho đến nay điều này vẫn còn là bí mật lịch sử. Không ai hiểu được tại sao. Hình như Đức Tổng Giám Mục thành Ba-Lê đóng một vai trò quan trọng trong vụ này. Cho nên sau khi Ba-Lê được giải phóng, mặc dù nhiều người chỉ trích ngài đã theo chính phủ Vichy và Đức, tướng De Gaulle triệt để ra lệnh tôn trọng ngài, và một chủ nhật tướng De Gaulle đã dự lễ do ngài hành lễ.
Thực ra cho đến nay không ai hiểu nguyên nhân nào đã xui tướng Đức Von Choltitz đầu hàng một cách dễ dàng mà không chiến đấu.
Lịch sử chỉ ghi rằng tướng Choltitz đã đầu hàng sau một cuộc thương thuyết mau chóng với ông Nordling, đại sứ Thụy Sĩ mà chưa chiến đấu và chưa gây cho Ba-Lê một cảnh tàn phá nào.
Những cuộc vui của dân chúng Pháp những ngày sau chiến thắng càng làm cho tôi bùi ngùi.
Nước Pháp chỉ bị chiếm đóng vài năm. Nước Việt Nam tôi đã bị nô lệ mấy chục năm. Nếu được độc lập dân tộc Việt Nam vui sướng đến mực nào. Tôi không bao giờ quên được điều mơ ước đó. Thực ra cái mơ ước cho Việt Nam được độc lập, tự do và tiến bộ đã làm tôi phải bỏ dở luận án tiến sĩ.
Tôi không ân hận gì lắm, mặc dầu đôi lúc hơi tiếc. Nghĩ cho cùng thì lấy thêm vài bằng cấp không chắc gì đã có ích cho tôi, cho sự hiểu biết của tôi bằng những hoạt động chung với anh em sinh viên Việt Nam và các Việt kiều ở Pháp. Tôi hiểu tôi là một linh mục, nhưng là một linh mục Việt Nam. Tôi có bổn phận với Chúa, với Giáo hội nhưng tôi cũng có bổn phận với tổ quốc, với dân tộc.
Tuy ngờ vực sự thành tâm của Pháp trong những hứa hẹn thi hành một chính sách cởi mở và tiến bộ đối với các thuộc địa, tôi vẫn chưa tắt hy vọng, vẫn chờ một phép lạ, và vẫn muốn nghĩ rằng những hoạt động của anh em sinh viên và Việt kiều, góp thêm vào những cuộc đấu tranh tại nước nhà sẽ giúp ích cho việc tranh thủ độc lập.
Cho nên tôi vẫn tiếp tục qua lại với các tổ chức sinh viên và Việt kiều như trước. Mọi người đều nuôi một ý thức khẩn trương và hăng hái hoạt động, có điều họ không nắm rõ chiều hướng hoạt động. Chỉ có một việc làm cụ thể nhất mà chúng tôi cố gắng là tập hợp, liên kết và tổ chức những sinh viên và Việt kiều trong khu vực Ba-Lê, hy vọng gây được một thanh thế.
Những hoạt động của tôi và các sinh viên Việt kiều tại khu Ba-Lê trong thời gian này thì có nhiều người biết, nên tôi thiết tưởng không nhắc đến nhiều làm gì.
Tôi chỉ xin kể lại một vài câu chuyện mà tôi cho là có ý nghĩa đặc biệt đã ghi đậm hơn vào trí nhớ tôi. Chẳng hạn mấy lần gặp gỡ với cựu hoàng đế Duy Tân, tức là thái tử Vĩnh San.

Vua Duy Tân và Phong Trào “Cờ Tự Trị” tại Pháp

Vua Duy Tân lên ngôi khi còn bé

Vua Duy Tân lên ngôi khi còn bé

Tôi đứng lên, mở cửa. Trước ngưỡng cửa hiện ra một người đàn ông Việt Nam khoảng 40 hay 45 tuổi, cao lớn, hơi gầy, tai lớn, khoác chiếc áo lạnh dày, khuôn mặt ông hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi cố moi trong trí nhớ xem có người quen biết nào lâu năm không gặp lại, nay đến tìm tôi, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy một nét quen thuộc nào. Tôi nhìn người đàn ông lạ chờ đợi. Ông ta chậm chạp cởi chiếc áo khoác, máng lên móc. Bấy giờ tôi thấy bên trong, ông mặc quân phục Pháp, mang cấp bậc chuẩn úy bộ binh Pháp.
Sau này nước Pháp được giải phóng, những người lính Việt Nam mang cấp bậc sĩ quan Pháp khá nhiều. Cho nên quân phục và cấp bậc không làm cho tôi nhớ lại điều gì.
Có thể đây là một người vừa từ các trại tù binh Đức được giải thoát. Có thể từ đoàn quân thuộc địa Pháp được đem vào giải phóng mẫu quốc.
Người đàn ông lạ tự giới thiệu:
– Thưa cha, tôi là Vĩnh San.
Tôi lẩm bẩm, và trong đầu óc cố moi móc ra những cái tên Hoàng phái:
– Vĩnh San… Vĩnh San…
– Xin lỗi ngài, trong Hoàng phái có quá nhiều chi, nào là Bửu, Vĩnh… nên tôi không nhớ…
Người tự xưng là Vĩnh San mỉm cười:
– Thưa cha, có lẽ nếu tôi nói đến một cái tên thứ hai của tôi thì cha sẽ nhớ lại được. Thưa cha, ngày xưa tôi là hoàng đế Duy Tân.

Vua Duy Tân thời thanh niên

Vua Duy Tân thời thanh niên

Tôi giật mình, nhìn người đàn ông hơi kỹ hơn, rồi do lòng kính phục tự nhiên mà bao nhiêu năm ôm ấp huyền thoại về một vị vua trẻ tuổi, anh hùng đã tạo ra, tôi quì phục xuống theo nghi lễ triều yết:
– Hân hạnh được ra mắt ngài.
Nhưng cựu hoàng Duy Tân, hay Thái tử Vĩnh San vội vàng đỡ tôi dậy, cười tươi tắn, và kéo tôi vào ghế ngồi đối diện nhau:
– Xin cha đừng nhắc nhiều đến chuyện cũ. Tôi đến đây chính ra để thưa với cha những chuyện hiện tại, nhờ cha giúp cho về vài chuyện hiện tại.
– Nếu có thể giúp được việc gì tôi xin sẵn sàng, nhưng xin hỏi ngài một câu: làm sao ngài biết tôi, biết địa chỉ tôi mà đến tìm?
– Cha khiêm tốn quá không để ý đó thôi. Danh tiếng cha trong giới Việt kiều ở hải ngoại đâu cũng biết. Khi đến Ba-Lê, đã có người giới thiệu với tôi rằng nếu muốn đi vào giới Việt kiều ở đây, thì hãy tìm gặp cha Cao Văn Luận. Tôi tìm gặp cha cũng vì chuyện đó.
– Xin lỗi ngài, cho tôi hỏi thêm một câu để thỏa tính tò mò: hiện nay tình trạng của ngài ra sao?

Vua Duy Tân phục vụ quân đội Pháp

Vua Duy Tân phục vụ quân đội Pháp

Cựu hoàng Duy Tân châm thuốc hút, nhìn mơ màng trả lời:
– Bây giờ thì như cha thấy, tôi là một chuẩn úy trong quân đội Pháp. Ngay sau lúc nghe tin tướng De Gaulle lập lực lượng kháng chiến FFI (Forcés France caises de l’Intérieur) tôi đang bị giam ở đảo La Réunion lập tức xin gặp quan toàn quyền Pháp ở đó, và yêu cầu được gia nhập lực lượng kháng chiến chống Quốc Xã Đức và họ cho tôi đến Madagascar. Lời yêu cầu của tôi được thỏa mãn. Có lẽ vì họ muốn dùng tôi để lôi cuốn mấy ngàn Việt kiều ở Madagascar và dân Việt Nam ở nước nhà về phe kháng chiến chống Đức. Tôi được mang cấp bậc chuẩn úy, như ngài thấy. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta giúp nước Pháp trong hoạn nạn, hay ít ra tỏ lòng hào hiệp với nước Pháp trong lúc đó, thì có thể gây cho họ sự kính nể đối với ta, về sau họ phải nghĩ lại nhiều hơn khi tái chiếm Đông Pháp.
– Có thể hành động của ngài đúng nhưng chuyện về sau chưa biết thế nào.
– Đành vậy. Chuyện về sau thì bây giờ tôi đang lo đây. Lúc rời Madagascar, các Việt kiều, các sinh viên Việt Nam du học ở Pháp thì không có cách nào hay hơn là tìm gặp cha. Cha rất được kính nể và quen biết rất nhiều trong giới Việt kiều ở đây
Tôi có phần cảm động vì sự tin tưởng của các Việt kiều, cũng như của Cựu hoàng Duy Tân, tôi thú nhận là từ khi sang Ba-Lê, một phần lớn thì giờ của tôi đã được dành để tiếp xúc, sinh hoạt, hoạt động với các anh em sinh viên Việt Nam du học, các Việt kiều, các lính thợ ở lại Pháp sau đệ nhị thế chiến. Những Việt kiều tại Ba-Lê, tôi đã tụ tập họ vào một hội Việt kiều công giáo Ba-Lê, và sau này trở thành giáo xứ Việt Nam tại Ba-Lê. Tôi không hiểu được tư tưởng, mưu định của nhà vua. Trong câu chuyện trao đổi đêm hôm vua Duy Tân chỉ nói những chi tiết, những giai thoại về đời sốngvk ở Madagascar. Tôi cũng chưa dám hỏi kỹ lưỡng, vì nghĩ rằng nếu người ta muốn nói thì không cần hỏi cũng nói, nếu muốn dấu thì hỏi họ lại càng dấu kín.
Câu chuyện trở lại việc vua Duy Tân muốn tiếp xúc với các Việt kiều, các đoàn thể Việt Nam ở Pháp. Tôi thưa với ngài:
– Chuyện đó thì tôi có thể giúp ngài được. Tôi xin đề nghị là ngài nên tìm một cơ hội gặp chung một số sinh viên, trí thức ưu tú trước, sau đó tùy nhận xét của ngài, tùy mối thiện cảm của ngài gây ra được, ngài sẽ tiếp xúc riêng với từng người thì tiện hơn.
Vua Duy Tân gật gù, tán đồng ý kiến đó:
– Mọi việc xin nhờ cha thu xếp.
Tôi hỏi địa chỉ ông ta và hẹn một tuần sau sẽ mời ông đến tham dự một buổi tiếp tân khiêm tốn do các hội đoàn Việt kiều tổ chức để đón mừng ông. Tiễn ông vua cũ mà tôi chỉ nhớ qua những huyền thoại, ra khỏi cửa, lòng tôi bùi ngùi thương nhớ. Cuộc nổi loạn của vua Duy Tân tuy thất bại, nhưng tiếng vang đã thức tỉnh dân chúng Việt Nam, đã nuôi dưỡng được ý chí quật cường của dân tộc trong bấy lâu nay. Trong lần gặp gỡ này, tôi chưa hiểu được vua Duy Tân có còn là vị vua anh hùng ngày xưa, dám đem ngai vàng thách đố với một cuộc phiêu lưu vô vọng.
Tôi chỉ ghi nhớ một việc khá rõ trong câu chuyện đêm hôm đó: vua Duy Tân muốn trở lại hoạt động chính trị. Theo chiều hướng nào thì tôi chưa được biết. Nhưng tôi nghĩ cái chí nguyện đó rất đáng kính phục và giúp đỡ.
Mỗi người phải được một cơ hội để làm lại, để đem những khôn ngoan, kinh nghiệm học được trong thất bại, trong gian khổ, thử thách một lần nữa. Vì những ý nghĩ như vậy, tôi khá hăng hái lo việc tập họp các sinh viên trí thức Việt Nam tại Ba-Lê và các Việt kiều ưu tú.

[Bấm chuột vào đây đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt